Những người bắt ốc ở tận cùng miền Nam
Hằng năm, vào những tháng nước đằm, sóng yên gió lặng, người miền quê
các huyện ở Cà Mau lại tay xô tay gậy đi bắt ốc. Nếu như miền Bắc có
những làng ăn xin ở Hà Tĩnh, Nam Định với tay bị tay gậy khắp nơi tung
hoành và thờ tổ trang nghiêm bị gậy thì miền Tây Nam Bộ có những làng
tay xô tay gậy đi bắt ốc, bươn bả kiếm sống, còn khổ hơn cả đi ăn mày.
Chỉ khác chăng là nghề ăn nghề ăn mày phía Bắc có tổ nghề, còn nghề bắt
ốc phía Nam không thờ tổ mà chỉ xem những vùng rừng ngập mặn là mảnh đất
thiêng đã cưu mang cho họ sinh con đẻ cái, sống qua bốn mùa…
Ngày vui của xứ nghèo
Chị Thái Thị Út, người chuyên bắt ốc len ở xóm Lò, Đất Mũi, chia sẻ: “Bắt
ốc mình lội vô rừng mình bắt, mình thấy con ốc mình bắt mình bỏ vào
thùng. Đám nhỏ nó luồn vô trong cây cối nó bắt được, nhiều khi vô mấy
cái cây mình lớn quá vô không được, mắt phải sáng, phải lanh lẹ mới nhìn
thấy được, mấy con ốc nó bò trong cây đước ấy. Nói chung là thấy đủ
sống qua ngày thôi à, ngày nào ăn ngày đó thôi à. Nhà mà một người nuôi
hai ba người thì ăn đâu có đủ, ngày chừng một trăm ngàn đâu có đủ. Bắt
ốc cực lắm!”
Theo chị Út, nghề bắt ốc len là nghề tuy cực mà vui, cái niềm vui của
nhà nghèo quen với cháo cơm đạm bạc đã mấy đời nay của người dân xóm
Lò. Có lẽ, đã rất lâu, dường như thế giới của người xóm Lò chỉ có đúng
hai công việc và hai thú vui, đó là đi bắt ốc len trong các rừng sú,
vẹt, đước trong mùa sóng lặn và đi làm thuê kiếm cơm độ nhật trong mùa
sóng nổi.
Hai niềm vui của người dân Đất Mũi nghe ra cũng thấm thía và ngậm
ngùi không kém, đó là ngày có một đám cưới nào đó trong xóm và ngày có
một đám ma nào đó trong xóm. Nếu như ngày có đám cưới, cả xóm, cả làng
kéo nhau mừng đôi tân nương, tân giai nhân có một cuộc phối ngẫu để rồi
sinh con đẻ cái, nuôi một niềm hy vọng mới, bà con xúm nhau ăn mừng thì
ngày đám tang người ta cũng ăn mừng vui vẻ không kém nhưng lại mang một ý
nghĩa khác.
Với ngưởi dân nơi đây, sống là kéo dài một cuộc đời lầm than và cơ
cực, sự giàu có cũng như cơ hội đổi đời dường như xa lắc xa lơ đối với
bà con, cái nghề bắt ốc, đi làm thuê cả xóm không bao giờ hứa hẹn một
tương lai tốt đẹp, sung túc. Chính vì thế, chết là chấm dứt, là kết thúc
một chuỗi dài đau khổ, cơ cực, chết là hạnh phúc, là ân sủng cuối cùng
của kiếp làm người mà tạo hóa đã ban cho con người như một lời an ủi, vỗ
về. Chính vì thế, trong làng, trong xóm có ai chết, cả xóm sẽ kéo đến
chúc mừng và hát hò, nhậu nhẹt suốt ngày đêm, mãi cho đến khi người đó
xuống mộ mới thôi.
Đó là hai ngày vui nhất trong năm, mà có vẻ như hai ngày vui nhất
trong cuộc đời của người dân xóm Lò, Đất Mũi. Dường như trẻ thơ ra đời
ít được ăn mừng giống như người ta chết đi. Đây cũng là điều rất lạ
trong quan niệm về hạnh phúc ở vùng cư dân nghèo khổ này mà cho đến lúc
đã năm mươi tuổi, chị Út vẫn chưa hiểu ra vì sao lại như vậy. Và nếu như
có thêm một ngày vui nữa trong cuộc đời, thì có lẽ đó là ngày bắt được
nhiều ốc bán kiếm được trên một trăm ngàn đồng và mua được một cái giò
heo nấu bún cho cả nhà cùng ăn.
