Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday 30 May 2019

Giáo sư Phạm Thiều một trí thức yêu nước dũng cảm

Đăng lúc: Thứ ba - 13/06/2006 17:04 - Người đăng bài viết: Administrator

 
Giáo sư Phạm Thiều một trí thức yêu nước dũng cảm

Phạm Thiều sinh năm 1904, mất năm 1986, thọ 82 tuổi. Quê ông ở xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông là lớp nghè cuối cùng của triều Nguyễn và sớm thức thời chuyển sang tân học, đậu Thành Chung, được Nha học chánh tuyển dạy các trường trung học, môn Hán Việt. Vừa dạy học, ông vừa viết văn, viết báo. Nhưng đóng góp lớn nhất của ông là tích cực hoạt động trong phong trào truyền bá Quốc ngữ.

Khi Thanh niên Tiền phong phát sinh tại trường Pétrus Ký, Phạm Thiều là một trong các giáo sư hưởng ứng trước nhất. Ông vẫn tất bật với bao nhiêu công việc hàng ngày, dạy học, hoạt động xã hội, chỉ đạo truyền bá quốc ngữ, tham gia lèo lái Thanh niên Tiền phong, làm cố vấn cho nhóm Hoàng Mai Lưu (Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ và Lưu Hữu Phước).
Khi Pháp chiếm Sài Gòn, Phạm Thiều theo bộ đội miền Đông của nhóm Lương Văn Tương rút về Thủ Đức, Dĩ An rồi Biên Hòa. Nơi đây có trường Quân chính, Ông tham gia với tư cách cố vấn…
Giới thiệu Nguyễn Bình với Nguyễn Thành Vĩnh.
Giữa tháng 12/1945, Nguyễn Bình bấy giờ là Khu trưởng Khu 7 muốn bí mật vào thành Sài Gòn quan sát tình hình. Luật sư Lê Đình Chi, sau là Trưởng Nha Quân pháp Khu 7-đưa ông Bình từ chiến khu An Phú Đông về Thị Nghè gặp giáo sư Phạm Thiều để nhờ giúp thực hiện ý đồ trên. Ông Thiều là dân ngụ cư từ nhiều năm trước 1945. Ông giới thiệu ông Bình với Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh, Chánh án Sài Gòn, sau ngày ta cướp chính quyền (ngày 25/8/1945). Đêm 23/9, dân chúng đập cửa nhà ông Vĩnh báo động: “Tây đang vây bắt cán bộ cao cấp Việt Minh”. Lập tức ông Vĩnh thu vén đồ đạc phóng qua Thị Nghè. Gặp Khu trưởng Nguyễn Bình, ông Vĩnh góp ý: “Tôi có hai biệt thự trên đường Pierre (Mai Thị Lựu). Tôi ở ngôi nhà số 35 sát chợ Đa Kao. Khi tôi tản cư qua đây, hàng ngày lính kín và cảnh sát đều canh gác trước nhà tôi. Nhưng đến nay đã trên ba tháng mà không có gì nên chúng bỏ việc canh gác. Nay Khu trưởng muốn thị sát nội thành thì có thể ở nhà tôi. Tài xế Danh sẽ lái xe của tôi đưa ông đi các nơi ông muốn quan sát. Chị bếp Tư Sương của tôi sẽ nấu nướng ngày ba bữa cho ông. Tôi tin rằng chuyến đi đột xuất này sẽ không gặp trở ngại. Tôi đã dặn anh Danh và chị Sương có ai hỏi thì nói: “Đây là một đại thương gia trong Chợ Lớn muốn gặp tôi để bàn chuyện làm ăn”.
Nhờ ông Thiều mà Nguyễn Bình kết thân với Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh suốt mấy năm kháng Pháp và trước khi về Bắc năm 1951 ông Bình đã tặng ông Vĩnh một tấm ảnh với mấy lời giã biệt thân thương.
