Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday, 30 May 2019

TRẦN MINH THƯƠNG * MA QUỶ TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM

MA QUỶ TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM
Trần Minh Thương
Có thể nói ngay rằng ma, quỷ là những từ khá phổ biến trong ngôn ngữ của các dân tộc. Mặc dù vậy, để đi tìm định nghĩa cho nó không phải là việc dễ dàng. Ma quỷ thuộc thế giới tâm linh của con người, vì thế, khu biệt rõ ràng khái niệm của các từ này là điều gần như không thể.
1. Đi tìm một khái niệm về ma, quỷ
1.1. Ma quỷ trong từ điển
Từ điển Hán Việt của Nguyễn Văn Khôn viết, ma: ma, quỷ [trang 572]; quỷ: Ma, quỷ. Nham hiểm, quỷ quyệt. Mưu hại người [trang 764].
Gần với ma, quỷ còn có tinh: loài yêu quái, quỷ thần [trang 867]
Việt Nam tự điển của nhóm Lê Văn Đức – Lê Ngọc Trụ soạn và hiệu đính, thì ma có ba nghĩa:
Thứ nhất, ma là hồn người chết không được cúng giỗ, không nơi nương tựa, hiện ra phá quấy người sống.
Thứ hai, ma tức là ý xấu, phần vô hình trong con người giục làm bậy.
Thứ ba, dùng chỉ lễ chôn cất người chết: đám ma.
Các loại ma được tự điển liệt kê gồm: Ma gà: Thứ ma hay theo những cô gái đẹp (theo quan niệm của dân tộc Tày – Nùng)/ Ma xó: theo tục người Mường, khi có người chết, đem dựng đứng ở xó nhà, sau thành ma/ Mai lai: thứ người ban đêm hóa ma đi ăn phần người khác./ Ma men: người say chết thành ma thường hay lôi cuốn người khác say sưa tới chết/ Ma cà rồng: thứ ma thường hay nhập vào đi hút máu người khác/ Ma thần vòng: ma những người thắt cổ chết (sau giục người khác tự tử chết như họ)/ Ma trành: ma cọp dữ, thường tìm dẫn cọp bắt ăn người khác để nó được đầu thai, …
Cũng theo Việt Nam tự điển thì với tư cách danh từ quỷ là hồn kẻ tiểu nhân, kẻ dữ, hung ác, hoặc người chết oan hiện ra. Còn với chức năng tính từ thì quỷ chỉ sự tinh nghịch, sâu sắc: Mưu thần chước quỷ, …
Các loại quỷ thường được dùng trong lời ăn tiếng nói như quỷ sứ, quỷ sa tăng, quỷ nhập tràng, quỷ truyền kiếp, quỷ kiếm sầu, Tự điển Tiếng Anh thì: ma là ghost, còn quỷ là devil.
Thường thì hai chữ ma quỷ hay được dùng chung như từ kép.
Yêu là loài tinh quái, thú hay cây cối sống lâu năm biết hiện hình người và giả người để phá quấy thiên hạ.
1.2. Ma quỷ trong dân gian
Trong truyền khẩu dân gian, ma thường được miêu tả là một dạng người (hiếm khi đề cập tới ma động vật), mà thường có màu "trắng bạc", "cái bóng lờ mờ", "nửa trong suốt", hay "tựa như sương mù", "đống đen thùi lùi", “đầu tóc bù xù, rũ rượi”, …
Ma chỉ là hình bóng, là linh hồn của người đã khuất, đúng như câu "hồn ma bóng quế", nên khó thể xác định rõ hình dáng của nó. Thêm nữa, ma hay bay lơ lửng, chân không chấm đất, không có bóng, tới lui nhẹ nhàng như làn gió lạnh thoảng qua. Ma không có cơ thể sống như con người. Xã hội của ma theo nhiều người là "âm phủ" còn chỗ ở của ma là cái mộ (sống cái nhà thác cái mồ). Ma cũng có thể vương vất ở những nơi tăm tối, vắng vẻ nơi có liên quan đến khi họ còn sống.
Dân gian cho rằng thì chỉ có người có "duyên" với linh hồn đó mới có thể nhìn thấy ma hoặc người có khả năng đặc biệt như các nhà ngoại cảm mới “giao tiếp” được với ma quỷ.
Nhiều người cho rằng ma có khả năng biết tất cả nhưng gì người sống nghĩ, có khả năng biết được các việc đã, đang và sắp xảy ra, hoặc có khả năng tác động lên thể xác, lời nói của người sống như hiện tượng lên đồng, tác động lên cảm quan người sống như dắt người sống đi lạc vào bụi, xúi người sống ăn đất mà tưởng ăn bánh hoặc ma có thể tác động lên vật chất như tạo ra tiếng động, rung cây, xô lệch bàn ghế ...
Trong dân gian Trung Quốc, ma không có bóng và không được phản chiếu lên gương. Ngoài ra, đa số ma còn sợ ánh sáng Mặt Trời và các thần thánh. Do đó người ta thường dùng các loại bùa và dấu hiệu như bát quái, thánh giá, máu chó, tỏi, củ hành, cây dâu, cây đồng đình, vôi bột, cây xương rồng ... để trừ ma. Nhưng không ai giải thích được vì sao ma sợ các thứ đó mà không sợ thứ khác, …
Quỷ thuộc loại “đầu đội trời, chân đạp đất”, được hình dung gắn cho một người nào đó có tính quỷ quyệt, nham hiểm, xấu xa, vì thế quỷ … thật hơn ma và cũng chẳng khiến người ta sợ hãi bằng sợ ma!
1.3. Ma quỷ theo tôn giáo
Kinh Bát Đại Nhơn Giác có câu nói: Tồi phục tứ ma, xuất ấm giới ngục. Nói bốn loại ma đó là: Phiền não ma, ngũ ấm ma, thiên ma và tử ma. Bốn loại ma này, làm chướng ngại cho người tu hành rất lớn.
Phiền não ma là ma trong tâm của mỗi người. Chính nó là nguyên nhân gây ra cho người ta phải đau khổ triền miên. Ngũ ấm ma gồm có: sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Tại sao gọi 5 thứ nầy là ma? Vì 5 thứ nầy không thật có mà người ta cố chấp cho là thật có, rồi từ đó mà tạo nghiệp thọ khổ nên gọi nó là ma. Thiên ma là loại ma vương ở cõi trời Dục giới. Chúng có khả năng biến hóa khuấy phá nhiễu loạn làm trở ngại sự tiến đạo của hành giả. Loại ma nầy, khuấy phá Phật khi Phật sắp thành đạo. Vì bọn chúng không muốn cho ai thoát khỏi ngũ dục. Chúng thấy ai tu hành tinh tấn, không còn mê đắm ngũ dục lạc thế gian, thì chúng thường hay khuấy phá. Tử ma là ma chết. Con người sau khi chết thành loài ma quái yêu tinh khuấy nhiễu làm người ta sợ hãi sanh bệnh v.v… Hoặc người đang tinh tấn tu hành, bỗng bị vô thường xảy đến bệnh hoạn hay tai nạn rồi ngã ra chết làm trở ngại dở dang sự tu hành đó cũng thuộc về tử ma.
Nói tóm lại, bốn loại ma nầy, lực dụng của chúng đều làm chướng ngại lớn trên bước đường tu tiến của hành giả, vì bọn chúng làm cho người tu hành khó được giải thoát.
