Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday, 4 September 2020

 

Sơn Tùng- Với Ông Nguyễn Thanh Hoàng Và Tờ Văn Nghệ Tiền Phong

Hồi ký nói về báo Văn nghệ tiền phong và cái chết của ký giả Lê Triết.

Xem cho biết.Tôi không có ý kiến.

Hoàng Ngọc An

Với Ông Nguyễn Thanh Hoàng Và Tờ Văn Nghệ Tiền Phong
Sơn Tùng

Ông Nguyễn Thanh Hoàng và tôi có một cái “duyên” kỳ lạ.
Năm 1953- 1954, khi còn là một học sinh mới trở lại bậc trung học tại Sài-gòn sau mấy năm bỏ trường vì chạy giặc, tôi đã viết truyện ngắn đăng trên tờ “Gió Mùa”, một tuần báo xuất bản ở Đà-lạt (toà soạn ở đường Yagut) và bày bán trên đường phố Sài-gòn mà tôi đã tình cờ mua được một số.

Sau này, tôi được biết “Gió Mùa” chính là tiền thân của tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong (VNTP) của Ông Nguyễn Thanh Hoàng, bút hiệu Hồ Anh.

Tuy không có ý định trở thành nhà văn, nhà báo, tôi tiếp tục viết bài cho tờ VNTP dưới bút hiệu Đoàn Ngọc. Giữa thập niên 1950, tôi quen Nhà báo Tô Ngọc, một cây bút nòng cốt của tờ VNTP. Tô Ngọc và tôi khá thân nhau vì cùng có vài người bạn chung. Sau này, Tô Ngọc trở thành Tổng Thư Ký Nghiệp Đoàn Ký Giả VN, và lại gặp nhau trên đất Mỹ sau khi anh bị VC bắt đi cải tạo hơn mười năm và sang Mỹ trong Chương trình HO.

Trở lại với ông NT Hoàng và tờ VNTP. Thật ra, khi còn ở Sài-gòn tôi chỉ đưa bài cho ông Tô Ngọc mà chưa bao giờ tới tòa soạn VNTP và cũng không gặp ông Chủ nhiệm Hồ Anh NT Hoàng lần nào.

Tôi chỉ gặp ông NT Hoàng sau khi vượt biên năm 1982 và định cư tại Hoa Kỳ. Trong thời gian tạm trú ở đảo Bidong, Malaysia, tôi có đọc tờ VNTP ở thư viện trại và viết vài truyện ngắn gửi cho ông NT Hoàng. Khi tới Mỹ và được thân nhân bảo lãnh về Santa Clara, miền Bắc Califonina, tôi được biết hai truyện ngắn của tôi đã trúng “Giải Truyện Ngắn VNTP” do Nhà văn Võ Phiến làm trưởng Ban Tuyển Chọn (truyện “Con Đường Lá Me” Giải Nhất, và truyện “Sau Mùa Săn” Giải Ba, sau này được in chung vào tập truyện ngắn “Trừng Phạt”).

Ở Santa Clara vài tháng, tôi di chuyển xuống Miền Nam California, nơi có “Thủ đô Tị nạn” Quận Cam và đông đảo người Việt cư ngụ. Tôi tiếp tục viết bài cho VNTP trong khi làm vài việc bán thời gian để sống và có thì giờ trở lại ghế nhà trường.

Khi xuống tàu đi vượt biên, tôi không mang một ảo tưởng nào về đời sống tị nạn ở hải ngoại, nhất là nước Mỹ. Tôi ra đi để được thở tự do và được nói tự do, viết tự do. Viết cho mình và cho những người còn ở lại Việt Nam. Vì vậy, cuối năm 1984, khi ông NT Hoàng gọi điện thoại mời sang Virginia làm việc toàn thời gian tại toà soạn VNTP, tôi đã nhận lời. Ông mua vé máy bay (một chiều) và gửi cho tôi.

Vài người biết ông Hoàng cho đây là một “đặc ân” vì ông ít khi làm những cử chỉ ưu ái như vậy với ai. Một người bạn tôi, cũng là bạn ông Hoàng, ở Vùng Washington còn lưu ý tôi về tính chi li trong chuyện tiền bạc của ông Hoàng. Tôi không quan tâm lắm, vì tự tin một phần, phần cũng vì nghĩ rằng điều quan trọng là “có đất dụng võ” để viết, và nhu cầu sinh sống của tôi cũng không có nhiều. Do hoàn cảnh đặc biệt, tôi đã ra đi một mình, vợ và con trai còn ở lại Việt Nam.

