Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Saturday 1 March 2014

BS. TRẦN NGUYÊN PHIÊU * BIÊN HÙNG LIỆT SỬ


Bác sĩ Trần Ngươn Phiêu
Biên Hùng Liệt Sử
Thái Thụy Vy



Nguyên Ðại tá Y sĩ trưởng Hải Quân, nguyên Cục phó Cục Quân Y, sau ra làm Tổng trưởng Xã hội, gốc người Ấp Phước Lư, làng Bình Trước, tỉnh Biên Hòa, thời chống Pháp, ông là người lén dán truyền đơn tại chợ Biên Hòa, thuở Thanh Niên Tiền Phong còn tập trận giả bằng tầm vông vạt nhọn, ông là một hội viên trong nhóm chủ trương Tao đàn Sông Phố dưới thời Pháp thuộc. Mồ côi được ông ngoại nuôi học đậu bằng Bác Sĩ. Ông hiện về hưu tại Amarillo, Texas.( Xem Phụ Lục Tâm sự Huỳnh Tấn Phát)

Nỗi lòng Huỳnh Tấn Phát
Kể từ những ngày khởi đầu kháng chiến chống Pháp cho đến ngày quân Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam ngày 30 tháng Tư năm 1975, trong các nhơn vật liên quan đến việc đấu tranh ở Nam bộ, Huỳnh Tấn Phát phải được coi phải được coi là có vai trò sáng giá nhất. Những gương mặt nổi bật lúc ban đầu khi Việt Minh đoạt chính quyền ở Nam bộ như Trần Văn Giàu, Dương Bạch Mai, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Trấn...sau đó đã "được" mời ra Bắc hoạt động. Riêng những người như Huỳnh Tấn Phát, Trần Băch Ðằng...là những người gắn bó nhất với miền Nam, đã bám trụ từ đầu cho đến cuối.

Huỳnh Tấn Phát đã được biết tiếng vì các hoạt động trong giới sinh viên khi đang theo học kiến trúc ở Cao Ðẳng Mỹ Thuật Ðông Dương ở Hà Nội vào các năm 1936 " 1938. Anh tham gia phong trào Ðông Dương Ðại Hội, tổ chức phái đoàn sinh viên, học sinh lên gặp phái đoàn Godart của chánh phủ Mặt trận Bình Dân Pháp để trình "Thư Thỉnh Nguyện". Năm 1938, Phát đã tốt nghiệp thủ khoa khi ra trường. Trở về sinh sống ở Sài Gòn, sau một thời gian tập sự với kiến trúc sư Pháp tên Cauchon, Phát mở văn phòng riêng tại 68-0 đường Mayer ( Hiền Vương thời VNCH).

Năm 1941, Toàn Quyền Decoux tổ chức Hội chợ triển lãm Ðông Dương ở vườn Ông Thượng (Tao Ðàn). Huỳnh Tấn Phát đã đoạt giải nhất thiết kế và xây dựng Hội chợ. Nhưng việc nổi bật nhất vào thời bấy giờ là việc đứng ra làm Chủ nhiệm tuần báo Thanh Niên vào năm 1944. Phát đã mua lại "manchette" tờ báo công khai Thanh niên để làm báo hàng tuần với nhóm thanh niên từ Hà Nội trở về như Huỳnh Văn Tiểng, Mai Van Bộ, Lưu Hữu Phước...Tuần báo được sử dụng để tập hợp lực lượng thanh niên yêu nước, kín đáo lên tiếng gọi đàn, cổ động phát triển Hội Truyền Bá Quốc Ngữ. Ngày 30-9- 1944, chánh quyền thực dân Pháp ra lịnh đóng cửa tờ báo.

Sau khi Nhật đảo chánh Pháp ngày 9- 3- 1945, nhằm mục đích huy động thanh niên, lãnh sự Nhật Iito khuyến khích Hồ Văn Ngà, Phạm Ngọc Thạch thành lập Thanh Niên Tiền Phong. Huỳnh Tấn Phát đã tích cực tham gia phong trào nầy với trách nhiệm trưởng ban Tổ chức. Thanh Niên Tiền Phong là một phong trào đã phàt triển mạnh mẽ ở miền Nam trong thời khoảng năm 1945. Những người nắm vai trò thủ lãnh là Bác Sĩ Phạm Ngọc Thạch, Kỹ sư Kha Vang Cân, Luật sư Thái Văn Lung, Nha sĩ Nguyễn Văn Thu, nhưng Huỳnh Văn Tiểng, Huỳnh Tấn Phát là những người thật sự đã góp công xây dựng phong trào. Trần Văn Giàu trong bóng tối, thấy Huỳnh Văn Tiểng và Huỳnh Tấn Phát có tờ báo công khai đã tìm cách liên lạc. Thông qua Phát và Tiểng, Trần Văn Giàu đã lợi dụng nắm lấy Thanh niên Tiền Phong, dùng phong trào để đoạt chánh quyền cho Việt Minh. Nguyễn Văn Nguyễn, Ủy viên Xứ Nam kỳ được gài ở chung nhà với Huỳnh Tấn Phát ở 68 đường Mayer để "hợp tác" làm báo với Phát.

