Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday, 4 September 2020

Tạp chí Da màu phỏng vấn Ban Mai

Lê Đình Nhất Lang, damau.org, 30/06/2009

Da Màu: Đầu tiên, chị có thể cho biết tại sao chị chọn đề tài Trịnh Công Sơn để làm luận văn Thạc sĩ, mà không chọn các nhà thơ, nhà văn Việt Nam khác?

Ban Mai: Tôi chọn ca từ Trịnh Công Sơn để nghiên cứu khi làm luận văn Thạc sĩ đơn giản vì tôi vốn thích và say mê ngôn ngữ nhạc Trịnh Công Sơn, ngôn ngữ ca từ của ông đích thực là thơ, một kiểu thơ lãng mạn, trữ tình, giàu chất hiện sinh, siêu thực, mang đậm chất thiền.

Mặt khác bản chất của nghiên cứu là tìm kiếm cái mới, dùng ca từ của một nhạc sĩ để nghiên cứu dưới góc nhìn văn học là một đề tài hoàn toàn mới, chưa có một công trình nghiên cứu nào trong trường học Việt Nam làm về đề tài này tính cho đến thời điểm tôi đang làm luận văn Thạc sĩ, vì vậy, tạo cho tôi một sự kích thích say mê.

Bên cạnh đó, cuộc đời Trịnh Công Sơn tiêu biểu cho bi kịch một thế hệ trí thức Miền nam Việt Nam những năm chiến tranh loạn lạc và sau thời hậu chiến; nghiên cứu về Trịnh Công Sơn cũng là nghiên cứu tiếng nói của một thời đại, một hiện tượng văn hóa nghệ thuật đặc sắc của thế kỷ 20.

Da Màu: Chúng tôi rất muốn nghe chị chia sẻ về quá trình hình thành nên tập sách. Từ đâu chị có ý tưởng viết tập sách này?

Ban Mai: Tập biên khảo “Trịnh Công Sơn- vết chân dã tràng” là sự tu chỉnh, bổ sung từ luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam, mà tôi đã bảo vệ năm 2006. Sau khi bảo vệ đề tài với số điểm tối đa, Hội đồng bảo vệ luận văn gợi ý tôi nên viết lại thành sách để công bố. Qua một năm bổ sung nhiều tài liệu và hoàn chỉnh lại, tôi gửi bản thảo đến Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây ở Hà Nội. Sau khi xem bản thảo tôi gửi ra, họ đồng ý tài trợ việc in ấn và xuất bản. Đến tháng 10/2008 tập sách mới hoàn thành và đến tay bạn đọc.

Tôi nghĩ rằng đây là một hướng đi mới. Hy vọng hướng đi này sẽ là bước khởi đầu cho nhiều khám phá sâu rộng hơn nữa trong ca từ của các nhạc sĩ nổi tiếng khác như Văn Cao, Phạm Duy chẳng hạn.

Mặt khác, tôi hy vọng tập sách cũng sẽ hướng giới trẻ nghe nhạc và những nhạc sĩ trẻ sáng tác ca khúc, chú trọng hơn đến phần lời của ca khúc, giúp làm phong phú thêm sự trong sáng của tiếng Việt.

Da Màu: Ngoài nội dung và nghệ thuật ca từ chị trình bày trong tập sách, một phần quan trọng của tập biên khảo là những ca từ của Trịnh Công Sơn. Theo chị, Trịnh Công Sơn có tất cả là bao nhiêu bài hát?

Ban Mai: Lâu nay, câu hỏi Trịnh Công Sơn có bao nhiêu ca khúc vẫn chưa được trả lời chính xác. Công chúng thường phỏng đoán Trịnh Công Sơn sáng tác 400 bài hát, có người tăng 600, 800 có người còn tăng đến 1000 bài nhưng không có chứng cớ gì cụ thể. Ngay Trịnh Công Sơn lúc sinh thời cũng không biết mình viết ra bao nhiêu ca khúc, vì lúc đó chiến tranh ông sống một cuộc đời trốn tránh, nay đây mai đó, nên không có điều kiện giữ gìn. Năm 1991, khi Trịnh Công Sơn còn sống, có 1 luận văn Cao học về ca khúc phản chiến của cô Michiko một sinh viên người Nhật, làm luận văn Thạc sĩ ở bên Pháp, cô sưu tầm được 196 bài hát qua sự cung cấp của Trịnh Công Sơn.

