Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday, 4 September 2020

 

Thủ tướng Nhật 'có khí phách của nhà lãnh đạo’

Thủ tướng Phúc và Thủ tướng Abe tại Hội nghị G20 vào năm 2019
Chụp lại hình ảnh,

Thủ tướng Phúc và Thủ tướng Abe tại Hội nghị G20 vào năm 2019

Ý kiến nói Thủ tướng Abe Shinzo sáng tạo về sách lược ngoại giao và là người ‘năng động, quyết đoán, khéo dùng người’.

Trong bài viết đăng trên BBC News, Tiến sĩ John Nilsson-Wright từ Viện nghiên cứu Chatham & Đại học Cambridge nhận xét:

"Đối với những người chỉ trích mình, ông Abe thể hiện thái độ của một thế hệ có tuổi tác, bảo thủ, và không muốn đề cao hồ sơ thời chiến của Nhật Bản, đồng thời theo đuổi một chính sách đối ngoại có khả năng gây rắc rối và rất quyết đoán.

"Đối với những người ủng hộ mình, thủ tướng đã nâng cao vị thế toàn cầu của đất nước, hiện thực hóa lợi ích quốc gia của mình bằng cách làm hài hòa tham vọng chính đáng với vai trò là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

"Trên thực tế, cả hai hình ảnh về ông Abe đều đúng".

Tiến sĩ John Nilsson-Wright đánh giá rằng chương trình nghị sự theo chủ nghĩa dân tộc của ông Abe chủ yếu tập trung vào nội địa.

Ngược lại, trong các vấn đề đối ngoại (dù là trong chính sách an ninh hay kinh tế), ông Abe là một người theo chủ nghĩa thực dụng.

"Ông củng cố các liên minh hiện có (đáng chú ý nhất là với Hoa Kỳ) và phát triển quan hệ đối tác mới với các bên trong khu vực và toàn cầu, cả các nền dân chủ và các chế độ toàn trị, độc lập với khuynh hướng ý thức hệ của các nước đó.

"Việc đổi mới chính sách đối ngoại của ông Abe được kết hợp với một loạt các sáng kiến thương mại song phương và đa phương mạnh bạo mà thủ tướng đã phải đối đầu với các đơn vị bầu cử chính trị chủ chốt trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ông Abe có quan hệ tốt với ông Trump.
Chụp lại hình ảnh,

Ông Abe có quan hệ tốt với ông Trump.

"Ông đóng vai trò quyết định trong việc củng cố Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP 11); đàm phán thành công một hiệp định thương mại đột phá với Liên minh châu Âu vào năm 2019; và đàm phán một số thỏa thuận tài chính và phát triển với Trung Quốc trong năm 2018".

Tiến sĩ John Nilsson-Wright cho rằng ông Abe có lý khi vẫn nhận thức sâu sắc về mối đe dọa địa chiến lược do Trung Quốc gây ra nhưng không để thực tế này chặn các cơ hội hợp tác thực dụng với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Trong khi đó ông Abe, theo học giả này, nên được ghi nhận là người thành công trong việc duy trì mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Donald Trump và vì ông đã sử dụng ngoại giao như một công cụ để đối phó một số chiến thuật áp đảo của tổng thống Hoa Kỳ.

"Abe là một nhà sáng tạo về sách lược ngoại giao và thể hiện năng lực tư duy chiến lược đánh dấu sự khác biệt rõ rệt so với các thủ tướng tiền nhiệm, những người thường phản ứng với các sự kiện bên ngoài hoặc có xu hướng thụ động đi theo sự dẫn dắt của Washington," Tiến sĩ John Nilsson-Wright nhận định.

Giáo sư Trần Văn Thọ từ Tokyo đã nhận xét đôi điều về Thủ tướng Abe trên Facebook cá nhân.

"Ông Abe có vẻ già đi nhiều, nét mặt trông mệt mỏi, kết quả của những ngày vừa chiến đấu với bệnh tật vừa làm tròn trách nhiệm của người lãnh đạo tối cao trước các vấn đề trọng đại của đất nước. Cách trình bày của ông về lý do từ chức, về tâm tình phải để dở dang nhiều kế hoạch, thái độ xin lỗi quốc dân toát ra được tinh thần trách nhiệm của một vị lãnh đạo".

Giáo sư Trần Văn Thọ mô tả Thủ tướng Abe là người 'năng động, quyết đoán, khéo dùng người'.
Chụp lại hình ảnh,

Giáo sư Trần Văn Thọ mô tả Thủ tướng Abe là người 'năng động, quyết đoán, khéo dùng người'.

Giáo sư Thọ nói ông đặc biệt ấn tượng về mấy đoạn trong bài diễn văn mà ông Abe đọc hôm 28/08:

"Về chính trị, điều quan trọng nhất là phải đưa ra kết quả. Từ ngày bắt đầu chính quyền tôi đã nói như thế và trong 7 năm 8 tháng vừa qua tôi đã đem hết tinh thần và sức lực để đưa ra kết quả. Bây giờ mang bệnh và phải trị liệu, tôi không thể để xảy ra trường hợp trong lúc khổ sở vì thể lực không còn được toàn vẹn có thể bị sai lầm trong phán đoán chính trị hay không đưa ra được kết quả. Do đó tôi đã phán đoán là nếu không còn đáp ứng với sự phó thác của quốc dân, tôi không nên tiếp tục giữ địa vị của một thủ tướng".

"Trong 7 năm 8 tháng này tôi đã cố gắng đối phó trước nhiều thử thách. Rất tiếc còn nhiều kế hoạch phải bỏ dở, nhưng đồng thời cũng đạt được thành quả về nhiều vấn đề. Những cố gắng và thành quả đạt được là nhờ sự tin cậy, sự khích lệ của quốc dân qua các cuộc tuyển cử. Nhưng được sự ủng hộ như vậy mà tôi phải tự chấm dứt nhiệm vụ sớm 1 năm trong lúc việc thực hiện nhiều chính sách còn dang dở, và họa Covid 19 vẫn còn, tôi thành thật xin lỗi quốc dân đồng bào. Không giải quyết được vấn đề người Nhật bị bắt cóc về Bắc Triều Tiên là nỗi khổ tâm cùng cực của tôi. Việc ký hiệp ước hòa bình với Nga hay việc sửa đổi hiến pháp cũng chưa thực hiện được mà tôi phải rời nhiệm vụ thì thật là một nỗi đoạn trường," ông Abe nói hôm 28/08.

Giáo sư Trần Văn Thọ mô tả Thủ tướng Abe là ''người năng động, quyết đoán, khéo dùng người, thấy được các vấn đề lớn và biết cách giải quyết dù không phải lúc nào cũng thành công hoàn toàn.

''Mới lên cầm quyền từ cuối năm 2012 đã đưa ra chiến lược phát triển kinh tế (Abenomics) thích đáng và phần lớn là khả thi. Vài nội dung chưa được thực hiện nhưng kinh tế Nhật đã được cải thiện nhiều.

"Về đối ngoại Abe đã làm tăng uy tín của Nhật trên vũ đài quốc tế nhờ chính sách ngoại giao năng động, trong gần 8 năm đã đi công du hơn 100 nước, và do cá tính dễ gần gũi với các lãnh đạo thế giới. Thủ tướng Abe Shinzo và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng có quan hệ cá nhân thân thiết", Giáo sư Trần Văn Thọ bình luận.

No comments:

Post a Comment