Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Saturday 29 March 2014

TƯONG LAI **CON ĐƯỜNG PHÍA TRƯỚC

CON ĐƯỜNG PHÍA TRƯỚC BỖNG XA NGHÌN TRÙNG”




                                                                                        Tương Lai

Đây là câu thơ của thiền sư Pháp Loa [1284-1330],  vị tổ thứ hai của dòng thiền Trúc Lâm,  ra đời cách nay đã gần 800 năm :

Ngang đầu khan bất tận.
Lại lộ hựu trùng trùng”.

Ngước nhìn mây núi bao la
Con đường phía trước bỗng xa nghìn trùng
                                                                                                  [Nguyễn Duy dịch thơ]

Là con đường nào đây?  Liệu có phải là con đường mà chỉ mới đây thôi, nghĩa là gần tám thế kỷ sau tính từ khi ra đời “con đường phía trước” của vị thiền sư kia, nhà thơ Việt Phương của  thế kỷ XXI này ao ước :
                                              “Sẽ đến thời khắp bốn phương tử tế
                                             Cuối con đường có lẽ gặp con người
                                            
Phải chăng đây là con đường đi về phía chân trời, chân trời của khát vọng ? Nhưng trước khi trả lời, hãy đọc thêm một câu thơ khác cũng nói về con đường. Câu thơ trong trong bài “Đừng đi theo bước Như Lai” [Hưu hướng Như Lai], ra đời cách nay đã gần 900 năm, cũng của một vị sư, thiền sư Quảng Nghiêm [1122-1190] :

                                                     Nam nhi tự hữu xung thiên chí
                                                 Hưu hướng Như Lai hành xứ hành

                                              Làm trai phải tự có chí xung trời thẳm.
                               Đừng nhọc mình dẫm theo vết chân của Phật tổ Như Lai!

