Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Wednesday, 25 March 2020

SƠN TRUNG * DỊCH THƠ ĐƯỜNG (TẬP II )

THƠ ĐƯỜNG TẬP II
Sơn Trung sưu tập 




Phong Kiều dạ bạc

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
Giang phong ngư hoả đối sầu miên.
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.


Dịch nghĩa

Trăng lặn, quạ kêu, sương phủ đầy trời.
Hàng phong bên sông, ngọn đèn thuyền chài ở trước người đang ngủ buồn.
Ngoài thành Cô Tô là chùa Hàn San,
Tiếng chuông lúc nửa đêm vẳng đến thuyền khách.

(Năm 756)



 
:

Bản dịch của Nguyễn Hàm Ninh

Quạ kêu, trăng lặn, trời sương,
Lửa chài le lói sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.


Theo Trần Trọng San (Thơ Đường, NXB Bắc Đẩu, 1957) thì bản dịch này của Tản Đà, chỉ khác đôi chút ở hai câu đầu:
Trăng tà, tiếng quạ kêu sương,
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
Sách Việt Nam văn chương trích diễm (Lý Văn Hùng, Sài Gòn, 1961) dẫn bản dịch này ghi của Tản Đà, trong đó khác một chữ ở câu đầu:
Trăng tà, chiếc quạ kêu sương,
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
.
Tuy nhiên, Nguyễn Quảng Tuân đã đính chính bản dịch này của Nguyễn Hàm Ninh trên Tạp chí Văn học (số 191, 3-2002) với nội dung như trên.

Ngoài ra, bản dịch của Trần Trọng Kim cũng có câu cuối giống bản dịch này.

Nguồn:
1. Tạp chí Văn học, số 191, tháng 3-2002, trang 36
2. Trần Trọng San, Thơ Đường, NXB Bắc Đẩu, in lần thứ ba, 1972, tập 1, trang 115
3. Lý Văn Hùng, Việt Nam văn chương trích diễm, Sài Gòn, 1961

Phong kiều dạ bạc và chùa Hàn San

Trong bối cảnh thành Trường An chìm trong cơn tao loạn thì nhà thơ Trương Kế, một đại quan tiến sĩ Ngự Sử đài, chẳng kịp theo đoàn hộ giá vương tôn lánh nạn mà đành lưu lạc xuống tận miền Giang Nam trên chiếc thuyền phiêu bạt. Một đêm ghé bến Phong Kiều, động mối u hoài chất chứa, gợi cảm cùng ngoại cảnh thê lương, bức xúc viết nên bài thơ tuyệt diệu, vượt qua cả không gian và thời gian, lưu truyền hậu thế:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hoả đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

Dịch nghĩa:
Trăng lặn, quạ kêu, sương phủ đầy trời
Trong giấc mơ buồn có cây phong ở bến sông và ngọn lửa thuyền chài
Chùa Hàn San ở ngoại thành Cô Tô
Nửa đêm khách đi thuyền tới nghe thấy tiếng chuông chùa ngân vang

Dịch thơ:
Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi
Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co
Con thuyền đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
(Bản dịch: Tản Đà)
Cuốn Thơ Đường của Trần Trọng San có ghi lại có một truyền thuyết khá lãng mạn về bài này. Một đêm trăng, sư cụ trụ trì chùa Hàn San, cảm hứng nghĩ ra hai câu thơ:
Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung
Bán tự ngân câu bán tự cung
Thao thức mãi trong phòng mà sư cụ không nghĩ ra hai câu tiếp. Tự nhiên có tiếng gõ cửa. Thì ra là chú tiểu cũng trằn trọc vì 2 câu thơ mình mới nghĩ ra:
Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn
Bán trầm thuỷ để bán phù không
nhưng cũng không làm tiếp được và xin thầy giúp. Nghe xong, sư cụ mừng quá, quỳ xuống tạ Phật. Vì quả thật 2 câu thơ của chú tiểu ăn khớp với 2 câu của sư cụ, thành bài tứ tuyệt mà Trần Trọng San đã dịch như sau:
Mồng ba, mồng bốn, trăng mờ
Nửa dường móc bạc nửa như cung trời
Một bình ngọc trắng chia hai
Nửa chìm đáy nước nửa cài từng không
Làm xong bài thơ này lúc nửa đêm, sư cụ bảo chú tiểu đánh chuông tạ ơn Phật. Tình cờ đêm hôm đó trên thuyền, thi sĩ Trương Kế cũng không ngủ được vì không nghĩ được câu tiếp cho hai câu “Nguyệt lạc ô đề...” Tự nhiên chuông chùa Hàn San đổ đến, gợi hứng cho thi nhân hoàn tất bài Phong kiều dạ bạc “...Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền...”

Còn chùa Hàn San là một ngôi chùa hẻo lánh ngoài thành Ngô Huyện thuộc tỉnh Giang Tô. Xung quanh bát ngát rừng mai, phía sau dòng sông xanh ngắt lững lờ uốn khúc, giữa hai dãy núi sừng sững vươn mình trong làn mây trắng xoá. Chùa ở bên cầu có cây phong nên gọi là Phong Kiều. Trên sông đêm có ánh lửa chài. Bài thơ của Tần Thục đời Tống có câu: “Ô đề nguyệt lạc kiều biên tự” (Quạ kêu trăng xế chùa bên cầu) và thơ Khang Hữu Vi đời Thanh, có câu “Lãnh tận Hàn San cố tự phong” (Lạnh đến cả cây phong bên chùa cổ Hàn San) đều nói rõ chùa Hàn San bên cầu có cây phong. Như vậy, Giang phong và Ngư hoả trong bài thơ trên vẫn là cây bên sông và lửa chài, chứ không phải là tên 2 quả núi Giang Phong và Ngư Hoả như một vài giả thuyết đã nói.

