Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Monday, 20 January 2020

Nghị sĩ EU gắn Đồng Tâm với thông qua EVFTA, trong lúc có thêm kiến nghị qua mạng

  • 20 tháng 1 2020







  • Bản quyền hình ảnh OTHERS
    Image caption Ông Lê Đình Kình

    Bà Saskia Bricmont, nghị sĩ Nghị viện Châu Âu, nêu vấn đề Đồng Tâm và gắn nó với việc thông qua Hiệp định thương mại tự do Liên minh Châu Âu (EU) - Việt Nam (EVFTA).
    "Làm sao vào tháng Hai tới, Nghị viện châu Âu có thể phê chuẩn một thỏa thuận thương mại tự do với một quốc gia khủng bố và đàn áp người dân kiểu như vậy," nữ nghị sĩ Saskia Bricmont viết trên twitter hôm 18/1/2020.
    Bà Saskia Bricmont là thành viên Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Châu Âu (INTA).
    Trên tweet nói trên, bà Saskia Bricmont cũng dẫn đường link một bài báo viết bằng tiếng Anh đăng trên trang web thevietnamese.org, trong đó có tường thuật về vụ đụng độ tại Đồng Tâm.
    Tài khoản quyên tiền phúng điếu cụ Kình 'bị phong tỏa'
    Đồng Tâm: Thêm video về ông Kình trong lúc có kêu gọi tẩy chay VCB
    'Thú tội trên truyền hình' là 'ép cung', 'vi phạm pháp luật'
    Đồng Tâm: Đám tang ông Lê Đình Kình bị phong tỏa?
    Hồi tháng 11/2019, nghị sĩ Saskia Bricmont cũng từng có thư gửi Nghị viện Châu Âu, chủ tịch các ủy ban của Nghị viện này và các nghị sĩ EU, kêu gọi EU tạo áp lực lên Chính phủ Việt Nam để trả tự do cho nhà báo Phạm Chí Dũng (Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam độc lập), cũng như tạm ngừng phê chuẩn hiệp định thương mại với Việt Nam cho đến khi tình hình nhân quyền được cải thiện.
    Dự kiến ngày 21/1/2020 tới, INTA sẽ họp tại Bruxelles để đưa ra khuyến nghị cho các nghị sĩ về việc phê chuẩn hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA).
    Nếu khuyến nghị trên được thông qua, việc phê chuẩn EVFTA dự kiến sẽ được diễn ra trong phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu, dự kiến vào đầu tháng Hai tới.
    Còn trong trường hợp khuyến nghị bị trì hoãn hoặc hủy bỏ, Nghị viện Châu Âu sẽ không thể bỏ phiếu phê chuẩn EVFTA tại phiên họp toàn thể.
    Liên quan đến EVFTA, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn vừa có chuyến thăm và làm việc tại Nghị viện Châu Âu từ ngày 13 -16/1/2020 để thúc giục Nghị viện châu Âu sớm thông qua EVFTA.
    Theo bản tin của Thông tấn xã Việt Nam, trong chuyến thăm này, ông Bùi Thanh Sơn đã có cuộc gặp với hai phó chủ tịch Nghị viện Châu Âu Heidi Hautala và Dimitrious Papadimoulis, Chủ tịch INTA Bernd Lange và 12 nghị sĩ thuộc các đảng chính trị chủ chốt trong Nghị viện Châu Âu như đảng Nhân dân Châu Âu, đảng Dân chủ Xã hội, đảng Châu Âu Đổi mới, đảng Xanh, đảng Bảo thủ và Cải cách…
    Bản tin của Thông tấn xã Việt Nam cho biết, tại các cuộc gặp, ông Sơn đề nghị INTA và các nghị sĩ Nghị viện Châu Âu tiếp tục ủng hộ, phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam thúc đẩy tiến trình phê chuẩn hiệp định.

