Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Tuesday, 28 February 2017

TRỊNH BÁCH * MỒNG MỘT TẾT HÀ NỘI

Tản mạn mồng một Tết ở Hà Nội


Cụ đồ giải thích chữ nghĩa cho khách trẻ.
Cụ đồ giải thích chữ nghĩa cho khách trẻ.
Khí hậu Tết ở Hà Nội năm nay nóng nực khác thường. Mọi năm thì ngay như người Âu Mỹ lúc này cũng phải mặc parka. Vì thế cho nên tình trạng hoa Tết chán lắm. Nắng ấm lâu quá khiến hoa đào nở gần hết hồi Tết Tây, đến Tết Nguyên Đán chẳng còn mấy. Chợ hoa èo uột chả có gì. Không hiểu có phải vì thế hay không mà năm nay có mode mua cây cảnh mini (không phải bonsai). Không hẳn là theo thời thượng, nhưng cũng may tìm được mấy thứ mini khá đẹp mà lại rẻ: cành đào bé tí, cao chỉ hơn 2 gang tay, nhưng có dáng rất đẹp, lại nhiều nụ. Và đêm giao thừa hé nở nụ đầu. Thủy tiên cũng hàm tiếu nụ đầu đêm giao thừa. Tìm được cây quất bé tí để trên bàn chơi, quả cũng khá sai, mà chỉ gần 2,5 đôla.
Đào lẫn Thủy tiên cùng hàm tiếu nụ đầu đêm Giao thừa.
Đào lẫn Thủy tiên cùng hàm tiếu nụ đầu đêm Giao thừa.
Tối 30 năm nay sau khi cúng Giao thừa tôi không đi đền Bích Câu, nơi thờ Trần Tú Uyên, như mọi năm, mà đi chùa Huy Văn gần nhà hơn (gần ngay bên kia đường, vào trong ngõ Văn Chương có mấy chục mét mà lâu nay không để ý). Chùa này là chỗ ngày xưa bà Tiệp Dư Ngô Thị Ngọc Dao của vua Lê Thái Tông (sau này là Quang Thục Hoàng thái hậu) sinh ra hoàng tử Tư Thành trong lúc chạy nạn, tránh sự bức hại của bà Huệ Phi Nguyễn Thị Anh. Về sau hoàng tử Tư Thành lên ngôi, tức vua Lê Thánh Tông. Thời Lê có lệ làm tượng chân dung (portrait) của hoàng gia để thờ trong các đền, chùa. Trong chùa Huy Văn này còn giữ được các tượng chân dung của vua Lê Thánh Tông, Quang Thục Hoàng thái hậu, và Trường Lạc Hoàng hậu (vợ vua Lê Thánh Tông).
Tượng chân dung Vua Lê Thánh Tông ở chùa Huy Văn.
Tượng  Vua Lê Thánh Tông ở chùa Huy Văn.
Về nhà tự xông đất rồi treo tranh Môn Thần (thần giữ cửa, ở đây là thần Tử Vi trấn trạch bên trái, và thần Huyền Đàn trấn môn bên phải) hai bên ngoài cửa. Ngày xưa người Việt mình có cặp tranh môn thần phổ biến hơn là tranh Thần Đồ, Uất Lũy mà bây giờ không còn tìm đâu ra được…

Tranh môn thần và câu đối Tết.
Tranh môn thần và câu đối Tết.
Chiều mồng một Tết đi ra chợ Ông Đồ gần Văn Miếu. Năm nay họ phục dựng lại lệ cổ bán tranh gà ngày Tết. Tục lệ mua tranh gà ngày Tết này không phải chỉ xảy ra trong những năm gà. Ngày xưa ngày Tết mọi người mua muối (đầu năm mua muối cuối năm mua vôi) để gia đình được đằm thắm, và mua tranh gà để năm mới được may mắn và sung túc. Chọn mãi mua được hai bức ‘Kê nhi hỷ xuân’ (Gà con vui Tết), và ‘Tam dương khai thái’ (Ba dương mang lại sự hanh thông). Ý nghĩa của ‘Tam dương khai thái’ là khi bói dịch số gặp được 3 hào Dương của quẻ Càn thì hết vận bỉ, và mọi việc bắt đầu hanh thông.

Chọn tranh gà.
Chọn tranh gà.
Mọi người đi ‘chợ ông Đồ’ khá đông. Văn Miếu bên kia đường chật cứng khó chen chân vào được. Người ta hay cho trẻ con đi mua chữ. Thành phố Hà Nội một, hai năm nay bầy đặt ra việc sát hạch các ông đồ. Ai được chấm đỗ mới có quyền vào chợ bán chữ. Mà không hiểu ai có quyền sát hạch người ta? Có ai trong những người sát hạch làm được một bài thơ biền ngẫu tứ lục đơn giản, hay làm được một bài thơ Đường cho đúng niêm, luật? Nghĩa là có ai có đủ trình độ tối thiểu của một ông Đồ (Tú tài) để mà sát hạch người khác hay không. Ngay từ năm 1919, trong lần thi Hương cuối cùng, thì đề thi đã hơn nửa là thi Pháp văn và Quốc ngữ. Chỉ có một phần ba là thi chữ Nho. Đến nỗi cũng trong năm 1919 quần thần tâu xin, và được vua Khải Định chuẩn tấu, cho dịch sách chữ Hán ra Quốc ngữ để người Việt “còn biết được văn hóa Việt”. Và từ năm 1936 cụ Vũ Đình Liên đã hoài niệm các ông đồ bằng câu “những người muôn năm cũ hồn ở đâu bây giờ…” Vì thế đáng lý ra thời nay chỉ cần những người viết được chữ đẹp để thiên hạ đến mua, chứ đâu phải cần các nhà nho uyên bác đi bán chữ như vậy. Có nhiều cụ già tự ái không cho bọn hậu sinh sát hạch để vào bán chữ trong chợ, mà họ ra bán chữ ngoài lề đường.
Qua khỏi mồng một Tết thì cũng chẳng còn làm gì nhiều. Chỉ đi vãn cảnh một vài đền, chùa cổ bên Hồ Tây và Bắc Ninh, Bắc Giang xem người ta đi lễ cho vui thôi… Nhưng quả thật, những khung cảnh xuân đượm nét văn hóa dân tộc cổ truyền này chỉ có thể tìm ra được ở Hà Nội.
* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

