Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Saturday, 29 March 2014

HỒNG LÊ THỌ ** LỄ HỘI NHẬT BẢN

Vài suy gẫm từ văn hóa lễ hội của người Nhật Bản


 

Lời dẫn

Xuân về, cả nước đang bước vào mùa lễ hội. Theo con số thống kê mới đây, hàng năm cả nước có khoảng 9,000 lễ hội nhưng tất cả đều có dáng dấp của một kịch bản tương tự, xiêm y, rước kiệu, cờ phướn.. cũng khg khác nhau, mang màu sắc tôn giáo, thần linh  hơn là hội hè...của cộng đồng dân cư trừ một vài lễ hội dân gian như chọi trâu, đua thuyền. Đây là điều gây trăn trở khg nhỏ đối với những ai quan tâm truyền thống văn hóa của dân tộc. Xin mời các bạn xem bài viết dưới đây là một góp ý gián tiếp của tác giả.

         14/02/2009


Một hình thái độc đáo đễ gìn giữ 

bản sắc và truyền thống


Một cách khách quan, có thể nói ít có dân tộc nào trên thế giới ưa thích lễ hội (matsuri) như người Nhật Bản. Suốt bốn mùa trong một năm, trên mảnh đất phù tang này, nơi nơi đều có lễ hội, ở đâu chúng ta cũng có thể tìm thấy những người Nhật, nam cũng như nữ, trẻ hay già đều nhảy múa, reo hò “wasshoi” “wasshoi” hăng say, họ chan hòa vào trong những buổi lễ rước kiệu, vác kiệu thờ (omikoshi) chạy khắp phố phường trong bộ áo Yukata truyền thống, rực rỡ màu sắc và dồn dập tiếng trống... Vào mùa hè, khi bước vào rằm tháng 8 của mùa Vu Lan (Obon), cả nước Nhật vui nhộn hẳn lên, góc phố, công viên nào cũng đều rộn ràng tiếng hò giã gạo, múa ngắm trăng, quay quần bên chân lễ đài nhảy nhịp nhàng một cách tươi vui không kể những lễ hội mùa Thu sau mùa gặt hái hay lễ hội mùa đông phong phú khắp đó đây. Lễ hội là một hình thái khá độc đáo ở Nhật Bản góp phần gìn giữ nét văn hóa rất riêng, đậm đà tính truyền thống của người Nhật Bản lôi cuốn hàng triệu khách du lịch quốc tế cũng như hàng chục triệu người du khách trong nước tạo ra một nguồn thu đáng kể của ngành công nghiệp không khói trong nền kinh tế. Trong bài viết này chúng tôi mời các bạn thử tìm hiểu những nét lớn của Văn hóa Lễ hội Nhật Bản, hy vọng đây cũng là những gợi ý ban đầu để chúng ta cùng tham khảo trong việc cấu trúc lại lễ hội ở nước ta nhằm “Xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, một chủ trương lớn của Đảng và nhà nước Việt Nam hiện nay.

