Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday, 24 May 2019

11% phụ nữ ở Việt Nam… tảo hôn

Đây là con số đáng báo động về thực trạng một bộ phận không nhỏ trẻ em gái kết hôn trước tuổi luật pháp cho phép. Điều này đã làm hạn chế cơ hội học tập của trẻ em gái, làm các em mất đi các cơ hội được đào tạo và tìm được công việc làm ổn định.
Lấy chồng, đẻ con khi chưa học viết tên mình
Chị Giàng Thị Ca (năm nay mới 15 tuổi,ở thôn Pú Tậu, xã Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đưa con Sùng A Nhịa (sinh ngày 3/4/2016)lên Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện E để điều trị bệnh tim bẩm sinh phức tạp.
Ôm đứa con bệnh tật, khát sữa khóc ngặt vì đau đớn của bệnh tật, người mẹ trẻ lóng ngóng không biết thực hiện y lệnh của bác sĩ như thế nào vì không thông thạo tiếng Việt.
Cô giáo dạy học trên vùng cao tranh thủ nghỉ hè đã cùng gia đình Ca đưa con xuống Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện E để chữa bệnh cho con. Cô giáo tâm sự: Gia đình Ca thuộc thuộc diện khó khăn, hộ nghèo của địa phương.
Hai vợ chồng chỉ trông vào vài luống ngô, thường xuyên đứt bữa, giờ sinh con lại thường xuyên ốm đau bệnh tật nên gia cảnh càng túng thiếu. Điều đáng nói, dù 2 vợ chồng chưa đủ tuổi kết hôn và vẫn còn đang đi học. Thậm chí người vợ trẻ còn chưa đọc thông viết thạo tên của mình thì đã sinh con, khiến cuộc sống vợ chồng trẻ càng thêm chật vật.
Tình trạng trẻ em gái tảo hôn giống như trường hợp Ca ở Việt Nam khá phổ biến. Theo kết điều tra lần thứ nhất về thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2015, do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê phối hợp thực hiện, cho thấy tỷ lệ tảo hôn chung trong các nhóm dân tộc thiểu số khá cao là 26%, thậm chí tỷ lệ này ở nhiều nơi là rất cao, lên đến 50-70%.
Ở Việt Nam, mặc dù Luật pháp về các vấn đề hôn nhân và gia đình đã quy định tuổi kết hôn ở phụ nữ là đủ tròn 18 và nam giới là đủ tròn 20, song 11% phụ nữ tuổi từ 20 đến 49 đã kết hôn hoặc đã sống chung như vợ chồng trước tuổi 18. Đó là con số giật mình được đưa ra tại hội thảo quốc gia về tảo hôn và kết hôn trẻ em, diễn ra ngày 29/6, ở Hà Nội.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ Hà Hùng, vấn nạn tảo hôn đã làm hạn chế cơ hội học tập của trẻ em gái, làm các em mất đi các cơ hội được đào tạo và tìm được công việc làm ổn định.
Tảo hôn cũng khiến các trẻ em gái dễ mang thai sớm khi cơ thể chưa phát triển toàn diện, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển tinh thần và thể chất của các em. Tảo hôn cũng làm tăng nguy cơ bạo lực gia đình và các dạng bạo lực trên cơ sở giới.
Cần có giải pháp tháo gỡ nút thắt
Để đảm bảo Việt Nam có thể xây dựng một phương pháp tiếp cận toàn diện nhằm chấm dứt tình trạng tảo hôn, hội thảo quốc gia về tảo hôn và kết hôn trẻ em đã xem xét, thảo luận những bài học về các yếu tố và rào cản chính làm cản trở các biện pháp can thiệp hiệu quả. Ông Hà Hùng phân tích, tảo hôn là vi phạm quyền trẻ em, nếu xét trên bình diện tổng thể thì tảo hôn còn tác động trực tiếp đến các vấn đề kinh tế-xã hội khác tạo thành một vòng luẩn quẩn của sự đói nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là nguyên nhân sâu xa làm suy giảm chất lượng nguồn nhân lực và sự phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số.
Giải pháp để tháo gỡ nút thắt của chu trình tảo hôn và kết hôn trẻ em chính là tăng quyền năng và đầu tư cho phụ nữ và trẻ em gái. Mọi phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ hoặc chịu ảnh hưởng bởi kết hôn trẻ em và tảo hôn cần được tiếp cận những dịch vụ có chất lượng về giáo dục và đào tạo, tư vấn về pháp luật và y tế, kể cả tư vấn sức khỏe sinh sản và tình dục, nhà tạm lánh và các dịch vụ xã hội khác.
Điều này đòi hỏi mọi cơ quan chính phủ cần đảm bảo rằng quá trình lập kế hoạch, ngân sách, hoạch định chính sách, và giám sát việc thực hiện phản ánh được nhu cầu của trẻ em gái và trai, và việc đầu tư vào tăng quyền năng cho trẻ em gái cần được ưu tiên ở mọi khía cạnh và mọi lĩnh vực - Bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện Quỹ Phát triển Phụ nữ của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam chia sẻ.
Thống kê trên thế giới, mỗi năm có 15 triệu trẻ em gái phải kết hôn trước khi đến ngày sinh nhật lần thứ 18 của mình.
Cũng đưa ra giải pháp để tháo gỡ tình trạng kết hôn trước tuổi cho phép, Trưởng Đại diện của tổ chức Tầm nhìn thế giới – bà Trần Thu Huyền, đại diện cho các tổ chức phi chính phủ cho rằng, cần nhấn mạnh vai trò của trẻ em trong việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này.
Điều quan trọng là cần lắng nghe quan điểm của trẻ em về những nguyên nhân sâu xa của tình trạng kết hôn trẻ em và cần thu hút cũng như tăng quyền năng cho trẻ em để các em có thể cùng tham gia tìm giải pháp nhằm phòng ngừa và chấm dứt nạn kết hôn trẻ em, đặc biệt là ở các nhóm dân tộc thiểu số.
Các đại biểu đều đồng tình rằng, những khuyến nghị về cải cách chính sách và nghiên cứu trong thời gian tới nhằm chấm dứt tình trạng tảo hôn ở Việt Nam sẽ được tổng hợp và giới thiệu với các bộ, ngành, địa phương và tổ chức liên quan trong nước để có hành động cụ thể cho ngành, lĩnh vực cũng như từng địa phương trong cả nước. Theo đó, chương trình nghị sự về Phát triển bền vững đã đặt chỉ tiêu 5.3 là xóa bỏ mọi tập tục có hại bao gồm tảo hôn và cưỡng ép kết hôn vào năm 2030.
Kiều Việt Thành

No comments:

Post a Comment