Boat people & truck people
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - Thực ra, ở quê hay thành phố đều không quan trọng, quan trọng là đừng ở... Việt Nam nếu bạn muốn bình yên. - Du Uyên
Từ Berlin, Hiếu Bá Linh vừa trân trọng cho hay một tin vui... đã cũ: “40
năm trước, tổng thống Ý cử 3 tàu chiến đến Biển Đông cứu vớt thuyền
nhân tị nạn Việt Nam... Hoạt động gần 1 tháng, 907 thuyền nhân đã
được cứu sống và đưa về Ý. Ngày 21/8/1979, tại lối vào cảng Venice,
thủy thủ đoàn và các thuyền nhân được dân chúng hân hoan chào
đón.”
Mẩu tin tuy không mới nhưng vẫn khiến cho không ít độc giả (hoá) tâm tư:
- Vĩ Cầm: Một cái tát dành cho Lê Duẩn.
- Mạc Van Trang: Thế
gian nhiều chuyện lạ đời: Người Việt không thương nhau, khiến phải chạy
trốn, dẫu bỏ mạng giữa biển khơi; các nước láng giềng cũng chẳng cưu
mang nhau; Người ở mãi phương trời xa tít lại động lòng thương, ra tay
cứu nhân độ thế... Nên cũng đừng cứ tưởng anh em, xóm giềng là chỗ cậy
nhờ lúc khốn khó!
Nhận xét T.S Mạc Văn Trang e không hoàn toàn chính xác. Mã Lai,
Nam Dương, Phi Luật Tân, Hồng Kông, Thái Lan... đều là những nước
láng giềng đã từng mở cửa đón nhận và “cưu mang” hằng triệu
người Việt tị nạn trong khoảng thời gian không ngắn, hơn một
thập niên. Chỉ riêng có đảo quốc Tân Gia Ba (Singapore) là nhất
định ngoảnh mặt thôi.
Sao thế nhỉ?
Câu trả lời có thể tìm được trong bức thư sau:
Nguồn phóng ảnh: Margaret Thatcher Foundation
Xin trích đôi câu, theo bản dịch của nhà văn Phạm Thị Hoài, để rộng đường dư luận:
"Thư của Thủ tướng Lý Quang Diệu gửi Thủ tướng Anh Margaret Thatcher về vấn đề Thuyền Nhân Việt Nam năm 1979.
Ngày 5/6/1979
Thưa Thủ tướng,
Cảm ơn bà về bức thư ngày 30 tháng Năm.
Vấn đề người tị nạn này rất nghiêm trọng và có lẽ sẽ còn tồi tệ hơn...
Phải nói, phải nhắc đi nhắc lại, cho nhân dân và các nhà lãnh đạo
trên toàn thế giới biết rằng chính quyền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa
Việt Nam chính là kẻ tích cực xúc tiến cuộc di tản ồ ạt này, gây thiệt
hại nặng nề cho các nước Đông Nam Á...
Họ có đầu óc lạnh lùng tính toán, không hề biết động lòng với chính
đồng bào mình, nhưng làm phép tính giữa chi phí và lời thu về thì rất
nhanh.”
(People and leadears throughout the world must be told, again and
again, that this is the government of the Socialist Republic of Vietnam
which has actively promoted this massive migration, causing havoc to the
countries of Southeast Asia... They have cold, calculating minds,
which, whilst incapable of compassion to their own people, are
nevertheless most acute in computing cost-benefits.)
Lý Quang Diệu có nặng lời quá không: “Chính quyền nước Cộng hòa Xã
hội Chủ nghĩa Việt Nam chính là kẻ tích cực xúc tiến cuộc di tản ồ ạt
này, gây thiệt hại nặng nề cho các nước Đông Nam Á ?” Muốn biết thực
hư xin xem qua một câu hỏi khác, của một ông dân Việt Nam, gửi
đến ông Phạm Văn Đồng:
“Xin Thủ tướng cho biết ý kiến về sự kiện thuyền nhân hồi 1975, nhất
là hồi 1978, 1979… Về nguyên nhân và trách nhiệm trong những sự kiện ấy,
với những hiện tượng bán bãi thu vàng và khá nhiều tầu, thuyền bị hải
tặc bão tố và chìm trong đại dương... Là người đứng đầu chính phủ, một
trong những người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản, Thủ tướng nhìn
nhận ra sao trách nhiệm của mình trong cuộc di dân rộng lớn và bi thảm
ấy?” (Bùi Tín. “Hai Câu Hỏi Cần Trả Lời Rõ Ràng Trước Khi Thế Kỷ 20
Khép Lại.” - Nguyệt San Cánh Én, Đức Quốc, số tháng Hai năm 1999).
