Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday, 22 November 2019

Thuý Kiều, Từ Hải sống chết ra sao thời cướp biển đánh Minh?

  • 2 giờ trước




  • Image caption Truyện Kiều

    Truyện Kiều của đại thi hào Việt Nam Nguyễn Du dựng cảnh cho sự xuất hiện Vương Thuý Kiều bằng các câu:
    "Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh
    Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng
    Có nhà viên ngoại họ Vương
    Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung..."
    Nguyễn Du đặt ra các câu thơ êm ả để mở đầu cuộc đời đầy sóng gió của nàng Kiều thời Hoàng đế Gia Tĩnh, Minh Thế Tông, trị vì từ 1521 tới năm 1567.
    Trên thực tế, đây là triều đại rất nhiều bất ổn.
    Phía Bắc, nhà Minh bị quân du mục của Altan Khan liên tục tấn công - Yên Kinh bị vây hãm nhiều lần.
    Bờ biển Đông Nam là địa bàn bị cướp biển tập kích kéo dài, bắt đầu từ đời vua trước, qua thời Gia Tĩnh sang thế kỷ 17.
    Nàng Kiều của đời thật chưa bao giờ tới Việt Nam nhưng có thể đã từng trú ngụ ở Nhật Bản cùng đội thuyền hải tặc thời Gia Tĩnh, 'Jia Jing Da Wo Kou (嘉靖大倭寇).
    Có những vấn đề và chi tiết không thấy xuất hiện trong Truyện Kiều nhưng khiến người quan tâm lịch sử châu Á thấy thú vị.
    Đó là vai trò của người Bồ Đào Nha, Nhật Bản trong cuộc chơi chứa chấp, hỗ trợ cướp biển Trung Quốc.
    Không phải ai khác mà chính tộc Satsuma Han nổi tiếng sau này giúp Minh Trị Thiên Hoàng làm cuộc Duy Tân, từng bao che cho Từ Hải.
    Bạn đọc Việt Nam, qua Truyện Kiều, có thể cảm nhận Hồ Tôn Hiến, là kẻ phản diện, "Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình".
    Nhưng trong chính sử ông cùng Thích Kế Quang, Du Đại Du là các vị tướng chống cướp biển thành công.

    Nghề tơ lụa, các nhân vật chính và căn cứ ở Nhật

    Về phía phản diện thực sự chúng ta thấy một loại nhân vật sừng sỏ có liên quan đến Vương Thúy Kiều.

    Bản quyền hình ảnh Print Collector
    Image caption Hải phỉ Trung Hoa tấn công tàu Phương Tây - tranh lịch sử
    Đó là Uông Trực và con nuôi là Mao Liệt, là Trần Đông, Từ Hải, Vương Ao và Shimazu Yoshihisa, xuất hiện vào thời đỉnh cao của hải khấu.
    Theo tài liệu của James Kai-sing Kung và Chicheng Ma đăng lại, dựa trên Minh Thực lục thì đây là thời giao thương trên biển nhộn nhịp.
    Thương thuyền châu Âu vào mua lụa mà không mua được vì nhà Minh "trọng nông khinh thương", bế quan tỏa cảng từ 1550.
    Để đáp ứng nhu cầu hàng hóa này, băng đảng hải khấu đổ bộ vào đất liền cướp lụa đem ra biển bán.
    Người Bồ Đào Nha cũng đem tới Đông Á súng cò giật (matchlock), nòng thép, gây sát thương cao trong hải chiến.
    Cùng thần công (cannon) kiểu Âu, súng mới ưu việt hơn cung tên trong hải chiến vì cung nỏ bị gió biển, độ lắc của tàu tác động.
    Nhưng súng và thuốc nổ cũng làm các cuộc tàn sát, cướp bóc dữ dội hơn trước rất nhiều.
    Trong Truyện Kiều có câu 'Phải tên xưng xuất là thằng bán tơ' như thể nghề buôn tơ lụa có gì đó đểu cáng.
    Thực tế cuộc sống có vẻ xác nhận điều này.
    Hải tặc không chỉ vào bờ cướp hàng mà còn bắt cóc phụ nữ Trung Hoa đem ra đảo để trồng dâu, dệt lụa, đáp ứng nhu cầu hàng hóa thuyền châu Âu mua nhiều.
    Chuyện Kiều phải bán thân có vẻ giống cảnh nhiều phụ nữ thời đó ở Phúc Kiến và Quảng Đông.
    Phim 'Đãng khấu phong vân' (God of War -2017) về trận Sầm Cảng dựng lại cảnh các cô gái bị hải tặc nhốt làm nô lệ tình dục và nhân công rẻ mạt.
    Nàng Kiều có nằm trong số này hay không?
    Chúng ta không rõ, chỉ biết khi Kiều được Từ Hải lấy làm vợ thì cũng đã trải qua ba chìm bảy nổi rồi.
    Quan hệ căng thẳng với Nhật Bản là nét quan trọng của lịch sử Minh thời đó, khiến thái độ ghét Nhật còn lưu cữu đến nay.
    Các hải đội của cướp biển Trung Hoa thường lấy đảo ngoài khơi làm căn cứ, nằm ngoài tầm kiểm soát của quan quân nhà Minh.
    Khi bị truy đuổi, cướp biển Minh sang lánh nạn ở các đảo của Nhật và được lãnh chúa địa phương trợ giúp, cùng chia chiến lợi phẩm.
    Uông Trực (Wang Zhi) chẳng hạn đã đến đảo Gotō với lời mời của Matsura Takanobu.
    Từ nơi đó, xưng là Hồi Vương, Uông không chỉ thách thức nhà Minh bằng quân sự mà còn đòi thay đổi chính sách ngoại giao.
    Theo James Kai-sing Kung và Chicheng Ma trích lời để lại của Uông Trực, thì đầu lãnh cướp biển này gửi tối hậu thư cho nhà Minh đòi bỏ chính sách bế quan tỏa cảng thì sẽ chẳng còn bị đánh nữa.
    Đó cũng là yêu sách của các sứ quân Nhật, đòi Trung Quốc cho họ vào buôn bán.
    Nói đến cướp biển Hoa - Nhật, ta phải hiểu đây là những lực lượng hàng vạn quân, có tiền, vũ khí hiện đại, và hỗ trợ quốc tế.

