Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday 21 November 2019

Quyền con người

< A >
Albert Einstein - Nguyễn Ước (Danlambao) dịch - ...Có một quyền con người khác, tuy không được đề cập tới thường xuyên, nhưng dường như nó đương nhiên càng ngày càng trở nên rất quan trọng, đó là quyền hoặc bổn phận của cá nhân được miễn hợp tác với các hoạt động bị y đánh giá là sai lầm hoặc nguy hại...

*

Lời người dịch: Bài “Quyền con người” này là một trích đoạn trong diễn từ được A. Einstein đọc trước Hiệp hội Luật sư Mười Giới răn (Decalogue Society of Lawyers) ở Chicago 20.2.1954. Nó được đánh giá là một phát biểu dũng cảm và chính xác của một trí thức giải Nobel Vật lý. Ông chứng minh tại sao mọi người phải tích cực và thường trực đấu tranh cho quyền con người, một cách không mỏi mệt.
*
Thưa quí vị, 
Sự hiện hữu và chân giá trị của quyền con người không được viết sẵn trên các ngôi sao. Những lý tưởng liên quan tới hạnh kiểm của con người đối với nhau và tới cấu trúc đáng ao ước của cộng đồng, được nhận thức và dạy dỗ bởi những cá nhân thức ngộ suốt trong dòng chảy của lịch sử. Những lý tưởng cùng những xác tín ấy là thành quả có được từ kinh nghiệm lịch sử, từ niềm khát khao cái đẹp và sự hòa điệu, đã được con người chấp nhận từ lâu trong lý thuyết - nhưng đồng thời trải qua mọi thời đại, chúng cũng bị chà đạp bởi con người dưới sức ép của các bản năng động vật của nó. Do đó, lịch sử loài người có phần rất lớn đầy ứ cuộc tranh đấu cho quyền con người, một cuộc tranh đấu bất tận trong đó không bao giờ sở đắc được cái chiến thắng sau cùng. Nhưng mỏi mệt với cuộc tranh đấu cho quyền con người có nghĩa là sự tàn rụi của xã hội. 
Nói về quyền con người hôm nay, chúng ta tiên quyết đề cập đến những yêu cầu sau đây: 
Sự bảo vệ cá nhân chống lại sự xâm phạm độc đoán của những cá nhân khác hoặc của chính quyền; quyền làm việc và có lợi tức tương xứng từ công việc của mình; tự do thảo luận và giảng dạy; sự tham gia tương xứng của cá nhân vào việc hình thành chính quyền của y. Thời buổi này, những quyền con người ấy mặc dù đã được thừa nhận một cách thuần lý thuyết nhưng do bởi lợi thế áp đảo của những kẻ hình thức chủ nghĩa, lươn lẹo pháp lý, chúng bị vi phạm tới một mức độ lớn lao, lớn hơn rất nhiều thậm chí so với thế hệ trước đây. 
Tuy vậy, có một quyền con người khác, tuy không được đề cập tới thường xuyên, nhưng dường như nó đương nhiên càng ngày càng trở nên rất quan trọng, đó là quyền hoặc bổn phận của cá nhân được miễn hợp tác với các hoạt động bị y đánh giá là sai lầm hoặc nguy hại. Trong phương diện này, phải dành vị trí thứ nhất cho quyền từ chối thi hành nghĩa vụ quân sự. Tôi từng biết các kiểu mẩu trong đó cá nhân với sức mạnh cùng phẩm cách đạo đức bất thường đã vì lý do ấy mà lâm vào cuộc xung đột với các cơ quan nhà nước. Tòa án Nuremberg xét xử tội phạm chiến tranh Đức đã ngầm đặt cơ sở trên sự thừa nhận nguyên tắc đó, không thể kết án hành động tội phạm nếu người vi phạm làm theo mệnh lệnh của chính quyền; lương tâm thay thế thẩm quyền của luật lệ nhà nước. 
Cuộc tranh đấu mà con người thời nay đang tiến hành một cách tiên quyết là cho tự do xác tín chính trị và thảo luận chính trị, cũng như cho tự do nghiên cứu và giảng dạy. Sự sợ hãi chủ nghĩa Cộng sản đang dẫn tới những thực hành càng ngày càng không thể hiểu nổi cho phần còn lại của loài người văn minh và khiến cho xứ sở chúng ta trông có vẻ ngớ ngẩn. Chúng ta sẽ còn chịu đựng trong bao lâu nữa các chính trị gia khao khát quyền lực, đang ra sức sở đắc lợi thế chính trị theo cung cách đó? Đôi khi có vẻ dân chúng đang đánh mất cảm giác lố bịch tới mức mà câu nói của người Pháp “Ngớ ngẩn chết người” (le ridicule tue/ridicule kills) đã mất giá trị của nó. 
Nguồn: Bài Human Rights, trong cuốn Ideas and Opinions của Albert Einstein, Crown Publishers, Inc, New York 1982, 1954 pp. 34-35. 
Nguyên thủy đăng trong Nhật báo The New York Times, số Feb. 21, 1954, t. 5, bài EINSTEIN ENVISIONS RIGHTS, FREEDOM TIE
Người dịch:

No comments:

Post a Comment