Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Tuesday, 28 February 2017

TRÀMCÀ MÂU * TÌNH NGHĨA VỢ CHỒNG




Tình nghĩa Vợ , Chồng khi kẻ mất , người còn ...
Tràm Cà Mau


Có thời ông Tư thường hay đùa, trêu chọc bạn bè rằng: “Đời người đàn ông có hai lần sung sướng: Lần cưới vợ, và lần vợ chết. “Bây giờ vợ chết, ông mới ý thức được cái câu đùa nghịch đó vô cùng bậy bạ và bất nhân, không nên nói. Có lẽ anh chàng nào nghĩ ra câu nầy là kẻ độc thân, chưa có kinh nghiệm chết vợ. Ông ân hận và tự giận mình.

Sau khi chết vợ, ông như mất hồn, lãng đãng, trí óc để trên mây. Nhiều lần trên đường về nhà, ông đi lạc, lái xe qua khỏi nhà rồi mà không biết. Ngày xưa, ông hay bực mình mỗi khi được bà nhắc nhở đi lối nầy, quẹo góc kia, và bà cũng nổi nóng la nạt ông mỗi khi đi lạc đường. Bây giờ, mong được nghe lời cáu kỉnh gây gổ đó, mà không có được. Ông thở dài và đau nhói trong tim như có vật nhọn đâm vào. Không thể ngờ, vợ ông không còn trên đời nầy nữa. Bây giờ bà nằm ngoài kia, nghĩa địa hoang lạnh âm u. Không còn chầm chập kiểm soát từng hành động của ông để mà phê bình sửa sai.

Mở cửa, bước vào nhà, ông nói lớn như khi bà còn sống: “Em ơi! Anh đi làm về.” Trước đây, nếu không nghe tiếng trả lời, ông chạy vụt lên lầu tìm vợ. Bây giờ, ông lẳng lặng đến thẳng bàn thờ, thắp ba cây nhang, lạy bốn lạy. Ông thầm nghĩ, người ta chỉ lạy vợ khi vợ đã chết rồi, tại sao không ai lạy vợ khi vợ còn sống? Dù có gây nên tội lỗi tầy đình, cũng không ai lạy vợ bao giờ. 

Ông nhìn tấm hình màu, ảnh bán thân của bà, có nụ cười thật tươi, hai vành môi uốn cong, đôi mắt sáng tinh anh, có ánh tinh nghịch. Ông thấy bà còn đẹp lắm, nét đẹp dịu dàng. Thế mà bao nhiêu năm nay, ông không hề biết, và chưa một lần nhìn ngắm kỹ cái nhan sắc của vợ. Sống lâu ngày bên nhau, thấy nhau, nhưng quên nhìn ngắm, chỉ thấy hình thể tổng quát của nhau. Cũng như nhiều ông có vợ thiếu nhan sắc, cũng không bao giờ biết vợ họ xấu. Những ông lấy được vợ đẹp, lâu ngày, cũng chẳng còn biết vợ mình là đẹp. Nhiều bà đi xâm môi, xâm lông mày xong, về nhà, ông chồng cũng không hề biết có sự thay đổi trên mặt vợ.

Ông Tư gieo mình nằm vật ra tấm ghế bành, hai tay ôm mặt khóc rưng rức như đứa bé đi về vắng mẹ. Tiếng khóc buồn bã vang dội trong căn phòng vắng. Ông ước sao chuyện thật hôm nay là một giấc mộng dữ, để khi ông thức dậy, thấy còn có bà bên cạnh. Có thể ông sẽ bị vợ cằn nhằn trách móc một điều gì đó như thường ngày, nhưng thà còn có những phiền hà của vợ, còn hơn là nằm đây một mình.







Ông đã khóc như thế cả tháng mấy nay, mỗi lần đi làm về. Bước vào căn nhà vắng vẻ lạnh lẽo, không còn bóng dáng người vợ thương yêu, làm trái tim ông se sắt, tâm trí ông trống rỗng mịt mờ. Nỗi đau cũng tan dần theo giòng nước mắt, rồi ông thiếp đi trong một giấc ngủ buồn, ngắn. Khi thức dậy, ông nhìn quanh, đâu đâu cũng có bóng dáng, có kỷ niệm với bà. Tất cả đều còn đó. Vật dụng, đồ đạc của bà trước khi chết, vẫn còn để y chỗ cũ, giữ nguyên trạng. Ông không muốn thay đổi chuyển dịch gì cả. Trên bàn trang điểm, vẫn còn chiếc lược nằm nghiêng nghiêng, thỏi son dựng đứng, hộp phấn, những chai thuốc bôi tay cho mịn da, tất cả đều không xê dịch, không sắp xếp lại. Ông tưởng như hương tay của bà còn phảng phất trên từng món vật dụng.

Mỗi bữa ăn, không còn ai thúc hối, hò hét dục ông ngồi vào bàn ngay, sợ cơm canh nguội lạnh. Bây giờ, ông tha hồ lần lửa, không tha thiết đến bữa cơm. Có khi chín mười giờ mới bắt dầu ăn, qua loa cho xong, miệng nhạt phèo. Thường ông để thêm chén dĩa đũa muỗng đầy đủ cho bà. Rồi thì thầm mời vợ ăn, tưởng như bà còn sống, ngồi đối diện và cùng chia vui hạnh phúc trong từng giây phút của thời gian. Ông có ảo tưởng như bà còn ngồi đối diện, đang lắng nghe ông nói. Hôm nay bà làm biếng phê bình, không mắng trách khi ông làm rơi cơm canh ra bàn. Với cách đó, ông tự dối lòng, để có thể nuốt trôi những thức ăn, mà vì buồn chán, ông không còn cảm được hương vị ngon ngọt.


Nhiều khi thức giấc nửa đêm, vòng tay qua ôm vợ, ôm vào khoảng trống, ông giật mình thảng thốt, chợt hỏi thầm, bà đi đâu rồi? Khi chợt nhớ bà không còn nữa, nước mắt của ông chảy ra ướt cả gối. Có khi úp mặt khóc rưng rức, khóc cho đã, cho trái tim mủn ra, và thân thể rã rời. Chiếc giường trở thành trống trải, rộng thênh thang. Ông vẫn nằm phía riêng, bên kia còn để trống, dành cho bà. Ông ôm hôn cái gối, mùi hương của bà còn phảng phất gợi bao kỷ niệm của tháng ngày hạnh phúc bên nhau. Khi không ngủ được, ông bật đèn nằm đọc sách, bây giờ ông không sợ ai cằn nhằn, ngăn cấm đọc sách giữa đêm khuya. Trước đây, nhiều khi ông tha thiết thèm đọc vài trang sách trước khi đi ngủ, mà vợ cứ cằn nhằn mãi, làm ông mất đi cái thú vui nầy. Bây giờ ông nhận ra vì thương chồng, sợ ngày hôm sau ông buồn ngủ, mệt, nên bà ngăn cản, bảo là chói mắt không ngủ được.

Ông tiếc, vợ chồng đã hay cãi vã những chuyện không đâu, chẳng liên quan gì đến ai, mà làm mất đi cái vui, cái hòa hợp của gia đình. Có khi chỉ vì tranh luận chuyện con khỉ bên Phi Châu, mà đi đến to tiếng, giận hờn, khóc lóc, làm vợ chồng buồn giận nhau, dại dột như hai đứa trẻ con ngu dại.

Tại sao phải gắt gỏng, đâu có được gì, mà làm nhau buồn. Bây giờ muốn nói lời ân hận, thì làm sao cho bà nghe được. Ông tự xét, ông là một con người tệ mạt, thiếu hiểu biết. Khi có hạnh phúc trong tay thì không biết trân trọng, để đến khi mất đi, mới ân hận, mà không còn kịp nữa.



Nếu được làm lại, ông sẽ đối xử với bà tử tế hơn, nói nhiều những lời êm ái dịu dàng. Sẽ không nổi giận khi bà làm chuyện ngang phè, sẽ nhường nhịn bà nhiều hơn, và sẽ phớt tỉnh mỗi khi bị bà chê bai, mai miả. Nhất là bày tỏ cái lòng ông, nói ông yêu thương bà, yêu thương lắm lắm. Đâu có gì ngăn trở, mà những ngày bà còn sống, ông không nói được những điều đó. Ông chợt nhớ có ngưòi viết rằng, vợ chồng phải đối xử như ngày mai thức dậy sẽ không còn nhau. Vì chẳng ai được sống mãi, và cũng không biết chắc chuyện gì sẽ xảy ra trong giờ sắp tới, cho ngày hôm sau. Cuộc đời con người vốn bấp bênh trong định mệnh.

Lấy kinh nghiện đó, nhiều lần nói với những người bạn mà vợ chồng còn được sống bên nhau, cho họ biết rằng, họ đang có hạnh phúc quý báu, họ nên trân trọng giữ gìn, kẻo mai đây, khi chỉ còn chiếc bóng, thì tiếc thương cũng đã muộn màng. Đa số có lắng nghe, và tin lời ông là đúng, nhưng họ quên phứt ngay sau đó, và không thực hành điều hiểu biết.


Mẹ ông mất trước vợ sáu tháng. Ông cũng buồn, thương. Nghĩ rằng mẹ già thì chết là chuyện thường tình. Nhưng khi mất vợ, ông cảm thấy đau đớn và buồn khổ vô cùng tận. Buồn hơn mất mẹ mười lần. Ông tự cảm thấy xấu hổ, vì mất mẹ mà lại không đau buồn bằng vợ chết! Có phải ông đã thương vợ hơn thương mẹ chăng? Có phải ông là đứa con bất hiếu? Ông cũng không biết, và không so sánh được hai cái đau vì mất mát. Nhưng rõ ràng, ông đã ngã gục khi chết vợ.

Có khi quẩn trí, ông muốn chết theo bà. Sao cuộc sống vô vị quá chừng. Rồi mai mốt cũng già, bệnh, đâu có thoát được cái chết. Chết bây giờ, nếu còn linh hồn, thì còn gặp lại vợ ngay. Nhưng ông sực nhớ nhiều lần bà nói không muốn gặp ông lại trong kiếp sau. Bà đâu có thù ghét ông mà nói câu đó nhỉ. Nói chi cho ông đau lòng lúc nghe, và còn đau cả đến tận bây giờ. Ông nghe nói, có một loài chim, khi một con chết đi, thì con kia ngày đêm kêu thương, bỏ ăn bỏ ngủ, than gào cho đến chết. Chim còn chung tình đến thế, mà ông thì còn sống, còn ăn, còn ngủ, còn đi làm, còn giữ tiền bạc. Chẳng bằng được loài chim sao?