Không ngờ, “mối duyên ban đầu” giữa ông Nguyễn Thanh Hoàng và tôi quá ngắn. Một tuần!

Khi tôi tới, ông Hoàng đích thân ra Phi trường National đón đưa về nhà ở số 15 đường N. Highland, Arlington, Virginia. Đây là một ngôi nhà gỗ có một tầng lầu. Ông Hoàng ở tầng dưới, tầng trên làm toà soạn. Ngôi nhà vừa được công ty bảo hiểm làm lại sau khi bị đốt thiệt hại nặng trước đó vài năm. Tôi được dành cho một phòng riêng trên lầu để làm việc và giới thiệu với nhân viên toà soạn gồm tất cả bảy người: Nhà thơ Hoàng Anh Tuấn, Hoạ sĩ Hĩm, Quỳnh Lâm (tổng thư ký tòa soạn), một người bỏ dấu, cắt dán, hai thư ký đánh máy và một tài xế. So với tình trạng báo chí Việt ngữ sơ khai lúc bấy giờ ở hải ngoại, đây là một toà soạn “lớn”, làm việc nghiêm chỉnh. Tôi rất thích.

Ông Hoàng đề nghị tôi làm việc ngay, và trong khi chờ tôi tìm được phòng trọ, ông cho tôi ở tạm trong ngôi nhà tại McLean, một khu sang trọng do ông Hoàng mới mua, không có người ở, chỉ dùng để chứa báo và gói báo gửi đi cho các đại lý và độc giả dài hạn vì căn nhà ở đường Highland bị hàng xóm thưa kiện, không cho chở báo ra vào. Hàng ngày có tài xế đưa đón tôi đi làm.

Tôi rất cảm kích trước sự đãi ngộ của chủ nhiệm tờ VNTP, hàng ngày vừa làm việc vừa nhờ người quen tìm phòng trọ và mua một chiếc xe cũ. Tôi cũng muốn ổn định đời sống gấp và không thích ở ngôi nhà trên Mclean, vì nhà tuy to đẹp và khung cảnh nên thơ nhưng buồn và quá xa chỗ làm việc.

Tôi làm việc được vài ngày, một buổi sáng anh tài xế tới đón tôi hơi trễ với vẻ mặt bực bội. Tôi hỏi có chuyện gì. Anh ta trả lời:

  • Ông Hoàng vừa mới chửi cháu và nói chú chậm chạp quá, một tuần rồi mà cũng chưa tìm được chỗ ở và chưa có cái xe đi làm. Hàng ngày cứ bắt phải đưa đón, làm báo chứ đâu phải ông lớn. Phiền quá!

Tôi không thích loại người trước mặt tôi nói khác, sau lưng nói khác. Tôi lập tức thu xếp hết quần áo vào chiếc va ly và đem theo xe. Ngay ngày hôm ấy, tôi rời toà soạn VNTP và không nói một lời với ông NT Hoàng. Tôi ở nhờ nhà một người bạn bên Maryland vài ngày chờ mua vé máy bay và trở lại California.

Ông NT Hoàng hỏi người bạn tôi, Giáo sư Lê Doãn Kim, cũng là bạn của ông, và trách tôi nếu không muốn làm nữa sao không nói với ông ta một tiếng. Tôi nhắn lại, tôi không xin việc nên không cần phải xin nghỉ việc. Chính ông ấy đã mời tôi sang đây và đã đối xử với tôi không ngay thẳng, làm sao có thể cộng tác lâu dài với nhau?

Nhưng thật đáng ngạc nhiên. Chỉ vài tháng sau ông NT Hoàng lại gọi điện thoại sang California, phân bua rằng tôi đã hiểu lầm ông ấy và lại mời tôi sang Virginia giúp ông ta chỉnh đốn tờ VNTP vì tờ báo này cần một người như tôi. Ông ta gọi nhiều lần, có khi vào lúc nửa đêm hay sáng sớm khiến bà chủ nhà cũng bực mình. Nhưng cuối cùng tôi đã xiêu lòng và trở lại với tờ VNTP. Lý do: tôi vẫn muốn có đất dụng võ để viết như ước vọng khi ra đi, và ông anh tôi, một công chức Bộ Ngoại Giao Mỹ, lúc ấy làm việc tại toà đại sứ Hoa Kỳ ở Philippines, có ngôi nhà bỏ không ở Washington, DC, cũng muốn cho tôi ở trông coi nhà giùm. Phần khác, sinh hoạt ồn ào của người Việt ở “thủ đô tị nạn” có vẻ không hợp với tôi.