Khi các sinh viên miền Nam"xếp bút nghiên" từ Bắc trở về vì phi cơ Ðồng Minh đã bắt đầu tấn công vào Ðông Dương, họ đã gây được một phong trào văn nghệ và thanh niên để đánh thức lòng yêu nước của dân chúng miền Nam. Những buổi trình diễn rất thành công các bản nhạc yêu nước của Lưu Hữu Phước ở Nhà Hát Lớn Sài Gòn, các kịch lịch sử như Ðêm Mê Linh, các trại hè như trại Suối Lồ O? đã được Xứ ủy đảng Cộng Sản Nam Kỳ chú ý và Trần Văn Giàu đã bắt liên lạc để tổ chức các lớp huấn luyện chính trị cho các sinh viên trẻ đầy nhiệt huyết này để hướng dẫn họ theo đường lối của đảng Cộng Sản. Lúc ấy, phần đông các sinh viên này, kể cả Huỳnh Tấn Phát, đều thuộc đảng Tân Dân Chủ (sau sẽ đổi tên thành đảng Dân Chủ). Nhà và văn phòng của Huỳnh Tần Phát ở 68- 70 đường Mayer là trụ sở lớp học chính trị thời bấy giờ cho các học viên trí thức như Huỳnh Văn Tiểng (Trưởng lớp),Mai Văn Bộ, Vương Văn Lễ, Nguyễn Việt Nam, Trần Bửu Kiếm, Trương Công Cán, Huỳnh Tấn Phát...Những lớp học khác cho công nhân, viên chức của thành bộ đảng được tổ chức ở các nơi khác.

Huỳnh Tấn Phát được Trần Văn Giàu chú ý và bí mật kết nạp vào đảng Cộng Sản Ðông Dương ngày 3 tháng 5 năm 1945, trong khi ngoài mặt thì Huỳnh Tấn Phát vẫn là đảng viên đảng Tân Dân Chủ. Khi tổ chức cướp chính quyền ngày 25 tháng 8- 1945, trong hội nghị Xứ ủy mở rộng kỳ thứ ba ở Chợ Ðệm(Tân An) ngáy 23 tháng 8- 1945, Huỳnh Tấn Phát được chỉ định làm Ủy viên Lâm ủy Hành Chánh Nam bộ. Phát đã từ chối và nhường cho Huỳnh Văn Tiểng thay thế. Huỳnh Tấn Phát với tư cách kiến trúc sư đã là người dựng lên kỳ đài sơn đỏ, cao 15 thước ở ngã tư Charner-Bonard trong đêm 24 rạng 25- 8- 1945, ghi danh tánh 11 Ủy viên Ủy ban Hành Chánh Nam bộ.

Trước đó, trong thời gian cầm quyền của chánh phủ Trần Trọng Kim, để chuẩn bị đấu tranh, Huỳnh Tấn Phát đã đưa Huỳnh Văn Tiểng đến gặp chú của Phát là luật sư Huỳnh Văn Phương, người đang đảm trách cơ sở mật thám Catinat. Ông Phương đã nói với Phát và Tiểng:"Vì lúc này Việt Minh chưa thể ra được. Tuị bây nói với các anh trên việc này. Các anh có cần gì, cho tao hay, tao sẽ tìm cách đáp ứng." Phát và Tiểng đã báo cáo với lãnh đạo (tức Trần Văn Giàu) và được trả lời:" Ai làm cho đất nước có lợi trong lúc này thì cứ làm." Ðồng thời "cấp trên" của Tiểng xin Huỳnh Văn Phương giúp ngay các việc gấp:Cấp cho súng và thay đổi nhân viên bộ máy công an của Pháp để lại.

Huỳnh văn Phương đã đồng ý và đã tặng 50 súng ngắn mới toanh. Chính tay Tiểng và Phát đã đem xe vào bót Catinat để lãnh số súng này. Ngoài ra ông Huỳnh Văn Phương còn đào tìm được súng của Pháp chôn dấu trong Ðô thành Sài Gòn-Chợ Lớn để giao lại cho Phát cất ở nhà 68- 70 đường Mayer và trụ sở hướng đạo của Nguyễn Việt Nam ở ngã ba Cây Ðiệp (Trích bài "Mùa thu khởi nghĩa " của Huỳnh Văn Tiểng trong sách "Làm đẹp cuộc đời", nhà xuất bản Chính trị Quốc Gia). Ông Phương còn để cho bộ phận võ trang của Thanh niên Tiền Phong xử dụng sân tập bắn của sở Cảnh sát Chợ quán. Những người tù chính trị bị Pháp bắt cũng đã được Huỳnh Văn Phương trả tự do, trong đó có tướng Trần Văn Trà sau này, lúc đó lấy tên là Thắng.

Cũng vào thời này, Huỳnh Văn Phương đã khám phá ra được tài liệu mật của Sở Mật thám Catinat về việc liên lạc giữa Trần Văn Giàu và những nhân vật mật thám "mới", trong đó có Duchêne, thanh tra chính trị bót Catinat (Nguyễn Văn Trấn trong "Viết cho Mẹ vàQuốc hội", trang 106, có đề cập đến việc gặp Duchêne). Huỳnh Văn Phương đã sao tài liệu làm ba bản, để giao lại cho Ðức Thầy Huỳnh Phú Sổ và luật sư Dương Văn Giáo, mỗi người một bản. Huỳnh Văn Phương cũng giữ riêng một bản. Việc này đã được Dương Văn Giáo trưng ra trong một buổi hội ở nhà luật sư Hồ Vĩnh Ký cho lối hơn mười người xem. Trần Văn Giàu rất thù hận cay cú việc này nên ngay sau ngày quân Pháp tái chiếm Sài Gòn ngày 23 tháng 9- 45, Trần Văn Giàu và Nguyễn Văn Trấn đã bắt và xử bắn Huỳnh Văn Phương ở Tân An ngay sau khi họ rút ra khỏi Sài Gòn để lui về Chợ Ðệm, mặc dù Huỳnh Văn Phương là người đã từng giúp phương tiện cho họ trong những ngày dự bị khởi nghĩa. ( Việc này đã được tác giả đề cập chi tiết hơn trong bài "Những nhân chứng cuối cùng" được đăng trong Thế kỷ 21, số 121, tháng 5- 1999).

