Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Saturday, 24 August 2019

Đối sách nào cho Việt Nam trong vụ bãi Tư Chính


“Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông..."
Thiện Ý

Chúng tôi lần lượt trình bày tóm lược diễn biến vụ việc Bãi Tư Chính và đưa ra nhận định về đối sách của nhà đương quyền Việt Nam, sẽ là nội dung bài viết này.
I - DIỄN BIẾN VỤ VIỆC BÃI TƯ CHÍNH
Vụ việc khởi sự khi vào ngày 3-7-2019 và trước đó, tàu thăm dò "Hải Dương Địa Chất 8" và các tàu hộ tống cảnh sát biển của Trung quốc đã xuất hiện gần Bãi Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa, trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Sự thể này đã dẫn đến một cuộc đối đầu căng thẳng giữa các tàu của lực lượng hải cảnh Việt Nam và Trung Quốc trong mấy tuần qua vẫn đang tiếp diễn, ở nơi mà một công ty của Nga đang thực hiện hoạt động thăm dò dầu khí tại Lô 06.1 của Việt Nam ở Biển Đông theo hợp đồng ký với Việt Nam. Đó là công ty Rosneft của Nga thuê giàn khoan Hakuryu-5 của Công ty Khoan thăm dò Nhật Bản (JDC). Điều này làm người ta nhớ lại một vụ đối đầu căng thẳng khác vào năm 2014 liên quan đến một giàn khoan của Trung Quốc (Hải Dương 981 ) xâm phạm chủ quyền lãnh hải phía tây bắc Hoàng Sa của Viêt Nam, gây nên biểu tình bạo động của dân chúng lan rộng khắp Việt Nam.
Thông tin về vụ “đối đầu” căng thẳng giữa các lực lượng hải cảnh của Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu xuất hiện trên truyền thông quốc tế và mạng xã hội từ ngày 12/7, sau khi tờ the South China Morning Post dẫn nguồn tin từ nhà nghiên cứu về hải quân Trung Quốc của Mỹ, Ryan Martinson, dựa trên các dữ liệu theo dõi hàng hải. Theo nguồn tin này, 6 tàu hải cảnh, gồm 2 tàu của Trung Quốc và 4 tàu của Việt Nam, được trang bị kỹ càng đã “vờn nhau” trong suốt một tuần qua khi Bắc Kinh đưa tàu Hải Dương Địa Chất 8 vào khảo sát địa chất gần Bãi Tư Chính, thuộc đặc quyền kinh tế và do Việt Nam kiểm soát ở Biển Đông.
Theo Ông Ryan Martinson, chuyên gia về hải quân Trung Quốc của Trường Hải Chiến Hoa Kỳ cho biết, rằng tính tới ngày 23/7, các tàu hải cảnh của Trung Quốc “vẫn hoạt động gần giàn khoan dầu của Nhật ở phía tây Bãi Tư Chính”, trong khi tàu Haiyang Dizhi 8 “tiếp tục tiến hành khảo sát địa chấn tại Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam ở phía tây quần đảo Trường Sa”.
Tình trạng tiếp tục căng thẳng hiện nay, là vì Trung Quốc tiếp tục khẳng định chủ quyền nơi đang có tranh chấp, căn cứ trên “bản đồ 9 đoạn” tự vẽ, dù đã bị Tòa án Quốc tế phủ nhận giá trị pháp lý cũng như thực tế trong bản án Philippine kiện Trung Quốc mấy năm trước đây (2013-2016). Vì thế, theo cách “vừa ăn cướp vừa la làng”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng, tại cuộc họp báo hôm 17/7, yêu cầu Việt Nam “nghiêm túc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đối với các vùng lãnh hải liên quan và không có bất kỳ hành động nào làm phức tạp tình hình”.
Trong khi Việt Nam vẫn luôn xác nhận có đủ bằng chứng lịch sử, pháp lý và thực tiễn về chủ quyền của Việt Nam tại Bãi Tư Chính cũng như trên các vùng biển đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Vì thế, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã mạnh mẽ cáo buộc nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung quốc đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông. Hà Nội cũng nói đã trao công hàm phản đối cho Bắc Kinh và khẳng định lực lượng chấp pháp sẽ tiếp tục “triển khai nhiều biện pháp phù hợp” nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam. Trả lời báo chí trong cuộc họp báo ngày 19/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói: “Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên”.
II - ĐỐI SÁCH CỦA VIỆT NAM?
Theo nhận định của chúng tôi, đối sách của Việt Nam đi từ dè dặt lúc đầu, đến thái độ và lời nói mạnh bạo sau đó, nhưng vẫn tỏ ra mềm dẻo trong hành động đối ứng thực tế để tránh một cuộc đụng độ quân sư không cân sức, bất lợi cho Việt Nam.
