Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday, 14 November 2019

30 năm sau...

< A >
Nguyễn thị Cỏ May (Danlambao) - Thu là mùa riêng của thi nhân hay còn của Cách mạng? Mùa Thu 1989, nhân dân Cộng Hòa Dân chủ Đức đứng lên viết lịch sử dân tộc. Không nhờ bên ngoài mà bằng cách tự đứng lên biểu tình ở Bá linh, ở Leipzig, ở Dresde giựt sập nhà nước-đảng của đảng Xã hội Thống nhất, kéo theo hệ thống công an chính trị, truyền thông của đảng. 
Trong những ngày đầu sau khi bức tường sụp đổ, đại bộ phận dân chúng từng chống chế độ độc tài đều mong muốn, không phải nước Đức thống nhất, mà một nước Đức Cộng hòa Dân chủ (RDA) thật sự Dân chủ. Thật vậy, kết quả điều tra của tờ báo lớn Spiegel ngày 17/12/1989, cho thấy có 71% dân chúng Đông Đức trả lời. Riêng một mục sư tham dự cuộc biểu tình vĩ đại ở công trường Alexander, Bá Linh, ngày 4/11/1989, phát biểu "Chúng tôi cùng người Đức, chúng tôi có một trách nhiệm trước lịch sử, đó là chỉ ra một chủ nghĩa xã hội thật sự có thể có". Lời phát biểu của ông diễn tả khá trung thực tâm trạng của đa số dân chúng Đông Đức lúc bấy giờ. 
Tháng mười năm sau, 2 nước Đức thống nhất. Cộng hòa Dân chủ Đức thống nhất vào Cộng hòa Liên bang Đức. Thực tế đất liền đất, Bá linh là thủ đô của nước Đức thống nhất, chung một nền kinh tế thị trường nhưng lòng người lại không là một. 
Không riêng gì Đông Đức cũ, mà nhiều nước khác trong khối COMECON, sau ngày cộng sản sụp đổ, liền gia nhập khối Âu châu (Liên hiệp-UE), ngày nay muốn tách ra, trở về lại với chính mình. Một hiện tượng hiển nhiên sau khi bức tường không còn chia đôi Bá linh, chia đôi thế giới. 
Trước lễ đài kỷ niệm trong nhà thờ Hòa giải, nơi đây trước kia bị cộng sản Đông Đức phá hủy, bà Thủ tướng Merkel kêu gọi Âu châu hãy cùng nhau bảo vệ những giá trị nền tảng như “dân chủ và tự do”, chống lại những chống đối ngày càng gia tăng. Đó là những giá trị nền tảng làm nên Âu châu, như tự do, dân chủ, bình đẳng, nhà nước pháp trị và bảo vệ nhân quyền... phải luôn luôn bảo vệ vì không phải tự nhiên những giá trị ấy tồn tại và được tôn trọng. 
Bà nói thêm “Trong tương lai, phải cùng nhau dấn thân bảo vệ những giá trị của Âu châu, trong lúc mô hình dân chủ tự do ngày càng bị xét lại, ở khắp nơi trên thế giới, và cũng bị xét lại ngay cả ở Âu châu này nữa. Một số nước Âu châu như Hunggary hoặc Ba Lan, tuy trong những năm 1980, đứng đầu chống cộng sản, ngày nay bị Âu châu lên án là không tôn trọng nghiêm chỉnh những qui tắc của chế độ Nhà nước pháp trị. 
Ở khắp nơi, người ta ghi nhận chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang manh nha và dân chủ tự do bị chống đối và phê phán. Tổng thống Đức Frank Walter Steinmeir, trong bài diễn văn kỷ niệm 30 năm Bức Tường sụp đổ, không quên lời ghi ơn các nước Ba Lan, Hungary, Tiệp và Slovaquie và tất cả những người đã góp sức cùng xô ngã Bức Tường vào ngày 09/11/1989. 