Huỳnh Văn Phương là một trong số 19 sinh viên bị Pháp trục xuất về Việt Nam vì tham dự vào cuộc biểu tình trước điện E¨lysée(dinh Tổng thống Pháp) ngày 22- 5- 1930, chống việc kết án tử hình Nguyễn Thái Học và các đồng chí trong cuộc khởi nghĩa ở Yên Bái. Tạ Thu Thâu, Trần Văn Giàu, Hồ Văn Ngà... đều đi chung một chuyến tàu Athos II, từ bến Marseille chở họ về Việt Nam ngáy 24- 6- 1930. Huỳnh Tấn Phát gọi Huỳnh Văn Phương là "chú Một" vì Phương thứ mười một trong gia đình. Sau khi bị trục xuất về Việt Nam một thời gian, Huỳnh Văn Phương tiếp tục học Luật ở Hà Nội. Trong thời gian nầy, Huỳnh Tấn Phát cũng ra Hà Nội học nghề kiến trúc. Bà Ðặng Hương Thọ, hoa khôi khu Hoàn Kiếm thời bấy giờ, vợ của Huỳnh Văn Phương đã kể lại các việc chú Một từng giúp đỡ cháu Huỳnh Tấn Phàt như cấp cho áo lạnh, giày mới thay thế những đôi giày há mồm v. v...Huỳnh Tấn Phát vì hảo tâm với các bạn đồng song nghèo đã tặng lại giày hay cho mượn áo lạnh đi cầm để có tiền sinh sống. Việc người chú ruột thân thương, một chánh khách yêu nước, bị giết ngay những ngày đầu cuộc chiến chắc hẳn đã gieo trong tâm tư Huỳnh Tấn Phát nhiều ray rứt.

Khi Pháp chiếm lại Sài Gòn ngày 23- 9- 1945, Huỳnh Tấn Phát bị bắt nhưng sau ba ngày đã được thả vì Huỳnh Tấn Phát là một kiến trúc sư đã có danh tiếng và vì Pháp muốn lấy lòng dân trí thức. Huỳnh Tấn Phát lo tản cư vợ mới cưới là Bùi Thị Nga về Quán Tre, xong tiếp tục gia nhập kháng chiến chống Pháp. Cuộc chiến lan rộng Bùi Thị Nga đã phải dời liên tiếp về Thủ Thừa, Phú An Hòa, Bến Tre và cuối cùng trở về Sài Gòn ở nhà cha mẹ chồng ở 99 đường Faucault, Tân Ðịnh. Trong khi đó Huỳnh Tấn Phát được cử làm Trưởng đoàn Ðại biểu Thanh Niên Nam Bộ được chọn ra Hà Nội dự Ðại hội Thanh Niên Toàn quốc. Ðây là thời kỳ Hoàng Quốc Việt thay mặt Tổng bộ Việt Minh, được Hồ Chí Minh gửi từ Bắc vào để "chỉnh lại" cuộc đoạt chính quyền của Trần Văn Giàu. Thanh Niên Tiền Phong phải "đồng thanh nhận "đổi tên thành Thanh Niên Cứu Quốc. Trần Văn Giàu, Dương Bạch Mai, Phạm Ngọc Thạch được quyết định của Trung Ương ra Bắc "nhận nhiệm vụ mới". Hơn 100 đại biểu thanh niên Nam bộ, khi đến Bình Dương thì Hoàng Quốc Việt quyết định chỉ cử sáu đại biểu. Sau thời gian dự hội nghị, đoàn của Huỳnh Tấn Phát trở lại về Nam. Huỳnh Tấn Phát được Bộ Quốc Phòng tín nhiệm giao một số tiền lớn đem về cho Tướng Nguyễn Bình ở miền Ðông Nam bộ.

Về Sài Gòn, Huỳnh Tấn Phát nhận chỉ thị của Nguyễn Bình, thành lập ở vùng Minh Phụng, Cây Gõ một cơ quan tuyên truyền xung phong in truyền đơn, cờ , báo để phân phát trong Ðô thành. Liên tiếp sau đó cơ quan này được dời sâu vào Ðô thành như ở nhà Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, trước thành O-Ma hoặc nhà em Bác sĩ Nguyễn Thị Lợi (vợ Bác Sĩ Lương Phán) ở đường Boudonnet gần chợ Sài Gòn. Lúc ban Tuyên truyền Xung phong này dời về căn nhà lầu ở 160 đường Lagrandière thì bị lộ và bị bắt, gồm cả vợ chồng Huỳnh Tấn Phát.