    Bản quyền hình ảnh Getty Images
    Image caption Phụ nữ chơi đàn thời Minh - tranh từ sách về Trung Hoa của Alexander Buchner
    Uông Trực từng làm thuê cho người Bồ Đào Nha, người Nhật, từng sang cả Xiêm La buôn thuốc súng.
    Còn đoàn thuyền của tướng cướp Từ Hải có tới 10 nghìn lính và hàng trăm tàu, khiến câu "Chọc trời khuấy nước mặc dầu, Dọc ngang nào biết trên đầu có ai?" trong Truyện Kiều nói về phạm vi hoạt động của Từ Hải là tin được.
    Từ Hải (Xu Hai), theo các tài liệu của Trung Quốc thì không rõ năm sinh, nhưng năm chết được xác định là 1556.
    Vốn từng đi tu, Từ Hải sau theo chú ruột là Từ Duy Học gia nhập băng đảng của Uông Trực.
    Tách ra một nhóm riêng nhưng thất bại và Từ Hải bị chú bán cho một nhóm cướp biển Nhật.
    Nhật Bản cũng là nơi Trần Đông, nhân vật nổi trội thứ ba trong thời kỳ giặc biển (wokou pirates) từ Trung Quốc đến trú ngụ.
    Trần Đông về đầu quân cho lãnh chúa đảo Satsuma, thuộc gia tộc Shimazu nổi tiếng và liên kết với Từ Hải.
    Từ các hòn đảo của Nhật Bản, Từ và Trần tung chiến thuyền liên tục tập kích bờ biển Phúc Kiến và Quảng Đông.
    Trong một chiến dịch như vậy, Từ Hải nghe Thuý Kiều để rồi mắc mưu Tổng đốc Hồ Tôn Hiến, phản bội Trần Đông, dẫn đến cái chết của cả ba năm 1556.
    Căn cứ vào chính sử và lời kể ở Trung Quốc thì sự kết thúc của Thúy Kiều, Từ Hải và Trần Đông xảy đến như người hùng thực thụ của nhà Minh, ông Hồ Tôn Hiến vào cuộc.

