Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Saturday, 25 January 2020

GIẤC MƠ CỦA TÔI

Ảnh của nguyenlanthang

Tự hào quá Việt Nam ơi. Thế là tôi trở thành công dân nước công nghiệp được gần 1 tháng rồi. Sáng ngủ dậy, hé mắt ra một cái là tôi phải cụp mắt ngay lại, vì sợ niềm tự hào ấy tan biến như một giấc mơ. Này nhé, thành một nước công nghiệp, chúng ta được sống trong một xã hội thật là văn minh, thật là giàu có. Nào thì việc làm, nào thì giáo dục, nào thì y tế, nào thì cơ hội để mỗi cá nhân vươn lên và phát triển theo mong muốn của mình...
He he, đoạn ở trên tôi viết đùa đấy. Giờ này mà ai còn tin vào mấy cái thứ bánh vẽ đó... nếu không phải là đang học mẫu giáo thì cũng là bị thần kinh. Nói về chuyện hồi học mẫu giáo, ngày xưa lúc bé có một lần mẹ tôi hỏi: sau này Thắng muốn làm nghề gì? Bằng tất cả sự hồn nhiên, tôi trả lời mẹ một cách rất thành thật là: Sau này con muốn làm bảo vệ. Mẹ tôi phì cười và hỏi lý do. Tôi bảo rằng: vì bác bảo vệ có cái roi để quất vào mông các bạn.
Một lần khác, cũng câu hỏi đó, tôi lại trả lời rằng: con muốn làm chú lái cần cẩu. Bạn cứ thử hình dung xem có gì là tuyệt vời hơn với một đứa trẻ khi hàng ngày được leo lên rất cao để ngắm nhìn bầu trời bao la trên kia... 
Sau này lớn lên, ước mơ về nghề nghiệp tương lai của tôi còn thay đổi nhiều lắm. Nhưng có lẽ đó là những ước mơ đầu đời mà tôi không thể nào quên, vì đấy là lần đầu tiên được hỏi một cách nghiêm túc về dự định của mình.
Chúng ta lớn lên và trưởng thành bởi những ước mơ. Nhưng ước mơ thì thay đổi theo thời gian và trải nghiệm mà ta có được. Ước mơ không tự dưng đến mà nó hình thành từ quan sát và sự tương tác với thế giới xung quanh. Càng đi nhiều, càng trải nghiệm, chúng ta sẽ càng có tầm nhìn rộng lớn và hệ giá trị phong phú, để từ đó hình thành nên ước mơ.
Tuy nhiên có một điều rắc rối ở đây. Ấy là việc chúng ta có 5 giác quan để nhận biết thế giới xung quanh. 5 giác quan này lại không đồng đều nhau. Có những người rất mẫn cảm với màu sắc, hình khối. Có người lại nghe rất tốt. Không ai giống ai hoàn toàn về độ nhạy của các giác quan, và chính vì lý do đó dẫn đến việc chúng ta thâu nạp thông tin về thế giới này là khác nhau. Trong 5 giác quan thì thị giác, thính giác và xúc giác là có ảnh hưởng lớn nhất đến việc hình thành những gì bên trong bộ não chúng ta.
Với sự khác biệt bẩm sinh đó, mỗi con người chúng ta hình thành nên một khả năng, một giá trị cũng như mơ ước khác nhau, dù có thể cùng chung một trải nghiệm. Đến cả anh em sinh đôi cùng lớn lên trong một gia đình vẫn có những khác biệt là do vậy.
Tôi đang sống trong môi trường như thế nào?
Tôi có những thói quen ra sao?
Tôi có những kỹ năng gì?
Tôi có giá trị như thế nào? Tôi có thể tin tưởng vào đâu?
Tôi là ai trong cuộc đời này?
Sự có mặt của tôi trong cuộc đời này có ý nghĩa gì?