Nhà thơ đời Thanh Vương Ngư Dương, từng đáp thuyền đi Tô Châu, dừng ở bến Phong Kiều, lúc ấy trời xẩm tối, mưa gió đầy trời, họ Vương đã đến bên trước cửa chùa đề hai bài thơ tứ tuyệt:
Nhật mộ đông đường chính lạc triều
Cô bồng bạc xứ vũ tiêu tiêu
Sơ chung dạ hoả Hàn San tự
Ký quá Ngô phong đệ kỷ kiêu

Dịch nghĩa:
Chiều tối bờ đông chính lúc thuỷ triều xuống
Thuyền côi chốn đậu mưa dầm dề
Tiếng chuông thưa, ánh lửa đêm chùa Hàn San
Nhớ đã qua cầu bên cây phong huyện Ngô

Dịch thơ:
Chiều tối thuỷ triều lắng mé đông
Mưa vương lất phất đậu cô bồng
Hàn San ánh lửa chuông thưa thớt
Ngô huyện qua cầu kế ngọn phong
(Bản dịch: NDD)
Phong diệp tiêu tiêu thuỷ dịch không
Ly cư thiên lý trướng nan đông
Thập niên cựu ước Giang Nam mộng
Độc thính Hàn San bán dạ chung

Dịch nghĩa:
Lá phong hiu hắt bến nước vắng không
Lìa quê ngìn dặm lòng buồn nhớ khó khuây
Mười năm ước cũ mộng về Giang Nam
Một mình nghe tiếng chuông chùa Hàn San lúc nửa đêm

Bến vắng rào rào trút lá phong
Nhớ quê vạn lý khó khuây lòng
Giang Nam hẹn ước mười năm mộng
Chuông đánh, Hàn San đêm quạnh không
(Bản dịch: NDD)
Đã nói đến Phong kiều dạ bạc của Trương Kế, không thể không nhắc đến Bạc Tần Hoài của Đỗ Mục. Cả hai bài thơ phác hoạ dưới góc nhìn thi nhân trên con thuyền hững hờ đậu bãi sông. Một bài khi nghe tiếng chuông chùa thanh thoát đưa tới, đã xoa dịu đi nỗi trầm tư muội phiền của kẻ nhất thời bôn tẩu, đang nằm co ro khắc khoải trong khoang thuyền giá lạnh. Còn một bài thì khi nghe khúc hát văng vẳng của cô gái trẻ trên sông vang lên trong khung cảnh đêm khuya tĩnh lặng, mà dường như dấy nên niềm xúc cảm u hoài trong nỗi hận mất nước.
Bạc Tần Hoài

Yên lung hàn thuỷ nguyệt lung sa
Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia
Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa
(Đỗ Mục)

Dịch nghĩa:
khói lan toả trên nước lạnh, ánh nguyệt lan trên cát
Buổi đêm đậu thuyền tại bến sông Tần Hoài cạnh quán rượu
Cô gái trẻ không biết đến nỗi hận mất nước
Ở bên kia sông còn hát khúc Hậu Đình Hoa

Tần Hoài: tên con sông từ tỉnh Giang Tô chảy lên phía Bắc vào sông Trường Giang.
Hậu Đình Hoa: tên khúc hát làm trong buổi tiệc của vua Trần Hậu Chủ và Trương Quý Phi thời Nam Bắc triều

Dịch thơ:
Thuyền Đậu Sông Tần Hoài

Khói trùm nước lạnh, trăng lồng cát;
Thuyền đậu Tần Hoài, cạnh tửu gia.
Cô gái không hay buồn nước mất,
Bên sông còn hát Hậu Đình Hoa
(Bản dịch: Trần Trọng San)
Khói lan phảng phất trên mặt nước, ánh trăng soi bóng trên mặt cát, thuyền nhẹ lững lờ đậu cạnh quán rượu. Cảnh trăng khuya mới tĩnh mịch làm sao. Bỗng bên kia sông vang lên một tiếng hát văng vẳng. Khúc hát trong những buổi yến tiệc vui chơi mà khiến lòng thi nhân chua xót như oán trách ai vô tình khi bồi hồi nghĩ đến nỗi hận mất nước....
Chia sẻ trên FacebookTrả lời

Đến Hàn San tự để tìm hiểu bài thơ “Phong Kiều dạ bạc” của Trương Kế

Trong chuyến đi Trung Quốc vừa qua, chúng tôi đã có dịp tới thành phố Tô Châu, nơi có ngôi chùa Hàn San nổi tiếng.

Ngôi chùa này được xây dựng từ thời Nam Triều (đầu thế kỷ thứ VI) và đã được đặt tên là Diệu Lợi tự. Về sau chùa được gọi là Phong Kiều tự vì ở gần cầu Phong Kiều. Đến đời nhà Đường vì có hai thiền sư là Hàn San và Thập Đắc đến trụ trì ở đó nên chùa lại được đổi tên là Hàn San tự.