1 - Vì dè dặt lúc đầu, vốn là cách ứng xử bao lâu nay của nhà cầm quyền Việt Nam, nên người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khi lên tiếng tố cáo hành động xâm phạm chủ Việt Nam gần Bãi Tư Chính, đã không dám chỉ đích danh Trung Quốc, (như trước đây từng tránh né không giám tố cáo đich danh tàu Trung quốc đâm chìm tàu đánh bắt cá và sát hại ngư dân Việt Nam, mà chỉ gọi là “Tàu lạ”). Trả lời câu hỏi của truyền thông hôm 16/7, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ nói chung chung có tính nguyên tắc, rằng "Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và các nước ở Biển Đông đều là thành viên. Do đó, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của UNCLOS, pháp luật Việt Nam.”
2 - Thế nhưng chỉ ba ngày sau, Việt Nam đã có thái độ và lời nói mạnh bạo và cứng rắn. Qua cuộc họp báo ngày 19-7-2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đưa ra chỉ trích sắc bén hơn bằng cách nêu đích danh Trung Quốcđã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam” trong khu vực Biển Đông. Trả lời báo chí trong cuộc họp báo này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Thị Thu Hằng nói: “Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên…”.
Những động thái trên được đánh giá là hiếm hoi trong những phản ứng chính thức của Việt Nam đối với những hành động được cho là “khiêu khích” của Trung Quốc trong những năm gần đây. Theo nhận định của chúng tôi, động thái hiếm hoi này có lẽ là do Việt Nam đã đo lường trước được một sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Hoa Kỳ, do chính sách “Xoay trục đối ngoại” tịnh tiến về phía Hoa Kỳ mà thực tế đã có những dấu hiệu trao đổi song phương về ngoại giao và quân sự khả tín, nhất là các hoạt động cụ thể trong những tháng gần đây trong nỗ lực đi từ hợp tác toàn diện đến hợp tác chiến lược toàn diện(như chúng tôi đã trình bày chi tiết trong bài viết mới đây trên diễn đàn này).
Chẳng thế mà, chỉ một ngay sau tuyên bố cứng rắn của Việt Nam, Hoa Kỳ đã mau chóng lên tiếng bảo vệ Việt Nam. Ngày 20-7-2019 Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra một Thông báo khá dài cho thấy một sự ủng hộ gần như rõ ràng đối với Việt Nam trong một tranh cãi gay gắt với nước láng giềng và thể hiện lập trường mạnh mẽ của Mỹ về vụ việc được nói là tàu Trung Quốc cản trở hoạt động dầu khí của các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Nội dung Thông báo này, đã lên án Trung Quốc bằng những lời lẽ đanh thép, cáo buộc nước này có “hành vi bắt nạt” và “làm suy yếu hòa bình và an ninh khu vực” giữa lúc tàu khảo sát địa chất của Trung Quốc tiếp tục hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở phía nam Biển Đông.
Thông báo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ có đoạn viết “Việc Trung Quốc cải tạo và quân sự hóa các tiền đồn đang tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa, cùng với những nỗ lực khác để khẳng định các yêu sách hàng hải bất hợp pháp ở Biển Nam Trung Hoa, bao gồm việc sử dụng dân quân hàng hải để hăm dọa, cưỡng ép và đe dọa các quốc gia khác, làm suy yếu hòa bình và an ninh của khu vực…”
Và rằng “Mỹ kiên quyết phản đối sự cưỡng ép và đe dọa của bất kì nước tuyên bố chủ quyền nào nhằm khẳng định các yêu sách lãnh thổ hoặc hàng hải của mình.
“Trung Quốc nên chấm dứt hành vi bắt nạt và kiềm chế thực hiện loại hoạt động khiêu khích và gây bất ổn này…”
Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Bosten hôm thứ Sáu 18-7 cũng viết trên Twitter với ý tương tự nhắm vào Trung Quốc dù không nhắc cụ thể tới vụ tranh chấp với Việt Nam, rằng “Hành vi cưỡng ép của Trung Quốc đối với các nước láng giềng Đông Nam Á là phản tác dụng và đe dọa hòa bình & ổn định trong khu vực…”. Đồng thời trên thực tế, Tư lệnh Tuần duyên Mỹ Karl L. Schultz cũng nhấn mạnh với báo chí hôm 23/7 rằng Tuần duyên Mỹ (USCG) tiếp tục quan hệ hợp tác với Cảnh sát biển Việt Nam và tái khẳng định cam kết lâu dài đối với an ninh khu vực trong bối cảnh tình hình Biển Đông tiếp tục phức tạp. Ông nói “Chúng tôi đang hợp tác rất chặt chẽ với Việt Nam và Hà Nội đã tăng cường sức mạnh của lực lượng cảnh sát biển lên rất nhiều.