Trong căn nhà nầy, đâu đâu cũng có dấu vết của bà. Mở tủ đựng ly chén ra, ông đứng nhìn xem, bên trong sắp đặt thứ tự, gọn gàng. Có những thứ mà bây giờ ông mới thấy, và không biết công dụng nó làm gì, khi nào thì dùng đến. Bà đã mua sắm, sắp đặt cẩn thận. Ông cầm một cái ly, biết vật nầy đã có bàn tay vợ đụng đến, ông ghé môi hôn, tưởng đang hôn bàn tay bà. Ba bộ ấm pha trà xinh xắn, bà mang về trong dịp đi du lịch bên Nhật, để cho ông thù tiếp bạn bè. Bà thương ông đến như vậy đó.


Hơn cả chục chai rượu nho, rượu mạnh trong tủ kiếng, cũng do một tay bà mua. Bà không biết uống, nhưng hễ nghe ai khen rượu ngon, rượu quý, thì bà cũng cố mang về cho chồng một vài chai. Ông thường dặn nếu không biết uống rượu thì đừng mua, vì khẩu vị của mỗi người khác nhau. Cũng như mình khen mắm nêm thơm ngon, nhưng cho Tây ăn, thì họ bịt mũi mà oẹ ra. Bây giờ đứng đây, đưa tay sờ vào những chai rượu màu nâu sẫm, lòng ông đầy ân hận, đáng ra lúc đó, ông phải nói những lời tử tế ngọt ngào cám ơn, và bày tỏ cái hân hoan với tình thương chăm sóc của vợ. Những khi đó, ông đã nói những lời chân thật như đất ruộng, làm phụ tấm lòng yêu thương của bà. Ông định nhấp vài hớp rượu để tưởng nhớ đến ơn vợ, nhưng rồi đặt chai xuống, và thì thầm hai câu thơ của Vũ Hoàng Chương: “Em ơi! lửa tắt bình khô rượu. Đời vắng em rồi say với ai?” Mắt ông cay cay, tim đập sai nhịp.

Tủ áo quần của bà còn nguyên vẹn đó. Những chiếc áo giản dị, màu sắc khiêm tốn. Bà phải chờ cho đến khi bán hạ giá thấp nhất mới dám mua. Bà cần kiệm, không dám hoang phí. Đi đám cưới, tiệc tùng, bà không cần phải thay đổi áo mới, kiểu nầy, kiểu kia. Bà nói: “Ngay cả ông chồng, còn chưa nhớ được kỳ trước mình mặc áo nào, màu gì, huống chi thiên hạ. Họ đâu có dư thì giờ mà vớ vẩn nhớ đến cách phục sức của cả trăm người trong bữa tiệc. Mà dù cho họ có nhớ đi nữa, cũng không sao, đâu có gì quan trọng. Chắc cũng chẳng ai chê mình không có áo quần mới khi tham dự tiệc tùng.” Cái đơn sơ giản dị chân thành của bà làm ông thương và mến phục.

Áo quần của ông, cũng do bà tìm tòi mua giúp. Khi thấy cái áo quần tốt, màu sắc trang nhã, giá cả tương đối được, bà hối hả kêu ông chạy gấp đến tiệm thử liền. Ngay cả áo quần lót, vớ, cà-vạt, cũng do bà mua cho ông. Bà đem áo quần đã cũ sờn vất đi, thay vào các thứ mới. Ông cứ tự nhiên dùng, chưa bao giờ biết kích thước đúng của chính ông. Đã có bà lo hết. Bây giờ không còn bà, ông mới thấy rõ ràng hơn những gì đã nhận được xưa nay mà vô tình không nghĩ đến. Cầm chiếc quần được lên lai trong tay, nhìn đường kim mũi chỉ cẩn thận, ông thấy rõ tình thương của bà gói ghém trong đó. Áo quần mùa đông, mùa hè của ông cũng được bà sắp xếp riêng từng ngăn cẩn thận. Bà đã cho giặt sạch, kỹ lưỡng trước khi được treo xếp vào ngăn tủ áo quần, để dành mặc vào mùa sau. Từ khi có bà trong đời, ông mất dần đi khả năng tự lo, tự lập mà ông vô tình không biết.


Ông nhớ những khi tham dự tiệc tùng, trong lúc ăn uống, khi có chút rau, thịt mắc vào kẽ răng, không dùng lưỡi cạy ra được, bà nhìn ông, biết ngay. Bà len lén mở ví, kín đáo chuyền tay cho ông một cây tăm bọc trong giấy. Ông xem đó như chuyện tự nhiên. Cũng có khi ông quay qua bà hỏi khéo: “Em còn cây tăm nào không?” Bà mở ví, đưa cho ông ngay. Trong lúc ăn, có món ngon vừa ý, bà thì thầm nhắc ông. Hoặc khi lấy thức ăn, bà chọn cho ông miếng ngon nhất. Những lúc đó, ông hơi ngượng, liếc mắt nhìn quanh bàn. Phần ông, thì cứ dặp đại, chưa bao giờ phân biệt miếng ngon, miếng dở. Gắp được cục xương không dính chút thịt cũng cứ vui. Trong bữa ăn, khi thấy ly nước của ông cạn, bà châm, thêm, ông hoàn toàn không quan tâm đến.

Bà biết rõ ông ưa thích món ăn gì, để mỗi ngày nấu nướng. Khi nghe ông khen món nào đó, thì hôm sau, bà nấu ngay cho ông ăn. Ông chỉ lờ mờ nhận ra hảo ý của bà, nhưng không biết nói một câu nịnh cho vui lòng vợ.


Nhiều lần ông bà rủ nhau đi du lịch xa, ông có nhiệm vụ lên mạng mua vé máy bay, đặt khách thuê sạn. Thế là xong. Phần bà lo cho tất cả các mục còn lại. Từ áo quần thường, áo lạnh, áo ngủ, đồ lót, vớ, giày phụ, dép, bàn chải răng, kem, kiếng phụ, tăm, thuốc cấp cứu, thuốc dùng ngừa bệnh, điện thoại di động, giây cắm điện thoại, máy hình, máy điện toán xách tay và các thứ phụ tùng cần thiết. Danh sách của bà đủ bốn mươi tám món. Bà cũng không quên mang theo một ít thức ăn khô, phòng khi lỡ đường. Nhiều khi thấy va-li căng kè, nặng nề, ông gào to: “Đi chơi chứ đâu phải là dọn nhà? Sao không mang theo cả cái tủ lạnh cho tiện.”

Một lần đi Âu Châu, cuộc đình công kéo dài, điện tắt và trời bão tố. Ông bà bình tâm nằm trong khách sạn, không chút nao núng, vì đã có sẵn một ít thức ăn khô mang theo. Thường trước khi đi, bà đọc kỹ và kiểm soát lại chuyến bay, lộ trình, các hãng đưa đón, khách sạn, ngày giờ của các ‘tua’ du lịch. Bà bắt ông xuất trình giấy thông hành, căn cước, thẻ tín dụng, tiền bạc, kiểm soát lại từng chút một, để khỏi quên bất cứ vật gì. Ông cảm thấy khó chịu vì bị vợ xem như đứa trẻ con. Nhưng khi vợ mất rồi, ông đi xa mà để quên đủ thứ, nghĩ lại càng thương bà hơn.





Ông thường ham mê xem các trận đấu thể thao. Nhiều lần ông đang đi chơi với bạn, bà sợ ông bỏ mất trận đấu, kêu điện thoại nhắc nhở: “Anh nhớ chiều nay 5 giờ có trận chung kết bóng rổ đó nghe!” Ông cám ơn bà, và thu xếp về cho kịp giờ khai đấu.

Từ khi có gia đình, ông phụ thuộc quá nhiều vào vợ. Không có bà, ông như rơi xuống một vực sâu, tối tăm mù mịt, ngày tháng tẻ nhạt. Không gian và thời gian dường như thành trống rỗng.

Mỗi chiều tan sở, ông bâng khuâng không biết đi đâu,về đâu cho đỡ thấy quạnh hiu. Khi vợ còn sống, phải lo về ngay, không dám ngồi quán cà phê lai rai, về nhà vợ hạch hỏi không dám trả lời thật. Có khi ông điện thoại cho bạn, hỏi chiều nay ông đến chơi được không, và xin được ăn cơm tối. Bạn biết ông đang buồn, đơn lẻ, nên thường niềm nở chấp nhận. Nhiều lần, ông mua một vài món ăn ở tiệm, đem đến nhà bạn góp vào mâm cơm chiều và sau bữa ăn, uống trà, cà phê. Ngồi trong ghế bành, đôi khi không nói gì, cầm tờ báo lật qua lật lại, thế mà thấy bớt cô đơn trong lòng yên ổn. Rồi cũng phải về cho gia chủ đi ngủ. Ông ra xe, nỗi buồn lại dấy lên thấm thiá. Trời đất như rộng thênh thang. Đường về nhà hiu quạnh. Nghĩ đến căn nhà trống vắng, lòng ông rưng rưng.

Mỗi khi mở tủ lạnh tìm thức ăn, thấy trống không, chẳng có thứ gì ăn được. Vài ba cây trái đã đen điu thồi? rữa thối. Mấy bó rau đã đổi màu đen, khô quéo. Chai nước lọc cũng cạn. Không còn gì. Trong nhà không có bàn tay đàn bà, thì xem như chẳng còn có cái gì cả. Ông thầm thán phục những người bạn độc thân. Không biết làm sao họ có thể sống sót đến tuổi già, mà vẫn vui vẻ, yêu đời, nói cười. Họ đã làm gì cho tiêu tán quãng thời gian trống rỗng sau giờ tan sở nhỉ?