Chùa từ thời đó đến nay đã trải qua nhiều lần trùng tu nên không còn giữ được kiến trúc ban đầu nữa.

Nếu so với các ngôi chùa khác ở Trung Quốc thì chùa Hàn San không có gì đáng kể về mặt kiến trúc nhưng lại rất nổi tiếng nhờ có bài thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế.

Nguyên văn bài thơ ấy được truyền tụng như sau:

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
Giang phong ngư hoả đối sầu miên.
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
và đã được khắc vào bia để ở trong chùa.

Bài thơ chỉ có bốn câu với 28 chữ nhưng đã gây ra khá nhiều vấn đề tranh luận.

Câu 1:

Có người cho rằng câu 1 phải đọc như sau:
Nguyệt lạc Ô Đề sương mãn thiên
và phải hiểu là:
Trăng lặn ở núi Ô Đề (1), trời đầy sương.
“Ô Đề” như vậy không còn là tiếng quạ kêu mà đã trở thành một sơn danh vì người ta cho rằng ban đêm không làm gì có tiếng quạ kêu. Nhưng cách hiểu này đã không được ai theo vì các con quạ vẫn có thể bất thường kêu về ban đêm.

Trong thơ văn Trung Quốc, Lý Bạch đã có bài thơ Ô dạ đề và Kim thị trong bài Tự thuật cũng đã có câu: “Không phòng dạ dạ văn đề ô” (Đêm đêm nghe thấy tiếng quạ kêu ngoài phòng vắng vẻ).

Trong văn thơ Việt Nam, Quách Tấn cũng có bài Đêm thu nghe quạ kêu và ông đã liên tưởng đến bến Phong Kiều trong bài thơ của Trương Kế và đã viết:
Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng.
Câu 2:

Câu này cũng bị đặt thành vấn đề.

Nguyên do vào đời Thanh có Mao Tiên Thư cho rằng: “Ở Tô Châu đối diện với chùa Hàn San có núi Sầu Miên nên câu ‘Giang phong ngư hoả đối sầu miên’ không thể hiểu là cây phong bên bờ sông và ánh đèn thuyền chài lấp lánh trước mặt khách (tác giả) đã làm cho khách xa nhà nhớ quê không sao ngủ được.”

Ý kiến này đã bị Trương Duy Minh, tác giả quyển Hàn San tự (2) bác bỏ vì cho rằng bài thơ chỉ có bốn câu, ba câu đã tả cảnh rồi thì câu “Giang phong ngư hoả đối sầu miên” phải là câu tả tình mới đúng.

Điều này cũng hợp lý. Chính vì lẽ ấy mà tất cả các quyển Đường thi tam bách thủ chú giảiThiên gia thi chú giải đều giảng “sầu miên” là “ưu sần bất đắc thành niên”. Chỉ có một quyển Hội đồ Thiên gia thi của Chung Bá Kính chú giải đã giảng “sầu miên” là sơn danh như Mao Tiên Thư đã chủ trương.

Chúng tôi cho rằng cả hai nhà chú giải ấy đều chưa có dịp về tới chùa Hàn San cũng như mấy hoạ sĩ người Trung Quốc đã minh hoạ bài Phong Kiều dạ bạc mà cứ vẽ cầu Phong Kiều và chùa Hàn San ở bên ngọn núi.

Có thể vì tên chùa Hàn San có chữ “san”là núi nên các vị ấy mới nhầm lẫn như vậy.

Chúng tôi khi về tận chùa Hàn San, đứng ở bến Phong Kiều bên Đại Vận hà, nhìn quanh bốn phía đều không thấy có ngọn núi nào ở gần, chỉ nghe nói ở tận xa, xa không nhìn thấy được, mới có núi Linh Nham sơn, Thiên Bình sơn, Thiên Địa sơn, Sư Tử sơn, Hoành Sơn, Hà Sơn...

Thế thì Trương Kế, nằm trong khoang thuyền mà có nhìn ra ngoài cũng chỉ thấy có những cây phong và những ngọn đèn chài, chứ làm sao có thể đối mặt được với “ngọn núi Sầu Miên”, một ngọn núi không có thực ở bên chùa.

Để minh chứng cho điều sai lầm, chúng ta có thể xem bức ảnh chụp bến Phong Kiều với mấy chiếc thuyền đậu ở bên cầu, cửa Thiết Linh quan và ngọn tháp Phổ Minh ở phía sau chùa Hàn San.

Câu 3-4:
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Hai câu này cũng gây thắc mắc cho người đọc vì vào lúc nửa đêm làm gì có tiếng chuông chùa.

Vấn đề này cũng có nhiều ý kiến khác nhau.

Ấu Dương Tu thì cho rằng: “Thi nhân tham cầu hảo cú nhi lý bất thông giả, diệc ngữ bệnh dã” (Nhà thơ vì muốn đặt câu cho hay nên lý không được thông, đó là một ngữ bệnh vậy).

Sô Nghiêu trong quyển Đường thi tam bách thủ độc bản thì cho rằng: “Hậu nhân dĩ vi dạ bán vô chung thanh tương cấu bệnh, vị miễn xuy mao cầu tì”. (Người đời sau lấy cớ nửa đêm không có tiếng chuông và cho là một ngữ bệnh, như thế thì chưa tránh khỏi cái thói bới lông tìm vết.)

