Chuyện chưa kể về những cuộc vận động hòa bình hài hước của đạo Dừa
Ông đạo Dừa cho đệ tử mang hai chiếc lồng, một đựng mèo, một đựng chuột lên tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn. Trước mặt công chúng và báo giới, ông đạo Dừa cho mở lồng rồi nhốt chung mèo và chuột với nhau. Điều kỳ lạ là mèo và chuột quấn quýt như đôi bạn thân.
Ông đạo Lâm là lái xe của ông đạo Dừa một thời. Ảnh TG
|
Hồi ức ông đạo Dừa qua lời kể của tài xế riêng
Trong quá trình tìm hiểu về cuộc đời của ông đạo Dừa Nguyễn Thành Nam ở Bến Tre, chúng tôi may mắn gặp được ông đạo Lâm, một đệ tử sót lại của ông đạo Dừa. Ông quê gốc ở Mỹ Tho (Tiền Giang), theo ông đạo Dừa từ thời thanh niên. Hồi đó, ông Lâm sức vóc khỏe mạnh, lại có nghề lái xe nên được phân công làm tài xế cho ông đạo Dừa. Ông Lâm đảm nhận vị trí này cho đến ngày giải phóng mới thôi. Sát cánh hàng chục năm nên ông đạo Dừa nắm rất rõ những câu chuyện về sư phụ mình lúc sinh thời.
Ông đạo Lâm kể, hồi Ngô Đình Diệm còn làm Tổng thống, rất nhiều lần ông đạo Dừa viết thư kiến nghị và tìm cách gặp để bàn vận mệnh nước nhà. Ngày 21/8/1961, nhờ sự sắp xếp của Đại tá Phạm Ngọc Thảo - Tỉnh trưởng Kiến Hòa cũ, đạo Dừa được gặp Ngô Đình Diệm tại sân bay Đông Kiến Hòa. Thế nhưng khi đạo Dừa chưa kịp trình bày sáng kiến thì Tổng thống phải lên phi cơ, hẹn sẽ tiếp kiến ông tại dinh Gia Long. Cuộc gặp chớp nhoáng vỏn vẹn 4 phút đó đủ cho ông đạo Dừa hy vọng rằng, một ngày nào đó ý nguyên hòa bình của mình sẽ thành hiện thực. “Một tháng sau, sư phụ liên tục lên Sài Gòn để được gặp ông Diệm mong bày tỏ giải pháp hòa bình. Thế nhưng, sự ngăn cản của ông cố vấn Ngô Đình Nhu đã khiến dự định này bất thành. Sau đó, sư phụ có ra vườn Tao Đàn để tịnh tọa và cầu nguyện xong mới về lại cồn Phụng”, ông Lâm nói.
Ngày 2/10/1961, ông đạo Dừa lại gửi thư lên chính quyền Sài Gòn để được đi vùng Đế Thiên - Đế Thích (Campuchia) nhằm cầu nguyện hòa bình cùng 18 ông đạo. Đây là vùng đất Phật ở bên Campuchia. Ông đạo Dừa tin rằng, với hành động vượt ngàn trùng xa xôi, trái tim hướng thiện của ông sẽ có công năng cảm hóa được loài người, mang lại hòa bình cho nhân loại nhưng tư tưởng “bất chiến tự nhiên thành” của ông đạo Dừa không được chính quyền chấp nhận. Không thất vọng, cuối năm 1962, trong khi mọi người sửa soạn đón xuân thì đạo Dừa và 18 đệ tử bí mật lên đường nhưng bị chính quyền phát hiện can ngăn. Không bỏ cuộc, vào đúng dịp Tết Nhâm Dần năm ấy, ông một lần nữa cùng đệ tử của mình bí mật vượt đường Châu Đốc đi Campuchia. Nhưng khi đoàn của ông đến Nam Vang thì bị cảnh sát bắt giữ 17 ngày. Tu sỹ Diệu Ứng (cháu ruột của ông đạo Dừa) ở nhà phải tuyệt thực phản đối và gửi thư cấp báo lên chính phủ. Lần này, đích thân Tổng thống Diệm gửi điệp văn yêu cầu chính phủ Campuchia thả người, ông đạo Dừa nhờ đó được trở về nước.
“Làm hòa bình” kiểu Cậu Hai
Ông đạo Dừa cùng đệ tử bên chiếc xe của mình . Ảnh TG
|
Theo ông đạo Lâm thì càng về sau “máu” làm chính trị của ông đạo Dừa càng dâng cao. Mỗi lần mở lời, ông đạo Dừa đều đề cập đến chuyện hòa bình hay vận mạng quốc gia; ăn, ngủ, cầu nguyện ông cũng ngỡ mình là một sứ giả được trời giao sứ mệnh thiết lập hòa bình. Vậy nên, ông bắt đầu tự xưng là “Cậu Hai” với đầy đủ ý nghĩa của cụm từ này, tức đứng hàng trên và là người nắm “thiên cơ”. Bị chính quyền Campuchia trục xuất về nước, không lâu sau Cậu Hai lại viết thư lên phủ tổng thống xin sang Anh, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ… là những nước có liên hệ với nền chính trị Việt Nam bấy giờ để bàn về vấn đề hòa bình.
