14/05/2014
Hỏi-Đáp: M. Taylor Fravel về tranh chấp của Trung Quốc với Việt Nam
Edward Wong, The New York Times, 08 tháng 5 năm 2014
Phan Văn Song dịch
Một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng vòi rồng phun vào một tàu cảnh sát biển VN gần quần đảo Hoàng Sa vào ngày 04 tháng 5. Reuters
Tranh
chấp lãnh thổ âm ỉ lâu dài giữa Trung Quốc (TQ) và Việt Nam (VN) ở Biển
Đông đã có một trong những đợt trào dâng định kì trong tuần này, khi
tàu VN phải đối đầu với tàu TQ đang cố đặt một giàn khoan dầu gần quần
đảo Hoàng Sa và ngoài khơi bờ biển VN. Giàn khoan này của Tổng công ty
dầu ngoài khơi quốc gia TQ (hay CNOOC) và chỉ nằm cách bờ biển chính của
VN 120 hải lí. Tàu TQ đã xịt vòi rồng nước vào tàu VN, và cả hai bên
cho biết tàu của họ đã bị tàu đối phương đâm vào. Quân đội TQ đã đánh
nhau với các đơn vị Nam VN ở phía Nam quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974,
dẫn đến việc TQ chiếm lấy hoàn toàn quần đảo, mặc dù các đảo vẫn không
có người ở.
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa
Kì hôm thứ Ba nói rằng “trong bối cảnh có nhiều căng thẳng gần đây ở
Biển Đông, việc TQ quyết định vận hành giàn khoan dầu trong vùng biển
tranh chấp là khiêu khích và không có ích cho việc duy trì hòa bình và
ổn định trong khu vực."
Hôm Thứ năm, M. Taylor
Fravel, giáo sư khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts, trả
lời các câu hỏi của The New York Times về sự kiện mới nhất này ngoài
khơi bờ biển VN. Ông nghiên cứu các vấn đề lãnh thổ của TQ và là tác giả
của "Strong Borders, Secure Nation: Cooperation and Conflict in China’s
Territorial Disputes (Biên giới mạnh mẽ, quốc gia an toàn: Hợp tác và
xung đột trong tranh chấp lãnh thổ của TQ)", do Đại học Princeton xuất
bản. Ông đăng những vấn đề này trên Twitter dưới @ Fravel.
H.
Tại sao TQ lại cố đặt giàn khoan dầu ở vị trí này vào thời điểm này?
Đ.
Lí
do rất có thể là về chính trị chứ không phải về kinh tế. Về mặt kinh
tế, khu vực nơi giàn khoan sẽ khoan có ít trữ lượng dầu khí đã qua kiểm
chứng hoặc có thể có. Hơn nữa, giàn khoan, tốn 1 tỷ USD để xây dựng, vận
hành mỗi ngày là vô cùng tốn kém, điều đó đặt ra câu hỏi tại sao CNOOC
lại thăm dò ở một khu vực có triển vọng không chắc chắn.
Thay
vào đó, có rất nhiều khả năng là TQ sử dụng giàn khoan để khẳng định và
thực thi thẩm quyền của mình trên các vùng biển họ tuyên bố chủ quyền ở
biển Đông. Soi rọi từ chuyến đi gần đây của Tổng thống Obama đối với
khu vực, trong đó có chuyến thăm hai quốc gia có tranh chấp ở biển Đông,
Malaysia và Philippines, thì cũng có thể TQ đang tìm cách để kiểm tra
quyết tâm của Hoa Kì đối với chủ trương "xoay trục " sang châu Á.
Tuy
nhiên, việc định thời gian hành động của TQ là khó hiểu. Tuần tới,
ASEAN sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh hàng năm tại Miến Điện. Với hành
động này, chắc chắn hành vi của họ ở Biển Đông sẽ là một chủ đề chính sẽ
được thảo luận tại cuộc họp đó và thế giới sẽ tập trung sự chú ý nhiều
hơn tới các yêu sách chủ quyền của họ trong khu vực. Trong vài năm qua,
nói chung TQ và VN đã cải thiện mối quan hệ của họ và cố dàn xếp các
tranh chấp trên biển một cách hòa bình. Họ đạt được thỏa thuận về các
nguyên tắc cơ bản để giải quyết tranh chấp trên biển vào tháng 10 năm
2011, thành lập một số đường dây nóng và hình thành các nhóm công tác
phân giới trên biển và phát triển chung.
H.
Với
những gì đã xảy ra trong tuần trước và lịch sử việc tranh giành quần
đảo Hoàng Sa giữa TQ và VN, tình hình này có thể leo thang thành một
cuộc xung đột dữ dội hơn hoặc lớn hơn hay không?
Đ.
