Các dự án dính líu Trung Quốc: Không lối thoát?
Rất nhiều những dự án ở Việt Nam có chủ thầu là Trung Quốc bị thua
lỗ, chậm tiến độ nhiều lần nhưng phía Việt Nam vẫn phải theo mà không có
cách nào thoát ra được, cũng không thể kiện được.
Điệp khúc thua lỗ, chậm trễ, đội vốn
Trong 12 dự án thua lỗ, đắp chiếu của ngành Công Thương được nói đến
từ cuối năm 2016, có nhiều dự án do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận. Một
trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc quyết toán hợp đồng EPC
với các nhà thầu Trung Quốc.
Một dự án nổi bật do Trung Quốc làm chủ đầu tư là dự án tuyến đường
sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, dài khoảng 13km, dự kiến thực hiện từ
năm 2008 và hoàn thành vào tháng 11/2013. Nhưng sau đó, dự án được lùi
lại đến năm 2010 mới khởi công và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2014.
Đến nay đã gần hết năm 2019 mà dự án này vẫn chưa thể đi vào vận hành.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án là 419
triệu USD, sau khi điều chỉnh phải tăng thêm 250 triệu USD. Nhưng vào
năm 2011, đã đội vốn thành 552 triệu USD. Và đến năm 2019 đã thành 886
triệu USD.
Tại buổi thị sát dự án này hôm 1 tháng 10 năm 2019, Phó thủ tướng
Trịnh Đình Dũng đã chất vấn Giám đốc Dự án, ông Đường Hồng, về thời hạn
và kế hoạch đưa tuyến đường đi vào vận hành, khai thác. Ông Đường Hồng
trả lời: “Việc bao giờ đưa đường sắt Cát Linh-Hà Đông vào vận hành,
khai thác chính thức thì không phải do nhà thầu chúng tôi quyết định mà
do chủ đầu tư quyết định.”
Công ty Tư vấn ACT của Pháp chỉ rõ đây là “dự án 3 không”: Không bổ
sung đủ hồ sơ quản lý chất lượng; không đủ cơ sở xác định mức độ an toàn
của toàn hệ thống và không đủ điều kiện để cấp chứng nhận an toàn hệ
thống theo quy định.
Có thể kể thêm một vài dự án lớn do Trung Quốc làm chủ thầu cũng cùng
chung số phận đội vốn, chậm trễ là Nhà máy đạm Ninh Bình do Tập đoàn
Hóa chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 6.000 tỉ
đồng, đội vốn lên 10.000 tỉ đồng. Vốn vay chủ yếu từ ngân hàng Trung
Quốc, nhà thầu Hoàn Cầu (Trung Quốc). Sau 16 lần đàm phán với nhà thầu
Trung Quốc, nhiều bất đồng vẫn chưa được giải quyết.
Dự án Nhà máy đạm Hà Bắc do Vinachem làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư
hơn 6.000 tỉ đồng, đội vốn lên hơn 10.000 tỉ đồng, lỗ 1.700 tỉ đồng. Dự
án chưa quyết toán với nhà thầu EPC do chưa xác định được giá trị quyết
toán hợp đồng.
Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên được triển khai từ năm
2007, nhà thầu EPC là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc. Từ đó đến nay nhà
thầu này không thực hiện thi công.
Không nên có mặc cảm như thế! Cũng có những dự án của các nước khác nhưng phần lớn thì của Trung Quốc và mỗi dự án có một lý do, một nguyên nhân khác nhau. Mình phải coi tất cả các nước như nhau thôi vì nó là vấn đề nhạy cảm, quan hệ đối ngoại. Mình cũng chẳng sợ gì họ!. - PGS-TS Ngô Trí Long
PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng rất nhiều dự án có cùng “số phận” với dự
án cát Linh-Hà Đông nhưng không phải tất cả đều do phía Trung Quốc làm
chủ thầu mà có cả các quốc gia khác nữa. Ông nói:
“Không nên có mặc cảm như thế! Cũng có những dự án của các nước
khác nhưng phần lớn thì của Trung Quốc và mỗi dự án có một lý do, một
nguyên nhân khác nhau. Mình phải coi tất cả các nước như nhau thôi vì nó
là vấn đề nhạy cảm, quan hệ đối ngoại. Mình cũng chẳng sợ gì họ!.”
Tuy nói vậy nhưng ông Ngô Trí Long cũng kết luận hầu hết các dự án
dính tới Trung Quốc đều chậm tiến độ, kéo dài không hiệu quả là do hợp
đồng ký kết không chặt chẽ, và “thậm chí có những chuyện hết sức tế
nhị.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A phân tích nguyên nhân vì sao các dự án do Trung Quốc làm chủ thầu thường bị đội vốn và thua lỗ:
“Những dự án của Trung Quốc như thế thường là những dự án phát giá
rất thấp nhưng nửa chừng thì họ nâng giá lên rất cao, hết kiểu này đến
kiểu kia. Tất cả các dự án đều như vậy.
Nó đút lót rất nhiều để thắng thầu và cho giá thấp để củng cố việc
thắng được thầu, nhưng hợp đồng luôn luôn để có những kẽ hở, và từ đó
tìm mọi cách để nâng giá lên, đội vốn lên rất là nhiều. Khi đội vốn lên
như thế thì tiền đút lót nó chi ra không vào dự án nên trang thiết bị
kém. Đội vốn cao thì lỗ.”