Quỷ xuất phát từ tiếng Hán Gwei(), dùng để gọi linh thể của những người đã chết. Theo quan điểm của người phương Đông, sau khi chết đi, linh hồn của con sẽ đầu thai chuyển thế vào kiếp khác. Nhưng vì một lý do nào đó, linh hồn không thể đầu thai mà vẫn lưu lai trên thế giới vật chất thì được gọi là quỷ.
Đạo Phật, và cả đạo Hindu, đều quan niệm rằng: mọi sinh vật qua quá trình khổ tu và tuân theo các drama (pháp) đều đạt được thần thông. Nếu theo phe thiện thì được gọi là thần, nếu là ác thì gọi quỷ. Tuy nhiên, không có sự phân biệt rõ ràng giữa thần và quỷ.Trong Phật giáo có nhắc đến một số loại quỷ: Atula, Yaksha (Dạ Xoa), La Sát... Quỷ cũng là một phần trong lục đạo luân hồi giống như người và súc vật. Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, các vị bồ tát cũng có lúc hiện thân thành Quỷ tùy theo chúng sinh cần được giáo hóa.
Trong Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, …, tiếp thu những lời dạy của nhà tiên tri Abraham, do đó khái niệm về quỷ có phần tương tự nhau: Quỷ (devil) là các thiên thần lạc lối (fallen angels). Ngày thứ 6 của tuần đầu tiên trên thế giới, một thiên thần tên là lucifer đã nổi dậy cùng 1/3 thiên thần khác để giành quyền thống trị với thượng đế. Cuộc nổi dậy đã bị đánh bại bởi các thiên thần thiện, dẫn đầu là michael. Sau đó, lucifer và số thiên thần nổi dậy đã bị đuổi khỏi thiên đàng và phải sống dưới địa ngục(hell). Lucifer trở thành vua quỷ (Satan)
1.4. Ma quỷ trong quan niệm của các nhà khoa học
Tất nhiên đây là vấn đề thuộc về chuyện “tin hay không tin”, sức hấp dẫn của nó đã được nhiều nhà khoa học, các nhà tâm lý, các nhà văn hóa, … chú ý nghiên cứu. Nhiều ý kiến luận giải đã đưa ra. Song không phải tất cả những ý kiến ấy đều đồng thuận. Trong phạm vi bài viết của mình, chúng tôi chỉ dẫn lại một số quan niệm nhằm khẳng định rằng: dù muốn nói “không có ma” thì ma vẫn có, chỉ có điều nhìn nhận nó ở góc độ nào mà thôi!
Không đề cập đến ma quỷ, nhưng qua Cơ sở văn hóa Việt Nam, viện sĩ Trần Ngọc Thêm khẳng định: “Chết tức là cơ thể chuyển từ trạng thái động trở thành tĩnh, cho nên theo triết lý âm dương thì hồn đi từ cõi Dương (Dương gian, Dương thế) sang cõi Âm (Âm ti, Âm phủ). Đó là một “thế giới bên kia. Niềm tin rằng chết là về với tổ tiên nơi chín suối (cửu tuyền), tin rằng tuy ở nơi chín suối nhưng ông bà tổ tiên vẫn thường xuyên đi về thăm nom, phù hộ cho con cháu là cơ sở hình thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Nó có mặt ở nhiều dân tộc Đông Nam Á và là nét đặc thù của vùng văn hóa này. Ở người Việt, nó gần như trở thành một thứ tôn giáo (nhiều nơi gọi là đạo Ông Bà), ngay cả những gia đình không tin thần thánh cũng đặt bàn thờ tổ tiên ở trong nhà”.
Nguyễn Đăng Duy viết: “có phần thiêng liêng trong ý thức con người, và niềm tin tâm thức cũng là niềm tin thiêng liêng. (…). Mọi biểu tượng thiêng liêng đều chứ đựng những giá trị cao cả và giá trị thẩm mỹ. ( Văn hóa tâm linh - Nguyễn Đăng Duy, Nxb Hà Nội, 1996)
GS.TS Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa truyền thống cho rằng: “Chuyện ma quỷ chỉ là do con người không thể giải thích được tại sao có ma, đó là do con người yếu vía, sợ hãi trước những “thế lực siêu nhiên”, nó không có thực nhưng được dân gian hư cấu mà ra, tức là ma quỷ chỉ do con người tưởng tượng mà ra. Nếu người có thẩm quyền, trí tuệ lên tiếng dẹp bỏ chuyện ma quỷ nói trên sẽ tự nhiên mà mất đi theo thời gian”
2. Ma quỷ trong văn học Việt Nam
Cũng như các nền văn học, văn hóa khác trên thế giới, hiện tượng ma quỷ, yếu tố ma quỷ, nhân vật ma quỷ, hình tượng ma quỷ, … cũng xuất hiện phổ biến trong văn học Việt Nam Từ những câu chuyện, những giai thoại, thành ngữ, tục ngữ ca dao, … đến văn học thành văn với hơn 1000 năm phát triển, “ma quỷ” thường xuyên góp mặt và để lại nhiều dấu ấn trong tâm thức người đọc, người nghe, ...
2.1. Ma quỷ trong văn học dân gian
2.1.1. Ma quỷ trong truyền thuyết, cổ tích, giai thoại, …
Lĩnh Nam chích quái là tập sách ghi chép lại những truyền thuyết và truyện cổ dân gian, “xuất hiện rất sớm, có lẽ từ thời Trần” (Lời giới thiệu Lĩnh Nam chích quái, Đinh Gia Khánh chủ biên, Nxb Văn học, 1990). Theo đó, một số truyện dân gian đã có hình ảnh yêu tinh ma quái. Lạc Long Quân trước khi gặp nàng Âu Cơ đã giúp dân diệt trừ Ngư tinh, Mộc tinh, Hồ tinh, … để cứu dân. Truyện Rùa Vàng, ghi nhận hình ảnh thần Kim Quy giúp An Dương Vương diệt trừ gà tinh để dựng Cổ Loa Thành.
Bên cạnh đó còn rất nhiều chuyện mang yếu tố hoang đường, kỳ bí, … nhưng nó nằm ngoài phạm vi của bài viết nên chúng tôi không đề cập ở đây.
Trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (5 tập), Nguyễn Đổng Chi dành hẳn phần IV (ông phân truyện cổ tích Việt Nam thành 10 loại) để kể truyện “Thần tiên, ma quỷ, phù phép”. Ngoài ra, khảo sát những phần khác, chúng tôi thấy, yếu tố ma quỷ vẫn xuất hiện, chẳng hạn như Người cưới ma (Ở phần IX: Tình yêu và nghĩa vụ), …; Thạch Sanh chém chằn tinh, Sự tích cây huyết dụ, Tinh con chuột, Cô gái với hai cục bướu, … đều thấp thoáng bóng dáng của ma quỷ, yêu tinh, … tham gia vào.
Do khuôn khổ hạn chế chúng tôi chỉ đề cập hai truyện cổ tiêu biểu:
Sự tích cây nêu ngày tết là cuộc xung đột quyết liệt giữa quỷ và người. Cuối cùng người được Phật giúp đã thắng được quỷ, đuổi chúng ra tận biển Đông. Nhân vật quỷ trong truyện gần như là hình ảnh ẩn dụ chỉ con người nham hiểm, độc ác, giàu có, tham lam, quỷ quyệt, … cuối cùng đã bị trừng trị.
