Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday, 24 May 2019

Giảm thiểu, đẩy lùi tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở Lâm Đồng
09:49, 08/11/2017
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống hiện đang là thực trạng nhức nhối ở nước ta. Với những tập tục lạc hậu đã ăn sâu và suy nghĩ của đồng bào như lấy vợ, lấy chồng sớm để gia đình có thêm người làm; lấy vợ, lấy chồng chung huyết thống để giữ của cải trong gia đình, trong dòng tộc. Luật hôn nhân và gia đình đã có từ lâu nhưng đến nay, một số xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc của tỉnh Lâm Đồng vẫn còn tình trạng tảo hôn và đặc biệt là hôn nhân cận huyết thống.
Ở những vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Lâm Đồng vẫn còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: Nam Sương - TTXVN

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2010 – 2015, toàn tỉnh vẫn còn hơn 700 cặp vợ chồng tảo hôn và gần 30 cặp kết hôn cận huyết thống. Những hủ tục này không chỉ vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình mà còn để lại những di chứng nặng nề về sức khỏe, kinh tế, giống nòi, hủy hoại thế hệ tương lai.

Lời ru “buồn” nơi rẻo cao

Theo chân cán bộ tư pháp xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), chúng tôi đến nhà bà Ma Vân, dân tộc K’ho nằm hẻo lánh trên đỉnh 1 một quả đồi nhỏ. Căn nhà đơn sơ văng vẳng lời ru của bà mẹ “trẻ con” non nớt nao lòng. Cô bé Ma Nghiệm, con gái bà Ma Vân, làm mẹ khi em mới 14 tuổi. Bố của đứa trẻ, Ya Thủy cũng mới 16 tuổi. Cô bé vừa mới sinh em bé  được gần 2 tháng, do còn quá bé lại mang thai nên em phải sinh mổ và hiện tại sức khỏe của em vẫn còn yếu.

 Mới có 14 tuổi nhưng Ma Nghiệm đã là mẹ.
Ảnh: Nam Sương - TTXVN

Thay vì cắp sách đến trường như bạn bè cùng trang lứa, Ma Nghiệm giờ đây phải quanh quẩn nơi góc nhà với những công việc như cho con bú, thay tã, chăm lo giấc ngủ cho em bé với những động tác lóng ngóng đôi khi phải nhờ sự giúp đỡ của người ngoài, em phải dỗ trẻ con khóc trong khi mình vẫn cần người dỗ khi khóc.

Theo tục lệ chế độ Mẫu hệ của đồng bào K’ho, Ya Thủy về ở rể nhà vợ và em trở thành lao động chính trong nhà. Ma Nghiệm hồn nhiên tâm sự: “ Chúng em gặp nhau, thích nhau và trót có em bé nên chồng về nhà em ở thôi, nhà có thêm người làm nên mẹ cũng đồng ý ”.

Mặc dù trái qui định của pháp luật khi chưa đủ tuổi kết hôn, không đi học nữa, cuộc sống của đôi vợ chồng này sẽ lại quẩn quanh trong thung lũng, đứa con sẽ lớn lên trong cái nghèo đói, thiếu thốn đủ thứ và cuộc sống của vợ chồng Ma Nghiệm - Ya Thủy liệu sẽ yên bình không bởi các em lấy nhau khi vẫn chỉ là những đứa trẻ.

Quan niệm lạc hậu, để có thêm người làm việc trong nhà nên gia đình đồng ý để 2 em Ma Nghiệm và Ya Thủy về ở cùng nhau. Ảnh: Nam Sương - TTXVN

Còn ở thôn Ka Đê, vợ chồng em Nai Thanh (sinh năm 2000) và Ya Lượng (1998) cũng vừa về ở cùng nhau. Nai Thanh chưa đủ 18 tuổi nên các em chưa đăng ký kết hôn và em chỉ ở nhà nội trợ, thỉnh thoảng đi làm thuê. Ya Lượng cũng về nhà vợ ở và trở thành lao động chính trong nhà.

Với ánh mắt trầm buồn, bà Ma Hương, mẹ của Nai Thanh chia sẻ: “Chúng nó gặp nhau, yêu nhau và đòi lấy nhau khi con bé Nai Thanh chưa đủ tuổi kết hôn. Tôi cũng buồn lắm nhưng đành phải theo bọn trẻ thôi. Theo phong tục nhà gái phải đưa sang nhà trai 1 số tiền khá lớn, con bé lại phải nghỉ học và rồi sắp sửa sẽ phải làm mẹ khi còn quá trẻ”.
 