    Đại sứ EU đã gặp Thứ trưởng Bộ Công an VN

    Trong một diễn biến liên quan, theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an Việt Nam, sáng 16/1/2020, ông Pier Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam đã gặp Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam.
    Bản tin trên cổng thông tin này của Bộ Công an không đưa chi tiết nội dung cuộc gặp cũng như sự kiện Đồng Tâm có nằm trong nội dung trao đổi giữa hai bên hay không. Bản tin dẫn khẳng định của ngài đại sứ rằng, "trên cương vị công tác mới sẽ tiếp tục nỗ lực hết sức mình, đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Liên minh châu Âu - Việt Nam ngày càng phát triển chặt chẽ và toàn diện hơn…"
    EU và dân biểu Úc quan ngại 'vi phạm nhân quyền' ở Đồng Tâm
    Phẩm cách Việt Nam và vụ việc Đồng Tâm
    Đồng Tâm: Vì sao cần lực lượng đông đảo vào cuộc?
    Đồng Tâm: "Người dân hiện đang rất hoang mang"
    Trước đó, trong email trao đổi với BBC News Tiếng Việt, bà Virginie Battu-Henriksson, phát ngôn viên của Liên minh châu Âu về Quan hệ đối ngoại và Chính sách an ninh, có cho biết là ngày 9/1, Đại sứ Giorgio Aliberti, Trưởng phái đoàn EU tại Hà Nội, Việt Nam, "đã trực tiếp nêu vấn đề với ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, bày tỏ quan ngại và sự dè dặt về cách xử lý tình hình của lực lượng an ninh".
    Bà Battu-Henriksson cũng viết rằng, phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã "đề nghị" có "cuộc gặp cụ thể với Thứ trưởng Bộ Công an"; đồng thời sẽ "tiếp tục theo dõi tình hình".

    Vận động trên mạng và 'lòng dân'

    Trong một diễn biến khác, đến 12 giờ trưa ngày 20/1, lời kêu gọi gây quỹ‎ "Chung tay giúp đỡ đồng bào Đồng Tâm" trên trang gofundme đã nhận được tổng cộng 29.182 đô la Mỹ từ 648 người ủng hộ.
    Trước đó, hôm 19/1, blogger, nhà báo tự do Phạm Đoan Trang và nhóm bạn đã kêu gọi gây quỹ này với mục tiêu đặt ra là 20 ngàn Mỹ kim.
    Tài khoản quyên tiền phúng điếu cụ Kình 'bị phong tỏa'
    Đồng Tâm: Thêm video về ông Kình trong lúc có kêu gọi tẩy chay VCB
    Cái giá của đất Đồng Sênh và lời hô hào bạo lực
    Lý‎ do của việc kêu gọi này đưa ra trên trang web gofundme là "nhà cụ Lê Đình Kình hiện nay chỉ còn toàn phụ nữ, gồm cả người cao tuổi và trẻ nhỏ. Gia đình không còn một nguồn tiền nào để sinh sống, chưa nói tới việc thăm nuôi và tìm kiếm luật sư cho những người bị bắt. Đáng lo ngại nhất, công an vẫn tiếp tục đe dọa, thẩm vấn, ép cung những phụ nữ "còn tự do" này, ngăn chặn mọi tiếp xúc của họ với bên ngoài và triệt tiêu mọi con đường sống của họ."
    Mục tiêu 20.000 đô la Mỹ đã đạt được chỉ sau một ngày phát động.


    Lời kêu gọi này được đưa ra trên sau khi Bộ Công an Việt Nam chính thức thừa nhận đã yêu cầu phong tỏa tài khoản Vietcombank của nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh tiếp nhận tiền phúng điếu ông Lê Đình Kình, với tổng số tiền ủng hộ gần nửa tỉ đồng.
    Nhà báo Trịnh Hữu Long trên Luật khoa Tạp chí đã so sánh việc gây qũy này với những gì mà ông gọi là "cuộc trưng cầu dân ý không chính thức".
    Theo ông Long, những cuộc trưng cầu dân ‎mini này "thách thức không những nỗ lực truy cứu người dân Đồng Tâm của chính quyền, mà còn thách thức thêm việc chính quyền phong tỏa tài khoản của bà Hạnh ở Vietcombank". Nó cho thấy những chuyển động trong "lòng dân".
    "'Lòng dân', nghe thì to tát và dân túy, nhưng không ai hiểu sức mạnh của nó hơn đảng Cộng sản Việt Nam. Họ sẽ phải quyết định là họ cần bao nhiêu cuộc trưng cầu dân ý không chính thức nữa, trước khi mọi thứ vượt ra ngoài tầm kiểm soát của họ"- cây bút này viết trên trang web Luật khoa Tạp chí.

