Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Saturday, 24 August 2019

Vì sao Việt quốc chống Cộng, từ khi nào và cho đến bao giờ?


Hình minh họa.
Thiện Ý

Vì sao Việt quốc chống cộng, từ khi nào và cho đến bao giờ? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi lần lượt trình bày:
  • Việt quốc và Việt cộng là ai?
  • Vì sao Việt Quốc chống cộng?
  • Việt quốc chống cộng từ khi nào và cho đến bao giờ?
I - VIỆT QUỐC VÀ VIỆT CỘNG LÀ AI?
Để trả lời câu hỏi này và để tránh hiểu lầm với ý nghĩ từ ngữ Việt Quốc viết tắt của Việt Nam Quốc Dân Đảng, cần định nghĩa “Việt quốc” và “Việt Cộng” được dùng trong bài này cùng các bài viết bao lâu nay của chúng tôi, để thấy rõ vì sao có cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng tại Việt Nam kéo dài nhiều thập niên qua vẫn chưa chấm dứt. Theo chúng tôi:
1 - Việt quốc bao gồm các chính quyền, các chính đảng quốc gia và quần chúng nhân dân có ý thức và hành động chống cộng. Nói cách khác Việt quốc là những người Việt Nam không cộng sản, theo “ý thức hệ quốc gia”, tôn thờ Tổ Quốc Việt Nam, coi quyền lợi dân tộc Việt Nam là tối thượng, kế thừa sự nghiệp dựng nước và giữ nước của lịch sử Việt Nam, khởi đi từ Thời Hồng Bàng với các Vua Hùng dựng nước Văn Lang (tên cổ xưa của Việt Nam), qua các triều đại độc lập tự chủ do các vua quan Việt Nam cai trị đất nước (Đinh, Lê, Lý, Trần…) hay những thời kỳ dài ngắn bị ngoại bang xâm chiếm đô hộ (1000 năm Bắc thuộc, gần 100 năm Pháp thuộc), với các anh hùng hào kiệt đã lãnh đạo nhân dân chống ngọai xâm, giành và giữ độc lập, tự chủ cho dân tộc, viết nên những trang sử oai hùng và vẻ vang cho dân tộc Việt (như Ngô Quyền, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt , Quang Trung, Phan Đình Phùng, Cao Thắng, Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Thái Học…).
2 - Việt cộng bao gồm đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN), các chính quyền và quần chúng nhân dân có ý thức và hành động tri tình ủng hộ cộng sản (khác với bất đắc dĩ, bị ép buộc phải theo CS). Nói cách khác, Việt cộng là những người Việt Nam theo Ý thức hệ cộng sản, tôn thờ “Tổ quốc Xã Hội Chủ Nghĩa” (Liên Xô đứng đầu Đệ tam quốc tế CS…), coi lợi ích quốc tế cộng sản là tối thượng, kế thừa thành quả đấu tranh giai cấp và tiếp tục thực hiện “chiến tranh cách mạng vô sản”, dưới ngọn cờ “chiến tranh giải phóng dân tộc (ngụy dân tộc) để cướp chính quyền, thực hiện chủ nghĩa xã hội, mở mang bờ cõi cho các tân đế quốc đỏ Nga-Tầu, cộng sản hóa Việt Nam cũng như toàn cầu, tách khỏi và chống lại dòng chính lịch sử dân tộc, xóa bỏ ranh giới quốc gia để hội nhập vào một “Thế giới đại đồng”(cộng sản chủ nghĩa)…
II - VÌ SAO VIỆT QUỐC CHỐNG CỘNG?
Việt quốc chống cộng, vì:
1 - Trên bình diện lý luận: Chủ nghĩa cộng sản dù có là một lý tưởng nghe qua có vẻ nhân đạo, cao đẹp, có tính mê hoặc lòng người, nhất là những người trẻ tuổi vốn say mê lý tưởng cao cả khi vào đời. Thế nhưng không tưởng theo nghĩa một lý tưởng không thể, không bao giờ thực hiện được. Vì vậy, những cá nhân (đảng viên cộng sản) hay tập đoàn (đảng cộng sản) ở bất cứ quốc gia nào, khi vận dụng chủ nghĩa cộng sản vào thực tiễn đã chỉ là tai họa thảm khốc, xung đột giai cấp, chiến tranh hận thù, tiêu hủy tài nguyên quốc gia, tàn phá đất nước, hủy hoại mọi nền tảng đạo đức xã hội, văn hóa dân tộc, mất độc lập tự chủ (vì lệ thuộc cộng sản quốc tế…), đưa nhân dân vào cuộc sống mất tự do, đói khổ, lầm than, di hại nghiêm trọng, toàn diện và lâu dài cho nhiều thế hệ nhân dân, phân hóa dân tộc… của quốc gia ấy.