Sau khi ông qua đời, nhiều người bạn của ông ở khắp nơi trên thế giới sưu tầm ca từ Trịnh Công Sơn để lưu giữ. Hiện nay, tại Diễn đàn Hội Văn hóa Trịnh Công Sơn ở Pháp đã sưu tầm được 288 bài hát có ghi chú năm tháng cẩn thận, đó là con số có được nhiều nhất tính cho đến thời điểm lúc này. Nhưng ca từ tìm được đầy đủ là 242 bài, tập sách này tôi công bố 242 bài. Những bài khác không thể công bố được vì ca từ của những bài này chưa chắc chắn là chuẩn xác, cần kiểm tra thêm, và cũng có những bài đã bị thất lạc, chỉ còn có tên mà không có văn bản. Vì vậy, công việc sưu tầm ca từ vẫn còn tiếp tục. Theo nhận định của tôi và giới nghiên cứu trên Diễn đàn văn hóa Trịnh Công sơn ở Pháp, Trịnh Công Sơn sáng tác khoảng trên 300 ca khúc.

Da Màu: Xin chị tóm lược chuyện gì đã xảy ra trên báo chí trong nước thời gian gần đây, liên quan đến cuốn sách của chị, cuốn biên khảo Trịnh Công Sơn – Vết Chân Dã Tràng.

Ban Mai: Tập biên khảo “Trịnh Công Sơn – vết chân dã tràng” sau khi xuất bản tôi nhận được nhiều lời khích lệ của giới chuyên môn. Tháng 11/2008, đã có buổi giới thiệu tập sách tại Trung Tâm Văn hóa Ngôn Ngữ Đông – Tây ở Hà Nội; và được nhiều báo chí trong nước đưa tin về tập sách. Bạn đọc có thể vào google, search tên tập sách sẽ có hàng loạt thông tin.

Cách đây ba tháng, khoảng gần cuối tháng 3/2009, tôi nhận một cuộc điện thoại từ Hà Nội, thông báo có một bài viết rất nặng tay của một bạn đọc gửi báo An Ninh thế giới, có lẽ sẽ đăng vào ngày mai. Họ báo trước để tôi chuẩn bị tinh thần. Sáng hôm sau, tôi ra sạp báo để tìm bài viết, nhưng không thấy, qua hôm sau cũng vậy. Nóng lòng, tôi truy tìm trên mạng và bắt gặp bài viết của tác giả Nguyễn Hoàn trên trang web “Bàn tròn văn nghệ của Hội nhà văn”, bài viết tập trung, phê phán chương IV, phần Trịnh Công sơn và Chiến tranh Việt Nam. Cuối bài, Nguyễn Hoàn đề nghị Cục xuất bản thu hồi sách, nếu tôi không viết lại theo đúng quan điểm mà ông ta đưa ra. Bài viết đăng ngày 17.3.2009, không có ý kiến phản hồi nào của bạn đọc. Đến ngày 30.3.2009, báo An ninh thế giới mới đăng bài này. Nhưng lúc đó, đang có cơn sốt về bài viết của Trịnh Cung, nên bài của Nguyễn Hoàn không ai để ý. Để tiếp tục khuấy động văn đàn trong nước về đề tài Trịnh Công Sơn, tháng 4/2009 Nguyễn Hoàn đăng lại bài này trên Tạp chí Sông Hương, sau đó ngày 8.5.2009, ông ấy lại tiếp tục đăng trên báo Nhân DânTạp chí Ban Tuyên giáo. Đó là những tờ báo tôi biết, còn những tờ báo đăng lại trên web thì nhiều vô kể.

Da màu: Mở đầu bài góp ý trên tờ báo Nhân Dân, tác giả Nguyễn Hoàn đã đưa ra một thông tin “nhạy cảm”: “Năm 2006, tác giả Ban Mai (tức thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Thúy, Trường Đại học Quy Nhơn) công bố trên một tạp chí của người Việt ở nước ngoài bài viết có nhan đề Thân phận con người và tình yêu trong ca từ Trịnh Công Sơn. Về bài viết này, có tác giả từng chỉ rỏ Ban Mai “đã sao chép nguyên văn (hoặc gần như nguyên văn, chỉ sửa đổi một vài từ) nhiều đoạn văn dài” của người khác, Sau đó Ban Mai biện hộ rằng “đã ghi chú sai sót trong quá trình làm việc”. Chị có thể cho biết về thông tin này.