ĐI CHÙA ĐẦU NĂM

Đi chùa đầu năm


Hình minh họa - Chùa Bái Đính, Ninh Bình (Wikimedia commons / Bui The Tam)
Hình minh họa - Chùa Bái Đính, Ninh Bình (Wikimedia commons / Bui The Tam)
Trong đời sống tâm linh của người Việt, chùa là một địa danh rất linh thiêng và tôn kính. Đi chùa đã trở thành một việc làm không thể thiếu của rất nhiều người dân Việt Nam mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Những ngày này chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương đông đảo khách thập phương đến cúng viếng. Vào rằm tháng Giêng hàng năm, suốt hai ngày 14 và ngày 15, hàng chục ngàn lượt người đến từ khắp cả nước kéo về chùa Bà Thiên Hậu để cúng bái, vay tiền làm ăn, trả lễ tiền vay trước và rước hương lộc về nhà. Giới làm ăn nói rằng mỗi khi việc làm ăn gặp khó khăn, hoặc bắt đầu một kế hoạch mới, họ đều đến chùa cầu may và cầu lộc chùa để thành đạt hơn. Vì vậy, mỗi khi Tết về, họ muốn trả lễ cho nhà chùa và cũng là để “vay nợ” cho năm mới. Sức khỏe cũng là lời khấn nguyện thường gặp nhất.
Bên cạnh đó, mong có sức khỏe ăn nhiều cái Tết nữa với con cháu, cụ già tuổi ngoài 80 chia sẻ với VOA như vậy.
Ông nói: ‘Tết thì có đi chùa Bà, đi chùa Ông Cậu, rồi đi chùa Châu Đốc, tức là chùa Bà Chúa Xứ. Có tin tưởng nhiều lắm vì các vị coi như là ban cho sức khỏe rất là tốt, thế rồi là gia đình làm ăn rất là sung túc.’
Ông Nhân, một nhà thầu xây dựng, chia sẻ: ‘Mình làm nghề xây dựng này là mình rất tin tưởng về bề trên. Công việc mình làm rất là nguy hiểm, cho nên mình tin tưởng người khuất mặt, bề trên Trời Phật cũng dòm ngó phù hộ mình, để mình làm ăn mới suông sẽ được.’
Bà Thùy Trang cho biết đến chùa ngày Tết tự nhiên thấy lòng than thản: ‘Cảm thấy con người mình nó nhẹ nhàng, nó có gì đó an bình trong cái cuộc sống, nên cũng hay thường đi chùa.’
Như vậy đó. Tết thưòng là dịp để mọi người cùng nhau đi lễ đầu xuân, vừa cầu mong cho gia đình an khang, thịnh vượng, vừa vãn cảnh chùa để tâm hồn thư thái, chào đón một năm mới với nguyện ước quê hương yên vui, thái bình.
Người Việt tin rằng, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ là để ước nguyên, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Về nơi cửa phật, giữa không gian thanh tịnh, mùi khói nhang, sắc màu của đèn hoa, mỗi chúng ta sẽ cảm thấy lòng mình trở nên nhẹ nhàng, thanh thản hơn. Mọi ranh giới về tuổi tác, địa vị đều bị xóa nhòa, tất cả gặp nhau ở miền tâm thức linh thiêng.
Cụ già xứ Bắc ước sao có sức khỏe để còn ăn cái tết thứ 84: ‘Van vái làm sao cho sức khỏe tốt. Năm nay nếu ăn cái tết này là tôi 83 tuổi. Như thế là tôi được ăn những cái tết rất là vui vẻ với con, với cháu, với anh em trong gia quyến, và tất cả những bạn bè xung quanh như thế đều là rất là tốt.’
Bà Ngô Ngọc Mi cho biết bà nguyện cầu quốc thái dân an: ‘Thì nói chung là những tâm nguyện của mình đó là, cái đầu tiên là mình có sức khỏe để mình làm những việc thiện, việc tốt. Rồi mình cũng cầu mong là quốc thái dân an để cho mọi người được hạnh phúc, cùng chung vui với mình. Cái tâm nguyện của tôi là vậy.’
Ông Nhân tiếp tục tâm niệm về ơn trên phò trợ: ‘Không riêng mình, bản thân mình nhưng mà mình cũng mong muốn sao mà tất cả mọi người ai cũng sống làm người cũng phải lương thiện, cũng phải hướng Phật để mà người khuất mặt người ta còn phù hộ, người ta giúp đỡ mình.’
Những lời nguyện cầu đầu xuân Đinh Dậu trước chốn thiền môn, đều chung mong ước về sức khỏe, về sự bình an cho gia quyến, sự thuận lợi cho sinh kế. Ít ai cầu mua danh bán tước.
Những đoàn lân từ khắp nơi tụ về, cũng thay phiên nhau trổ tài nghệ trong lễ cúng chùa đầu năm mới, cầu mong sự hanh thông công việc quanh năm như góp thêm cảnh xuân chốn thiền tự. Để rồi trong sắc xuân tràn ngập tâm hồn bao du khách, từ biệt những ngôi chùa, người ta lại trở về bên những con đường thênh thang rộng mở.
Cổng chùa không khép. Tiếng chuông chùa ngân xa, thanh thoát yên bình…
 http://www.voatiengviet.com/a/di-chua-dau-nam/3701127.html