    Mưu mô của vị 'kinh luân toàn tài'

    Năm 1554, Minh Thế Tông phong cho Hồ Tôn Hiến chức Chiết Giang tuần án ngự sử - bản tiếng Anh gọi là 'The Grand coordinator of Zhejiang', có quyền cả về quân sự, dân chính và ngoại giao.
    Việc đầu tiên ông làm là triệt phá hậu phương của Uông Trực, Từ Hải bằng cách gửi hai sứ thần sang Nhật Bản đàm phán trực tiếp để Uông Trực về thần phục.
    Uông Trực đồng ý nhưng vẫn ở lại Nhật và chỉ cho con nuôi Vương Ao về Trung Quốc làm con tin.
    Vương Ao viết thư cho Từ Hải, khuyên bảo nên đi "cải tà quy chính".
    Cùng sự thuyết phục ngọt ngào của Vương Thuý Kiều muốn chồng về với triều đình, thư của Vương Ao đã khiến Từ Hải lung lay.
    Tuy thế, Từ Hải vẫn gây chiến tiếp vào năm 1556, giết chết tướng Tông Lễ ở Chiết Giang.
    Quân Từ Hải vây hãm Đồng Hương và nếu chiếm được thì có lẽ đội cướp biển đã đặt được căn cứ đầu tiên trên bờ.
    Nhưng Hồ Tôn Hiến đã dùng tiền hối lộ rất nhiều để dụ Từ Hải rút đi. Các nhóm của Trần Đông và Diệp Ma cũng rút theo.
    Vẫn theo kế mua chuộc rồi đánh úp, Hồ Tôn Hiến cử bạn cùng quê Từ là La Long Vân đem quà và thư tới trại của Từ Hải ngoài đảo cửa sông Châu Giang.
    Vương Thuý Kiều đã nhận tiền bạc để khuyên chồng về hàng, nhận bổng lộc, tước vị, theo nhãn quan Nho giáo 'hoàn lương' cổ hủ.
    Từ Hải còn chần chừ thì Hồ Tôn Hiến đã dùng mưu khích Trần Đông tấn công Từ Hải, nói rằng Từ đã phản bội.
    Trận Vân Đồn và tham vọng của Nguyên chúa
    Chưởng Kim Dung chỉ thu hút người Hoa và Việt
    Oai võ Lý Triều: Thái hậu Ỷ Lan hai lần nhiếp chính

    Kết cục của các nhân vật

    Trong trận đánh ở sông Châu Giang, lúc hai bên Từ, Trần hỗn chiến, quân nhà Minh tấn công vào, dùng súng bắn phá dữ dội.
    Từ Hải nhảy xuống nước mà chết.
    tài liệu nói Vương Thuý Kiều trẫm mình vì có lỗi với Từ Hải.
    Nguồn khác nói Kiều chết đuối trong lúc chạy trốn.
    Trần Đông tử trận cùng lúc.
    Vương Trực dù đầu hàng nhưng đến năm 1559 thì sự bảo hộ của Hồ Tôn Hiến không còn hiệu lực và bị triều đình xử tử.
    Tên tuổi ông nay được tôn thờ ở Nhật Bản chứ không phải Trung Quốc, với tượng đồng còn đứng ở bảo tàng Matsura.
    Hồ Tôn Hiến, chiến lược gia chống giặc biển để lại bộ "Trù hải đồ biên", sau lên tới Thượng thự bộ binh nhưng bị dèm pha và bỏ ngục.
    Ông tự sát trong tù năm 54 tuổi.
    "Sự nghiệp" của các đầu lĩnh cướp biển tuy thế còn kéo đến hết thời kỳ hoạt động của Mao Liệt, con nuôi Uông Trực.
    Căm phẫn vì các băng đảng Uông, Từ, Trần đều bị Hồ Tôn Hiến lừa và tiêu diệt, Mao Liệt đem tàn quân đánh chiếm Sầm Cảng và đóng ở đó tới năm 1559 thì bị Du Đại Du xóa sổ.