Nguồn gốc của Lễ hội tại Nhật Bản


Vốn là một nước nông nghiệp, chịu ảnh hưởng của Thần Đạo (Shinto) và Phật Giáo, văn hóa lễ hội ở Nhật Bản mang sắc thái đình làng rất rõ rệt. Ngày xưa khi nước Nhật chưa bước vào thời kỳ cách mạng công nghiệp vào cuối thế kỷ 19, lễ hội của người Nhật Bản thường tập trung vào hai mùa trong năm, mùa xuân (mùa gieo hạt) và mùa thu (mùa thu hoạch) theo lịch sinh hoạt của nông thôn để cầu cho “mưa thuận gió hòa”, vui đón thần linh từ núi về ruộng đồng vào đầu vụ, rồi đến cuối vụ khi thu hoạch hoàn tất lại làm lễ tạ ơn, tiển thần linh trở lên núi. Mỗi làng xã đều có một đền thờ Thần Đạo(Jinja), đây vừa là nơi tế lễ nhưng đồng thời cũng là địa điểm tổ chức hội làng, nơi tụ tập cộng đồng để vui chơi, giải trí của lễ hội. Điều đó chúng ta có thể thấy rất rõ ở Kanda matsuri, Otorisama ở Tokyo hay Taue matsuri (lễ hội cấy lúa) tại Osaka, Inari Taisho (Kyoto), là sự kết hợp giữa đời sống của xã hội nông thôn và tôn giáo (Thần đạo) khá đặc biệt. Như những nước nông nghiệp phương Đông khác, yếu tố thần linh trong đời sống nông thôn ngày xưa như Thần Gió, Nước, Lửa, Sấm sét, Lụt lội, Cây cối, Sông ngòi... vẫn được nhiều địa phương đặt ra cho những lễ hội riêng của mình bên cạnh những lễ khác được tổ chức để ăn mừng ngày lãnh chúa mới lên nắm quyền bính, biểu thị quyền uy của họ (bằng cách xây dựng các đền thờ và ăn mừng lễ hội một cách “ầm ỉ”) hay những ngày hội Hoa anh Đào khắp xứ sở vào tháng 3-4 hằng năm để mừng xuân về. 
Cũng đã có nhiều loại hình lễ hội mang màu sắc Phật giáo bắt đầu từ thế kỷ thứ 6 vào thời Thái tử Shotoku ban hành chiếu chỉ xem đạo Phật là quốc giáo thì bên cạnh những đền thờ Shinto là các ngôi chùa Thiền tông thì lễ hội của nông thôn đã có thêm một sắc thái mới nhất là những ngôi chùa hùng vĩ tập trung nhiều nhất ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt Kyoto, Nara vùng cố đô cũ của Nhật bản. Vào thời kỳ Minh Trị (1868 - 1912) , Thần đạo được khôi phục như quốc giáo thay cho Phật giáo thì lễ hội của làng xã nông thôn dần dà mang tính “hội” nhiều hơn “lễ”, yếu tố thần linh chỉ còn là một biểu tượng. Ngày nay Thần đạo không còn là quốc giáo từ khi nước Nhật đi vào “dân chủ hóa” sau thế chiến thứ 2, Nhật hoàng không còn là “con trời” (Thiên tử) thì ngoài những lễ hội địa phương theo truyền thống nông nghiệp ngày xưa, chúng ta còn thấy những lễ hội lớn lại tập trung vào mùa hè từ đầu tháng 8 đến ngày rằm như Gion matsuri xuất phát từ Kyoto nay đã tỏa ra rộng khắp, Tanabata (theo truyền thuyết Ngưu lang Chức nữ gặp nhau ở Ngân hà) ở Sendai hay Tenjin matsuri (Osaka), Awa – odori ở Tokushima... là những lễ hội qui tụ đến hàng chục vạn người tham gia và lôi cuốn hàng triệu khách từ trong nước cũng như du khách đến thăm Nhật Bản.
 Khắp đất nước Nhật Bản rộ lên một mùa lễ hội vào những ngày này, song song với những lễ hội lớn như đã đề cập, chúng ta đều có thể phát hiện ngay từ khu phố, xóm nhỏ ở đâu có công viên hay sân trường học, đều giăng hoa kết đèn để người cùng khu phố múa hát, vui chơi với nhau, gọi tên chung là “Bon-odori”, người hàng xóm có thể chào hỏi nhau, thanh niên thiếu nữ làm quen, hòa đồng trong nhịp trống và nhạc điệu dân ca giữa đêm hè oi ả. Ý nghĩa của “hội” thể hiện khá rõ khi những người có mặt ở đây vừa là người trình diễn vừa là khách tham quan quây quần dưới chân lễ đài, múa hát thỏa thích. Tất cả đều không chuyên nhưng loại hình sinh hoạt “bảo tồn văn hóa” này được nghiên cứu và tổ chức khá kỹ lưỡng, xem lễ hội là một hoạt động “về nguồn”, là lúc để gặp gỡ lại bản làng thôn xóm sau những tháng ngày làm ăn xa quê, là nơi thể hiện sức mạnh đoàn kết của cộng đồng làng xã (mà ngày nay là khu phố), sự gắn bó của dân gian qua hành động cùng say sưa(uống rượu Sake) ca múa, nhảy hay rước kiệu (đền thờ), thậm chí họ còn ngồi lên những thân cây lớn từ trên núi lao xuống vực sâu, nhẩy xuống biển lạnh, chân suối nước tuôn rét buốt...  để  chứng tỏ sự dũng cảm...

