Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Monday 19 May 2014

TƯỞNG NĂNG TIẾN ** PHỤ NỮ VIỆT NAM

Xin Chào Các Chị Các Em

 S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

Một tổ chức độc lập, ra đời trong hoàn cảnh chế độ độc tài sợ hãi bất cứ sự tập hợp nào của người dân Việt Nam, tất nhiên gặp phải nhiều trở ngại... Nhưng bất chấp những khó khăn, chúng tôi tin tưởng rằng sự làm việc tận tụy và công tâm sẽ mang lại uy tín; chứ không phải ngược lại.
 
Huỳnh Thục Vy, thành viên Tổ Chức Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam
 
Khi đã bước vào lúc xế chiều, tôi mới bắt đầu tin hơi ngờ ngợ rằng đời người (dám) đều “có số” hết trơn chớ không phải chuyện giỡn chơi đâu nha. 
 
Và tôi, than ôi, tôi có số xa nhà!
 
Ở một nơi xa xôi diệu vợi, có hôm, tôi nhận được thư nhà. Thư của mẹ hiền gửi từ cố lý. Ý trời, đất, qủi thần, thiên địa ơi – ai mà dè má tôi biết viết! Chớ trước giờ có thấy bà má cầm bút hồi nào đâu cà?
 
Báo chí, sách vở, phim ảnh, truyền hình cũng không luôn. Có chăng chỉ là vài ba cuốn kinh, đều đã long gáy, bằng tiếng Phạn mà bà cụ đọc làu làu (nghe cứ như hát) nhưng hoàn toàn không hiểu nghĩa, và chắc cũng khỏi cần hiểu làm gì.
 
Mẹ tôi không viết, không đọc, và cũng mấy khi nói năng bình luận về bất cứ chuyện chi trên cõi đời này. Chỉ có mỗi lần, duy nhất, vào lúc sớm – tôi nhớ hoài – khi loa đài vừa oang oang: “Đây là tiếng nói của nhân dân tỉnh Lâm Đồng” thì bà bỗng khó chịu lầu bầu: “Tụi nó đặt điều nói hết chuyện này tới chuyện khác, từ sáng tới tối, chớ tao có dám nói gì đâu mà biểu là tiếng nói của nhân dân!”
 
Mẹ tôi (rõ ràng) là một người ít học, hay chính xác hơn là thất học. Bà sinh năm một ngàn chín trăm ... hồi đó – lâu lắc rồi – đâu khoảng hai mươi, hai mươi hăm, hay hai mươi sáu... tôi không nhớ rõ.
 
Những phụ nữ cùng thế hệ với mẹ tôi mà biết đọc và biết viết (chắc) không nhiều đâu. Riêng bà Tôn Nữ Thu Hồng thì là một trường hợp ngoại lệ – theo Wikipedia:
 
“Bà sinh ngày 19 tháng 7 năm 1922 tại Tourane (Đà Nẵng), nhưng quê quán gốc là làng Thần Phù, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên-Huế).Bà thuộc dòng dõi Hoàng tộc nhà Nguyễn, trước học ở Tourane, sau vào học tại trường Đồng Khánh (Huế).
 
Năm 18 tuổi (1940), bà cho xuất bản tập thơ đầu tiên (và cũng là duy nhất): Sóng thơ. Tập thơ in đẹp (chưa rõ tên nhà xuất bản), có tựa của Đạm Phương nữ sĩ, và tranh vẽ bìa của nữ họa sĩ Mộng Hoa.Năm 1941, bà và thơ của bà được Hoài Thanh-Hoài Chân giới thiệu trong quyển Thi nhân Việt Nam (xuất bản năm 1942).
 
Năm 1968, bà lại được Nguyễn Tấn Long-Nguyễn Hữu Trọng giới thiệu trong bộ sách Việt Nam thi nhân tiền chiến (quyển trung), xuất bản tại Sài Gòn. Và theo sách này, thì nữ sĩ Tôn Nữ Thu Hồng đã chết trong một trường hợp bi đát vào năm 1948, khi mới 26 tuổi.
 