Truyện Con ma báo thù, kể ngày xưa ở Gia Định có một tên cướp bị án tử hình. Hắn chạy vạy đút tiền cho quan xử án để thoát chết. Quan án tên Đặng nhận tiền rồi, nhưng không lo cho hắn. Hắn bị chém. Quan Đặng cũng tìm cách đổi về kinh đô. Hồn ma của hắn hiện lên giúp một ông Cử trong Nam ra thi Hội. Ma và người cùng lội suối trèo đèo, cốt là để hồn ma nhờ người nọ chỉ nhà quan Đặng cho nó báo thù. Hồn ma đã bắt con quan Đặng trở nên điên loạn, quan Đặng gần tán gia bại sản, …
Thể loại truyện cười, dân gian kể chuyện thầy pháp đi cúng đuổi ma ở làng bên, khi thầy về, bị bà vợ giả làm ma trơi, chọc thầy, thầy quăng cả oản xôi, tay nãi, bỏ chạy mà mồm vẫn “Úm ba la! Úm ba la, ma đuổi thầy!”
Về giai thoại, chúng tôi tìm thấy trong Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển V trang 217 có chép như sau: Tương truyền ngày trước người con gái nhà giàu, tuổi cập kê, mê người học trò họ Nguyễn, mà người học trò thì người nhà nghèo, không dám nhờ mối lái nói việc kết hôn, vì thế người con gái mắc bệnh tương tư trầm trọng rồi chết; cha mẹ cô rất đỗi thương tiếc, không nỡ chôn vội, bèn làm cái rạp sau nhà làm chỗ quàn; vì cô gái đã chết, cậu học trò bèn thắt cổ chết ở cạnh chỗ quàn, người ta quàn chung họ lại với nhau. Do đấy âm khí kết tụ lâu ngày thành yêu tinh. Sau đó cha mẹ cô gái ấy đều chết, không ai chôn cất thành ra chỗ quàn xác 2 người, cây cối mọc lên như rừng, yêu khí càng ngày càng thịnh, người ta khó chịu, bèn gọi chỗ ấy là xứ Song Ma (Đôi Ma), để bảo nhau xa tránh. Sau quân Tây Sơn đánh chiếm cứ khu vực này cho thiêu hủy nhà quàn, yêu quái mới hết hẳn".  Vàm Đôi Ma, sông Đôi Ma hiện thuộc địa phận huyện Bến Lức, tỉnh Long An
Người dân vùng Tiền Giang, nơi nghĩa quân Trương Công Định làm căn cứ đánh Pháp còn truyền rằng sau khi cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, tại Đám lá tối trời, nơi có những con rạch bần mọc um tùm, chen lẫn là những rừng dừa nước ngút ngàn, những đêm thanh vắng, người ta thường nghe những tiếng giáo gươm khua, tiếng người đi đi lại lại rầm rập như tiếng của nghĩa quân ngày trước, … Người cao niên cho rằng đấy là âm hồn của các liệt sĩ đã hy sinh vì nước, vẫn một lòng một dạ quyết tập rèn võ nghệ …, đánh Tây đến cùng!
2.1.2. Ma quỷ trong tục ngữ, ca dao
Trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, từ ma, quỷ, ma quỷ được dân gian dùng khá phổ biến. Với nhiều nét nghĩa đa dạng chứ không chỉ dừng lại trong nội hàm của từ điển.
Chỉ người lười tắm gội, với cách nói so sánh: Bẩn như ma lem. Khi gia cảnh có người chết, dù chu đáo thế nào chăng nữa, tang gia thường bối rối nên dễ để xảy ra những sơ suất khiến người ta chê bai nên có câu “ma chê cưới trách”, bởi biết sao làm vừa được lòng người! Họ sẵn sàng lấy chuyện đám ma nhà giàu ra để so sánh: Ăn cơm không rau như đám ma nhà giàu không nhạc. Liên quan đến kèn trống trong đám ma, giới tài tử truyền nhau: Rủng rỉnh đám ma, là đà đám cúng, nghĩa là theo họ “làm công” cho đám ma sẽ có … tiền, còn đi “phục vụ” đám cúng thì tha hồ mà … say xỉn!
Ma cũ ăn hiếp ma mới: câu thành ngữ vừa mang nghĩa thực trong tập tục. Khi cúng người mới chết (ma mới) người ta để chén cơm cúng và cả đôi đũa, còn hai chén cúng ma cũ, mỗi chén chỉ một chiếc đũa mà thôi. Có vậy, ma mới (là ông, bà, … của gia chủ) mới ăn kịp…! Khi di quan, tục rải vàng mả cũng là để ma cũ có cái mà xài, không níu kéo quan tài người mới chết lại! Nghĩa phát sinh của thành ngữ này thì không dừng ở đó, nó còn dùng để ám chỉ cảnh “người cũ ăn hiếp người mới” trong cùng một cơ quan, đơn vị, …
Ma bắt coi mặt người ta: tương tự như câu trên, nó có hai nét nghĩa: ma chỉ có thể “bắt” người sợ nó, còn ai “mạnh” hơn, nó cũng khôn mà dùng cách “tránh voi chẳng xấu mặt nào!”, hàm ý có lẽ còn dùng để nói đến những mối quan hệ giữa người với người trong một tập thể, cộng đồng, chỉ có điều là người tốt hay người xấu mà thôi!
Liên quan đến tập tục ngày trước, dân gian có câu ma quàn, cưới chịu để miêu tả những người có gia cảnh khó khăn, túng thiếu, khi người thân chết không có tiền mổ bò, làm heo đãi dân làng, đành nhờ một vài người thân khiêng xác người chết đi chôn, như vậy gọi là ma quàn, …
Để chỉ cảnh hoang vu, mông quạnh người ta nói nơi ấy là chốn ma thiêng nước độc, có khi đưa cả địa danh vào một cách hẳn hoi: Cọp Khánh Hòa ma Bình Thuận, đồng bằng Nam Bộ ngày đầu khẩn hoang ai mà chẳng thuộc câu: Chèo ghe sợ sấu cắn chưng chân/ Xuống bưng sợ đỉa, lên rừng sợ ma, …
Dùng phê phán hạng người hay đàng điếm, không đứng đắn có thành ngữ ma chê quỷ chọc, nhắc nhở con người phải biết thích nghi cho đúng lúc, hay chê tính “ba phải” a dua cũng được, dân gian nói: Đi với Bụt mặc áo cà sa đi với ma mặc áo giấy!
Xã hội ngày trước có những người chuyên làm nghề trừ tà yểm quỷ, ở trên chúng tôi đã nhắc đến chuyện thầy pháp sợ … ma trơi! Trong ca dao, dân gian dùng “ma” để cảnh báo chuyện trái khoáy trong đời. Bởi đó, như là điều hiển nhiên: Nhiều thầy lắm ma, nhiều cha con khó lấy chồng. Hình ảnh những tay pháp sư, bói ra ma quét nhà ra rác, xuất hiện trong tiếng cười mỉa mai:
Sống thì thầy cứu người ta
Đến khi thầy ốm chẳng ma cứu thầy
Thế là một bài học được đưa ra kịp thời:
Ốm đau chạy chữa thuốc thang
Đừng đi coi bói mua vàng cúng ma
Trời cao bể rộng bao la
Việc gì mà phải cầu ma cầu tà
Với nét nghĩa dùng ma để chỉ một đối tượng nào đó được nhắc đến, bằng giọng điệu cười cợt châm biếm, ta gặp những hình ảnh của kẻ “ăn không ngồi rồi” chờ … hưởng thụ, cuối cùng không được như ý, người trong cuộc bật thành tiếng:
Bực mình chẳng muốn nói ra
Muốn đi ăn cỗ giỗ chẳng ma nào mời
Chân tướng của người vô tích sự:
Đi đâu lả cả là cà
Như chim lạc tổ như ma lạc mồ
Kẻ cầm quyền trị dân hay đi đêm thì có khác gì là người của thế giới cõi âm:
Ban ngày quan lớn như thần
Ban đêm quan lớn tần mần như ma
Không chỉ có cường quyền áp bức bị lên án, nhân dân lao động sẵn sàng vạch mặt chỉ tên những kẻ “miệng nam mô mà bụng một bồ dao găm”, loài quỷ ma mặc áo cà sa che mắt thế gian:
No ra bụt đói ra ma
Đó là cái thói người ta thường tình
Tưởng là chùa rách Phật vàng
Hay đâu chùa rách chứa đàn quỷ ma
Lên án kẻ quỷ quyệt, lừa phỉnh, còn đó lời thơ:
Cái cân có quỷ có ma
Gạo vào một lối, gạo ra một đường
Thẻ tôi ba mươi sáu ký rõ ràng
Về nhà khảo lại chỉ còn ba mươi
Đọc câu ca trên hẳn trong mỗi chúng ta đều nhớ đến câu chuyện cổ tích về Cái cân thủy ngân ma quái của hai vợ chồng xảo quyệt nọ! Tất nhiên cái giá mà họ phải trả cho việc làm bất chính kia cũng không phải nhỏ chút nào!