Kết hôn sớm, phải nghỉ học, không có công ăn việc làm ổn định, cuộc sống của vợ chồng Nai Thanh liệu có thoát khỏi cái nghèo. Ảnh Nam Sương - TTXVN

Ánh mắt của người mẹ trầm buồn khi con kết hôn sớm.
Ảnh: Nam Sương - TTXVN

Luật Hôn nhân và Gia đình quy định tuổi kết hôn đối với nam là đủ 20 tuổi và đối với nữ là đủ 18 tuổi. Quy định này đảm bảo cho nam và nữ có thể đảm đương được trách nhiệm làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ, đồng thời còn đảm bảo cho con cái sinh ra khỏe mạnh cả vể thể lực lẫn trí tuệ.

Tuy nhiên, tại 1 số vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng, tình trạng tảo hôn vẫn còn tiếp diễn do quan niệm lạc hậu, lấy chồng sớm để gia đình có thêm sức lao động. Bên cạnh đó, sự phát triển sớm về thể trạng, bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh và các phương tiện thông tin hiện đại làm cho thanh niên dân tộc thiểu số “trót dại” và khi có bầu thì gia đình buộc phải cho về ở với nhau. Ý thức pháp luật của người dân còn thấp, họ sống theo ‘bản năng”,  theo quy định của luật tục đã tồn tại và chi phối nhận thức của họ qua nhiều đời.

Sự tiếp cận với các phương tiện truyền thông hiện đại giúp các em thiếu niên dễ kết nối, dễ nảy sinh tình cảm là 1 trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn. Ảnh: Nam Sương - TTXVN 

Nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số theo chế độ mẫu hệ quan hiệm cho con gái lấy chồng sớm để gia đình có thêm người làm. Ảnh: Nam Sương - TTXVN 

Cuộc hôn nhân trái lẽ thường 

Những cuộc hôn nhân cùng huyết thống con cô lấy con cậu, chỉ cần khác họ là có thể lấy được nhau không còn là chuyện xa lạ đối với tộc người Chil theo chế độ mẫu hệ ở thôn Tu Pó, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Đơng Gur Mira (21 tuổi) và chồng là Bonđơng Hađalet (22 tuổi) là cặp vợ chồng cận huyết thống (mẹ Mira và bố của Hađalet là hai anh em ruột), cưới nhau năm 2016 và giờ đã có 1 bé trai 9 tháng tuổi.

Hai mẹ con Đơng Gur Mira.
Ảnh: Nam Sương - TTXVN

Khi hỏi Mira có biết là anh em họ cùng dòng máu lấy nhau, con cái sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe không, Mira trả lời: “Chúng em thương nhau thì lấy nhau thôi. Trước đây, trong dòng họ, bà con hàng xóm cũng nhiều trường hợp lấy thế mà. Con em chỉ khi ốm là lâu khỏi hơn 1 chút thôi, bác sỹ cũng giải thích do bố mẹ cùng dòng máu”. Mira may mắn khi con em không bị dị tật, nhưng theo bà Kim Hoa, cựu Bí thư chi bộ thôn Tu Pó: “Nhiều trường hợp các em con của các cặp vợ chồng cận huyết thống không bị bệnh tật nặng, dị tật nhưng đa số nhận thức của các em có phần bị thuyên giảm, chỉ có thể học được đến lớp 6, lớp 7 là phải bỏ học giữa chừng”.

Cán bộ huyện, xã đến tuyên truyền về tác hại của hôn nhân cận huyết thống để đồng bào tránh cho thế hệ sau. Ảnh: Nam Sương - TTXVN

Nguyên nhân của kết hôn cận huyết trước hết là do ảnh hưởng về phong tục tập quán, cái lý để đồng bào chưa từ bỏ hôn nhân cận huyết là do họ coi đây là văn hóa truyền thống của dân tộc mình, họ quan niệm, chỉ cùng dòng máu, họ hàng lấy nhau thì mới yêu thương nhau, mới giữ được của cải vật chất của gia đình, của dòng họ, “lọt sàng xuống nia”, vợ chồng không bỏ được nhau. Việc sinh sống, cư trú tại các địa bàn hẻo lánh, xa xôi cũng khiến các chàng trai, cô gái khó có cơ hội tìm hiểu người ngoài nên thường nảy sinh tình cảm với người trong dòng họ.