Như một thói quen, những chiều tan sở, ông chạy thẳng ra nghĩa địa, thơ thẩn bên mộ bà. Trong nghĩa địa hoang vắng nầy, ông thấy bớt cô đơn hơn là về nhà một mình. Cắm vài bông hoa, thắp nén hương. Rồi ngồi trò chuyện, như khi bà còn sống. Nói đủ thứ chuyện, nói nhiều hơn cả khi ông bà còn bên nhau. Ông độc thọai, và ông cứ tin ở dưới lòng đất, bà đang lắng nghe ông tâm sự. Khi có người lạ đi đến gần, ông hơi xấu hổ, nói nhỏ lại, chỉ thì thầm thôi. Ông sợ thiên hạ lần tưởng ông đau bệnh thần kinh. Rồi ông hát cho bà nghe. Hát những bài kỷ niệm, mà ngày trước, ông bà cùng song ca trong những buổi “Karaoke” tổ chức tại nhà bạn bè. Tai ông, vẫn còn văng vẳng giọng bà thánh thót hoà lẫn với tiếng hát trầm ấm trên môi ông. Ông hát từ bài nầy qua bài khác đến khô ran cả cổ. Nhiều khi ông nằm dài trên cỏ, bên tấm bia mộ ngang bằng, nhìn lên trời cao mênh mông và tưởng tượng có bà đang thân thiết nằm bên cạnh. Nghe được cả hơi thở của bà. Hơi thở có mùi hương quen thuộc của ngày nào. Ông thèm nghe vài lời cằn nhằn trách móc của bà.


Khi bóng đêm bắt đầu phủ xuống trên nghĩa địa, ông mới uể oải đứng dậy ra về. Ông nấn ná không muốn khu mộ, nhưng vốn yếu bóng viá và sợ ma, không dám ở lại khi đêm đen bao trùm khu nghĩa địa hoang vắng. Ông thì thầm: “Ngày mai anh sẽ đến thăm em.” Có những ngày chủ nhật, ông cứ mãi thơ thẩn quanh khu mộ. Ông nhận ra rằng, bây giờ ông yêu thương yêu vợ hơn nhiều lần khi bà còn sống. Tình cảm ông tha thiết, nồng nàn hơn xưa rất nhiều.

Mùa đông mưa dầm dề, gió thốc từng cơn trên nghĩa địa trống trải, ông trùm áo mưa, ngồi co ro run rẩy trong buốt giá bên mộ bà. Ngày nghỉ ông ngồi từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều. Tâm trí miên man mơ hồ vô định.

Chỉ mới một năm thôi, ông hốc hác, gầy rộc, vì mãi miết đắm chìm trong thương nhớ, khổ đau. Nhiều người khuyên ông nên đi bác sĩ tâm lý để điều trị, để tránh sa vào tình trạng suy sụp trầm trọng.

Ông nghĩ, bác sĩ cũng không giúp gì được khi trong lòng ông thương nhớ bà. Bác sĩ không thể làm bà sống lại, không thể làm phép lạ cho ông quên buồn.


Một buổi sáng khi nắng vàng rực rỡ nhảy múa trên khu nghĩa địa, gió mát mơn man cỏ cây, tiếng chim kêu văng vẳng. Ông Tư rầu rĩ mang bó hoa hồng đến đặt lên mộ bà, định than vãn vài câu cho bớt nỗi buồn thương không dứt được trong lòng. Ông ngạc nhiên thấy một tờ giấy cuộn tròn trong bình đựng hoa. Ông giật mình, ô kià, lạ chưa, có nét chữ của bà. Ông mở tờ giấy ra đọc. Một bài thơ của ai chép tay chữ viết giống hệt nét chữ bà. Những chữ h, chữ g và cả cách đánh dấu hỏi ngã. Ông run run đọc:

“Đừng đứng khóc lóc bên mồ em. Bởi em đâu còn dưới đó nữa. Em đang là ngàn gió bay cao trên đồng nội, là ánh dương quang lóng lánh giữa biển trời. Em đang tắm trong mưa thu mát dượi. Em đang trên cao, ngàn sao của giải ngân hà. Và một sáng mai kia, tiếng chim đánh thức anh. Thì hãy biết đó là tiếng em kêu anh. Thôi đừng khóc bên mồ em, chúng ta sẽ gặp lại nhau sau…”



Ông đọc đi đọc lại đến ba lần, và chợt nhớ ra đây là lời bản nhạc phổ từ bài thơ của bà Mary Elizabeth Frye viết trong cơn xúc động trên một mẫu giấy vụn. Trước đó bà Frye nẩy chưa hề bao giờ làm thơ. Bài thơ nầy về sau rất nổi tiếng, phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới, được phỏng dịch ra hàng chục ngôn ngữ khác nhau. Ông đã từng nghe trong các đám tang người Mỹ. Nhưng khi đó, ông chẳng hề để ý. Bây giờ được đọc lại, ông thấm thiá và ngộ ra: Đúng. Bây giờ bà đâu còn nằm dưới đó nữa. Bà đang ở trên miền cực lạc. Bà đang sung sướng trong một thế giới khác, không có khó khăn, vất vả, không giận hờn ganh ghét, không có chiến tranh giành giựt, và không phải “Đổ mồ hôi trán mới có được miếng cơm vào mồm.” Thế thì, tại sao lâu nay ông phải âu sầu thương tiếc khóc lóc. Ông đã tự làm khổ ông, tự đọa đày trong vũng đau thương. Nếu bên kia thế giới mà bà biết được ông khổ sở rầu rĩ như thế nầy thì bà vui hay buồn? Ông tự hỏi, ông đau đớn vì thương bà hay tự thương mình? Bà đang hưởng lạc phúc, thì ông phải mừng, chứ sao lại sầu khổ? Nếu ông tự thương mình, thì phải chống tay đứng dậy, làm cho ngày tháng còn lại nầy được vui vẻ, hạnh phúc và lành mạnh hơn là chìm đắm trong tối tăm mịt mù. Ông đến trước bia mộ và thì thầm: “Đúng, em đâu còn nằm dưới lòng đất nầy nữa. Thân xác là cát bụi phải về với cát bụi. Không còn là em nữa. Em đã bay cao với gió trên mây vàng long lanh, đang rong chơi nơi thiên đường cực lạc. Anh phải biết mừng cho em. Phần anh, phải đi nốt tháng ngày còn lại trên hành tinh nầy với những bước chân vững vàng, vui vẻ và hạnh phúc cho riêng mình. Đó là bổn phận cấp thiết đối với bản thân.”



Ông lái xe ra về, lòng nhẹ thênh thang. Con đường có nắng vàng reo vui, cây cỏ xanh ngắt yêu đời. Tiếng nhạc vui rộn rã vang vang trong xe, ông đã tìm được ý nghiã cho tháng ngày vắng bóng vợ. Ông tin rằng, nếu chết là chưa hết, chưa vĩnh viễn tan biến, thì ông sẽ gặp lại bà trong tương lai, ở một nơi an bình hạnh phúc hơn ở cõi trần thế nầy. Nhưng nếu chết là hết, là xong, thì cũng khỏe. Bà đã khoẻ, và mai đây ông cũng sẽ theo bước bà tan vào hư không.

Về nhà, ông ngồi vào bàn, lập một chương trình sinh hoạt mới cho ngày tháng còn lại. Trước đây ông không dám về hưu vì sợ cô đơn, sợ không có việc chi làm bận rộn rồi sinh ra quẩn trí mà phát bệnh. Nhưng bây giờ, ông đã có một chương trình năng động, phủ kín thời gian trong tuần, còn sợ không đủ thì giờ để thực hiện. Nhưng không sao, với ông thì thi hành được chừng năm mươi phần trăm cũng đã là thành công rồi.



Mỗi sáng ông dậy sớm, đi đến phòng tập thể dục, chạy bộ trên dây?, cử tạ, bơi lội, tập yoga, tắm nước nóng. Sau đó họp bạn già uống cà phê, bàn chuyện trời đất thời thế. Về nhà đọc vi thư bạn bè, giải quyết các công việc lặt vặt. Rồi ngủ ngay một giấc ngắn. Tự nấu nướng lấy, mặc dù có thể đi ăn tiệm, hoặc mua thức ăn về. Ông học cách nấu ăn trong liên mạng vi tính. Đọc bốn năm bài dạy khác nhau, rồi chọn lựa, kết hợp, tìm ra cách nấu hợp với khẩu vị mà ông nghĩ là ngon nhất. Từ đó, ông ghiền xem truyền hình dạy nấu ăn, Ông nấu được những món ngon tiếp đãi bạn bè.

Có một bà góa ỡm ờ đề nghị: “Anh nấu ăn ngon thế nầy, mà ăn một mình cũng buồn và uổng quá. Hay là nấu cơm tháng cho em đi, mỗi ngày tới bữa em đến ăn. Hôm nào anh bận, thì báo trước, em sẽ đi ăn tiệm.”

Ông cười lịch sự đáp: “Cám ơn chị quá khen và đề nghị. Xin cho tôi suy nghĩ lại, xem có đủ sứcphục vụ chị không, rồi sẽ trả lời sau.”


Ông bóng bẩy nhấn vào hai chữ ‘phục vụ” làm bà kia đỏ mặt e thẹn. Ông không thể tưởng tượng nổi có người nào đó thay thế được vợ ông. Mỗi khi nói chuyện thân thiết với bà nào đó, mà trong lòng ông có dấy lên một chút cảm tình, thì ông thấy như mang tội với người vợ đã khuất, ông đã thiếu chung thủy. Cứ áy náy mãi.

Ông tham gia các chương trình du lịch xa, đi chơi trên du thuyền. Ông gặp nhiều bạn bè, đàn ông, đàn bà, cùng vui chơi. Tham dự các trò đùa tập thể trên du thuyền. Nhiều bà góa thấy ông cô đơn, nhắm muốn tung lưới bắt mạng, nhưng ông cũng đủ khôn ngoan để né tránh. Ông nói với bạn bè rằng, mình già rồi, khôn có lõi, không còn ngu ngơ dại dột như thời trai trẻ, để nhắm mắt chui đầu vào tròng.

Đôi khi ông cũng muốn có bạn gái, có chút chất “mái”, dù không làm gì được, nhưng mơ hồ thấy có sự thăng bằng nào đó trong tâm trí.





Ông đã cùng bạn bè tham gia các chuyến du lịch xa, Âu Châu, Ấn Độ, Phi Châu. Bây giờ còn đủ sức để đi, có điều kiện tài chánh thong thả, tham gia kẻo mai mốt khi yếu bệnh, khỏi luyến tiếc. Đi theo đoàn đông đảo bạn bè, thì giờ rất sát, eo hẹp, làm ông không kịp nghĩ, kịp buồn.