Mẹ và vợ Huỳnh Tấn Phát được trả tự do sóm vì chỉ bị bắt khi đến thăm Phát lần đầu ở trụ sở 160 đường Lagrandière. Sau một thời gian ở bót Catinat, Phát được đưa về Khám Lớn Sài Gòn. Tại đây vào tháng 10- 1947 Huỳnh Tấn Phát tham gia lãnh đạo tổ chức cuộc tuyệt thực ba ngày. Do đó chế độ nhà tù ở Khám Lớn được cải thiện. Những người cùng bị bắt với Phát bị xử bốn tháng tù vì tội phá rối trị an. Riêng Huỳnh Tấn Phát vì bị gán thêm tội liên hệ với tướng Nguyễn Bình nên phải ra tòa án binh, bị xử hai năm tù và đến tháng 11 năm 1947 mới được thả.

Trong lúc Huỳnh Tấn Phát bị bắt ở Catinat thì Bùi Thị Nga cho chồng hay là đang mang thai lần đầu. Bác sĩ Hồ Văn Nhựt, bác sĩ sản khoa đã tận tình giúp bà Nga sanh đẻ miễn phí con trai đầu lòng Huỳnh Thiện Hùng, ngày 2- 12- 1946, trong lúc Phát còn trong tù. Bà Nga đã chọn luật sư Moréteau để lo biện hộ cho chồng. Luật sư Moréteau đã quen biết trước và có cảm tình với Phát nên đã nhận bào chữa nhưng không tính thù lao. Huỳnh Tấn Phát có người cô ruột gọi là cô Tám, cư ngụ ở Bình Phước. Cha của Huỳnh Tấn Phát thỉnh thoảng lên thăm cô Tám, ở chơi vài tuần. Giữa năm 1947 cha của Huỳnh Tấn Phát lên Bình Phước thăm cô Tám và bị Việt Minh bắt!

Khi bà Nga báo hung tin nầy cho Huỳnh Tấn Phát thì Phát đã hốt hoảng dặn ngay vợ:"Em đến luật sư Moréteau nhắn mai anh cần gặp ổng. Rồi em đón ổng lấy cái thơ anh viết bảo lãnh cho ba. Thơ nầy em tìm cách trao tận tay các anh lãnh đạo ở Bình Phước (Trích bài "Phối hợp đấu tranh, trong và ngoài Khám Lớn" của Bùi Thị Nga trong "Làm đẹp cuộc đời,"sđđ Bà Nga đã làm y lời chồng căn dặn nhưng không có kết quả gì. Cha của Huỳnh Tấn Phát đã bị giết. Tiếp đó em của cha Huỳnh Tấn Phát là cô Tám đi tìm anh cũng bị sát hại, giống như chú Một Huỳnh Văn Phương đã bị xử bắn năm 1945 ở Tân An vì liên hệ đến nhóm Ðệ tứ. Ðược tin động trời này, Huỳnh Tấn Phát đã nói với vợ:"Anh biết tánh ba, chút rượu vào, nhớ chú Một, giận chửi đổng ít câu vậy thôi, quyết không có vấn đề chính trị đâu." Cha, chú rồi cô đều bị giết vì tình nghi dính líu với Ðệ Tứ, tâm tư Huỳnh Tấn Phát hẳn không bao giờ quên được việc ấy.

Ðể giúp biện hộ cho Huỳnh Tấn Phát, luật sư Moréteau đã yêu cầu bà Nga mời thêm luật sư danh tiếng thời bấy giờ là luật sư Bazé tiếp sức. Thời gian nầy nhằm lúc thi hành Hiệp định Sơ bộ 6- 3 " 1946 nên không khí chính trị Sài Gòn có những trạng thái đặc biệt. Tết năm 1947, chị em phụ nữ đảng Dân Chủ (Huỳnh Tấn Phát là Ủy viên kỳ bộ đảng Dân chủ ở Nam Kỳ) tổ chức thăm nuôi tù nhân Khám Lớn đã nhận được báo và tập san của anh em tù nhân bí mật phát hành. Các tác phẩm được Bùi Thị Nga gom góp và tổ chức triển lãm gây quỹ ở nhà của Thái Thị Liên, mẹ của nhạc sĩ dương cầm Ðặng Thái Sơn sau này. Ðể tham dự cuộc họp có đệm nhạc này ở nhà kỹ sư Thái Văn Lân (cha của Thái Thị Liên) có các trí thức như Bác sĩ Phạm Kim Lương, Dược sĩ Trấn Kim Quan, Kỹ sư Nguyễn Xuân Quyến, nhạc sĩ Trần Văn Khê đàn tranh, Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương...Hôm dó, Thái Thị Liên đệm dương cầm và kết thúc bằng tự hát bản"Quốc Tế Ca" làm mọi người phải sửng sốt. Thái Thị Liên lúc đó cũng phụ trách thăm nuôi hai nhà trí thức Pháp là Giáo sư Tiến sĩ Chesneau của Ðại học Sorbonne và Pételot. Hai vị này đã bị nhốt ở Khám Lớn vì vào khu kháng chiến với danh nghĩa nhà báo. Cũng vào thời buổi này, xảy ra vụ Dương Bạch Mai bị bắt. Ðể biện hộ cho Dương Bạch Mai, đảng Cộng Sản Pháp đã gửi qua Sài Gòn nữ luật sư Marie Louise Cachin, con gái của lãnh tụ nổi tiếng Marcel Cachin, người đã từng giữ chức bí thư đảng Cộng Sản Pháp... Dương Bạch Mai được trắng án và Thái Thị Liên đã tham dự tổ chức buổi ăn mừng và tiễn đưa đồng chí Marie Louise Cachin về Pháp. Trong buổi tối tiệc tiễn đưa ấy, Thái Thị Liên đã mặc áo dài đỏ lộng lẫy, bên ngực cài một bông hoa vàng rực rỡ, biểu hiệu cho cờ đỏ sao vàng.!