Rốt cuộc, cái gọi là “cuộc cách mạng vô sản” để xây dựng “một xã hội không người bóc lột người” (từ xã hội chủ nghĩa, còn giai cấp, đến xã hội cộng sản chủ nghĩa, không còn giai cấp, không còn nhà nước…), tất cả chỉ là chiêu bài lừa mị của một tập đoàn thống trị độc quyền, độc tôn, độc tài (đảng cộng sản) để xây dựng “một xã hội người (với thiểu số cán bộ đảng viên CS) độc quyền áp bức bóc lột người ( tuyệt đại đa số nhân dân)”. Một sự độc quyền áp bức bóc lột tinh vi và tàn ác chưa từng có trong lịch sử hình thành các hình thái xã hội loài người có giai cấp (xã hội cộng sản nguyên thủy, xã hội chiếm hữu nô lệ, xã hội phong kiến, xã hội tư bản… theo duy vật sử quan cộng sản).
2 - Trên bình diện thực tiễn: Việt cộng nói riêng, cộng sản quốc tế nói chung, đã tin theo và vận dụng chủ nghĩa cộng sản vào thực tế nước ta (cũng như một số nước khác trên thế giới), đã gây tác hại nghiêm trọng, toàn diện, di hại lâu dài trên con người, dân tộc và đất nước Việt Nam trong nhiều thập niên qua và còn di hại lâu dài cho dân tộc và đất nước Việt Nam qua nhiều thế hệ sau này.Và do đó, thời hậu cộng sản nhân dâ Việt Nam sẽ phải mất nhiều thời gian mới có thể khắc phục, phục hồi và ổn định phát triển toàn diện.
- Vì tin và hành động theo “ý thức hệ cộng sản Việt cộng đã đánh mất bản sắc dân tộc, tách rời khỏi lịch sử chính thống quốc gia Việt Nam và dùng “Tính giai cấp” và lăng kính “đấu tranh giai cấp” để phê phán chủ quan, không trung thực về các triều đại và các anh hùng hào kiệt của lịch sử Việt Nam, xuyên tạc lịch sử và chối bỏ Tổ Quốc Việt Nam, để chọn và tôn thờ cái gọi là “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Liên Xô” là tổ quốc của mình. Và vì vậy cộng sản Việt Nam sẵn sàng hy sinh quyền lợi của Tổ Quốc và dân tộc Việt Nam cho quyền lợi của đảng CSVN và quốc tế cộng sản, cụ thể là hai tân đế quốc CS Nga-Tàu (công cụ tri tình cho quốc tế CS trong Thời kỳ Chiến tranh ý thứ hệ toàn cầu..,).
- Vì chủ trương hận thù và đấu tranh giai cấp làm động lực, Việt cộng đã phá đổ mọi quan hệ xã hội nhân bản vốn tốt đẹp giữa người với người, đã không ngần ngại thủ tiêu, bắn giết và làm mọi điều tàn ác với con người; dù là những người anh em cùng mầu da sắc máu, chung nguồn gốc Việt tộc với họ, theo phương châm “cứu cánh biện minh cho hành động” như VC đã làm trong giai đoạn chiến tranh Quốc Cộng vừa qua .Điển hình cao độ là đấu tố dã man ở Miền Bắc sau Hiệp định Genève 1954 chia đôi đất nước; đã tàn sát, chôn sống hàng ngàn quân dân, cán chính Việt Nam Cộng Hòa, trong biến cố Tết Mậu Thân 1968 ở Huế và nhiều hành động tán ác khác như pháo kích hàng đêm vào các thành thị giết hại dân lành, đặt chất nổ để khủng bố, phá hoại trong suốt cuộc chiến tranh Quốc- Cộng ở Miền Nam (1954-1975) và sau cuộc chiến( tập trung đầy ải hàng ngàn quân cán chính VNCH trong các trại tù cải tạo…)
- Vì chủ trương vô thần, chết là hết, nên Việt cộng không sợ hậu quả, đã thẳng tay đàn áp những người dân hữu thần, dùng mọi thủ đoạn, phương cách dù bất nhân, tàn bạo nhằm tiêu diệt mọi tín ngưỡng, tôn giáo, vốn là nhu cầu tinh thần quan yếu trong đời sống tâm linh của con người, và là một thực thể xã hội góp phần quan trọng vào nền đạo đức xã hội nhân bản qua mọi thời đại.