Diệp Thiếu Uẩn trong Thạch lâm thi thoại lại cho rằng: “Cái công vị thường chí Ngộ trung(3), kim Ngô trung tự thực bán dạ đả chung.” (Vì ông không thường tới Ngô trung chứ hiện nay chùa ở đó vào lúc nửa đêm có đánh chuông thật.)

Chúng tôi cho rằng về ban đêm, ở các chùa thường không có đánh chuông nhưng cũng có những trường hợp cúng lễ bất thường nên “dạ bán chung thanh” cũng không phải là vô lý.

Chính vì lẽ đó mà các nhà thơ từ đời Tống trở về sau mỗi lần qua bến Phong Kiều đều nhớ đến Trương Kế với cảnh “nguyệt lạc”, “ô đề” và “dạ bán chung thanh.”

Nhà thơ Lục Du đời Tống trong bài Túc Phong Kiều đã viết:
Thất niên bất đáo Phong Kiều tự
Khách chẩm y nhiên bán dạ chung.
(Bảy năm không tới thăm lại chùa Phong Kiều,
Nằm gối đầu ngủ lại ở đất khách nghe tiếng chuông chùa đánh lúc nửa đêm thấy vẫn y như cũ).
Nhà thơ Tôn Địch cũng đời Tống trong bài Phong Kiều đã viết:
Ô đề nguyệt lạc kiều biên tự,
Ỷ chẩm do văn bán dạ chung.
(Quạ kêu, trăng lặn, cầu ở bên chùa,
Nằm gối đầu ngủ còn nghe thấy tiếng chuông nửa đêm.)
Nhà thơ Cố Trọng Anh đời Nguyên trong bài Bạc Xương Môn đã viết:
Tây phong chỉ tại Hàn San tự,
Trường tống chung thanh giảo khách miên.
(Chỉ tại chùa Hàn San mà gió tây
Đưa xa tiếng chuông tới quấy động giấc ngủ của khách.)
Nhà thơ Cao Khải đời Minh trong bài Phong Kiều đã viết:
Kỷ độ kinh qua ức Trương Kế,
Ô đề nguyệt lạc hựu chung thanh.
(Mấy lần qua Phong Kiều đều nhớ Trương Kế,
Quạ kêu, trăng lặn với tiếng chuông nửa đêm.)
Nhà thơ Văn Trưng Minh đời Minh trong bài Phong Kiều đã viết:
Thuỷ minh nhân tĩnh Giang thành cô,
Y nhiên lạc nguyệt đề sương ô.
(Nước trong, lòng tĩnh, Giang thành vắng,
Trăng lặn, quạ kêu trong sương vẫn y như cũ.)
Qua các câu thơ ấy, chúng ta thấy các nhà thơ xưa ở Trung Quốc cũng đều nhắc lại cảnh “quạ kêu”, “trăng lặn” và “tiếng chuông nửa đêm” như là những sự việc rất bình thường, không có gì đáng thắc mắc cả.

Nguyễn Hàm Ninh xưa, ở nước ta, cũng đã hiểu như vậy nên đã dịch bài thơ của Trương Kế sang thể lục bát như sau:
Quạ kêu, trăng lặn, trời sương,
Lửa chài le lói sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
Bài thơ dịch này, trước đây người ta đã nhầm là của Tản Đà, được kể là hay, chỉ tiếc là ông đã bỏ mất chữ giang phong và đã nhầm bến Phong Kiều là bến Cô Tô và cũng chưa diễn đạt được vai trò chủ thể của tiếng chuông chùa Hàn San nhưng nó vẫn được kể là bài dịch hay nhất từ trước đến nay.

Vậy để kết luận cho bài viết này, chúng tôi thấy cần phải đến tận chùa Hàn San để tìm hiểu cho được chính xác bài thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế, nếu không sẽ có những nhầm lẫn đáng tiếc trong việc chú thích và minh hoạ như đã nói ở trên.

Nguyễn Quảng Tuân

(1) Có người cho là thôn Ô Đề
(2) Hàn San tự: sách do Trương Duy Minh biên soạn, Cổ Ngô Hiên xuất bản xã in năm 1993 ở Tô Châu.
(3) Ngô trung: tên cũ của thành phố Tô Châu.
(4) Hội đồ Thiên gia thi: Nhật Tân thư trang xuất bản, không đề.

Đọc lại “Phong Kiều dạ bạc”

Gần như, bất cứ ai đam mê thơ cũng đều ước mơ đến những nơi như Hoàng Hạc Lâu ở huyện Vũ Xương thuộc tỉnh Hồ Bắc hay bến Phong Kiều bên Hàn San tự ở Tây huyện thuộc tỉnh Giang Tô... Đó là những địa danh nổi tiếng và tồn tại muôn đời với những bài thơ bất tử được lưu truyền như Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu hay Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế,... Nhưng qua bao nhiêu năm, thường những mơ ước đó vẫn còn y nguyên là ước mơ.

Nhân đọc bài “Đến Hàn San tự để tìm hiểu bài thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế” của tác giả Nguyễn Quảng Tuân, tôi động lòng lắm, không biết làm sao hơn, đành giở những trang sách cũ, đọc lại bài thơ tuyệt tác này.

