Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Saturday, 15 March 2014

MẶC LÂM * NGUYỄN QUANG LẬP

Đọc “Ký ức vụn” của Nguyễn Quang Lập

Mặc Lâm
Ảnh bên:Phương Nam Book đã tổ chức buổi ký tặng đặc biệt của nhà văn Nguyễn Quang Lập vào ngày thứ Sáu, 22-5-2009 tại Nhà sách Phương Nam Book 20 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ký ức vụn 2, một tạp văn nữa của nhà văn Nguyễn Quang Lập vừa ra đời đóng góp thêm cho nền văn học Việt Nam những mẫu chuyện mà qua đó ít nhiều miêu tả lại chính xác hoàn cảnh sống, diễn biến xã hội và nhất là số phận từng con người mà nhà văn gặp qua, cảm nhận và chia sẻ.
Trong những con người ấy, nhà văn Nguyễn Quang Lập tỏ ra ưu ái phụ nữ rất rõ rệt, những phụ nữ mà dưới phác thảo của ông người đọc cứ ngẩn ngơ, rưng rưng tự hỏi sao họ lại khổ như thế?

Cái khổ vì miếng cơm manh áo của những người phụ nữ ấy hoàn toàn không có trong Ký ức vụn 2. Nguyễn Quang Lập viết về phụ nữ với những mảng tối khác. Anh lấy họ từ bạn bè, hàng xóm, người yêu và thậm chí từ người mẹ của mình. Phụ nữ qua ngòi viết của Lập đậm đặc bi kịch, có thể là họ nói ra hoặc không. Ngay cả khi họ âm thầm không nói thì nỗi uẩn ức cũng làm cơ thể họ toát lên những tiếng kêu phản kháng dữ dội. Lập đánh hơi họ bằng chiếc mũi thính của loài linh cẩu, phát hiện cái phần không thấy được bằng mắt. Anh ngửi tâm tư của họ toát ra từ những giọt mồ hôi bên trong chiếc áo, những giòng nước mắt chưa kịp chảy ra và cả những tiếng thở dài nuốt vào rất vội.
Trong 39 truyện đã có tới 17 truyện viết về phụ nữ và những truyện còn lại cũng không thể thiếu bóng dáng của họ. Truyện đầu tiên có cái tựa rất trẻ thơ, rất thiếu nhi và chừng như không dính dáng gì tới phụ nữ: Con bò của thằng Thọt, lại là phần mở đầu lý thú về sự nhỏ mọn, ác độc và lắm chuyện của một người đàn bà. Người đàn bà ấy đã từng đạp người khác để sống trong trong những hợp tác xã nông nghiệp bần cùng của miền Bắc.

Thằng Thọt lượm được con bê con đẻ rơi trong một cuộc đánh bom, nó đem về nuôi, khi lớn thành bò nó cho cả làng thuê đi cày. Bà S. cũng thuê bò của Thọt nhưng không trả tiền vì ỷ mình là cán bộ thôn chủ nhiệm hợp tác xã. Chính bà S. đánh thuốc con bò thằng thọt và kéo nhau tới không cho bán thịt mà bắt phải chôn. Sau này Thọt phát hiện nhờ thấy cái lục lạc con bò của nó được thằng con của mụ S. cầm chơi. Ba chục năm sau Nguyễn Quang Lập thấy mụ xuất hiện trên TV vẫn luận điệu như ngày xưa chỉ tay năm ngón ở HTX, lần này mụ chỉ tay trên TV:
“Bà nói rất hay, Đảng thế này nhà nước thế kia, chế độ thế này xã hội thế kia, đất nước thế này dân tộc thế kia… hay như đài nói. Mỗi tội giọng bà chua loét như đài kẹt volume nghe xói vào tận óc, rất kinh.”
Nhúm lông
Đàn bà đối với Nguyễn Quang Lập có một mối duyên thầm nào đó khiến anh luôn gặp họ trên từng độ tuổi. Chị L. bật dậy trong trí nhớ và kể lại câu chuyện của chị sau gần năm mươi năm ca cách. Chuyện chị đơn giản và trần trụi, cái trần trụi của Eva từ khi vườn địa đàng chưa đóng cửa.
Cái nhúm lông muôn đời ấy qua ngòi viết của Lập bỗng dưng có thêm chiếc màn nhung, thêm âm thanh, ánh sáng cho một buổi diễn ngoài trời dành cho trẻ con bằng câu chuyện của người lớn. Trong khi trẻ con vỗ tay rầm trời thì người lớn lại thở dài cho những người đàn bà giống như chị L.


