Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Saturday, 25 May 2019



Xuân úa của đêm từ ly

Lê Yến Dung

Đức bà thân mẫu của Đức Huỳnh Giáo Chủ.
Năm ấy, vào đêm 25 Tháng Hai âm lịch của 71 năm về trước đã có kẻ lợi dụng lòng trung tín, đức hy sinh và vị quốc quên mình của Đức Huỳnh Giáo Chủ bày ra âm mưu ám hại Ngài.
Những tia nắng chiều xưa ấy, vẫn còn rất yếu ớt khuất sau hàng tre dầy đặc. Trời bắt đầu sẫm tối rất nhanh, chỉ độ hơn 7 giờ thôi mà đã đen như mực. Hai bên bờ rạch nằm giữa cánh đồng hoang vu, trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp lau sậy mọc um tùm, không một thuyền ghe qua lại, khiến cho đêm tối Ba Răng càng thêm âm u rùng rợn…
Thuyền của Đức Huỳnh Giáo Chủ đang chầm chậm rẽ nước từ ngọn Ba Răng, Đốc Vàng Hạ (rạch Láng Tượng) đến chỗ hẹn với Bửu Vinh.
Tùy tùng của Ngài gồm: Đại đội trưởng Đại Đội 2, Chi Đội 30 Ngô Trung Hưng, Thư ký Văn phòng Ủy viên Đặc biệt Huỳnh Hữu Thiện, 4 cận vệ quân và 3 người chèo thuyền (phu trạo). Tất cả đều len lén nhìn Ngài và thấy được nét trầm tư của vị giáo chủ qua ánh đèn dầu đong đưa theo nhịp sóng vỗ.
Không ai dám hỏi han gì để chờ đợi lịnh Ngài.

Huỳnh Hữu Thiện Thư Ký Văn Phòng Ủy Viên đăc biệt của Đức Giáo Chủ.

Bằng ánh mắt từ bi, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã lướt nhìn tất cả mọi người và bằng giọng êm dịu từ tốn, Ngài hỏi: “Có ai biết đường trở về căn cứ của mình không?” Tất cả đồng thanh trả lời: “Dạ không biết,” chỉ có ông Phan Văn Tỷ (cận vệ quân) đưa tay lên và thưa: “Bẩm Thầy con biết.” Ngài ôn tồn bảo: “Có gì khó, cứ nhắm hướng sao Cày chạy riết thì tới chớ gì.” Ngài cũng chỉ tay về hướng sao Cày cho tất cả tùy tùng của Ngài, con đường trở về căn cứ quân đội Hòa Hảo ở Phú Thành và than thở: “Hôm nay là ngày đau khổ nhứt! Ôi! Sao mà đau khổ quá vầy!”
Thuyền dừng lại, Bửu Vinh đến tận bờ rạch, mời Đức Huỳnh Giáo Chủ lên văn phòng làm việc của ông ta. Qua lời chào hỏi của Bửu Vinh, Ngài đã nhận ngay nét gian tà trong thái độ và một cử chỉ mất bình tĩnh, nhiều lo lắng của hắn… Ngài đi trước theo sau là 4 cận vệ quân, theo sau nữa là Bửu Vinh trong một bộ đồ lụa đen.
Văn phòng của Bửu Vinh đặt tại một ngôi nhà ngói lớn. Bửu Vinh và Ngài ngồi đối diện nhau trên một chiếc tràng kỷ đặt ở phòng bên ngoài. Giữa nhà là bàn thờ, hai bên là 2 miếng màn vải bông che kín cửa vào buồng trong.
Câu chuyện của vị giáo chủ và Bửu Vinh chưa kịp bắt đầu thì nhanh như chớp: 8 tên Việt gian của Bửu Vinh từ ngoài đường nhảy vào, chia cặp, kè 4 cận vệ quân của Đức Huỳnh Giáo Chủ. Tiếp theo là một ám lịnh và giọng khàn hét thật to: Bắn…
Ba cận vệ quân của Ngài vì không đề phòng hành động đê hèn đánh lén của quân Bửu Vinh, nên đã bị đâm chết. Riêng ông Phan Văn Tỷ lanh trí hơn và võ giỏi nên đã lách mình cho 2 tên quân của Bửu Vinh sẵn trớn đâm vào nhau, cả hai chết tức tưởi trên vũng máu. Anh Tỷ đã dùng súng “Mi-tray-dết” bắn trả lại bọn họ, tẩu thoát trong khi Đức Huỳnh Giáo Chủ rất bình tĩnh đứng dậy thổi tắt ngọn đèn. Văn phòng trở nên tối đen.
Tiếng súng của bọn Bửu Vinh vẫn nổ liên hồi… Ba người chèo thuyền trở về căn cứ Phú Thành thông báo cho các tướng lãnh.
Cũng chính đêm ấy vào khoảng 9 giờ, tại căn cứ quân đội Hòa Hảo tại Phú Thành, tất cả anh em quân dân vẫn còn thức để trông tin của Ngài, mọi người trong tình trạng căng thẳng, sẵn sàng đem binh đi giải nguy cho giáo chủ. Họ quyết kéo quân đi tận diệt Bửu Vinh và bè lũ. Tiếng la hét, khóc ré, gào thét inh ỏi hòa lẫn tiếng tù và ngân dài ghê rợn và tiếng trống mõ, làm rung chuyển cả một góc trời.
Muôn vạn ánh đuốc bập bùng sáng rực trong đêm tối… nào thương, đao, tầm vông vạt nhọn, súng trường, súng ngắn được mang ra kín cả đường đi, bắt đầu cho việc đi tiếp cứu Đức Huỳnh Giáo Chủ.
Bỗng tiếng vó ngựa dồn dập từ xa tiến gần và dừng lại. Người kỵ mã tuột nhanh khỏi lưng ngựa, hét rất to: “Ông Trần Văn Soái, ông Nguyễn Giác Ngộ đâu? đến nhận mật lịnh của Đức Thầy.” Ông Nguyễn Giác Ngộ, chi đội trưởng Chi Đội 30, ông Luật Sư Mai Văn Dậu Đổng Lý Văn Phòng của Đức Huỳnh Giáo Chủ, cùng một số cán bộ cao cấp khác và tất cả quân dân, mọi người đang nín thở vây quanh người kỵ mã tiếp nhận lệnh của tôn sư:

Tướng Trần Văn Soái (chi Đội Trưởng Chi Đội 1) cận vệ của Đức Giáo Chủ.
Ông Trần Văn Soái và ông Nguyễn Giác Ngộ,
Tôi vừa hội hiệp với Bửu Vinh bỗng có sự biến cố xảy ra, tôi và ông Vinh suýt chết, chưa rõ nguyên nhân, còn điều tra, trong mấy anh em phòng vệ không biết chết hay chạy đi, nếu có ai chạy về báo cáo rằng tôi bị bắt hay là mưu sát thì các ông đừng tin và đừng náo động.
Cấm chỉ đồn đãi, cấm chỉ kéo quân đi tiếp cứu, hãy đóng quân tại chỗ.
Sáng ngày tôi sẽ cùng ông Bửu Vinh điều tra kỹ lưỡng rồi sẽ về sau.
Phải triệt để tuân lịnh.
Ngày 16-4-47, 9 giờ 15 đêm
Ký tên: S.
Đây là bút tích và lời dặn dò của tôn sư, nên tất cả tín đồ của Ngài không có một ai manh động trong nghẹn ngào để tuân thủ lịnh của tôn Sư và cũng để bình tâm lo tu niệm, để cố xoa dịu nỗi căm hận của một đêm tối hãi hùng tại Ba Răng, Đốc Vàng.

Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo.
Trong đêm tối lịch sử ấy, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã điềm nhiên thổi tắt ngọn đèn và ra đi biệt dạng. Và cũng chính đêm ấy Bửu Vinh (kẻ đê hèn đã dụng kế ám hại Ngài) phải tức tối, ngơ ngác, tái mặt bởi cuộc bủa vây thất bại, đành lặng nhìn Đức Huỳnh Giáo Chủ khuất dạng trong bóng đen dầy đặc, một màn đêm tăm tối của vũ trụ… Đêm ấy trời sầu lên cơn bão tố, gầm thét, gió rít từng cơn như ai oán để tiễn bước Đấng Từ Bi… Và cũng kể từ đêm đó cho đến bây giờ không ai biết Ngài đã đi đâu?
Thánh Địa từ thuở xa xưa ấy, trời mây giăng tối, buồn lên mắt ướt của bao nhiêu triệu tín đồ, vì tất cả đều biết rằng: Mình đã thực sự xa rồi bóng dáng của Đấng Tôn Sư, để chấp nhận những nghiệt ngã thương đau, đành vâng lệnh Đấng Tôn Sư theo chí nguyện to tát của Ngài: “Đổi lấy duyên nghiệp trả vay cho chúng sanh trong tiền kiếp qua đi” phong thái nầy đã thể hiện lòng từ bi của đấng Cứu Đời Giác Ngộ và Ngài cũng đã thấu triệt huyền cơ: “Ngài sẽ xa vắng tín đồ của Ngài một thời gian” nên trong quyển Giác Mê Tâm Kệ, Ngài đã từng thố lộ:
Thấy Thiên cơ khó nỗi yên ngồi,
Thương lê thứ tới hồi khổ não.
Thầy lạc tớ không ai chỉ bảo,
Như vịt con dìu dắt nhờ gà.
Chính vì thế mà toàn thể tín đồ của Ngài đã phải hết sức bình tĩnh làm tròn bổn phận của người tín đồ chơn chánh, bình tĩnh để âm thầm thực thi lời giáo huấn của Ngài, bình tĩnh trau tâm trỉa tánh làm tròn bổn phận của kẻ “Học Phật Tu Nhân,” giữ trọn Tứ Ân, luyện rèn Bát Chánh Đạo, thực thi Pháp Môn Niệm Phật mà Đức Thầy đã dầy công giáo hóa. Cho nên chúng ta phải luôn sáng suốt, quyết lấy Đạo nghĩa để thắng kẻ hung tàn, lấy Đức nhân để thắng cường bạo, đúng như luật thừa trừ “Nạn tai cũng hữu ích phần nào.” Triết lý trên đã gần gũi với câu: “Ta chịu khổ khổ cho bá tánh” (Sa Đéc) hoặc “Nguyện uống cho đời chén thuốc cay” (Vì Sanh Chúng) của Đức Tôn Sư đã làm thêm niềm tin vững chắc cho sự trở về của Ngài, một ngày hoan lạc vô biên của hàng triệu Tín đồ và sự ngạc nhiên thán phục lớn lao của của cả quần sanh nhân loại, để hoan hỉ mà nhận rằng mình đã đi đúng đường tu:
“Nhờ công tu luyện đúng đường quá hay”
(Sấm Giảng, Q.1 – Khuyên Người Đời Tu Niệm).
Nhờ sự soi đường dẫn lối của Đức Huỳnh Giáo Chủ mà toàn thể khối tín đồ to lớn của Ngài đã cùng thương yêu lẫn nhau như con một cha, cùng chung sức đua nhau vào những công tác hữu ích cho xã hội nhân quần, cùng xiết chặt vòng tay lớn để cậy nương vào “Đuốc Từ Bi” của Ngài đang soi sáng cả vũ trụ và vĩ nghiệp của Đấng Tôn Sư mà dẹp cả lòng thù hận, cùng tương thân tương ái trong tinh thần Hòa Hảo, để cùng nhau thực hiện cái mục đích siêu việt của Tôn giáo mình, theo ý nguyện của Ngài là “Mang lại đời sống ấm no an lành trong thịnh vượng cho nhân loại, tiến tu đến giải thoát.”