Trên du thuyền, gia đình người bạn giới thiệu bà Huyền cho ông, bà đẹp, duyên dáng, hơi trầm tư, đôi mắt mở to như khi nào cũng ngạc nhiên ngơ ngác, cánh mũi thon, môi hình trái tim chúm chím. Bà Huyền xa chồng đã hơn ba năm. Lòng ông Tư mơ hồ dấy lên chút cảm tình vì bà đẹp, hiền thục, ít nói. Mấy lần hai người ngồi gần nhau trong bữa ăn. Bà Huyền hé lộ một chút tâm sự riêng tư cho ông nghe, rằng bà may mắn chạy thoát đến Mỹ vào năm 1975, bà lặn lội thân cò nuôi chồng theo đuổi đại học trong bao nhiêu năm. Nhờ may mắn trong thương trường, tiền bạc có thời vô như nước. Gia đình vui vầy tràn đầy hạnh phúc. Rồi tai họa đổ xuống, chồng bà say mê một cô nhỏ tuổi hơn con gái ông, cô nầy làm công cho cơ sở thương mãi của gia đình. Ông chồng li dị bà để vui duyên mới. Bà nói rằng, chẳng trách gì ông, một phần cũng lỗi tại bà không phòng xa, để cho ông chồng và cô gái có dịp tiếp xúc thường xuyên. Lửa gần rơm thì phải cháy. Chia đôi gia tài, bà cho ông cơ sở kinh doanh, bà không cần làm nữa, tài sản có thể sống đến khi già chết.

Ông Tư cũng cảm mến bà Huyền vì cái giọng nói dịu dàng ngọt ngào, trái tim nhân áí, và tâm từ bi của bà cùng tấm lòng cao thượng. Khi nhắc đến ông chồng cũ phản bội mà không thù hận, không gay gắt giận hờn.



Bà Huyền biết kiên nhẫn lắng nghe, tôn trọng ý của người khác, dù có khi bất đồng quan điểm. Ông Tư cảm thương cho một người đàn bà biết điều như thế mà gặp phải hoàn cảnh không may. Cái tình cảm trong lòng ông đâm mầm nhú mộng êm ái. Đôi khi ông cũng giật mình, sợ trái tim ông yếu đuối, đổi cái quan hệ bạn bè với bà Huyền thành tình yêu. Ông không muốn mang mặc cảm phản bội bà vợ bên kia thế giới. Nhưng cũng là chuyện lửa gần rơm, mối giao hảo thân thiết của ông với bà Huyền càng ngày càng khắng khít. Đã có vài lần ông toan tính thổ lộ cho bà Huyền mối tình cảm chân thành của ông, nhưng rồi vốn nhát, nên lại thôi.


Ông tự cười, đã chừng nầy tuổi, trên đầu tóc trắng nhiều hơn tóc đen, mà vẫn còn nhút nhát như thời mười sáu tuổi. Cuối cùng, chính bà Huyền đã mở đường dẫn ông vào cuộc tình già. Khi ông đi gần đến quyết định mời bà Huyền về sống chung, thì bạn bè can gián, cho ông biết bà Huyền là một trong ba người đàn bà nổi danh đanh đá độc ác nhất của thành phố nầy. Ai cũng biết, mà chỉ riêng ông Tư không biết mà thôi. Ông không tin một vài người, nhưng phải tin khi nghe nhiều người khác nói. Ông quyết tâm tìm hiểu, và vô tình gặp ông Duẫn là người chồng cũ của bà Huyền trong một buổi họp mặt. Ông lân la đến làm quen. Thấy ông Duẫn hiền khô, không rượu, không trà, không cả cà phê thuốc lá, và nói năng lịch sự dịu dàng. Bạn bè lâu năm của ông Duẫn cũng xác nhận anh nầy là một ‘ông Phật đất’. Hoàn toàn không hề có chuyện gian díu với một người đàn bà nào. Bà Huyền cũng không nuôi ông Duẫn một ngày trong đời như bà nói, bà đã đặt chuyện, cứ nói mãi, nên tin là có thật.

Ông Tư mạnh dạn hỏi thẳng Duẫn: “Anh nghĩ sao, nếu tôi cưới bà Huyền, vợ cũ của anh?”

Ông Duẫn gãi đầu, và nói ngập ngừng: “Ô… ô, không nghĩ sao cả. Đó là chuyện riêng của bà ấy với anh. Tôi không can dự gì. Chúng tôi đã li hôn lâu rồi. Tại sao anh hỏi tôi câu đó?”


Ông Tư hạ giọng: “Không phải tôi xin phép anh, mà tôi muốn hỏi ý kiến của anh về bà ấy. Nhận xét của riêng tôi, thì bà Huyền là một người đoan trang, trinh thục, hiểu biết, có trái tim nhân ái. Nhưng theo nhiều người khác thì đó là một trong ba bà ác độc nhất của thành phố nầy. Có thật vậy không?”


Ông chồng cũ của bà Huyền ngững mặt lên trời mà cười ha hả: “Khoan khoan, đừng nói thế mà tội cho người ta. Phần tôi, nếu không nói tốt cho bà ấy được, thì cũng không có quyền nói xấu. Tôi không dám có ý kiến gì cả. Có thể bà ấy không hợp với tôi, nhưng lại hợp với người khác. Có thể tại tôi bất tài, không tạo được hạnh phúc cho gia đình. Biết đâu, bà ấy với anh đồng điệu, hai người có thể tạo nên thiên đàng dưới trần thế nầy.” 


Ông Tư ngại ngần và chùn chân, âm thầm lảng xa dần bà Huyền. Bà nầy biết được ý định, mắng ông Tư một trận nên thân, chưởi ông hèn nhát, bần tiện, keo kiết, không đáng xách dép cho bà. Ông Tư nghe xỉ vả chưởi mắng mà mừng húm. May mà chưa có cam kết gì với bà Huyền. Từ đó, ông đâm ra có thành kiến với bất cứ người đàn bà nào muốn tiếp cận với ông.



Ông Tư đã hết suy sụp tinh thần, tự tổ chức cho ông một đời sống có ý nghĩa, có nhiều niềm vui nhỏ nhặt trong đời sống, tránh xa mọi phiền toái của thế gian. Trong nhà ông treo một tấm biển lớn, chữ viết theo lối bút họa, ghi lời của một người bạn:

“Có thì vui. Không cũng vui. Được mất đều vui.”

Tràm Cà Mau.


Nguồn : http://motgocpho.com/

SONE TOSHITORA * NGƯỜI VIỆT NAM THẾ KỶ XIX



Trước năm 1975, ở Sài gòn có xuất bản cuốn sách Người Việt Cao Quí mà tác giả là người Ý tên A. Pazzi. Trong đó tác giả tâng bốc người Việt lên tận mây xanh, từ cách sử dụng đũa, chấm chung một chén nước mắm, v.v. Ai đọc cũng sướng vì được người ngoại quốc khen! Sau ngày Sài gòn đổi tên, trong một buổi nói chuyện về văn học tại miền Nam, tổ chức tại giảng đường Trường Đại học Sư
 phạm, diễn giả là Vũ Hạnh – một nhà văn CS nằm vùng – đã tiết lộ

chính mình là tác giả của cuốn sách Người Việt Cao Quí, chứ không phải A. Pazzi nào cả. Sự thực này đã làm mọi người chưng hửng và thất vọng vì chả có người ngoại quốc nào ca tụng người Việt là "cao quí" như đã lầm tưởng.
(Viêt cộng nói riêng, cộng sản nói chung, anh nào cũng dối trá)


Sách Người Việt Cao Quí
Dưới đây là một bài nhận xét khác về người Việt nam của một người Nhật, ông Sone Toshitora trong cuốn Pháp Việt giao binh ký, chép 


bằng chữ Hán, xuất bản lần đầu tại Tokyo năm 1886. Sone Toshitora   là một võ sĩ thời Bakumatsu, Đại úy Hải quân Nhật, được coi là nhân vật quan trọng nhất của thuyết Liên Á trong lịch sử cận đại Nhật Bản và là một trong những người sáng lập Hưng Á hội. 
Cuốn Pháp Việt giao binh ký do Nguyễn Mạnh Sơn giới thiệu và trong bài thỉnh thoảng có phụ chú của Nguyễn Thuật. Mặc dù đôi chỗ nhận xét của tác giả có vẻ chủ quan và "vơ đũa cả nắm" nhưng nói chung khá tinh tế và đáng cho chúng ta đọc để kiểm nghiệm về người mình. Phần dưới cùng xin gửi lại một số hình ảnh của VN hồi thế kỷ 19 để xem ông Người Việt Nam thế kỷ XIX qua lăng kính một sử gia Nhật Bản

THÂN THỂ
“Thân thể gầy còm, tinh thần suy yếu, tuy có khi sấn sướt làm mình ra mạnh mà rồi cũng trở nên biếng nhác tức thì. Có lẽ tại họ không có lòng kiên nhẫn. Bởi vậy, những việc khó nhọc lắm và phải làm lâu lai thì họ ắt không kham”.
“Người An Nam đa phần nhỏ thó, cái mặt trẹt, cái tai phẳng, cái mũi thấp, con ngươi đen, hơi giống người Tàu. Da hơi đen, có lẽ là bởi những người đó làm ruộng và dang nắng. Chứ còn như những người sang và các cô gái trẻ thì da cũng có trắng. Tuy vậy, đại để An Nam không có người đẹp. Người nào da trắng thì trắng như sáp, còn đen thì như đồng đen.

Cũng có người da hơi vàng, giống người Mông Cổ. Con trai con gái hồi còn trẻ tuy cũng có vẻ đậm đà dễ coi, nhưng sau khi có vợ có chồng rồi thì tuồng mặt đổi hẳn, không còn được như trước nữa. Cũng có nhiều kẻ tốt tóc, nhưng ngoài hai mươi tuổi thì tóc đã trở nên xác xơ, không láng ngời nữa. Họ thường búi tóc. Kẻ nào ưa làm dáng thì hay búi bằng chang, con trai con gái đều như vậy. Nhiều người mặt mày xấu xí, cách đi đứng quê kệch, lại từ đỉnh đầu đến gót chân, thường lộ ra những nét cong queo nghiêng lệch. Đó là tại hồi còn nhỏ, người mẹ hoặc người vú hay để đứa trẻ chàng hảng hai chân ngồi lên trên hai chân của mình mà cho ăn cho bú, nên lâu ngày rồi nó như thế”.

Nguyễn Thuật có phê rằng: “Dân cày và đàn bà nhà quê mới có nhiều người tuồng mặt xấu xí; chứ còn các hàng quan thân văn sĩ hầu hết người nào cũng có nghi dung tuấn tú, không phải xấu xí cả đâu”.