Ban Mai: Tất nhiên, tôi rất sẵn lòng. Đây là một vấn đề nhạy cảm cho cá nhân tôi, mà có nhiều bạn đọc thắc mắc vì sao ông Nguyễn Hoàn lại viết như vậy. Với lòng tự trọng, tôi cần trình bày cho bạn đọc rỏ về thông tin này.

Với tinh thần giao lưu hội nhập văn hóa, từ lâu việc gửi bài đăng báo trên các tạp chí văn học nghệ thuật giữa người trong nước và người Việt nước ngoài là điều bình thường của giới văn chương. Vào năm 2006, tôi có một bài báo đăng trên Tạp chí Văn học của người Việt ở Hoa Kỳ: “Thân phận con người và tình yêu trong ca từ Trịnh Công Sơn”. Sau đó, có một tác giả góp ý bài báo chỉ ra thiếu sót của tôi về mặt phương pháp trong hiệu đính tài liệu của GS. Bùi Vĩnh Phúc hiện đang giảng dạy Ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam tại California State University, Fullerton và Golden West College. Sau khi kiểm tra bài viết tôi thấy việc tác giả góp ý là đúng, nên có thư phản hồi cảm ơn, và sửa đổi những sai sót này. Hai bên đều cùng nhau thông hiểu trên tinh thần học thuật. Tôi và GS Bùi Vĩnh Phúc có liên lạc để trao đổi về đề tài, từ đó tôi và ông ấy trở thành bạn tốt. Cuộc đối thoại này xảy ra công khai trên diễn đàn văn học Talawas của nhà văn Phạm Thị Hoài chủ biên. Chính bài học đầu tiên này đã giúp tôi có thêm nhiều người bạn giỏi về mặt học thuật, tôi học hỏi ở họ rất nhiều. Ý thức được giới hạn của mình, tôi cố gắng hơn trong việc hoàn thiện kiến thức và nâng cao trình độ hiểu biết. Khi làm tập sách này, tôi càng quyết tâm hoàn thành tập sách một cách cẩn trọng nhất.

Sự việc là như vậy. Tôi không hiểu vì sao ông Nguyễn Hoàn lại “ưu ái” giới thiệu sai sót bài báo của tôi cách đây ba năm trên lời mở đầu đăng trên báo Nhân dân và Tạp chí Ban Tuyên giáo cho bạn đọc cả nước biết, như một “phát hiện”?

Tôi tin rằng trong quá trình nghiên cứu khoa học, không một nhà nghiên cứu nào là không tham khảo tài liệu từ nhiều nguồn, diễn giải, hoặc trích dẫn những cứ liệu cần thiết để phục vụ nội dung bài viết của mình. Cũng như không có một người viết nào mà trong suốt cuộc đời không từng gặp sai sót trong quá trình làm việc. Kiến thức là một sự kế thừa không phải vay mượn. Cái quan trọng là cách hành xử của con người.

Da Màu: Ở ngoài nước, chúng tôi thấy — và rất dị ứng với việc — có một số người viết trong nước đăng bài của họ trên hàng loạt báo chí, để phê bình và đả kích một người hay một tác phẩm nào đó, rồi đề nghị Cục xuất bản thu hồi tác phẩm ấy. Là một nạn nhân, chị có cảm nghĩ gì về việc này?

Ban Mai: Tôi nghĩ rằng, khi một tác phẩm ra đời nó đã thuộc về công chúng, tác giả không thể và cũng không nên can thiệp vào. Thời gian sẽ là quan tòa công minh nhất trả lời tất cả.

Việc bạn đọc nêu lên quan điểm của mình khi đọc tác phẩm là điều bình thường. Ông Nguyễn Hoàn cũng vậy, ông ấy có quyền trình bày nhận thức của ông khi đọc tập sách của tôi theo quan điểm và trình độ cảm nhận tác phẩm của ông ấy. Là tác giả tập biên khảo tôi tôn trọng ý kiến của Nguyễn Hoàn và cảm ơn ông ấy đã bỏ thời gian đọc tác phẩm và có bài góp ý.

Tuy nhiên, điều tôi lấy làm bất bình thường là thái độ của Nguyễn Hoàn.

Thứ nhất, ông ấy có phải đã đi quá xa quyền hạn của người đọc hay không? Khi bắt buộc tác giả phải nghe theo lời người đọc để thay đổi quan điểm bài viết, nếu không sẽ đề nghị thu hồi sách?