Lần này trở lại, tôi gặp Nhà văn Tạ Quang Khôi, cũng vừa trở lại với tờ VNTP sau thời gian ngắn bị ông Hoàng cho nghỉ việc vì bị “nghi là người của Mặt Trận cho nằm vùng trong tờ VNTP” trong lúc mới làm được hơn ba tháng, như lời ông Tạ Quang Khôi viết trong hồi ký.

Ông Hoàng cho biết tòa soạn làm việc theo bưu điện Mỹ, một tuần sáu ngày, chỉ nghỉ ngày chủ nhật, và giao cho tôi viết nhiều mục trong tờ VNTP và mỗi tháng viết một truyện ngắn cho tờ Tiểu Thuyết Nguyệt San vừa được xuất bản thêm do ông Tạ Quang Khôi phụ trách. Vì vậy tôi đã phải dùng nhiều bút hiệu khác nhau. Sơn Tùng để viết truyện, Sương Lam để viết báo, và Thợ Hồ để viết phiếm, vv.

Khi tôi tới làm việc thì các bài báo vẫn phải đánh máy không có dấu, và người phụ trách bỏ dấu, cắt dán là ông Đỗ Trọng Nhân, một cựu trung tá. Hai năm trước, ông vượt biên cùng con trai, định cư tại Modesto, miền bắc California, và làm cho một hãng sản xuất rượu. Ông cho biết hãng rượu trả lương cao hơn VNTP nhưng làm việc cực hơn. Ông cũng mới sang Virginia, không có xe và không có chỗ ở. Tôi đề nghị ông ta tới ở với tôi và cùng đi xe với tôi, mỗi tháng đưa cho tôi một số tiền tượng trưng là 50 Mỹ kim. Tôi mua được một chiếc Toyota Corolla cũ, hàng ngày cùng ông Nhân đi tới toà soạn VNTP làm việc, xa khoảng mười miles và băng ngang sông Potomac trên cây cầu Key nối liền Washington, DC và Virginia.

Tôi làm việc được ít lâu thì Thi sĩ Hoàng Anh Tuấn và Họa sĩ Hĩm rời tờ VNTP sang California lập nghiệp và mất liên lạc. Nhà văn Tạ Quang Khôi cũng bỏ VNTP đi làm cho một tổ chức từ thiện bên DC.

Tuy nhiên, nói tới VNTP thì không thể không nói tới Lê Triết Tú Rua. Ông Lê Triết chỉ viết bài đưa tới chứ không làm việc tại tòa soan. Ông làm cho sở kiểm soát nước uống của chính quyền địa phương. Chức vụ chính thức của ông Lê Triết trong tờ VNTP là “Tham vấn Chuyên môn”, nhưng ông được biết tới nhiều hơn với bút hiệu Tú Rua, người phụ trách mục phiếm “Ngày Lại Ngày” thường xuyên trên tờ VNTP. Ngòi bút viết phiếm của Tú Rua rất sắc bén và cay độc, nhắm vào nhiều nhân vật trong cộng đồng với những cái bê bối của họ hoặc bọn đón gió trở cờ theo VC. Tú Rua có nhiều độc giả nhưng chắc cũng đã tạo ra không ít kẻ thù với lối viết cực đoan của ông.

Có lần tôi nói với ông NT Hoàng:

  • Giá anh Triết viết nhẹ đi một tí thì càng có nhiều người đọc hơn và giảm bớt kẻ thù.

Ông NT Hoàng cười, không đồng ý:

  • Tú Rua mà viết nhẹ thì nhạt phèo, ai mà đọc!

Trong thời gian tôi cộng tác với tờ VNTP, mục “Ngày Lại Ngày” của Tú Rua đã đưa tới hai vụ kiện. Một do bà Lê Thị Anh, và một do bà Vi Khuê. Cả hai vụ đều kết thúc với sự thất kiện của nguyên đơn.