Y phục, trang sức


“Về y phục, đồ mặc thường của họ quá chật. Nhưng, đàn ông mặc như thế thì được tiện và nhanh nhẹn. Đàn bà, áo dài hơn đàn ông, may bịt bùng hết, không có chỗ hở da. Đó là vì ngừa thói dâm của phụ nữ mà khiến họ có sự bất tiện. Lễ phục thì hai tay áo dài và rộng”.


“Đàn ông, đầu đội khăn; đàn bà dùng cái nón lớn để che nắng che mưa. Dân thường thì dùng một miếng vải nhỏ che trên đầu; khi đi ra đồng, đội nón lá; còn miếng vải nhỏ, vắt trên vai để thay khăn tay. Đó là điều không giống với nước nào hết.”


“Họ lại có dùng cái dải trắng và đỏ đeo hai cái đãy ngang lưng, đó cũng là điều khác với các nước nữa. Trong đãy chứa trầu cau, trái trám, để ăn. Khi ra ngoài, đeo hai cái đãy trên vai. Trong nhà thì trưng bày những đồ như cái hộp bằng đồng hoặc bằng bạc để đựng trầu cau cùng vật ăn được”.


Nguyễn Thuật phê rằng: “Cái tục mang đãy nay không còn có nữa”.

“Họ thường ăn trầu cau hoặc trái trám, cho nên răng đều vàng ra hay đen đi. Đàn bà họ lại ưa dùng đồ trang sức bằng ngà voi”.

Nguyễn Thuật nói rằng: “Ăn trầu thì có; còn trái trám thì là thức ăn phụ, coi như đồ gia vị, chớ không dùng để ăn thường”.


Đi đứng


“Đàn ông đàn bà đi ra ngoài đều đi chân không. Duy có ông già cùng người đàn bà làm tốt thì có mang giày, mà giày thì ngắn, khi mang vào, thường để hai gót ra ngoài, cho nên dáng đi cũng xấu xí. Từ ngày có người Pháp đến ở trong nước, người An Nam nào có thông hôn với người Pháp thì có đi giày đen và tất trắng”.


Nhà cửa


“Nhà làm nhỏ hay lớn, cao hay thấp là tùy người giàu nghèo sang hèn khác nhau. Đại khái nhà đều thấp, tối tăm và xấu xí; cột dùng gỗ, nghèo thì dùng tre. Trên nhà, lợp bằng lá dừa nước, hoặc tranh, hoặc rạ; cũng có lợp ngói, nhưng phải là giàu mới lợp ngói được. Trong nhà chia làm mấy ngăn, ngăn bằng ván hoặc phên. Bốn phía tường dùng ván, có khi dùng lá dừa, nên hay bị mất trộm lắm. Đồ vặt trong nhà không có mấy, vài ba bộ ván hoặc giường để mà ngồi nằm, lại với tủ hoặc rương để đựng quần áo. Nhà giàu sang thì có cái kỷ nhỏ, bày đồ trà để đãi khách”.


Vệ sinh, ăn uống


“Người An Nam đến sự ở nhà không sạch sẽ, mặc áo quần dơ bẩn thì thôi, khắp thế giới không nước nào bằng! Cũng có kẻ mặc đồ hàng lụa, áo kép, áo lót, nhưng vẫn như là lam lũ. Thật ra thì kiểu y phục của họ không thích hợp với mùa lạnh mùa nóng, còn nhà thì không thích hợp với sự ăn ở. Họ hay ăn mặn quá hoặc cay quá, chua quá, cũng có thể tại đó mà thể chất trở nên yếu đuối, tâm thần trở nên thất thường. Lại thêm khí hậu không tốt, làm cho người suy nhược. Người An Nam ít sống lâu, trẻ con phần nhiều không nuôi được. Họ đẻ con rất dễ dàng, nhưng vì ăn ở bẩn thỉu, không biết vệ sinh cho nên chúng hay chết non. Từ ngày biết phép chủng đậu, trẻ con cũng có bớt chết”.


Tính cách


“Người An Nam không thiếu người có tài có trí. Họ có tánh giỏi nhớ, tuy chưa thể vào sâu trong mọi sự, chứ được cái học mau biết. Người Pháp đến An Nam mới mười năm nay mà người An Nam học tiếng Pháp cũng đã đủ dùng, nói chuyện thường không đến nỗi ngập ngợ; vả lại viết bằng chữ Pháp cũng được nữa.


Họ không phải là không dũng khí. Nếu cai trị có phương pháp, lấy pháp luật mà chỉnh tề, lấy đạo nghĩa mà cố kết thì sự dũng cảm của người An Nam được việc lắm, sẽ không có người nước nào ở Đông phương này bằng họ được. Nay vì sự cai trị lỗi phương, trên dưới không noi đường chính, cho nên lòng người tàn bạo và khinh bạc thật hết chỗ nói. Coi như giữa chỗ pháp trường, người An Nam đến coi tuy thấy sự thảm khốc trước mắt mà họ vẫn đứng hút thuốc tự nhiên, không hề có vẻ thương xót. Như thế là vô tình quá lắm, chứ có phải dũng gì đâu!


Người An Nam ưa giữ theo tục cũ những mấy trăm năm về trước. Sự ấy đã thành ra thói quen, không sao chữa được. Nhưng có một điều đáng quý là biết kính người trên và giữ pháp luật. Từ khi có giao thiệp với người Pháp, họ dần dần bỏ mất cái tính vâng lời ngoan ngoãn ấy đi mà lại cho mình như thế là khai minh tiến bộ thì thật đáng tiếc. Tuy vậy, những người Pháp ở An Nam lại còn ngang ngạnh quá người bản xứ nữa, người An Nam có thế nào cũng còn là hơn họ. Đối với người Pháp, người An Nam tuy có vâng lời cũng chỉ bề ngoài thôi, chứ thật ra thì ai nấy đều “dạ trước mặt, trỏ cặc sau lưng” vậy”.


“Coi bề ngoài thì người An Nam trong các xứ đều không khác nhau lắm. Nhưng xét kỹ mới thấy tài trí và dũng lực của người Nam Kỳ thật thua xa người Bắc Kỳ. Người Nam Kỳ gặp cảnh nghèo không chịu nổi, mà đến lúc giàu cũng không biết giữ cho bền. Người nước họ hạng trung bình, không giàu mà cũng không nghèo, thì cai trị không khó mấy. Đến những kẻ siêng ăn nhác làm, ham chơi bời quá chẳng may sa sẩy, hễ mất chỗ sinh nhai là hóa ra ăn trộm. Lại có kẻ nhờ thời may làm nên phú quý thì hay khoe khoang kiêu ngạo, làm phách với người dưới mà lờn mặt với người trên. Cho nên người ta hay nói: “Người An Nam không biết xử cảnh nghèo mà cũng không biết xử cảnh giàu”. Tóm lại, những sự ấy đều bởi tại giáo hóa chưa đến nơi.”


Nguyễn Thuật phê rằng: “Nghèo khổ mà đi ăn trộm, giàu sang mà đổ ra kiêu sa, đó chẳng qua trăm ngàn người mới có một hai người như vậy. Không phải hết thảy người An Nam đều thế cả. Cái đó cũng giống như các nước”.


“Người bản xứ hay đổi nghề. Có thể bảo họ là “vô hằng tâm [5]”. Người nào thấy một việc gì trúng ý mình thì nôn nả làm liền, lúc đầu dù có nhọc nhằn mấy cũng ráng chịu. Đến vài tháng hoặc vài năm, đã thấy lộ vẻ biếng trễ rồi, rốt cuộc công việc phải bỏ dở. Khi bỏ rồi, thấy không có nghề làm, lại muốn trở lại nghề cũ. Cái thói ấy, người Pháp muốn trừ đi cho họ, nhưng vì mới đến ở, chưa có thể được.


Phụ nữ An Nam có tài gánh gồng buôn bán ở các nơi phố chợ. Còn chồng họ thì ở nhà uống rượu nói chuyện với bạn bè hàng xóm, ngồi không mà hưởng của vợ làm ra. Cái thói ấy cho đến ngày nay thỉnh thoảng vẫn còn. Trẻ con mất dạy. Chúng nó cũng có học, nhưng chỉ học qua loa những sách dễ dễ của người Tàu. Người lớn không biết cách chỉ bảo trẻ con. Chúng có lỗi cũng không hay răn phạt. Bởi vậy trẻ con đều hung tánh, đến lúc lớn cha mẹ đối với chúng cũng chịu phép.


Con gái 14 tuổi trở lên, đã cho đi chợ bán hàng, ra chỗ đông người, rộn tai choáng mắt, sinh ra lắm điều tệ, thế mà cha mẹ cũng chẳng cấm ngăn, để muốn làm gì thì làm…


Người An Nam không có ý nỗ lực tấn tới, mà lại còn không biết biện biệt sự lợi hay hại, nên hay hư. Việc buôn bán trong nước, họ đều phó cho người Tàu, không ngó ngàng đến. Người Tàu ở đó hay rủ nhau hùn vốn lập công ty để buôn. Buôn có lời, họ lại chia ra và lập thêm công ty khác. Còn người bản xứ thì sẵn tánh khinh bạc, hay nghi ngờ nhau, chống báng nhau, không lập công ty được; cho nên mối lợi trong nước đành phải để cho người Tàu tóm thâu. Người trong nước ưa lấy sự trá ngụy để lừa dối nhau, không ai tin ai được cả. Rất đỗi bà con quen thuộc cũng không có thể tin cậy nhau được. Đây thử cử ra một sổ vay nợ để làm chứng: Người cho vay đặt ra quy điều để ngừa giữ rất nghiêm nhặt, nhưng thường không khỏi bị gạt. Vì họ cho vay ăn lời nặng quá, có khi số lời gấp đôi số vốn, thì dễ gì mà trả được? Té ra sự gạt nợ cũng tại chủ cho vay tự mình chuốc lấy”.


Dù nội dung sách vẫn còn nhiều điểm cần phải bàn bạc lại, đánh giá lại nhưng Pháp Việt giao binh ký vẫn là một trong những tập tư liệu hữu ích, nhiều hình ảnh thú vị cho các nhà nghiên cứu về quan hệ Pháp Việt và phong tục, văn hóa, địa lý… nước ta vào cuối thế kỷ XIX.
***

Exif_JPEG_PICTURE

Pháp Việt giao binh ký – Một tài liệu quý cho sự tu sử nước nhà


Pháp Việt giao binh ký là cuốn sách chép cuộc chiến tranh của nước Việt Nam với nước Pháp từ những năm đầu triều Nguyễn đến những năm 1880. Nội dung cuốn sách chủ yếu xoay quanh mấy vấn đề như địa lý, phong tục, sản vật, diên cách lịch sử Việt Nam, mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam cùng cách thức mà Trung Quốc và Việt Nam đối phó với Pháp.