Nhà nghiên cứu văn học Thái Doãn Hiểu coi đây là một trong những cái chết “không minh bạch, vô cùng bất công,” và cần được công luận minh oan:
 
Thu Hồng là trí thức nói tiếng Pháp thành thạo, nhà cô thường tụ tập các thanh niên trí thức. Cô bị nghi ngờ làm gián điệp cho Tây, bị công an bắt, giam giữ và tra khảo mấy tháng trời, không lấy được cung. Cuối cùng, giết nhầm còn hơn bỏ sót, cô bị thủ tiêu giữa rừng Thừa Thiên.
 
Kể lại chuyện đau lòng này, ông Đào Hữu Thiết cán bộ an ninh người chứng kiến vẫn nhớ như in vóc dạc cao to như gấu, khuôn mặt dữ dằn, rậm râu sâu mắt của tên sát nhân Trừng. Trên đường giải cô lên Ty công An Thừa Thiên – Huế, hắn đã bắn lén cô từ đằng sau lưng... Nàng thơ ra đi ở tuổi 26. Năm đó là tháng chạp năm 1948.
 
Theo tôi thì thà bị “bắn lén từ sau lưng” chết “không minh bạch” vẫn đỡ hơn là sống dở và chết dở trong nhà giam (suốt những năm tháng thanh xuân) cũng vì tội danh “gián điệp” sau một phiên toà cũng chả “minh bạch” tí nào – như trường hợp của bà Thụy An, một người đồng thời với thi sĩ Tôn Nữ Thu Hồng.
Một trang báo trích lời văn sĩ Thụy An. Ảnh:DR
 
“Thụy An  là ai?
“Là phụ nữ duy nhất, không viết bài cho NVGP, nhưng tên bà bị nêu lên hàng đầu trong ‘hàng ngũ phản động’, bà bị quy kết là ‘gián điệp quốc tế’, lãnh án 15 năm tù cùng với Nguyễn Hữu Đang. Những lời thoá mạ nhơ bẩn nhất dành cho bà ‘Con phù thủy xảo quyệt cùng những lời lẽ độc địa nhất: ‘Như vắt ngửi thấy máu, Thụy An như rắn bò tới các câu lạc bộ Hội Nhà văn phun nọc độc mạt sát chế độ ta bần cùng hoá nhân dân" (Bàng Sĩ Nguyên, BNVGPTTADL, trang 120).
 
Tại sao lại có sự căm thù ghê gớm đối với nhà thơ, nhà văn, nhà báo phụ nữ tiên phong của Việt Nam? Người đầu tiên thực hiện nữ quyền bằng ngòi bút và hành động. Người chủ trương giải phóng phụ nữ không bằng lý thuyết mà bằng việc làm. Người xác định vị trí phụ nữ như một công dân tự do, thấm nhuần tinh thần dân chủ.” (Thụy Khuê. Nhân Văn Giai Phẩm & Vấn Đề Nguyễn Ái Quốc. Westminster, CA: Tiếng Quê Hương, 2012).
 
Câu hỏi nghe như một tiếng kêu (thảng thốt) của Thụy Khuê “tại sao có sự căm thù ghê ghớm” mà Đảng Cộng Sản Việt Nam dành cho Thụy An, hay Thu Hồng (bao nhiêu năm trước) vẫn có thể lập lại hôm nay cho trường hợp của Tạ Phong Tần – một trong những phụ nữ Việt Nam đầu tiên chủ trương dân báo:
 
“Đã qua rồi cái thời người dân chỉ được biết những gì nhà cầm quyền muốn cho họ biết, và không được biết những gì nhà cầm quyền muốn bưng bít, giấu nhẹm bằng cách quản lý chặt chẽ toàn bộ hệ thống báo chí trong nước...” “Khi bạn đưa thông tin lên blog của bạn, tức bạn đã đem sự hiểu biết của bạn truyền tải cho người khác để mọi người cùng được biết, qua đó, mọi người cùng bàn luận, cùng kiểm tra xem, dùng quyền công dân của mình đòi hỏi công chức Nhà nước phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà luật pháp quy định.”
“Có thể sự hiểu biết của bạn chỉ là một phần nhỏ nào đó trong đời sống xã hội, nhưng nhiều người góp lại sẽ tạo nên một bức tranh hiện thực xã hội hoàn chỉnh. Khi tự mình làm một nhà báo công dân, chính bạn đã góp phần công khai, minh bạch hóa xã hội, cùng chung sức xây dựng một xã hội dân sự cho đất nước chúng ta.”