Tứ thơ thật lạ! Xuất gia đi tu, thế mà lại bảo không cần phải dẫm theo đường mòn có sẵn, phải ngộ đạo theo cách của mình. Đúng là chống giáo điều từ gốc! Trong bài còn có câu “ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ”, lìa được sự ham muốn đi vào niết bàn thì mới có thể bàn chuyện đi vào niết bàn. [Ở đây, “tịch diệt” là thuật ngữ nhà Phật, mang ý nghĩa của hai chữ niết bàn]. Không cần phải đi tìm một thế giới giác ngộ nào khác ở ngoài cuộc đời mà ta đang sống. Mỗi người đều có thể đạt tới sự giác ngộ từ chính cuộc sống của mình. Con người phải biết và dám chịu trách nhiệm bởi chính mình chứ không chỉ cúi đầu tuân phục, nem nép theo cái gậy chỉ huy! Cả nghìn năm trước mà thần thái của tứ thơ đã “hiện đại” đến thế thì quả thật, bản lĩnh ông cha ta thật muôn lần đáng kính nể. 
Mà đúng thế, nếu không có bản lĩnh đó thì làm sao trụ vững trong cái thế kẹt địa-chính trị trứng chọi với đá, trong thế đứng đối diện trước Biển Đông vừa hiền hòa vừa dữ dội. Không có bản lĩnh đó thì làm sao có thể thường trực cảnh giác chống thiên tai dồn dập dữ dội đến từ trời, và nhân tai hung hãn xảo quyệt đến từ người. Trời thì gào thét dữ dội, người thì “khẩu Phật tâm xà” nghìn năm nung nấu mộng bành trướng. Từ trải nghiệm thực tiễn đó mà ông cha ta đã đúc kết thành một phong cách sống Việt Nam, gói gọn vào trong câu tục ngữ để truyền dạy cho con cháu : “Có cứng mới đứng đầu gió”. 
Tự hào biết bao cái bản lĩnh dám “đứng đầu gió” ấy. Hơn bao giờ hết, cần phải khắc sâu vào tâm khảm mỗi con người Việt Nam đương đại niềm tự hào đó để hiểu rằng, nếu không có bản lĩnh ấy thì đất nước này e đã thành một quận huyện của Trung Quốc như vị tiến sĩ Vương Hàn Lĩnh nọ thuộc Viện Luật pháp Quốc tế, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (Bắc Kinh) vừa xấc xược tuyên bố trong trả lời phỏng vấn tại Hà Nội nhân Hội thảo quốc tế về Biển Đông : Nên nhớ rằng cho đến năm 1885, Việt Nam vẫn là thuộc quốc của Trung Quốc”. Khi phóng viên vặn lại, ông tiến sĩ nói tỉnh queo : “Nhưng chúng ta cũng không thể thay đổi lịch sử”.1
 Lịch sử ư? Việc gì phải thay đổi! Lịch sử đã chứng minh sống động ông cha ta đã tự viết nên những chiến tích thần kỳ chống ngoại xâm như thế nào. Không đánh cho chúng kinh hồn tán đởm, khiến cho “Thôi Tụ phải quỳ mà xin lỗi. Hoàng Phúc tự trói để ra hàng”, rồi “Mã Kỳ Phương Chính… ra đến biển chưa thôi trống ngực, Vương Thông Mã Anh…về đến Tàu còn đổ mồ hôi  như Nguyễn Trãi đã viết trong “Bình Ngô đại cáo” thì làm sao dân tộc ta còn đứng hiên ngang trước Thái Bình Dương bao la quanh năm sóng vỗ như hôm nay? Không như thế thì những hậu duệ của Vương Thông, Mã Anh …kia còn láo xược đến ngần nào nữa?
Để trụ vững trong cái thế đứng cam go ấy, bao thế hệ Việt Nam phải thường trực tinh thần cảnh giác và ý chí tự lực, tự cường để đáp trả những cuồng vọng xâm lược đến từ mọi phía. Và đồng thời, chính cái thế kẹt địa-chính trị ấy cũng lại là nhân tố quyết định hun đúc nên cái bản lĩnh “có cứng mới đứng đầu gió” ấy! 
Trên con đường dựng nước, mở nước, cứu nước và giữ nước biết bao cam go đó, bản lĩnh Việt Nam chính là sự kết tinh của sức sống Việt Nam, của tinh hoa truyền thống văn hóa dân tộc. Đó là con đường dân tộc ta đã đi qua và là con đường dân tộc ta sẽ đi tiếp. Và đó chính là “con đường phía trước”, con đường đi tới những chân trời khát vọng. Phải chăng vì thế mà “lại lộ hựu trùng trùng”, con đường phía trước bỗng xa nghìn trùng”. Vì sao mà “xa nghìn trùng”? Vì đây là con đường đi về phía chân trời, là đi tìm chân trời mà theo Phạm Văn Đồng thì “ không tìm thấy đâu, vì đi tới thì nó lại lùi xa…”. Câu này nằm trong văn cảnh của việc nhìn nhận về thực chất của văn hóa theo một quan niệm rất độc đáo : “văn hóa là gợi, là mở, là không thỏa mãn cái đã có, là đi tìm chân trời, mà không tìm thấy đâu, vì đi tới thì nó lại lùi xa…”*.
Ấy vậy mà văn hóa trong ý nghĩa hàm súc nhất của nó chính là cốt lõi của bản lĩnh, bản sắc dân tộc từ xa xưa cho đến nay, là “sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử của dân tộc, nó làm nên sức sống mãnh liệt, giúp cộng đồng dân tộc Việt Nam vượt qua biết bao sóng gió thác ghềnh tưởng chừng không thể vượt qua được, để không ngừng phát triển và lớn mạnh”.*
Phải từ ý nghĩa đó mà suy ngẫm về hai câu thơ Thiền dẫn ra trên đây để càng thấy sự liền mạch của sức sống dân tộc đặng quyết tâm hơn, mạnh mẽ hơn trong những giải pháp thúc đẩy công cuộc chấn hưng văn hóa đang có những biểu hiện bất cập đáng lo ngại trong thời đoạn lịch sử của hội nhập và phát triển hiện nay. Nếu “văn hóa là gợi, là mở, là không thỏa mãn cái đã có, là đi tìm chân trời…”thì cần phải hiểu rằng, nói văn hóa tức là nói con người. Con người với khát vọng tự do : “Trên đời ngàn vạn điều cay đắng. Cay đắng chi bằng mất tự do[Hồ Chí Minh]. Thế nhưng lại “không nên nóng vội. Vì không thể nóng vội được trước vấn đề rộng lớn như văn hóa*.
 