Tiếng lòng của người bình dân cất lên trên cánh đồng, thửa ruộng, than cho hoàn cảnh của mình:
Có con mà gả chồng xa
Ba phần ruộng xéo chẳng ma nào cày
Bởi có chồng thì phải theo chồng, bao đời nay vẫn thế, người phụ nữ biện bạch: Sống quê cha, ma quê chồng, biết làm sao khác hơn được.
Ma được xem là đối tượng của thế giới bên kia, như trong câu ca:
Chính chuyên chết cũng ra ma
Lẳng lơ chết cũng khiêng ra ngoài đồng
Từ sự chê trách phường mặt người dạ ma, đến cách so sánh để cho người đời thấy được nổi khổ của chuyện không hòa hợp mà ai đó chẳng may gặp phải:
Chồng già vợ trẻ như hoa
Vợ già, chồng trẻ như ma lạc mồ
Hay:
Khốn nạn thay nhạn ở với ruồi
Tiên ở với cú, người cười với ma
Thân anh như ngọc như ngà
Vợ anh ở nhà như thể ma trơi, …
Đừng về với nó anh ơi!
Vợ anh nửa người mà lại nửa ma
2.2. Ma quỷ trong văn học trung đại
Nói đến ma quỷ trong văn học Việt Nam trung đại chúng ta nghĩ ngay đến thể loại truyền kỳ. Truyền kỳ là một loại truyện ngắn, có nguồn gốc từ Trung Hoa, dùng yếu tố kỳ ảo làm phương thức nghệ thuật để phản ánh cuộc sống. Các motif kỳ ảo thường gặp trong truyền kỳ là nằm mộng đi xuống âm phủ, người lấy ma, người lấy tiên, hàng phục yêu quái, luân hồi báo ứng, tu luyện thành tiên, thi thố pháp thuật, kêu mưa gọi gió, biến hóa khôn lường, …
Ở Việt Nam thời trung đại, thể loại này để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng: Thánh Tông di cảo, (tương truyền của Lê Thánh Tông, thế kỷ XV); Công Dư tiệp ký (Vũ Phương Đề, thế kỷ XVI); Truyền kỳ tân phả (Đoàn Thị Điểm, thế kỷ XVIII); Tân truyền kỳ lục (Phạm Quý Thích, thế kỷ XIX); …
Với hàng trăm truyện có sự tham gia của các yếu tố kỳ quái, hoang đường, … một số tiêu đề có thể kể đến: Chuyện Chức Phán sự đền Tản Viên, Chuyện yêu quái ở Xương Giang; Chuyện tướng Dạ Xoa (Truyền kỳ mạn lục – Nguyễn Dữ); Dì ghẻ bị quả báo; Khách chôn của (Nam thiên trân dị tập – Khuyết danh); Ma trành; Ma thắt cổ; Hài cốt nữ hiệp dưới gốc hồng mai (Vân nang tiểu sử - Phạm Đình Dục); Biết chuyện kiếp trước (Thoái thực ký văn – Trương Quốc Dụng); Thác oan (Vũ trung tùy bút – Phạm Đình Hổ); Kim quy hiến kế giết yêu tinh; Liệt nữ giấu kín vết nhơ, … (Tân đính Lĩnh Nam chích quái – Gia Cát thị); Điềm báo trước; Nhớ được ba kiếp; Yêu quái trên cây; Đánh nhau với quỷ, … (Lan Trì kiến văn lục – Vũ Trinh, thế kỷ XIX); …
Để minh chứng, chúng tôi dẫn lại lời ở cuối Chuyện cây gạo (Truyền kỳ mạn lục), Nguyễn Dữ nhận xét: Than ôi, cái giống ma quỷ, tuy từ xưa không phải cái nạn đáng lo cho người thiên hạ, được kẻ thất phu đa dục thì thường khi mắc phải. Trung Ngộ là một gã lái buôn không có trí thức, không đủ trách vậy. Vị đạo nhân kia vì người trừ hại, công đức lớn lao; nhà bình luận sau này phải nên biết đến. Không nên lấy cớ huyễn thuật mà cho là chuyện nhảm, bảo rằng dị đoan mà dìm mất cái hay, ngõ hầu mới hợp cái ý nghĩa “người quân tử trung hậu đối với người khác”.
Riêng người viết bài này thì cho rằng: thông qua chuyện nói về ma nhưng kỳ thực đó là chuyện con người. Ma làm sao có được những hành động và lời nói như trong truyện. Nếu người ta mà như nàng Nhị Khanh thì có khác gì là ma quỷ! Thật đúng như nhận định: Truyền kỳ Việt Nam mang đậm yếu tố hiện thực và chất nhân văn. (trang 80, Ngữ Văn 10, tập 2, Trần Đình Sử tổng chủ biên)
Bên cạnh truyện truyền kỳ, các truyện thơ Nôm cả bình dân lẫn bác học, yếu tố ma quái, thần kỳ cũng không ít lần góp mặt. Trong truyện thơ Phạm Công, Cúc Hoa, hình ảnh hồn ma bóng quế của Cúc Hoa hiện về chăm sóc cho Nghi Xuân, Tấn Lực, rồi chỉ đường cho hai con đi tìm cha và ngoại đã gây xúc động qua biết bao thế hệ độc giả, … Truyện thơ Nôm Bạch Viên Tôn Các dù không phải là chuyện ma quái nhưng nó cũng không kém phần ly kỳ bởi Bạch viên cởi bỏ lốt vượn, hóa thành thiếu nữ xinh đẹp, để kết duyên cùng chàng Nho sinh Tôn Các, sinh được hai con trai. Nhưng Bạch viên phải tuân lệnh Thiên đình, mãn số ở trần gian, từ giã chồng con về cõi tiên, …
Kiệt tác Đoạn trường tân thanh, Tố Như đã xây dựng nhân vật Đạm Tiên bằng hình ảnh:
Sống làm vợ khắp người ta
Hại thay thác xuống làm ma không chồng
Bóng ma ấy luôn ám ảnh Thúy Kiều, kể từ khi cả hai hội ngộ ở bãi tha ma cho đến khi nàng thoát khỏi kiếp đoạn trường.
Đào Duy Anh trong Từ điển truyện Kiều viết: theo tín ngưỡng xưa, hồn người chết vẫn còn trên thế gian này gọi là ma, nếu không được thờ cúng thì hay quấy phá người sống. Ông giải thích thêm: Theo Phật giáo, người có tình dục là theo ác ma xúi giục bắt đi theo những con đường nguy hiểm.
