Biểu tình muôn năm
Vladimir Bukovsky - Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Lời người dịch: Thế giới mới vừa mới mất đi một con người vĩ đại. Đó là nhà bất đồng chính kiến Liên Xô huyền thoại Vladimir Bukovsky (1942-2019).
Vào ngày 22/1/1967 Vladimir Bukovsky cùng vài người bạn đã biểu tình ở
Quảng trường Puskin tại Mạc Tư Khoa để phản đối việc bắt giam những
người bạn của họ trong vụ án xuất bản lậu (samizdat). Vào ngày 1/9/1967
Bukovsky đã bảo vệ quyền được biểu tình của mình trong lời phát biểu
cuối cùng nổi tiếng như sau tại tòa.
*
"Vậy, Công tố viên coi cuộc biểu tình của chúng tôi là vô liêm sỉ. Tuy
nhiên ở đây tôi có trước mặt bản Hiến pháp của chúng ta: 'Nhằm đáp ứng
quyền lợi của công nhân và củng cố chế độ xã hội chủ nghĩa, luật pháp
bảo đảm công dân Liên Xô... quyền tự do tuần hành và biểu tình trên
đường phố.' Tại sao Điều khoản này lại được đưa vào Hiến pháp? Phải
chăng để hợp pháp hóa những cuộc biểu tình kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng
Mười và ngày Quốc tế Lao động? Nhưng điều ấy không cần thiết- vì mọi
người đều biết rằng nếu Chính quyền tổ chức biểu tình thì sẽ không có ai
phá tan cuộc biểu tình. Lợi ích gì của quyền tự do biểu tình 'ủng hộ'
nếu chúng ta không thể biểu tình 'chống lại'? Chúng ta biết rằng biểu
tình phản kháng là vũ khí mạnh mẽ trong tay công nhân và quyền tổ chức
biểu tình là quyền bất khả xâm phạm trong tất cả các nước dân chủ. Nhưng
quyền biểu tình này hiện nay bị cấm đoán ở đâu? Trước mặt tôi là tờ báo
Sự Thật số ra ngày 19 tháng Tám, 1967 - tin tức từ Paris cho hay phiên
tòa hiện nay đang diễn ra ở Madrid xử những người tham gia vào cuộc biểu
tình ngày Quốc tế Lao động. Họ bị xử theo luật mới: luật này gần đây
được thông qua ở Tây Ban Nha, và luật áp đặt những bản án tù từ mười tám
tháng đến ba năm cho những ai tham gia biểu tình. Mọi người hãy chú ý
đến sự đồng tâm nhất trí đến cảm động giữa luật Phát-xít Tây Ban Nha và
luật Cộng sản Liên Xô...
Chẳng lẽ Hiến pháp không phải là luật pháp nền tảng ở nước ta hay sao? Tôi sẽ đọc toàn văn Điều 125:
"Nhằm đáp ứng quyền lợi của công nhân và củng cố chế độ xã hội chủ nghĩa, luật pháp bảo đảm công dân Liên Xô:
(a) Tự do ngôn luận
(b) Tự do báo chí
(c) Tự do hội họp
(d) Tự do tuần hành và biểu tình trên đường phố.
Để bảo đảm những quyền này nhà chức trách sẽ cho công nhân và các tổ
chức của họ được sử dụng máy in, giấy, tòa nhà công cộng, đường phố -
Công dân Công tố viên, nghe rõ nhé, đường phố đấy! - "phương tiện giao
thông, và vật chất khác cần thiết để thực thi các quyền này..."
Cho nên tôi phản đối Công tố viên kết tội chúng tôi là ngu dốt và không
biết rành về những vấn đề pháp lý... Chúng tôi biết tự do ngôn luận và
tự do báo chí trước tiên chính là tự do chỉ trích. Chưa từng có ai bị
cấm khen ngợi chính quyền bao giờ. Nếu những Điều khoản về tự do ngôn
luận và tự do báo chí này được đưa vào Hiến pháp thì Chính quyền phải có
kiên nhẫn lắng nghe chỉ trích. Hiện nay trên thế giới những quốc gia
nào cấm công dân chỉ trích chính quyền và cấm các hành động phản kháng?