Vụ kiện thứ ba, tuy không do mục “Ngày Lại Ngày” nhưng cũng do Lê Triết viết với một bút hiệu khác, liên quan đến một văn phòng di trú ở Houston, Texas. Văn phòng này đã nhận một số tiền khá lớn của một người bảo lãnh thân nhân từ Việt Nam sang Mỹ và hứa hẹn đủ điều, nhưng lại không hay biết gì cả khi thân nhân người ta đã sang đoàn tụ gia đình. Ông Lê Triết đã viết một bài vạch trần vụ này do tài liệu của nạn nhân cung cấp.

VNTP và tác giả bài viết đã bị kiện về tội vu khống, phỉ báng. Vì vụ kiện đăng đường ở toà án Houston nên ông NT Hoàng phải nhờ một người bạn, Luật sư Trần Minh Đức, giới thiệu cho một luật sư ở Texas. Không may, tổ hợp luật sư này đã manh tâm kéo dài vụ kiện và làm ông NT Hoàng tốn khá nhiều tiền khiến ông oán trách người giới thiệu và tình bạn cũng tan vỡ. Có lần tôi đã cùng đi với ông NT Hoàng dự một phiên toà ở Houston nên biết rõ vụ này. Nếu gặp một luật sư có lương tâm, vụ này có thể kết thúc nhanh chóng và không tốn bao nhiêu tiền. Theo ông NT Hoàng cho biết, ông đã bị tổ hợp luật sư ở Houston “moi” mất trên 60 ngàn Mỹ kim khiến ông phát điên lên và rất sợ bị kiện thêm nữa.

Trong khi các tờ báo Việt ngữ ở hải ngoại sống rất vất vả và chết lên chết xuống, tờ VNTP sống rất mạnh do ông chủ nhiệm NT Hoàng biết bí quyết làm báo. Ông biết quản lý và biết nhắm đúng thị hiếu người đọc. Ông lập ra một công ty (Tien Phong Inc.) trong đó ông nắm hầu hết cổ phần và làm chủ tịch, kiêm chủ nhiệm chủ bút tờ VNTP. Ông tự trả lương cho mình và tất cả chi tiêu cá nhân đều do công ty thanh toán, vì vậy cuối năm khai thuế, công ty thường lỗ, còn ông chủ báo thì sống rất đế vương. Tuy trả lương thấp cho nhân viên tòa soạn nhưng ông NT Hoàng là người sòng phẳng, và trả tiền nhuận bút cho tất cả những người gửi bài đăng trên VNTP, dù là một mẩu chuyện vui cười ngắn ông cũng trả 5 Mỹ kim.

VNTP là một tờ bán nguyệt san, mỗi tháng xuất bản hai số, phát hành vào đúng ngày 1 và 15 mỗi tháng, không bao giờ chậm trễ. Ông NT Hoàng thường nói: “Báo phải tới tay người đọc đúng ngày thì mới làm cho người ta nghiện.”

VNTP có nhiều độc giả vì có nhiều mục để đọc, nhất là mục phiếm luận “Ngày Lại Ngày” của Tú Rua và mục Phụ Nữ với phần Hỏi/Đáp về bí quyết phòng the do Bà Thuần Thảo (NT Hoàng) phụ trách. Về chính trị, VNTP có lập trường chống cộng, chống lưu manh, bịp bợm với những bài viết vừa trình độ cho mọi người đọc.

Khi mới tới làm việc, có lần tôi viết một bài tham luận chính trị, ông NT Hoàng đọc và có ý kiến:

  • Anh nên viết thấp xuống một tí. Độc giả của mình có nhiều me Mỹ và giới bình dân. Phải viết sao cho họ tiêu được!

Đây là thực tế phũ phàng đầu tiên tôi chạm phải khi tới làm cho VNTP. Tôi hiểu vì sao VNTP mỗi kỳ in 25 ngàn ấn bản, trong khi Tạp chí Quan Điểm của GS Phạm Kim Vinh mà tôi có cộng tác chỉ in vài trăm tờ mỗi kỳ với những bài rất giá trị.

Tôi tự ví mình như một cô gái với nhiều mộng đẹp xa vời bị ép duyên phải sống chung với một anh trọc phú. Ông NT Hoàng rất sợ mỗi khi “báo xuống” và phải tìm những chuyện “ăn khách” để tung ra câu độc giả.

