Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday 29 August 2019

Vài kỷ niệm với giáo sư Dương Thiệu Tống

05/09/2008 08:24 GMT+7

TT - Tôi gặp GS Dương Thiệu Tống lần đầu vào năm 1993, lúc tôi đang làm vụ trưởng Vụ Đại học, Bộ Giáo dục - đào tạo. Khi nhận thức được rằng việc sử dụng các phương pháp đánh giá kết quả học tập của các trường đại học nước ta còn quá thô sơ và yếu kém, tôi muốn “tầm sư học đạo” về lĩnh vực này nhằm chỉ đạo cải tiến hệ thống đó.

qAKQVpd2.jpg
GS Dương Thiệu Tống - Ảnh: T.T.D.
TT - Tôi gặp GS Dương Thiệu Tống lần đầu vào năm 1993, lúc tôi đang làm vụ trưởng Vụ Đại học, Bộ Giáo dục - đào tạo. Khi nhận thức được rằng việc sử dụng các phương pháp đánh giá kết quả học tập của các trường đại học nước ta còn quá thô sơ và yếu kém, tôi muốn “tầm sư học đạo” về lĩnh vực này nhằm chỉ đạo cải tiến hệ thống đó.
Tôi cất công lần theo các trường đại học và viện nghiên cứu giáo dục từ Bắc vào Nam mà chẳng tìm được ai am hiểu sâu sắc về lĩnh vực này. Nghe tin GS Dương Thiệu Tống là người đã được cấp bằng Ed. D. (tiến sĩ giáo dục) về lĩnh vực đo lường trong giáo dục từ Columbia University, một trường đại học nổi tiếng của Mỹ, tôi tìm đến nhà ông.
Sau khi tôi bày tỏ nguyện vọng nhờ ông hướng dẫn tìm hiểu lĩnh vực khoa học này, ông tâm sự với tôi rằng từ cuối thập niên 1960 ông đã thấy khoa học về đo lường trong giáo dục là hết sức quan trọng cho nền giáo dục của một quốc gia nên ông quyết tâm sang Mỹ để học về lĩnh vực này. Ông nhận bằng Ed. D. vào năm 1968, sau đó về nước hoạt động ở nhiều cơ sở giáo dục khác nhau. đặc biệt ông nhắc nhiều đến những cải tiến về đánh giá của ông ở Trường trung học kiểu mẫu Thủ Đức và việc khởi sự đào tạo cao học về khoa học đo lường trong giáo dục tại Đại học Sư phạm Sài Gòn.
Sau khi Sài Gòn được giải phóng năm 1975, nhiều bạn bè khuyên ông nên ra nước ngoài nhưng ông quyết tâm ở lại, vì ông quan niệm rằng nền giáo dục của một nước Việt Nam độc lập rất cần khoa học về đo lường trong giáo dục và cần những chuyên gia như ông.
Giáo sư kể với tôi: năm 1975 khi làm việc tại Đại học Sư phạm Sài Gòn, ông dành nhiều thời gian cặm cụi viết một tập giáo trình dày 500 trang về lĩnh vực đo lường trong giáo dục, trao tập giáo trình viết tay duy nhất đó cho phòng giáo vụ nhà trường và đề nghị “in ra để các giảng viên trẻ học tập”. Sau khi chờ đợi hàng năm trời không thấy động tĩnh, ông lên phòng giáo vụ hỏi lại thì mọi người chia nhau lục lọi khắp nơi và... “xin lỗi, không còn tìm thấy bản thảo”(!).
GS nói với tôi: “Qua sự việc đó tôi biết “các ông” không cần đến khoa học này, và tôi đã từ giã nó, hiện nay tôi đang nghiên cứu về trống đồng”. Nghe câu nói của GS tôi hết sức xấu hổ, vì lúc đó tôi gặp GS với tư cách người đại diện cho bộ, tức là cho Nhà nước. Tôi phải xin lỗi GS vì “sự sơ suất do kém hiểu biết” của anh em cán bộ trẻ, và xin GS cố gắng viết cho vài cuốn sách về lĩnh vực này, tôi sẽ chịu trách nhiệm in, để chẳng những anh em giảng viên trong Đại học Sư phạm TP.HCM, mà trong mọi trường đại học của cả nước được học tập. GS rất vui vẻ nhận lời đề nghị của tôi, sau đó ông đã tiếp tục nghiên cứu về lĩnh vực khoa học đo lường trong giáo dục và rất tích cực viết sách.