Ma đưa lối quỷ đưa đường
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi
Có trường hợp dùng trong tổ hợp từ đặc biệt để diễn tả sự … mất mát, Tú Bà thốt lên:
Màu hồ đã mất đi rồi
Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma
Đến Văn tế thập loại chúng sinh, ma được hiểu là những cô hồn oan thác, … cần có nơi nương tựa, cần được bao dung:
Thương thay thập loại chúng sinh
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người
Đó là những con người bạc mệnh, bất hạnh:
Đoàn vô tự lạc loài nheo nhóc,
Quỷ không đầu đứng khóc đêm mưa
Cho hay thành bại là cơ
Mà cô hồn biết bao giờ cho tan
Và kết thúc trong ước nguyện siêu thoát về cùng với đất Phật
Gặp phải lúc đi đường lỡ bước
Cầu Nại Hà kẻ trước người sau
Mỗi người một nghiệp khác nhau
Hồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ?
Bản dịch Chinh phụ ngâm khúc của Đoàn Thị Điểm cũng thấp thoáng … bóng ma:
Hồn sĩ tử gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi
Công chúa Ngọc Hân khi khóc vua Quang Trung đã nguyện để “hồn phách” theo cùng chồng:
Vậy nên nấn ná đòi khi,
Hình tuy còn ở, phách thì đã theo
(Ai tư vãn)
Thế kỷ XIX, ở Nam Bộ, cụ Đồ Chiểu trong tác phẩm Lục Vân Tiên, ngoài việc xây dựng các nhân vật thầy bói, thầy pháp trổ tài ba hoa để lừa lấy sạch bạc tiền của công tử họ Lục, khi chàng từ trường thi hồi quê và khóc thương mẹ đến mù lòa, nhà thơ còn trực tiếp viết những dòng thơ với nội dung tả cách trừ khử phép thuật của binh hùng Cốt Đột, gần cuối tác phẩm đó:
Một mình nhắm trận xông vô
Thấy người Cốt Ðột biến đồ yêu ma
Vội vàng trở ngựa lui ra
Truyền đem máu chó đều thoa ngọn cờ
Ba quân gươm giáo đều giơ
Yêu ma xem thấy một giờ vỡ tan
Tuồng cổ San Hậu gây ấn tượng cho người xem từ những năm giữa thế kỷ XIX đến tận thời hiện đại. Đáng chú ý hơn là việc tác giả xây dựng hình tượng của bóng ma Khương Linh Tá, khi bị Tạ Ôn Đình chém đầu rơi khỏi cổ, đã hiện hồn về làm ngọn đuốc soi đường để Kim Lân ẵm ấu chúa vượt vòng vây Tạ tặc về đến San Hậu thành bình an, …
Về câu đối trong văn học Việt Nam trung đại, chúng tôi giới thiệu câu đối liên quan đến từ “quỷ”. Khi Mạc Đỉnh Chi vâng lệnh vua Trần đi sứ sang Bắc quốc, thấy ông mồm rộng, mũi tẹt, trán dô, người Nguyên tiếp sứ bộ ta bằng giọng khinh bỉ với vế xuất: Ly, Mỵ, Võng, Lưỡng tứ tiểu quỷ (Các chữ ly , mỵ ; võng ; lưỡng là bốn con quỷ nhỏ. Bốn chữ này đều có bộ quỷ ). Câu đối còn hàm ý mỉa mai dáng mạo của trạng nguyên nước Việt.
Không chờ lâu, Mạc Đỉnh Chi đối lại ngay: Cầm , sắt , tỳ , bà , bát đại vương.
Có tám chữ vương lớn ở trên và cũng là ba loại nhạc khí cổ. Hàm ý còn bật lên từ chỗ các người coi ta là tiểu quỷ nhưng ta lại chính là đại vương đấy! Thật là ăn miếng trả miếng, chữ chọi tuyệt vời.
Hồ Xuân Hương, ngoài tài năng thơ ca, bà còn trổ tài viết câu đối:
Tối ba mươi, khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo ma vương bồng quỷ tới;
Sáng mồng một tết, lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ bế xuân vào.
Một câu đối khác không dùng từ ma, tiếng quỷ nhưng lại liên quan đến tục trừ ma quỷ. Ngày cuối năm, vào thời cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Tú Xương hạ bút:
Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo
Nhân tình trắng thế lại bôi vôi
Hình ảnh bôi vôi miêu tả tục lệ ngày xưa, khi tết đến, xuân về, người ta thường rắc vôi bột trước nhà, ngoài sân thành hình cánh cung, cái nỏ, giáo mác, … để chống ma quỷ! Gắn liền với tục này là câu chuyện “Sự tích cây nêu ngày tết” đã kể ở trên.
Điểm như vậy mới thấy hồn ma của Cúc Hoa, hồn ma của Khương Linh Tá, … hiện về làm những việc nhân nghĩa và trung liệt. Hồn ma trong Văn chiêu hồn thật đáng xót thương, nó chẳng hại ai lại cần được con người cảm thông, chia sẻ, … Có lẽ chiều sâu của văn hóa Việt Nam là sự bao dung, lòng vị tha, nhân hậu, … Điều đó biểu hiện ngay cả trong hình tượng của ma quỷ – loài mà trong tâm thức nhiều người chỉ toàn kẻ ác độc.
2.3. Ma quỷ trong văn học hiện đại
2.3.1. Ma quỷ trong văn học từ đầu thế kỷ XX đến 1945
Chúng tôi theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu về lịch sử văn học Việt Nam, cho rằng văn học Việt Nam hiện đại bắt đầu từ đầu thế kỷ XX đến nay. Trong văn học hiện đại Việt Nam lúc manh nha, “ma” đã xuất hiện trong cả các tác phẩm trong Nam lẫn ngoài Bắc. “Ma” thỉnh thoảng “ghé thăm” trong các bộ tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, của Nguyễn Bửu Mọc, Nguyễn Chánh Sắt, Lê Hoằng Mưu, …
Khi nó đến yếu tố thần kỳ, không thể không nhắc đến Phan Kế Bính với Nam Hải Dị nhân. Nhưng nói ma với đúng nghĩa mà đề tài bài viết đặt ra thì ký ức của nhà biên khảo Vương Hồng Sển trong Sài gòn năm xưa không thể không trích dẫn:
Sau trận giặc 1782, theo Trịnh Hoài Đức thuật lại, số binh sĩ và thường dân Tàu bị chết đâm chết lụi kể trên số muôn, thậm chí thây ma lớp nằm chật đất, ngổn ngang từ vàm Bến Nghé đến tận kinh Chợ Lớn, lớp khác bị chuồi xuống nước, xác ma da, thằng chỗng kẹo lềnh một khúc sông, làm cho ngót ba bốn tháng trường, dân nghe nhắc mà ớn xương sống không dám rớ đến miếng xương thịt cá!
Ở một đoạn khác, cụ Vương viết về hình ảnh của danh tướng Lê Văn Duyệt:
(…) Cứ ngày mồng sáu tháng giêng, thì Tả quân làm lễ “xuất binh”(muốn gọi “ra binh”, “hành binh” đều được). (…) Lễ này diễn ra để thị oai với các nước lân bang (Cao Miên, Xiêm La…) vừa để võ an dân tâm, vì thuở ấy dân tình chất phác vẫn tin tưởng quỷ thần và hiểu rằng đầu năm có diễn oai lực binh quân làm vậy thì trong xứ suốt năm dân sẽ được bình an vô bịnh, bởi tà ma quỷ mỵ đều khiếp sợ oai võ của Tả quân.
