Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Monday, 20 January 2020

Sự kiện Đồng Tâm và âm mưu tung hỏa mù của Ba Đình

< A >
Nguyễn Bá Chánh (Danlambao) - Vụ tập kích ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội hôm 09 /01 /2020 là một màn khói tung hỏa mù trong cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa các phe phái chính trị tại Việt Nam.
Nhà cầm quyền CSVN mở chiến dịch quy mô thông qua cuộc hành quân cả ngàn cảnh sát cơ động với vũ khí trang đầy đủ để tiêu diệt các thành phần chống đối đất đai tại Đồng Tâm được so sánh như “màn khói” che mờ công chúng sau những rắc rối gần đây như: 
- Những lo ngại về việc nhà cầm quyền CSVN nhượng bộ hoặc “vướng vào” tham nhũng với phía Trung Quốc, từ đó sẽ dẫn đến những nhượng bộ về chủ quyền như trường hợp Srilanka, Pakistant... 
- Luật Đặc khu là tên gọi vắn tắt của Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã âm thầm trở lại. 
- Nợ công tăng cao. Tổng số nợ của Việt Nam vẫn đang ngày càng tăng là rất nguy hiểm, đặt ra nguy cơ vỡ nợ.
Chiến dịch này là “màn khói” tung hỏa mù do các lãnh đạo CSVN sử dụng để chuyển hướng dư luận ra khỏi các vấn đề nêu trên. Sự đàn áp dân chúng Đồng Tâm là một phần trong chiến lược duy trì trật tự tuyệt đối bằng mọi giá - dưới chiêu bài "ổn định xã hội". 
Chiến dịch tấn công Đồng Tâm cũng đã làm xao lãng ý kiến ​​công chúng đối với những “đấu đá” của các phe cánh nhằm triệt hạ lẫn nhau trước thềm Đại hội Đảng. Khoảng đầu năm 2021, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ 13 để bầu các ủy viên trung ương, Bộ chính trị, Ban bí thư, Tổng bí thư. Đại hội sẽ sắp xếp lại nhân sự, chia nhau các vị trí quan trọng trong nhóm Tứ trụ với các ứng cử viên chủ chốt bao gồm: Trần Quốc Vượng - Ủy viên BCT/Thường trực Ban Bí thư, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.
Chiến dịch "Đốt lò " càng trở nên hung bạo, chết chóc và ngày càng bị phản công dữ dội khi các "tập đoàn lợi ích" bị dồn vào đường cùng để thoát hiểm có nguy cơ khó lường dẫn đến sự đổ vỡ trong hệ thống nội bộ của ĐCSVN. 
Vụ tập kích Đồng Tâm được tiến hành quy mô nhưng lại cấu thả, nhiều sai sót từ các cấp chỉ huy trong đó có Tô Lâm là ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bộ trưởng Công an. Những vi phạm trong quy trình tuân thủ luật pháp, coi thường tính mạng của công dân, và những người thi hành công vụ để xảy ra án mạng không cần thiết lại là mục đích gây tác động cực mạnh tới công luận từ đó những sự kiện sai trái này sẽ được mang ra bàn thảo tại Quốc hội và Bộ Chính trị là nơi mà cán cân quyền lực có nhiều sự thay đổi khó lường. Do đó sẽ làm cho dư luận bớt quan tâm đến những vấn đề đấu đá nội bộ đang xảy ra. 
Vừa qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng đã trình lên Bộ Chính trị yêu cầu xem xét kỷ luật hai quan chức cao cấp là Hoàng Trung Hải - bí thư thành ủy Hà Nội, nguyên phó thủ tướng; và Lê Thanh Hải - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Hoàng Trung Hải "có vi phạm, khuyết điểm" về dự án mở rộng giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO II) và Lê Thanh Hải "có vi phạm, khuyết điểm" liên quan đến dự án đầu tư khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Bên cạnh đó là Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Nguyễn Đức Chung là người liên quan trực tiếp đến vụ công ty viễn thông Nhật Cường đã ''vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng''. 
Một nhân vật khác là Hà Văn Thắm - Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương bị án tù chung thân vì "cố ý làm trái quy định của Nhà nước xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank)". Hà Văn Thắm có quan hệ mật thiết với Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN.
Ngoài ra, sự kiện Đồng Tâm cũng là cách để chuyển hướng dư luận ra khỏi tình trạng bất ổn xã hội ngày càng gia tăng ở các địa phương do vấn đề ô nhiễm môi trường trầm trọng ở khắp các tỉnh thành Việt Nam. Nó cũng làm đình hoãn và gây khó khăn cho Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) có thể được phía EU phê chuẩn trong nửa đầu năm 2020. Bắc Kinh không muốn hiệp định này được thông qua và âm mưu muốn làm mất uy tín cho Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hiện nay. 
Tóm lại, mục đích chính trị tập kích Đồng Tâm của các cấp hoạch định chiến dịch là muốn nó trở thành một quả bom bê bối gây chấn động dư luận. Cuộc tập kích này mang nhiều ý đồ khác nhau bởi các thế lực chính trị và các tập đoàn lợi ích bất chấp lợi ích quốc gia, mạng sống của công dân và người thi hành công vụ. 
Nỗ lực của đảng CSVN là duy trì sự thống trị độc tài mãi mãi. Do đó người dân Việt Nam cần nhận thức đầy đủ trách nhiệm công dân, thực thi các nghĩa vụ hữu hiệu cho một Việt Nam mới Hòa Bình, Thịnh Vượng, Dân Chủ, Thượng tôn Pháp luật, Tôn trọng Nhân Quyền và mạng sống của công dân bằng mục đích cụ thể: Cải cách Hiến Pháp. 
20.01.2020

No comments:

Post a Comment