Thực tế là, sau khi nắm được quyền thống trị toàn đất nước hơn 44 năm qua (1975-2019) và trước đó trên một nửa nước Miền Bắc (1954-1975), đảng CSVN đã áp đặt một chế độ độc tài toàn trị, với một đảng duy nhất nắm quyền thống trị (đảng CSVN) với một nhà nước “Chuyên chính vô sản” (tức độc tài cộng sản) bác đoạt quyền tự do, dân chủ và các nhân quyền cơ bản của nhân dân, thông qua “ một chính quyền của đảng, do đảng và vì đảng cộng sản Việt Nam”. Việt cộng đã sử dụng quân đội, công an, luật pháp, tòa án, nhà tù, pháp trường… như những công cụ của “chế độ độc tài toàn trị CS” để trấn áp nhân dân, duy trì và bảo vệ quyền cai trị độc tài, độc tôn, độc quyền với những ưu quyền đặc lợi của một giai cấp thống trị mới (giai cấp cán bộ đảng viên cộng sản), chia nhau nắm quyền, ăn chia lợi ích ở các cấp, các ngành trong bộ máy đảng và bộ máy nhà nước. Nghĩa là một giai cấp thiểu số (khoảng 3-4 triệu đảng viên CS) bằng bạo lực của nòng súng lưỡi lê, công an trị, để thống trị trên tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam (trên 90 triệu dân) từ thượng tầng quốc gia đến hạ tầng cơ sở.
Đó là những lý do khái quát, căn bản trên bình diện lý luận và thực tiễn, khiến Việt quốc, là những người Việt Nam theo ý thức hệ quốc gia, hay là những người Việt Nam không cộng sản, từ quá khứ đến hiện tại, từ trong nước ra hải ngoại, đã và vẫn đang tiếp tục con đường chống cộng trường kỳ cho đến ngày thành đạt mục tiêu lý tưởng tối hậu của mình là dân chủ hóa đất nước. Vậy thì…
III - VIỆT QUỐC CHỐNG CỘNG TỪ KHI NÀO VÀ CHO ĐẾN BAO GIỜ ?
Có thể nói, kể từ khi “ý thức hệ cộng sản” du nhập vào Việt Nam trong những thập niên đầu Thế Kỷ 20, nhưng rõ rệt là kể từ khi đảng Cộng sản Việt Nam xuất hiện chính thức trên chính trường Việt Nam. Nghĩa là sau khi ông Hồ Chí Minh được huấn luyện và đào tạo từ lò cộng sản Moskva, nhận chỉ thị của Đệ tam Quốc tế Cộng sản Nga trở về Hong Kong họp Đại Hội thống nhất ba đảng Marxist thành lập trước đó (Đông Dương Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn và An Nam Cộng sản đảng) thành đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) vào ngày 3 tháng 2 năm 1930. Và có thể coi công cuộc chống cộng từ ý thức đến hành động, cũng khởi đi từ đó, nhằm thành đạt các mục đích chống cộng của từng giai đọan, tiến tới thành đạt mục tiêu chống cộng tối hậu là đánh bại chủ nghĩa cộng sản trên cả hai bình diện lý luận và thực tiễn, để xây dựng một chế độ tự do dân chủ đích thực theo đúng ý nguyện và vì lợi ích của toàn thể quốc dân Việt Nam.
Như vậy, cộng cuộc chống cộng có thể chia làm ba giai đoạn. Trong phạm vi một bài nhận định tổng quát chúng tôi chỉ có thể trình bầy khái quát như sau:
1 - Tiền chiến tranh Quốc-Cộng: (1930 -1954)
Đây là giai đọan chống cộng đầu tiên, diễn ra trong thời kỳ kháng chiến chống ách thống trị của thực dân Pháp giành độc lập dân tộc. Các thế hệ Việt Nam theo ý thức hệ quốc gia đã chống cộng nhằm ngăn chặn một hiểm họa hậu Pháp thuộc: Hiểm họa cộng sản hóa Việt Nam.