THỦ TƯỚNG CANADA CHÚC TẾT VIỆT NAM

Thủ tướng Canada chúc 'Tết Việt Nam,' ca ngợi di dân Việt


0:00:13 /0:02:22
Tin tức: http://www.facebook.com/VOATiengViet, http://www.youtube.com/VOATiengVietVideo, http://www.voatiengviet.com. Nếu không vào được VOA, xin các bạn hãy vào http://vn3000.com để vượt tường lửa. Thủ tướng Canada Justin Trudeau dành nhiều lời tốt đẹp cho người tị nạn Việt Nam nhân dịp Tết Nguyên đán, giữa lúc ông tuyên bố mở rộng vòng tay đối với các di dân và người tị nạn bị chặn không thể nhập cảnh vào Mỹ vì sắc lệnh hành pháp gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump. Thay vì dùng chữ “Chinese New Year” [Tết Trung Hoa] như nhiều người nước ngoài hay gọi, ông Trudeau viết “Vietnamese New Year” [Tết Việt Nam], Tết Nguyên Đán, trong lời chúc mừng năm mới gửi tới người gốc Việt định cư tại Canada hôm 28/1.
 http://www.voatiengviet.com/a/3698906.html

ĐƯỜNG THI LƯƠNG Ý NƯƠNG



LƯƠNG Ý NƯƠNG
( 梁 意 娘)




Không rõ năm sinh , năm mất. Theo giai thoại Ý Nương thì Lương Ý Nương là con gái của Lương Tiêu Hồ, hay còn gọi là Lương Công. Sống vào cuối nhà Đường, thời Hậu Chu (907-955), ở vùng sông TiêuTương,thuộc huyện Ninh Lăng, tỉnh Hồ Nam.Nổi tiếng về sắc đẹp và hay chữ. Tuy nhiên đây chỉ là giai thoại.




長 相 思 Trường tương tư


落 花 落 葉 落 紛 紛
Lạc hoa lạc diệp lạc phân phân,
盡 日 思 君 不 見 君。
Tận nhật tư quân bất kiến quân.

腸 欲 斷 兮 腸 欲 斷,
Trường dục đoạn hề trường dục đoạn,
淚 珠 痕 上 更 添 痕。
Lệ châu ngân thượng cánh thiêm ngân.

我 有 一 寸 心,

Ngã hữu nhất thốn tâm,
無 人 共 我 說。
Vô nhân cộng ngã thuyết.
願 風 吹 散 雲,
Nguyện phong xuy tán vân,
訴 與 天 邊 月。
Tố dữ thiên biên nguyệt.

攜 琴 上 高 樓,
Huề cầm thượng cao lâu,
樓 高 月 花 滿。
Lâu cao nguyệt hoa mãn.
相 思 未 必 終,
Tương tư vị tất chung,
淚 滴 琴 玄 斷。
Lệ trích cầm huyền đoạn.


人 道 湘 江 深,
Nhân đạo Tương giang thâm,
未 抵 相 思 畔。
Vị để tương tư bạn.
江 深 終 有 底,
Giang thâm chung hữu để,
相 思 無 邊 岸。
Tương tư vô biên ngạn.


我 在 湘 江 頭,

Ngã tại Tương giang đầu,
君 在 湘 江 尾。
Quân tại Tương giang vĩ.
相 思 不 相 見,
Tương tư bất tương kiến,
同 飲 湘 江 水。
Đồng ẩm Tương giang thuỷ.

夢 魂 飛 不 到,
Mộng hồn phi bất đáo,
所 欠 唯 一 死。
Sở khiếm duy nhất tử.
入 我 相 思 門,
Nhập ngã tương tư môn,
知 我 相 思 苦。

Tri ngã tương tư khổ.

長 相 思 兮 長 相 思,

Trường tương tư hề, trường tương tư,
長 相 思 兮 無 盡 極。
Trường tương tư hề, vô tận cực.
早 知 如 此 罫 人 心,

Tảo tri như thử quải nhân tâm,
迴 不 當 初 莫 相 識。

Hồi bất đương sơ mạc tương thức.

*Dịch nghĩa:

TƯƠNG TƯ ĐẰNG ĐẴNG.

Hoa rơi, lá rụng đầy khắp.
Ngày ngày mãi nhớ chàng mà không gặp được chàng.
Ruột muốn đứt, chao ôi, ruột muốn đứt !
Lệ ngọc tuôn trào từng ngấn, lại càng thêm từng ngấn.

Thiếp có một tấc lòng.
Không có người bày tỏ
Muốn gió thổi mây tan đi.
Để nói cùng bóng trăng bên trời.

Mang đàn cầm lên lầu cao.
Lầu cao trăng hoa tràn ngập
Khúc tương tư chưa kết thúc
Nước mắt rơi làm đàn bị đứt dây.

Người bảo sông Tương sâu
Chưa bằng lòng nhớ nhau
Sông sâu còn có đáy
Lòng nhớ nhau không có cõi bờ.

Chàng ở đầu sông Tương
Thiếp ở cuối sông Tương
Nhớ nhau mà không gặp
Cùng uống nước sông Tương.

Mộng hồn bay không tới
Duy chỉ còn thiếu một cái chết mà thôi.
Có vào cửa tương tư của thiếp.
Mới biết nỗi khổ của lòng tương tư.

Tương tư đằng đẵng, ôi, tương tư đằng đẵng !
Tương tư cứ kéo dài triền miên vô tận
Nếu sớm biết (yêu thương để) lòng người trắc trở như thế này
Thà buổi đầu đừng quen biết nhau.
*HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch.






· * Dịch thơ:

TƯƠNG TƯ ĐẰNG ĐẴNG.