Trương Kế vốn là nhà thơ nổi tiếng của thời Thịnh Đường nhưng người ta quên mất năm sinh và năm mất của ông, chỉ biết ông sinh thời vào khoảng những năm trước và sau 756, niên hiệu Chí Đức, đời Đường Túc Tông. Sinh quán của ông ở Tương Châu, nay thuộc tỉnh Hồ Bắc. Ông là người thông thái, có kiến thức rộng, say mê đàm luận.

Ông đậu tiến sĩ vào năm thứ 12 niên hiệu Thiên Bảo. Ông từng giữ nhiều chức vụ khác nhau, khi mất ông đang làm tài phú ở Hồng Châu. Trương Kế chỉ để lại một tập thơ, trong đó nổi tiếng nhất là bài Phong Kiều dạ bạc, tức là Ban đêm thuyền đậu bến Phong Kiều.

Nhân bài viết của tác giả Nguyễn Quảng Tuân có đặt nhiều nghi vấn về những dữ kiện trong bài thơ này, mà những điểm đó đươc ghi nhận qua nhiều tác phẩm biên khảo văn chương của Trung Quốc. Trong khả năng giới hạn của bài viết này, tôi không thảo luận về những nghi vấn được nêu ra, để đưa đến những kết luận thế này hay thế nọ, hoặc đúng hay sai. Mà mục đích của bài viết này, tôi chỉ xin góp vào một chút dữ kiện để bổ túc mà thôi.

Bài Phong Kiều dạ bạc chỉ vỏn vẹn có bốn câu:

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
Giang phong ngư hoả đối sầu miên.
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Nguyên bản bài thơ này bằng chữ Hán không có các dấu phết và dấu chấm ở cuối các câu. Nhưng tuỳ theo ý nghĩa của thơ, các tác giả đời sau đã phân đoạn và ngưng câu để thêm các dấu phết và chấm vào. Sự kiện này hay xảy ra, như trường hợp quyển Đạo Đức Kinh của Lão Tử được viết vào khoảng năm 500 đến 450 trước Tây Lịch. Đạo Đức Kinh được khắc trên các thẻ tre, không có dấu chấm phết, nhưng nhiều tác giả đời sau đã tuỳ theo cách đọc mà phân đoạn khác nhau. Mỗi khi các dấu chấm phết xê dịch thì ý nghĩa trong Đạo Đức Kinh thay đổi rất nhiều, có khi khác hẳn nhau.

Trở lại trường hợp bài thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế, tựu trung tác giả Nguyễn Quảng Tuân cũng theo các tác giả đời trước nên bản viết có các dấu phết ở cuối câu một và câu ba, và dấu chấm ở cuối câu hai và câu bố.

Trong bài viết tác giả Nguyễn Quảng Tuân có đưa ra vài nghi vấn như sau:
1. Nghi vấn về những chữ bị xem là địa danh như ô đề trong câu một và sầu miên trong câu hai.
2. Quạ có kêu trong đêm hay không?
3. Chùa Hàn San nói riêng hay chùa nói chung, có đánh chuông vào nửa đêm hay không?

Tôi xin góp vào một số ý kiến bổ túc như thế này.

1. Tuỳ theo cách đọc, ta thử ngắt câu bằng các dấu chấm và phết.

Câu một:
Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên, (a)
(Cách ngắt câu và chữ theo tác giả Trần Trọng San) (1)

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên, (b)
(Cách ngắt câu và chữ theo tác giả Nguyễn Quảng Tuân)
Bây giờ tôi ngắt câu và chữ khác đi đôi chút:
Nguyệt lạc ô đề, sương mãn thiên, (c)
Khi đọc, nếu ngắt câu khác nhau ý nghĩa câu thơ có thể khác nhau:
Trăng lặn, quạ kêu, trời đầy sương, (a)
Trăng lặn quạ kêu trời đầy sương, (b)
Trăng lặn trên núi Ô Đề, trời đầy sương, (c)
Như vậy, tuỳ theo cách ngắt câu, ô đề có thể là địa danh.

Nếu xét thêm về yếu tố địa dư, ở đất Ngô huyện thuộc tỉnh Giang Tô không có núi nào tên là Ô Đề.

Nếu xét về ý thơ, với tài thơ của Trương Kế, thi nhân đang ngao du thuyền trên sông và đậu lại ở bến Phong Kiều, cảnh sắc hữu tình như vậy, không có lý do gì ông lại mô tả cảnh sắc trên núi Ô Đề ở mãi tận đâu xa (nếu quả thật có núi Ô Đề đi nữa). Thêm vào đó, trên thuyền ở bến Phong Kiều, như tác giả Nguyễn Quảng Thân đã nói, chưa chắc gì đã thấy được núi Ô Đề (nếu có). Dù cho ở thời Trương Kế, dân cư thưa thớt, nhà cửa ít oi và nhỏ thấp.

Trong các cách ngắt câu khác nhau, tôi thích cách của tác giả Trần Trọng San hơn:
Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên
Đến nghi vấn về chữ “sầu miên” trong câu hai:
Giang phong, ngư hoả đối sầu miên. (2)
Về địa dư, đất Ngô huyện thuộc tỉnh Giang Tô không có núi nào tên là Sầu Miên. Theo tác giả Nguyễn Quảng Tuân, có lẽ tên chùa là Hàn San, san có nghĩa là sơn, là núi, nên có tác giả đã nghĩ như vậy.