Bởi vì trong giai đoạn này, lực lượng được coi là lãnh đạo chống cộng, bao gồm các chính đảng quốc gia (Việt Nam Quốc Dân Đảng, Việt Nam Độc Lập, Việt Nam Cách Mạng Đảng tức Phục Việt, Đại Việt Quốc Xã, Đại Việt Quốc Dân Đảng, Việt Nam Ái Quốc Đảng, Nhân Xã Đảng…) và một số nhà trí thức, thân hào nhân sĩ yêu nước tiên tiến tiêu biểu như Hùynh Thúc Kháng, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… Họ đã thấy được ý đồ của ông Hồ và Cộng đảng Việt Nam chỉ là lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân, thông qua cuộc kháng chiến chống Pháp như một phương tiện, không phải để giành độc lập cho dân tộc Việt Nam, mà làm nhiệm vụ của cộng sản quốc tế, giành thuộc địa kiểu mới cho các tân đế quốc đỏ Nga -Tầu, nhuộm đỏ đất nước và nô dịch hóa nhân dân Việt Nam.
Vì thế, mục tiêu chống cộng giai đoạn này là làm sao cho quần chúng Việt Nam thấy được hiểm họa cộng sản, không tin, không theo, không để cho ông Hồ và Cộng đảng Việt Nam lợi dụng của cải, xương máu và lòng yêu nước chống ngọai xâm của mọi tầng lớp nhân; để dùng kháng chiến như phương tiện, không phải để giành độc lập cho dân tộc, mà giành “Thuộc địa kiểu mới” cho các “Tân Đế Quốc Đỏ Nga –Tầu” thực hiện “Chủ nghĩa thực dân kiểu mới” của cộng sản quốc tế.
Cuộc phân tranh Quốc - Cộng lúc này diễn ra âm thầm nhưng không kém phần quyết liệt, giữa một bên là các chính đảng Quốc gia và các thân hào nhân sĩ yêu nước, bên kia là đảng CSVN. Đôi bên Quốc-Cộng phân tranh nhằm tiêu diệt nhau và thu phục, lôi kéo nhân dân theo và nhận chịu sự lãnh đạo của mình. Cuộc phân tranh Quốc-Cộng giai đọan này, lúc đầu chủ yếu diễn ra trên mặt trận tư tưởng, tuyên truyền chính trị, nhằm lôi kéo quần chúng Việt Nam tin theo và tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp dưới sự lãnh đạo của mình.
Tuy nhiên, vào thời khoảng cuối cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954), sau khi Nhật bại trận trong Thế Chiến Thứ II, phải trao trả độc lập cho Việt Nam. Lúc đó, Cộng Đảng Việt Nam đứng đầu là ông Hồ Chí Minh, dù thế yếu so với các chính đảng quốc gia, song nhờ thủ đọan khôn khéo và tính tổ chức, tinh thần kỷ luật và tính cách mạng cao của một đảng Marxist-Leninnist, nên đã cướp thời cơ, giành được chính quyền nhiều nơi trên cả nước (Cách mạng Tháng 8 -1945). Nhưng vì thực lực và tình hình thực tế quốc nội cũng như quốc tế lúc đó, chưa cho phép đảng CSVN lộ rõ nguyên hình và độc chiếm chính quyền, nên ông Hồ đã phải thành lập một chính phủ, quốc hội liên hiệp Quốc-Cộng, sọan thảo và ban hành một bản Hiến Pháp năm 1946 thiết lập chế độ “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” (giả hiệu: ngụy cộng hòa, ngụy dân chủ…) mang tính “Dân chủ tư sản”, chứ chưa dám thiết lập “Chế độ chuyên chính vô sản” tức “độc tài tòan trị cộng sản”. Ngay cả đảng CSVN lúc đó cũng phải tuyên bố tự giải tán. Mãi sau này, khi nắm được quyền thống trị nửa nước Miền Bắc, cũng vẫn phải gọi tên đảng CSVN trá hình là “Đảng Lao Động Việt Nam” chứ chưa dám xưng danh “Đảng Cộng sản Việt Nam”. Đồng thời cũng vẫn phải giữ bảng hiệu chế độ “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” cho đến khi đã thôn tính được Miền Nam vào 30-4-1975, thống trị cả nước, sau đó mới dám trương bảng hiệu “Đảng CSVN” và chế độ “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (giả danh và giả nghĩa).