Tôi không biết chuyện “đánh Mặt Trận” sau khi đã ủng hộ hết mình lúc ban đầu có nằm trong kế sách này không, nhưng việc này nếu đã đem lại cho VNTP một số độc giả thì cũng đã đưa đến những hậu quả tai hại khó lường.

Cuối năm 1989, hay đầu năm 1990, ông NT Hoàng nhận được một xấp bài của một người ký tên Nguyễn An, hình như ở Chicago, tự xưng là cựu đoàn viên “Mặt Trận”, và viết về cái chết của Tướng Hoàng Cơ Minh với luận điệu tấn công “Mặt Trận” nặng nề.

Lúc ấy tờ VNTP đang xuống, không rõ vì thiếu những chuyện giật gân nổi đình đám, hay vì báo Việt ngữ ngày càng ra nhiều và “biếu” không trong khi tờ VNTP bán 3.50 Mỹ kim mà cũng không có gì đặc sắc hơn. Ông NT Hoàng muốn đăng loạt bài của Nguyễn An để khuấy động bán báo, nhưng sợ bị “Mặt Trận” kiện. Ông đưa bài ấy cho tôi đọc và hỏi có thể bị kiện không. Sau khi đọc qua, tôi nói:

  • Thật khó mà nói chắc. Ở xứ này ai cũng có thể kiện ai về bất cứ chuyện gì, còn thắng hay thua thì chưa biết. Tôi nghĩ bài này cũng vậy, anh nên thận trọng kẻo lại hao tài như vụ ở Houston. Mặt Trận có thừa tiền để đốt anh.

Ông NT Hoàng hỏi ý ông Lê Triết, Tham vấn Chuyên môn. Ông Triết đem về nhà đọc. Khi trở lại toà soạn, ông nói với ông NT Hoàng với sự có mặt của tôi:

  • Tôi nghĩ anh không nên đăng bài này vì hai lý do. Một là bài này có nhiều điều khó tin, có vẻ bịa đặt, như chuyện hai đoàn viên Mặt Trận ngồi ở một quán nhậu trên hè phố Bangkok mà nói với nhau bô bô “kỳ này về Mỹ sẽ giết thằng Nguyễn Thanh Hoàng”. Hai là tuy Mặt Trận vẫn nói ông Hoàng Cơ Minh còn sống và đang công tác ở quốc nội, nhưng mọi người đều nghĩ là ông ấy chết rồi. Tôi không biết họ làm ăn bịp bợm, gian dối ra sao, nhưng dù sao ông Hoàng Cơ Minh cũng hơn bọn mình. Ông ta đã dám bỏ gia đình, vợ con, dấn thân vào nơi gian nguy để phải bỏ mạng. Tôi nghĩ nên để cho linh hồn ông ấy được an nghỉ cho đến khi mọi sự được đưa ra ánh sáng rõ ràng.

Ông NT Hoàng đã không nghe lời khuyên của ông Lê Triết và tung loạt bài của Nguyển An lên tờ VNTP. Quả thật bài này đã nổi đình đám và “ăn khách”.

“Mặt Trận” đã phản ứng mạnh. Nhiều đại lý ở các nơi gọi về cho biết bị áp lực phải ngưng bán tờ VNTP. “Mặt Trận” đã phát hành riêng một tờ báo biếu gửi đi khắp nơi đánh VNTP, đặc biệt nhắm vào Lê Triết Tú Rua vì chắc suy luận rằng Nguyễn Thanh Hoàng đã làm theo lời “quân sư” Lê Triết.

Bị đánh oan, Tú Rua, “có võ và có sẵn đất dụng võ”, đã viết nhiều bài trên mục “Ngày Lại Ngày” liên tiếp phản công và nhắm vào ba nhân vật đầu não của “Mặt Trận” lúc ấy. Nổ lớn. Mọi nhân viên trong toà soạn VNTP có thể ngửi được “không khi chiến tranh” khi thấy ông NT Hoàng và ông Lê Triết tăng cường những biện pháp phòng thủ tự vệ.