  Mình ghé tai thằng Quí, nói răng chị L. yêu một lúc hai người. Thằng Quí chặc lưỡi, nói biết được. Bỗng có tiếng cãi nhau. Chị L. kêu to, nói hai người sáu  chục ( đồng), răng lại bốn chục. Người đàn ông nói tụi anh chỉ có chừng đó, em thông cảm. Chị L. rú lên, nói đưa ngay thêm hai chục, đưa ngay. Hai người đàn ông bỏ chạy. Chi L. tru tréo chửi, nói vơ cha tổ tụi bay nời, ăn không l. tao nha. Mình với thằng Quí nhảy ra, nói ê ê tụi em biết chị làm chi rồi nha. Chị L. sững lại, từ từ khụy xuống trước mặt hai đứa mình, nói chị phải làm rứa để nuôi cả nhà, chị lạy hai em đừng nói với ai hết.  Chị chắp tay vái tụi mình như tế sao, vừa vái vừa khóc.”
 Bây giờ chị L. đang ngồi trước mặt tác giả, mặt mày tươi rói, nói nửa thế kỉ rồi Lập hè,mau thiệt. Chị bỏ giọng Bắc nói nguyên xi tiếng bọ.
Chị cười to, nói chuyện chị tắm với con cháu 10 tuổi. Nó thấy chị có nhúm lông, nói răng dì có mà con không có. Chị nói lớn lên rồi con cũng có. Nhờ nhúm lông ni mà dì nuôi sống cả nhà đó con.


Mụ Cà
Bên cạnh chị L. là câu chuyện của mụ Cà.. Mụ Cà bị giặc Pháp hiếp dâm và sau đó lại tiếp tục bị đội trưởng du kích Cu Miễn hiếp dâm bằng quan điểm một lần nữa. Có khác là mụ bị gặc hiếp nơi vắng vẻ còn du kích Miễn thì hiếp mụ giữa hội làng.
“Chuyện mụ Cà bị một lính Tây hiếp cả làng ai cũng biết, bàn tán xôn xao. Cu Miễn họp đội du kích phát động căm thù. Cu Miễn nói đồng chí Cà kể lại cho anh em nghe. Mụ Cà nói kể cái chi? Cu Miễn nói kể việc đồng chí bị  giặc Pháp hiếp ra răng. Mụ Cà nói thì cũng giống như lẹo chắc, nhưng đây là hiếp. Rứa thôi, chi mà kể. Đồng chí Cu Miễn không biết lẹo chắc à? Cu Miễn nói đồng chí Cà nghiêm túc vào, hiếp khác với lẹo chắc. Mụ Cà nói nhưng tui không biết kể chi hết. Cu Miễn nói ví dụ giặc Pháp đè đồng chí xuống, xé áo quần đồng chí rất dã man. Mụ Cà nói đúng rồi rất dã man. Tui chống cự rất quyết liệt, vừa chống cự vừa hô đả đảo đế quốc Pháp. Cu Miễn mừng rỡ, nói rứa đó rứa đó, đồng chí kể tiếp đi. Mụ Cà nói chỉ rứa thôi, biết kể chi nữa. Cu Miễn nói lúc đầu răng, cuối cùng ra răng cứ rứa mà kể. Mụ Cà hỏi kể thiệt a? Cu Miễn nói có răng đồng chí cứ kể rứa.
Mụ Cà nói báo cáo các đồng chí lúc đầu hắn đâm một phát tui chửi rất hăng, sau hắn đâm nhiều quá, sướng rồi hết chửi. Mọi người cười, vỗ tay ầm ầm, nói ua chầu chầu hay hè hay hè. Cu Miễn tức, đập bàn chỉ tay mụ Cà quát, nói phản động! Bắt mụ ni trói lại cho tui. Mọi người ngơ ngác không hiểu sao.”
Chỉ bao nhiêu là đủ để dựng thành một cuốn phim tái tạo lại lịch sử. Lịch sử u tối và đầy xác chết của những lý thuyết vô hồn.