Ông nhắc lại những người cách mạng ôn hòa Đông Đức, cũng như vị cụu lãnh đạo Liên Sô cũ Mikhail Gorbatchev đã can đảm từng bước tiến hành chính sách hòa hoãn để sau cùng kết thúc chế độ cộng sản độc tài. 
Ông cũng mô tả vai trò của Hoa Kỳ lúc bấy giờ là cánh tay đắc lực của Tây Đức đã đóng góp làm cho nền tảng Bức Tường suy yếu. 
Người dân Đức chúng tôi nợ rất nhiều ở nước Mỹ. Tôi mong rằng trong tương lai, hai nước Mỹ và Đức là đối tác cùng tương kính, cùng tôn trọng dân chủ và tự do, cùng chống lại sự ích kỷ quốc gia. 
Cộng sản thanh toán cộng sản 
Lịch sử ghi rõ Bức Tường Bá linh sụp đổ ngày 9 tháng 11 năm 1989 nhưng thật ra, từ mùa xuân, Hungary đã mở cửa biên giới qua Áo. Vài hôm sau, có những chuyến xe lửa đặc biệt chạy thẳng qua Tây Đức. Như vậy, ngay từ mùa xuân đã không còn Bức Tường chia hai Bá linh, chia hai nước Đức và thế giới. Khi Đông Đức làm lễ kỷ niệm 40 năm Cộng hòa Dân chủ Đức, hàng trăm ngàn người dân xuống đường biểu tình, thách thức Chủ tịch nước Nonecker, kêu gọi Gorbachev giúp họ giải phóng Đông Đức. Trong lúc đó, tại Diễn đàn Comecon, Tổng Bí thư cuối cùng của đảng cộng sàn Ba Lan kề tai hỏi nhỏ ông Gorbatchev rằng ông có thấy thế là “hết” rồi hay không? 
Ông Gorbatchev, hơn ai hết, đã biết từ lúc Hungary mở cửa. Ông đã không có ý nghĩ phải cúu cộng sản vì ông biết rỏ cộng sản đã chết từ lâu rồi, nhưng ông muốn cúu nước Nga để không bị chết chùm theo cộng sản và khối Liên Sô. 
Từ tháng 11 năm 1985, ông Gorbatchev đã lên tiếng cảnh cáo các nhà lãnh đạo “chế độ dân chủ nhân dân” là không thể trông cậy vào Liên Sô nữa để tiếp tục nắm quyền mà phải mở cửa, đối thơại, cải tổ, làm theo những đìều mà ông đang làm ở Mạc Tư Khoa. 
Tiếp thu được thông điệp của Gorbatchev nên Ba Lan, Hungary và Tiệp Khắc đứng lên làm cách mạng dẹp bỏ cộng sản trước, tiếp theo là Đông Đức. Chỉ có hai người là Honecker, Chủ tịch Đông Đức và Ceausescu, Chủ tịch Roumanie, ngoan cố không hưởng ứng mà còn mong đợi ông Gorbachev sẽ bị hạ bệ nên kẻ sống lưu đày, người bị cách mạng dân chủ xử tử vì tội tới giờ chót đã ra lệnh quân đội dùng bạo lực dẹp cách mạng. 
Hình ảnh ngày 9 tháng 11 năm 1989, dân chúng biểu tình, vui mừng là sức mạnh đã mai táng bảy thập niên cộng sản ngự trị, nhưng thật ra chính cộng sản tự tiêu diệt thì đúng hơn vì cộng sản không thể sống được như lịch sử đã nói. 
Nói cách khác cộng sản chỉ là một dấu ngoặc (parenthèse) thảm hại và chỉ cần đóng dấu ngoặc lại thì đời sống xã hội trở lại bình thường trong một Âu châu không biên giới và một Tây Âu không xung đột. 