Theo sách sử Trung Hoa để lại, vào đời đường cách 10 dặm ở phía tây đất Ngô huyện thuộc tỉnh Giang Tô có ngôi chùa do hai nhà sư tên là Hàn San và Thập Đắc trụ trì. Như vậy, người ta đã lấy tên của vị sư trụ trì để đặt tên cho ngôi chùa.

Hơn nữa, về ý thơ, nếu tác giả nào cho chữ Sầu Miên là tên một ngọn núi thì người ấy quả tình đã xem thường Trương Kế quá nhiều. Với tài thơ Trương Kế, chúng ta có thể quả quyết được rằng, sầu miên không phải là tên một ngọn núi.

2. Đến nghi vấn, quạ có kêu trong đêm hay không?

Thông thường, nói đến quạ người ta nghĩ ngay đến quạ đen. Tôi chưa hề thấy quạ trắng bao giờ. Chỉ có một loài quạ hiếm quý, không đen hoàn toàn là loài quạ khoang ở miền Bắc và Bắc Trung phần. Loài quạ này cũng đen gần hết, chỉ có ánh đỏ tím và khoang trắng ở cổ và ngực. Theo tôi biết, loài quạ có kêu trong đêm, thường là lúc gần sáng. Quạ có khi đi riêng rẻ hay từng bầy, đến đậu trên những cây cao, kêu đến đinh tai nhức óc.

Trong bài thơ, Trương Kế chỉ rằng nửa đêm, có thể là nửa đêm về sáng. Loài quạ có thể kêu sớm hơn, chuyện này,tôi thiết tưởng không nên đặt thành vấn đề. Hơn nữa, nhà thơ Quách Tấn của chúng ta cũng có bài thơ “Đêm thu nghe quạ kêu” (3)

3. Chùa Hàn San nói riêng hay chùa nói chung có đánh chuông về đêm hay không?

Chúng ta đều biết chùa nào cũng đánh chuông công phu, thường khoảng ba hay bốn hoặc năm giờ sáng, tuỳ nơi.

Theo sử sách Trung Hoa viết lại, căn cứ vào tài liệu của tác giả Trần Trọng San (4), tôi xin ghi lại câu chuyện về Trương Kế và bài Phong Kiều dạ bạc. Chuyện này giải thích rất rõ ràng về tiếng chuông chùa Hàn San vào lúc nửa đêm.

Chuyện ghi rằng, vào đêm Trương Kế đậu thuyền tại bến Phong Kiều, không phải chỉ có một mình thi nhân không ngủ được mà có đến hai người khác nữa cũng trằn trọc không sao an giấc. Hai người này say mê thơ, chắc cũng không kém nhà thơ Trương Kế. Người thứ nhất là sư cụ trụ trì chùa Hàn San. Nhà sư thao thức không ngủ được, có lẽ vì cảnh sắc quá đẹp ở bến Phong Kiều chăng, nên suy tư để làm một bài thơ thất ngôn tuyệt cú. Nhưng nhà sư chỉ làm được hai câu đầu rồi bị ngưng trệ ở đó, không sao làm tiếp được. Lúc đó, nhà thơ Trương Kế ở dưới thuyền cũng thao thức vì cảnh đẹp thiên nhiên và làm chỉ được hai câu đầu mà thôi. Nhà thơ không nghĩ ra được hai câu tiếp.

Trong khi đó có người thứ ba cũng trằn trọc trong đêm là chú tiểu trong chùa. Chú tiểu cũng là người say mê thơ. Lúc đó, sư cụ trụ trì thấy chú tiểu còn thức bèn đưa hai câu thơ mà nhà sư làm ra nhưng không thể làm tiếp được kể kết thúc bài thơ. Chú tiểu vừa đọc qua hai câu đầu của sư cụ liền viết ra ngay hai câu sau. Sư cụ đọc qua, ráp nhau lại, nhận thấy cả bài thơ bốn câu hay quá. Nhà sư mừng rỡ, cho rằng Phật Tổ đã linh thiêng giúp đỡ cho hai người. Sư cụ bảo chú tiểu thắp hương, thỉnh chuông để tạ ơn Phật. Tiếng chuông chùa Hàn San vang ra trong đêm. Lúc đó, Trương Kế đang thao thức suy nghĩ về hai câu thơ sau, thì tiếng chuông chùa Hàn San vang ngân lên, lập tức nhà thơ viết liền ra hai câu sau, hoàn thành bài thơ tuyệt tác để lại cho đời sau.

Cảnh sắc lúc đó, sương phủ mờ cả dòng sông và bến đậu, trăng xế ngang đầu. Chiếc thuyền của nhà thơ Trương Kế đậu lẻ loi bên bến Phong Kiều. Trên bờ, ngoài thành Cô Tô, chùa Hàn San mờ ảo trong đêm. Tiếng chuông chùa ngân vang, lay động cả màn sương và bật mở hồn thơ Trương Kế.

Bài thơ Phong Kiều dạ bạc thật tuyệt.

Chúng ta đọc lại lần nữa nhé.

