Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Saturday, 30 March 2019


Thêm một lần chiến tranh du kích nữa, VN sẽ về đâu?


21

Chiến tranh du kích. Ảnh mang tính minh họa từ Internet
VN có lịch sử về sự chia cắt và chia rẽ. Bị chia cắt và bị chia rẽ. Tiêu biểu như bài thơ nổi tiếng Hận Sông Gianh thời Trịnh-Nguyễn phân tranh.
Đây sông Gianh nơi biên cương thống khổ.
Đây sa trường, đây nấm mộ trời Nam
Đây dòng sông dòng máu Việt còn loang
Đây cổ độ xương tàn xưa chất đống
Sông còn đây hận phân ly nòi giống
Máu còn đây cơn ác mộng tương tàn…”
Và cơn ác mộng đó còn đang diễn ra hàng ngày! Đặc biệt một số người mới đây cổ xúy chủ trương dùng “du kích chiến để giải thể chế độ CSVN” vì “phương pháp bất bạo động đã thất bại hoàn toàn”!
Thử lướt qua lịch sử:
Danh xưng “Đàng Trong – Đàng Ngoài” tự nó đã nói lên sự khác biệt. Đàng Ngoài thuộc triều đình, Đàng Trong vốn là những “tội phạm của triều đình” chạy trốn, phải thay tên, đổi họ. Như vậy gốc gác Bắc Nam đã có sự khác biệt. Đàng Ngoài chịu ảnh hưởng nặng văn hóa phương Bắc. Đàng Trong, từ thời Pháp đô hộ, chịu ảnh hưởng văn hóa phương Tây nhiều hơn.
Nam kỳ “thuộc địa”, Bắc kỳ “chính thống”.
Thời chiến tranh trước 1975 đảng CSVN tự mình chính thống hóa với Tàu cộng (TC) thể hiện rõ qua phong cách và trang phục của lãnh tụ cũng như nhạc của đài Tiếng Nói VN. Được TC nuôi dưỡng nên càng “chính thống” hơn nữa. Thêm vào đó là loại ngôn ngữ “ngụy quân, ngụy quyền, tay sai, bán nước” cứ ra rả ngày đêm nên, không nhiều thì ít, từ tâm thức người phía Bắc cũng coi thường người phía Nam. Quan niệm đó được chính ông Nguyễn Phú Trọng nói gọn: “Miền Bắc có lý luận nên giữ chức Tổng Bí thư”!
Hiệp định Geneve 1954 chia đôi lãnh thổ ở vĩ tuyến 17 do sự dàn xếp của cường quốc nhưng đầu sỏ là TC. Vì nếu VN độc lập, thống nhất thì không những nguy hiểm về ranh giới địa chính (Tư do – Cộng sản) mà còn nguy hiểm đến chủ trương đại Hán đã có từ hàng ngàn năm trước. Điển hình thời đại Tập Cận Bình với chiến lược “Vành đai và Con đường”!
Ông Hồ Chí Minh và đảng CSVN đã thể hiện đúng với chủ trương chia rẽ người VN của TC! Cuộc nội chiến cốt nhục tương tàn 20 năm (1954-1975) với những câu nói đại loại như “dẫu có đốt cháy cả dãy Trường sơn…” hay “trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” đã xác nhận sự bất chấp thời gian và máu xương miễn là đạt được mục đích. Trên thực tế, chỉ cần nói đến “có nợ máu” cũng đã là nan đề lớn huống gì cảnh núi xương sông máu thì làm sao hàn gắn dễ dàng được? Do đó ông Võ Văn Kiệt mới nói “có triệu người vui và cũng có triệu người buồn”.
Bây giờ, “vì đấu tranh bất bạo động đã hoàn toàn thất bại và Mỹ đang vỗ béo VN nên muốn giải thể chế độ cộng sản chỉ còn cách tố giác chính phủ Mỹ và tổ chức chiến tranh du kích”? Phải khủng bố, ám sát, bắt cóc, thủ tiêu, đặt mìn, đắp mô… như Việt cộng đã làm? Bất chấp điều mà thế giới và chính “chúng ta” từng lên án?
Không cần nói đến ai sẽ hỗ trợ súng đạn, kinh phí để nuôi dưỡng chiến tranh lâu dài trong lúc trào lưu thế giới là chống bạo động (!) … Không cần nói đến việc máu xương chắc chắn sẽ đổ ra còn nhiều hơn cuộc chiến trước 1975 vì bản chất ngoan cố và sắt máu của CS. Và cũng không cần nói đến thực tế chưa có nước nào chiến thắng CS bằng chiến tranh du kích cả! Nhưng CS sụp đổ vì sự không tưởng là tất yếu và xuất phát từ yếu tố mâu thuẫn nội tại. Liên Xô, CS Đông Âu là ví dụ.
Nhưng, cứ coi như “chúng ta dùng chiến tranh du kích đã giải thể được chế độ CSVN” (!) thì kết quả ra sao?
Câu trả lời cụ thể và dễ nhất là cứ xem hậu quả sờ sờ trước mắt của cuộc chiến huynh đệ tương tàn trước 1975! Đã 44 năm dài đằng đẵng trôi qua, nhân tâm ly tán và chia rẽ vẫn trầm trọng mà chưa có dấu hiệu nào có thể hàn gắn được!
Như lịch sử đã chứng minh, mọi người đều biết, ai là người chủ trương chia rẽ và bất chấp máu xương của người VN để thực hiện chiến lược lâu dài tằm ăn dâu của họ? Ai là người mãi mãi vẫn thèm khát mảnh đất mà tổ tiên của chúng ta đã dày công xây đắp và gìn giữ cả ngàn năm?
Câu trả lời không khó nếu không muốn nói là quá dễ!
(5/3/2019)
Kông Kông
 https://www.danchimviet.info/them-mot-lan-chien-tranh-du-kich-nua-vn-se-ve-dau/03/2019/14089/

No comments:

Post a Comment