Thu nhập thấp, sống bấp bênh qua ngày đoạn tháng
Một người chuyên bắt ốc len khác chia sẻ: “Bắt ốc, bắt sò, bắt
chim chíp.. nói chung là làm mướn mà, chủ yếu là sống hằng ngày chứ dư
đâu mà dư. Như ba cha con thì kiếm được tám chục, một trăm ngàn một ngày
trở lại, đủ ăn một ngày vậy đó, qua bữa sau đi làm nữa, bữa nào giông
gió thì bữa đó thiếu thốn rồi. Đi học thì giờ còn thằng nhỏ chứ thằng
lớn gia đình khổ quá nó nghỉ rồi.”
Theo người này, suốt mấy mươi năm nay, đời sống của đa phần người dân
ở dọc các con sông miền Tây, xa với đường lộ đều chịu chung cảnh khó
khăn, xa trường học, xa bệnh viện và nhu cầu thiết yếu nhất của họ cũng
không được đáp ứng. Đa phần con gái ở đây sinh ra, lớn lên, nếu có nhan
sắc thì tìm cách lên thành phố để làm thuê, người thì làm công nhân, kẻ
thì đi tiếp thị bia, làm nhân viên massage, hớt tóc thanh nữ, gội đầu,
thậm chí, có cô sau vài năm đi xa, về quê xây nhà cho cha mẹ và nói
thẳng với mọi người là cô đã đi làm gái điếm trên thành phố, nghề này dễ
sống, ăn nên làm ra, khỏi chịu nhục vì nghèo… Các cô gái mới lớn nếu
muốn làm giàu hãy noi gương cô.
Đương nhiên là đa phần bậc làm cha làm mẹ đều bị sốc khi nghe kiểu rủ
rê này nhưng cũng có không ít người vì quá nghèo đâm ra bế tắc và sẵn
sàng cho con mình theo làm gái gọi để cứu gia đình. Cũng theo người vừa
trò chuyện, đa phần nông dân thuộc diện bần khổ ở các miệt sống nước
miền Tây đều rất thương con, luôn mong mỏi con mình được đổi đời bằng
con đường sáng sủa, không phải rơi vào những cạm bẫy xã hội. Và phần
đông các cô gái bán dâm gốc miền Tây đều là con nhà không đến nỗi quá
nghèo, những gia đình nghèo khổ hay thương con, hướng con đến các công
việc như làm công nhân khu công nghiệp, làm thuê, làm osin cho nhà giàu.
Nhưng, có một bi kịch đáng sợ đối với những cư dân nghèo ở miệt Tây
Nam Bộ là gần 90% con nhà nghèo đi bắt ốc, làm thuê để nuôi con ăn học,
khi các nữ sinh viên nhà nghèo này học đến năm thứ ba, thứ tư của trường
đại học thì chuyển hẳn sang nghề làm gái điếm. Các bậc cha mẹ có khuyên
can cỡ nào thì các cô vẫn cứ lén lút hẹn hò với khách. Có lẽ để cứu gia
đình bớt khổ và để vớt vát cho quá trình học tập quá tốn kém nhưng lại
không nhìn thấy tương lai nên các em nữ sinh viên chọn con đường làm gái
điếm.
Theo người này, việc làm gái điếm của các sinh viên này đáng thương,
thậm chí đáng kính trọng hơn là đáng khinh. Bởi vì hơn ai hết, các em,
hiểu được nỗi khổ của cha mẹ phải gồng lưng mùa nước lặng để bắt từng
con ốc len trong rừng ngập mặn, có ngày kiếm được vài ba chục ngàn đồng,
có ngày kiếm được năm sáu chục ngàn đồng, ngày nào trúng lắm thì kiếm
được hai trăm ngàn đồng. Thử hỏi, với mức thu nhập như vậy, làm sao mà
các em không xót xa khi cầm đồng bạc của cha mẹ gởi cho để ăn học.