Trong tâm tưởng của “Cậu Hai”, ông cho rằng mình có đủ điều kiện đại diện cho một đất nước để gặp bất cứ vị Tổng thống hay Thủ tướng nào trên thế giới. Tất nhiên, với một ông đạo có ngoại hình và suy nghĩ bất thường như Cậu Hai, chẳng ai dám chấp nhận cho xuất ngoại. Sau ngày chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, chính quyền mới thành lập, ngày 16/11/1963, Cậu Hai mở cuộc họp báo tại trụ sở Hòa đồng tôn giáo ở Phú Lâm (Sài Gòn). Tại đây, ông có thảo một văn bản gửi đến Thủ tướng chính phủ VNCH lâm thời xin được xuất ngoại tìm chân lý cho dân tộc (tìm đường cứu nước). Chính quyền lâm thời đã không chấp nhận cho ông đi, vì họ nghĩ ông có vấn đề về thần kinh.
Ngày 28/2/1964, Cậu Hai viết một bức thư kêu gọi hòa bình gửi Thủ tướng Nguyễn Khánh và các vị lãnh đạo quốc gia hòa bình trên thế giới trình bày nhiệt tâm hòa bình của mình. Ông phân tích cách thức cũng như hiệu quả làm hòa bình bằng phương pháp “bất chiến tự nhiên thành” (không dùng bạo lực mà vẫn hòa bình). Ông cam kết, nếu không thực hiện được, ông sẽ chịu mọi hình phạt do quốc gia cũng như quốc tế đưa ra. Ngày 12/3 năm ấy, nhân sự kiện Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là McNamara đến thăm Sài Gòn, bất ngờ Cậu Hai và đệ tử của mình xuất hiện cùng hai chiếc lồng. Một đựng mèo, một đựng chuột đến trước tòa đại sứ Mỹ để kể một câu chuyện “thâm thúy”.
Cậu Hai cho con mèo và con chuột vào cùng một chiếc lồng, rất lạ là mèo không ăn thịt chuột mà còn cho chuột leo lên người mèo nằm (thực ra do một đệ tử thuần dưỡng xong và đem tặng ông). Với hành động này, Cậu Hai muốn người Mỹ cũng như những người có trách nhiệm ở Sài Gòn hiểu ra một chân lý: Con vật như mèo và chuột cũng có thể không ăn thịt nhau, huống hồ là những người có trí óc, có suy nghĩ. Giữa lúc báo giới Sài Gòn lúc đó đang đói tin, vụ việc quả là miếng mồi quá béo bở. Ngày hôm sau, các báo đồng loạt giật tít đậm nói về sự kiện “làm hòa bình” của Cậu Hai. Họ cho rằng đó là việc làm rất thâm thúy, có thể đánh thức lương tâm của những kẻ xâm lược. Nhưng trong mắt của quan chức Mỹ, Sài Gòn bấy giờ, đây chỉ được xem là hành động hài hước của một người bất bình thường.
Ông Lâm kể, vào khoảng tháng 11/1964, Cậu Hai tiếp tục có cuộc gặp với Quốc trưởng Phan Khắc Sửu tại Sài Gòn. Lần này ông mang theo một quả dừa 7 cánh giống hệt bông sen; một mâm có cả bom và xá- lị nhà Phật (ý nói tội ác và thiện tâm). Cậu Hai lại phân tích, loài dừa vô tri vô giác còn nở ra tào sen 5 cánh (biểu tượng hòa bình) thì đó chính là ý trời, hòa bình sắp đến. Còn bom và xá lị đều là là dạng hạt, nhưng bản chất khác nhau; bên trong bom chứa sự hủy diệt, còn xá lị là tâm đức của người đời kết tinh lại. Ngọn nguồn quan trọng là từ tâm con người mà ra, tâm ác có bom, có chiến tranh, tâm lành thì có xá lị. Và, sự kiện này cũng được báo giới theo sát và tung hô. Truyền thông lúc ấy cho rằng Cậu Hai không chỉ yêu hòa bình mà còn là nhà chính trị uyên thâm.
Lời tiên tri của Cậu Hai về chiến tranh
Trong chuyến công tác về khu di tích đạo dừa, chúng tôi còn được ông đạo Lâm chỉ bức ảnh “tiên tri” của ông đạo Dừa. Trong ảnh, ông đạo Dừa tóc bạc, ngồi bên 3 chiếc hộp tròn chồng lên nhau được đánh số thứ tự. Bên cạnh là dòng chú thích: “3 nồi pháo, đốt xong 2 nồi còn lại 1 nồi. Đó là lời tiên tri về chiến tranh của Cậu Hai lúc sinh thời. Cậu Hai cho rằng, 2 cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ 2 đã qua, sẽ có một cuộc chiến tranh thế giới thứ 3 và nó cũng thảm khốc. Nhưng sau đó là hòa bình. |
Hàn Phong
Kỳ tới: Chuyện ông đạo Dừa ra tranh chức làm đại Tổng thống
Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất
Tin liên quan
Nhìn thấy “thiên cơ” ông đạo Dừa quyết định làm chính trị để thực hiện “sứ mệnh hòa bình”
Bị tống vào nhà thương điên vì dám… tiết lộ “thiên cơ”
Chuyện chưa biết về lí luận tu tập dị thường của giáo chủ Đạo Dừa
Chuyện về ông kỹ sư hóa học sau thảm bại ý tưởng kinh tế rũ bỏ giàu sang tìm lối tu kì dị
http://giadinh.net.vn/xa-hoi/chuyen-chua-ke-ve-nhung-cuoc-van-dong-hoa-binh-hai-huoc-cua-dao-dua-20140306100756811.htm
No comments:
Post a Comment