Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday, 24 May 2019

Tìm giải pháp giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở Lào Cai


(ĐCSVN) - Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, nguồn nhân lực và suy giảm giống nòi. Hạn chế và từng bước xóa bỏ hủ tục này rất cần có những giải pháp đồng bộ.



Ra mắt Câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống” tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: LCĐT)
Tình trạng tảo hôn có xu hướng tăng trở lại
Theo Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai, triển khai thực hiện Quyết định 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, Ban chỉ đạo cấp huyện; xây dựng kế hoạch triển khai Đề án giai đoạn I đến năm 2020; xây dựng 4 mô hình điểm tại thôn Láo Lý xã Tả Phời (TP. Lào Cai), xã Nậm Xé huyện Văn Bàn, huyện Sa Pa và Bắc Hà.
Thực tế cho thấy, trước khi có Đề án nêu trên, trong nhiều năm qua, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai đồng bộ nhiều biện pháp như: Tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền gắn với phát động các phong trào vận động đồng bào các dân tộc thiểu số cải tạo các phong tục tập quán lạc hậu, trong đó có việc chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, xóa bỏ tệ thách cưới, tục kéo vợ… Nhiều địa phương đã sớm chỉ đạo đưa tiêu chí không tảo hôn, hôn nhân cận huyết vào quy định hương ước các dòng họ và  quy ước thôn, bản. Ngành y tế, dân số, kế hoạch hóa gia đình đã tích cực can thiệp, lồng ghép các hoạt động truyền thông về phòng chống tảo hôn vào thực hiện chính sách chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình…, góp phần tích cực vào xây dựng đời sống văn hóa, cải thiện chất lượng dân số vùng dân tộc. Có những thời điểm, Lào Cai đã ngăn chặn rất thành công tình trạng này. Tuy nhiên, những năm gần đây, Lào Cai cũng như các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống lại có xu hướng gia tăng tình trạng tảo hôn.
Số liệu thống kê của Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê cho thấy, vùng trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên có tỷ lệ tảo hôn cao nhất cả nước. Trong đó, Lào Cai là một trong 10 tỉnh có tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết cao .
Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, từ năm 2016 đến hết 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh có 9.722 người dân tộc thiểu số kết hôn, trong đó có 1.290 người (645 cặp) tảo hôn, chiếm 12,3% tổng số cặp kết hôn, bình quân có 258 cặp tảo hôn/năm (tăng 41 cặp so với giai đoạn  2009 – 2013). Riêng 6 tháng đầu năm 2017, có 271 người tảo hôn, bằng 69% năm 2015. Tình trạng tảo hôn có xu hướng tăng trở lại, tập trung cao nhất ở các huyện vùng cao như: Mường Khương, Bắc Hà, Sa Pa, Si Ma Cai, Bát Xát; nhóm dân tộc có tỷ lệ tảo hôn cao là: Mông (80%), Nùng (8%), Dao (7%).
Về hôn nhân cận huyết thống, từ năm 2015 đến hết tháng 6/2017, có 30 người (15 cặp) kết hôn cận huyết, trung bình có 6 cặp/năm; so với giai đoạn 2009 – 2013, số cặp hôn nhân cận huyết giảm hơn 3,2 lần.
Nguyên nhân của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gia tăng trong những năm gần đây là do ảnh hưởng của những quan niệm, phong tục, tập quán lạc hậu, ăn sâu vào nhận thức của người dân, chi phối trong đời sống, sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số. Chẳng hạn, trong hôn nhân cận huyết thống, đồng bào dân tộc thiểu số quan niệm cứ khác họ là lấy nhau được; vì vậy, con anh, con cô, con chị, con dì ở ngay đời thứ 2, thứ 3 lấy nhau thành vợ, chồng còn khá phổ biến, ảnh hưởng của sự phát triển xã hội và lối sống hiện đại. Bên cạnh nhận thức, trình độ hạn chế của đồng bào thì năng lực, trình độ của cán bộ làm công tác tuyên truyền ở tuyến cơ sở cũng còn yếu; sự can thiệp từ phía chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chưa mạnh mẽ, thiếu kiên quyết…
Cần các giải pháp đồng bộ
Để đạt được mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 giảm 50% số cặp tảo hôn, đến năm 2025, cơ bản giảm thiểu tình trạng tảo hôn và chấm dứt hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách so với mặt bằng chung, thiết nghĩ, trong thời gian tới, địa phương cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về vấn đề tảo hôn. Các cấp chính quyền, đoàn thể cần có biện pháp ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết trên địa bàn.
Đồng thời, cần đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền trực tiếp đến các thôn, bản, cụm dân cư, lồng ghép với các hoạt động giao lưu văn hóa, tổ chức lễ hội, hoạt động tuyên vận, hòa giải, các hội nghị của đoàn thể, hoạt động ngoại khóa trong trường học, các câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật về mặt tiêu cực của nạn tảo hôn; bồi dưỡng đội ngũ làm công tác viên tuyên truyền có đủ kiến thức, kỹ năng để phối hợp tuyên truyền vận động ngay từ trong gia đình, dòng tộc và bà con thân cận trong thôn, bản.
Trong công tác quản lý nhà nước cần đặc biệt chú trọng việc thực thi nghiêm minh theo pháp luật của các cấp chính quyền và cơ quan pháp luật, đặc biệt là cấp xã; phải khắc phục tư tưởng né tránh, bao che hoặc thiếu gương mẫu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng; khen thưởng, biểu dương kịp thời những đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác ngăn chặn, phòng chống tảo hôn; chấn chỉnh, xử lý nghiêm những địa phương, đơn vị chưa làm tốt trách nhiệm.
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, địa phương cần phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, chủ động, tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ những hủ tục lạc hậu nói chung và phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn nói riêng./.
Nguyễn Thị Hồng Minh
 
http://www.dangcongsan.vn/xa-hoi/tim-giai-phap-giam-tinh-trang-tao-hon-va-hon-nhan-can-huyet-thong-o-lao-cai-453679.html 

No comments:

Post a Comment