Trong khi đó, học phí quá cao, mọi thứ tiền trang trải hằng ngày của
một sinh viên đều khiến cho họ đau đầu. Họ buộc lòng phải bán cái vốn tự
có để duy trì học tập. Xót xa thay cho rất nhiều bạn sinh viên sau khi
tốt nghiệp ra trường, thay vì bán tri thức mình đã thụ đắc trong quá
trình học, các bạn nam phải đi bán sức lao động bằng nhiều công việc lao
động phổ thông, các bạn nữ phải đi bán phẩm hạnh, danh dự, bán thân mà
trả nợ cho cha mẹ, trả nợ cuộc đời kham khổ căn thâm đế cố của mình!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
Nông dân miền Nam đau đầu vì xoài
Với nông dân miền Nam, ngoài những cánh đồng lúa bạt ngàn ở Tây Nam
Bộ, những vườn xoài, vuờn nhãn, măng cụt, sầu riêng ở khắp các nhà vườn
Nam Bộ cũng là nguồn thu giúp nông dân đổi đời. Trước đây, những vườn
xoài miền Nam đã giúp không ít nông dân từ chỗ nghèo khổ sang khấm khá,
giàu có. Và cũng chính những vườn xoài được chọn làm mũi nhọn kinh tế
của nhà nông này, năm nay lại đổi đời những nông dân giàu có sang chỗ
khó khăn, nghèo khổ bởi giá xoài rớt thậm tệ, thê thảm. Cuộc khủng hoảng
kinh tế của nông dân miền Nam vì giá xoài tụt dốc còn kinh khủng hơn cả
dưa hấu miền Trung.
Nông dân thất thu hoàn toàn
Một nông dân, chủ nhà vườn ở Long Thành, Đồng Nai, chia sẻ: “Hôm
qua giá xoài keo chỉ có năm ngàn đồng một ký thôi, tại vườn chỉ có hai,
ba ngàn một ký thôi. Trồng xoài, đại thu hoạch mà giá xoài thấp như vậy
thì phải nói là sao mà vui cho nổi, phải nói là thất bại nặng luôn à.
Rớt giá quá thì nhà xoài đâu có sống nổi đâu, mình trồng quá nhiều suốt
cả năm trời luôn, rốt cuộc đến mùa thu hoạch thì rớt giá quá chừng luôn,
sống sao nổi mà sống, đau lắm!”
Theo người nông dân này, những ngày đầu mùa, mọi nhà vườn đều rất vui
và hy vọng năm nay mình trúng lớn vì các vườn xoài đều sây trái, chất
lượng trái cũng khá hơn mọi năm vì đầu năm trời mát, có vài cơn mưa đúng
thời điểm cây xoài cần nước để phát triển. Như vậy coi như ông trời đã
thương nông dân, đã giúp cho nông dân được mùa. Và đến mùa thu hoạch,
nhìn những vườn xoài, người nông dân không thể kìm được lòng phấn khởi,
lâng lâng hy vọng một mùa bội thu.
Thế nhưng đó chỉ là chuyện của ông trời thương người dân, còn những
chuyện khác giữa người và người, giữa nhiều thứ trong đó không loại trừ
các chính sách của con người tác động đến con người. Nông dân chuyển từ
hy vọng, vui mừng sang buồn bã, tuyệt vọng. Thay vì lứa trái đầu mùa
mang lại một lượng tiền đủ để bù cho phân, thuốc và tiền điện bơm nước
tưới tiêu. Lứa xoài đầu mùa năm nay chỉ đủ để bù cho tiền mua cà phê,
mua trà uống để thức đêm mà đuổi dơi, canh trộm cho vườn xoài.
Rớt giá quá thì nhà xoài đâu có sống nổi đâu, mình trồng quá nhiều suốt cả năm trời luôn, rốt cuộc đến mùa thu hoạch thì rớt giá quá chừng luôn, sống sao nổi mà sống, đau lắm!
- Một nông dân Đồng Nai
Đến giữa mùa, theo thường lệ nhiều năm trước đây, người nông dân đã
lấy được tiền lãi khá nhiều, ít nhất là số tiền thu vào đã lên đến 200%
so với số tiền đầu tư và chỉ cần trong vòng ba tuần thu hoạch, số tiền
thu vào có thể gấp mười lần so với số tiền đầu tư. Nhưng năm nay, đã đến
giữa mùa mà số tiền vẫn còn ở mức chưa đầy 50% so với tiền vốn đầu tư.