Mấy câu hỏi trên đây nếu bạn đã từng nghiền ngẫm và tự làm rõ được thì xin chúc mừng bạn. Bạn đã bắt đầu tự thấu hiểu chính bản thân mình, và bạn biết rõ cuộc đời bạn sẽ phải đi theo lộ trình như thế nào. Ước mơ của bạn hình thành và biến đổi theo đúng những gì mà bạn khám phá được ở bên trong mình cũng như bên ngoài kia. Ước mơ có thể ví như ngọn hải đăng chỉ lối cho con tàu đi đúng hướng trong bão tố.
Quay trở lại câu chuyện ước mơ của tôi, khi bắt đầu vào tiểu học tôi rất say sưa với mấy thứ kìm, búa, khoan, cưa, đục của bố. Tôi có thể chế tạo ra đủ thứ đồ chơi độc đáo từ những thứ phế liệu hay máy móc bỏ đi nào đó. Nào súng phun nước, nào pháo thần công, nào ca nô bằng gỗ chạy pin, máy bay mô hình cho đến những thứ tinh vi hơn như đài radio bán dẫn, mạch đèn led nhấp nháy để trang trí... Lúc đó tôi đã từng mơ ước sau này sẽ trở thành một nhà phát minh máy móc gì đó như Edison hay Faraday.
Thế nhưng rồi khi những ham thích về máy móc đó càng sâu hơn thì tôi gặp phải rào cản về tài chính. Tôi luôn bị thiếu thốn về tiền bạc để có thể mua vật liệu hay công cụ nào đó cho dự án của mình. Thế là không biết tự bao giờ có một tiếng nói từ bên trong vô thức của tôi dẫn dắt ý thức của tôi phải quan tâm đến nguồn lực, đến tiền bạc. Mãi sau này ngẫm lại, tôi mới hiểu tại sao hồi đó thi đại học mình lại chọn vào khoa Kinh tế trường Xây dựng, dù đó thực ra không phải là môi trường phát triển tốt nhất cho những khả năng vốn có của tôi.
Ra trường, đi làm, bỏ việc nhà nước, đi buôn thiết bị điện, lại nhảy vào nhà nước... Rồi có lúc lại đi buôn chứng khoán. Tất cả chuỗi lựa chọn đó của tôi rất bản năng chứ không hề có sự cân nhắc hay tính toán gì nhiều. Thích là làm. Không thích là bỏ luôn. Chính vì hành vi và cách suy nghĩ như vậy nên tôi không bao giờ có một thời gian đủ chín để thành công trong bất cứ môi trường nào. Tuy vậy những trải nghiệm đa dạng về môi trường làm việc, và nhất là từ khi tham gia vào các hoạt động xã hội đã cho tôi một tầm nhìn rộng hơn nhiều so với trước đây. Chính vì có tầm nhìn khác, nên tôi mới là tôi mà như các bạn biết đến ngày hôm nay.
Tôi không còn mơ về chuyện thành nhà phát minh chế tạo máy móc. Tôi cũng không mơ thành một người giàu có để có thể làm bất cứ thứ gì mình thích. Bây giờ tôi đang mơ những điều lớn lao hơn. Tôi mơ mình có thể làm gì đó, để góp phần thay đổi căn bản đất nước này. Tôi mơ đất nước không còn cảnh nghèo đói. Tôi mơ người dân không còn bị cướp đất. Tôi mơ trẻ em được học hành và phát triển bản thân dựa trên những khả năng vốn có của nó. Tôi mơ không còn ai bị nhồi sọ bởi những lý tưởng viển vông. Tôi mơ ai cũng được tự do nói ra những điều mình mong muốn. Tôi mơ người với người chúng ta yêu thương và thấu hiểu nhau hơn, để chung tay xây dựng một xã hội mới, thực sự công bằng, dân chủ và văn minh.
Đó là những mơ ước lớn lao, nhưng người khác làm được thì ta cũng có thể làm được. Dân tộc khác làm được thì dân tộc ta cũng có thể làm được. Vấn đề là phải biến ước mơ trở thành nỗi ám ảnh trong mỗi con người, để thúc giục chúng ta hành động không ngừng nghỉ, và thật sự tin tưởng vào khả năng thành công của đất nước này.
Mong lắm thay...
Yêu thương tất cả./.

No comments:

Post a Comment