Tác giả của Pháp Việt giao binh ký là Sone Toshitora (曾根 俊虎/ Tăng Căn Tuấn Hổ) (1847-1910), một võ sĩ thời Bakumatsu (幕末/ Mạc mạt), Đại úy Hải quân Nhật Bản, được coi là nhân vật quan trọng nhất của thuyết Liên Á trong lịch sử cận đại Nhật Bản và là một trong những người sáng lập Hưng Á hội. Sone Toshitora từng là học trò của Watanabe Hiromoto (1848-1901), Fukuzawa Yukichi (1835-1901) và Yoshida Kensuke (1838-1893).


Pháp Việt giao binh ký chép bằng chữ Hán, xuất bản lần đầu tại Tokyo (Đông Kinh), Nhật Bản, năm Minh Trị thứ mười chín, tức là năm 1886. Sau này ảnh ấn của cuốn sách được in trong Cận đại Trung Quốc sử liệu tùng san, tập 62 近代中國史料叢刊第六十二輯, xuất bản năm 1966, Văn Hải xuất bản xã, tại Đài Bắc.


Về cuốn sách Pháp Việt giao binh ký, Nguyễn Thuật hiệu Hà Đình trong Vãng tân nhật ký [1] cũng có ghi lại đôi dòng: “Ngày 6 tháng 12 năm 1883, Tăng Căn Khiếu Vân [2] 曾根 嘯雲 đến thăm, tôi và ông ấy ngồi ở đình Vọng Sơn, trò chuyện hồi lâu. Khiếu Vân có lấy ra hai cuốn sách cho tôi xem, một cuốn là Nam phiêu ký sự 南漂記事 trong sách đề năm Khoan Chính thứ sáu (năm thứ 59 niên hiệu Càn Long triều Thanh, năm thứ 56 niên hiệu Cảnh Hưng triều Lê nước ta, tức là năm 1794)… Một cuốn nữa là Pháp Việt giao binh kỷ lược 法越交兵紀略 ghi chép rất nhiều câu chuyện, bài viết được đăng trên nhật báo, quá nửa là sai lầm, không chính xác. Nên ông ấy có nhờ tôi nhuận chính lại, tôi có rút bỏ khoảng hơn mười bài, giản lược bớt và sửa chữa…”[3]


Trong lời tựa đầu sách, Sone Toshitora cũng có trình bày đại ý việc biên soạn Pháp Việt giao binh ký vì ông thấy các cường quốc Âu châu đang xâm chiếm các nước Đông phương, trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam là những nước đồng văn đồng chủng, cùng chung giáo hóa, thì lấy làm lo nên đã đứng ra lập một hội, với mục đích bênh vực các nước Đông phương, gọi là “Hưng Á hội”. Vì vậy xuyên suốt cuốn sách này, Sone Toshitora chỉ ra hết những biện pháp bóc lột của Pháp, rồi một mực kêu gọi, hô hào các chí sĩ châu Á ra tay cứu giúp một nước đang trong cảnh nguy vong là nước Việt Nam.


Thời ấy, Sone Toshitora cũng giao lưu với nhiều anh tài Trung Hoa, như Vương Thao, một nhà báo trứ danh ở Hương Cảng. Vương Thao cũng là một tay quen biết rộng nhiều, hay thư từ qua lại với một số vị đại thần nước ta như Phạm Phú Thứ, Nguyễn Tư Giản. Vì thế, khi Nguyễn Thuật đi sứ sang Tàu, nhờ Vương Thao giới thiệu, có được đọc qua bản cảo Pháp Việt giao binh ký của Sone Toshitora và có để ít nhiều lời bình trong sách.


Do vậy khi cuốn sách được đem in, ngoài Sone Toshitora đứng tên ra, thì trên bìa sách người ta còn thấy có đề tên Nguyễn Thuật, Hà Đình, người Việt Nam đứng hiệu duyệt kế sau Vương Thao, người Tàu đứng san toản. Và trong sách thỉnh thoảng cũng có những lời phê vắn tắt của ông Nguyễn Thuật, nhưng rất ít.


Cuốn sách bao gồm 5 quyển, với rất nhiều lời đề tựa của Taruhito (熾仁); Yokoi Tadanao (横井 忠直); Akamatsu Toriyoshi (赤松 則良); Kawada Oukou (川田 甕江); Kurimoto Joun (栗本 鋤雲); Vương Thao (王韜); Ngũ Diên Phương (伍廷芳), Sone Toshitora… Nội dung cuốn sách chủ yếu là tổng hợp thông tin về tình hình chính trị Pháp – Việt trên nhật báo Việt Nam, Hồng Kong, Trung Hoa. Tuy nhiên trong quyển đầu, Sone Toshitora cũng dành một vài trang để viết về tính cách, phong tục, ăn ở… của người Việt. Mặc dù có nhiều chi tiết ngày nay không còn chính xác nữa nhưng đó cũng được coi như tấm gương phản chiếu để người Việt nhìn lại chính mình của hơn một trăm năm về trước.
TP.HCM, 10/8/2016
Nguyễn Mạnh Sơn

[1] Về tác phẩm Vãng Tân nhật ký của Nguyễn Thuật, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân đã có bài viết Lược tả về sách Vãng sứ Thiên Tân nhật ký của Phạm Thận Duật và Vãng Tân nhật ký của Nguyễn Thuật, đăng trên Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (71). 2008, trang 110-117.
[2] Khiếu Vân là bút hiệu của Sone Toshitora.
[3] 阮述《往津日記》Nguyễn  Thuật  Vãng  Tân  nhật  ký, Trần  Kinh  Hòa  biên  chú,  Hương Cảng Trung Văn đại học – Trung Quốc văn hóa nghiên cứu sử liệu tùng tan (tập 1), Trung Văn Đại học xuất bản xã, Hương Cảng, 1980, trang 59.
[4] Pháp Việt giao binh ký được học giả Phan Khôi trích dịch (chúng tôi có sửa vài chữ khi trích dẫn) đăng trên tạp chí Sông Hương, Huế, năm 1937.
[5] Vô hằng tâm: Không có lòng bền bỉ, kiên trì.
______________________________ ____________

23 bức ảnh hiếm về Việt Nam cách đây hơn 100 năm   4/02/2017

Những bức ảnh hiếm còn sót lại của Việt Nam xưa những năm 1850-1950 dưới đây sẽ giúp chúng ta hình dung được khung cảnh Việt Nam trong quá khứ. Mời các bạn cùng xem.
Gánh phở rong trên phố Hà Nội năm 1890. (Ảnh: Internet)
Võng quan đi công chuyện 1890. (Ảnh: Internet)
Một ngôi làng ở ngoại ô Hà Nội 1890. (Ảnh: Internet)

HUỲNH TÂM * NỮ TÙ BINH VIỆT NAM



Nữ tù binh VN tại Trung Quốc 1979-1989
bị lính Trung cộng hiếp dâm nhiều lần, khi mang thai bị giết rất dã man
Huỳnh Tâm

Đầy đủ tài liệu để đọc về sự dã man mọi rợ của Tàu cộng đối với kẻ thù của chúng đặc biệt tội ác quá kinh tởm và hãi hùng với nữ tù binh Việt Nam. Đọc để rõ tương lai khủng khiếp một khi đất nước nằm trong tay bọn ác quỷ này , số phận người dân Việt không hơn số phân con vật-con heo hay con trâu
Tù binh chiến tranh Việt Nam-Trung Quốc 1979-1989 –
Kỳ 1 (Huỳnh Tâm)



Chiến tranh biên giới VN-TQ, ngày 17/2/1979-1989. Trên 421 nữ tù binh Việt Nam tại trại Lâm Sơn (林山),
Bác Lý Hà (八里河), và Đông Sơn (东山) tỉnh Vân Nam, Trung Cộng.
Nguồn: Tài liệu Huỳnh Tâm. [1]
LTG. Năm 1986, chúng tôi có dịp đi những chuyến thực tế tại biên giới Việt Nam-Trung Quốc, được biết một phần về trại tù binh Lâm Sơn (林山), Bác Lý Hà (八里河), và Đông Sơn (东山), ngày nay những địa danh này thuộc về lãnh thổ Vân Nam, Trung Quốc. Trên đường đi gặp những nữ tù binh Việt Nam, họ rơi vào tình cảnh chiến tranh quá khủng khiếp, thân phận trôi nổi, bị hảm hiếp, phanh thây, xác vùi dập đó đây khắp nẻo rừng sâu nước độc.

Từ đó đến nay chúng tôi tưởng chừng quá khứ đã quên đi ký ức của mình. Nay có dịp tiết lộ về thân phận của nữ chiến binh đã bị nhà nước lãng quên sau chiến tranh. Trong khi ấy đảng Cộng sản hưởng thụ trên xương máu của nữ chiến binh, bỏ lại sau lưng những linh hồn phụ nữ Việt Nam cao quý.

Viết về những sự kiện mắt thấy tai nghe với những tham khảo hồ sơ lưu tại Ban tuyên giáo của Quân ủy Trung ương Trung cộng, cùng những lời chứng nhân tường thuật từ cõi tù binh vọng về. Rất tiếc thương cho họ đã sống không ra kiếp người và chưa bao giờ tiếp nhận được một đoái hoài của nhà nước Cộng sản Việt Nam, sau khi kết thúc chiến tranh tại biên giới Việt Nam-Trung Quốc vào thập niên (1979-1989).

Đến hôm nay những mãnh đời tù binh sẽ xuất hiện để người đời nhớ mãi không quên chiến tranh Việt Nam-Trung Quốc.

Dấu ấn tù binh chiến tranh 1979-1989.

Chiến tranh biên giới Việt Nam-Trung Quốc, hơn mười năm (1979-1989), đã từng xuất hiện nhiều trại nữ tù binh Việt Nam tại Vân Nam. Nơi tăm tối nhất đe dọa đời sống, họ phải chịu đọa đày vô cùng tàn nhẫn, cắt đứt đường liên lạc với thế giới bên ngoài, những tin tức về họ hầu như biến mất trên cõi đời này cho đến ngày nay!

Ba mươi sáu năm trước (1979-2015), cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung vẫn còn mãi dư âm một thời đẫm máu nhất thế kỷ, thế nhưng ít ai biết. Trong chiến tranh, cả hai bên binh sĩ đã bị bắt. Tù binh Việt Nam không được hưởng ưu đãi quy ước chiến tranh. Trung Quốc đã vi phạm những tội ác ghê tởm trong cuộc chiến tranh biên giới.