Người nông dân này lắc đầu chua chát nói rằng thử hỏi một khi thắng
lợi thì có bội thu cỡ nào cũng không vượt quá mười lần vốn bỏ ra, trong
khi trái cây tụt giá xuống từ mười lăm đến hai mươi lần, nhà buôn chê
lên chê xuống, nếu như những trái xoài trước đây được xếp vào hạng nhì
thì bây giờ chỉ biết mang đi đổ vì không tiêu thụ được. Với đà này, làm
sao mà người nông dân dám hy vọng mình sẽ gở được vốn. Trong khi đó, với
người làm vườn, mọi khoản chi phí đều hoàn toàn dựa vào vườn cây, bây
giờ vườn cây trở thành gánh nặng thì đương nhiên nhà nông đối diện với
đói kém.
Thị trường lên xuống bất thường
Một nông dân khác tên Tiệm, ở Long Khánh, chia sẻ, sở dĩ nhà vườn trở
nên bấp bênh trong nhiều năm trở lại đây là vì chính sách xuất nhập
khẩu nông sản Việt Nam – Trung Quốc đã quá bất cập nhưng không thể điều
chỉnh được nữa. Sự bất cập này giống như một cổ xe đã bị lún dần xuống
sình. Thay vì mang xe cần cẩu về kéo nó lên, người lái xe lại gắng sức
nổ máy, sang số cho xe gầm rú, càng gầm rú nó càng lún sâu xuống thêm,
cho đến lúc không còn khả năng cứu vãn.
Nói rõ hơn, ông Tiệm cho rằng mọi sự trở ngại của nhà nông trong
nhiều năm, trở lại đây là do yếu tố Trung Quốc, hay nói chính xác hơn là
do chính sách của nhà nước Việt Nam về xuất – nhập khẩu nông sản qua
Trung Quốc quá sức bất cập, hầu như người Trung Quốc được ưu tiên đến
mức độc quyền xuất nhập khẩu nông sản với Việt Nam. Bằng chứng của vấn
đề này là hàng chục triệu tấn trái cây Trung Quốc đã tuồn sang Việt Nam
một cách bất thường trong hai năm trở lại đây và mọi thứ nông sản Việt
Nam trồng đều nhắm đến thị trường Trung Quốc.
Và đây là một cái bẫy quá nguy hiểm, vì một khi trái cây Trung Quốc ồ
ạt nhập vào Việt Nam, sự kiểm soát hoàn toàn bế tắc thì thị trường trái
cây nói riêng, nông sản nói chung của Việt Nam sẽ khủng hoảng, khó điều
tiết, đó là chưa muốn nhắc đến mối nguy hiểm về an toàn thực phẩm cũng
như các loại hóa chất độc hại trong trái cây, nông sản Trung Quốc.
Với người nông dân Việt Nam, sự tấn công ồ ạt của nông sản Trung Quốc
là một trở ngại quá lớn cho việc sản xuất, trồng trọt một cách nghiêm
túc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì để cạnh tranh với loại trái
cây được nuôi trồng bằng hóa chất và có giá thành rất rẻ, không thể
trồng trọt một cách đảm bảo vệ sinh cho ra loại trái cây sạch với giá rẻ
bèo được, làm như thế thì nhà nông phá sản ngay tức khắc.
Hơn nữa, một khi trái cây Trung Quốc thao túng thị trường Việt Nam
với giá rẻ bèo, trái cây Việt Nam buộc phải tìm thị trường khác, và cái
đầu ra có tên Trung Quốc được ưu tiên nhiều thứ để lúa gạo, bầu bí, dưa
hấu, bưởi, thanh long, nho, xoài… từ Việt Nam xuất khẩu sang. Nhưng đây
là thị trường bất ổn nhất, lúc nhanh lúc chậm, lúc vui lúc buồn, bất kì
người nông dân nào của Việt Nam đều có thể trở thành nạn nhân của thị
trường Trung Quốc nếu như chấp nhận trồng nông sản theo định hướng của
người Trung Quốc thông qua kế hoạch lớn về nông nghiệp của nhà nước.
Kinh nghiệm nhiều năm thất thu từ vườn trái cây đã cho ông Tiệm một
bài học nhớ đời: Chơi với Trung Quốc là chơi với con dao hai lưỡi và
nghe theo kế hoạch các hợp tác xã địa phương là nghe theo kẻ không đủ
khả năng quản lý hành vi.
