Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Wednesday, 12 March 2014

JAMIE METZL ** UNKRAINE




Trở lại tương lai ở Ukraine và châu Á


Jamie Metzl
Phạm Nguyên Trường dịch

Cùng với việc quân đội Nga chiếm đóng lãnh thổ Ukraina và Hải quân Trung Quốc thả neo ở vùng lãnh hải Philippines trong biển Nam Trung Hoa [biển Đông – ND], thế giới hiện đang bước vào giai đoạn nguy hiểm.
Về mặt địa chính trị, Nga và Trung Quốc đang tái lập các tiêu chuẩn của thế kỷ XIX, đấy là khi các quốc gia cạnh tranh với nhau bằng cách tích lũy sức mạnh cứng trong hệ thống của chủ nghĩa dân tộc không kiềm chế và chủ quyền quốc gia cứng nhắc. Thật vậy, Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đang tìm cách tái lập bản đồ thế kỷ XIX của thời Sa hoàng, bằng cách nắm chặt Crimea, Abkhazia, Nam Ossetia, và những khu vực khác của đế chế cũ bằng mọi giá.

Tương tự như vậy, Trung Quốc, dựa vào cơ sở lịch sử mơ hồ của đế chế đã chết từ lâu, đang đặt cược việc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trong khi vi phạm toàn bộ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển. Cả hai nước hiện đang hành xử như thể sức mạnh là một trò chơi tổng bằng không, được quyết định bởi các quy tắc của chính sách thực dụng xưa cũ.
Nhưng, mặc dù Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo rằng việc Nga chiếm Crimea “không phải là hành vi của thế kỷ XXI, của G -8, và của nước lớn”, Hoa Kỳ và các đồng minh đang đấu tranh để giữ bằng được thế giới hậu chiến của thế kỷ XXI.
Đối với Mỹ, những tàn phá do chủ nghĩa dân tộc tham lam của châu Âu gây ra, thể hiện trong chủ nghĩa thực dân và hai cuộc chiến tranh thế giới, đã chấm dứt vào năm 1945. Những nhà lập kế hoạch thời hậu chiến của Mỹ đã kết luận rằng nếu chủ nghĩa dân tộc cực đoan là vấn đề thì tinh thần xuyên quốc gia là lời giải. Mỹ đã dẫn đầu trong việc xây dựng một hệ thống luật pháp quốc tế, tạo dựng Liên Hiệp Quốc, và thúc đẩy thương mại tự do và mở cửa thị trường trên toàn thế giới, trong khi vẫn duy trì công tác bảo trợ an ninh, tạo điều kiện cho các tổ chức xuyên quốc gia như Liên minh châu Âu và Hiệp hội các nước Đông Nam Á phát triển.
Trong quá trình này, Mỹ còn xa mới nhất quán hay hoàn hảo, đôi khi nước này đã gây ra những ảnh hưởng chết người ở những nơi như Việt Nam. Nhưng bảo vệ vững chắc hệ thống quốc tế, một hệ thống mà đôi bên cùng có lợi hơn là bất kỳ hệ thống nào từng có trước đó đánh dấu sự mở đầu trong bảy thập kỷ đổi mới, phát triển và cải thiện vĩ đại nhất mà loài người chúng ta từng biết.
Nhưng, bây giờ, với sự ngóc đầu dậy của Trung Quốc, tái cân bằng quyền lực toàn cầu, và Mỹ suy giảm bởi hai thập kỷ chiến tranh đã làm xói mòn uy tín của mình, trật tự quốc tế hậu chiến lại rơi vào trạng thái căng thẳng dữ dội.
Nhật Bản hiện nay, một người ủng hộ kiên quyết của hệ thống hậu chiến do Mỹ dẫn dắt, cũng đã thay đổi. Khi thuyền trưởng người Mỹ là Matthew Perry tiến vào cảng Tokyo vào năm 1854, ông đã thấy ở đây một quốc gia yếu ớt, bị cô lập, và có công nghệ lạc hậu. Mười bốn năm sau, Nhật Bản bắt đầu khởi động quá trình hiện đại hóa quy mô lớn dưới thời hoàng đế Minh Trị; ba mươi bảy năm sau đó, việc họ giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật đã làm cả thế giới chấn động. Tiếp thu một cách nhanh chóng những bài học của châu Âu thế kỷ XIX, năm 1894, Nhật Bản đã phát động một thập kỷ nỗ lực nhằm thống trị Châu Á và đảm bảo những nguồn lực của mình, và họ chỉ dừng lại khi những quả bom nguyên tử của Mỹ san phẳng Hiroshima và Nagasaki.
Sau chiến tranh, dưới sự bảo vệ và hướng dẫn ban đầu của Mỹ, Nhật Bản đã nổi lên như một nhà vô địch của một hệ thống quốc tế dựa trên nền tảng là luật pháp. Theo các tiêu chuẩn tương đối, Nhật Bản đã tài trợ cho Liên Hợp Quốc nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, nước này cũng tham gia một cách có ý nghĩa vào các định chế quốc tế khác, và hỗ trợ sự phát triển của các nước láng giềng châu Á, trong đó có Trung Quốc .
Nhưng, với việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay tìm mọi cách bêu xấu hình ảnh của Nhật Bản và áp lực những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và tranh chấp lãnh hải một cách quyết liệt hơn bao giờ hết, đất nước này đang bị đẩy theo hướng mà Thủ tướng Shinzo Abe, với thiên hướng nhằm xét lại lịch sử của mình và nhấn mạnh quá khứ dân tộc chủ nghĩa của Nhật Bản, có thể trong một số khía cạnh đã ủng hộ: quay lại với thế kỷ XIX .