    Cướp biển thế hệ sau


    Bản quyền hình ảnh Culture Club
    Image caption Tranh Phương Tây vẽ nữ hoàng cướp biển - the pirate queen - Trịnh Nhất Tẩu, người lãnh đạo đội hải phỉ của Hồng Kỳ Bang ở bờ biển Trung Quốc sau khi chồng bà, tướng người Hoa, Trịnh Nhất của nhà Tây Sơn bị quân Nguyễn Ánh giết chết ở Việt Nam
    Cũng phải nhắc rằng một số nhóm cướp biển "hậu bối" của Uông, Từ, Trần đã tiếp tục cầm cự rồi dần dần bỏ chạy sang Đông Nam Á.
    Ngô Bình chạy sang Đại Việt và mất tích ở đó, tàn quân bị liên minh Minh - Việt diệt nốt.
    Lâm Đạo Khiêm đem đoàn thuyền hàng nghìn quân và vũ khí tới Côn Đảo trú ngụ trước khi sang Pattani.
    Lâm Phong tấn công Manila, bị hạm đội Tây Ban Nha đánh bật ra, lộn trở về bờ biển Trung Hoa làm cướp biển rồi sang Cao Miên.
    Trong cả câu chuyện này, chỉ có còn con cháu của Shimazu Yoshihisa thuộc gia tộc Satsuma là sống khoẻ nhất.
    Kiếm lợi lớn từ thương mại và cướp bóc, đến 1609 Satsuma mạnh tới mức đánh Okinawa (Ryukyu) và cưỡng bức lãnh chúa ở đó triều cống.
    Trong hai thế kỷ tiếp, tộc Satsuma hùng cứ một phương và khai thác thương mại quốc tế khi Mạc Phủ (shogunate) bế quan tỏa cảng.
    Năm 1866-67, họ cùng nhà Choshu (Trương Xuyên) lập liên minh (Satchō Alliance) ủng hộ tân Thiên Hoàng trẻ tuổi, phá bỏ chế độ tướng quân Tokugawa, mở đường cho thời Minh Trị duy tân, đưa Nhật lên con đường hiện đại hóa thành công.

    Truyện Kiều - văn và thơ nhiều hơn sử

    Như một số nhận định, Nguyễn Du đã tạo lên kiệt tác truyện thơ trong tiếng Việt từ Kim Vân Kiều Truyện, một tiểu thuyết hạng hai (second-rate Chinese prose novel), vốn được xây dựng khá mờ ảo dựa trên một sự kiện lịch sử là trận đánh diệt cướp biển thời Gia Tĩnh.



    Bản quyền hình ảnh Sepia Times
    Image caption Tranh lụa thời Minh
    Tuy thế, tác giả khác, Charles Benoit đã tinh ý nhìn thấy trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có ba nhân vật nổi bật: Thuý Kiều, Từ Hải và Hồ Tôn Hiến.
    Đây cũng là ba nhân vật lịch sử có thật chứ không phải một anh chàng Kim Trọng 'tốt ảo' hay nàng Thuý Vân chỉ làm cái bóng hiền lành cho cuộc đời chìm nổi của chị.
    Lấy thời khắc cuối cùng của đời chiến trận - tình ái của Từ Hải, người mà Nguyễn Du ngầm khen là anh hùng, làm điểm soi chiếu thì chúng ta sẽ thấy hiện ra nhiều mảng dữ dội của lịch sử châu Á giai đoạn bản lề, va đập Đông Tây mà Kiều của đời thật đã sống qua.
    Việt Nam chỉ biết đến Thuý Kiều, nhưng trong lịch sử Trung Hoa thì còn có các nhân vật nữ tướng cướp khác.
    Vào cuối thế kỷ 18, đầu 19 có Trịnh Thị (Zheng Shi, hay Cheng I Sao - Trịnh Nhất Tẩu), người đi vào văn học Phương Tây.
    Từ 'gái điếm trở thành nữ hoàng cướp biển' (from prostitute to pirate queen), Trịnh Thị chính là phu nhân của Trịnh Nhất, tướng người Hoa của nhà Tây Sơn.
    Có nguồn nói Trịnh Nhất chết ở Việt Nam vì thua quân của Gia Long trong trận chót nhằm báo thù cho vua Quang Toản.
    Vợ ông lên nắm Hồng Kỳ Bang (từng có 70 nghìn quân và 400 thuyền), trở về Quảng Đông tiếp tục nghề hải tặc.
    Đến 1810 thì bà hoàn lương, đầu hàng vua Gia Khánh của nhà Thanh với kết cục giống ước mơ 'về với triều đình' của 'Thuý Kiều văn học'.
    Trịnh Nhất Tẩu đã vào văn châu Âu qua ngòi bút của Jorge Louis Borges, Dian Murray và sau vào phim 'The Pirates of the Caribbean: At World's End' (2007), ở vai Mistress Ching của Takayo Fischer, diễn viên Mỹ gốc Nhật.
    Điện ảnh Việt Nam cho tới nay vẫn chưa dựng lại được Truyện Kiều ở tầm xứng với thiên tài của Nguyễn Du và bối cảnh lịch sử dữ dội một thời.
    Xem thêm:
    Tộc Trương Xuyên thay đổi Nhật Bản ra sao?
    Hồ - Minh đại chiến: Vì sao Hồ Quý Ly thất bại?
    Tây Sơn không phải 'Cách mạng Giải phóng'
    Hành thích hồ Dâm Đàm: Tìm hiểu vụ án Thái sư Lê Văn Thịnh

    No comments:

    Post a Comment