Nữ tù binh Việt Nam bị lính Trung Quốc lạm dụng vô cùng tàn nhẫn.

Một khi nữ tù binh Việt Nam rơi vào phía Trung Cộng, sợ nhất những con người trần trụi bám vào thân nữ tù, người lính Trung Cộng lập tức hiếp dâm, đôi lúc lặp đi lặp lại nhiều lần, vì vậy có một số nữ tù binh mang thai, sau đó bị xẻ tay chân lìa thân thể! Một số tù nhân nữ chết, chôn vùi, lấp vội.

Đôi khi, chúng tôi gặp những thi thể trên bãi cỏ dưới triền núi, đôi mắt loay hoay nhìn kỹ không khác một con hải cẩu nằm bãi biển, thực ra những người nữ chiến binh đã chết bằng hình thức nào chỉ thấy trơ trụi không có chân tay, thi thể quá kinh hãi, đó là người nữ chiến binh Việt Nam bị quân đội Trung Cộng hảm hiếp sau đó cắt đứt tay chân!





Ấn phẩm truyện tranh của Họa sĩ Thiết Huyết (铁血); Cho thấy cảnh tù binh bị lính Trung Cộng hảm hiếp tập thể,
đã phản ánh chiến tranh biên giới VN-TQ. Điển hình những nữ tù binh Việt Nam, đang bị an ninh quân đội Trung Quốc tra tấn.
Họ phải chịu đựng mọi thử thách qua nhiều năm trong chiến tranh. Cán bộ quản chế nhà tù tàn bạo đối với những nữ tù binh,
cuộc đời và cái chết trên chiến trường quá bi thảm, Trung Quốc đối sử độc ác, không còn tính nhân đạo,
ngoài ra còn có nhiều nữ tù binh chết sau khi cưỡng hiếp tập thể.
Nguồn: Lịch sử diễn đàn Trung Quốc loan tải. [2]
Việt Cộng-Trung Cộng trao đổi tù binh chiến tranh, nữ tù binh xuất hiện chân dung chờn vờn như một bóng ma, mất hết sắc diện người phụ nữ Việt Nam, trong trận chiến lính Trung Quốc bắt được một nữ tù binh gọi là “con dấu”, được xem như độc quyền chiến lợi phẩm, nữ tù binh chỉ còn đôi hàm răng cắn chặt vào nhau, sang bên kia thế giới không thể chấp nhận con ác quỉ dục tính Trung Cộng!



Nữ tù binh Việt Nam bị hảm hiếp, sau đó đốt cháy thủ tiêu. Cảnh này chúng tôi đã nhìn thấy trên chiến trường,
và những chứng nhân tường thuật lại trong cuộc chiến tranh biên giới VN-TQ.
Nguồn: Tài liệu Huỳnh Tâm.


Ngoài ra, chúng tôi còn chứng kiến một bệnh viện dã chiến của Việt Nam bị Trung Cộng tấn công, hàng trăm người bị thương, lính Trung Cộng bắt sống nữ y tá làm phương tiện sinh lý, cực kỳ tàn nhẫn. Vào lúc này những người lính Trung Quốc sai khiến nữ tù binh làm gái giải sầu, bằng cách đe dọa thủ tiêu hay cho tàn phế.

Một người nông dân Nùng nói với chúng tôi.

“Tất cả các con chim sẻ đều sợ hãi khi nghe tiếng súng nổ”, như nữ tù binh rơi vào cảnh quá thương tâm. Điều này cho thấy tù binh có hai lần bại trận, dù trước đó họ ý thức chính trị, và người thanh niên cất cao tư tưởng chiến đấu vì đảng nhưng hôm nay họ là bao thịt không giá trị đối với đảng “Bác”.

Nông dân Nùng cho biết. Trước năm 1977 đã có nhiều binh sĩ Trung Quốc tiến vào biên giới Việt Nam. Thanh niên trong làng tham gia vào lực lượng dân quân, thường xuyên tổ chức đánh đuổi chúng, đôi khi có những nữ dân quân xa vào phục kích Trung Quốc từ đó họ mất tích. Dân làng cảnh giới trước đã nói rằng Trung Quốc sẽ khởi động một cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, do đó trên núi đã lập những đường mòn nhỏ, bố trí nhiều trạm kiểm soát của dân phòng.

Chúng tôi hỏi về quan điểm của người Trung Quốc,

Ông lặp đi lặp lại, Trung Cộng tuyên truyền vô lý, Việt Nam sẽ có âm mưu xâm chiếm biên giới Trung Quốc, cho nên dân quân cố gắng kiểm soát biên giới, chiến tranh bùng nổ, dân làng mang thức ăn chia xẽ cho dân quân để đề phòng địch và gìn giữ đồng ngô, khoai. Vào tháng 2 năm 1979, dân quân chiến đấu không may đã tử thương 71 thường dân, 153 thương nhẹ, 27 nữ, và 56 nam thanh niên làm tù binh, cán bộ cấp xã mất tích 5 người. [3]

Năm 1989, được biết Quân đội nhân dân Việt Nam có đến 10% nữ làm tù binh, chính quyền Việt Cộng dối trá chưa bao giờ tuyên bố con số tù binh nằm trong tay Trung Cộng, Cộng sản thống trị đất nước nhưng hẹp hòi tính dân tộc, đứng trước Trung Quốc đem lòng sợ hãi.

Nữ tù binh có bốn đặc điểm.

– Tình cảm, gia đình coi trọng nặng hiếu, hầu hết các tù nhân nữ không có ý định đào thoát trại giam, ở tù một vài ngày đã nhớ đơn vị, nỗi nhớ nhà cũng không kém, đôi khi khóc về thân phận. Thường thích trao đổi với nam tù binh, có nhiều người mở cửa cho nam tù binh tán tỉnh.

– Nữ tù binh bắt đầu nhút nhát, thích nói dối, họ chú ý học tập chính sách khoan hồng. Khi cán bộ quản chế giáo huấn cũng nói dối để che đậy những ý tưởng riêng của họ, một số gián tiếp trốn tránh câu hỏi về đảng CSVN, nữ tù binh có nhiều lo âu, nếu gặp phải hiểu lầm tình báo của địch hay nội gián sẽ có hậu quả khôn lường.

– Họ thường bận tâm cho những nam tù binh, thậm chí họ không quan tâm bản thân.

– Tuy ở tù vẫn tìm hiểu thân thế nam tù binh không nghi ngờ đối tượng, hy vọng ngày về hứa hẹn hạnh phúc.

Tuy nhiên, những nữ tù binh này không được về lại quê hương, sau khi trao trả tù binh, Việt Cộng lập tức phi tang họ trong rừng sâu. Cho đến ngày nay nhân dân Việt Nam không hề biết thân phận của tù binh chiến tranh sống chết thế nào! Việt Công không công bố vì bí mật quốc phòng.

Theo đặc điểm sinh lý của nữ tù binh trong cuộc sống tù binh, sau khi nhập trại giam họ sống rất là đặc biệt do thiếu chăm sóc vệ sinh, Trung Cộng không cung cấp điều này, họ phải xé áo quần làm băng vệ sinh, tù binh không được hưởng quy định quần áo cần thiết, cũng không có phương tiện trang điểm như bàn chải, gương, kẹp tóc, giấy vệ sinh, đồ lót phụ nữ, khó khăn hơn họ không có hoặc ít được tắm rửa, giặt giũ quần áo. Nếu có quan khách đến thăm, cai nhà tù tổ chức các hoạt động giải trí nhưng do nữ tù binh thực hiện theo trò vui dân gian bình thường.

Trung Cộng thực hiện mục tiêu quản lý khắt khe đối với nữ tù binh quân sự, giáo huấn theo quan điểm Mao. Đặc điểm Trung Cộng tuyên truyền chính sách chiến tranh “Tự vệ”. Cố gắng loại bỏ quan điểm thù địch. Thậm chí có nữ tù binh ham sống sợ chết nói:

“Nếu ai đó hỏi tôi những gì Trung Cộng tốt nhất, tôi sẽ trả lời Trung Cộng chiếm được Việt Nam là tốt nhất”. bởi họ đã bị lột võ biến chất trở thành tình báo trong trại tù. Có một số nữ tù binh không hài lòng cách phát biểu trên.



Những nữ tù binh Việt Nam bị Trung Cộng trói thắt gút tay chân, cho dễ tra tấn và di chuyển không sợ tẩu thoát
Nguồn: Tài liệu Huỳnh Tâm.
Tù binh nam và nữ quản lý riêng biệt, không được thường xuyên liên lạc và trao đổi chỉ hiểu nhau bằng tác động. Một số tù binh nam yêu cầu chung sống và khuyến khích nữ tù binh tuyệt thực, nhà tù mạnh tay kiểm tra hành vi bạo động, sử dụng các nữ tù binh lớn tuổi quản lý tình cảm trong các buổi giáo huấn, sau khi nhà tù quản lý chặt chẽ, kết quả chấm dứt một phần bạo hành tình dục giữa nam và nữ tù binh.

Nhà tù tích cực quan tâm, quản chế hành động của nữ tù binh vì dễ quản chế hơn nam tù binh. Họ chú ý quản chế những tù binh tâm thần, bởi họ thường hô to “chúng tôi ủng hộ Việt Nam” và cũng đôi khi “ủng hộ Trung Quốc”. Có vài vụ nữ tù binh sau khi sẩy thai, cán bộ kịp thời quản lý, nuôi-nhốt chung với tù binh bị bệnh nhưng không cho bác sĩ chăm sóc.

Trong cuộc chiến tranh biên giới, có những nữ tù nhân tay chân co rút, người trần trụi, bởi nhiều vết thương lâu ngày lở loái, cũng có những hình ảnh phụ nữ bị cháy đen vì bom đạn và bị lính Trung Cộng thủ tiêu bằng cách đốt cháy. Phóng viên Trương Tiệp Lực tiếp cận cô Triệu Mai tặng một bánh thực phẩm khô, cùng với một bi-đông nước. Lúc đầu sợ hãi, sau đó chúng tôi thấy Trương Tiệp Lực chân thành, khuyến kích cô uống gần hết bi đông nước, sau đó mới lấy lại được hơi thở.