Những nét đặc trưng của văn hóa lễ hội ngày nay

Ngày nay tính thiêng liêng hay huyền bí của tôn giáo thể hiện không đậm nét mặc dù như trên đã đề cập, yếu tố thần linh và cuộc sống nông nghiệp là nguồn gốc của những sinh hoạt lễ hội ngày trước, chính vì thế phần “lễ”, “cúng” hay “rước” được thu gọn trong phạm vi đền, chùa nhưng phần “hội” lại được chú trọng và tổ chức khá qui mô, biến thành một hoạt động văn hóa đặc sắc với sự tham gia của cộng đồng ở địa phương. Từ cấp xã (khu phố) đến quận, huyện, hầu hết đều có những tổ chức “bảo tồn văn hóa địa phương”, “Câu lạc bộ văn hóa dân gian”, “hội nghiên cứu về múa truyền thống” tự nguyện, các loại hội công thương, tiểu thủ công nghiệp, hợp tác xã, nhà mạnh thường quân, nhà máy sản xuất địa phương… là cơ sở đóng góp tài chính để tổ chức những ngày lễ hội, mỗi nơi đều ra sức chứng tỏ sự phát triển vượt bực của địa phương mình. Chúng ta không lạ gì khi thấy hàng đoàn người, nam nữ có tổ chức từng đoàn, từng xã hay khu phố thi đua tài sắc qua những chiếc áo Yukata độc đáo, sặc sỡ, những nhóm nữ múa thật nhịp nhàng và đẹp mắt nối đuôi nhau suốt một quãng đường dài (trên 3 km) trong ngày lễ Nebuta ở thành phố Aomori phía Bắc hay những đoàn thanh niên mặc quần chẻn đầu bịt khăn vạm vỡ nhảy theo điệu Awa trong lễ múa Awa-Odori ở Tokushima, họ tung chân, uốn tay như cởi sóng trên biển theo nhịp điệu chuông, trống nhịp nhàng. 
Hàng nghìn trai tráng mình trần trong làng vác kiệu nặng 2 – 5 tấn(có nơi to hơn, nặng vài chục tấn) chạy khắp phố phường trong lễ hội Fukugawa Hachiman ở Tokyo. Những điều đó cho thấy tính cộng đồng của hoạt động lễ hội rất cao, một loại hình văn hóa đặc trưng góp phần gìn giữ truyền thống khá hiệu quả. Những lễ hội như vậy không phải cho thế hệ lớn tuổi mà điều đáng ngạc nhiên là lứa tuổi thanh niên (nam nữ) từ 18 đến 30 là thành phần chủ yếu, là một “sân chơi” của giới trẻ theo như cách nói của chúng ta. Tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa ở Nhật Bản khá nhanh kể từ khi Nhật Bản bước vào thời kỳ phát triển kinh tế “thần kỳ” trong những năm đầu thập niên 60, số người rời làng quê ra thành thị ngày càng đông đảo thì văn hóa lễ hội đã được xây dựng ngay trên vùng đất mới, cộng đồng dân thị thành vẫn tìm cách lập ra các hội đồng hương, tổ chức gìn giữ văn hóa bằng các loại hình sinh hoạt lễ hội ngay tại đây mà nhà trường, hội bảo tồn văn hóa của từng khu phố… như đã nói ở trên là điểm hội tụ. 
Văn hóa Âu Mỹ thâm nhập vào xã hội Nhật Bản mạnh mẽ, tạo ra những lối sống mới trong giao lưu ảnh hưởng vào tinh thần và đời sống người Nhật Bản khá đậm nét, nhất là đối với lớp trẻ nhưng cũng khá lạ lùng khi nhận ra rằng họ sống và gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc hết sức sâu sắc, tự hào về văn hóa lễ hội mà con người Nhật Bản đã vun đắp suốt mấy trăm năm qua. Những giá trị tinh thần ấy đã giúp cho dân tộc Nhật Bản luôn đồng nhất và có phần bài ngoại hay khép kín trong tư duy. Nếu xem qua một festival ở Châu Mỹ La tinh như Carnaval ở Rio de Janeiro (Brazil), một lễ hội tưng bừng nhất thế giới thì nam nữ ăn mặc múa hát sặc sỡ, phóng khoáng, múa nhảy theo điệu Samba, họ co giật tự nhiên mỗi người một kiểu hoặc cởi mở, theo sở thích cá nhân, thoáng đãng như các loại lễ hội ở phương tây thì lễ hội (matsuri) của người Nhật Bản hoàn toàn khác, hàng vạn người tất cả đều trật tự, kỹ luật nhịp nhàng trong tiếng trống và chuông. Một nét đẹp “tập thể” rất đồng điệu và thể hiện tính cộng đồng , đoàn kết “khép kín” trong văn hóa và đạo lý phương Đông. Tắm mình với rượu sake hay nước suối trong vắt để được “thanh khiết” trước khi bước vào lễ hội và trong hương thơm ấy lòng họ say theo nhịp điệu để rồi cùng kết thúc với ly lượu tràn đầy chúc tụng nhau hẹn ngày này sang năm. Nhà nghiên cứu về văn hóa lễ hội Nhật Bản, giáo sư Ota Masahiro cho biết “Matsuri (lễ hội) ở Nhật Bản là một trong những nhân tố nếu trước đây là để gắn bó cộng đồng thì ngày nay chính là động lực đem lại thu nhập cho khu phố” vì những lễ hội này thu hút đến hàng triệu người đến tham gia như lễ hội Tenjin ở Osaka (1,4 triệu du khách) hay mùa lễ hội Nebuta và Tanabata hàng năm lôi cuốn hơn 2 – 3 triệu người đến tham quan.