Đến nay GS Dương Thiệu Tống đã viết được hai cuốn sách về lĩnh vực đo lường trong giáo dục và hai cuốn sách khác về phương pháp nghiên cứu giáo dục bằng thống kê toán học. Ngoài ra GS còn viết một số sách nghiên cứu về giáo dục thời Lạc Việt, về văn thơ Dương Khuê, Dương Lâm và các lĩnh vực khác.
Từ khi gặp ông và tiếp cận với khoa học về đo lường trong giáo dục, tôi chẳng những thấy được tầm quan trọng của khoa học này và còn cảm nhận được vẻ đẹp nội tại của nó, do đó tôi đã say mê tìm hiểu nghiên cứu sâu về nó và trở thành chuyên gia về khoa học này... từ lúc nào không biết. Khi đọc tài liệu và tiến hành nghiên cứu về khoa học này, nếu có vướng mắc gì tôi thường gọi điện và email hỏi ông hoặc hỏi các giáo sư mà tôi có dịp làm quen ở Úc và Mỹ.
Trong những năm gần đây GS Dương Thiệu Tống thường tâm sự với tôi là ông đã “rửa tay gác kiếm”, tuy nhiên ông vẫn hay phát biểu nhiều ý kiến rất sâu sắc về giáo dục trên báo chí.
Đầu năm 2007, sau khi tôi hướng dẫn các kỹ sư trẻ xây dựng thành công phần mềm phân tích câu hỏi trắc nghiệm, đặt tên là VITESTA, tôi báo tin cho ông biết, ông hết sức vui mừng và bày tỏ mong muốn được tôi trình bày cho ông xem. Do vậy sau đó, cách đây hơn một năm, tôi đã sắp xếp để vào TP.HCM gặp ông và trình bày các thí dụ phân tích kết quả trắc nghiệm cho ông xem ngay tại nhà ông. Ông vô cùng thích thú. Ông khuyên tôi phải tập trung viết sách để phổ biến lý thuyết và công nghệ trắc nghiệm, đặc biệt là trắc nghiệm hiện đại, vì thời ông đi học ở Mỹ trước năm 1970 lý thuyết này chưa ra đời.
Ngôi nhà của GS Dương Thiệu Tống nằm trong một hẻm rất nhỏ quanh co trên phố Lê Văn Sĩ, TP.HCM. GS sống rất đạm bạc nhưng bao giờ cũng vui vẻ. GS tự cho là mình rất may mắn vì được đi học đầy đủ, lại học ở một trường đại học nổi tiếng về giáo dục ở Mỹ. GS rất vui vì có rất nhiều học trò thành đạt, và các học trò thành đạt của GS đã không quên thầy.
Lần cuối cùng tôi được gặp GS Dương Thiệu Tống tại TP.HCM là vào tháng ba năm nay, khi tôi đem tặng GS cuốn sách Trắc nghiệm và ứng dụng của tôi mà GS là người đã khuyến khích tôi viết và cũng là người viết lời bạt cho cuốn sách. GS rất vui nhận được cuốn sách của tôi, tươi cười chúc mừng tôi. Tôi không ngờ đó là lần cuối cùng tôi được gặp GS. Xin vĩnh biệt GS Dương Thiệu Tống kính yêu, và cầu mong cho linh hồn của GS, một nhà giáo dục yêu nước đầy tâm huyết, thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng!
Mấy năm qua vì sức yếu, GS Dương Thiệu Tống ít hoạt động nhưng ông vẫn quan tâm đến thời cuộc, đặc biệt quan tâm nhiều về giáo dục. Ông đã phát biểu rất nhiều ý kiến xác đáng, nhưng đôi khi ông cũng nói với tôi bằng một giọng buồn rầu: “Tôi nói nhưng người ta có muốn nghe đâu!”. Ông thường trăn trở: chưa bao giờ điều kiện làm giáo dục thuận lợi như ngày nay: đất nước độc lập, kinh tế phát triển, cho nên cần phải tập trung làm giáo dục cho bài bản, cho khoa học!
GS.TSKH LÂM QUANG THIỆP(Hà Nội 4-9-2008)

No comments:

Post a Comment