Lá rụng, hoa rơi đầy khắp chốn.

Nhớ chàng, ngày mãi không gặp nhau.

Ruột như muốn đứt, thêm đày đoạn.

Nước mắt tuôn trào, ngấn ngấn đau.


Thiếp có một tấc lòng.

Không cùng ai bày tỏ.

Muốn gió thổi mây tan.

Nói cùng trăng bên đó.


Mang đàn lên lầu cao.

Bóng trăng hoa tràn ngập.

Khúc nhớ chưa trọn bài.

Lệ rơi dây đàn đứt.


Người bảo sông Tương sâu

Chưa bằng lòng nhớ nhau.

Sông sâu còn có đáy

Nhớ nhau không bến bờ.


Chàng ở đầu sông Tương.

Thiếp ở cuối sông Tương.

Nhớ nhau mà không gặp.

Cùng uống nước sông Tương !


Mộng hồn bay không tới.

Thiếu chết để gặp nhau.

Có vào qua cửa nhớ

Mới rõ lòng khổ đau.


Tương tư đằng đẵng, thêm đằng đẵng.

Nỗi nhớ dài hơn cả biển trời.

Sớm biết yêu thương là khổ hận.

Thà xưa đừng gặp gỡ người ơi!

*HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch

*Ghi chú:
- Giai thoại bài thơ: Như đã nêu ở trên, sách Tình sử của Trung Quốc, có ghi sự tích như sau: Vào đời nhà Hậu Chu (907- 955), ở vùng sông Tiêu Tương tỉnh Hồ Nam, có người con gái tên là Lương Ý Nương (còn gọi là Lương Y) tài sắc vẹn toàn, nàng là con gái của LươngTiêu Hồ (梁瀟湖 )(còn gọi là Lương Công). Nàng đã gặp một hàn sĩ phong lưu tuấn tú đến ở trọ tên là Lý Sinh (李生). Hai người để ý yêu nhau. Cha Lý Sinh biết nên nổi giận đuổi Lý Sinh đi. Ý Nương nhớ nhung đau khổ nên mới viết bài “Trường tương tư” gửi cho Lý Sinh. Xem thơ, chàng cảm động, bỏ qua mọi sự sỉ nhục, trở lại nhà nàng và tìm mọi cách để thuyết phục cha nàng xin cho họ được làm bạn đời với nhau. Trước cảnh ốm đau tiều tụy và lời lẽ thống thiết của con trong bài thơ, cuối cùng người cha đã chấp nhận và cho họ được toại nguyện.
- Tương giang: Sông Tương. Tên một con sông ở Trung Quốc. Sông phát nguyên từ núi Hải Dương, chảy ngang Hồ Nam rồi đổ vào hồ Động Đình. Có một nhánh của ngọn sông Tiêu đổ vào sông Tương ở thị trấn Linh Lăng (tỉnh Hồ Nam) nên dân gian thường nói gộp lại là sông Tiêu Tương. Do sự tích của nàng Lương Y và Lý Sinh mà từ sông Tương hoặc sông Tiêu Tương là lời nói ẩn dụ để chỉ về nỗi tương tư của những người yêu nhau bị ngăn cách mà người đời sau hay dùng cả ở Trung Quốc cũng như Việt Nam. Ví dụ:
- Giác lai lệ trích Tương giang thủy (Tỉnh dậy nước mắt nhỏ xuống dòng sông Tương)
.Hữu sở tư - Lư Đồng (Trung Quốc)
- Sông Tương một dải nông sờ
Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia.
.Truyện Kiều - Nguyễn Du (Việt Nam)
-Chốn Hàm Kinh chàng còn ngoảnh lại.
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang...
. Chinh phụ ngâm - Đoàn Thị Điểm (Việt Nam)
+ Người đời sau trich hai khổ thơ có 8 câu của bài “Trường tương tư” để tách thành một bài thơ riêng và lấy tên đầu đề là “Tương giang”. Đây là hai khổ thơ hay nhất của bài, được sớm lưu hành ở Việt nam từ trước tới giờ. Về bản dịch tiếng Việt, chúng tôi chưa rõ tên tác giả và chỉ chép lại theo trí nhớ. Vì đã quá lâu nên có thể có một vài từ không đúng y lời như bài đã nhớ từ thuở trước.

湘 江

TƯƠNG GIANG


人 道 江 深,

Nhân đạo Tương giang thâm,

未 抵 相 思 畔。

Vị để tương tư bạn.

江 深 終 有 底,

Giang thâm chung hữu để,

相 思 無 邊 岸。

Tương tư vô biên ngạn.




君 在 湘 江 頭,

Quân tại Tương giang đầu,

妾 在 湘 江 尾。

Thiếp tại Tương giang vĩ.

相 思 不 相 見

Tương tư bất tương kiến,

同 飲 湘 江 水。

Đồng ẩm Tương giang thuỷ.







* Dịch thơ:




SÔNG TƯƠNG

Sông Tương người bảo sâu

Chưa bằng lòng mong nhớ

Sông sâu còn có đáy

Lòng nhớ lại không bờ.

Chàng ở đầu sông Tương.

Thiếp ở cuối sông Tương

Nhớ nhau mà không thấy

Cùng uống nước sông Tương.




(Chưa rõ tên tác giả dịch)

*Thật ra trong hai khổ thơ trên, khổ thơ thứ hai vốn là bài nhạc phủ dân gian đã lưu hành từ trước, Lương Ý Nương đã mượn đưa vào bài thơ của mình.

