Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Tuesday, 24 March 2020



















調
















漿



西
















































滿


Tỳ bà hành

Tầm Dương giang đầu dạ tống khách,
Phong diệp địch hoa thu sắt sắt.
Chủ nhân há mã khách tại thuyền,
Cử tửu dục ẩm vô quản huyền.
Tuý bất thành hoan thảm tương biệt,
Biệt thời mang mang giang tẩm nguyệt.
Hốt văn thuỷ thượng tỳ bà thanh,
Chủ nhân vong quy khách bất phát.
Tầm thanh âm vấn đàn giả thuỳ,
Tỳ bà thanh đình dục ngữ trì.
Di thuyền tương cận yêu tương kiến,
Thiêm tửu hồi đăng trùng khai yến.
Thiên hô vạn hoán thuỷ xuất lai,
Do bão tỳ bà bán già diện.
Chuyển trục bát huyền tam lưỡng thanh,
Vị thành khúc điệu tiên hữu tình.
Huyền huyền yểm ức thanh thanh tứ,
Tự tố bình sinh bất đắc chí.
Đê mi tín thủ tực tực đàn,
Thuyết tận tâm trung vô hạn sự.
Khinh lung mạn nhiên mạt phục khiêu,
Sơ vi Nghê thường hậu Lục yêu.
Đại huyền tào tào như cấp vũ,
Tiểu huyền thiết thiết như tư ngữ.
Tào tào thiết thiết thác tạp đàn,
Đại châu tiểu châu lạc ngọc bàn.
Gian quan oanh ngữ hoa để hoạt,
U yết lưu cảnh thuỷ hạ than.
Thuỷ tuyền lãnh sáp huyền ngưng tuyệt,
Ngưng tuyệt bất thông thanh tiệm yết.
Biệt hữu u sầu ám hận sinh,
Thử thời vô thanh thắng hữu thanh.
Ngân bình sạ phá thuỷ tương bính,
Thiết kỵ đột xuất đao thương minh.
Khúc chung thu bát đương tâm hoạch,
Tứ huyền nhất thanh như liệt bạch.
Đông thuyền tây phảng tiễu vô ngôn,
Duy kiến giang tâm thu nguyệt bạch.
Trầm ngâm phóng bát sáp huyền trung,
Chỉnh đốn y thường khởi liễm dung.
Tự ngôn bản thị kinh thành nữ,
Gia tại Hà Mô lăng hạ trú.
Thập tam học đắc tỳ bà thành,
Danh thuộc giáo phường đệ nhất bộ.
Khúc bãi tằng giao thiện tài phục,
Trang thành mỗi bị Thu Nương đố.
Ngũ Lăng niên thiếu tranh triền đầu,
Nhất khúc hồng tiêu bất tri số.
Điền đầu ngân tì kích tiết toái,
Huyết sắc la quần phiên tửu ố.
Kim niên hoan tiếu phục minh niên,
Thu nguyệt xuân phong đẳng nhàn độ.
Đệ tẩu tòng quân a di tử,
Mộ khứ triêu lai nhan sắc cố.
Môn tiền lãnh lạc xa mã hy,
Lão đại giá tác thương nhân phụ.
Thương nhân trọng lợi khinh biệt ly,
Tiền nguyệt Phù Lương mãi trà khứ.
Khứ lai giang khẩu thủ không thuyền,
Nhiễu thuyền nguyệt minh giang thuỷ hàn.
Dạ thâm hốt mộng thiếu niên sự,
Mộng đề trang lệ hồng lan can.
Ngã văn tỳ bà dĩ thán tức,
Hựu văn thử ngữ trùng tức tức.
Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân,
Tương phùng hà tất tằng tương thức.
Ngã tòng khứ niên từ đế kinh,
Trích cư ngoạ bệnh Tầm Dương thành.
Tầm Dương địa tích vô âm nhạc,
Chung tuế bất văn ty trúc thanh.
Trú cận Bồn giang địa thế thấp,
Hoàng lô khổ trúc nhiễu trạch sinh.
Kỳ gian đán mộ văn hà vật,
Đỗ quyên đề huyết viên ai minh.
Xuân giang hoa triêu thu nguyệt dạ,
Vãng vãng thủ tửu hoàn độc khuynh.
Khởi vô sơn ca dữ thôn địch,
Âu á triều triết nan vi thính.
Kim dạ văn quân tỳ bà ngữ,
Như thính tiên nhạc nhĩ tạm minh.
Mạc từ cánh toạ đàn nhất khúc,
Vị quân phiên tác Tỳ bà hành.
Cảm ngã thử ngôn lương cửu lập,
Khước toạ xúc huyền huyền chuyển cấp.
Thê thê bất tự hướng tiền thanh,
Mãn toạ trùng văn giai yểm khấp.
Toạ trung khấp hạ thuỳ tối đa,
Giang Châu tư mã thanh sam thấp.