Những quốc gia cấm đoán ấy là các nước tư bản ư? Không, chúng ta biết
rằng ở các nước tư sản vẫn có những đảng Cộng sản hợp pháp mà mục đích
của họ là cố ý phá hoại chế độ tư bản. Ở Mỹ Đảng Cộng sản bị cấm hoạt
động-nhưng Tòa án Tối cao tuyên bố lệnh cấm là vi hiến và đã được hoạt
động trở lại với tất cả mọi quyền lợi...
Vụ án của chúng tôi rất phức tạp. Chúng tôi bị kết tội là chỉ trích luật
pháp. Vì vậy tôi có quyền nêu ra những vấn đề pháp lý căn bản trong lời
nói cuối cùng của tôi và tôi phải nêu ra.
Nhưng cũng có những vấn đề khác - đấy là những khái niệm về chính trực
và can đảm dân sự. Các ông là chánh án, thiết nghĩ các ông phải có những
phẩm chất này. Nếu các ông quả thật là những con người ngay thẳng chính
trực và có can đảm dân sự thì trong vụ án này các ông sẽ chỉ có thể
tuyên án- 'vô tội'. Tôi hiểu điều này rất là khó cho các ông...
(Bukovsky nói với Công tố viên): Ông kết tội chúng tôi là mưu toan bôi
nhọ KGB bằng các khẩu hiệu của chúng tôi, nhưng KGB đã tự bôi nhọ mình
đến mức chúng tôi không còn gì để có thể nói thêm nữa. (Quay sang Tòa
án) Chúng tôi không phạm bất kỳ tội nào. Tôi tuyệt đối không hối hận là
đã tổ chức cuộc biểu tình. Tôi nghĩ cuộc biểu tình đã thành công, và khi
tôi lạiđược tự do tôi sẽ tổ chức những cuộc biểu tình khác - tất nhiên
luôn luôn giống cuộc biểu tình này mà hoàn toàn hợp pháp. Tôi không có
gì nói nữa."
*
Nhận xét của nữ luật sư Dina Kaminskaya, người đã bào chữa cho Vladimir Bukovsky:
"Lời nói cuối cùng của Bukovsky là sự chọn lựa can đảm những từ ngữ. Lời
nói cuối cùng này, vào ngày 1 tháng Chín, 1967, ở Tòa án Thành phố Mạc
Tư Khoa, là một sự kiện rất quan trọng. Tôi tin đây là lần đầu tiên kể
từ khởi đầu triều đại khủng bố của Stalin một người đã chỉ trích mạnh mẽ
chế độ Xô Viết ở một phiên tòa công khai tại Liên Xô. Lần đầu tiên một
người nói mà chánh án không thể nào chặn lại được (1), một người không
khuất phục trước sự cắt ngang của công tố viên khi ông ta nói: "Bị cáo
đang phạm thêm một tội mới nữa ở tại tòa án này."
Vào cuối ngày xử án,Vladimir Bukovsky bị kết án nặng nhất - ba năm ở
trại lao động cải huấn. Hai người bạn ông được hưởng án treo và được trả
tự do tại tòa."
*
Chú thích của người dịch:
Tại tòa chánh án liên tục ngắt lời của bị cáo Vladimir Bukovsky, nhưng
bị cáo đã bảo vệ thành công quyền được phát biểu của mình tại tòa dựa
theo Điều 243 của Bộ Luật Tố tụng Hình sự của Liên Xô.
Nguồn: Trích dịch từ hai tác phẩm:
1. "The Demonstration in Puskin Square" của tác giả Pavel
Litvinov, nhà xuất bản Harvill Press, London, 1969, bản dịch tiếng Anh
của Manya Harari, trang 87,88, 92,93, 94 và 95.
2. "Final Judgment-My life as a Soviet Defense Attorney" của Dina Kaminskay, nhà xuất bản Simon and Schuster, New York, 1982, bản dịch tiếng Anh của Michael Glenny, trang 202-203.
Tựa đề tiếng Việt của người dịch.
No comments:
Post a Comment