Hình thái lễ hội của họ không phải là một hoạt động văn hóa “hoài cổ” hay mang tính chất “tạp lục” kết hợp hoặc chắp vá “mượn bên nầy đắp bên kia”, “giật áo vá vai” để “ăn liền” mà là kết quả của những công trình nghiên cứu cơ bản về dân tộc học nghiêm túc, tạo ra từng sắc thái riêng của lễ hội thể hiện một trình độ dân trí cao, có ý thức cùng hun đúc và làm giàu cho nền văn hóa truyền thống có bản sắc rất riêng của người Nhật Bản theo từng địa phương rõ rệt vì nhìn vào điệu múa, câu hát, bài trí cảnh quan là có thể biết ngay “Lễ hội” ở đâu.
Nếu bình thường những người nước ngoài rất khó hiểu với người Nhật Bản, thấy họ kín kẽ trong giao tiếp, tiếp xúc bao nhiêu thì ở những ngày lễ hội, chúng ta có thể thấy họ hồ hởi và cởi mở đến như thế nào ! Tất cả đều bị lôi cuốn, thu hút bởi sự đồng thuận trong văn hóa lễ hội ấy.

Thử nhìn lại lễ hội ở Việt Nam


Các vị tế tự tại hành lễ tại đền thờ Tây Sơn(hình ảnh mũ mão cân đai tương tự có thể thấy ở nhiều lễ hội)

Ở nước ta, theo thống kê gần đây của Ban Tuyên Giáo, mỗi năm có khoảng 9000 lễ hội(1) . Lễ hội ở những địa phương miền Bắc khá phong phú, tập trung nhiều vào những ngày tháng Giêng sau tết âm lịch như tưởng nhớ đến thần “Thành Hoàng”, các vị anh hùng dân tộc như Giỗ tổ vua Hùng, Bà Trưng, Bà Triệu ... là đặc trưng của những ngày lễ truyền thống, bên cạnh đó còn những lễ hội mang đậm nét của làng xã, địa phương như Lễ hát Quan Họ, Hội Lim, Hội Chùa Hương, Hội các làng Nghề, Hội chọi Trâu..., ở miền Trung còn lưu lại một số lễ hội truyền thống ở kinh thành Huế, lễ hội đua thuyền, lễ hội Cầu ngư, lễ rước tượng quan thế âm ở Đà Nẵng và những lễ lớn của các dân tộc ít người như Lễ Hội Katê của dân tộc Chăm, Lễ hội vua Quang Trung dựng cờ khởi nghĩa ở Bình Định... Nam bộ ngày nay tuy ít hơn nhưng vẫn còn những ngày hội lớn như Oóc-om Bóc (Sóc Trăng), đua thuyền, chọi trâu... Hình thái lễ hội ở nước ta phần lớn còn ở dạng nguyên thủy của làng xã nông thôn mang tính “lễ” tưởng niệm nhiều hơn “hội” mà các thủ tục tế lễ mang màu sắc tôn giáo rất đậm nét. 
Hình thái từ “lễ” biến thành “hội” chưa được mở rộng(2) nếu không nói là thiếu sự tham gia của đông đảo quần chúng, sắc thái tạo nên không khí “hội hè” còn đơn giản theo qui mô làng-xã vốn rất nhỏ hẹp ở nước ta, mang tính phô diễn đơn điệu, quanh đi quẩn lại vẫn là đánh đu, đánh võng, rước kiệu, leo cột mỡ, đô vật … (3) . Trong loạt bài nghiên cứu “Lễ hội Truyền thống và Hiện đại”, hai tác giả Thu Linh – Đặng Văn Long kết luận khá sâu sắc “Hiện nay chúng ta đã sáng tạo ra nhiều hành động mới và cũng đã duy trì hoặc nâng cao nhiều hành động cũ. Song có điều là các hành động đó chưa định hình và chưa tạo ra được các hành động hội cá biệt”. Thật vậy, từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc được chú ý hơn, trong đó không ít “hội hè” mang tính tùy tiện hay phục hồi những hủ tục (lên đồng, rút xăm, bói quẻ, đánh bạc…) mà giá trị văn hóa đã không còn(4). Trong năm 2000 chúng ta cũng đã có những ngày hội lớn như kỷ niệm Saigon 300 năm, Huế Festival, 990 năm Thăng Long Hà Nội(sắp tới là 1000 năm)... nhưng sau những ngày rộn ràng hô hào cho lễ hội đó, dư âm, dấu ấn của nó không đủ để người dân nhớ đến, chìm vào lãng quên mặc dù số tiền bỏ ra để thực hiện không hề nhỏ. 
Điều này cho thấy vấn đề lễ hội mang tính dân gian, hòa nhập vào quần chúng cần được đặt lại từ hình thức đến nội dung tổ chức, từ ý nghĩa đến hình thái lễ hội qua nghiên cứu kỹ càng từ cách ăn mặc, trang phục đến các hình thức, thủ tục lễ tiết và phần “hội” có sự tham gia của đông đảo quần chúng một cách linh hoạt, mang sắc thái địa phương đậm nét hơn.. Mặt khác, với truyền thống của một đất nước luôn đấu tranh chống giặc ngoại xâm trong suốt hai ngàn năm lịch sử, những cuộc khởi nghĩa, những trận chiến lừng danh như Đinh Bộ Lĩnh cờ lau ra trận, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Trần Hưng Đạo thủy chiến trên sông Bạch Đằng, hay các vị anh hùng ở chiến khu Bãi Sậy, Yên Thế... cũng là những đề tài để có thể tổ chức lễ hội có tầm cỡ qui mô mà hiện nay phần lớn còn bỏ ngỏ, hoặc nếu có thì cũng quạt cờ, vua quan theo kiểu “hát bội”, “phường chèo”… cùng một kịch bản, na ná bắt chước qua lại đến nhàm chán. 
Ngay như “tiếng trống” một trong những phần tạo nên cái “hồn” của lễ hội vẫn là hàng loạt trống cơm sắp hàng ngang dọc, kèm động tác nhảy múa, “diễn” một cách yếu ớt của các nữ vũ công dịu dàng, nhịp nhàng ẻo lả theo kiểu cung đình, không phù hợp với lễ hội dân gian, thiếu sôi động, thôi thúc, nhặt khoan….cần thiết, rất hiếm những chàng trai vạm vỡ, khỏe mạnh với tiếng trống rền vang, khi nhanh lúc chậm như thôi thúc, liên tục theo nhịp hùng tráng, biểu dương sức mạnh hay sự cường tráng qua những chiếc trống đại, trống voi, trống sấm…để ra quân hay khai hội. Ở Lễ hội Đống Đa ở Bình Định hay một vài lễ hội khác ở Thanh Hóa, Hà Tây cũng có màn đánh trống tuy nhiên phần “diễn” nặng hơn phần “trống” và đơn thuần nhịp điệu quen thuộc của trống múa lân Trung quốc !