Ra tù, Huỳnh Tấn Phát liên hệ ngay với Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh) và chuyên phụ trách công tác trí vận vùng Sài Gòn " Chợ Lớn vì anh quen biết nhiều trong giới này. Vợ Phát, Bùi Thị Nga, tháng 5- 1948 được luật sư Hoàng Quốc Tân ( cháu nội của Hoàng Cao Khải, Khâm Sai Ðại thần Triều đình Huế), đảng viên đảng Cộng Sản Pháp, có vợ người Pháp, được về Nam phụ trách phong trào Trí vận. Bùi Thị Nga được Hoàng Quốc Tân phân công làm Ðảng đoàn Thanh Niên Dân chủ hoạt động trong giới trí thức. Như thế là kể từ đấy, hai vợ chồng Huỳnh Tấn Phát trong bí mật là đảng viên Cộng Sản nhưng đã được đảng bố trí ở đảng Dân Chủ đề dễ bề kết nạp trí thức miền Nam! Huỳnh Tấn Phát cộng tác với Mai Văn Bộ, Nguyễn Văn Hiếu trong việc xuất bản loại báo Nguyên tử, mua lại manchette báo dở chết, bất thình lình ra số ủng hộ kháng chiến, bán vội ở các sạp trước khi kiểm duyệt hay tin. Việc trí vận ở Sài Gòn vẫn tiếp tục với sự trợ giúp của các nhân vật mới như Bác sĩ Trần Củu Kiến, Bí thư Tỉnh Ủy đảng Dân chủ tỉnh Sa đéc được Phát điều động từ Cao Lãnh lên...

Trước Tết năm 1949, Huỳnh Tấn Phát được gọi ra khu, được cử làm Ủy Viên Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ. Ðồng thời Phát kiêm chức Giám Ðốc Sở Thông Tin Nam bộ khi giáo sư Phạm Thiều được chuyển về Khu 9. Bùi Thị Nga đươc ra ở cùng chồng trên bờ kinh Dương Văn Dương, Ðồng Tháp đến tháng giêng 1950 thì trở lại Sài Gòn. Huỳnh Tấn Phát phụ trách Ðài Tiếng nói Nam bộ nhưng đến năm 1950, đài này trở về lại khu 9. Ðặc khu Sài Gòn- Chợ Lớn được thành lập và Huỳng Tấn Phát đã đôn đốc Ðặng Trung Hiếu ( Giám Ðốc Ðài Truyền hình Sài Gòn sau 30- 4- 1975) thiết kế thành lập đài tiếng nói Sài Gòn " Chợ Lớn Tự Do ở Chiến khu Ð.
Năm 1945 sau Hiệp định Genève, Huỳnh Tấn Phát được chỉ định trở về Sài Gòn và làm việc tại văn phòng kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện. Năm 1955, Tổng thống Ngô Ðình Diệm tổ chức cuộc thi thiết kế khu Văn Hóa để xóa bỏ di tích Khám Lớn Sài Gòn. Văn phòng kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện chiếm được giải nhì (không có giải nhất), giải thưởng một trăm ngàn đồng. Ðây là công trình của Huỳnh Tấn Phát và nét vẽ phối cảnh của Phát được ban giám khảo nhận ra. Kiến trúc sư Thiện chia cho Huỳnh Tấn Phát ba mươi ngàn. Vì dư luận Sài Gòn bàn tán đến cơ quan an ninh khiến một hôm văn phòng kiến trúc sư Thiện bị bao vây nhưng vì Phát đang ở công trường xây cất nên không bị bắt. Từ đó Huỳnh Tấn Phát, biệt danh là Tám Chi và Bùi Thị Nga lui trở lại trong vòng bí mật, luôn luôn di chuyển.
Tuy nhiên trong thời gian đó Huỳnh Tấn Phát vẫn tìm cách hành nghề như phác thảo biệt thự của giáo sư Phạm Minh Thới để văn phòng Kiến trúc sư thực hiện. Biệt thự này, đối với Bộ Y Tế đường Hồng Thập Tự là nhà Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa hiện nay. Huýnh Tấn Phát cũng đã nhận thiết kế Viện sản xuất Dược phẩm Trang Hai ở số 5, Ngô Thời Nhiệm vì dược sĩ Nguyễn Thị Hai là bạn của Bùi Thị Nga, vợ Huỳnh Tấn Phát. Sau vài lần gặp gỡ Phát đã nhận lời vẽ vì công trình sẽ tạo công ăn việc làm cho lao động. Dược sĩ Trang đã đứng ra xây dựng cơ sở này. Năm 1993 dược sĩ Hai đã trở về thăm cơ sở và Bùi Thị Nga nhưng Huỳnh Tấn Phát đã mất tháng 9 năm 1989.