Câu đầu, thơ đi nhịp nhàng, lửng thửng như nhà thơ đang nhàn du trong sương, dưới trăng:
Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên,
Câu hai, thơ như chậm lại bên hàng cây phong, dưới sông thấp thoáng ánh lửa thuyền chài, đêm buồn dịu lặng, ray rức:
Giang phong, ngư hoả đối sầu miên.
Câu ba, thơ sực tỉnh, như dừng lại, ngoài trăng, sương, sông, nước, còn ngôi chùa ẩn hiện trong đêm:
Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự,
Câu cuối, thơ ngỡ ngàng trước tiếng chuông chùa ngân vang trong lòng đêm yên lặng, giửa đêm tịch mịch, sương như lung lay, nước như gờn gợn, khách trong thuyền xao xuyến cả tâm hồn:
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Đã có nhiều tác giả dịch bài thơ Phong Kiều dạ bạc sang tiếng Việt. Bản dịch tiếng Việt qua thể lục bát, theo tác giả Trần Trọng San, bản này của thi sĩ Tản Đà (5), nhưng tác giả Nguyễn Quảng Tuân đã đính chánh, bản dịch đúng ra là của thi sĩ Nguyễn Hàm Ninh, nhưng không thấy dẫn chứng.

Theo Trần Trọng San, bản dịch của Tản Đà như thế này: (6)
Trăng tà, tiếng quạ kêu sương,
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
Bản dịch, theo Nguyễn Quảng Tuân là của Nguyễn Hàm Ninh (7), có vài điểm không giống hẳn như bản trên:
Quạ kêu, trăng lặn, trời sương,
Lửa chài le lói sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
Tôi ghi cả hai bản dịch ra đây để tiện đối chiếu.

Ngoài các bản dịch bài Phong Kiều dạ bạc ra tiếng Việt mà tác giả Nguyễn Quảng Tuân đã dẫn trong tạp chí Văn học số 191, tháng 03 năm 2002, tôi xin bổ túc hai bài dịch ở thể thất ngôn tứ tuyệt của hai tác giả Trần Trọng San và Nguyễn Hà.

Bản dịch ra chữ Việt của tác giả Trần Trọng San:
Ban đêm thuyền đậu bến Phong Kiều (8)

Trăng tà, tiếng quạ vẳng sương rơi,
Sầu đượm hàng phong, giấc lửa chài.
Ngoài luỹ Cô Tô, chùa vắng vẻ,
Nửa đêm chuông vẳng đến thuyền ai.
Bản dịch của Trần Trọng San, cùng thể, vừa giữ được ý thơ lãng mạn lại vừa giữ được nét cứng cỏi của thất ngôn. Bản dịch, tôi thiết nghĩ đáp được hai yêu cầu của tác giả Nguyễn Quảng Tuân, thứ nhất là Cô Tô là thành luỹ chứ không phải bến và thứ hai là tính chủ động của tiếng chuông chùa ở câu bốn.

Cô Tô vốn là tên ngọn núi ở phía tây nam Ngô huyện, thuộc tỉnh Giang Tô. Chính ở đây, xưa vào thời Đông Chu (770 đến 314 trước Công nguyên), Ngô vương Phù Sai đã xây đài cho Tây Thi. Vì thế mà tác giả Trần Trọng San dùng chữ “luỹ” ở câu ba trong bài dịch ra tiếng Việt.

Tuy nhiên, trong bài dịch, ở câu một tác giả Trần Trọng San đã đi hơi xa, dịch thoát ý, khỏi chữ “mãn” nghĩa là đầy, và chữ “thiên” nghĩa là trời, khiến cho “trời đầy sương” thành ra “vẳng sương rơi”.

Bản dịch ở thể thất ngôn tứ tuyệt của tác giả Nguyễn Hà:
Đêm đậu thuyền ở bến Phong Kiều

Tiếng quạ kêu sương, nguyệt cuối trời
Bờ phong sầu hắt lửa thôn chài
Hàn Sơn chuông vẳng Cô Tô lại
Khuya khoắt lay thuyền động giấc ai... (9)
Bản dịch của tác giả Nguyễn Hà không ổn vì:
(1) ở câu một: quá thoát ý,
(2) ở câu hai: lạc ý vì chỉ có ánh lửa chài chứ không có thôn chài,
(3) câu ba và bốn: vừa đảo ý vừa lạc ý vì câu ba xác định vị trí của chùa Hàn San và ở câu bốn tiếng chuông lay khách trên thuyền chứ không lay chiếc thuyền.

Theo tôi, bản dịch ở thể thất ngôn tứ tuyệt hay nhất là bản của tác giả Trần Trọng San.

Còn bài thơ của sư cụ trụ trì và chú tiểu ở chùa Hàn San cũng được sách ghi lại:

Hai câu của sư cụ là:
Sơ tam, sơ tứ nguyệt mông lung,
Bán tự ngân câu, bán tự cung.

Nghĩa là:
Mồng ba, mồng bốn, mặt trăng mờ mờ,
Nửa như móc bạc, nửa tựa cái cung.
Và hai câu tiếp theo của chú tiểu là:
Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn,
Bán trầm thuỷ để, bán phù không.