Chị  Mai và Cu Mèo
Nếu Cu Miễn hiếp dâm mụ Cà bằng lời thì Cu Mèo lại hiếp dâm bằng hành động của một con thú đực trên một con cái không còn sức đề kháng. Câu chuyện của người phụ nữ tên Mai sẽ ám ảnh người đọc suốt những trang sách của Nguyễn Quang Lập.
Sau khi bị Cu Mèo hiếp dâm chị Mai xấu hổ không dám nói ai, chị quyết định quyên sinh. Chị đi một mạch xuống Quảng Thanh, ngồi đúng nơi “tọa độ lửa” đợi máy bay tới thả bom. Chị không chết, bị một mảnh bom đâm đúng cuống họng, không nói được, nói gì cũng cứ “dá da dá da”.
Trước hiếp sau cướp, Cu Mèo lấy luôn đất nhà chị và cấp cho chị một cái nhà khác như nắm tay. Mèo còn tỏ ra quan tâm đến chị, một con người vừa mất trinh tiết vừa mất nhà và mất luôn tiếng nói trong bàn tay của y.
“Năm đó chị Mai về làng thì ngôi khu vườn 5 sào của chị bị cha con cu Miễn chiếm dụng. Chị Mai kiện cáo khắp nơi. Chị không có chữ chẳng viết đơn được, nói gì cũng dá da da chẳng ai hiểu gì. Con kiến kiện củ khoai, nói gì cũng dá da da thì kiện cái gì nhưng chị không nản, ba chục năm này chị kiên trì bám theo  Cu Mèo, hễ gặp Cu Mèo đâu chị cũng túm áo lão kêu dá da da. Phiền quá Cu Mèo mới thí cho chị cái nhà này đấy. Dứt lời thằng bạn mình cười he he, nói đó, tình nghĩa Cu Mèo là rứa đó.”
Và rồi như người ta vẫn thường thấy trong xã hội Việt Nam trong những nhiễu nhương văn hóa, Cu Mèo lên sâu khấu hót những lời mà chị Mai chỉ còn biết “dá da dá da” nghẹn ngào:
“Đau khổ lắm các đồng chí ạ. Cu Mèo nghẹn lại như sắp khóc. Mọi người lặng thinh cảm động. Bỗng chị Mai nhảy lên túm áo Cu Mèo, nói dá da da da!... Dá da da! Chị khóc òa day áo Cu Mèo liên tục, nói dá da da da. Mình tưởng Cu Mèo thẹn đỏ mặt, chẳng dè Cu Mèo ôm chầm lấy chị, vỗ vỗ lưng chị nghẹn nào, nói chị đừng nói lời cảm ơn, đừng nói lời cảm ơn nữa chị Mai ơi.
Mọi người cảm động vỗ tay rần rần.”

Chị Đóc Xấu 
Từng người đàn bà với những số phận hẩm hiu qua mỗi trang sách của Nguyễn Quang Lập, chủ yếu vì sự xấu xí trên khuôn mặt hay cơ thể dẫn đến bi kịch của họ trong đêm dài thế kỷ. Chị tên Đóc nhưng do quá xấu đối với cặp mắt người miền quê nên chị có thêm biệt danh xấu phía sau thành Đóc Xấu. Mặt mũi chị cũng dễ nhìn nhưng do chị cao quá khổ thành ra lêu khêu không xứng với một thanh niên nào trong làng. Thời may một lính Mỹ bị bắn rơi máy bay được chị giấu trong nhà, vậy là cái cuộc tình dài ngoẵng ấy giữa chị và anh chàng Mỹ kia thành hình trên chiếc giường đặc biệt đóng riêng cho chị. Nguyễn Quang Lập kể:
“Chỉ có giường chị Đóc Xấu thằng Mỹ mới nằm vừa, chị Đóc Xấu để nhà cho thằng Mỹ ở, sang ngủ với mụ Cà. Nửa đêm chị Đóc Xấu trằn trọc không ngủ được. Mụ Cà hỏi răng không ngủ, chị Đóc Xấu nói nằm giường chị đau lưng lắm.Mụ Cà nói hay cho mi sang ngủ với thằng Mỹ? Chị Đóc Xấu cười rúc rích, ôm lưng Mụ Cà, nói tây hiếp chị ra răng. Mụ Cà nói sướng chớ răng. Chị Đóc Xấu nói sướng răng sướng răng, kể đi kể đi. Mụ Cà vằn mắt lên, nói coi bộ mi mê thằng Mỹ rồi phải không? Chị Đóc Xấu cười hì hì, nói công nhận thằng Mỹ đẹp trai.”
Sau cái đêm “sướng răng, sướng răng” ấy chị Đóc Xấu có mang và thằng Mỹ quay trở lại đón chị. Từ Mỹ quay về Việt Nam chị đã cởi hẳn cái lớp áo xấu xí để trở thành thiên nga, cho dù giả tạo và đầy ắp sự kệch cỡm thường thấy từ những người thoắt cái nhảy phóc lên tới trời.
 Chuyện tình của mạ tôi
 
Nhưng có lẽ gom góp hết cái hay, sâu lắng và điển hình nhất của những người phụ nữ kém nhan sắc, âm thầm sống và âm thầm hưởng thụ từ người đàn ông có chút công danh phải tìm trong câu chuyện của chính thân sinh tác giả.