Chính vì vậy mà sau biến cố 25 Tháng Hai nhuần, năm Đinh Hợi (1947), toàn thể tín đồ của Ngài phải nhận chịu nhiều tang thương, chịu đựng không biết bao nhiêu cuộc đương đầu đắng cay: Nào là thực dân Pháp đàn áp, cùng sự áp bức vô lương của nhóm đảng phái vô minh, xằng bậy và sự kềm kẹp của chánh quyền trước kia cũng như trong hiện tại… Họ đã tạo mọi hình thức nầy, những tổ chức nọ, vu khống mọi hành động để có dịp giam cầm và giết chết những đồng đạo Phật Giáo Hòa Hảo một cách tàn nhẫn, vô lương, nhằm mục đích ngăn chận sự phát triển của Tôn Giáo Phật Giáo Hòa Hảo.
Chính vì biết rõ những âm mưu của họ, nên chúng ta đã phải và hết sức bình tĩnh, kiên trì để tự tồn. Chúng ta phải vì lòng quảng ái, thương yêu trong tinh thần hòa hảo mà Đức Thầy đã truyền dạy cho chúng ta, cho toàn thể chúng sanh nhân loại, để thực hành giáo lý của Tôn Giáo Phật Giáo Hòa Hảo, để phát huy vĩ nghiệp cao dầy của Ngài đã để lại cho chúng ta trong cõi đời Hạ Nguơn mạt pháp nầy.
Đã 71 mùa Xuân úa qua đi, là 71 mùa Xuân kỷ niệm trong sầu đau, trong thương nhớ sâu thẩm của tất cả mọi tín đồ. Trong tâm hồn họ vẫn đọng mãi hình ảnh của một vị giáo chủ siêu xuất trần gian trong dáng dấp hao gầy, khôi ngô tuấn tú của một thanh sắc trẻ nhưng đã vì chúng sanh mà hứng chịu mọi tai nàn.
Trong nỗi buồn da diết nhớ thương giáo chủ, bỗng đâu đây trong sương trong gió, giọng ngâm Sấm Giảng thâm trầm buồn của một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo từ xa văng vẳng lại:
Đêm khuya vắng lặng như tờ,
Vài hàng nhủ hết chớ ngơ ngẩn lòng.
Gắng tình đừng lắm ngóng trông.
Hung tinh sao ấy trời Đông lờ mờ.
Hiềm vì mắc lá thiên thơ,
Đôi điều ghi chép cõi bờ chưa xong.
Thôi thì lòng dặn lấy lòng,
Gẫm đây đến cuộc mây rồng chẳng xa.
Đêm khuya lác đác sương sa,
Phòng khuya lạnh lẽo có ta với phòng.
Gật gù suy cuộc hưng vong,
Quyết xoay máy tạo gánh gồng chưa yên.
Trí thần nhớ đến tiếng quyên,
Gọi hồn cố quốc sầu riêng một mình.
Trầm ngâm vẻ mặt làm thinh,
Tựa mình bên gối giấc quỳnh đã say.
Mơ tiên hồn muốn vụt bay…
Đây chính là nỗi lòng của Đức Huỳnh Giáo Chủ trong bài “Tự Thán” mà Ngài sáng tác trong những ngày bị người Pháp lưu giữ tại nhà thương Chợ-Quán, vào Tháng Chạp năm Canh Thìn (1940). Có lẽ một đồng đạo nào đó trong xóm cùng tâm sự với tôi trong đêm 25 nầy, cũng một lòng thương Đạo nhớ Thầy. Thật là một đêm 25 đầy cảm xúc mà hơn mười triệu tín đồ của Ngài, dù tha hương ở khắp mọi nơi trên thế giới cùng đồng cảm cùng một nhịp tim thương nhớ đến Đức Tôn Sư, đang hà phương xa vắng.
Tôi cúi mặt nghe tê tái cả buồng tim, nghèn nghẹn nuốt những giọt mặn đang tuôn chảy từ mắt của tôi mà hình như của cả hàng triệu tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, đang âm thầm nhớ về đêm từ ly kỷ niệm, buồn bã nhất…Ai cũng một lòng thủy chung hướng vọng về tôn sư, để cầu mong một ngày Ngài trở gót. Cho nên trên nẻo Đạo, đường đời dù gặp nhiều chông gay đau khổ, tất cả môn nhân đệ tử đều không bao giờ quên lời giáo huấn của Ngài:
Chánh tin tấn dầu thành hay bại,
Cứ một đường tín ngưỡng của mình.
Dầu cho ai phá rối đức tin,
Ta cũng cứ một đường đi tới.
(Giác Mê Tâm Kệ)
Lê Yến Dung (Ngày 25 Tháng Hai ÂL, năm Nhâm Tuất (viết phỏng theo tài liệu của PGHH)
Mời độc giả xem chương trình “Quê Nhà Quê Người” với đề tài “Gian truân cảnh vợ tù ‘cải tạo’” (phần 1)

No comments:

Post a Comment