Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Tuesday 13 May 2014

THẾ GIỚI NHÌN VỀ BIỂN ĐÔNG

Quốc tế bình luận va chạm trên Biển Đông

Cập nhật: 11:01 GMT - thứ năm, 8 tháng 5, 2014

Đây là vụ căng thẳng mới nhất giữa Bắc Kinh và Hà Nội
Báo chí quốc tế đã có nhiều tin bài bình luận về tham vọng của Trung Quốc cũng như quyết tâm của Việt Nam trong vụ việc Bắc Kinh đưa giàn khoan HD 981 vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông.

‘Đương đầu với Trung Quốc’

Tờ New York Times của Mỹ chạy tít: “Việt Nam đương đầu với Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp.”
“Những tranh chấp này không có gì mới, nhưng một nước Trung Quốc ngày càng hùng mạnh với những khả năng mới để khẳng định yêu sách chủ quyền của mình đang gây sóng trong khu vực trong những năm vừa qua,” tờ báo này nhận định.
Cũng theo New York Times thì đường chín đoạn của Trung Quốc bị những người chỉ trích cho rằng không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.
Trang mạng của Forbes dẫn ý kiến của nhà phân tích Gordon G. Chang cho rằng vụ việc xảy ra là cách để các nhà lãnh đạo Trung Quốc thách thức cam kết của Tổng thống Mỹ Barack Obama đối với an ninh khu vực không lâu sau chuyến công du châu Á của ông hồi cuối tháng trước.
“Với hành động lần này, Bắc Kinh đã vượt qua hai lằn ranh quan trọng,” bài báo dẫn nguồn từ Nelson Report, một bản tin nội bộ của Washington, nhận định.
“Đây là lần đầu tiên Trung Quốc khoan ở vùng biển Việt Nam. Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc công khai sử dụng tàu thân xám, tức tàu hải quân, để hỗ trợ cho tàu thân trắng, tức tàu hàng hải dân sự.”
Theo bài báo của Forbes, Bắc Kinh có thể đang tranh thủ lúc Washington đang tập trung vào cuộc khủng hoảng Ukraine, bày tỏ sự khinh thường ông Obama hoặc nước này chỉ nhằm vào một nước nhỏ mà tấn công.
“Dù Trung Quốc có làm gì đi nữa thì nó cũng cực kỳ nguy hiểm,” bài báo viết.
“Việt Nam không có lịch sử lùi bước, ngay cả khi trước sự khiêu khích của người láng giềng khổng lồ Trung Quốc.”
“Hai nước đã xung đột với nhau hàng chục năm. Có khi Trung Quốc thắng và có khi Việt Nam thắng, nhưng điều rõ ràng là Hà Nội không sợ người láng giềng phương Bắc.”
“Không có khả năng người Việt Nam, vốn rất tự hào về dân tộc của họ, sẽ để yên cho Bắc Kinh khoan ở gần vùng biển ngay sát họ,” bài báo phân tích.
“Trung Quốc muốn sở hữu lãnh thổ và vùng biển của những nước xung quanh. Họ sẽ không dừng lại cho đến khi có ai ngăn họ lại. Và có thể chỉ có người Việt Nam mới ngăn họ được.”
Bài báo của Forbes cũng nhắc lại lần xung đột lớn giữa hai nước hồi năm 1979 mà khi đó Hà Nội đã ‘làm nhục quân đội Trung Quốc’.

Phép thử của Trung Quốc?

Trung Quốc đã tính toán rất kỹ khi có hành động này?


Trong bài viết trên trang mạng của mình, kênh truyền hình Mỹ CNBC, nhận định rằng Hà Nội ‘hết sức cẩn trọng khi phát ngôn về Trung Quốc, nước mà giao thương song phương đã vượt mức 50 tỷ đôla Mỹ vào năm 2013’.
Bài báo này dẫn ý kiến của hai phân tích gia Ernest Bower và Gregory Poling ở Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington nói rằng vụ việc dàn khoan này có ý nghĩa ‘quan trọng’.
“Việc Trung Quốc làm tới để đặt giàn khoan ngay sau khi chuyến Á du của Tổng thống Barack Obama cho thấy rõ quyết tâm của Bắc Kinh muốn thử phản ứng của Việt Nam, các nước trong Asean và Washington.”
Cũng theo hai vị này thì Bắc Kinh đang tìm cách ‘thay đổi lớn trên hiện trạng’ vì họ cảm thấy Washington đang bị phân tâm với tình hình ở Ukraine.
“Nếu Trung Quốc tin rằng Washington đang mất tập trung... và không sẵn sàng thực hiện những cam kết an ninh mạnh mẽ mà ông Obama đã nhắc đi nhắc lại với Nhật Bản và Philippines thì những hành động ở phía Nam quần đảo Hoàng Sa sẽ để lại hậu quả lâu dài đối với khu vực và thế giới.”
Bài báo cũng dẫn lời một quan chức dầu mỏ Trung Quốc nói quyết định triển khai giàn khoan dường như là một ‘quyết định chính trị’ chứ không phải là ‘quyết định thương mại’.
“Quyết định này thể hiện ý chí của chính phủ Trung Quốc và cũng liên quan đến chiến lược của Mỹ ở châu Á,” vị quan chức này nói với điều kiện giấu tên.
“Quyết định này không phải vì lý do thương mại. Nó không phải là CNOOC (Công ty dầu khí Quốc gia Trung Quốc) có kế hoạch thăm dò lớn ở khu vực.”