Nguy
cơ leo thang là có thật. Dầu khí ngoài khơi đóng một vai trò quan trọng
trong nền kinh tế của VN. Điều nàycung cấp cho Hà Nội một động lực mạnh
mẽ để ngăn chặn không cho TQ hoạt động trong khu vực 200 hải lí đặc
quyền kinh tế (EEZ ) của VN ngay cả khi khu vực cụ thể này có thể không
chứa mỏ có trữ lượng lớn. Vị trí gần gũi của giàn khoan tạo điều kiện
thuận tiện để cả hai nước triển khai các lực lượng hải quân và các lực
lượng thực thi pháp luật trên biển. Viễn ảnh nhiều tàu chen chút kiểm
soát một khu vực nhỏ làm tăng cơ hội cho các tính toán sai lầm và va
chạm có thể leo thang thành xung đột vũ trang.
Trong
vài năm qua, VN đã cho thấy sự sẵn sàng sử dụng tàu chính phủ của mình
để thách thức những gì họ xem như là hành vi quyết đoán của TQ đe dọa
lợi ích của mình. Trong năm 2007, VN tìm cách ngăn chặn TQ tiến hành
khảo sát địa chấn trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa, phía bắc chỗ
giàn khoan đang đóng. Trong năm 2010, tàu VN bao vây một tàu Ngư chính
của TQ trong vùng biển tranh chấp. Bây giờ, việc được mất còn quan trọng
hơn đối với VN, điều này gợi ra rằng họ có thể chọn cách tiếp tục nỗ
lực ngăn chặn không để giàn khoan TQ bắt đầu hoạt động khoan.
H.
Dựa trên cơ sở nào TQ cho rằng vị trí của giàn khoan này nằm trong phạm vi quyền hợp pháp của mình?
Đ.
TQ
tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa (tiếng Trung là Tây Sa).
Phản chiếu vị thế của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku, TQ cho rằng
không có tranh chấp tồn tại với VN đối với quần đảo này. TQ đã kiểm soát
phần phía bắc của quần đảo Hoàng Sa từ giữa những năm 1950 và phần phía
nam từ năm 1974, khi đụng độ với các lực lượng miền Nam VN. Theo Bộ
Ngoại giao TQ, hoạt động của giàn khoan đang diễn ra "trong vùng biển
ngoài khơi quần đảo Tây Sa của TQ."
Bản thân
giàn khoan nằm cách đảo Tri Tôn (thể địa lí xa nhất về phía tây nam
trong quần đảo Hoàng Sa khoảng) khoảng 17 hải lí về phía nam. Năm 1996,
TQ vẽ đường cơ sở xung quanh toàn bộ quần đảo Hoàng Sa[i].
Dựa trên một đạo luật năm 1998, TQ tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế 200
hải lí từ đường cơ sở đó theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển
(UNCLOS), trong đó họ độc quyền khai thác bất kì nguồn tài nguyên biển
từ đường cơ sở như vậy[ii].
Vị trí của giàn khoan nằm trong vùng đặc quyền kinh tế như thế dựa trên
tuyên bố của TQ về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.[iii]
H.
VN
có cơ sở pháp lí để cho rằng việc TQ đặt giàn khoan dầu vi phạm chủ
quyền lãnh thổ của VN hoặc đó là một hành động thực hiện thiếu thiện chí
trong tình trạng có tranh chấp của quần đảo Hoàng Sa hay không?
Đ.
VN
phản đối vị trí của giàn khoan vì hai lí do. Thứ nhất, giàn khoan này
nằm trong vùng EEZ mà VN tuyên bố từ bờ biển của mình. Giàn khoan cách
đảo Lí Sơn khoảng 120 hải lí và do đó trên thềm lục địa của VN và cũng
trong EEZ 200 hải lí.
Thứ hai, VN tuyên bố chủ
quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và phản đối lập trường của TQ về việc
không tồn tại tranh chấp. Mặc dù VN không vẽ đường cơ sở xung quanh quần
đảo Hoàng Sa, họ bác bỏ yêu sách của TQ về chủ quyền đối với các đảo và
quyền tài phán đối với các vùng biển lân cận. Theo quan điểm của VN,
giàn khoan của TQ nằm trong vùng biển VN và TQ không có cơ sở để khoan ở
vị trí này.
H.
Lập
trường của Hoa Kì về tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông là gì, và ông nghĩ
rằng họ sẽ hoặc phải phản ứng như thế nào trong trường hợp này?
Đ.
Chính
sách của Hoa Kì là không đứng về bên nào đối với chủ quyền của các thể
địa lí ở biển Đông, kể cả quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Đồng
thời, Hoa Kì đã nhấn mạnh lợi ích chủ yếu của mình trong khu vực, bao
gồm tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp, và tránh cưỡng
ép và đe dọa trong các tranh chấp. Để hậu thuẫn cách giải quyết hòa
bình, Mĩ đã kêu gọi TQ và ASEAN đạt tới một bộ quy tắc ứng xử ràng buộc
và ủng hộ việc sử dụng trọng tài quốc tế, chẳng hạn như vụ Philippines
gần đây đã nộp hồ sơ kiện trước Tòa Quốc tế về Luật Biển.