Tạ Phong Tần viết những dòng chữ thượng dẫn vào ngày 1 tháng 1 năm 2008. Đến ngày 4 tháng 10 năm 2012, bà bị tuyên án 10 năm tù (với tội danh “tuyên truyền chống Nhà Nước”) sau một phiên toà cũng chả “minh bạch” chút nào.
 
Mà không cần phải là nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động xã hội hay blogger (gì ráo trọi) như Tôn Nữ Thu Hồng, Thụy An, Dương Thị Tân, Tạ Phong Tần, Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên, Đỗ Thị Minh Hạnh, Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Hoàng Vi, Trần Thị Nga, Bùi Thị Minh Hằng, Trần thị Hài, Nguyễn Thị Lụa, Hồ Thị Bích Khương, Phương Bích, Đoan Trang, Mẹ Nấm ... cuộc đời mới te tua hay bầm dập đâu nha. Một bà già thất học, không đọc, không viết, cũng không phát biểu (linh tinh) bao giờ như má tôi mà cũng đâu mấy khi được sống an lành.
 
Năm 1954, bà bỏ  hốt hoảng bỏ hết ruộng vườn nhà cửa bồng con chạy một mạch từ Bắc vào Nam. Hai mươi mốt năm sau – vào tháng 4 năm 1975 – trong lúc cả triệu người hân hoan đón chào cách mạng thành công thì bà lui hui dốc hết nước mắm từ chai vô nồi rồi đun cho keo lại thành mắm quẹt: “Để dành ăn dần con ơi, chứ họ vào đây mà thấy nhà mình có hơn chục chai nước mắm thì chết chứ chả bỡn đâu.”
 
Mẹ tôi (e) có hơi quá lời về sự hà khắc của “họ” nhưng thời gian đã chứng minh rằng mọi dự liệu của bà về cuộc sống mới trong XHCN – nói chung – hoàn toàn không...  trật. Dân Việt, quả nhiên, cứ “chết” đều đều – dù có vượt biên, vượt biển, hay không.
 
Hồi cuối thế kỷ trước, trên trang thư tòa soạn của tạp chí Thế Kỷ 21 – số 103, phát hành vào tháng 11 năm 97– nhà báo Vương Hữu Bột đã tường thuật đôi ba trường hợp chết đói xảy ra ở Việt Nam. "Có người chết đói ngay tại chợ Bến Thành. Chết đói vì không có gì để ăn!" Ông ghi lại theo lời kể của một người bạn, một doanh nhân vừa từ Sài Gòn sang Mỹ lo việc kinh doanh.
 
Có lẽ sợ rằng viết lách theo kiểu (nghe nói) như vậy không thuyết phục, ông Vương Hữu Bột còn trích dẫn thêm một câu chuyện khác, từ báo Thanh Niên. "Tờ báo loan tin một thiếu phụ ở Sài Gòn đã giết hai con rồi thắt cổ tự tử. Chị ta còn đủ bình tĩnh viết lá thư để lại, giải thích vì không có cách nào kiếm sống nên chọn cái chết.”
 
Cuối thư, tác giả (bùi ngùi) kết luận:
 
"Chắc mỗi người chúng ta không thể gánh trách nhiệm về hạnh phúc và an lạc của tất cả mọi nguời khác. Nhưng tất cả chúng ta, với tính cách một chủng loại, phải chia sẻ trách nhiệm khi còn những đồng bào khổ đau, cùng quẫn. Một xã hội văn minh phải thu xếp với nhau đừng để cho những cảnh cùng quẫn đó xảy ra mới phải."
 