· * Giới thiệu bản dịch khác:




Tương tư hoài...
Dài tương tư




Hoa hoa lá lá rụng tơi bời

Lòng nhớ người sao chẳng thấy người

Ruột muốn đứt thêm, thêm đứt ruột

Châu rơi thành ngấn lại châu rơi




Ta có một tấc lòng

Không có ai mà hỏi

Muốn nhờ gió đuổi mây

Để được cùng trăng nói




Ôm đàn lên lầu cao

Lầu cao trăng giãi khắp

Tương tư khúc chẳng thành

Lệ nhỏ dây đàn đứt




Người bảo sông Tương sâu

Tương tư sâu gấp bội

Sông sâu còn có đáy

Tương tư chẳng bến bờ




Chàng ở đầu sông Tương

Thiếp ở cuối sông Tương

Nhớ nhau không gặp mặt

Cùng uống nước sông Tương




Hồn mộng bay không đến

Còn một chết thôi mà

Bước vào cửa tương tư

Mới biết tương tư khổ




Tương tư hoài, dài tương tư

Tương tư dài, dài khôn xiết

Sớm biết nỗi đau lòng

Xưa đừng cùng quen biết.
        *Người dịch: Vũ Ngọc Khánh

GS.PHẠM ĐỨC LIÊN * HƯNG ĐẠO VƯƠNG


"Hưng Đạo Đại Vương" Trần Quốc Tuấn đại thắng quân Mông Cổ
Phạm Đức Liên, EdD


A. Dẫn nhập:
    * Thành Cát Tư Hãn (Chinghis Khan, 1162-1227) là người sáng lập đế quốc Mông Cổ (Mongol Empire). Cháu nội ông là Hốt Tất Liệt (Kublai Khan, 1215-1294, trị vì 1260-1294), năm 1266 tôn vinh ông là Nguyên Thái Tổ của triều đại nhà Nguyên (Yuan Dynasty, 1271-1368). Hốt Tất Liệt là một đại danh tướng: oai phong lẫm liệt (the great military feat in the world history).
    * Kỵ binh Mông Cổ - đánh Tây (Tây Hạ, 1227), dẹp Bắc (nước Kim 1234)... Vó ngựa của họ gây khiếp sợ khắp Trung Á và Đông Âu - và chuẩn bị tiến chiếm nhiều quốc gia ở Miền Nam: xâm lược Đại Lý (Vân Nam, 1254) - Đại Việt , 1258... Thế nhưng...

B. Nhà Trần (1225-1400): 3 lần chiến thắng quân Mông Cổ:

    I. Đại Việt đại thắng quân Nguyên lần I (1258):
        1. Tháng 1 năm 1258, với 45,000 quân, và kế hoạch tiến nhanh/đánh nhanh trong 2 tuần lễ, tướng Ngột Lương Hợp Thai (Vriyangqatai, 1200-1271) - tiến quân vào Đại Việt (lãnh thổ nước ta lúc đó chỉ là châu thổ Sông Hồng) theo hướng sông Chảy và chiếm được thành Thăng Long!. Xin nhắc lại: quân mông Cổ rất giỏi về kỵ bịnh (ngựa).
        2. Vua Trần Thái Tông (1218-1277, trị vì 1225-1258) đích thân chỉ huy cuộc tổng phản công - cùng các tướng Trần Quốc Tuấn, Trần Thủ Độ... và 100,000 quân (bộ binh, kỵ bịnh, tượng binh và thủy binh). Đại Việt toàn thắng quân Mông Cổ ở Đông Bộ Đầu và truy kích địch quân trên đường tháo chạy về Vân Nam (sông Thao).
        3. Trong lúc phản công, có lúc vua Trần xuống tinh thần!, Trần Thủ Độ tâu:
        "Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo...".
        4. Chiến tranh "Nguyên - Việt" lần thứ nhất kéo dài gần một tháng. Đồng bào thiểu số (minorities): người Dao (Yao), Miêu (H'Mong) ... đóng góp rất nhiều trong cuộc chống quân xâm lược Bắc Phương.



    II. Đại Việt thắng quân Nguyên lần II (1285) và Trần Hưng Đạo:
        1. Năm 1283, quân Nguyên do tướng Toa Đô (Sogetu) đánh chiếm Chiêm Thành (Champa). Vua Trần Nhân Tông (1258-1308, trị vì 1278-1293) cho chiến thuyền qua giúp vua Chiêm. Tháng 1 năm 1285, chủ tướng Thoát Hoan (Toghan) bằng đường bộ tiến vào Đại Việt: uy hiếp Thăng Long (theo ngả sông Chảy) và Vạn Kiếp (ngả Lạng Sơn). Đồng thời Thoát Hoan ra lệnh cho Toa Đô, Ô Mã Nhi (Omar) từ Chiêm Thành mà đánh ra Bắc tạo thế gọng kìm hòng tiêu diệt Đại Việt. Tổng số quân Nguyên trong trận nầy (1285) là khoảng 500,000 binh lính.
        2. Tháng 2 năm 1285, vua Trần triệu tập Hội Nghị Diên Hồng và toàn dân quyết chiến. Vua Trân giao cho Trân Hưng Đạo (1228-1300) chỉ huy lực lượng Đại Việt (cuộc chiến diễn ra cả Bắc Việt và Bắc Trung Phần). Trần Quốc Tuấn thừa lịnh vua - viết Hịch Tướng Sĩ: "...điều quan trọng là chiến thắng sau cùng!". Khí thế dân quân cao vời vợi, binh sĩ tự nguyện xâm vào tay hai chữ Sát Thát (Sát = giết, Thát = Thát Đát = Mông Cổ). Các danh tướng của ta là Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái... Trần Hưng Đạo cho quân phục kích những nơi hiểm yếu (đóng chốt): Lạng sơn, Bắc Giang (Tổng Hành Dinh quân Đại Việt)... tiến hành du kích chiến trong giai đoạn đầu.
        3. Vẫn nguyên tắc: tiến nhanh (quân mã Mông Cổ) đánh nhanh và thắng nhanh - Quân Mông Cổ tiến nhanh như vũ bảo. Trần Hưng Đạo ra lịnh rút lui để bảo toàn chủ lực và tiêu thổ kháng chiến (vườn không nhà trống !). Đại Việt lui quân về Vạn Kiếp cả ngàn chiến thuyền - để rồi Vạn Kiếp cũng phải di tản chiến thuật. Thoát Hoan vào Thăn Long ăn mừng chiến thắng - rồi ra đóng trại ở bờ bắc sông Hồng. Trần Bình Trọng bị giắt bắt và giết sau đó!. Vua Trần rút về Thiên Trường (Nam Định), Trường Yên (Ninh Bình) - lại bị Toa Đô tiến quân ra Quảng Bình, Nghệ An rồi Thanh Hóa. Trần Hưng Đạo lui về Nam Ninh cứu vua!. Đại Việt và quân Nguyên đánh nhau đã 5 tháng, tinh thần địch quân bắt đầu có phần suy yếu và nhất là thiếu lương thực...
        4. Tháng 6, 1285, Trần Quốc Tuấn ra lịnh tổng phản công, quyết tâm trở lại Vạn Kiếp rồi dọc theo sông Hồng mà trở lại Thăng Long. Toa Đô bị quân Đại Việt chém chết, thủ cấp được trình lên vua Trần!. Rồi Đại Việt truy kích quân Nguyên trên bờ Bắc sông Hồng. Ở đây, Trần Quốc Toản đền nợ nước nhưng Thoát Hoan phải chui ống đồng để trốn thoát!. 500,000 quân Mông Cổ đầu tháng 1 năm 1285 chỉ còn lại 50,000 sau cuộc chiến lần hai! (thủy binh hầu như bị quân Trần tiêu diệt toàn bộ. Ô Mã Nhi thoát chết).



