Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Wednesday, 29 January 2020


Việt Nam ứng phó với dịch coronavirus: nói và làm phải song hành!

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (đeo kính, ở giữa) chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh virus corona,  ngày 28/01/20.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (đeo kính, ở giữa) chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh virus corona, ngày 28/01/20.
Courtesy: Ảnh chụp màn hình VTV24

Quyết liệt phòng, chống dịch coronavirus

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới virus corona (nCoV) gây ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, là người chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động Bộ Y tế đồng thời là Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh nCoV, vào chiều ngày 28/1 cho biết tình hình dịch nCoV tại Việt Nam đang ở cấp độ 1, tức là có ca bệnh xâm nhập và ngành y tế sẵn sàng ứng phó với cấp độ 2, tức có ca bệnh lây nhiễm tại chỗ và cũng đã có phương án cho cấp độ 3 theo quy chuẩn ASEAN là có trên 20 ca nhiễm bệnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý với Bộ Y tế rằng cần phải chuẩn bị cho tình huống xấu hơn là hàng ngàn người bị nhiễm nCoV.
Cùng trong ngày 28/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về phòng, chống dịch nCoV, yêu cầu tất cả các bộ, ngành và địa phương không để dịch bệnh lây lan, phải coi việc phòng, chống dịch như “chống giặc”. Theo Chỉ thị số 05 mới ban hành, trước mắt cần phải thành lập đội phản ứng nhanh để ứng phó với dịch bệnh nCoV và Bộ Y tế phải báo cáo hàng ngày.
Trong vai trò Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh nCoV, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Bộ Y tế chuẩn bị thành lập 40 đội cơ động phụ trách các công việc liên quan điều trị bệnh dịch nCoV và kể từ ngày 29/1, Bộ Y tế được yêu cầu phải hoàn thiện, cập nhật các phương án, kịch bản đối với dịch bệnh này trong từng tình huống cụ thể.
Từ xưa đến nay là Chính phủ Việt Nam và Bộ Y tế luôn luôn tìm cách cố gắng giấu dịch. Bởi vì người ta cứ lấy lý do là ảnh hưởng đến chuyện giao thương, kinh tế…Theo thể chế của Việt Nam thì Bộ Y tế không được phép tuyên bố tình trạng khẩn cấp, tình trạng dịch mà phải là thủ tướng. Ở cấp tỉnh là chủ tịch tỉnh, chứ không phải giám đốc sở y tế. Trên cấp bộ, cấp trung ương là phải thủ tướng mà thủ tướng có khi còn phải thông qua Bộ Chính trị
-Bác sĩ ẩn danh
Một trong những biện pháp quan trọng được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra đề nghị là tạm thời không cấp thị thực (visa) du lịch cho du khách Trung Quốc đến từ vùng dịch bệnh, ngoại trừ có trường hợp khẩn cấp.