Châu Âu cũng chấp nhận hệ thống quốc tế sau chiến tranh. Với việc để nước Mỹ làm công tác an ninh, các chính phủ châu Âu chuyển trọng tâm chú ý vào những khoản chi cho lĩnh vực phúc lợi xã hội và xây dựng không tưởng hậu-chủ quyền của thế kỷ XXI, tức là làm lu mờ sự chia rẽ giữa các quốc gia và thay thế những vụ gây hấn và lòng hận thù bằng đàm phán và thỏa hiệp.
Nhưng bây giờ, giấc mơ thế kỷ XXI của châu Âu lại phải đối mặt con gấu Sa hoàng thế kỷ XIX, đang đặt móng vuốt của nó lên biên giới Nga-Ukraine. Và, cũng như các nước ASEAN, không thể và không muốn đứng lên chống lại việc Trung Quốc xâm lấn trên Biển Đông, EU đã phát hiện ra các giới hạn của quyền lực mềm của mình, giới hạn của phương cách tiếp cận theo lối đồng thuận với Nga.

Nếu một hệ thống hậu chủ quyền của thế kỷ XXI vẫn chỉ là một giấc mơ không thể đạt được trong thế giới của những nhà nước đầy quyền lực của chúng ta (dịch thoát ý từ Hobbesian – ND), và việc quay trở lại với những tiêu chuẩn của thế kỷ XIX bằng cách coi hành vi hung hăng của Nga và Trung Quốc là không thể chấp nhận được thì bảo vệ hệ thống quốc tế thời hậu chiến có thể là phương án tốt nhất mà chúng ta có thể lựa chọn.
Trớ trêu là, phản ứng theo kiểu thế kỷ XIX, với đặc điểm là chính trị dựa trên sức mạnh và tái vũ trang của Châu Âu và Nhật Bản, có thể là một phần của những gì là mà chúng ta cần phải làm.
Jamie Metzl, thành viên của một hãng đầu tư toàn cầu có trụ sở ở New York và là cộng tác viên cao cấp của Asia Society, ông từng làm cho Ủy ban an ninh quốc gia và Bộ ngoại giao Mĩ thời chính phủ Clinton.
Nguồn nguyên bản: project-syndicate.org
P.N.T.
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.

No comments:

Post a Comment