Sở dĩ ông Tiệm nói nặng lời như thế bởi vì năm nay, giá xoài chỉ có
vài ngàn đồng mỗi kí lô, mà với người nông dân, giá xoài như thế thì
chẳng còn hy vọng gì. Họ buộc phải nhận ra là chơi với Trung Quốc sẽ có
kết cục như ngày hôm nay. Và họ cũng lắc đầu chán ngán cái gọi là kế
hoạch lớn mà các cơ quan nông nghiệp đã tha hồ tuyên truyền, chỉ bảo
nhân dân làm theo. Nhân dân đã làm theo một cách nghiêm túc đến độ te
tua xác mướp!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
Chi phí quá cao
Theo một tour du lịch, chúng tôi ghé thăm những nhà vườn ở Cần Thơ,
đương nhiên đây là những khu vườn điểm với diện tích trên hai mươi
hecta, trồng đủ các loại cây trái, từ cây quất miền Trung cho đến cây
dừa Nam Bộ, cây sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, thanh long ruột đỏ, xoài
tượng, ổi xẻ, mãng cầu… Có thể nói rằng mọi thứ trái cây, vật nuôi theo
mô hình vườn ao chuồng đều có mặt ở miệt vườn miền Tây. Nhưng không
hiểu sao ông chủ miệt vườn lại không vui. Hỏi ra mới biết, ông luôn đối
diện với thua lỗ.
Ông Thiết, chủ vườn cây mà chúng tôi đến thăm ở quận Ninh Kiều, thành
phố Cần Thơ chia sẻ với chúng tôi rằng dường như tất cả mọi chủ miền
vườn miền Tây Nam Bộ đều đối diện với nguy cơ thay đổi ngành nghề, bỏ
vườn đi làm thuê hoặc kinh doanh. Vì làm vườn thời bây giờ không có ăn,
giá dịch vụ, phân, tro quá cao, so với cách đây một năm, giá phân, tro,
thuốc đã đội lên gấp năm lần nhưng giá sản phẩm chỉ nhích lên một chút.
Giải thích cho vấn đề này, ông Thiết nói thêm là mọi thứ hàng hóa của
Việt Nam đều hiếm hoi, ví dụ như các nhà máy sản xuất phân bón hết 80%
dùng công nghệ Trung Quốc để sản xuất, chỉ cần sử dụng chừng ba năm thì
công nghệ xuống cấp, uống điện như uống nước lã, buộc nhà sản xuất phải
đôn giá, mà đây là tình hình chung, mọi thứ dịch vụ điện, nước, xăng,
nguồn nguyên liệu, lương công nhân đều tăng giá nên nhà sản xuất buộc
phải nâng giá, và họ cũng nhân cơ hội này đẩy giá lên cao để bù vào
những cổ phần ma cũng như những khoản chung chi khác.
Kết cục, người chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn là nông dân, vì xét cho
cùng, trong thị trường Việt Nam, mua bất cứ thứ gì cũng đều có thuế
trong đó, mua một bó rau cải, tưởng là không có thuế nhưng trên thực
chất, nó đã gánh thuế của thuốc trừ sâu, phân bón và tiền điện tưới nước
hằng ngày, đó là chưa nói đến chỗ ngồi để bán cũng có vài ngàn đồng
tiền thuế mỗi ngày.
Song song với vấn đề này lại là chuyện nguồn trái cây từ Trung Quốc
nhập qua Việt Nam nhiều vô kể, thượng vàng hạ cám đều có, giá cả cũng
rất rẻ. Ông Thiết nói rằng cho đến thời điểm bây giờ ông vẫn không hiểu
được vì sao trái cây của Trung Quốc lại có giá thành quá thấp, đè bẹp
thị trường trái cây Việt Nam trong khi trồng và duy trì một mùa trái
không hề dễ dàng một chút nào. Đặc biệt là trái cây Trung Quốc còn cõng
thêm chi phí vận chuyển từ nước họ sang Việt Nam, nhưng vẫn đè giá xuống
thấp còn chưa đầy 50% giá trái cây nhà vườn miền Tây, chính vì thế,
nông dân miền Tây chỉ còn một lựa chọn là bỏ vườn, mặc cho nó phát triển
theo tự nhiên, đợi khi nào ra trái thì thu hoạch, để thời gian và tiền
bạc đi buôn bán.