Hủ tục như cơn mê đè nặng lên bao thân phận của đồng bào dân tộc thiểu số Mạ, K'ho, Chu Ru... ở tỉnh Lâm Đồng, nó như ngấm vào dòng máu của đồng bào truyền từ đời này qua đời khác mà không cần biết hậu quả lâu dài của nó. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống sẽ gây ra nhiều hệ lụy, nhất là suy giảm về sức khỏe, sự suy thoái về giống nòi, sự lệch lạc về tư duy nhận thức của hết thế hệ này sang thế hệ khác trong tương lai và còn tác động trực tiếp đến các vấn đề kinh tế - xã hội, tạo thành một vòng luẩn quẩn của sự đói nghèo, làm suy giảm chất lượng nguồn nhân lực và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số.
 
Chung sức giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết

Ngày 14/4/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg về việc Phê duyệt " Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2025 ". Mục tiêu cụ thể nhằm nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số.

Tham gia vào những cuộc vui chơi lành mạnh thường xuyên phần nào giúp các em thiếu niên tránh được tình trạng tảo hôn. Ảnh: Nam Sương - TTXVN

Thực hiện Quyết định Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 2175/QĐUB về Kế hoạch thực hiện Đề án giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020, tỉnh Lâm Đồng cơ bản hạn chế và ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số.

Để thực hiện tốt đề án này, Lâm Đồng tiến hành khảo sát, đánh giá, xác định nhận thức, hiểu biết và nhu cầu thông tin của đồng bào DTTS đối với các quy định của pháp luật liên quan đến hôn nhân và gia đình; biên soạn, cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm tuyên truyền bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc thiểu số nhằm tuyên truyền về hôn nhân và gia đình nói chung, về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nói riêng; xây dựng, triển khai, nhân rộng mô hình điểm; tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách; tổ chức hội thảo, tọa đàm, giao lưu văn hóa, lễ hội nhằm tuyên truyền hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...

Bà Kim Hoa, cựu Bí thư Chi bộ thôn Tu Pó nói chuyện, tuyên truyền với bà con về chấp hành luật Hôn nhân và gia đình. Ảnh: Nam Sương - TTXVN 

Các ngành chức năng của tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là Ban Dân tộc tỉnh đã rất chú trọng trong việc tuyên truyền giảm thiểu về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền cho bà con nhấn mạnh đến hậu quả khôn lường do hủ tục gây ra như in ấn các tờ rơi, phương tiện trực quan cụ thể minh chứng nhiều trường hợp đứa con của các cặp vợ chồng sinh ra bị dị tật, bệnh down, lùn về tầm vóc, trí tuệ bị hạn chế.... Vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng đồng bào tham gia công tác tuyên truyền, xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong hôn nhân được đề cao.

Các thiếu nữ dân tộc Chu Ru trong độ tuổi từ 13 đến 16 tiếp cận với tài liệu tuyền truyền về Luật hôn nhân và gia đình. Ảnh: Nam Sương - TTXVN

Ông Bon Yô Soan, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng cho biết " Để xóa bỏ được hủ tục lạc hậu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là rất khó, không thể làm trong một sớm, một chiều mà cần phải có thời gian và cần có sự chung sức của nhiều ban ngành ". Biện pháp hữu hiệu nhất để giảm thiểu tỉnh trạng này là đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng cho bà con về tác hại của hủ tục đối với tương lai. Nội dung tuyên truyền phải được chuẩn bị kỹ, phù hợp với tập quán của bà con và lực lượng tuyên truyền cần chú trọng vào con em ở địa phương, thông thạo tiếng của đồng bào, lồng ghép nội dung tuyên truyền trong hoạt động của các đoàn thể, cải tiến hình thức tuyên truyền với thông tin ngắn, dễ hiểu và hiệu quả nhất.

Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là nguyên nhân chính của chiếc vòng luẩn quẩn của sự nheo nhóc, đói nghèo trong cuộc sống của đồng bào DTTS. Ảnh: Nam Sương - TTXVN 

Đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi cần được đầu tư cơ sở hạ tầng đầy đủ để có điểu kiện phát triển kinh tế, nâng cao nhận thức, từ đó đẩy lùi hủ tục lạc hậu. Ảnh: Nam Sương - TTXVN

Để tỉnh Lâm Đồng có thể giải quyết tận gốc rễ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, cần sự vào cuộc quyết liệt của các bộ ngành, của cả hệ thống chính trị để hỗ trợ bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức, nâng cao trình độ, được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm…. Khi đồng bào nhận thức được đầy đủ pháp luật, kinh tế phát triển thì đời sống sẽ được nâng lên, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng theo đó dần được giảm thiểu, đẩy lùi.  

                                                                                                                                             Hoàng Tâm – Nam Sương

No comments:

Post a Comment