Quá trình hiện đại hóa, văn học Việt Nam phát triển với tốc độ “một năm ở xứ ta bằng ba mươi năm xứ người” (ý của Vũ Ngọc Phan), từ những năm 1930 – 1945 văn học Việt Nam phân hóa thành nhiều xu hướng: văn học lãng mạn với phong trào Thơ Mới và nhóm Tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, xu hướng văn học hiện thực, xu hướng văn học cách mạng.
Nói đến ma trong Thơ Mới, người đọc không lạ các thi phẩm: Trút linh hồn; Say chết đêm nay (Hàn Mạc Tử); Sọ người (Bích Khê); Đêm đông xem truyện quỷ; Nửa truyện Hồ ly (Vũ Hoàng Chương); Rằm tháng bảy; Đám ma (Anh Thơ); Đưa ma; Đám chết nghèo (Tế Hanh); Chiều mưa trên mộ địa (Phan Văn Dật); Đám ma đi (Lan Sơn); v.v…
Sẽ là thiếu xót nếu không dừng lại với thơ của Đinh Hùng. Nhà thơ sinh năm 1920 mất 1967, quê ở Hà Tây này tạo dấu ấn riêng của mình trong phong trào Thơ Mới bằng cách dùng những hồn ma để biểu đạt tâm cảm:
Thu ơi! Đánh thức hồn ma dậy
Ta muốn vào thăm đáy mộ sâu
(…)
Ta gởi bài thơ cho anh linh
Hỡi người trong mộ có rùng mình
Nắm xương khô lạnh còn ân ái?
Bộ ngực bi thương vẫn gợn tình
(Gửi người dưới mộ)
Tìm bóng tử thần, nhà thơ bộc bạch:
Trời ơi! Đây nguyệt vô biên
Trong lòng người đẹp nằm quên dưới mồ
Ta cười trong suốt trang thơ
Gặp hồn em đó ngỡ là yêu ma
Đúng là giữa hư và thật, giữa người và ma, dường như ở ngòi bút Đinh Hùng không còn là ranh giới nữa.
Thương ôi! Thơ lạc hồn phong nhã
Ta đi gọi bóng ma sầu trong núi hoang vu,
(Thoát duyên trần cấu)
Gần như bài thơ nào của tác giả này viết trong thời kỳ của Thơ Mới đều có bóng của yêu ma, quỷ quái, … Những bài thơ Lạc hồn ca; Cầu hồn; hay Mê hồn ca, …, là minh chứng xác thực.
Trường hợp của Chế Lan Viên với những bóng ma Hời luôn ám ảnh trong tập Điêu tàn cũng xứng đáng được chọn làm điển hình cho nội dung bài viết. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh cho rằng: “Điêu tàn dựng lên một thế giới đầy sọ người cùng xương máu và yêu ma”.
Rồi lấy ra một khớp xương rợn trắng
Nút bao dòng huyết đẫm khí tanh hôi
Nơi khác, chàng trai khi ấy mới 17 tuổi đã kêu lên: Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi.  Đến Cái sọ người vẫn là hình tượng rợn người:
Mi nhớ đến cảnh pháp trường ghê rợn
Sọ muôn người lần lượt đuổi nhau rơi?
Hay mi nhớ những đêm mơ rùng rợn
Hồn mi bay trong đám lửa ma trơi?
Đến đây, một lần nữa chúng tôi mượn lời của Hoài Thanh thay phần tiểu kết về chuyện ma quỷ trong Thơ Mới: Giữa đồng bằng văn học Việt Nam ở nửa thế kỷ XX, nó (tức ma quỷ - người viết mượn để diễn ý) đứng sừng sững như một cái tháp Chàm, chắc chắn và lẻ loi, bí mật.
Chuyện ma quái hấp dẫn nhất trên các trang nhật báo lúc bấy giờ là tác phẩm của những cây bút chuyên viết truyện đường rừng: Thế Lữ, Lan Khai, Tchuya (Đái Đức Tuấn), và “yêu ngôn” của Nguyễn Tuân, … Qua các truyện ngắn, tiểu thuyết cùng thời, chúng ta nhận ra khá nhiều tác phẩm có hình ảnh của ma quỷ, chí ít cũng là sử dụng tiếng ấy trong lời trần thuật hay phát ngôn của nhân vật.
Thế Lữ, ngoài một nhà thơ mới trứ danh, góp phần khẳng định vị thế của Thơ Mới,  ông còn là tác giả của gần 40 truyện vừa, truyện ngắn khác. Truyện kinh dị có: Vàng và máu, Bên đường Thiên Lôi, truyện trinh thám: Lê Phong và Mai Hương, Gói thuốc lá, Đòn hẹn, Tay đại bợm..., và truyện lãng mạn núi rừng với Gió trăng ngàn, Trại Bồ Tùng Linh.
Tập Vàng và máu (1934), với Vàng và máu; Một đêm trăng; Con châu chấu tre; Ma xuống thang gác, được đánh giá cao ở lối kể chuyện hấp dẫn, li kỳ, gây tò mò và xúc động cho độc giả, xây dựng giản dị, có kết giải, lối văn gọn gàng, thanh thoát, trí tưởng tượng và khiếu phân tích phong phú, những đoạn tả cảnh vừa tỷ mỉ lại rùng rợn mà có thi vị là tác phẩm tiêu biểu và thành công nhất của ông ở thể loại kinh dị, đã trở thành một hiện tượng mới lạ ngay từ khi ra đời và để lại dư âm đến nhiều năm sau. Phan Trọng Thưởng đánh giá Thế Lữ là "tác giả đạt đến đỉnh cao nghệ thuật" của loại truyện ly kỳ rùng rợn, Lê Huy Oanh gọi đây là "một trong những tác phẩm thuộc loại truyện rùng rợn có giá trị lớn trong kho tàng tiểu thuyết Việt Nam".
Trong lịch sử văn học hiện đại Việt Nam trước Cách mạng, Lan Khai được xem là một cây bút sung mãn, một nhà văn "đường rừng" sáng giá. Tác phẩm có Tiếng gọi của rừng thẳm (1939); Suối đàn (1941); Truyện đường rừng (tập truyện, 1940) ... Từ điển Văn học (bộ mới) nhận định: Ở mảng truyện đường rừng, Lan Khai thường miêu tả rất kỹ, nhiều khi rề rà…, rồi sau đó mới để cho các sự kiện xảy ra, tạo cho tác phẩm một không khí hoang đường, căng thẳng từ đầu đến cuối.