Nhưng có một người không bao giờ nghĩ tới phòng vệ đã trở thành nạn nhân đầu tiên: Đỗ Trọng Nhân. Cuối năm 1989, ông anh tôi bán ngôi nhà bên Washington. Tôi dời sang Virginia, kiếm một căn phòng ở trọ rồi mua một cái condo. Ông Đỗ Trọng Nhân cũng di chuyển sang Virginia và thuê phòng ở trong một căn nhà không xa tòa soạn VNTP.

Vào một ngày thứ ba (tôi không nhớ rõ ngày tháng), ông Nhân không tới tòa soạn làm việc. Sáng thứ tư, ông Nhân cũng không tới tòa soạn và cũng không gọi cho biết lý do. Không có ai thắc mắc hay gọi ông Nhân hỏi lý do vì số báo mới vừa ra, ông NT Hoàng lại đi Pháp, mọi người muốn có vài ngày nghỉ ngơi. Đến trưa, cảnh sát tới gõ cửa báo tin ông Nhân đã bị bắn chết. Cái tin như sét đánh giữa bầu trời trong xanh. Nhân viên sở rác đã phát hiện xác ông Nhân chết ngồi trong xe trước tay lái, có lẽ đã bị bắn từ tối thứ hai khi đi làm về mà không ai để ý cho đến sáng thứ tư là ngày xe tới lấy rác trong khu vực này.

Một thám tử của Đơn vị Chống Tội ác của Dân Á Châu (Asian Crime Unit) đã vào phòng làm việc của tôi và hỏi có nghi ai không. Tôi trả lời “không” và cho biết ông Nhân chỉ làm công việc cắt dán, không viết bài, không phải ký giả. Người này nói:

  • Đây có thể là một cảnh cáo của “Phở H.” Các anh nên cẩn thân và cho chúng tôi biết khi có tin gì liên quan đến vụ này.

Ông ta đưa cho tôi một tấm danh thiếp mà tôi còn giữ cho đến hôm nay.

Cái chết bất ngờ và khó hiểu của ông Đỗ Trọng Nhân đã khiến mọi người trong toà soạn VNTP lo sợ, nhất là hai ông NT Hoàng và Lê Triết. Không biết ông NT Hoàng căn cứ vào đâu mà đoan quyết rằng vụ ám sát ông Đỗ Trọng Nhân là chuyện cá nhân và không liên hệ gì tới nghề nghiệp. Hay ông nói như vậy chỉ để tự lừa dối mình và trấn an người khác. Ông Hà Bỉnh Trung, người thay ông Tạ Quang Khôi phụ trách tờ Tiểu Thuyết Nguyệt San, đã bỏ việc ngay ngày hôm sau khi cảnh sát tới báo tin.

Riêng tôi, vài tháng sau cũng rời tòa soạn VNTP, nhưng vì những lý do riêng. Dù có những bất đồng về quan điểm chính trị cũng như cách điều hành tờ báo, tôi cũng đã ở với tờ VNTP 5 năm (1985-1990). Trong thời gian đó đã có những thay đổi lớn về kỹ thuật ấn hành tờ báo. Từ bỏ dấu bằng tay và cắt dán bài vở đã chuyển sang dùng computer với bộ chữ Việt có dấu rất tiện lợi. Bên ngoài, bưu điện Mỹ cũng đóng cửa chiều thứ bảy, thay vì mở sáu ngày một tuần như trước. Nhưng tiền lương của tôi thì không thay đổi, vẫn $1,200.00/tháng suốt trong 5 năm.

Một hôm, tôi nói với ông NT Hoàng:

  • Tôi nhớ khi trước anh nói toà soạn làm theo bưu điện. Bây giờ bưu điện đóng cửa chiều thứ bảy, anh cũng nên cho anh em nghỉ chiều thứ bảy. Như vậy họ sẽ vui vẻ hơn và anh cũng được tiếng là giữ đúng lời hứa. Lại nữa, bây giờ computer đã thay cho bỏ dấu và cắt dán, tiết kiệm được nhiều thì giờ. Đóng cửa chiều thứ bảy cũng tiết kiệm được ít nhiều tiền điện.