Qua đến đầu thế kỷ này, chuyện “thu xếp” để đừng đẩy tha nhân (hay nhân dân) vào những cảnh đời “cùng quẫn” – xem ra – vẫn chưa được ổn thoả gì cho lắm. Từ Sài Gòn, blogger Phạm Chí Dũng có bài tường thuật (“Vô Cảm Quan Chức Và Cái Chết Vì Nghèo”) đọc được qua BBC – vào hôm 11 tháng 6 năm 2013. Xin trích dẫn một đoạn ngắn:
 
“Tự tử vì nghèo đã trở thành một hiện tượng mãn tính trong xã hội được mô tả là chịu ăn chơi bậc nhất thế giới. Một bà mẹ xấu số nguyện dùng tiền phúng viếng của mình để trả nợ và nộp học phí cho con… Hai cô gái đang tuổi xuân xanh rủ nhau uống thuốc diệt cỏ tự vẫn vì không có tiền nộp phạt vi phạm giao thông…
 
Báo chí và người dân hẳn cũng chưa quên câu chuyện của chị Lê Thị Ngọc N. cũng xảy ra tại TP. Cà Mau cách đây không quá lâu. Trước khi chết, N. đã từng thổ lộ muốn tìm đến cái chết vì nghèo khổ quá.”
 
Những thảm trạng “mãn tính” xẩy ra cho phụ nữ – như trên – đã kéo dài gần hai phần ba thế kỷ, ở Việt Nam. Sự kiện này đã khiến cho tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy (vô cùng) sốt ruột và sốt tiết. Bà đặt (và đẩy) vấn đề cho nam giới ở xứ sở này:
“Bao giờ các anh sẽ thôi tán phét trong các quán nhậu? Bao giờ các anh quyết định thôi sống hèn?”
Ủa, tôi tưởng chuyện này đã có một vị mày râu xứ Việt (ông Bùi Minh Quốc) nêu ra và giải quyết xong xuôi lâu rồi mà:
 Bao nghẹn uất Nguyệt Nga xé trời kêu chẳng thấu
Giữa chợ đời biệt dạng Lục Vân Tiên
Hảo hớn bận giang hồ quán nhậu
Thi nhau bốc phét để quên hèn
 
Cách “giải quyết” (theo kiểu nói coi như huề vốn) của Bùi Minh Quốcy tuy chưa được hoàn toàn rốt ráo nhưng theo Chủ Nghĩa Nam Nữ Bình Quyền thì đàn ông và đàn bà đều bình đẳng về quyền lợi cũng như nghĩa vụ. Đèn nhà ai, nhà nấy sáng. Chuyện phái nào phái ấy (phải) lo chớ bộ.
 
Và nhờ Trời là chúng ta không phải “lo” lâu. Vào ngày 28 tháng 11 năm 2013 vừa qua, thông tín viên Tường An (RFA) đã long trọng loan tin “Xã hội dân sự Việt Nam vừa có thêm một thành viên mới: đó là một nhóm có tên gọi là:  “Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam.” Xin được ghi lại đôi dòng về tôn chỉ của tổ chức xã hội dân sự  (http://vnwhr.net/) này để rộng đường dư luận: 
           - Gắn kết các cá nhân phụ nữ chịu thiệt thòi và dễ bị tổn thương từ các vụ việc vi phạm Nhân quyền.
           - Lên tiếng và có những hành động bảo vệ thiết thực đối với những người phụ nữ đã và đang bị xâm phạm                     phẩm giá và các quyền con người cơ bản.
            - Chia sẻ và tuyên truyền những kiến thức nhằm nâng cao trình độ hiểu biết của phụ nữ Việt Nam về quyền                    con người và về vai trò của phụ nữ trong một xã hội tôn trọng nhân quyền.
Các vận động viên và thành viên của nhóm “Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam”. Courtesy vnwhr.ne
Ngay sau đó, không ít tổ chức, đoàn thể, cũng như vô số qúi vị thức giả đã lên tiếng hoan hô và ủng hộ sự ra đời (dù muộn màng) của Tổ Chức Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam. Là một thường dân, tôi không đủ tư cách để “lên tiếng” theo cùng cung cách đó nên chỉ mong được phép thay mặt mẫu thân (nhân ngày giỗ của bà) xin gửi lời chào trân trọng và thân ái đến các chị, các em – những người vừa mở đầu một trang sử mới cho phụ nữ Việt Nam.

No comments:

Post a Comment