Nếu Việt Nam không phản ứng mạnh thì Trung Quốc sẽ làm tới?

Việt Nam ít bạn?

Nhật báo Daily Mail của Anh nhận xét rằng Chính phủ Hà Nội có ít khả năng xoay sở khi phải đối phó với một nước láng giềng khổng lồ đồng thời là đối tác thương mại hàng đầu.
“Mặc dù nước này không còn bị cô lập như trước đây nhưng với tư cách là một trong những nước cộng sản ít ỏi còn lại trên thế giới thì Việt Nam không thể hy vọng nhiều vào sự giúp đỡ ngoại giao của các cường quốc,” tờ báo này viết.
Bài báo cũng dẫn lời Tiến sỹ Jonathan London, một chuyên gia về Việt Nam tại Đại học Thành thị Hong Kong nói: “Trung Quốc dường như rất quyết tâm trong việc đặt dấu chân mình một cách chắc chắn vào vùng biển có tranh chấp.”
“Hà Nội đang bị dồn đến chân tường, mặc dù các chính sách của Trung Quốc mà hầu như bất cứ ai ngoại trừ Trung Quốc đều cho là không có cơ sở pháp lý đã dẫn đến tình hình hiện nay,” Tiến sỹ London được dẫn lời nói.
Tờ Financial Times nhắc lại rằng Bắc Kinh đã có những bước đi trong nước để tranh thủ sự ủng hộ của người dân nước họ đối với ‘chủ quyền’ rộng lớn của họ trên Biển Đông.
Theo tờ báo này thì truyền hình nhà nước Trung Quốc mới đây đã phát sóng một bộ phim tài liệu dài tám tập ca ngợi lực lượng tuần duyên và ngư chính của họ trong việc bảo vệ ‘chủ quyền và tài nguyên của Trung Quốc’.
Trong bộ phim tài liệu này có cảnh tàu Việt Nam ‘ngăn cản tàu thăm dò của Trung Quốc một cách điên cuồng’. Lời thuyết minh trong phim nói các tàu Trung Quốc ‘đã đối đầu đội tàu có vũ trang (của Việt Nam) lớn hơn gấp nhiều lần một cách không hề nao núng và đã chiến đấu oanh liệt’.

Độc giả

Bài báo của Financial Times đã thu hút nhiều bình luận của các độc giả.
Một người ký tên là Alfred Nassim viết: “Mỹ càng dấn sâu vào cuộc khủng hoảng Ukraine thì Trung Quốc càng có cơ hội lợi dụng tình hình.”
"Mỹ càng dấn sâu vào cuộc khủng hoảng Ukraine thì Trung Quốc càng có cơ hội lợi dụng tình hình."
Độc giả Alfred Nassim
“Khi mèo vắng nhà thì chuột bắt đầu giở trò.”
Một người khác đề tên là Felix Drost viết: “Chủ nghĩa đại bá của Trung Quốc khiến việc nước này tìm cách đối đầu với Việt Nam cũng không có gì là lạ. Ai đó có thể nghĩ rằng họ đã học được những bài học nào đấy. Trong tất cả các đối thủ tiềm tàng trong khu vực thì Việt Nam là đối thủ khó chịu nhất.”
Một độc giả có tên là iloveft thì có cách nghĩ khác.
“Đây mới là lần đầu tiên Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển này,” người này viết.
“Còn Việt Nam kể từ năm 2011 đã đơn phương cho phép các công ty như ExxonMobil và Gazprom khai thác trong vùng biển này. Do đó câu hỏi của tôi đối với người Mỹ là: “Có phải hành động trước đây của Việt Nam cũng là khiêu khích?”
Một người có nick là Newslover bình luận:
“Việt Nam là một đất nước mạnh mẽ cứng rắn được Mỹ hậu thuẫn. Điều này có nghĩa là Trung Quốc phải từ bỏ lãnh thổ của mình cho Việt Nam? Đương nhiên là không.”
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2014/05/140508_hd981_media_roundup.shtml




Trung Quốc không muốn leo thang'