Múa trông ở Triều Khúc(Thanh Oai-Hà Tây)
 

Trống trận Tây Sơn(đâu là vạm vỡ khí thế ?).


Chưa bao giờ “văn hóa” lễ hội được quan tâm cao như hôm nay khi mà lễ hội đã biến thái trầm trọng(5), tập trung sòng bạc, hiện tượng ăn xin, móc túi(6), thức ăn, sinh hoạt kém vệ sinh, bát nháo kinh hoàng hay tồi tệ qua Lễ Hội Chùa Hương những năm gần đây(7) hoặc Lễ Hội Hoa anh đào(8), đường Hoa ngày tết ở Hà Nội(9) bị dẫm nát, thay vì “ngắm”, vui thưởng ngoạn thì lại tranh nhau vặt hái tơi tả !
Đất nước Việt Nam cũng không thiếu truyền thuyết trong dân gian để xây dựng lễ hội nhưng rõ ràng việc nghiên cứu còn quá ít, nhất là trong lãnh vực dân tộc học, đặc biệt là những lễ hội nhếch nhác của các dân tộc ít người ở vùng cao(10). Các ngày lễ truyền thống cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước của chúng ta rất phong phú tuy nhiên vẫn còn dừng lại ở những buổi lễ kỷ niệm, mít tinh chính trị nặng nề hình thức, kèm văn nghệ múa hát của văn công chuyên nghiệp hơn là lễ hội, thiếu vắng sự chia sẻ và hân hoan của quần chúng. Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần nghiên cứu những hình thức lễ hội mới của toàn dân trong đó phục hồi những giá trị văn hóa và sắc thái dân tộc trong từng thời kỳ giữ nước và dựng nước của từng địa phương, những chiến trận hiển hách, các vị anh hùng áo vải khởi nghĩa chống giặc...mà không sa vào khuynh hướng “thương mại hóa lễ hội” chém chặt một cách quá khích(11) . 
Nhiều du khách đến thăm, du lịch ở nước ta đều thắc mắc tại sao Việt Nam lại quá hiếm lễ hội gây ấn tượng(mặc dù trên thực tế thì không phải là ít như những con số đã dẫn ở trên), nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội…, những thành phố lớn có 5- 8 triệu dân hay những đô thị cỡ vừa, với vài triệu dân như Đà Nẵng, Cần Thơ… có rất ít lễ hội đáng ghi nhớ trong năm, để lại kỷ niệm sâu sắc ngoài những hình ảnh xô bồ chen chúc đi lễ chùa đầu năm hay ngày lễ lớn với nhiều thủ tục rườm rà, nội dung ôm đồm, bát nháo. Không lẽ chúng ta không xây dựng được những chương trình văn hóa lễ hội hằng năm ở Hà Nội, TP HCM… những nơi đang là trung tâm của cả nước ? 
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng “Huế Festival” là loại hình lễ hội khá hoành tráng với sự tham dự của nhiều quốc gia trên thế giới, được tổ chức qui mô hai năm một lần là một cố gắng và thành công lớn, điểm đến của chương trình tham quan Huế thu hút đông đảo du khách vào mùa hè nhưng vấn đề đặt ra là làm sao để không gây ấn tượng “bản cũ soạn lại” trong chương trình, bị động bởi thời tiết và gìn giữ được bản sắc phi vật thể, loại trừ những yếu tố mê tín dị đoan, đồng bóng của người dân xứ Huế trong các khâu tổ chức, thể hiện . Những nơi đang đổi thay nhanh chóng khi nền kinh tế phát triển, nhà cao tầng dần dà thay thế khu phố cổ thì nền văn hóa truyền thống liệu có bị nhạt phai và biến mất, thay vào đấy là những loại hình văn hóa đô thị, thâm nhập từ mọi phía chưa được gạn lọc ?