    Kiến nghị Vietcombank tháo khoán số tiền phúng điếu cụ Kình

    Trong khi đó, cộng đồng mạng cũng bắt đầu kêu gọi ký tên vào kiến nghị trên change.org gửi Vietcombank, Mizuho Bank, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và các cấp thẩm quyền ngân hàng trên thế giới yêu cầu Vietcombank phải tháo khoán số tiền 528 triệu đồng do đồng bào gửi tặng cho việc tang lễ cụ Lê Đình Kình.
    Kiến nghị cho rằng, bằng việc tùy tiện khoá tài khoản của khách hàng khi không có bằng chứng hợp pháp đã đặt dấu hỏi về sự tin tưởng ở Vietcombank, cũng như sự hợp lý và minh bạch của hệ thống ngân hàng Việt Nam.





    Image caption Kiến nghị Vietcombank phải tháo khoán số tiền 528 triệu đồng do đồng bào gửi tặng cho việc tang lễ cụ Lê Đình Kình trên change.org.
    Kiến nghị kêu gọi "Ngân hàng Mizuho xem lại việc đầu tư tại Vietcombank, và liệu làm việc với Vietcombank sẽ bôi xấu đi danh tiếng của Mizuho"; "Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và các giới thẩm quyền ngân hàng trên thế giới hãy điều tra trường hợp Vietcombank đóng khoá một trương mục ngân hàng với khoản tiền dành riêng cho việc tang lễ".

    Báo nhà nước nói 'đã yên'

    Trong ngày 20/01, trang VTC News đăng bài của nhóm phóng viên trở về từ thôn Hoành, Đồng Tâm, cho rằng, "không khí đón xuân mới đã tràn về thôn Hoành bình thường như bao làng quê khác".
    "Dường như sự việc ngày 9/1 đã lui dần về sau, để bắt đầu một cái Tết mới, bắt đầu một năm mới."
    Bài báo kết thúc bằng hình ảnh "trâu thư thái ngoài đồng", thu hút nhiều bình luận trên mạng xã hội ở Việt Nam và nước ngoài:
    "Theo ghi nhận của PV trong chiều ngày 19/1, ngoài việc chợ vẫn họp, người dân thôn Hoành cũng bắt đầu ra đồng gieo mạ, chuẩn bị cho vụ Đông Xuân sắp tới. Trâu vẫn thư thái gặm cỏ ngoài đồng, còn nông dân đang hối hả tát nước vào ruộng. Cuộc sống cứ thế bình lặng trôi như bao làng quê Việt những ngày giáp Tết."
    Còn trang VnExpress lại chú ý đến căn nhà của cụ Lê Đình Kình:
    Tết không xuất hiện trong nhà ông Lê Đình Kình, ngôi nhà nằm cách cổng thôn Hoành hơn trăm mét. Một chậu than to đặt giữa sân cho người già sưởi ấm và xua tan khí lạnh chiều đông. Bà Dư Thị Thành đầu chít khăn tang, ngồi hơ tay bên chậu lửa. Bà mới làm lễ cúng mười ngày cho chồng,"
    Trong bài "Đồng Tâm 10 ngày sau biến cố" (20/01) có đoạn:
    "Người dân cho biết ba ngày trước, công an bắt đầu rút quân, thu dọn barie chắn các lối vào làng."

    Tin liên quan

    No comments:

    Post a Comment