Thứ hai, việc Nguyễn Hoàn gửi đăng trên hàng loạt tờ báo lớn của Nhà nước được phát hành toàn quốc, cố tình gây scandale làm người đọc bình thường nhất cũng nhận ra ngay sự không bình thường của bạn đọc Nguyễn Hoàn.

Da Màu: Chị có thể cho biết việc tiếp nhận văn học ở trong nước hiện nay ra sao?

Ban Mai: Về mặt tiếp nhận văn học, tôi nghĩ rằng nó là một quá trình nhận thức của con người, luôn luôn vận động. Cùng một tác phẩm nhưng trong từng giai đoạn ta có thể nhìn nhận khác nhau.

Hiện nay, bạn đọc trong nước đã có nhiều kênh thông tin, nên cách tiếp nhận văn chương có nhiều cởi mở hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bạn đọc thậm chí người viết phê bình chưa phân biệt được giữa chính trị và văn chương. Trong khi, đây là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Đối tượng của chính trị là lịch sử, đối tượng của văn chương là tác phẩm.

Cụ thể bài viết “Trịnh Công Sơn và chiến tranh Việt Nam” là một bài viết nghiên cứu văn học, vì vậy đối tượng nghiên cứu của đề tài là tác phẩm. Chất liệu tạo nên tác phẩm ở đây là ngôn ngữ nghệ thuật. Cụ thể là ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Một trong những thuộc tính quan trọng của ngôn ngữ nghệ thuật văn học là tính hàm súc, tính đa nghĩa… chính những thuộc tính này là căn cứ chủ yếu để phân biệt với các loại hình ngôn ngữ khác.

Cho nên, chúng ta thường thấy diễn ra một điều: trong cùng một tác phẩm nghệ thuật sẽ có nhiều cách hiểu khác nhau, tùy theo trình độ tiếp nhận tác phẩm của người đọc.

Ngôn ngữ nghệ thuật chỉ có ý nghĩa khi nằm trong văn bản, phải xét trong ngữ cảnh cụ thể, bước ra ngoài văn bản ngôn ngữ nghệ thuật sẽ có ý nghĩa nội dung khác.

Vì vậy, việc bóc tách từ ngữ, câu văn ra khỏi chỉnh thể văn bản nghệ thuật, để nghiên cứu dưới góc nhìn chính trị lấy lịch sử ra chứng minh là việc làm trái với học thuật.

Và một điều quan trọng khác, bạn đọc cần lưu ý: Trong lãnh vực văn học nghệ thuật, chiến tranh chỉ là một thi pháp (poetics). Là thi pháp, tức là nghệ thuật. Một sự thể hiện, chứ không phải là hiện thực. Một cuộc chiến tranh có thể mang tính chính nghĩa hay phi nghĩa; nhưng một tác phẩm viết về chiến tranh thì chỉ có vấn đề hay hoặc dở mà thôi.

Trong các tác phẩm xuất sắc viết về chiến tranh, chúng ta dễ dàng nhận thấy tác phẩm Chiến tranh và Hòa Bình của Leo Tolstoy không phải là tác phẩm thể hiện hiện thực lịch sử đúng nhất mà là tác phẩm viết hay nhất về cuộc chiến tranh Nga-Pháp.

Bạn đọc muốn là nhà phê bình ít nhất cũng nên có kiến thức cơ bản về lý luận văn học đã trình bày như trên.

Da Màu: Sau khi có những bài viết như vậy xuất hiện trên nhiều tờ báo, đời sống và công việc của chị có bị cản trở hay không?

Ban Mai: Dĩ nhiên, khi hàng loạt tờ báo trong nước đăng bài của Nguyễn Hoàn, cuộc sống bình yên của tôi bỗng nhiên “xao động” vì những điện thoại, email lo lắng của bạn bè, người thân. Bài báo cũng gây xôn xao, dư luận nơi tôi đang sống, gây cho tôi nhiều buồn lòng. Tôi im lặng, cố gắng sống quân bình và kiềm chế cảm xúc.