Đánh trống khai hội(Thanh Oai-Hà Tây) xiêm y, dáng đứng thế nầy thì không thể kêu to còn chiếc trống thì nhếch nhác, lở lói….

“Nói đến lễ hội bây giờ, cũng phải kể tới kiểu loại lễ hội liên quan tới việc khuếch trương du lịch. Nào lễ hội biển. Nào lễ hội trà. Nào lễ hội hoa. Nào lễ hội ẩm thực... Tất cả đều được tổ chức theo những kịch bản na ná nhau và thường thấy có nón trắng, có chân tay luỳnh khuỳnh, có phất cờ chạy vòng tròn và bao giờ cũng có đội trống gõ thì thùm. Ấy là chưa kể đôi khi còn có cả ánh đèn la-de lóe sáng, những màn đốt pháo bông rực rỡ hoặc đống lửa bập bùng nồng nặc mùi dầu ma-dút”(12). Hơn thế nữa, lễ hội bó hẹp ngày nay vẫn còn trong một không gian cố định (sân vận động, vài khu phố chính…) chưa có hình thức lan tỏa khắp mọi chốn thị thành hay làng quê theo một qui chuẩn tổ chức và nội dung mang tính chuyên nghiệp và chính qui. Thiết nghĩ chính điều nầy là một trong những hạn chế sự tham gia của quần chúng, không tạo thành một “hồn phố” hay “hồn quê” mới trong những ngày lễ hội háo hức và sôi nổi, tràn đầy nhựa sống của một đất nước đang phát triển.

                                                                                                                             Hồng Lê Thọ
viết bổ sung 2/2009


(đã trích đăng trên báo Sài gòn Giải Phóng và một số báo mạng)


Chú thích:


