Là vị chân tu đòi hỏi phải minh bạch
Kông Kông (Danlamabao) -
Nhà sư Thích Trí Quang thọ 96 tuổi, qua đời tại Huế. Ông có 44 năm sống
dưới chế độ cộng sản. Năm 1975 ở tuổi 51, 52 (tuổi của sức sống và kinh
nghiệm) nhưng ông hoàn toàn im lặng từ đó, ngoại trừ được phép phổ biến
Trí Quang Tự Truyện năm 2011, do nhà xuất bản Tổng Hợp Tp HCM xuất bản.
Dù ông từng là linh hồn của Phật giáo đấu tranh “Vì đạo pháp và Dân
tộc”, lãnh đạo nhóm Chùa Ấn Quang. Là “người làm rung chuyển nước Mỹ”,
vì từng có sáng kiến độc đáo về phương cách tranh đấu mà trước ông chưa
hề có, đó là khắp nơi đem bàn thờ Phật ra giữa đường phố để sư sãi tụng
kinh. Với sáng kiến nầy chế độ đương thời rơi vào thế bị động. Vì thẳng
tay dẹp bàn thờ máu sẽ đổ lênh láng, sẽ bị tội “công khai đàn áp Phật
giáo”, điều cốt lõi mà Phật giáo đang phản đối! Còn làm ngơ thì phong
trào Phật giáo tranh đấu càng bùng nổ, càng lan rộng.
Và, kết quả sau cùng là cả Đệ nhất và Đệ nhị Cộng Hòa đều bị sụp đổ. Miền Nam rơi vào tay cộng sản miền Bắc.
Thử lướt qua bối cảnh thời Đệ nhất Cộng Hòa do Tổng Thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo.
Năm 1954, 1955 miền Nam gần như vô chính phủ. Ngân khố rỗng. Tình trạng
cát cứ khắp nơi. Tuy được Mỹ hậu thuẫn nhưng không thể một sớm một chiều
làm chủ được tình hình. Đặc biệt với chủ trương chống cộng! Do đó 2
triệu người miền Bắc dám từ bỏ “nơi chôn nhau cắt rún” sau lũy tre làng,
là truyền thống lâu đời của văn hóa cội nguồn, để di cư vào Nam đã hẳn
là những người thật sự chống cộng. Vì thế, lo cho số người khổng lồ nầy
định cư cũng là điểm tựa cho chính phủ chống cộng. Họ được đối xử rất
tốt là chuyện cũng bình thường.
Nhưng số người nầy hầu hết là Thiên Chúa giáo lại được (ai đó) từng bước
đổi danh xưng thành Công giáo thì tự nó đã nói lên sự “khó chịu” chung.
Tiếp đến việc “Công giáo” nhờ có tổ chức tốt và được phương Tây (thế
giới của Thiên Chúa giáo) hỗ trợ nhiều cũng là bình thường. Rồi tham
vọng âm thầm biến Thiên Chúa giáo thành quốc giáo (công giáo) không phải
là không có, ví dụ chuyện về Tổng Giám muc Ngô Đình Thục chẳng hạn!
Vấn đề chính ở đây là tham vọng Tôn giáo (Thiên Chúa giáo muốn trở thành
công giáo, Phật giáo đòi hỏi sự công bằng) mà không đặt đất nước và dân
tộc cần phải chống cộng sản là ưu tiên!
Mấy ngày qua có người từng gần gũi với nhà sư Thích Trí Quang muốn xác
nhận ông không phải cộng sản. Không phải CIA. Ông là cao tăng Phật giáo
thuần túy, chỉ hoằng pháp, bảo vệ chánh pháp. Có người còn khẳng định
nhà sư Thích Trí Quang chống cộng (!)
Có người nói tranh đấu chống chế độ gia đình trị họ Ngô và đàn áp Phật
giáo. Còn Mỹ giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm chứ không phải Phật giáo...
(!)
Đúng vậy. Hồ sơ cho biết chính Mỹ giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm, vì quyền lợi Mỹ!
Nhưng vào thời điểm lịch sử lúc đó, chế độ Đệ nhất Cộng Hoà đã ổn định
được đời sống người dân. Những hình ảnh xã hội đang còn tràn ngập, tự
nó, đã xác định là nếp sống đó, văn minh đó là thật.
Do đó, nếu không có Phật giáo tranh đấu, hoặc tranh đấu đòi sự công bằng
nhưng biết đặt Đất nước và Dân tộc lên trên, thì miền Nam vẫn ổn định.
Mà ổn định thì Mỹ không bao giờ giết anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm cả!
Như thế Đệ nhất Cộng Hòa tồn tại và sẽ không có ngày 30 tháng Tư!
Vấn đề còn lại là tại sao nhà sư Thích Trí Quang im lặng hoàn toàn từ sau 1975?
Nếu tranh đấu vì Phật giáo bị đàn áp thì Phật giáo hiện tại không bị đàn
áp? Phật giáo (quốc doanh) đang phát triển đúng hướng? Còn tranh đấu để
bảo vệ chánh pháp thì tại sao với thời gian đằng đẵng những 20, 30 năm
sau 1975, nhà sư Thích Trí Quang hoàn toàn im lặng trong khi vẫn đầy đủ
uy tín và thừa kinh nghiệm lãnh đạo?
Nhưng với con mắt của giới bình dân tôi vẫn nghĩ đã là một nhà sư nổi
tiếng mà im lặng để mặc dư luận thị phi sau thời gây bão lửa chính
trường, thì ông đã không sòng phẳng.
Trước hết là không sòng phẳng với những gì ông đã gây ra. Kế tiếp là
không sòng phẳng với lịch sử. Sau cùng là không sòng phẳng với cái gọi
là “Vì đạo pháp và Dân tộc”. Vì hơn lúc nào hết đạo Phật mà ông muốn
hoằng pháp, đã và đang bị tổn hại đến không thể lường hết được!
Một vị chân tu trước tiên đòi hỏi phải minh bạch, tôi nghĩ như thế!
18.11.2019
No comments:
Post a Comment