Huỳnh Tấn Phát được bổ sung vào Thành Ủy Sái Gòn, phụ trách Ban Trí Vận cho đến năm 1959. Sau đó , Phát được cử làm Khu Ủy viên chính thức Ðặc Khu Sài Gòn Gia Ðịnh và ra ở vùng Tam Giác Sắt
Lúc còn hoạt động ở Sài Gòn, năm 1956, Phát đã nhờ Giáo sư Lê Văn Huấn, em của cựu Thủ tướng Lê Văn Hoạch để bắt liên lạc với Pauline Trần Thị Mỹ đang hoạt động trong nghiệp đoàn Giáo giới Tư thục. Trần Thị Mỹ là em gái của Kỹ sư Trần Lê Quang, tốt nghiệp kỹ sư Trương cầu cống Ponts et Chaussées danhi tiếng của Pháp. Kỹ sư Quang về nước năm 1951, làm Giám Ðốc Ðường Sắt Ðông Dương và được Tổng Thống Ngô Ðình Diệm cử làm Bộ Trương Giao Thông Công Chánh. Phát bố trí cho Trần Thị Mỹ thực hành công tác tế nhị là xuyên qua anh Trần Lê Quang để biết được tình hình nội bộ của từng bộ trưởng trong chính phủ Ngô Ðình Diệm cũng như các hành động của Chánh phủ. Có lần Trần Thị Mỹ, bí danh Mười Lê, đã xin anh cho Huỳnh Tấn Phát mượn nhà để họp với Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh).

Phương cách làm việc này đã được Huỳnh Tấn Phát sử dụng nhiều lần trong công tác trí vận đối với một vài nhân vật trong chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Trường họp của Dược sĩ Phạm Thị Yên có thể là một tiêu biểu. Dược sĩ Phạm Thị Yên, vợ của một nhân vật quan trọng trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam là Trần Bửu Kiếm, có nhà thuốc đông khách ở cuối đương Ðồng Khánh, chợ Lớn. Dược sĩ Yên, có tên là chị Bảy Yên, đã được bầu làm Trưởng Ban Trí vận và cũng đồng thời la bí thơ chi bộ trí thức đô thành Sài Gòn " Chợ Lớn trong buổi hội ở Long Hải. Buổi hội được tổ chức ở một biệt thự nghỉ mát của Dược sĩ Trần Văn Tánh, chủ nhân viện bào chế TVT. Năm 1960, Ban Cán sự Trí vận của Phạm Thị Yên bị bắt trọn bộ. Phạm Thị Yên sau đó bị
đày đi Côn Ðảo. Cuối năm 1968, Thủ tướng Trần Văn Hương trước kia từng có thời phụ giúp nhà thuốc của Dược sĩ Trần Kim Quan đã ra quyết định ân xá cho Dược sĩ Yên. Ra Bắc, Dược sĩ Yên đã được phân công đi tố cáo" Mỹ Ngụy"ở một số nước Bắc Âu.

Bác sĩ Dương Quang Trung, tốt nghiệp ở Bordeaux , Pháp trở về Hà Nội đã được đưa vào Nam tăng cường cho Ban Trí Vận Mặt Trận T4 với bí danh Hai Ngọ. Vì là cán bộ mới, chưa bị lộ nên Huỳnh Tấn Phát đã đưa vào nội thành hoạt động. Sau 30 - 4 - 75, Hai Ngọ được cử làm Giám Ðốc Sở Y Tế Thành phố Sài Gòn. Công tác trí vận của Hai Ngọ chưa thành công lúc vào nội thành vì gặp phải đối tượng của cảnh giác?
Ngày 20- 12- 1960, Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam được tuyên bố thành lập. Huỳnh Tấn Phát cùng Võ Chí Công đứng đầu Ủy ban Trung Ương Lâm thời Mặt Trận. Huỳnh Tấn Phát đã có dịp thi thố tài năng Kiến Trúc sư khi tổ chức Ðại hội MTDTGP Ðặc Khu Sài Gòn " Gia Ðịnh vào dịp Tết Nhâm Dần (1962). Ðại hội tổ chức ở An Thành, nằm sâu trong rừng bên kia lộ 14. Hội trường tổ chức khá mỹ thuật để đập vào mắt các nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ, tư sản được mời từ thành phố vào khu. Mỗi người được chỉ định ngồi riêng từng người trong ô ngăn cách căng nylon ba phía, phía trước che màn tuyn. Khách có thể nhìn

Rút kinh nghiệm tổ chức ở Ðặc khu Sài Gòn, Huỳnh Tấn Phát lên R chuẩn bị cho đại hội Mặt trận toàn miền Nam ở Lò Gò. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bố trí giải thoát khỏi Tuy Hòa để về dự và được bầu làm Chủ tịch Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận GPMN. Huỳnh Tấn Phát và Bác sĩ Phùng Văn Cung làm Phó Chủ tịch
Sau cuộc đảo chánh Tổng thống Ngô Ðình Diệm ngày 1 - 1 - 1963. Trung Ương cục Miền Nam điều Huỳnh Tấn Phát về công tác ở R . Thường vụ Khu Ủy Sài Gòn " Chợ Lớn có cuộc kiểm thảo Phát trước khi nhận nhiệm vụ mới, bí thư Võ Văn Kiệt tức Chín Dũng (bí danh được biết khác là Sáu Dân ngồi ghế chủ tọa). Trong thời gian nầy, vợ của Phát đã bị lộ và bị bắt từ 5- 5- 1960. Sau gần 5 năm tù, Bùi Thị Nga được thả ngày 3 " 10 " 1964 từ khám Chí Hòa.
Tháng 3 năm 1965, theo lời mời của hoàng thân Sihanouk, Huỳnh Tấn Phát hướng dẫn một phái đoàn MTGPMN đi Phnompenh. Ðây là lần đầu tiên HTP xuất ngoại qua xứ láng giềng.