Mặt khác, phản ứng mạnh bạo bất thường của Việt Nam còn là do đánh giá được phản ứng của Trung Quốc bị hạn chế bởi vùng tranh chấp lần này ở một vị trí đang có một công ty khai thác dầu khí của Nga với kỹ thuật khai thác dầu khí của một công ty Nhật. Vì thế, Trung Quốc không dám hung hăng ra tối hậu thư như vài năm trước đây, đã ép buộc Việt Nam không được để cho công ty Epson của Tây Ban Nha tiếp tục hợp đồng khai thác dầu khí ở một lô nằm trong thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Mặc dầu cho đến lúc này, chính phủ Nga vẫn giữ im lặng. Nhưng theo nhận định của Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, Nga không lên tiếng, nhưng sẽ không bao giờ rút giàn khoan như công ty khai tháp dầu khí của Tây ban Nha, mà sẽ khai thác cho đến khi hết cạn túi dầu. Ông nói với VOA, rằng “Có thể khẳng định rằng người Nga có nói gì hay không nói gì thì doanh nghiệp Nga đó chỉ rút về khi hết dầu, hết khí thôi. Tức là họ sẽ không rút. Người Nga khai thác ở vùng biển Việt Nam từ năm 1978. Người Nga người ta rất hiểu luật. Họ có tuyên bố, có nói gì hay không, cũng không thay đổi hiện trạng là công ty Rosneft và công ty khác của Nga không bao giờ người ta rút cả”.
Chính vì những yếu tố có được trong quan hệ với Hoa Kỳ và sự có mặt của hai công ty Nga, Nhật nơi vùng đang tranh chấp, cũng như biết được hành động ngang ngược của Trung Quốc mang tính thăm dò phản ứng các bên có liên quan, Việt Nam đã quốc tế hóa được việc giải quyết tranh chấp đa phương, đo lường được mức độ phản ứng của Trung Quốc nên mới dám tỏ thái độ cương quyết, mạnh bạo như thế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trong cuộc họp báo ngày 19-7 nói “Duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế,” Và “Do đó, Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này."
3 - Tuy nhiên Việt Nam vẫn tỏ ra mềm dẻo trong hành động đối ứng thực tế để tránh một cuộc đụng độ quân sự không cân sức với Trung Quốc, bất lợi cho Việt Nam.
Cung cách đối ứng mềm dẻo này, đã được người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam lặp lại chủ trương của Việt Nam từ trước tới giờ là giải quyết tranh chấp, bất đồng, bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước quốc tế về Luật Biển (UNCLOS). Trong vụ giai quyết tranh chấp hiện hiện nay trên thực tế, người phát ngôn nói là Việt Nam đang theo đuổi các kênh ngoại giao, vận động quốc tế. Nhưng không rõ có nối tiếp hành đồng pháp lý là kiện Trung Quốc trước Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) như Philippine đã khởi kiện năm 2013 và thắng kiện Trung Quốc năm 2016. Mặc dầu phán quyết này không buộc được Trung Quốc thi hành và cơ quan tài phán này cũng không thể có biện pháp cưỡng hành. Thế nhưng ít ra cũng có thêm bằng chứng pháp lý trong hồ sơ bảo vệ chủ quyền biển đảo thuộc hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam để trong tương lai, khi có thời cơ thuận lợi, sẽ đòi lại các đảo bị Trung Quốc cưỡng đoạt bằng giải pháp pháp lý.
Bên lề Hội nghị Biển Đông thường niên lần thứ 9 do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tổ chức ở Washington D.C. hôm 24/7 bà Bonnie Glaser, Giám đốc Chương trình Sức mạnh Trung Quốc tại CSIS, đã trả lời VOA về làm sao Việt Nam có thể ngăn ngừa những vụ xâm phạm tương tự như thế trong tương lai, bà nói ‘khởi sự kiện Trung Quốc sẽ là một bước đi rất hay’. Và rằng “Đó sẽ là một bước đi rất quan trọng và tôi sẽ không đánh giá thấp tác động của nó (đối với Trung Quốc) ”.
III - KẾT LUẬN
Trước hành động ngang nhiên đưa tàu thăm dò "Hải Dương Địa Chất 8" và các tàu hộ tống cảnh sát biển của Trung quốc vào gần Bãi Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa,trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.Đối sách của Việt Nam đi từ dè dặt lúc đầu, đến thái độ và lời nói mạnh bạo sau đó, nhưng vẫn tỏ ra mềm dẻo trong hành động đối phó thực tế để tránh một cuộc đụng độ quân sư không cân sức, bất lợi cho Việt Nam.
Nhưng hiệu quả của đối sách này thế nào: liệu Trung Quốc có rút êm các tàu của họ vô điều kiện hay có điều kiện gì? Hay trong tình thế căng thẳng hiện nay liệu có dẫn đến nguy cơ nổ súng như Ts Hà Hoàng Hợp lo ngại“Sẽ đến lúc mà không kiềm chế được là sẽ có bắn nhau. Nó sẽ xảy ra như thế nếu như người Trung Quốc trong thời gian tới không rút…”. Tất cả đều ở phía trước, chúng ta hãy chờ xem, hiệu quả thực tế không lâu lắm đâu.
Thiện Ý
Houston, ngày 25-7-2019

 https://www.voatiengviet.com/a/bai-tu-chinh-doi-sach-nao-cho-viet-nam/5016999.html

No comments:

Post a Comment