Sở dĩ Việt cộng phải trá hình như thế, là vì thời khoảng những năm đầu sau Thế Chiến II, cộng sản đang bị thế giới coi là một hiểm họa toàn cầu. Trong khi tại Việt Nam quần chúng chưa biết gì nhiều về cộng sản. Những người biết thì rất sợ chủ nghĩa tam vô (vô tổ quốc, vô gia đình, vô tôn giáo), nên ông Hồ và Cộng đảng Việt Nam đã phải ngụy trang bằng mọi cách và khai thác triệt để lòng yêu nước chống ngoại xâm của toàn dân và lòng căm thù giai cấp trong một số bộ phận nhân dân (Công nhân với chủ tư bản, Nông dân căm thù địa chủ, cường hào ác bá ở nông thôn…).
Trên thực tế, đôi lúc đã có những cuộc xung đột võ trang giữa các đảng phái quốc gia và Cộng đảng Việt Nam, gây tổn thất nhân mạng cho cả đôi bên. Riêng Cộng đảng Việt Nam, ngòai các họat động tuyên truyền, thủ đoạn lừa mị tinh vi để lôi kéo quần chúng, họ còn sử dụng các hình thức khủng bố, thủ tiêu những ai không theo hay chống lại họ. Một số nhà ái quốc Việt Nam đã bị CSVN thủ tiêu trong giai đọan này như lãnh tụ Đại Việt Quốc Dân Đảng Trương Tử Anh, hay các nhân sĩ ái quốc như Khái Hưng, Hòang Đạo, Ngô Đình Khôi và nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo ái quốc khác theo ý thức hệ quốc gia như Giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ, Hội thánh Cao Đài Tây Ninh Phạm Công Tắc…
Kết quả của cuộc phân tranh Quốc - Cộng giai đọan này, Quốc thua, Cộng thắng. Là vì mục tiêu chống cộng giai đoạn này đã không đạt được: Việt quốc không những đã không ngăn chặn được hiểm họa CS trong ý thức quần chúng, mà thực tế đã để đảng CSVN dưới mặt nạ Việt Minh (viết tắt “Việt Nam Độc lập Đồng minh hội” một tổ chức do Cộng đảng dựng lên) nắm quyền chủ đạo kháng chiến trong thời kỳ chót của cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954).Với chiến thắng Điện Biên Phủ Việt Minh (Việt cộng) đã cướp được chính quyền trên một nửa thuộc địa Bắc Việt của Pháp, làm hậu phương phát động và tiến hành chiến tranh nhuôm đỏ Miền Nam.
2 - Chiến tranh Quốc-Cộng (1954 – 1975)
Vì giai đoạn 1, phe Quốc gia đã thất bại trong mục tiêu chống cộng để ngăn chặn hiểm họa Cộng sản từ xa, khi Cộng đảng VN chưa giành được lãnh thổ để thiết lập một chính quyền “Chuyên Chính Vô Sản” (tức độc tài toàn trị cộng sản), thực hiện chủ nghĩa Cộng sản.
Vì thế cho nên cuộc trường chinh chống cộng phải tiếp tục chặng đường chống cộng giai đoạn hai (1954 – 1975) trong khung cảnh một thế chiến lược quốc tế mới hình thành sau Thế Chiến II (Chiến tranh ý thức hệ Cộng sản chủ nghĩa và Tư bản chủ nghĩa) và trong thực trạng một đất nước chia hai, theo sự áp đặt của các cường quốc có ảnh hưởng, thông qua Hiệp Định Genève 1954. Hiệp định này được ký giữa Pháp (quân cướp nước) với Việt Minh, mặt nạ của Việt cộng (Phường bán nước cho cộng sản quốc tế Nga-Tàu) sau khi Pháp thất trận Điện Biên Phủ, nên chỉ có ý nghĩa như là thực dân Pháp mất một nửa thuộc địa Miền Bắc vào tay Việt cộng; còn nửa nước Miền Nam, thực dân pháp phải trao trả độc lập hoàn toàn, sau khi đã trao trả độc lập từng phần từ năm 1948 cho chính quyền chính thống quốc gia của Vua Bảo Đại, sau cùng là chính quyền Việt Nam Cộng Hòa kế tục chính danh quyền bính quốc gia của bên Việt quốc.