Nguyễn Quang Lập viết truyện này không dễ dàng chút nào mặc dù anh sống dưới mái nhà do bà quán xuyến nhiều chục năm trời. Có lẽ điều làm cho anh nhớ và khắc sâu vào ký ức là những ngày tháng thơ ấu, lúc bộ não như một tờ giấy trắng và cái nhạy bén của Lập đã chụp lại tất cả những hình ảnh mà anh mang theo trong suốt cuộc đời.
“Mạ tôi nhan sắc tầm thường, một chữ bẻ đôi cũng không biết, chị của 9 đứa em đói rách lầm than.”
Bao nhiêu đó đủ diễn tả bà mẹ của Lập. Bà mẹ, theo như anh tả không phải là hiếm trong xã hội nếu không muốn nói là quá dôi ra so với những người đàn bà dễ nhìn khác. Khác ở cách nhìn của tác giả và lòng yêu thích người cha của bà mẹ. Độ trễ nhiều chục năm sau ngày bà lấy chồng, so sánh thời gian đăng đẳng để thấy bà không phải là an phận mà bà hạnh phúc thật sự. Niềm hạnh phúc được ban phát như bố thí của người chồng không làm bà đắn đo, so sánh hay tủi hờn. Với bà, lấy được ông ấy làm chồng là ơn phước, là được cả thế giới trong tay.
Câu chuyện vừa đào sới cơn thèm khát sâu thẳm của một người vợ, và rồi sau đó nhịp điệu bình an, tự tồn tại và mái ấm gia đình đã khiến bà trở thành điển hình, một điển hình hạnh phúc không qua định nghĩa của bất cứ nhà lập ngôn nào.

Nguyễn  Quang Lập viết về cái đêm tân hôn giữa cha và mẹ: “Đêm thứ ba mươi mốt ba tôi mới chịu vào buồng, khi không còn tìm được bất kì lí do chính đáng nào để từ chối hợp cẩn với người đàn bà hơn mình hai tuổi.”
“Mạ tôi giấu hân hoan vào bộ ngực đầy, giấu luôn đôi mắt mắt long lanh chứa chan hy vọng. Bà ráng làm mặt giận, cố hắt ra một câu suốt ba mươi đêm vò võ một mình bà đã nhẩm thuộc làu, nói răng không đi luôn đi, vô đây mần chi. Nhưng bà đã không nói được. Khi ba tôi cầm nhẹ tay bà, nói giận anh không, bà đã khóc òa.
Mạ tôi suốt đời không biết người đàn ông nào khác ngoài ba tôi. Không phải vì thứ đức hạnh truyền kiếp của đàn bà chân quê, chính là vì bà tự biết mình được hưởng phúc quá lớn, hơn vạn đêm được “quân tử nằm kề”, con số chính xác có trừ đi khoảng bốn ngàn đêm ba tôi vắng nhà đi công tác hoặc qua đêm với một ai đó trong bốn chục người tình nửa nắng của ông.

Hạnh phúc của mạ tôi giản đơn như cây cỏ, cứ ba năm hai lần vác cái bụng vượt mặt đi lại vênh vang giữa chợ phiên và hả hê chửi ba tôi như chửi chó mỗi lần vượt cạn.
Đọc Ký ức vụn 2 không nên đọc nhiều lần, vì có ai xem một vở kịch hay cải lương hay mà lại về nhà ăn chút cơm, uống miếng nước rồi quay lại sân khấu bao giờ. Bỏ cuốn sách xuống là bạn sẽ hồi hộp tự hỏi “thằng này, con kia” trong cuốn sách sẽ ra sao trong những trang kế tiếp? Vậy thì hãy đọc một mạch để rồi cười to hay chảy nước mắt cùng với nhân vật, những nhân vật đã làm nên tác giả.
 http://vietnamese.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/nugatory-memories-03142014064225.html

No comments:

Post a Comment