(1)Theo con số Bộ VHTT đưa ra tại hội nghị năm 2008, mỗi năm cả nước có gần 9.000 lễ hội, bao gồm: Lễ hội dân gian (7.005 lễ hội, chiếm 78,67%) là loại hình phổ biến, trải đều trong năm, chủ yếu là quy mô làng, xã; lễ hội lịch sử cách mạng (409 lễ hội, 4,5%), tuy số lượng không nhiều nhưng các lễ hội này có vị trí quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân vì nó mang ý nghĩa giáo dục truyền thống, lòng yêu nước; lễ hội tôn giáo (1.399 lễ hội, 15,71%) chủ yếu là do các chức sắc tôn giáo nơi thờ tự tổ chức; số còn lại là lễ hội du nhập từ nước ngoài vào (khoảng 25 lễ hội) do các tổ chức, cá nhân người nước ngoài sinh sống, công tác, học tập tại VN hoặc người VN tổ chức...
“Mỗi ngày cả nước có hơn 20 lễ hội”
http://vietbao.vn/Van-hoa/Moi-ngay-ca-nuoc-co-hon-20-le-hoi/40169375/181/
(2) Trình độ cán bộ tổ chức còn hạn chế; nhiều lễ hội không có kịch bản thực hiện hoặc kịch bản giống nhau; tình trạng lộn xộn và gây mất mỹ quan, môi trường xảy ra ở không ít lễ hội. (tlđd như trên)
(3)Hiện nay, việc quản lý của chính quyền còn nhiều lúng túng, chưa kiên quyết, chưa nắm bắt được hết nội dung, bản chất của lễ hội. Vấn đề xã hội hóa cũng chưa rõ ràng, còn mâu thuẫn trong công tác tổ chức, cách tính toán phân vân, thiếu quyết đoán nên quản lý chưa sâu sát. Đồng thời, chúng ta cũng chưa dự báo được tình hình mới của lễ hội trong giai đoạn phát triển và hội nhập với thế giới. Riêng các nhà nghiên cứu khoa học chưa tìm được nhiều kế sách giúp cho bộ trong việc quản lý, tổ chức, giải quyết... những vấn đề xung quanh lễ hội. Trong con số 9.000 to lớn đó, các nhà khoa học chỉ mới làm được vài lễ hội lớn. Ngoài ra, tính tự giác của người dân chưa cao là trách nhiệm ở cấp ủy Đảng, đoàn thể địa phương…Lễ hội và những tồn tại(Thứ sáu, 25/07/2008) Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái)
www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/2008/7/159855/
(4)Chùa Hương vừa khai hội, hàng vạn người đi. Hội chợ Viềng (Nam Định) chỉ diễn ra chưa đầy 1 ngày nhưng lượng người đổ về cũng đông như mắc cửi. Song, qua mỗi lễ hội lại khiến du khách ra về với tâm trạng thất vọng, thậm chí, sợ đi lễ hội. Chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau để giành lấy chỗ đứng chân. Tình trạng du khách ngất tại chỗ vì chen lấn xảy ra khá phổ biến. Người ta giành nhau lấy chỗ để cúng, để vái.
Khung cảnh lễ hội thì lộn xộn, bát nháo. Các dịch vụ trông giữ xe, nhà nghỉ, hàng ăn... đều được dịp chặt chém du khách. Nhưng, vấn đế lớn nhất đang tồn tại ở hầu hết các lễ hội là nạn cờ bạc, móc túi và trộm cắp, thực trạng này đã khiến nhiều du khách ác cảm với lễ hội. Người đi hội chẳng ai đi với mục đích cờ bạc, nhưng các điểm tổ chức cờ, bạc tại các lễ hội luôn sử dụng chiêu “cò mồi” để cuốn người tham gia...“Nhốn nháo lễ hội” Ngân Tuyền
http://www.anninhthudo.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=41587&ChannelID=5

(5)Trước khi diễn ra Lễ hội Yên Tử, Ban tổ chức đã khẳng định năm nay sẽ không còn tái diễn cảnh “chướng tai gai mắt” như đua nhau bán thuốc nam dọc đường hành hương lên đỉnh Bạch Vân Sơn, nạn khai thác tràn lan măng trúc, gậy trúc, thịt thú rừng... Vậy mà, có lên Yên Tử mới biết rằng… không phải vậy!(Những “hạt sạn” ở Yên Tử, 10/2/2009)
www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/2009/2/180760/
(6)Hội Lim năm nay được tổ chức công phu, chuyên nghiệp hơn những năm trước, đó là điều rất dễ nhận ra, nhưng khi ra về nhiều du khách vẫn thấy buồn và tiếc. Nỗi khổ đầu tiên mà khách thập phương phải gánh chịu đó là cảnh tắc đường và bị “móc túi” một cách trắng trợn… Ngay trên con đường dẫn vào địa điểm chính của hội Lim, hàng chục gian hàng “vui chơi có thưởng” mà thực chất là cờ bạc với đủ thứ đèn đóm, âm thanh đã khiến không ít du khách có cảm giác bất an. Chờ cho lễ khai mạc diễn ra xong (có thể lúc đó các quan chức đã về hết), chủ các “gian hàng cờ bạc” bắt đầu “thời vụ” hốt bạc(Hội Lim: Đến hẹn lại... đỏ đen! CATPHCM 10/2/2009)

(7)xem thêm http://vietnamnet.vn/vanhoa/2009/01/826423/)
(8)xem thêm http://dantri.com.vn/c135/s135-226480/le-hoi-hoa-anh-dao-va-nhung-hinh-anh-chua-dep.htm

(9)xem thêm http://blog.360.yahoo.com/blog-moZ7oAEleqV6mWuX7NnzKg--?cq=1&p=17853


(10)Quản lý lễ hội dân gian ở Gia Lai đôi điều trăn trở (TS. Nguyễn Thị Kim Vân)

Thứ nhất, trong hệ thống gồm hàng chục lễ hội lớn nhỏ của đồng bào Jrai, Bahnar, có nhiều lễ hội mang tính cộng đồng diễn ra trong nhiều ngày, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, sinh hoạt cộng đồng và trong những thập niên gần đây, việc lễ hội kéo dài cũng tác động đến an ninh trật tự xã hội trên địa bàn. Bên cạnh đó, việc để thực phẩm sử dụng nhiều ngày trong các lễ hội sẽ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của cộng đồng, tác động xấu đến môi trường.