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng các chủ đầu tư cũng như các cơ quan
chức năng của Việt Nam cũng có phần lỗi vì trước khi triển khai dự án
không tham khảo kỹ các thủ tục hướng dẫn quyết toán hợp đồng hoặc không
giám sát chặt chẽ quá trình thi công dẫn đến hậu quả mà Việt Nam đang
phải gánh chịu.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A không đồng ý dùng từ “lỗi” mà theo ông họ là “những tội đồ”:
“Các chủ đầu tư và cơ quan chức năng Việt Nam là những kẻ phạm
tội. Họ là những tội đồ. Họ cấu kết với các nhà thầu Trung Quốc vì những
dự án này. Không phải họ ngu mà không biết cái nào đúng cái nào sai,
cái nào hay cái nào dở. Họ biết cả đấy nhưng vì họ ăn tiền rồi, rồi họ
lại được lệnh từ trên - những người ưu ái Tàu - chỉ định xuống.”
Vì sao không kiện Trung Quốc?
Theo nguyên tắc thông thường, khi hợp đồng thương mại đã ký kết mà
một bên vi phạm thì bên còn lại có quyền khởi kiện ra tòa nếu hai bên
không tự giải quyết được. Vì sao cho đến nay không thấy phía Việt Nam
khởi kiện, cụ thể là dự án Cát Linh - Hà Đông ?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu từng nói với RFA:
“Tôi thấy mình cứ khởi kiện thôi, có thể là trọng tài hoặc tòa án,
xử lý chuyện này từ một dự án được kỳ vọng mà sau 11 năm phê duyệt, 8
năm thi công, mà 10 lần lùi tiến độ, đội vốn 40%, đến giờ vẫn chưa
xong.”
Trong khi đó Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh thuộc Học viện tài chính Việt Nam, lại cho rằng: "Bây giờ nếu mà giở ra thì cuối cùng nhiều nguyên nhân lắm, bắt đền ai, làm thế nào để xử lý được, quả tình là rất khó…”
RFA hỏi một luật sư chuyên về luật thương mại quốc tế thì chỉ nhận được câu trả lời ngắn gọn là “ Tôi chưa dám kết luận”.
Ở một góc nhìn khác, các chuyên gia kinh tế mà RFA trò chuyện đều cho
rằng không thể kiện vì “há miệng mắc quai”. Tiến sĩ Nguyễn Quang A lập
luận:
“Nếu hợp đồng đã không chặt chẽ thì kiện gì? Kiện có khi mình thua
đấy! Những người đi ký hợp đồng thì hiển nhiên họ phải biết các điều
kiện hợp đồng; họ có cả các luật sư giúp họ nhưng sếp bảo ký thì ký.
Quan trọng nữa là họ chạy theo tăng trưởng mà lại được Trung Quốc ‘câu”
cho, thu xếp vốn cho khi đang bí vốn. Mà nó thu xếp vốn cho thì buộc
phải mua của nó. Chỉ có một cách duy nhất là cấm hoặc hạn chế tối đa
những dự án kiểu như vậy.”
Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng thì chỉ ra những lý do mà Việt Nam không thể kiện Trung Quốc:
“Có thể nói có rất nhiều dư luận về chuyện các quan chức Việt Nam ở
các bộ ngành đã đóng một vai trò rất đắc lực trong việc ‘nối giáo cho
giặc’, ‘cõng rắn cắn gà nhà. Cũng rất nhiều dư luận cho rằng các quan
chức Việt Nam đã nhận hối lộ rất bẫm từ phía Trung Quốc và các quan chức
Việt Nam đã bị cột chặt trong thế giới ngầm của các doanh nghiệp có thể
đứng phía sau là đảng cộng sản Trung Quốc.
Đó là lý do để giải thích vì sao chưa bao giờ Việt Nam kiện Trung
Quốc mà chỉ có Trung Quốc kiện Việt Nam, bởi Trung Quốc có thế mạnh là
‘nắm được tóc’ của Việt Nam”.
Có thể dẫn chứng điều ông Dũng nói qua việc Trung Quốc kiện Công ty
Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (Công ty VSH) chủ đầu tư dự án
Thuỷ điện Thượng Kon Tum. Sau 5 năm, công ty VSH vẫn chưa thoát được nhà
thầu Trung Quốc dù tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc.
Còn với dự án Vinachem, tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vương
Đình Huệ về xử lý tồn tại, yếu kém của 12 dự án, nhà máy ngành công
thương với các bộ, ngành ngày 6 tháng 9 năm 2019, ông Nguyễn Phú Cường,
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Vinachem cho hay đã chuẩn bị hồ sơ
pháp lý, khi được Chính phủ đồng ý sẽ khởi kiện tổng thầu ra tòa hoặc
đưa ra Trung tâm Trọng tài quốc tế phân xử.
Tin, bài liên quan
- Đấu thầu trong nước Dự án cao tốc Bắc Nam: Vì quyền lợi dân tộc?
- Kiện Trung Quốc: “Thập thò lo chẳng chết”
- Operation Smile Vietnam ‘không tham gia vào bất cứ quan điểm chính trị nào' khi mời Thành Long qua Việt Nam
- Việt Nam cân nhắc việc kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông
- Tranh chấp tại bãi Tư Chính: Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế hay đối đầu quân sự?
- Đà Nẵng trả hàng trăm tội phạm Trung Quốc về Hoa Lục
- Việt Nam sẽ để Trung Quốc cùng khai thác dầu khí ở bãi Tư Chính?
- “Cóc tía” mở miệng, liệu sẽ có khởi kiện?
- Khởi kiện sẽ cứu Việt Nam khỏi thảm hoạ
- https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/projects-involving-china-no-way-out-dt-11152019121538.html
No comments:
Post a Comment