Một nhà văn nữa chuyên viết về ma quỷ là Tachy - Đái Đức Tuấn. Tác phẩm tiêu biểu: Thần hổ (1937); Linh hồn hay xác thịt (1938); Kho vàng Sầm Sơn (1940); Ai hát giữa rừng khuya (1942). Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan, cho rằng: Cái giống ma ở hai tập tiểu thuyết thần quái của Tchya là ma trành và cái loại thần trong đó là thần Hổ, những con hổ đã ăn thịt hơn trăm người, trong tai nổi lên hơn trăm tia máu đỏ, nghe được ngàn dặm, và nếu có chạm mình vào lá cũng không quên. Vị thần Hổ đây là con hổ xám, hổ vàng, và khi họp hội đồng cơ mật dưới gốc một đại thụ, vị thần Hổ thường trút bỏ bộ lông trắng, biến thành một ông già đầu râu tóc bạc đường bệ. Bị hổ vồ là có số, những kẻ bị giống mãnh thú ấy xơi đã có tên trong quyển sổ do thần Hổ giữ. Thật là một sự định mệnh, không sao trốn thoát được. (...) Bọn ma Trành phải hầu hạ Thần Hổ rất là khổ sở, cho nên muốn có kẻ thế chân mình bọn họ phải dun dủi những kẻ có số bị bổ vồ vào nanh vuốt thần Hổ để họ được sống cái đời ma độc lập, gần gụi với gia đình, với họ mạc. Peng Slao trong Thần Hổ chính là một cô ma trành, sau thoát được sự hầu hạ thần Hổ. Và Vũ Ngọc Phan trích dẫn từ văn bản của Tchya: Em chết dưới vuốt nhọn của thần Hổ xám. Rồi em hóa ra Ma trành. Anh có biết thế nào là Ma trành ? Ma trành là những thứ ma bất đắc kỳ tử, hoặc bị hổ ăn, hoặc bị dìm đuối hoặc vì thắt cổ, hoặc vì bị chẹt xe, vân vân. Những thứ ma đều bị nhốt vào vòng oan nghiệt. Cái nghiệt trường của họ xui ra vậy. Chết như thế thì linh hồn vất vưởng bị đầy đọa không đi đầu thai được mà không được tự do. Muốn thoát khỏi vòng kìm hãm, cũng phải tìm kẻ thế cho mình. Nếu không thì mãi mãi, mình sẽ phải làm ma trành, đói khát, khổ sở.
Đến đây, người viết cảm thấy có lỗi khi chưa đề cập đến tác phẩm Chùa Đàn của Nguyễn Tuân. Chùa Đàn là truyện ma quỉ được viết vào năm 1945, một số nhà phê bình coi như tác phẩm đặc sắc nhất, có thể nói đã đạt tới tột đỉnh của nghệ thuật cũng Nguyễn. Tóm tắt câu chuyện như sau: Tại ấp (đồn điền) Mê Thảo, chủ ấp là Lãnh Út còn trẻ, vợ bị chết trong một tai nạn xe lửa. Quá đau buồn trước cái chết của vợ, Lãnh Út đâm thù oán cơ khí, máy móc, bỏ cả công việc làm ăn, uống rượu sáng đêm và ngày càng gàn dở.
Mọi công việc trong ấp bấy giờ do Bá Nhỡ quán xuyến. Bá chịu ơn Lãnh Út nên hết sức trung thành, nhờ vậy mà ấp Mê Thảo mới tồn tại. Bá có tài đàn, bữa rượu nào của Lãnh Út cũng có Bá ngồi hầu, bình văn, ngâm thơ, dịch tích Tây Hán, Đông Chu, …
Ngày giỗ vợ, Lãnh khóc, cho đào cả tửu phần lên uống. Sau ngày ấy, Lãnh càng thê thảm, ngày đêm ngôi như nhà sư nhập định. Bỏ rượu cả năm, rồi trong đêm mưa, Lãnh Út lại đòi rượu và nhớ đàn hát. Lãnh sai Bá Nhỡ đi tìm cô Tơ – một danh ca, mời cô về để vui say. Từ ngày ông Chánh Thủ chồng cô mất, cô Tơ đã giải nghệ. Cô không nhận lời với cớ là không có người đàn cho xứng. Bá dạo đàn cho cô nghe, cô Tơ khâm phục và nói thật cô đã thề với Tổ bỏ ca hát, hơn nữa ai cầm đến cây đàn đáy của chồng cô sẽ gặp tai biến hay vong mạng. Đàn làm bằng nắp ván quan tài của cô gái đồng trinh, có yểm bùa gì đấy. Bá Nhỡ đòi xem đàn, nhưng khi đến gần thì có tiếng nổ, dây đàn đứt.
Về nhà trằn trọc mãi, Bá đến xin cô Tơ cho được đánh đàn và chịu mọi oan khiên. Cậu Lãnh Út cũng đến để cầm chầu. Bá đàn, cô Tơ hát nghe nhức nhối, ngậm ngùi. Bá nhận ra mình đang chết dần, mười đầu ngón tay chảy máu, quần áo dài đỏ như vóc đai hồng, mỗi tiếng đàn là một miếng thịt nẩy ra. Bỗng đàn đứt, có tiếng cười trên bàn thờ Chánh Thủ. Bá Nhỡ gục xuống đàn lạnh ngắt, cô Tơ òa khóc, đỡ xác và vuốt mắt cho Bá. Chiếc đàn nổ tung. Lãnh Út ngủ ngồi cạnh xác đến sáng hôm sau, Lãnh đưa thi thể Bá về Mê Thảo. Chôn cất Bá Nhỡ xong, Lãnh Út thề bỏ rượu, bỏ đàn hát.
Một năm sau, chùa Đàn mọc lên ở ấp, cô Tơ lo kệ kinh. Lãnh Út bán ấp nhưng giữ lại hai mẫu nơi dựng chùa.
Để tránh lan man, dài dòng chúng tôi mượn lời của nhà giáo Hoàng Như Mai nhận xét về Chùa Đàn, rằng: “. . . Tất nhiên, Chùa Đàn là một hiện tượng độc đáo và phức tạp. Đọc Chùa Đàn phải thấy Lãnh Út,. . . Bá Nhỡ hay Cô Tơ, những nhân vật tài hoa nghệ sĩ ấy, tất cả đều là Nguyễn Tuân”
Để lý giải vì sao Nguyễn Tuân đến với … ma quỷ, chúng tôi dẫn lời của Nguyễn Đăng Mạnh khi nhận xét về tập Yêu ngôn của Nguyễn Tuân, do ông tuyển chọn, để lý giải và cũng để kết thúc phần ma trong văn học lãng mạn Việt Nam trước 1945: “Nguyễn Tuân tìm vào thế giới yêu ma có lẽ còn do một yêu cầu khác. Con người này luôn thèm khát những cảm giác mới lạ và mãnh liệt. . . . những cảm giác ấy, Nguyễn Tuân không thể tìm được trong cái môi trường vẫn vây bọc lấy ông trong cuộc sống hàng ngày mà ông chỉ thấy là lèm nhèm, lẹt đẹt và xám xịt”.
Dòng văn học hiện thực Việt Nam, tuy không dựng cốt truyện hay nhân vật ma quái, nhưng Vũ Trọng trong Bộ răng vàng, Bà lão lòa, … đều dùng những tiếng ma quỷ để trần thuật. Chúng ta không thể quên được chân dung của Thị Nở (Chí Phèo) khi Nam Cao so sánh ngoại hình của thị với thành ngữ quen thuộc ma chê quỷ hờn, ở nhiều truyện ngắn khác, từ ma, ma quỷ, …, cũng rất hay xuất hiện trong lời văn miêu tả của nhà văn này. Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố, … đều không dưới một vài lần dùng ma quỷ để ám chỉ tính cách con người, …
2.3.2. Ma quỷ trong văn học 1945 – 1975
Một trong những đặc điểm cơ bản của văn học 1945 – 1975 là Nền văn học chủ yếu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.
Khuynh hướng sử thi đòi hỏi người cầm bút nhìn con người và cuộc đời không chỉ bằng con mắt của cá nhân mình mà chủ yếu bằng con mắt có tầm bao quát của lịch sử, dân tộc và thời đại. Cảm hứng lãng mạn là cảm hứng khẳng định cái tôi đầy tình cảm, cảm xúc và hướng tới lí tưởng. Cảm hường lãng mạn trong văn học từ năm 1945 - 1975 chủ yếu được thể hiện trong việc khẳng định phương diện lí tưởng của cuộc sống mới và vẻ đẹp của con người mới, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc.