Năm 1967, trong trận Cedar Falls ( Trận "Lột vỏ đất" theo danh từ trong khu) tấn công vào Củ Chi và Tam Giác Sắt, Huỳnh Tấn Phát đã phải gian nan 18 ngày trong vòng vây vì địa đạo bị đánh phá, chỉ thoát được với hai bảo vệ.
Sau Tết Mậu Thân 1968 Huỳnh Tấn Phát và Ban Trí vận Mặt Trận khu Sài gòn " Gia định vận động một số nhân sĩ trí thức ra khu thành lập Liên Minh các Lực Lượng dân tộc, Dân chủ và Hòa bình miền Nam. Luật sư Trịnh Ðình Thảo được chọn làm Chủ tịch Liên Minh. Ðây là một tổ chức thứ hai bên cạnh MTGPMN để thu hút vài thành phần nhân sĩ trí thức khác ở Miền Nam.

Ngày 6 - 6- 1969, Ðại Hội Ðại biểu Quốc dân miền Nam bầu Hùynh Tấn Phát làm Chủ tịch Chánh phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam. Từ ngày này cho đen thời kỳ Hòa Ðàm Ba Lê và 30- 4, 1975 có thể xem là thời kỳ đắc ý nhất của Huỳnh Tấn Phát vì từ lâu nay anh vẫn thường tìm cách lôi kéo nhân sĩ trí thức miền Nam là anh tranh đấu cho miền Nam có một chế độ Cộng Hòa khác biệt với miền Bắc trong khi chờ đợi việc thống nhất trong tương lai. Năm 1972 Chánh phủ của Phát đã ban hành nhiều sắc luật, đã thông báo Mười chính sách đối với các "vùng giải phóng" và Mười điều kỷ luật cho cán bộ. Trong thời kỳ Hội Ðàm Paris và cả những ngày đầu sau ngày 30- 4- 1975, báo Ðoàn Kết ở Pháp cổ động trong giới hải ngoại về thể chế chính trị miền Nam, cam kết sẽ tôn trọng quyền tư hữu, quyền tự do kinh doanh v. v... Bên trong sụ thật ai cũng biết là các sắc luật của chính phủ của Phát tất nhiên đều phải được Hà Nội đồng ý chấp thuận.
Sau 30- 4- 1975, nhóm Lê Duẫn, Lê Ðức Thọ, Trường Chinh... đã kiêu hãnh qua mặt chánh phủ của Phát, chủ trương phải thống nhất ngay, và chánh phủ Huỳnh Tấn Phát, MTGP, Liên Minh v.v...không kèn không trống đã bị giải tán hồi nào không ai biết!

Ðể xoa dịu phần nào phản ứng dân kháng chiến miền Nam, năm 1976 Huỳnh Tấn Phát được cử làm Phó Thủ tướng Chánh phủ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa VN, lo việc quy hoạch đô thị, thiết kế xây dựng Thủ đô Hà Nội...! Năm 1977, Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Ủy viên Ðoàn Chủ tịch Ủy Ban Trung Ương Mặt trận Tổ Quốc và đến năm 1983 được lên chức làm Chủ tịch Ðoàn Ủy ban Trung Ương Mặt trận Tổ quốc, toàn những chức vụ không quyền lực!
Trong suốt thời gian chiến đấu, từ 1945 cho đến ngày từ trần, với bao nhiêu công trận nguy hiểm vào sanh ra tử, Huỳnh Tấn Phát chưa bao giờ được mời đặt chân vào cơ quan chính trị đầu não của đảng bộ ở Hà Nội. Sau Hiệp định Genève , cơ quan quyền lực này đã khép kín chia chác quyền hành ở miền Bắc tương đối thanh bình so với phần máu lửa ở miền Nam.

Sau 30- 4- 1975, bao nhiêu cán bộ từ Bắc vào, từ tay không đã trở nên giàu có tột bực trong một thời gian ngắn. Trong lúc đó, vợ của Huỳnh Tấn Phát viết:"...Tôi nhớ đến ước mơ của anh, lúc gần cuối đời, anh ao ước co ùmột chiếc Honda, để khi về hưu chở vợ hay cháu nội cháu ngoại đi chơi..."(Trích bài" Ðám cưới giữa mùa thu khởi nghĩa" của Bùi Thị Nga trong "Làm đẹp cuộc đời" sđđ). Sợ Phát ở lại miền Nam, gần gũi Nhóm Câu Lạc Bộ Kháng Chiến, Huỳnh Tấn Phát được Hà Nội mời ra Bắc tiếp tục tham gia chánh phủ. Huỳnh Tấn Phát được cấp một nhà khiêm tốn so với chức vụ ở số 9, Ngô Thời Nhiệm. Mùa thu năm 1988, Huỳnh Tấn Phát đột ngột trở bệnh (?) và được đưa vào điều trị ở bệnh viện 108. Phát từ chối không muốn ra nước ngoài chữa trị. Khi thuyên giảm được phần nào, Phát quyết định trở về Nam. Tờ lịch trong phòng Huỳnh Tấn Phát vẫn dừng đúng ngày 27- 11- 1988, ngày Phát rời Hà Nội. Ngôi nhà chức vụ ở số 9 Ngô Thời Nhiệm vẫn chờ Phát trở lại, nhưng Phát đã vĩnh viễn ra đi ngày 30- 9- 1989.
Huỳnh Tấn Phát, Kiến trúc sư có tiếng tăm trong giới chuyên nghiệp, đã thiết trí bao nhiêu đồ án công cũng như tư, cho đến ngày chết vẫn chưa có cơ hội xây được một mái nhà theo ý muốn cho gia đình trú ngụ, không có được một chiếc xe Honda hai bánh để chở vợ con đi chơi!