Hành trình của con người đi tìm chân trời tự do được khởi đầu khi con người có ý thức về chính mình.Trên hành trình thực hiện khát vọng sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người [Các Mác] thì những cái mà con người giành được tuy vô cùng to lớn song vẫn còn cách quá xa mục tiêu mà họ muốn hướng tới. Chính vì thế mà đã nảy sinh ra không ít những nôn nóng muốn “đốt cháy giai đoạn” nhằm đẩy nhanh hơn các bước đi đến mục tiêu. Và hệ lụy của sự nôn nóng duy ý chí mang nặng tính chất không tưởng ấy là cái giá đắt phải trả của biết bao tâm huyết và không thiếu những hy sinh lớn lao. Bi kịch càng thấm thía hơn với những trái tim càng đập mãnh liệt, những cái đầu càng lớn những suy tư, thì cái giá loài người phải trả cho những nôn nóng chủ quan của họ lại càng lớn. Đó chính là khúc bi tráng của con người trên hành trình tìm đường giải phóng cho chính mình. Trên con đường ấy từng vang dội những “hùng ca” song cũng đầy rẫy những “ai ca”. Nhưng đó lại chính là sự tiến hóa của lịch sử. Và đó cũng là biện chứng của lịch sử. Trong quá trình tiến hóa ấy, những gìá trị do con người tạo ra sẽ được bảo tồn và phát triển. Đó chính là văn hóa.
Văn hóa là ngọn lửa thiêng chiếu sáng con đường của con người đi tìm chân trời trong sự phát triển vô cùng tận của lịch sử người. Đó cũng chính là quá trình tự phát triển của con người. Khi nói văn hóa tức là nói con người thì đồng thời phải hiểu rằng, nói con người cũng là nói văn hóa. Cho nên mới có định nghĩa “văn hóa là không thỏa mãn cái đã có, là đi tìm chân trời”. Chính vì “không thỏa mãn cái đã có” nên phải “đi tìm chân trời ”, cách đặt vấn đề như vậy đã là một sự bứt phá. Bởi vậy, trong cuộc “đi tìm chân trời”, quyết định không phải là một vùng đất mới sẽ đến mà là một đôi mắt mới để phát hiện được những cái mình cần tìm.
 Liệu có phải vì thế mà cha ông ta cách đây cả nghìn năm đã khuyến cáo phải dám tự khẳng định chính mình chứ không bằng lòng với việc dễ dãi và lười nhác chỉ biết lần theo dấu chân của người khác như đàn cừu cung cúc theo con đầu đàn. Thậm chí còn dữ dội hơn thế : “hưu hướng Như Lai hành xứ hành”, đừng nhọc mình dẫm theo vết chân của Phật tổ Như Lai!
Đấy chính là bản lĩnh văn hóa, khởi nguồn của mọi sáng tạo trên con đường dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Bản lĩnh văn hóa đó chính là “sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử của dân tộc”. Không có cái đó đó thì dân tộc này đã bị “đồng hóa” từ lâu rồi. Phải hiểu cho sâu điều này để biết dồn sức vun đắp văn hóa, điều kiện tiên quyết của hội nhập và phát triển. Dồn sức vun đắp với ý thức “văn hóa là gợi, là mở, là không thỏa mãn cái đã có”. Vì vậy “đừng có sợ, đừng có sợ một chút nào những ý kiến khác nhau! Nếu tất cả giống nhau thì xã hội thật là buồn. Ai không chấp nhận được điều này là vô văn hóa, phản văn hóa. Và những người này không thiếu đâu. Điều đó dễ hiểu!”*.
Hiểu ra điều này để càng thêm bền chí khi “con đường phía trước bỗng xa nghìn trùng”,  và để càng nung nấu thêm ý chí, nghị lực dấn bước về phía chân trời . Chân trời khát vọng.
________________________

*.         Phạm Văn Đồng “Văn hóa và Đổi mới. Tác phẩm và Bình luận. Bộ Văn hóa Thông tin. 1997. tr.14,  tr.119, tr.120, tr.121   



No comments:

Post a Comment