Cuốc chiến tranh ý thức hệ cộng sản chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa mang tính toàn cầu hình thành sau Thế Chiến II, diễn ra dưới hai hình thái Chiến Tranh Lạnh giữa các mước giầu, và chiến tranh nóng nơi một số nước nghèo, có số phận không may như Việt Nam. Vì thế Việt quốc ở Miền Nam được ‘phe tư bản chủ nghĩa” chọn là “Tiền đồn Thế Giới tự do” và Việt cộng ở Miền Bắc được ‘phe xã hội chủ nghĩa” (hay cộng sản quốc tế) chọn là “tiền phương phe xã hội chủ nghĩa” làm “nhiệm vụ quốc tế cao cả” là phát động “Chiến tranh cách mạng” để nhuộm đỏ toàn cõi Việt Nam và các quốc gia trong vùng. Từ đó, đất nước Việt Nam trở thành bãi chiến trường, nhân dân hai miền Bắc-Nam như bia đỡ đạn cho các thế lực khuynh đảo quốc tế tranh dành ảnh hưởng và lợi ích quốc gia của họ, với lợi ích trước mắt là tiêu thụ cho hết lượng vũ khí đạn dược tồn đọng sau thế chiến II và thử nghiệm thêm các loại vũ khí mới…
Tại Miền Bắc, ông Hồ và Cộng đảng Việt Nam, sau khi chiếm được một nửa đất nước, đã xây dựng và củng cố một chế độ độc tài toàn trị cộng sản, theo mẫu mực của đế quốc Đỏ hàng đầu Liên Xô thời bấy giờ. Tuy nhiên, để che đây thực chất này, Hồ Chí Minh và Cộng đảng Việt Nam đã dùng lại danh xưng chế độ “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” của bản Hiến pháp 1946, ban hành sau khi Nhật bại trận trong Thế Chiến II (1939-1945), buộc phải trao trả độc lập cho Việt Nam. Nay để tiếp tục làm nhiệm vụ quốc tế cộng sản, cộng sản Bắc Việt đã làm nhiệm vụ tên lính xung kích của cộng sản quốc tế (Nga-Tầu), phát động cuộc chiến “Nồi da xáo thịt” nhằm thôn tính nhuộm đỏ Miền Nam, vùng đất tự do của quốc gia Việt Nam, với chính quyền chính thống, chính danh Việt Nam Cộng Hòa.
Trong khi đó tại Miền Nam, chính quyền Việt quốc (Việt Nam Cộng hòa) trong tư thế chính thống, chính danh, có chính nghĩa, kế tục quyền lực quốc gia, tiếp nhận độc lập chủ quyền từ tay thực dân Pháp trên một nửa đất nước ở Miền Nam, kiến tạo một chế độ dân chủ pháp trị (Việt nam Cộng hòa) hình thành sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-10-1955 truất phế Vua Bảo Đại, cáo chung chế độ quân chủ chuyên chế Việt Nam, thiết lập chế độ cộng hòa với chủ quyền quốc gia thuộc về toàn dân, đáp ứng đúng ý nguyện của nhân dân Việt Nam.
Trong giai đoạn này, cả hai bên Quốc - Cộng đều có tư thế quốc gia, có lãnh thổ, chính quyền quân đội và nhân dân, hành xử quyền cai trị đối nội cũng như đối ngoại. Khi đó, với sự trợ giúp của ngoại bang thuộc hai phe đối đầu: cộng sản và tư bản. Cộng sản Bắc Việt (CSBV), sau sáu năm củng cố, xây dựng miền Bắc thành hậu phương lớn, đã thành lập “Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam” (12-1960) rồi sau đó đẻ ra “Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam” (1967) làm công cụ quân sự, chính trị phát động và tiến hành chiến tranh xâm lăng Miền Nam, với sự trợ giúp của Nga –Tầu và các nước trong phe “Xã Hội Chủ Nghĩa”.
Trong khi đó, tại Miền Nam Việt Nam, chính quyền chính thống quốc gia Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), với sự trợ giúp của Hoa Kỳ và các cường quốc tư bản, theo đuổi một cuộc chiến tranh tự vệ, với mục đích ngăn chặn, đẩy lùi và đập tan ý đồ xâm lăng của CSBV, xây dựng và củng cố chế độ dân chủ pháp trị, phát triển kinh tế ngày càng vững mạnh, thực hiện chủ trương tiến tới thống nhất đất nước bằng con đường hòa bình, với sự ưu thắng của một Miền Nam dân chủ, giầu mạnh trên chế độ độc tài tòan trị cộng sản, lạc hậu và nghèo nàn ở Miền Bắc (như thực tế đã xảy ra ở nước Đức qua phân và sẽ xảy ra ở Triều tiên trong tương lai không xa).