Chủ nhiệm báo Vệ Quốc ở Chiến khu Đ
Năm 1946-1947, giặc Phong tỏa miền Đông, chiếm cứ và đóng bót dọc sông Đồng Nai, cô lập chiến khu Đ. Lúa gạo không đủ, anh em phải ăn khoai bắp thay cơm. Giới trí thức theo kháng chiến trải qua một thời thử thách. Có những ngày không làm việc chuyên môn mà ra rẫy cuốc đất trồng rau, bầu mướp và khoai mì, khoai lang. Giờ nghỉ trưa giăng võng nằm dưới gốc cây cầy, các giáo sư nói đủ thứ chuyện để quên cái đói. Có ai tháo vát thì nhổ mì: luộc rồi nhồi làm bột nhét vào lỗ gò mối đốt lửa làm bánh ăn cho vui miệng gọi là bánh mì baguette. Còn trà thì cuốc tranh lấy rễ nấu với hà thủ ô, gọi là Ô long kỳ chưởng. Đạm bạc vậy mà vui qua ngày tháng…
Một hôm Khu trưởng Nguyễn Bình mời giáo sư Phạm Thiều vô văn phòng hỏi: “Nghe nói các ông trí thức quen sống trong nhung lụa nay ra Khu đói khát có hơi mất tinh thần, có người tính trở về thành, phải vậy không?”
Vừa nghe qua ông đồ xứ Nghệ đỏ mặt tía tai:
- Ai mách với Khu trưởng vậy? Nói láo! Anh em trí thức chúng tôi đã theo kháng chiến là theo tới cùng. Riêng tôi thì ngay ngày đầu tiên đã làm liên lạc cho bộ đội Nam tiến của đồng chí Nam Long ở mặt trận cầu Bình Lợi. Sau đó rút lên Biên Hòa, giúp Trường quân chính của hai anh Xuân Diệu, Mạnh Liên. Và bây giờ thì chúng tôi đang ở chiến khu Lạc An với Khu trưởng… Làm gì có chuyện mất tinh thần và tính về thành! Xin Khu trưởng nhớ cho tôi là dân xứ Nghệ…
Nguyễn Bình cả cười:
- Giáo sư đừng nóng. Đó là tôi thử giáo sư đó thôi… Bây giờ tôi bàn với giáo sư chuyện quan trọng đây. Ngoài dạy học, dịch sách, giáo sư còn biết làm gì nữa? Có viết báo được không?
- Có! Tôi đã từng viết báo trước đây!
- Vậy thì hay quá! Tôi định ra một tờ báo cho Khu 7. Tính đặt tên là Tiếng Rừng hay Vệ Quốc. Giáo sư chọn tên nào?
- Tiếng Rừng có vẻ thơ mộng nên dành cho nội san lưu hành nội bộ, còn Vệ Quốc nghe chững chạc đường hoàng, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Vệ Quốc Đoàn…
Anh Ba Bình gật gù tán đồng quan điểm của ông Thiều mà ông gọi là cụ Phạm:
- Vậy tôi giao tờ Vệ Quốc cho cụ. Cụ nhận không?
Ông Thiều hơi đắn đo:
- Nhận thì nhận, nhưng trong rừng làm gì có giấy báo, có nhà in…
- Thì cụ cứ nhận phần biên tập, còn nhà in và giấy báo thì đã có người khác lo.
Vài tuần sau, tại Lạc An có nhà in và mấy chục ram giấy báo do các cơ sở ở thành gởi vào theo đường dây các Ban Công tác thành. Giáo sư Phạm Thiều cùng các trí thức như giáo sư Đặng Minh Trứ, Bác sĩ Võ Cương ra sức đóng góp cho tờ báo của Chiến Khu Đ ngày càng khởi sắc.
Đấu lý với người Pháp
Một chiến công thầm lặng của giáo sư Phạm Thiều trên mặt trận đấu lý với địch mà ít người biết. Câu chuyện như sau:
Sau hiệp ước sơ bộ 6/3/1946, theo đó Pháp nhìn nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là một quốc gia tự do (Etat libre) có chủ quyền chính trị, quân sự v.v… lực lượng kháng chiến Nam bộ có điều kiện thuận lợi để củng cố. Phía quân Pháp cũng tranh thủ thời gian để ổn định các vùng chiếm đóng. Chỉ huy trưởng Khu Đông Nam bộ (Zone Est) là Đại tá Fehler bắn tin vô Khu đề nghị mở Hội nghị giữa hai bên để bàn về việc thi hành Sơ ước Six Mars (6/3/1946). Khu trưởng Nguyễn Bình họp tham mưu bàn. Đa số nhất trí mở Hội nghị tại xã Đại An, gần miếu Bà Cô-cũng gọi là Thiền Quang (Trị An). Thành phần phái đoàn Khu 7 gồm có Khu phó Huỳnh Văn Nghệ kiêm chi bộ trưởng chi đội 10. Chánh văn phòng Khu bộ Võ Bá Nhạc; Tham mưu Lục Sỉ Hổ; Luật sư Lê Đình Chi; Trưởng phòng Quân pháp, giáo sư Phạm Thiều, chủ nhiệm báo Vệ Quốc; sinh viên Đặng Ngọc Tốt, thư ký phái đoàn.
Để có tư thế, bên ta chọn một trung đội gồm học sinh trung học và sinh viên là đội quân danh dự dàn hầu Hội nghị. Đội viên nào cũng nói tiếng Pháp giòn như bẻ củi (rôm rốp). Lại có mặt danh ca Quốc Hương làm lãnh xướng hát bài Diệt phát xít chào phái đoàn Pháp. Tất nhiên đối phương ngơ ngác trước nghi thức mới mẻ của quân đội bưng biền.
Vào hội nghị tên trưởng đoàn Fehler chỉ nhắm một mục tiêu duy nhất là chia rẽ nội bộ Việt Minh. Hắn nói:
- Tôi hy vọng được hội đàm với Khu trưởng Nguyễn Bình. Nghe nói ông ta là người miền Bắc vào đây nắm hết quyền binh. Và tôi cũng nghe nói trong phái đoàn này, người miền Bắc chiếm đa số.
Giáo sư Phạm Thiều bật cười, đáp lại ngay, tất nhiên bằng tiếng Pháp:
- Ai bảo đại tá như vậy? Sai hoàn toàn! Khu trưởng Nguyễn Bình là người Bắc nhưng đã vào Sài Gòn từ lúc đôi mươi hoạt động cách mạng và bị thực dân kêu án năm năm tù đày Côn Đảo. Đó là những năm 1931 tới 1935. Còn trong phái đoàn này, có đủ ba miền Nam Trung Bắc. Luật gia Lê Đình Chi đây là người miền Bắc, tôi là dân miền Trung, còn tất cả anh em còn lại là người miền Nam.
Fehler không dễ chịu thua. Ông ta nhìn anh Tám Nghệ hỏi với giọng khẳng định:
- Mais vous, vous êtes Tonkinois, nest-ce pas? (Còn ông trưởng đoàn, ông là người Bắc phải không nào?).
Thật bình tĩnh, anh Tám Nghệ gật, khiến mọi người giật mình:
-Oui, je suis Tonkinois. (Đúng, tôi là người miền Bắc).
Fehler hãnh diện nhìn ông Thiều hất hàm như chứng tỏ mình được tin tình báo chính xác. Nhưng nụ cười hắn chưa kịp khép môi thì anh Tám hạ độc thủ:
-Je suis Tonkinois depuis trois cent ans. (Tôi là người miền Bắc từ ba trăm năm trước).
Fehler bị cú “hồi mã thương” của cụ Tám Nghệ, xấu hổ xụ mặt xuống, không còn vẻ lấc khấc, láu cá như trước nữa.
Bạn thơ của Giáo chủ Hòa Hảo
Khi Huỳnh Giáo chủ được phong Ủy viên đặc biệt trong Ủy ban Kháng chiến-Hành chính Nam bộ, họ Huỳnh có lúc tá túc với Ủy viên Thông tin tuyên truyền Phạm Thiều. Hai ông quen nhau trước năm 45. Đầu đuôi như sau:
Đầu năm thập niên 40, giáo sư Phạm Thiều dạy học tại trường Pétrus Ký. Bạn thơ của ông là ông Nguyễn Văn Nhạc, chủ tiệm giày ở đường DEspagne (Lê Thánh Tôn). Mỗi sáng chủ nhật, ông Thiều tới nhà bạn, bình thơ uống trà thật là tâm đắc. Vào năm 1942, có một người lạ đi ngang qua của hàng, nghe đôi bạn bình thơ liền mạo muội bước vô trong xin được tham gia. Khách lạ tự giới thiệu là kẻ yêu thơ ở tận vùng Thất Sơn sát biên giới xứ Chùa Tháp. Người đó chính là Giáo chủ đạo Hòa Hảo tên là Huỳnh Phú Sổ, quê làng Hòa Hảo, quận Chợ Mới. Lúc đó họ Huỳnh bị Pháp theo dõi vì có hành vi chống Pháp. Lần lượt họ Huỳnh bị quản thúc ở làng Nhơn Ái, Cần Thơ, sau đó đưa về Bạc Liêu ở nhà thầy Hai Giỏi, sát bên Ty Mật thám. Nhật giải thoát họ Huỳnh trước khi Pháp định đày ông lên miền Hạ Lào. Nhật đưa họ Huỳnh về Sài Gòn, cho cư trú tại một ngôi nhà ở đường Lefebvre (Nguyễn Công Trứ) sau phòng Thương mãi. Ăn không ngồi rồi sanh buồn, họ Huỳnh bèn thả bộ xuống Sài Gòn chơi và thế là hai ông nhà thơ gặp nhau.
Thầy Thiều có kể một giai thoại sau đây cho người viết bài này. Họ Huỳnh ngủ chung nhà với ông Thiều. Nửa đêm, thầy Thiều thức giấc thấy trên đầu giáo chủ có vầng hào quang. Lấy làm lạ lắm, sáng sớm hôm sau hỏi ngay. Thầy Tư cười ha hả nói: “Có gì lạ đâu. Trước khi đi ngủ mình rắc lên vách lá một chút bột Chlorate de Potasse”.
Chi tiết này cho biết hai ông chơi thân với nhau tới mức nào.
Những ngày cuối đời
Sau giải phóng 75, chúng tôi gặp lại giáo sư đang đi xe đạp trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, niềm nở mời vô nhà. Ngôi nhà của giáo sư là một vila nằm ngay mặt tiền đường lớn, có tường cao che khuất, nhưng bên trong, trang trí nội thất rất đơn giản. Nói theo Nam bộ là “có vỏ không có ruột”. Một chi tiết đáng ghi lại là giáo sư hỏi ngay:
- Thế nào? Mấy chục năm qua có đóng góp được gì không? Và bây giờ sống ra sao?
Chúng tôi thú thật là nhà báo nằm vùng, bị địch bắt một thời gian và đứt liên lạc. Nay sống có phần vất vả. Lập tức Giáo sư lấy danh thiếp (giám đốc Thư viện Khoa học Xã hội, đường Lý Tự Trọng) giới thiệu ngay. Chúng tôi không sử dụng giấy giới thiệu này mà giữ làm kỷ niệm…
Rất tiếc lần gặp ấy là lần gặp cuối cùng vì không lâu sau, có tin giáo sư mất thật là đột ngột!
Bài viết này, chúng tôi xem là một nén hương thắp lên để cùng các bạn học trò cũ ở trường Pétrus Ký tưởng niệm một người Thầy đã dạy chúng tôi không chỉ nét đẹp của thơ Đường, mà còn là tấm gương sáng yêu nước dấn thân cho cả thế hệ 45 noi theo.
Nguồn: Xưa & Nay, số 138, tháng 4 năm 2003, tr 16 - 18.
Tác giả bài viết: Nguyên Hùng
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
1
2
3
4
5
Click để đánh giá bài viết

No comments:

Post a Comment