Cán bộ quản chế nhà tù sử dụng nhiều hành động bất nhã đối với nữ tù binh chiến tranh. Họ không thể tránh những nông nỗi sợ hãi, đôi mắt nhìn lên bầu trời xanh, tay chân run rẩy từng hồi và khóc, khóc mãi!


Huỳnh Tâm
Tù binh chiến tranh Việt Nam-Trung Quốc 1979-1989
Kỳ 2 (Huỳnh Tâm)

Trại tù Bác Lý Hà (八里河) tăng cường đội ngũ cai tù, đẩy mạnh quan điểm chiến tranh “tự vệ”, chủ yếu giáo huấn nữ tù binh Việt Nam thấm nhuần tư tưởng thân Mao. Quản lý tù binh sống trong giam cầm chặt chẽ, về cơ bản cải tạo tù binh có mối quan hệ tốt với nhà tù, dần dần sâu đậm đem lòng cảm kích Trung Cộng.



Xe bọc thép Trung Cộng thuộc Trung đoàn 55, đang làm nhiệm vụ thảm sát trại nữ tù binh Việt Cộng.
Những tù binh còn sống họ khai thác tình dục, đối sử bất lương, mỗi khi có bệnh nhân, bác sĩ không quan tâm, cai tù lạnh nhạt.
Họa sĩ Thiết Huyết, loan tải trên Lịch sử diễn đàn Trung Quốc.

Đặc biệt nữ tù binh có một số làm rối loạn trật tự, mục đích tập trung vào mối liên hệ nam nữ, một số ít nữ tù binh công khai quan điểm chiến tranh biên giới của Trung Cộng. Nhà tù tăng cường quy định giáo dục và phê bình chiến tranh, nhưng không làm tổn thương lòng tự trọng của họ. Từ khi có các biện pháp quản lý chặt chẽ được hiệu quả, không còn hiện tượng ăn mòn tâm trí của nữ tù binh. Có một số tù binh cẩn thận phát biểu về sự tra tấn của ban quản chế trại tù, do đó, các nữ tù binh Việt Nam đã trải qua những thay đổi quan điểm lên án Việt Cộng thân Trung Cộng, lúc này trong lòng họ xuất hiện nhiều câu chuyện lẫn lộng dối trá trong chiến tranh.

Cai tù Danh Khiếu Đinh, và Vương Việt Quân cho biết những nữ tù binh nhập trại càng ngày càng đông, họ là lính của Quân đội Nhân dân Việt Nam, nay họ được giáo huấn tư tưởng Mao Chủ tịch, cho thấy những nhà lãnh đạo thối nát hiện trên khuôn mặt chế độ chủ nghĩa bá quyền Việt Nam. Ông thẳng thừng phát biểu: “Chúng tôi, và người dân Việt cũng đều muốn sống trong hòa bình, xây dựng tư hữu quốc gia, nhưng các nhà lãnh đạo Việt Nam đi với Liên Xô, việc thực hiện chính sách mở rộng, tham gia chủ nghĩa bá quyền bất kể cuộc sống và cái chết của con người, sở dĩ Trung Cộng mở cuộc chiến tranh “tự vệ”, cơ bản cho Việt Cộng một bài học”.



Trên chiến trường biên giới Việt Nam-Trung Quốc 1979-1989.
Nữ tù binh Việt Cộng bị đánh đập, tra khảo, lấy khẩu cung và làm mồi tình dục cho lính Trung Cộng.
Họa sĩ Thiết Huyết, loan tải trên Lịch sử diễn đàn Trung Quốc.

Chiến binh Nguyễn Thị Liễu, phục vụ trong Quân đội Việt Cộng sau khi bị thương và làm tù binh, cô thất vọng ngày đêm phá vỡ nước mắt, cô phải vật lộn để ngồi dậy từ trên đôi cáng, đưa cô vào trạm xá dã chiến nghỉ qua đêm, cô vội vàng trốn nhưng không thoát khỏi bàn tay hảm hiếp, tràng trề nước mắt, đầu hàng: “Việt Nam sẵn sàng tuyên bố bất khả chiến bại. Việt-Hoa mãi mãi tình bạn!” Cho thấy chỉ có tinh thần chiếu đấu của người Cộng sản sợ kẻ thù muôn kíp, còn cảm ơn các lực lượng vũ trang và chính phủ Trung Cộng!

Những tình báo Trung Cộng so sánh, nếu đem trại tù binh chiến tranh của Trung Quốc có thể tương đương với Đức Quốc Xã. Việt Cộng-Trung Cộng không đề cặp đến vì nó là tội ác chiến tranh, đáng trách Việt Cộng không lên tiếng tố cáo Trung Cộng có phải vì lý do khiếp nhược.




Xe bọc thép Trung Cộng T-62 cỡ nòng trơn 115-mm, tầm hoạt động trên địa hình xấu là 320 km, trên đường bằng phẳng 450km,
trước khi viên đạn ra khỏi nòng, những nữ tù binh Việt Nam bị treo lên đại pháo sẽ nhận được độ nóng và độ giật, rồi chết,
đây là một lối tử hình tù binh trong chiến tranh Việt Cộng-Trung Cộng 1979-1989.
Họa sĩ Thiết Huyết, loan tải trên Lịch sử diễn đàn Trung Quốc. [2]

Năm 1970, Cán binh Việt Cộng Phùng Bảo Hiến đã từng bị VNCH bắt làm tù binh, không may, nay làm tù binh lần thứ hai dưới tay người anh em Trung Cộng, ông nói:

“Tôi đã bị VNCH bắt làm tù binh, nhốt tại trại Phú Quốc, một đảo chuyên về ngư nghiệp của những người giàu có, các doanh trại được bao phủ bằng tấm lưới sắt, thông qua các hàng lang trại, mọi người ngủ rộng rãi, ăn uống thừa thải, ngủ trên tấm phản xi măng có chiếu, màn chống muỗi, một năm nhận được ba bộ quần áo, cấp giày, dép, phương tiện vệ sinh rất tốt. Cổ phần mỗi ngày, ăn sáng, trưa và chiều có rau, cá, thịt, trứng, nước mắm, đường và sữa.

Còn cho thân nhân gửi tiền mua thuốc lá, bánh kẹo v.v…không bị đánh đập, cho nghe đọc báo đài, tự do tập thể dục và chơi thể thao, tổ chức văn nghệ, đờn ca lúc nào cũng thuận tiện, tự do tín ngưỡng có nhà nguyện, chùa và thánh thất rất chu đáo. Trừ phi tù binh vi phạm kỹ luật trại, nếu nhẹ ngủ một đêm trong căn phòng tối, hoặc không cho ăn rau, trốn trại tù binh phải chịu phạt ngồi trên dây thép gai một buổi.

Trước khi tôi bị bắt, trái tim rất sợ hãi, nhưng bây giờ chúng tôi sống quá tốt, cảm thấy nhẹ nhõm. Chính sách VNCH đối xử nhân đạo với tù binh, tôi ngưỡng mộ điều này, chỉ có chính phủ VNCH xử lý rất ưu đãi duy nhất trên thế giới về tù binh chiến tranh. Có vào nhà tù mới biết đâu là chân lý, tôi xin chân thành cảm ơn VNCH!”

Trong khi ấy chúng tôi ở tù tại trại Đông Sơn (东山) tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, sống và học tập theo Mao, thiếu thốn tối thiểu nhu cầu thiết yếu hằng ngày, chịu đựng tra tấn “7 không”. Không khiếu nại, nguyền rủa, nói chuyện, ăn mặt, phát biểu, phương tiện sinh hoạt tập thể, liên lạc trong ngoài trại. Và “5 học tập” theo quy định của nhà tù: Học tập theo gương Mao Chủ tịch, chiến tranh “tự vệ”, ăn năng hối cải, tù binh gương mẫu, chấp hành quy định nhà tù. Người bị tù như chúng tôi đã hết không còn hy vọng để sống.






Nữ tù binh trên đường chuyển trại.
Họa sĩ Thiết Huyết, loan tải trên Lịch sử diễn đàn Trung Quốc.
Những tù binh sau khi giáo huấn, phát biểu theo cảm hóa:
Dương Đức Bình cựu chiến binh Việt Minh hoạt động quân báo, trong thời chiến tranh chống Quốc Dân Đảng đã có mười lần đến Trung Quốc tiếp nhận nguồn cung cấp chiến tranh cho Việt Nam và giao thông vận tải nói:

“Trong chiến tranh đời tôi quá trớ trêu đã từng làm tù binh của Trung cộng, từ đó hóa thân sâu sắc và nhận rõ đâu là giáo dục của nhà tù chiến tranh”.

Ô Mai Liêu một tù nhân chiến tranh cho biết:

“Tôi là một chứng nhân của Trung cộng chân thành truy tố chiến tranh Việt Nam-Trung Quốc. Họ tuyên truyền dối trá và bóp méo sự thật tù binh trong chiến tranh 1979-1989, đôi khi vu khống sai thực tế”.

“Họ rêu rao tối ngày về tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước và những nỗ lực để khôi phục lại các nhân chứng, nhưng không bao giờ thực hiện bất kỳ điều nào”.

“Sau khi học tập vì sợ hãi người tù phát biếu như một, tất cả mọi thứ nghe một chiều. “Trung Cộng giáo dục những thế hệ tương lai trân trọng tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước và phục hồi tình hữu nghị Việt Nam và Trung Quốc đã một lần chiến tranh tự vệ”.

Tù binh Nguyễn Đinh Chí cho biết:

“Trong những năm qua, Trung cộng viện trợ cho Việt Cộng vô điều kiện, cho dù đó là vũ khí đạn dược, hoặc gạo, vải, thậm chí cả giày và vớ, bàn chải đánh răng và những vật dụng cần thiết hằng ngày, cuộc xung đột vũ trang tại biện giới vào những năm 1979-1989, các nhà chức trách Việt cộng-Trung cộng đã biết trước”.

Cai tù Ngô Hiểu Khoa (Wu Division) cho biết:

“Tôi là người Việt Nam, lớn lên ăn cơm của Trung cộng, bây giờ mặc đồng phục viện trợ Trung cộng, cao hơn tôi phải sử dụng vũ khí Trung cộng để chống lại nhân dân Việt Nam, mà tôi đã tham gia chiến tranh xung đột biên giới 1989, hồi tâm tôi là người bất lương, sau khi hoàn tất nhiệm vụ cai tù giết lại người Việt”.

Huỳnh Tâm
Tù binh chiến tranh Việt Nam-Trung Quốc 1979-1989 –
Kỳ 3 (Huỳnh Tâm)

No comments:

Post a Comment