Cập nhật: 13:39 GMT - thứ ba, 13 tháng 5, 2014
Giàn khoan của CNOOC
Trung Quốc thấy sự thôi thúc phải đảm bảo nguồn cung năng lượng, theo ông Gary Li
Một nhà nghiên cứu hàng hải từ Trung Quốc nói Bắc Kinh không muốn leo thang thêm nữa trong căng thẳng hiện nay.
Ông Gary Li, phân tích gia cao cấp về hàng hải của tổ chức IHS với 8.000 nhân viên trên toàn cầu nói hãng dầu khí CNOOC của Trung Quốc cho tàu hải cảnh bán quân sự hộ tống giàn khoan.
Nhưng chuyên gia hải quân Carl Thayer từ Australia cũng nói có bảy tàu hải quân của Giải phóng Quân Nhân Dân có mặt ở các vị trí quanh giàn khoan.
Mặc dù vậy cho tới nay dường như chỉ có tàu hải cảnh đối mặt với các tàu của cảnh sát biển Việt Nam.
Ông Li nhận xét trong phỏng vấn với BBC tiếng Trung:
"Điều này cho thấy Trung Quốc không muốn leo thang thêm nữa; và chuyện Việt Nam phải dựa vào các cuộc biểu tình ở trong nước cho thấy họ không đủ sức cản Trung Quốc."
"Nhất là từ sau khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền, Trung Quốc cảm thấy sự thôi thúc phải có nguồn cung năng lượng được đảm bảo, ít phụ thuộc hơn vào nguồn cung từ Trung Đông, phát triển nhiên liệu sạch và hỗ trợ cho quá trình đô thị hóa nhanh chóng."
Chuyên gia Gary Li
Ông Li cũng cho rằng việc hạ giàn khoan của CNOOC nằm trong chiến lược lâu dài nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng của Bắc Kinh.
"Nhất là từ sau khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền, Trung Quốc cảm thấy sự thôi thúc phải có nguồn cung năng lượng được đảm bảo, ít phụ thuộc hơn vào nguồn cung từ Trung Đông, phát triển nhiên liệu sạch và hỗ trợ cho quá trình đô thị hóa nhanh chóng.
"Diễn biến giàn khoan của CNOOC xảy ra vào thời điểm Trung Quốc tập trung vào phát triển ngành công nghiệp ngoài khơi mạnh hơn cũng như giữa lúc các công ty nhà nước Trung Quốc chịu sức ép phải nắm được các nguồn lực ngoài khơi."
Chuyên gia này cũng cho rằng CNOOC đánh giá tiềm năng dầu khí ở vùng họ mang giàn khoan tới lớn hơn so với đánh giá của các chuyên gia khác.

'Võ miệng'

Trong khi đó trang The Diplomat hôm nay cũng có bài nói chuyện CNOOC đưa tài sản trị giá một tỷ đô la vào Biển Đông như hiện nay cho thấy "tính chất chính trị và được lên kế hoạch từ trước" của động thái này.
Bấm The Diplomat cũng nói Trung Quốc "đánh cược với độ tự tin cao là bất chấp sự khiêu khích [qua việc đặt] giàn khoan dầu, Việt Nam sẽ chỉ phản bác bằng võ miệng và sự kiềm chế - chứ không phải bằng vũ lực."
Trang mạng này cũng nói tuyên bố của Hoa Kỳ coi hành động của Trung Quốc là "khiêu khích" sẽ không đủ để ngăn các hành động tương tự của Trung Quốc trong tương lai.
Bản thân truyền thông Trung Quốc có vẻ giảm nhẹ tính nghiêm trọng của vụ việc trong khi truyền thông Việt Nam được bật đèn xanh để công kích trực diện Trung Quốc về việc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế trên biển của Việt Nam.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/05/140513_china_vietnam_tension.shtml



Kerry: 'Đừng hung hăng trên Biển Đông'

Cập nhật: 15:00 GMT - thứ hai, 12 tháng 5, 2014
Mỹ đang theo dõi những diễn biến trên Biển Đông
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ra thông cáo lặp lại quan ngại của nước ông về điều mà ông gọi là ‘thách thức của Trung Quốc’ đối với quần đảo Hoàng Sa, hãng tin Anh Reuters cho biết.
Ông Kerry đưa ra phát biểu này trước cuộc gặp với người đồng cấp Singapore K. Shanmugam ở Washington hôm thứ Hai ngày 12/5.
“Chúng tôi đăc biệt quan ngại – tất cả các nước có liên quan đến việc đi lại và thông thương trên Biển Đông, Biển Hoa Đông – đều quan ngại sâu sắc về hành động hung hăng này,” ông Kerry nói.
“Chúng tôi muốn thấy một bộ quy tắc ứng xử ra đời. Chúng tôi muốn thấy tranh chấp này được giải quyết một cách hòa bình thông qua Luật Biển, thông qua trọng tài và các phương tiện khác chức không phải bằng cách đối đầu trực diện và bằng hành động hung hăng."
Về phần mình, Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam nói nước ông muốn có tiến triển trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc để thiết lập một Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông vốn cho đến nay vẫn dậm chân tại chỗ.
“Chúng tôi không muốn căng thẳng,” ông nói, “Chúng tôi cần một tình huống mà tất cả các bên giải quyết các bất đồng và khác biệt bằng một cách có thể chấp nhận được đối với các bên.”