Tuy nhiên, xin nói ngay, tôi không bị một cản trở nào trong công việc của mình. Cũng như bao cán bộ làm việc trong cơ quan nhà nước, về mặt tổ chức nhân sự tôi chịu sự giám sát của cơ quan tôi công tác. Tôi làm việc trong môi trường giáo dục, cụ thể là trong một trường đại học. Vì vậy, các đồng nghiệp của tôi và những người tôi trực tiếp làm việc cũng có trình độ nhận thức như tôi, hơn tôi, họ quá hiểu rõ cuộc sống của mình và xã hội mình đang sống, họ thừa trình độ hiểu biết những việc gì đang xảy ra. Tôi may mắn sống trong môi trường đó nên thấy bình yên.

Về phía nhà trường, Ban giám hiệu có thông báo cho tôi hay Sở Thông tin – truyền thông tỉnh Bình Định có gọi điện thoại vào trường hỏi thăm về tôi và tập sách của tôi, nhưng không có vấn đề gì.

Về phía Nhà xuất bản, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây ở Hà Nội có gọi điện thoại thông báo, sau khi báo An ninh thế giớiNhân Dân đưa tin, Cục xuất bản và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có tìm hiểu sự việc. Mọi việc được trình bày sáng tỏ, và tập sách vẫn được xuất bản, lưu hành bình thường.

Mới đây, tôi được biết, Thư viện Đại học quốc gia Tp.Hồ Chí Minh đã mua vài tập sách này cho sinh viên tham khảo.

Da Màu: Chị nghĩ thế nào về những dư luận gần đây xung quanh tư thế chính trị và con người Trịnh Công Sơn?

Ban Mai: Trịnh Công Sơn là một con người bình thường như bao người bình thường khác, vì vậy ông ấy có đầy đủ tính cách của một con người, nên tôi không hề huyền thoại hóa ông. Tôi nghiên cứu cuộc đời và ca từ của Trịnh Công Sơn, nên từ đó có thể hiểu một phần nào về tâm hồn ông qua những sáng tác.

Về mặt học thuật, tác giả và tác phẩm là hai phạm trù khác nhau, không bao giờ trùng khít. Một bên là cuộc sống thực ngoài đời của tác giả — một bên là tâm hồn, là ước mơ được thể hiện trong tác phẩm. Vì vậy, bạn đọc cũng đừng nên ảo tưởng về một điều gì, đừng nên kỳ vọng về một điều cao xa.

Tôi theo dõi kỹ càng những cuộc trao đổi quanh vấn đề tư thế chính trị của Trịnh Công Sơn. Gần đây nhất là tiết lộ của Trịnh Cung và Liên Thanh. Tôi nghe tất cả và sàng lọc thông tin, tôi chưa bao giờ nghe một chiều, và tự suy luận rút ra nhận xét của riêng mình. Xin nói ngay, tôi không tin Trịnh Công Sơn là người có tham vọng chính trị, đừng lôi kéo ông ở bên này hay bên kia, với tôi cách nhìn này khiêng cưỡng và gượng ép. Ông chỉ là một nhạc sĩ nói lên tiếng nói của thời đại ông sống, thế thôi.

Mặc kệ người đời phán xét, Trịnh Công Sơn có là gì đi nữa, đó là cuộc sống riêng của ông trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Hãy đặt mình vào vị trí của Trịnh Công Sơn trong một xã hội đầy nhiễu nhương sẽ rõ. Làm sao biết được tất cả bí ẩn của một con người?

Tiến thoái lưỡng nan
Đi về lận đận
Ngày nay lận đận
Là... giọt hư không

Với tôi, chỉ riêng những tuyệt phẩm mà Trịnh Công Sơn để lại cho người đời, là quá đủ cho cuộc đời phù du này. Những bài hát về tình yêu, quê hương, thân phận của Trịnh Công Sơn sẽ sống mãi với thời gian. Tôi tin là như vậy.


Lê Đình Nhất Lang,
damau.org, 30/06/2009



Tư liệu của tác giả Ban Mai về phần lý luận văn học

1. Huỳnh Phan Anh(1999), Không gian & khoảnh khắc văn chương, NXB Hội nhà văn.
2. Lê Tiến Dũng (2003), Giáo trình Lý luận văn học phần Tác phẩm văn học, NXB Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh.
3. Phan Trọng Luận (2003), Văn chương bạn đọc sáng tạo, NXB Đại học quốc gia Hà Nội.
4. Nguyễn Hưng Quốc (2006), Mấy vấn đề phê bình và lý thuyết văn học, NXB Văn Mới, USA.

Các

No comments:

Post a Comment