30 năm sau… 
Sau chiến tranh, thế giới sống trong cảnh đối mặt nhau giữa Đông và Tây theo cái lô-gíc nhị phân. Bên này chống bên kia. Dân chủ tự do chống độc tài toàn trị. Tây phương chống cộng sản. Sau khi Bức Tường sụp đổ và Liên Sô tan rả, Tây phương nghĩ rằng thế giới từ nay chỉ có một với nền văn minh phổ quát theo mô hình nền văn minh Tây phương. 
Nga và các nước trong khối Liên Sô cũ được mời khám phá cái hay, cái đẹp của nền dân chủ tự do, đồng thời áp dụng chủ thuyết kinh tế tự do, gia nhập Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (Otan) mà trước kia, Tây Âu cam kết với Gorbachev là không mở rộng Hiệp ước này qua phía Đông. Lợi dụng khối cộng sản sụp đổ, Tây Âu có ý muốn bao vây luôn Nga, áp lực Nga và các nước anh em xhcn cũ áp dụng chủ thuyết kinh tế của bà Thatcher là giảm chi tiêu công cộng, tư hũu hóa toàn bộ, thả nổi giá cả, cải tổ luật xã hội theo chuẩn mực Anh. Thế là các chức sắc cũ cộng sản ở khắp nơi đua nhau chụp giựt cơ hội trở thành những nhà tài phiệt mới. 
Nhiều nước Âu châu phản ứng, dưới nhiều hình thức mà giới cầm quyền ở một số nước gọi đó là “chủ nghĩa dân tộc cực đoan”, là “chủ nghĩa dân túy”... Putin nắm quyền chủ trương phục hồi địa vị cường quốc nước Nga, còn thêm tham vọng muốn dựng lại khối Liên Sô, ve vãn thời vang bóng của Stalin mặc dù ông ta đã từng nói “Ngày nay, lập lại cộng sản là người không có cái đầu, nhưng quên hẳn cộng sản là người không có con tim”. 
Năm 2014, Viktor Orban của Hungary tố cáo tham vọng của phía Tây Âu, lên án giáo điều và ý thức hệ của Tây Âu, mà quay lại với mô hình toàn trị theo kiểu Singapore, Tàu hay Nga. 
Hưởng ứng hiện tượng này không chỉ riêng có các nước cộng sản cũ, mà cả nước dân chủ tự do như Ý và nhiều phong trào hay chính đảng chiếm được số phiếu cao trong các cuộc bầu cử như ở Hòa Lan, Áo, Pháp, Đức... 
Vậy Bức Tường Bá Linh sụp đổ, 70 năm cộng sản cai trị tiêu vong, ngày nay, đó có phải là thất bại của cách mạng Dân chủ Tự do trước làn sóng dân tộc cực đoan, dân túy chiếm chính quyền ở nhiều nước Âu châu và cả Á châu hay không? 
Theo nhà bình luận Sylvie Kauffmann trên nhật báo Le Monde thì không phải. Cuộc cách mạng mùa Thu năm 1989 không phải là một thất bại, mà cũng không phải là lịch sử kết thúc như học giả Francis Fukuyama viết. 
Đó phải chăng là một khởi đầu mới của lịch sử? 
Việt Nam cũng có “cách mạng mùa Thu”, cũng có cướp chính quyền, cũng có tuyên ngôn độc lập nhưng hoàn toàn không đưa đất nước đến Dân chủ Tự do. Trái lại, đó là khởi đầu cho mười triệu người Việt Nam tử vong trong 2 cuộc chiến tàn khốc do Hồ Chí Minh khởi xướng vì tham vọng cá nhân để ngày nay dân chúng bị nô lệ dưới chế độ cộng sản cai trị, Việt Nam bị đảng và nhà nước cộng sản Hà Nội bán đấu giá cho Tàu. 
Ở Nga và Đông Âu, cộng sản giết cộng sản, chớ không vì một sức mạnh nào từ bên ngoài tới can thiệp. Vậy Việt nam cũng sẽ là trường hợp thứ hai? Hay ở Việt Nam, chính dân chúng phải tự mình đứng lên làm lịch sử dân tộc? 
15.11.2019

No comments:

Post a Comment