    III. Đại Việt toàn thắng quân Nguyên lần III (1288) và "Hưng Đạo Đại Vương" Trần Quốc Tuấn:
        1. Cho dù là một đạo quân "bách chiến bách thắng" thế nhưng lần xâm lăng Đại Việt (1285) 10 phần chết 9 còn 1 (chỉ còn 50,000 trong số 500,000 quân xâm lăng!) Hốt Tất Liệt vẫn không từ bỏ mộng tái chiếm nước ta. Với 100,000 quân tinh nhuệ, tướng lãnh chỉ huy sắc bén (sharp) và 500 chiến thuyền và 100 tàu vận tải lương thực do Ô Mã Nhi và Trương Văn Hổ cầm đầu. Thoát Hoan lại tiến chiếm Đại Việt: Chủ yếu là Vạn Kiếp, Thăng Long (trên toàn lãnh thổ Bắc Việt).
            *Kỵ, tượng, bộ binh tiến vào châu thổ sông Hồng bằng 2 ngả: từ Vân Nam dọc theo sông Thao để dứt điểm Thăng Long và từ Quảng Tây dọc theo sông Lục Nam mà chiếm Vạn Kiếp để rồi tây tiến, vào Thăng Long. Quân Thoát Hoan vượt biên giới chiếm Lạng Sơn ngày 25 tháng 12 năm 1287, vào Vạn Kiếp đầu tháng 1/1288.
            * Từ Quảng Đông, chiến thuyền của Ô Mã Nhi ra khơi theo bờ biển Móng Cái mà vào Bạch Đằng Giang rồi sẽ tiến lên Vạn Kiếp, Phả Lại!. Đầu tháng 2, 1288, quân Nguyên đánh Thăng Long, không vào được.
        2. Trần Nhân Tông là 1 trong những ông vua anh minh nhất của dân tộc là Tổng Tư Lịnh tối cao. Hưng Đạo Đại Vương làm Tổng Chỉ Huy quân đội (commander - in-chief) cùng 300,000 quân chung một lời thề xưa của danh tướng Trần Thủ Độ.
            * Trước tiếng vó ngựa nổi tiến vô địch của quân Mông Cổ - Hưng Đạo Đại Vương sai các tướng đóng chốt: bắc (Trần Nhật Duật, Nguyễn Khoái ở Lạng Sơn...), nam: (Lê phụ Trần tại Thanh, Nghệ Tĩnh...) e rằng quân Nguyên đánh gọng kìm như năm 1285. Tổng hành dinh của ngài đóng ở Quảng Yên. Những ngày đầu cuộc chiến, như nước vỡ bờ, hầu hết các chốt bị quân địch tràn ngập. Hưng Đạo Đại Vương phải rút về Đồ Sơn (Hải Phòng). Lúc Thoát Hoan bao vây kinh thành, hoàng đế Trần Nhân Tông dùng hải quân đi vào Thanh Hóa. Tình hình nguy ngập và Hưng Đạo Đại Vương sai sứ giả qua xin giảng hòa cùng Thoát Hoan! Worried to Death!..
            * Thế rồi khí thiêng sông núi, hồn thiêng dân tộc (cụ thể là Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản... ) đã phù hộ Đại Việt: đoàn tàu vận tải lương thực của địch bị danh tướng Trần Khánh Dư đánh tan ở Vân Đồn... Cũng là lúc Đại Việt tổng công kích trên khắp chiến trường. Thoát Hoan bỏ Thăng Long về Vạn Kiếp để rồi cuối tháng 3 năm 1288 bại tướng Thoát Hoan ra lịnh rút quân bằng đường bộ (Lạng Sơn) và thủy binh do Ô Mã Nhi (sông Bạch Đằng). Xin lưu ý: địch bao vây Thăng Long nhưng không vào được.
            * Đầu tháng 4 năm 1288, Trần Nhân Tông và  Hưng Đạo Đại Vương trực tiếp đánh tàn quân Ô Mã Nhi ở Bạch Đằng Giang bằng những cọc nhọn và chờ nước thủy triều rút xuống (ông đã thực hiện đúng bài bản của Ngô Quyền năm 938): 400 chiến thuyền của quân Nguyên bị tan nát! Bộ binh địch bị truy kích ráo riết và trung tuần tháng 4, 1288 mới rút được về nước (Vân Nam). Đại Việt toàn thắng quân Mông Cổ.
        3. Đoàn tàu chở lương thực của quân Nguyên bị tiêu diệt ở Vân Đồn là một khúc rẽ của lịch sử Đại Việt (turning point of Tran Dynasty). Không có thực phẩm thì làm sao mà Thoát Hoan điều binh khiển tướng!. Hốt Tất Liệt băng hà năm 1294 là khúc rẽ thứ hai.
        4. Chiến tranh "Đại Nguyên - Đại Việt" lần thứ 3 kéo dài trên ba tháng (cuối tháng 12,1287-đầu tháng 4,1288). Thủy binh địch hoàn toàn tan rã (400/500). Kỵ binh địch mười phần chết sáu còn bốn (chỉ còn 40,000 trong số 100,000 quân). Thắng thì thắng, thế nhưng vì là nước nhỏ nên hoàng đế Trần Nhân Tông : viết thơ cầu hòa và tặng phẩm đến Hốt Tất Liệt. Âu cũng là nhân tình thế thái: La raison du plus fort est toujours la meilleure!.