Phạm Thiều, một giáo sư khả kính, người gốc Nghệ Tĩnh, dạy chữ nho và toán tại trường Trung học Pétrus Ký đã ra khu kháng chiến từ 9- 1945, tập kết ra Bắc trở về Nam sau 30- 4- 1975. Ông được bầu làm đại biểu Sài Gòn " Chợ Lớn. Không hiểu có phải vì ông đã chán ngán cái cảnh thoái hóa, tham nhũng của cán bộ Cộng Sản sau 1975 hay vì ông đã nhận thức được cái sai trái của đường lối chủ nghĩa Cộng Sản của Stalin khiến làm sụp đổ các nước Xã Hội Chủ Nghĩa ở Trung Âu, nên ông đã ân hận và treo cổ tự tử!..Trước khi tự kết liễu đời mình, ông đã nhờ đại tá hồi hưu Xuân Diệu ( không phải thi sĩ Xuân Diệu) nhắn dùm ông trước Ðại hội đảng Q3, thành phố Hồ Chí Minh:
"Dốt mà lãnh đạo nên làm Dại,
Dại mà muốn thành tích nên báo cáo Dối,
Dốt , Dại, Dối,
Ðó là ba điều làm cho các nước Xã Hội Chủ Nghĩa sụp đổ, làm cho nước ta đi từ sai lầm nầy đến sai lầm khác." ( Trích thư của đảng viên kỳ cựu La Văn Lâm, tức cựu trùm Công An La Văn Liếm gởi Tổng Bí Thư Ðỗ Mười ngày 30- 4- 1994). 

Tướng Trần Văn Trà, tướng trách nhiệm quân sư miền Nam, đã viết hồi ký gián tiếp " chỉnh" các khoe khoang của Văn Tiến Dũng trong quyền "Ðại Thắng Mùa Xuân." Hồi ký của tướng Trà vừa mới xuất bản lại có lệnh phải tịch thu ngay. Trần Văn Trà sau đó có một lúc liên hệ với Câu Lạc Bộ Kháng Chiến miền Nam và đã được mời ra Bắc ở cho đến khi chết (?). Trần Văn Trà đã viết về Huỳnh Tán Phát:" Có một điều cần nói. Anh Phát thuộc một gia đình không "trơn tru", anh vẫn có "tâm tư riêng." Trần Bạch Ðằng, người Cộng Sản kỳ cựu ở miền Nam từ 1945 đến 1975, có viết về Huỳnh Tấn Phát:" Anh không cầm súng, chưa bao giờ là chỉ huy quân sự, xong lại cáng đáng một trận địa mà có lẽ không dễ có người thay:huy động trí thức vào hàng ngũ đấu tranh...Càng biết nhiều khía cạnh riêng của của anh Phát càng khâm phục anh - những mất mát của anh về những người thân ( cha, chú, cô) là quá lớn..."

Ðược Trần Văn Giàu kết nạp vào đảng Cộng Sản từ ngày 5- 3- 1945, Huỳnh Tấn Phát đã được bố trí tiếp tục hoạt động cho đảng Dân Chủ ở miền Nam. Ðể chiêu dụ những nhân sĩ trí thức miền Nam tham gia đấu tranh, Huỳnh Tấn Phát đã cổ võ cho một chiêu bài hòa hợp, một thái độ cách mạng kiểu đảng Dân Chủ. Khi Hà Nội chủ trương vội vã thống nhất sau ngày 30- 4- 1975, giải tán chính phủ Lâm Thời Cộng Hòa miền Nam, lừa gạt đưa quân nhân, công chức, văn nghệ sĩ miền Nam vào các trại lao tù, giải tán đảng Dân Chủ và đảng Xã Hội, thiêu đốt các tác phẩm văn hóa, sách vở dân chúng miền Nam v. v... Huỳnh Tấn Phát đã bị nhiều nhân sĩ cho là đã mang tội thất tín với dân chúng miền Nam. Người viết bài có cộng sự viên ở lại trong xứ sau ngày 30- 4- 1975 và đã có cơ hội biết Huỳnh Tấn Phát trong những ngày nằm bệnh viện Thống Nhất và bệnh viện Chợ Rẫy. Anh đã cho biết:" Ở Chợ Rẫy, Huỳnh Tấn Phát trong những ngày bệnh, không nói năng gì, chỉ mỉm cười cho đến khi chết." Những ai có dịp sống gần Huỳnh Tấn Phát đều biết anh là người rất tốt về mọi mặt, có cái đặc biệt là miệng lúc nào cũng nở nụ cười rạng rỡ.

Không ai biết được nỗi lòng Huỳnh Tấn Phát ra sao trong những ngày sắp đi sang thế giới khác. Không biết Huỳnh Tấn Phát đã mỉm cười trước khi chết vì cảm thấy đã làm tròn những ước vọng của đời mình trước khi ra đi, hay cái mỉm cười im lặng của Anh là một cách cười chua chát.
BS Trần Nguơn Phiêu
Ngày 30 tháng Tư năm 2001
* Theo một mật tin, chúng đã khai trừ Huỳnh Tấn Phát bằng cách điệu ra Hà Nội chích sérum hémolyse để giết từ từ như đã giết Francois Ðặng Trí Nhơn.(TTV)

No comments:

Post a Comment