Chính vì thế, yếu tố ma quỷ được dùng để nói đến tập tục trong dân gian, hay chỉ người … chết, thế thôi.
Trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài ta gặp hình ảnh “cúng ma”, đấy là tập tục của đồng bào dân tộc Mông. Cha con thống lý Pá Tra lợi dụng vào đó để trói buộc những người nghèo buộc họ làm nô lệ suốt đời cho nhà nó.
Kim Lân miêu tả nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu trong Vợ nhặt như sau: Những gia đình từ vùng Nam Định, Thái Bình đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp liều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây ma nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người.
Ông già Nam Bộ Sơn Nam cũng để lại ấn tượng đặc biệt khi viết về những hồn ma bị sấu ăn thịt trong tập truyện Hương rừng Cà Mau. Hãy đọc lại lời khấn của nhân vật Năm Hên cầu cho oan hồn siêu thoát, khi chuẩn bị ra tay bắt sấu dữ:
Hồn ở đâu đây?
Hồn ơi! Hồn hỡi!
Xa cây xa cối,
Xa cội xa nhành,
Ðầu bãi cuối gành,
Hùm tha, sấu bắt,
Bởi vì thắt ngặt,
Manh áo chén cơm,
U Minh đỏ ngòm,
Rừng tràm xanh biếc!
Ta thương ta tiếc,
Lập đàn giải oan...
Tiếng như khóc lóc, nài nỉ. Tiếng như phẫn nộ, bi ai. Ghê rợn nhứt là khi thấy ông đi ra khỏi mé rừng, áo rách vai, tóc rối nùi, mắt đỏ ngầu, bó nhang cháy đỏ quơ qua quơ lại trên tay.
Ma cũng gần như vắng bóng trong thơ ca Cách mạng, có chăng cũng chỉ là hình ảnh liên quan đến cái chết, với chức năng gợi lên tình yêu thương hoặc lòng căm thù giặc sâu sắc:
Mới đến đầu ao tin sét đánh
Giặc giết em rồi, dưới gốc thông
(Núi đôi – Vũ Cao)
Hay:
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có phần xương thịt của em tôi
(Quê hương – Giang Nam)
Tóm lại, trong dòng văn học mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn yếu tố ma quỷ có xuất hiện trong các tác phẩm, nhưng không nhiều. Chủ yếu nó được các nhà văn, nhà thơ dùng làm phương tiện để đối sánh với bản chất xấu xa trong con người (thường dùng để xây dựng chân dung các nhân vật phản diện) mà thôi! Truyện kỳ quái, huyền ảo, hay những câu thơ đầy xác, máu, sọ người, … dường như không xuất hiện trên văn đàn chính thống.
2.3.3. Ma quỷ trong văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới
Sẽ thiếu sót nếu đã đề cập văn học Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp và Mỹ các tác phẩm rất ít khi nói đến chuyện tâm linh, ma quỷ, thì ở văn học thời đổi mới, con người tâm linh là một trong số các biểu hiện của quan niệm nghệ thuật về con người.
Ngoài những tác phẩm như Mãnh đất lắm người nhiều ma được Nguyễn Khắc Trường ẩn dụ chỉ những việc làm xấu xa, những “lệ làng” kỳ quái do những con người đội lốt ma quỷ gây ra, thì Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Nguyễn Minh Châu đã để cho nhân vật Quỳ tự nói thầm với anh linh các tử sĩ, …
Phan Đức Thuận có truyện ngắn Quỷ sống cũng chứa đựng nhiều tình tiết ly kỳ. Ma quỷ là từ phổ biến trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Võ Thị Hảo, …. nhưng có lẽ gây tiếng vang mạnh mẽ trong thời gian qua là Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu, …
Vấn đề này rất phức tạp và còn nhiều luồng ý kiến trái chiều, chúng tôi hy vọng sẽ đề cập sâu hơn ở dịp khác.
3. Kết luận
Chưa biết trong thực tế ra sao, ma có thật hay không? Nhưng trong văn học, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, gần ta nhất là Trung Quốc với những bộ tiểu thuyết ma quái, thần kỳ đã trở thành kiệt tác, mẫu mực: Tây du ký (Ngô Thừa Ân), Liêu trai chí dị (Bồ Tùng Linh), …
Ma quỷ hiện hữu trong đời sống tâm linh của con người. Chừng nào còn những hiện tượng kỳ bí trong đời sống mà con người chưa thể giải thích được, chừng ấy sẽ còn … ma quỷ! Văn học là tiếng nói từ trái tim tình cảm, là nơi bộc lộ cảm xúc, … như vậy văn họcma quỷ có điểm tương đồng, và tất nhiên là nó “tựa vào nhau” cùng tồn tại, phát triển.
Người ta xếp Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò để thấy rằng ma còn tinh nghịch, phiền phức, rắc rối hơn cả học trò nhưng chưa thấy chứng cớ nào về sự tinh nghịch của ma hơn sự tinh nghịch của con người.
Chỉ có con người là có khả năng biến thành quỷ dữ để giết con người chứ không có quỷ biến thành Phật để diệt quỷ. Chỉ có con người là tạo ra ma để dọa con người nhưng chưa thấy ma tạo ra con người để dọa ma.
Trong văn mạch ấy, xin được kết thúc bằng câu chuyện trong Cổ học tinh hoa của Trung Quốc vừa để hầu mong bạn đọc gần xa xem như đó là tâm tư của tác giả bài viết này, vừa để chúng ta cùng nhìn thấy sự tương đồng trong văn học nói riêng và văn hóa nói chung giữa các dân tộc trên thế giới:
MA NÓI CHUYỆN
Có người trốn tránh quân thù nghịch, đi ẩn núp ở chốn núi thẳm hang cùng.
Một đêm, gió mát trăng thanh, người ấy bỗng thấy con ma vẩn vơ, quanh quẩn dưới gốc cây dương liễu, sợ quá anh ta nằm phục xuống, không dám trở dậy. Ma thấy thế, nó đến tận nơi, bảo:
- Sao không ra đây mà chơi?
Người kia run rẩy trả lời: Thưa, con sợ lắm!
Ma nói: Sao anh gàn thế! Việc chi mà sợ! Kể ra nếu đáng sợ thì chỉ có giống người mới đáng sợ hơn cả. Anh nghĩ lại xem, vì ai mà anh đảo điên cơ cực thế này! Vì đồng loại của anh hay vì tôi? Vì người hay vì ma?
Ma nói xong, cười rồi biến mất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1989.
2. Phan Kế Bính, Nam hải dị nhân, Nxb Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, 1988.
3. Nguyễn Huệ Chi (chủ biên), Truyện truyền kỳ Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1999
4. Lê Văn Đức, Việt Nam tự điển, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1970
5. Đỗ Đức Hiểu - Nguyễn Huệ Chi - Phùng Văn Tửu - Trần Hữu Tá (chủ biên), Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb Thế giới, Hà Nội, 2003.
6. Nguyễn Văn Khôn, Hán Việt từ điển, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1960.
7. Nguyễn Văn Ngọc - Trần Lê Nhân, Cổ học tinh hoa, (quyển hạ), Sách giáo khoa Tân Việt xuất bản, Sài Gòn, 1970.
8. Hoàng Ngọc Phách - Kiều Thu Hoạch (sưu tầm và biên soạn), Giai thoại văn học Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, 2001.
9. Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1994.
10. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hoá Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1999.
11. Nguyễn Khắc Thuần, Việt sử giai thoại, (8 tập), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997.
Nguồn: www.vanchuongviet.org

No comments:

Post a Comment