Quan ngại của chuyên gia y tế

Đài RFA ghi nhận mặc dù truyền thông trong nước luôn cập nhật tin tức liên quan diễn biến dịch bệnh nCoV tại Việt Nam cũng như thông tin từ phía Chính phủ Hà Nội trong việc ứng phó với dịch bệnh; tuy nhiên không ít các chuyên viên trong ngành y tế cho rằng họ nhận thấy những biện pháp mà phía Chính phủ chỉ đạo không chắc chắn sẽ đạt được hiệu quả cao.
Tiến sĩ-Bác sĩ Đinh Đức Long, cựu Trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do:
“Tôi nghĩ rằng những điều họ nói cũng đúng hết thôi, nhưng vấn đề là trên thực tế họ có làm đúng như thế không? Ví dụ như nói là không cấp visa cho khách Trung Quốc, mà theo tôi được biết là một số tỉnh biên giới với Trung Quốc đâu có cần visa mà vẫn vào được nước mình, như Quảng Ninh chẳng hạn. Cho nên trên thực tế, kiểm soát cửa khẩu, kiểm soát người đến từ vùng có dịch mà bây giờ Trung Quốc có 30/31tỉnh, tức là tỉnh nào cũng có dịch cả rồi thì trên thực tế nói đúng ra là phải đóng cửa biên giới với Trung Quốc. Họ đã không nói điều này và chỉ nói kiểm soát, mà kiểm soát có nhiều cách, có nhiều mức độ khác nhau nên không thể biết được trên thực tế điều gì diễn ra.”
Bác sĩ Đinh Đức Long nhấn mạnh rằng những biện pháp về xử lý chống cúm trong ngành y được nêu ra trong phòng, chống dịch bệnh nCoV thì theo ghi nhận của ông đã thành phát đồ và do đó quy trình không có gì mới. Bác sĩ Đinh Đức Long khẳng định quan trọng là phòng, chống dịch bệnh nCoV trong thực tế như thế nào.
Nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy hôm 23/1/20 mặc đồ bảo hộ tiếp xúc với hai người Trung Quốc nhiễm nCoV.
Nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy hôm 23/1/20 mặc đồ bảo hộ tiếp xúc với hai người Trung Quốc nhiễm nCoV. AFP
Trong khi đó, một bác sĩ không muốn nêu tên bày tỏ sự lo ngại khi Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh nCoV, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam không phải là người có chuyên môn trong ngành y. Vị bác sĩ này lý giải: “Nói về ông Đam trong sự kiện dịch này mà do ông Đam phụ trách thì lại càng kém. Bởi vì ông không hiểu về lĩnh vực chuyên môn trong y tế thì làm sao ông biết được mức độ ảnh hưởng của nó như thế nào mà ông tư vấn cho chính phủ? Ví dụ như một người bộ trưởng mà người ta có hiểu biết về chuyên môn và người ta quan sát tình hình thông tin về mức độ tử vong và tỷ lệ lây lan diễn biến từng ngày như thế nào rồi đọc tài liệu nước ngoài…thì mới có tư vấn cho chính phủ được. Nhưng ông Đam không có chuyên môn và lại phải nhờ qua các cấp dưới thì đó là một quá trình tam sao thất bản.”