Một chủ vườn trái cây khác, tên Tư Hưng hiện đang là thương lái trái
cây trên chợ nổi Cái Răng, than thở với chúng tôi rằng làm thương lái
trên chợ nổi mỗi ngày kiếm được từ hai trăm đến bốn trăm ngàn đồng, kể
ra số tiền này cũng đủ để trang trải mọi chuyện trong gia đình, nhưng
mỗi khi nghĩ đến miệt vườn rộng gần ba chục hecta bỏ cỏ mọc của mình,
ông rất đau lòng. Hiện tại, người làm công cho ông đã trôi dạt tứ xứ để
kiếm sống, mà phần lớn lao động miệt vườn bây giờ đã kiếm chỗ làm ở nơi
khác vì họ nhận thấy làm vườn quá bấp bênh, thu nhập cũng không hấp dẫn,
suốt ngày ngồi làm cỏ trong vườn cây hay cắt tỉa cây cối, chẳng có cơ
hội tiếp xúc với ai. Công việc vừa buồn lại vừa cho thu nhập thấp.
Thương lái TQ chơi khăm
Cạnh tranh không nổi với thương lái Trung Quốc Ông Tư Hưng cho biết thêm là hiện tại, ông không thể nào cạnh tranh nổi với thương lái Trung Quốc, ông mua trái cây ở chợ nổi Cái Răng, di chuyển lên miệt Sài Gòn bỏ mối, lên đây ông đụng đầu với thương lái Trung Quốc và thật sự bị họ chơi khăm.
Chúng tôi lấy làm lạ vì sao lại có chuyện thương nhân Trung Quốc hoạt
động dọc ngang trên bến sông và các chợ Sài Gòn, ông Tư Hưng cười chua
chát nói rằng không cần người Trung Quốc nói xí lô xí la đến các chợ
Sài Gòn buôn bán thì mới là thương lái Trung Quốc đâu.
Người Việt Nam, nói tiếng Việt, ăn cơm Việt, gốc Việt hoàn toàn nhưng
lại sang áp phe với thương lái Trung Quốc để đưa trái cây về Việt Nam,
ép giá thương lái Việt Nam, làm cho thị trường trái cây Việt Nam trở nên
rối loạn và thương lái Việt Nam phải điêu đứng, nhà vườn Việt Nam phải
bỏ vườn hoang, thì đó đích thị là thương lái Trung Quốc rồi chứ Việt Nam
gì nữa!
Ông còn nói thêm rằng không hiểu sao người Việt Nam lại dễ bị dụ và
kém ý thức dân tộc đến vậy, mặc nhiên bỏ lơ những người đồng bào của
mình phải điêu đứng nhìn vườn cây mà lắc đầu vì thua lỗ, cứ thế mà tuồn
hàng Trung Quốc qua xâm chiếm thị trường Việt Nam, mà trái cây Trung
Quốc thì đầy rẫy chất độc trong đó, nhất là những loại trái mọng nước
như cam, táo tàu, nho, nhãn, vải… Đó là chưa nói đến thuốc độc khác dùng
để xử lý trái cây lâu bị thối trong quá trình vận chuyển.
Một thương lái khác tên Trung, nói rằng nếu chỉ cần trên thị trường
giảm đi một nửa lượng trái cây Trung Quốc thì nhà vườn có thể sống được,
có thể có lợi nhuận. Còn trong đà này, nguy cơ sẽ có những nhà vườn
Trung Quốc tại Việt Nam là chuyện chắc chắn.
Giải thích thêm, ông Trung nói rằng trong tình hình hiện nay, muốn
cạnh tranh với trái cây Trung Quốc, nhà vườn Việt Nam buộc phải xử dụng
hóa chất và kỹ nghệ của Trung Quốc để làm cho cây đậu nhiều trái, mau
thu hoạch và chu kỳ ra trái dày hơn bình thường. Muốn vậy, bắt buộc phải
dùng hóa chất Trung Quốc. Ông Trung cũng biết rằng có một số nhà vườn
miền Tây bắt đầu dùng phương pháp này để duy trì vườn trái cây.
Ông Trung lắc đầu chua chát nói rằng trên đà này, người Việt Nam sẽ
thụ động nhận vào cơ thể một lượng chất độc hóa học rất cao thông qua
trái cây, và lúc đó, người nông dân Việt Nam sẽ biến thành người nông
dân Trung Quốc, không chừng, chúng ta lại tự tiếp tay cho người Trung
Quốc để giết hại đồng tộc bằng những trái ngọt và cuộc đời nông dân chân
lấm tay bùn. Đó là điều đau xót và kinh hãi nhất!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
No comments:
Post a Comment