Ông NT Hoàng không đồng ý:

  • Anh không nên nêu ra điều ấy. Đòi được cái này, họ sẽ đòi thêm cái khác.
  • Nhưng cái này là hợp lý và nên làm.
  • Chắc anh chưa bao giờ làm chủ nên không biết những khó khăn của người làm chủ. Anh nên thông cảm cho tôi.
  • Vâng, tôi chưa bao giờ làm chủ nhưng cũng chưa làm công cho ai. Với tôi thì không thành vấn đề, nhưng nhân viên ở đây họ phải im lặng không dám đòi hỏi gì vì gặp những khó khăn khi tìm việc khác, như kém Anh ngữ, già yếu… Anh cũng nên thông cảm cho họ.
  • Xin anh đừng sách động họ.
  • Tôi xin báo anh biết, từ tuần này, 12 giờ trưa thứ bảy tôi sẽ ra về đúng theo bưu điện như anh đã nói với tôi lúc đầu.

Thật ra, dù bưu điện Mỹ mở cửa sáu ngày mỗi tuần hay đóng cửa chiều thứ bảy thì nhân viên cũng chỉ làm việc 40 giờ mỗi tuần, làm thêm giờ được trả tiền phụ trội. Biết ông NT Hoàng nhập nhằng nhưng mọi người chỉ im lặng chấp nhận.

Một hôm ông NT Hoàng mời tôi đi ăn cơm Thái-lan để hoà giải nhưng bất thành, và tôi rời khỏi toà soạn VNTP. Vợ con tôi cũng đã vượt biên và tới Mỹ. Tôi cần tổ chức lại đời sống.

Rời toà soạn VNTP không bao lâu, sáng sớm ngày 23.9.1990 bà Khúc Minh Thơ gọi điện thoại cho tôi, báo tin ông Lê Triết và bà vợ (Đặng Trần Thị Tuyết) đã bị ám sát chết tối hôm qua. Tôi hỏi tin ở đâu. Bà Thơ nói: “Anh Nguyễn Ngọc Bích cho hay.”

Tôi ngồi lặng đi vài phút mới đứng dậy được. Sau khi thu lượm tin tức đầy đủ, tôi được biết tối hôm trước ông bà Lê Triết đi dự party ở nhà LS Đỗ Ngọc Phú, khi trở về đã bị hung thủ bắn chết ngay tại chỗ đậu xe bên hông nhà. Hung thủ đã chạy thoát trong một chiếc xe màu xanh.

Tôi rất ngạc nhiên vì biết từ nhiều năm nay, ông Lê Triết không ra khỏi nhà ban đêm, dù là đi dự tiệc cưới của người thân. Ông biết ai thù oán mình và phòng thân rất cẩn trọng. Vậy thì tại sao cả hai ông bà lại đi chơi đến khuya và theo những người có mặt trong bữa tiệc thì ông bà Lê Triết rất vui và đang chuẩn bị cho một chuyến du lịch Âu Châu nhiều ngày. Kẻ nào, hay tổ chức nào, đã biết trước để lên kế hoạch ám sát họ?

Những câu hỏi này cho đến nay, sau 22 năm, vẫn chưa có lời giải đáp. Vì vụ án mạng đôi thảm khốc này đã bị “ướp lạnh” (cold case) trong tủ hồ sơ Cảnh sát Mỹ.

Do nguồn tin riêng, tôi được biết trước khi bị bắn chết không lâu, ông Lê Triết có gặp một cấp lãnh đạo của “Mặt Trận” tại nhà một người bạn ở Maryland để hoà giải. Thật hay không, tôi không có điều kiện kiểm chứng.

Lại có người hỏi tôi “nếu ông NT Hoàng nghe lời Lê Triết, đừng đăng bài của Nguyễn An thì ông bà Lê Triết, và cả ông Đỗ Trọng Nhân, có chấm dứt cuộc đời bằng cách bi thảm như vậy không?” Cũng lại không ai có thể trả lời.

Chỉ biết ông NT Hoàng cũng đã ra đi tám năm nay. Nhiều người khác, có thể cả những kẻ đã nhúng tay vào máu của ba mạng người lương thiện, cũng đã ra đi.

Họ đã ra đi tay không. Để lại cho thế gian tất cả tiền bạc, danh lợi, lòng tham, hận thù.
Bài học mà con người được dạy hoài, nhưng không bao giờ ứng dụng.

Cho đến ngày tận thế.

Sơn Tùng
(Tháng Bảy 2012)
(Trích từ Hồi ký “Cái Nghiệp Văn Báo”)

Share this:

No comments:

Post a Comment