'Việt Nam nên bình tĩnh'

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng những nỗ lực của Việt Nam nhằm lôi kéo các nước vào tranh cãi xung quanh giàn khoan HD-981 ‘sẽ thất bại’.
"Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông."
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói với ASEAN về hành động của Trung Quốc
Trước các cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc được cho là lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam hồi cuối tuần qua, bà Hoa nói Bắc Kinh ‘hết sức quan tâm’ và đã yêu cầu Hà Nội dùng mọi biện pháp có thể để đảm bảo an toàn cho các cơ quan và công dân Trung Quốc.
"Thực tế chứng minh rằng Việt Nam đang cố lôi kéo các bên khác nhằm tăng sức ép với Trung Quốc, nhưng sẽ không đạt được mục tiêu," nữ phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh phát biểu tại họp báo hàng ngày hôm 12/5.
"Chúng tôi hy vọng rằng Việt Nam có thể nhìn nhận tình hình rõ ràng hơn, bình tĩnh đối diện với thực tế và ngưng quấy nhiễu các hoạt động của Trung Quốc," bà Hoa nói tiếp.
Phát biểu của bà Hoa được đưa ra một ngày sau hội nghị thượng đỉnh Asean ở Myanmar, mà tại đó, Asean bày tỏ "quan ngại" nhưng không phê phán Trung Quốc.
Tại Myanmar, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng mạnh mẽ chỉ trích việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam và kêu gọi các nước khác cùng phản đối Trung Quốc.
Phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh
Bà Hoa nói Việt Nam nên 'đối diện với thực tế và ngưng quấy nhiếu'
Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar, Bấm ông Dũng nói:
"Từ ngày 01/5/2014 Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu cùng hơn 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam và đã hạ đặt giàn khoan này tại vị trí nằm sâu trên 80 hải lý trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.
"Các tàu hộ tống bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc đã rất hung hăng bắn vòi nước có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương.
"Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào hạ đặt tại địa điểm nằm sâu trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của một nước trong ASEAN, là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Luật pháp Quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về Ứng xử của các Bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một Bên tham gia ký kết.
"Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông," ông Dũng nói.
Vị thủ tướng cũng “khẩn thiết kêu gọi các nước Asean, các nước trên thế giới, các cá nhân và Tổ chức quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối hành động vi phạm nghiêm trọng nêu trên và ủng hộ yêu cầu hợp pháp, chính đáng của Việt Nam”.

Tuyên bố của ASEAN

Sau phát biểu của ông Dũng, ASEAN đã ra tuyên bố kết thúc hội nghị trong đó không nhắc tên cụ thể nước nào mà chỉ kêu gọi “tất cả các bên thực hiện kiềm chế và không sử dụng vũ lực, cũng như không tiến hành các hoạt động có thể làm gia tăng căng thẳng và sớm đạt được COC như đã được thể hiện trong Tuyên bố 6 điểm về Biển Đông”.
Ngoài ra còn có một Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao Asean-24 về tình hình Biển Đông.
Nhưng tuyên bố này cũng chỉ “bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra ở Biển Đông” và kêu gọi các bên “thực hiện kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS)”.
"Chúng tôi muốn thấy tranh chấp này được giải quyết một cách hòa bình thông qua Luật Biển, thông qua trọng tài và các phương tiện khác chức không phải bằng cách đối đầu trực diện và bằng hành động hung hăng."
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
Tại hội nghị, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói ASEAN phải “trung lập”, không ủng hộ đòi hỏi chủ quyền trên biển của nước nào.
Nhưng việc "bày tỏ quan ngại sâu sắc" của ASEAN về vụ việc cũng được một số chuyên gia nhìn nhận là động thái đáng ghi nhận.
Trong khi đó Hoa Kỳ, Liên hiệp châu Âu và Nhật Bản đều có những tuyên bố bày tỏ sự lo ngại về diễn biến căng thẳng mới nhất trên Biển Đông.
Trong một diễn biến khác, theo tường thuật của Tuổi Trẻ, báo có hai phóng viên có mặt tại vùng biển Hoàng Sa, tàu kiểm ngư Việt Nam và "15 tàu hải giám, hải cảnh" của Trung Quốc vẫn "đấu vòi rồng dữ dội" sáng 12/5 trong hơn một tiếng nhưng không gây thương vong.


No comments:

Post a Comment