Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday, 30 May 2019

CHO BÉ NHỮNG ƯỚC MƠ

Ảnh của nguyenlanthang

Xin chào quý anh chị, các thầy cô giáo, và đặc biệt là các vị phụ huynh. Tôi rất vui mừng là trong bài viết trước, "Quỳ xuống với con" tôi đã nhận được sự tán thưởng rất lớn của đông đảo bạn đọc gần xa. Lần theo từng dòng bình luận, từng cái chia sẻ của mọi người, tôi đã đọc hầu hết cảm nghĩ của tất cả các vị. Tuy nhiên, rất nhiều người đã copy bài viết của tôi đi đâu đó, hoặc chia sẻ bài viết vào các nhóm kín, nên tôi cũng không thể đọc tất cả các ý kiến. Nhưng tôi chắc rằng mọi người ở đây hầu hết đều đồng ý với tôi rằng, công cuộc nuôi dạy con cái là điều trọng đại nhất, quan trọng nhất trong cuộc đời của chúng ta. Cuộc đời này thì lại phức tạp, không ai giống ai. Mỗi người sinh ra đều có hoàn cảnh riêng, thế nên dù ai cũng yêu con cái mình, nhưng không phải ai cũng lo được cho chúng theo cách tốt nhất. Chính vì thế tôi muốn tiếp tục bàn sâu về câu chuyện này cùng quý vị gần xa, để mong chia sẻ những suy nghĩ của mình, cũng như được nghe những trao đổi, để rồi chúng ta ai cũng có bài học cho riêng mình, nhằm giúp những đứa con rồi sẽ có một cuộc đời thành đạt và hạnh phúc trong tương lai.
Không phải ai thành đạt và hạnh phúc cũng có một tuổi thơ dễ dàng. Nhiều vĩ nhân sinh ra trong cảnh nghèo túng, và có người còn không có cả cha lẫn mẹ. Ngược lại, không phải đứa trẻ nào có một điểm khởi đầu thuận lợi, lại đạt được cuộc sống hạnh phúc sau này. Cuộc đời vốn như vậy và đâu là nguyên nhân của chuyện đó? Có lần tôi được đọc một cuốn sách tên là "Những kẻ xuất chúng". Đây là một cuốn sách rất hay, trong đó người ta thống kê và phân tích cuộc đời của 500 người thành đạt và nổi tiếng nhất thế giới từ cổ chí kim. 500 người đó là 500 xuất phát điểm khác nhau, nhưng hầu hết họ có một điểm chung là, họ đã có cơ duyên học hành và rèn luyện một kỹ năng nào đó đủ 10 ngàn giờ trước khi bước vào tuổi trưởng thành. Dù là việc chơi đàn, học toán, soạn nhạc, lập trình máy tính, vẽ tranh... bất cứ ai khi bước vào độ tuổi trưởng thành hội đủ 10 ngàn giờ tập luyện sẽ có đủ kỹ năng ở đẳng cấp thế giới, 6 - 8 ngàn giờ là đẳng cấp chuyên gia, 4 ngàn giờ là đủ để sống và làm việc bằng công việc đó. Đây là những con số thống kê nghiêm chỉnh trong một công trình nghiên cứu của các nhà khoa học chứ không phải là chuyện nói chơi. 10 ngàn giờ điều đó có nghĩa là, một đứa trẻ học piano chẳng hạn, nó sẽ phải chơi đàn hàng ngày từ 1 đến 2 tiếng lúc 6 đến 10 tuổi, từ 3 đến 4 tiếng lúc 11 đến 18 tuổi. Đó là một công việc hết sức nặng nhọc cho đứa trẻ, và hết sức tốn kém công sức hay tiền bạc của cha mẹ. Nhưng học tập và rèn luyện là chìa khoá căn bản để một con người phát triển và thành công, không thể khác được. Bạn có thể để lại cho con cái mình một núi tài sản, nhưng nếu nó không hội đủ các kỹ năng cần thiết để trở thành một người thành công, bao nhiêu tài sản rồi cũng hết. Và chúng ta cũng không thể đi theo nó hết cuộc đời này để giám sát chúng, bao bọc chúng.
Điều khó khăn cho chúng ta là, có nhiều bé không thích đến trường, không chịu làm bài tập, chịu nghe giảng, không chịu làm những việc cần thiết cho mình mà phải do bố mẹ ép buộc. Tôi cho rằng nguyên nhân chính của việc này là do không phải đứa trẻ nào cũng có ước mơ. Có một lần tôi đưa con gái đến lớp học vẽ. Trên đường đi nó bảo rằng, con không thích đi học đâu. Con muốn về nhà xem phim hoạt hình cơ. Tôi hơi bực mình vì việc đưa đón cũng khá vất vả và tiền học cho khoá học này cũng không phải là ít. Nhưng rồi tôi hỏi nó: Con muốn sau này mình sẽ là người như thế nào? Con có muốn sau này khi lớn lên con có bàn tay khéo léo, có khiếu thẩm mỹ, có khả năng làm được tất cả những gì con muốn bằng bàn tay của mình không...? Thế rồi từ từ trên đường đi, bằng những trao đổi nhẹ nhàng như vậy, con gái tôi thay đổi thái độ, và rồi nó lại vui vẻ vào lớp học vẽ. Một lần khác, con gái tôi tắm rất ẩu, người chỉ tráng qua nước và đầu thì vẫn còn dính dầu gội trên tóc. Tôi liền bế nó đến trước gương, chỉ cho nó và lại hỏi: con có muốn sau này mình sẽ thành một công chúa xinh đẹp không? Công chúa xinh đẹp thì phải có làn da sạch sẽ thơm tho này, có mái tóc óng ả này, biết tự chăm sóc mình này... Và thế rồi nó tự giác vào đi tắm lại chứ không hề phản ứng tiêu cực gì nữa.
Bây giờ con gái tôi mới hơn 5 tuổi, nhưng nó đã tự tắm gội, tự dọn dẹp phòng mình, tự xếp quần áo và tự đi ngủ mà không cần phải ép buộc gì nhiều. Không phải lúc nào con tôi cũng hợp tác với bố mẹ, nhưng mỗi khi có chuyện, tôi đều cố gắng hỏi nó những câu kiểu như: con muốn mình sẽ là ai? Con muốn mình sẽ là người như thế nào? Khi đứa trẻ đã có mục tiêu, có ước mơ... chúng ta sẽ không còn phải mất quá nhiều công sức ép buộc hay quát mắng con, mà nó sẽ tự giác làm những việc cần thiết của mình, vì đấy là ước mơ của nó.
Thương con nhưng chưa chắc đã phải cho roi cho vọt. Ai đánh con mà chẳng thấy đau? Thế nên tôi luôn cố sức bình tĩnh nhất với con, và hỏi nó muốn điều gì, ước mơ điều gì. Nếu tầm nhìn của đứa trẻ được hướng ra xa, nó sẽ tự giác bỏ qua những cám dỗ trước mắt, và rồi tự giác làm những điều đúng đắn, bởi vì nó đã có trong mình một ước mơ./.

No comments:

Post a Comment