Nghĩa là:
Một chiếc bình ngọc chia làm hai mảnh,
Nửa chìm đáy nước nửa nổi trên trời.
Tác giả Trần Trọng San có dịch bốn câu thơ trên gồm hai câu của sư cụ và hai câu của chú tiểu:
Mồng ba mồng bốn trăng mờ,
Nửa dường móc bạc, nửa như cung trời.
Một bình ngọc trắng chia hai,
Nửa chìm đáy nước, nửa cài từng không. (10)
Dĩ nhiên, chúng ta không thể so sánh hai câu của sư cụ và hai câu của chú tiểu với bốn câu thơ của Trương Kế được. Một bên là những người bình thường với hồn thơ dào dạt, làm được những câu thơ như thế cũng xứng đáng được tán thưởng lắm rồi. Lẽ nào, chúng ta so sánh bài thơ đó với bốn câu thơ của Trương Kế, là người đã nổi tiếng về tài thơ trong thời Thịnh Đường.

Về sau, vào đời nhà Thanh, học giả Khang Hữu Vi có dựng một tấm bia khắc lại bài thơ Phong Kiều dạ bạc, để trong chùa Hàn San (11).

Trần Long Hồ

(1) Thơ Đường, Trần Trọng San, cuốn một, trang 114, NXB Bắc Đẩu, in lần thứ ba 1972, lần hai 1966, lần một 1957.
(2) Thơ Đường, sách đã dẫn, trang 114.
(3) Việt Nam thi nhân tiền chiến, Nguyễn Tấn Long - Nguyễn Hữu Trọng, quyển trung, trang 592, NXB Xuân Thu.
(4) Thơ Đường, sách đã dẫn, trang 114.
(5) Tạp chí Văn học, số 191, tháng 03 năm 2002, trang 36.
(6) Thơ Đường, sách đã dẫn, trang 115.
(7) Tạp chí Văn học, số 191, tháng 03 năm 2002, trang 36.
(8) Thơ Đường, sách đã dẫn, trang 116.
(9) Đường thi tứ tuyệt, Nguyễn Hà, NXB Văn Hoá Thông Tin, 1996, trang 209.
(10) Thơ Đường, sách đã dẫn, trang 116.
(11) Đường thi tinh tuyển, Duy Phi, NXB Văn Hoá Dân Tộc, Hà Nội, 2001, trang 247.

Bản dịch của Trần Trọng San

Trăng tà tiếng quạ vẳng sương rơi
Sầu đượm hàng phong giấc lửa chài
Ngoài lũy Cô Tô chùa vắng vẻ
Nửa đêm chuông vẳng đến thuyền ai.

Bản dịch của Trần Trọng Kim

Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi
Lửa chài, cây bãi đối người nằm co
Con thuyền đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San


Nguồn: Trần Trọng Kim, Đường thi, NXB Văn hoá thông tin, 1995

Bản dịch của Hải Đà

Tiếng quạ kêu sương bóng nguyệt mờ
Cầu phong đốm lửa giấc sầu mơ
Hàn Sơn khuất bãi Cô Tô vắng
Đêm điểm hồi chuông khách sững sờ...


Bản dịch của Hải Đà

Trăng lặn, sương đầy, tiếng quạ kêu
Bến phong, ánh lửa, giấc đìu hiu
Cô Tô quạnh quẽ thuyền neo bến
Chuông đổ Hàn Sơn vẳng tiếng đều.

 BẢN DICH CỦA SƠN TRUNG

Ban đêm thuyền đậu bến Phong Kiều

Quạ kêu, trăng lặn , sương đầy trời, 
Khách ngủ,  thuyền qua ánh lửa chài.
Xa cách Cô Tô chùa núi quạnh,
Chuông Hàn Sơn tự bỗng ngân dài!









CHÚ THÍCH
__________
(1) . Trần Trọng Kim. Đường Thi. Tân Việt-Saigon, 1950 .
(2). Trần Trọng San. Thơ Đường, 3 quyển, Bắc Đẩu, Saigon 1973. 
(3). Thi Viện: http//:www.thiviện, 
www.thi viện .net
(4) Wikipedia
(5). Bài thơ  Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế đúng như Nguyễn Quảng Tuân viết rẳng thơ dịch của Nguyễn Hàm Ninh . Nguyễn Hàm Ninh người phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Nguyễn Hàm Ninh (阮咸寧, 1808-1867) tự là Thuận Chi, hiệu Tĩnh Trai  ... Trong quyển Đời Tài Hoa của Đẩu Tiếp Nguyễn Văn Đề Tân Việt xuất bản khoảng 1937, là một sách biên khảo về Nguyễn Hàm Ninh có bài Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế. Bài thơ này do ông Đẩu Tiếp (1913- 1947) người làng Vĩnh lộc, Quảng Trạch, Quảng Bình đã về làng Trung Thuần và tìm thấy bài Phong Kiều Dạ Bạc trong tủ sách của gia đình Nguyễn Hàm Ninh. Nguyễn Hàm Ninh sinh trước Tản Đà. Tôi đã đọc Đời Tài Hoa của Đẩu Tiếp. Trong lúc dich thơ nhiều nhà chỉ khác vài chữ thôi! Lẽ tất nhiên nhiều độc giả có cảm tình với Tản Đà mà xa lạ với Nguyễn Hàm Ninh.
(6). Theo chú 6 ở trên, Trần Trọng San và người viết về Trương Kế thì Tản Đà dịch hai bài khác nhau nhưng không dẫn xuất xứ!

Xin cảm tạ các thi sĩ đã có bài dịch trong tài liệu này và chủ nhân trang web Đường thi mà chúng tôi đã dùng..


SƠN TRUNG
26-3-2020


No comments:

Post a Comment