Thế kỷ XX đã khép lại. Ông Phạm Văn Đồng đã lìa đời và nhất định
không “trả vốn” hay “trả lời” gì ráo về “cuộc di dân rộng lớn và
bi thảm ấy.” Thảm kịch thuyền nhân Việt Nam, tuy thế, đã được
ghi lại trong rất nhiều trang sách. Sổ tay của tôi vốn nhỏ nên
xin phép chỉ chép lại độ mươi dòng thôi, về một sự kiện nho
nhỏ (trong muôn vàn) xẩy ra đúng vào thời điểm mà ông Lý Quang
Diệu gửi thư cho bà Margaret Thatcher:
Vụ chìm tàu Phương án II chết hàng trăm người ở Thành phố xảy ra vào
giữa năm 1979, gần bến phà Cát Lái, Thủ Đức, nhưng gần như rất ít người
sống ở Sài Gòn vào thời bấy giờ nghe nói tới câu chuyện đau lòng này...
Theo Đại tá Phạm Ngọc Thế thì khi ấy Thành ủy phải điều hai cần cẩu sáu
mươi tấn từ Vũng Tàu vô để “kéo rị rị từng chút”. Cũng phải tới ngày thứ
ba thì mới đưa tàu lên được. Con số người chết theo báo cáo của Ban 69
là 227 người. Theo Đại tá Phạm Ngọc Thế: “Có khoảng hơn bốn mươi
người sống sót. Cứ mỗi cái xác được đưa ra, chúng tôi chỉ dám để hai
mươi phút để bộ phận nghiệp vụ lấy dấu tay rồi chuyển qua ngay cho bộ
phận mai táng, vì đã bắt đầu nặng mùi. Cứ hàng chục xác một được xếp lên
xe, phủ bạt, rồi chạy từ Cát Lái về mai táng ở khu đất cách đấy chừng
ba cây số… Chúng tôi vét sạch hòm ở các quận. Khâm liệm xong vẫn còn dư
mấy cái vì có bốn trường hợp phải chôn đôi bởi các bà mẹ trước khi chết
ôm chặt lấy con mà chúng tôi thì không nỡ tháo khớp tay họ ra để chia
lìa tình mẫu tử...”. Huy Đức. (Huy Đức. Bên Thắng Cuộc, tập I. OsinBook, Westminster, CA: 2013).
Bốn mươi năm sau – sau khi 227 Boat People chết chìm ở Cát Lái –
ngày 23 tháng 10 năm 2019 vừa qua, cảnh sát Anh Quốc đã phát
hiện 39 xác người chết ngạt (trong một chiếc xe chở hàng đông
lạnh) cách thủ đô Luân Đôn 25 dặm. Tất cả đều là người Việt.
Họ được gọi là Truck People, dựa theo phương tiện dùng để vượt
biên.
Ảnh: UNHCR
Khoảng cách giữa Boat People và Truck People là gần nửa thế kỷ,
thời gian đủ dài để thêm hai thế hệ người Việt nữa tiếp tục
tìm mọi cách để đào thoát khỏi xứ sở của họ, nơi mà cái
cột đèn cũng sẽ không ở lại – nếu có chân. Mọi cuộc di dân
đều hình thành trên hai động lực: đẩy và kéo. Lực kéo thì
nhiều và đa dạng, tùy theo hoàn cảnh và quan niệm sống cá nhân
(vì tương lai của con cái, vì một môi trường sống khả kham, vì
miếng cơm anh áo, vì dân chủ tự do...) nhưng lực đẩy - từ VN
–-dường như chỉ một: đó là nỗi tuyệt vọng bao trùm cả đất
nước này, từ nhiều thập niên qua!
14/11/2019
No comments:
Post a Comment