C. Lời kết:

    * Tiếng vó ngựa của đoàn quân viễn chinh Mông Cổ (trong đó có nhiều binh sĩ gốc Hán/Trung Quốc - bằng chứng là tướng Phàn Tiếp...) vang dội cả một bầu trời rộng lớn Á Âu (đến tận Ba Lan, Hung Gia Lợi...) gần suốt 2 thế kỷ 13, 14. Ấy thế mà - tiếng ngựa hí của đoàn kỵ binh đó - đã không thể vang lên ở bầu trời Rồng Tiên (children of the Dragon and Fairies )!
    * Vì sức mạnh của Hội Nghị Diên Hồng (tháng 2/1285) do vua Trần Nhân Tông triệu tập: "Quyết Chiến để Quyết Thắng". Dân quân Đại Việt đã thắng!.
    * Ý dân là ý trời: 95 triệu dân Việt Nam Lục Địa đang thèm khát bốn chữ "Dân Quyền, Chủ Quyền". Chúng tôi xin muơn bài thơ Rừng Bạc Biển vàng của "Lão Hạc Mây Tần" thay cho phần kết. Đa tạ.

Rừng Bạc Biển Vàng

Lão hạc Mây Tần

 1. Tôi yêu nước Việt lạ lùng,
Yêu từng ngọn núi - đến vùng biển Đông
2. Yêu qua châu thổ sông Hồng,
Là nơi ấp ủ - con Rồng cháu Tiên
3. Yêu vạn nẻo - yêu triền miên,
Trường Sơn lừng lững - rồi xuyên sơn hà
4. Ngọt thơm dòng nước La Ngà,
Cửu Long hồng thắm - núi Bà Tây Ninh
5. Bao cô thôn nữ duyên xinh,
Sông Hương núi Ngự - lung linh cho đời
6. Xiết tay - gìn giữ biển khơi,
Đánh quân xâm lược - tời bời - tim gan
7. Vững tâm - bảo vệ gian san,
Bao nhiêu tấc đất - tấc vàng ngàn sau.
8 Quyết tâm - bám trụ biển sâu,
Bao nhiêu thước biển - tấn dầu Lạc Long

Silvery forests, golden sea

1. We love Vietnam tremendously,
Love every each mountain - through Eastern Sea.
2. This beautiful strip of land, Red river delta - We love them all,
Cradle we swing - Dragons, Fairies we decend upon.
3. Loving with all our hearts - endearing non-stop,
Truong Son range - gigantically rising above, branching every passes.
4. Sweet - favored water from La Nga - the sparking stream,
Mekong river - the black virgin mount Tay Ninh.
5 From distant villages - Thousands of pretty young girls,
Perfume river, Ngu Binh mountain - enhance our good life.
6. Joining hands - We take care our fort,
We fight the aggressors and bleed their hearts.
7. Bravely, triumphantly - we protect our country,
Numerous feets of land turn to gold pieces - for the upcoming thousand years.
8. Full of efforts - under our deep sea,
Unmeasureable volumes of water - Lac Long millions barrels of oils !



Chicago, Dec 29/2015
(snow turned to sleet!)
Phạm Đức Liên, EdD
Nguyên Giáo Sư Sử Địa các trường trung học Trịnh Hoài Đức Bình Dương, Nguyễn Trải Sài Gòn và các trường tư.
 

NGUYỄN KIÊN * NHÀ THƠ NGUYỄN KHÔI





ĐẦU XUÂN THÌ THẦM VỚI NHÀ THƠ NGUYỄN KHÔI


TS.Ngữ văn Nguyễn Ngọc Kiên


Gần đây thơ Nguyễn Khôi xuất hiện khá nhiều và đều đặn trên các trang báo mạng. Phần lớn thơ anh là những bài thế sự, thời sự, chính trị mang tính ứng tác về cuộc sống diễn ra quanh ta. Kể ra, đã qua độ tuổi xưa nay hiếm từ lâu, nay bước vào độ tuổi 80 sức làm việc ấy cũng thật đáng nể. Nó hứa hẹn những bài thơ mới tươi rói đầy triển vọng . Nhà thơ Lê Mai thẳng thắn cho rằng: Thơ Nguyễn Khôi không độc đáo. Không lạ. Không sang trọng! Nhưng thơ Nguyễn Khôi cuốn hút rất nhiều người đọc. Từ nam phụ, lão ấu. Từ những vị ni cô, sư nữ ở chùa tận Bình Dương và Huế cho đến những phụ nữ có học vấn, học hàm học vị cao ở trường ĐH Quốc Gia. Có người kín đáo thư từ cho Nguyễn Khôi, có người thì công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ nhà thơ trên facebook. Nó có sức ma mị. Điển hình phải kể đến một số bài tiêu biểu, chẳng hạn:


Đâu có phải bờ sông Lô hoang vắng
Gió dập dờn mây trắng ngút ngàn lau
Sông cứ chảy vờn sau tà áo trắng
Mặc thời gian như nước chảy qua cầu…


(Chiều phố Vọng)


Hay trong bài “ Gửi em – Pairis Mùa thu tím”:


Thôi, mai em về Cửu Long giang cuộn sóng
Nhớ sông Seine... thời khắc chẳng ngừng trôi
khung cửa hẹp
ôi thu, hừng sắc tím
tím cả hồn thơ thả mộng lên trời...


(Gửi em – Paris mùa thu tím)


Xưa nay chỉ thấy các thi sĩ nói về màu tím tình yêu, chứ còn nói “Paris mùa thu tím” thì đúng là chỉ có ở … Nguyễn Khôi.


Hay bài “Gửi Tuyên Quang” – một bài thơ hay của Nguyễn Khôi, có những câu thơ xuất thần, bảng lảng, lay động lòng người:


Từ thượng nguồn ai trông về cuối bãi
Để ai kia khắc khoải những mong chờ
Thôi, cứ để cho thời gian gió thổi
Gieo vào lòng một chút sóng Sông Lô ...


Cách nay hơn một tháng vào cuối năm Bính Thân, “chút sóng sông Lô” ấy đã làm xao động sóng sông Hồng.


Trong bài tứ tuyệt “Ao làng”, Nguyễn Khôi viết:


Vượt biển, chơi hồ, trở quá giang
Bỗng dưng lại thấy nhớ ao làng
Cái đêm hè ấy ai ra tắm
Để cả bầu trời phải tắt trăng.


(1995)


Nhiều người cho rằng đây là bài thơ hay. Nhà ngôn ngữ học hàng đầu Hồ Hải Thụy nói ước gì được về tắm ở cái ao làng ấy lấy một lần trong đời. Nhà thơ Nguyễn Thanh Kim thì cho rằng chữ “tắt” trong “Để cả bầu trời phải tắt trăng” không thể thay thế bằng một chữ khác. Chúng tôi lại không nghĩ thế. Nhà thơ Lê Mai cho rằng chữ “tắt” là tả thực chỉ hành động, dùng ở đây không thật tinh tế và không được “thơ” lắm! Có kẻ nghịch ngợm, ngỗ ngược cho rằng nó gợi cho ta liên tưởng tới chu kì của chị em phụ nữ.


Chữ “tắt” hoàn toàn có thể thay thế bằng động từ khác. Chẳng hạn, ta thử thay bằng “lịm” hay “khuất” :“Để cả bầu trời lịm ánh trăng” nghe có vẻ ổn hơn. “Lịm” như một ngọn đèn vụt sáng trước khi tắt, thực tế làm tỏa sáng rực cả bài thơ. Như vậy nói không thể thay thế là hơi vội vã và hoàn toàn không có cơ sở!


Trong bài “Đêm Châu Mộc” viết ngày 15/4/1963 cách nay đã hơn 50 năm; tác giả đã nhậy cảm từ lâu, trong khi mọi người còn “ mê ngủ” , vẫn say mê với bài thơ “ Chào 61 đỉnh cao muôn trượng “ của Tố Hữu , thì Nguyễn Khôi đã viết :


Đêm Mộc Châu lần đầu nghe nai “ tác”
Dân đốt nương núi cháy xém vầng trăng
Mới hay cuộc sống còn đói khát
Đốt cả đất trời kiếm miếng ăn


Theo chúng tôi đây cũng là một bài thơ hay của Nguyễn Khôi. Hai câu đầu là tả thực. Hai câu cuối có sức khái quát lớn. Tuy nhiên, theo chúng tôi, ở nơi mà đã có “dân đốt nương Núi cháy xém vầng trăng”, tàn phá rừng, hủy hoại môi trường như thế thì không còn nghe thấy tiếng “nai tác”được nữa. Có chăng chỉ còn nghe tiếng thạch sùng mà thôi!


Đọc đến đây người viết bài này nhớ đến giai thoại về bài thơ “Phong kiều dạ bạc” của Trương Kế” đời đường cách nay đã hơn một ngàn năm:


Trăng tà bóng quạ kêu sương
Lửa chài cây bến còn vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
Dù sao giai thoại cũng chỉ là giai thoại. Xưa nay người ta đã bàn nhiều về cái sự vô lý trong những bài thơ hay. Có giả thuyết cho rằng, sự thực thì “nguyệt lạc” (trăng lặn) đã là lúc về sáng rồi. Tác giả đi nằm lúc nửa đêm cứ mơ màng cho đến khi chợt tỉnh và bị ảo tưởng về thời gian nên cho là mới có nửa đêm.
Nhà thơ Âu Dương Tu đời Tống cho rằng, “Trương Kế vì mê câu văn hay đã làm cho ý văn không được thông; đó là ngữ bệnh (tì vết trong câu văn) vậy.
Nhưng chúng ta cũng không nên bới lông tìm vết làm gì”.
Ở đây Nguyễn Khôi chắc cũng trong cơn ngái ngủ, mê sảng mà nghe thấy tiếng “nai tác”. Vậy nên ta cũng không nên “chẻ sợi tóc làm tư” mà làm gì miễn là đó là thơ hay!
Mồng 4 tháng Giêng năm Đinh Dậu

No comments:

Post a Comment