Dư luận lo ngại

Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nCoV, diễn ra hôm 28/1, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết hai bệnh nhân cha con người Trung Quốc bị nhiễm nCoV điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy thì người con đã âm tính với virus corona mới và tình hình sức khỏe của người cha tiến triển tích cực. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn còn cho biết thêm rằng các trường hợp khác nghi nhiễm nCoV đang được cách ly, xét nghiệm đều có sức khỏe ổn định và tốt lên.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn tuyên bố tại cuộc họp chiều ngày 28/1 rằng những kết quả này cho thấy ngành y tế Việt Nam hoàn toàn có khả năng điều trị thành công các ca bệnh nhiễm nCoV.
Thế nhưng, lướt qua trang fanpage của báo giới nhà nước và mạng xã hội, Đài RFA nhận thấy thông tin lạc quan do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cung cấp không giúp trấn an cho người dân trong nước. Đối nghịch lại, bản tin được đăng tải trên Báo Thanh Niên Online vào ngày 26/1 có tựa đề “Vi rút Vũ Hán làm lộ điểm yếu trong quản trị nhà nước Trung Quốc: cấp dưới sợ phạt, giấu lỗi” thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Bản tin của Báo Thanh Niên Online dẫn lời của các chuyên gia quốc tế cho rằng chính quyền địa phương ở Trung Quốc tìm cách che đậy, thiếu thông tin liên lạc với chính quyền trung ương Bắc Kinh là nguyên nhân khiến cho dịch bệnh nCoV bị nghiêm trọng cho cả Trung Quốc và thế giới những ngày qua.
Để tìm lời giải đáp cho thắc mắc của những người quan tâm liệu rằng Việt Nam có thể bị rơi vào tình trạng tương tự như thế hay không, vị bác sĩ ẩn danh, từng làm việc trong quân y cho RFA biết:
“Từ xưa đến nay là Chính phủ Việt Nam và Bộ Y tế luôn luôn tìm cách cố gắng giấu dịch. Bởi vì người ta cứ lấy lý do là ảnh hưởng đến chuyện giao thương, kinh tế…Theo thể chế của Việt Nam thì Bộ Y tế không được phép tuyên bố tình trạng khẩn cấp, tình trạng dịch mà phải là thủ tướng. Ở cấp tỉnh là chủ tịch tỉnh, chứ không phải giám đốc sở y tế. Trên cấp bộ, cấp trung ương là phải thủ tướng mà thủ tướng có khi còn phải thông qua Bộ Chính trị.”
Tiến sĩ-Bác sĩ Đinh Đức Long nêu lên quan điểm của ông:
Tôi nghĩ nói chung ở các chế độ Cộng sản thì họ hay giấu thông tin bất lợi. Đấy là điều phổ biến. Bệnh thành tích, bệnh che giấu những gì đang xảy ra thì là chuyện bình thường trong các nhà nước Cộng sản. Tuy nhiên trong trường hợp dịch bệnh nCoV thì vẫn chưa có chứng cứ nào để có thể kết luận rằng họ có che giấu hay không
-Bác sĩ Đinh Đức Long
“Tôi nghĩ nói chung ở các chế độ Cộng sản thì họ hay giấu thông tin bất lợi. Đấy là điều phổ biến. Bệnh thành tích, bệnh che giấu những gì đang xảy ra thì là chuyện bình thường trong các nhà nước Cộng sản. Tuy nhiên trong trường hợp dịch bệnh nCoV thì vẫn chưa có chứng cứ nào để có thể kết luận rằng họ có che giấu hay không.
Tôi nghĩ rằng trách nhiệm của họ thì phải làm. Nhưng như theo tôi đã nói là làm thế nào để kiểm chứng được? Chẳng hạn như ở Đà Nẵng, mấy hôm trước có khách sạn không nhận khách Trung Quốc thì Giám đốc Sở Du lịch là bà Trương Thị Hồng Hạnh cùng với công an đến tận nơi để gây áp lực. Điều đấy thứ nhất là sai thẩm quyền. Thứ hai nữa là gián tiếp tiếp tay cho chuyện lan tỏa bệnh dịch nếu như có. Trong khi các nước khác như Triều Tiên hay Mông Cổ đóng cửa biên giới rồi. Còn Việt Nam mình thì một ngày có 260 chuyến bay từ Trung Quốc sang. Sau khi có dịch rồi vẫn thế.
Mới đây ông Thủ tướng nói là hạn chế, không đánh đổi lợi ích kinh tế với sức khỏe người dân. Họ nói thế nhưng các biện pháp như tôi vừa nêu là có đóng cửa biên giới không, hay chỉ là không cấp visa? Không cấp visa thì nguời Trung Quốc vẫn cứ vào Việt Nam.”
Truyền thông quốc nội loan tin tính đến ngày 29/1, Việt Nam có 64 trường hợp nghi nhiễm nCoV với dấu hiệu sốt, ho đến từ vùng dịch. Trong số này có 39 người được cách ly. Ngoài ra, Việt Nam còn có 56 trường hợp khác không có dấu hiệu sốt, ho nhưng được theo dõi vì có tiếp xúc gần với người nghi nhiễm virus nCoV.
Trong số những người dân tại Việt Nam Đài RFA tiếp xúc được, đa số là phụ huynh chia sẻ rằng họ đang rất lo sợ con em mình có nguy cơ bị lây nhiễm virus nCoV khi hàng triệu học sinh trở lại trường sau mấy ngày nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý.
Ý kiến (0)

No comments:

Post a Comment