Thứ hai, số lượng vật hiến sinh trong các lễ hội, nhất là lễ bỏ mả nhiều khi lên đến hàng chục bò, trâu diễn ra khá phổ biến. Đây là hiện tượng có thể gặp trong bất kỳ mùa ning nơng (tháng nghỉ ngơi và tổ chức lễ hội hàng năm) nào trong khu vực người Jrai thuộc các nhóm địa phương trên cao nguyên Pleiku như: Jrai Tboăn, Jrai Aráp, Jrai Hdrung. Điển hình như mùa ning nơng 2007 - 2008, trong lễ Pơthi được tổ chức tại làng Sung O, xã Ia Me, huyện Chư Prông, những gia đình có người chết cùng chôn trong ngôi nhà mả của làng, cùng bỏ vào dịp đó đã “chia của” cho người chết số bò lên tới 50-60 con (và đương nhiên là, tương đương với số bò ấy là số người nằm dưới nhà mồ kia, chờ người thân làm những thủ tục cuối cùng để về với “ông - bà” cũng rất nhiều).

Thứ ba, Trong nghi lễ liên quan đến tang ma, người Bahnar và Jrai thường có những hành động biểu hiện tình cảm một cách thái quá như: tự làm cho mình bị thương bằng cách rạch đùi, rạch ngực; người phụ nữ có chồng chết phải kiêng tắm gội cả tháng trời để chứng tỏ tình cảm tiếc thương đối với người chết… tất cả những hành vi này đều được cộng đồng giám sát, những người vi phạm sẽ bị cộng đồng lên án, thậm chí bị phạt vạ bằng vật chất.

Thứ tư, tình trạng vòi tiền những người Kinh đến xem lễ, đặc biệt là những người có mang theo máy chụp ảnh, máy quay phim… đã xuất hiện và ngày càng phổ biến ở những vùng gần thị trấn, thị tứ, những khu vực có khách du lịch. Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến và là nạn nhân của hiện tượng này ở làng Phung (dân tộc Jrai), xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah. Số tiền, hiện vật mà người dân đòi ở khách tham quan tuy không nhiều, nhưng do nó diễn ra một cách tự phát, hết người này đòi, đến người khác đòi gây sự phản cảm, giảm hứng thú thưởng thức các giá trị văn hóa dân tộc… của du khách và cùng với những cảm giác ấy, tình cảm của khách tham quan đối với chủ nhân của những giá trị văn hóa này cũng giảm sút.
http://cema.gov.vn/modules.php?name=Content&op=details&mid=11065
(11)Thời gian gần đây, lợi dụng chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa, không ít địa phương đã có biểu hiện lạm dụng thái quá việc tổ chức lễ hội. Lễ hội phát triển tràn lan, nhưng “kịch bản” của các lễ hội lại na ná nhau về hình thức tổ chức. Nhiều lễ hội còn nặng về khấn lễ, không phù hợp với tinh thần trong sáng, lành mạnh của lễ hội truyền thống… Không thể phủ nhận, hiện nay nhiều người đi lễ hội chỉ theo phong trào. Có những người đi lễ hội nhưng chẳng có một chút kiến thức nào về nơi mình đến, về lễ hội mình tham gia, về danh nhân, nhân vật lịch sử mình đang dự lễ tôn vinh tưởng nhớ. Điều “thực tế” nhất với một bộ phận không nhỏ những người đi lễ hội là thắp hương, dâng lễ, đặt chút tiền công đức... và khấn vái. Rất nhiều người đi lễ chỉ chú trọng đến việc sắm sửa “mâm cao, lễ đầy”, bỏ thật nhiều tiền vào hòm công đức, rồi ra sức khấn xin tài xin lộc, thậm chí còn xin thần, phật nhiều chuyện tế nhị khác..Lời giải nào cho bài toán: Lễ hội bị thương mại hóa? (Minh Kha)
http://www.daidoanket.vn/ddk/mdNews.ddk?id=9233
(12)Lễ hội, trước hết phải là văn hóa (Nguyễn Hòa)
http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=43&sub=78&article=118145
 

Nghi trượng dẫn đầu(Thanh Oai-Hà Tây)
 

Rước kiệu ở làng Triều Khúc(Thanh Oai-Hà Tây)
 

Có thể xem màn trình diễn đánh trống của Nhật bản tại đây:
http://www.youtube.com/watch?v=Dark883eH3s&feature=related
http://www.youtube.com/watch?v=zmJOK6SUxdU&feature=related

            ©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org    Hồng LêTHỌ

No comments:

Post a Comment