Dịch nghĩa

Ban đêm đưa tiễn khách ở đầu sông Tầm Dương
Gió thu thổi vào lá phong, hoa lau hiu hắt
Chủ nhân xuống ngựa, khách trong thuyền
Nâng chén rượu muốn uông (mà) không có đàn sáo
Say mà không vui vẻ gì (vì) biệt ly sầu thảm
Lúc chia tay lòng mang mang, sông đượm bóng trăng
Chợt nghe có tiếng tỳ bà trên mặt nước
Chủ nhân quyên về, khách cũng không khởi hành
Tìm theo tiếng để hỏi người đàn là ai
Tiếng tỳ bà im bặt, muốn nói mà còn (ngại ngùng) trì hoãn
Bèn dời thuyền lại xin được gặp mặt
Rót thêm rượu, khêu đèn lên, trùng tân tiệc rượu
Gọi đến ngàn lần vạn lần mới bước ra
Tay ôm tỳ bà che khuất nửa gương mặt
Vặn trục gảy dây hai ba tiếng (để thử)
Chưa có khúc điệu gì mà nghe đã hữu tình
Dây nào cũng nghẹn ngào, tiếng nào cũng có ý
Bày tỏ nỗi bất đắc chí trong cuộc đời
Hạ thấp lông mày cứ gảy cứ gảy mãi
Giãi bày hết tâm sự vô cùng hạn
Nhẹ nắn, chậm vuốt, rồi lại gảy tiếp
Thoạt đầu là khúc Nghê thường, sau đó là khúc Lục yêu
Dây lớn ào ào như mưa rào
Dây nhỏ nỉ non như tỉ tê chuyện riêng
(Rồi tiếp đến) tiếng rào rào lẫn tiếng nỉ non
(Nghe như) hạt châu lớn hạt châu nhỏ rắc vào trong mân ngọc
(Nghe như) tiếng chim oanh giọng (líu lo) qua lại trong hoa
Nhịp suối ngập ngừng, nước chảy xuống bãi
Suối nước bỗng lạnh đông, dây đàn ngưng bặt
Tiếng đàn ngưng bặt, không thuận, bấy giờ bỗng yên lặng
Tự có mối sầu u uất riêng, nỗi hận âm thầm phát sinh
Lúc này không có âm thanh mà nghe con hay hơn có
(Bỗng dưng nghe như) tiếng nước bắn tung ra khỏi thành bình bạc vị phá vỡ
(Nghe như) đoàn quân thiết kỵ ào ào đến, đao thương sáng ngời
Nàng dạo tay vào giữa bốn dây (và) chấm dứt ca khúc
Bốn dây vang lên một âm thanh như lụa xé
Thuyền mảng đông tây lặng im, không một tiếng nói
Chỉ thấy vầng trăng thu rọi sáng giữa sông
Nàng trầm ngâm gỡ phím, cài vào giữa các dây đàn
Sửa gọn xiêm áo lại, đứng dậy chỉnh vẻ mặt
Tâm sự rằng, nàng nguyên là con gái chốn kinh thành
Nhà ở lăng Hà Mô
Mười ba tuổi học được ngón đàn tỳ bà
Tên thuộc bộ thứ nhất của giáo phường
Mỗi gảy hết khúc đàn, từng khiến các nhà dạy đàn phục
Mỗi trang điểm xong là đến nàng Thu Nương cũng đố kỵ
Những chàng trai trẻ ở Ngũ Lăng tranh nhau tặng biếu
Một bài ca, thưởng không biết bao là tấm lụa đào
Vành lược bạc, cành trâm vàng đánh nhịp vỡ tan
Quần lụa màu huyết dụ để rượu đổ ra hoen ố
Năm này vui cười, năm sau cũng như vậy
Trăng thu gió xuân, trải một đời nhàn hạ
Em trai đi lính, rồi dì chết
Chiều qua, sớm lại, nhan sắc cũng lão đi
Trước cổng dần vắng tanh, thưa thớt đi ngựa xe
Cũng có tuổi rồi mới làm vợ người lái buôn
Người lái buôn chỉ tham lợi, coi thường biệt ly
Tháng trước đi Phù Lương mua trà
Từ đó đến giờ ở đầu sông một mình với con thuyền không
Quanh thuyền trăng sáng, nước sông lạnh lẽo
Đến khuya bỗng mộng thấy lại thời trẻ trung
Trong mộng thấy khóc nhoè má hồng phấn son
Tôi nghe tiếng tỳ bà đã thán tức
Giờ nghe thêm những lời tâm sự lại càng bùi ngùi
Cùng là kẻ luân lạc ở chốn chân trời
Gặp gỡ nhau đây hà tất đã từng quen biết
Năm ngoái tôi từ biệt kinh vua
Bị biếm đến thành Tầm Dương cho đến nay nằm bệnh
Tầm Dương xứ hẻo lánh không có âm nhạc
Cả năm chưa nghe được tiếng đàn sáo
Tôi ở gần sông Bồn, chỗ thấp và ẩm ướt
Lau vàng, trúc võ mọc quanh nhà
Ở nơi đây sáng chiều nghe được những gì
Có tiếng quốc khóc ra máu và tiếng vượn hú bi ai
Mùa xuân sáng hoa nở, mùa thu ban đêm có ánh trăng
Tôi thường thường đem rượu ra uống một mình
Có phải không có sơn ca thôn địch đâu
Khốn nỗi líu lo, líu liết, thật khó nghe
Đêm nay nghe được tiếng tỳ bà của nàng
Như nghe được tiếng nhạc tiên, tai tạm nghe rõ ràng
Xin ngồi lại đàn một khúc
Tôi sẽ vì nàng làm bài Tỳ Bà hành
Cảm động vì lời tôi nói, nàng đứng một lúc lâu
Rồi ngồi xuống gảy đàn, tiếng bỗng chuyển thành cấp xúc
Buồn thảm không giống như tiếng đàn vừa rồi
Hết những người trong tiệc nghe lại đều che mặt khóc
Trong những người ấy ai là người khóc nhiều nhất
Tư mã Giang Châu ướt đẫm vạt áo xanh