Để
đáp ứng với sự kiện này, Hoa Kì cần kêu gọi tất cả các bên tham gia
không nên có những hành động đơn phương trong vùng biển rõ ràng có tranh
chấp. Hoa Kì cũng có thể nhấn mạnh rằng sự kiện này làm nổi rõ sự cần
thiết phải có một bộ quy tắc ứng xử để quản lí tiềm năng leo thang và
tránh những sự cố như vậy trong tương lai. Cuối cùng, Hoa Kì có thể thúc
giục tất cả các bên đề ra các cơ chế cho sự phát triển chung, điều này
có thể ngăn chặn các sự cố như vậy xảy ra trong tương lai.
H.
Theo
ông các nước Đông Nam Á khác cũng có tuyên bố chủ quyền một phần của
biển Đông sẽ phản ứng như thế nào với những hành động mới nhất này của
TQ?
Đ.
Hành động của
TQ chỉ có thể củng cố thêm nhận thức trong các quốc gia khác có yêu
sách ở biển Đông rằng TQ nuôi dưỡng ý đồ quyết đoán và ý muốn hành động
đơn phương. Đặc biệt, việc TQ triển khai giàn khoan sẽ làm các nước này
quyết tâm thêm gấp bội làm những gì họ có thể để bảo vệ yêu sách của
mình. Các nước này có thể sẽ đầu tư cho khả năng hải quân và thực thi
pháp luật trên biển lớn hơn và tìm cách tăng cường hợp tác an ninh trên
biển với Hoa Kì và Nhật Bản, cùng những nước khác, và cũng có thể giữa
họ với nhau.
H.
TQ
chuyên tâm mức nào trong việcsử dụng "đường chín đoạn" trong bản đồ thời
Dân Quốc đê làm cơ sở cho yêu sách lãnh thổ của mình ở biển Đông?
Đ.
Mặc
dù đường chín đoạn đã xuất hiện trên bản đồ TQ trong nhiều thập kỉ, TQ
vẫn giữ một sự im lặng kì lạ về ý nghĩa của đường này. TQ chưa bao giờ
tuyên bố đường này mô tả cái gì, dù xác định hay phủ định. Đường này có
thể thể hiện cho một tuyên bố chủ quyền đối với các thể địa lí nằm trong
đó hoặc có thể mở rộng nhiều hơn và thể hiện một yêu sách về EEZ hoặc
quyền lịch sử (cả hai đều không phù hợp với UNCLOS.)
Ở
TQ, vẫn còn bất đồng về việc định nghĩa đường này. Tuy nhiên, các hành
động của TQ trong vài năm qua, chẳng hạn như bảo vệ ngư dân ở những khu
vực xa xôi phía nam của biển Đông hoặc mời các công ty dầu mỏ nước ngoài
đầu tư vào các lô thăm dò ngoài khơi bờ biển VN, cho thấy TQ có thể
nghiêng về một định nghĩa rộng hơn.
Liên quan
đến tuyên bố của TQ về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và quần đảo
Trường Sa, TQ khẳng định rằng đường chín đoạn, vốn được chính thức công
bố vào cuối thập niên1940[iv], là chỗ dựa cho yêu sách của họ đối với các thể địa lí này.
Dịch giả gửi BVN.
Các chú thích là của dịch giả.
[i] Đường cơ sở của TQ vẽ không theo đúng quy định của UNCLOS vì TQ không phải là nước quần đảo. Theo quy định của UNCLOS
chỉ có những quốc gia quần đảo (như Philippines, Indonesia…) mới có thể
vẽ đường cơ sở bằng cách nối những điểm nằm ngoài cùng trên cáo đảo/đá
xa nhất lại với nhau (theo một số ràng buộc nhất định).
[ii] Thật ra đoạn 3 trong điều 2 của luật về EEZ và thềm lục địa
của TQ ngày 26/6/1998 nói rằng: “Các mâu thuẫn liên quan đến vùng đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa của nước CHNDTH và các nước có bờ biển đối
diện hoặc liền kề sẽ được giải quyết, trên cơ sở luật pháp quốc tế và phù hợp với nguyên tắc công bằng,
bởi một hiệp định phân định cho các khu vực tuyên bố.” Do đó, EEZ không
nhất thiết có bề rộng 200 hải lí tính từ đường cơ sở mà có thể sẽ xác
định bằng trung tuyến hay thoả thuận giữa hai bên…
[iii]
Đúng ra, hợp lí hơn, giàn khoan còn cách đảo Hải Nam khoảng 183 hải lí
nên vẫn nằm trong EEZ của Hải Nam, và theo luật 1998 của họ thì đây là
vùng chồng lấn phải giải quyết theo đoạn 3, điều 2 (như nêu trong chú
thích 2). Xem thêm bản đổ trong bài ‘Trong tiếng Trung, nói ‘khoan đi, cưng ơi, khoan đi’ thế nào?”
[iv] Thật ra, đường chín đoạn chỉ chính thức công bố ngày 7/5/2009 khi TQ gửi công hàm cho LHQ phản đối hồ sơ của VN và Malaysia dù được vẽ năm 1947 và công bố nội bộ 1948.
No comments:
Post a Comment