Cuộc chiến tranh Quốc-Cộng kéo dài 21 năm (1954-1975), với kết cuộc phe Quốc gia một lần nữa bị là “bên thua cuộc”, CSBV đã thôn tính được Miền Nam, thống trị toàn cõi đất nước bằng một chế độ độc tài toàn trị CS. Việt Quốc thua cuộc chủ yếu trước hết là vì tầng lớp lãnh đạo các chính quyền VNCH không bảo vệ được chủ quyền quốc gia và công cuộc chống cộng hoàn toàn lệ thuộc vào Hoa Kỳ đến độ để cho quân đội Hoa Kỳ trực tiếp tham chiến (1965) là Mỹ hóa chiến tranh, để đối phương CSBV “ngụy dân tộc” giật được chính nghĩa dân tộc “chống ngoại xâm” (chống Mỹ cứu nước). Thứ đến là vì sau khi các mục tiêu và lợi ích chiến lược đã đạt được thông qua cuộc chiến Việt Nam, Hoa Kỳ là thực hiện “Việt nam hóa chiến tranh” (1969) để rút chân ra khỏi cuộc chiến một cách danh dự; song Hoa Kỳ đã không thực hiện những cam kết giúp VNCH về quân sự, kinh tế để đủ khả năng tiếp tục chiến đấu chống cộng để tự tôn.
Hệ quả là, chế độ dân chủ VNCH cáo chung, chính quyền VNCH sụp đổ, quân lực VNCH tan rã. Hệ quả là hầu hết sĩ quan và lãnh đạo chính quyền các cấp VNCH bị CS đầy ải, hành hạ, sỉ nhục trong các trại tù “Tập trung cải tạo”. Một thiếu số quan chức chính quyền, quân đội và nhân dân Miền Nam kịp di tản ra hải ngoại trước ngày 30-4-1975, và vượt biên nhiều năm sau đó, qui tụ thành những Tổ Chức Cộng Đồng, các đảng phái chính trị và tổ chức đấu tranh, đoàn thể xã hội, tôn giáo tiếp tục công cuộc chống cộng giai đọan 3 vì tự do dân chủ cho đất nước.
3 - Hậu chiến tranh Quốc-Cộng (Từ sau 30-4-1975… đến ngày kết thúc)
Đây là giai đoạn chống cộng cuối cùng của Việt Quốc để khẳng định chân lý, chính nghĩa tất thắng thuộc về bên nào (Việt Cộng hay Việt Quốc) trong cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng kéo dài nhiều thập niên qua tại Việt Nam. Giai đoạn chống cộng này sẽ chấm dứt khi Việt Quốc thành đạt mục tiêu tối hậu là dân chủ hóa đất nước. Nghĩa là chế độ độc tài toàn trị cộng sản tiêu vong để hình thành một chế độ dân chủ pháp trị, với các quyền tự do, dân chủ, dân sinh, nhân quyền được tôn trọng, bảo vệ và hành xử. 44 năm qua (1975-2019) Việt Quốc đã chóng cộng như thế nào, thành quả ra sao, chúng tôi sẽ trình bày chi tiết trong các bài viết tiếp theo
III - KẾT LUẬN
Việt Cộng thì đã thất bại hoàn toàn và vĩnh viễn, không còn có cơ hội và điều kiện để thực hiện mục tiêu tối hậu lý tưởng của mình là “xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa”. Đúng như chúng tôi đã trình bày trong loạt bài chủ đề “ 44 năm Việt Cộng xây dựng xã hội chủ nghĩa vì sự nghiệp của cộng sản quốc tế, thành quả và triển vọng tương lai
Sau bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày tiếp qua loạt bài “44 năm Việt Quốc chống cộng vì tự do, dân chủ cho đất nước, thành quả và triển vọng tương lai ”. Mời bạn đọc đón xem để có dữ kiện so sánh hai con đường dẫn đến hai mục tiêu tối hậu khác.nhau giữa Việt Quốc và Việt Cộng, cuối cùng “ai thắng ai?”.
Thiện Ý
Houston, ngày 6-8-2019

No comments:

Post a Comment