Lời tự:

Nguyên Hoà thập niên, dư tả thiên Cửu Giang quận tư mã. Minh niên thu, tống khách Bồn phố khẩu, văn thuyền trung dạ đàn tỳ bà giả, thính kỳ âm, tranh tranh nhiên hữu kinh đô thanh; vấn kỳ nhân, bản Trường An xướng nữ, thường học tỳ bà ư Mục, Tào nhị thiện tài. Niên trưởng sắc suy, uỷ thân vi cổ nhân phụ. Toại mệnh tửu, sử khoái đàn sổ khúc, khúc bãi mẫn nhiên. Tự tự thiếu tiểu thời hoan lạc sự, kim phiêu luân tiều tuỵ, chuyển tỷ ư giang hồ gian. Dư xuất quan nhị niên điềm nhiên tự an, cảm tư nhân ngôn, thị tịch, thuỷ giác hữu thiên trích ý, nhân vi trường cú ca dĩ tặng chi, phàm lục bách nhất thập lục ngôn, mệnh viết Tỳ bà hành.

元和十年,予左遷九江郡司馬。明年秋,送客湓浦口,聞船中夜彈琵琶者,聽其音,錚錚然有京都聲;問其人,本長安倡女,嘗學琵琶於穆曹二善才。年長色衰,委身為賈人婦。遂命酒,使快彈數曲,曲罷憫然。自敘少小時歡樂事,今漂淪憔悴,轉徙於江湖間。予出官二年 恬然自安,感斯人言,是夕,始覺有遷謫意,因為長句歌以贈之,凡六百一十六言,命曰琵琶行。

(Năm Nguyên Hoà thứ 10, ta về giữ chức tư mã ở quận Cửu Giang. Qua mùa thu năm sau, đêm ra tiễn khách bên bến sông Bồn, chợt nghe thuyền ai có tiếng đàn tỳ bà vọng lại. Nghe trong tiến đàn thánh thót, âm vang điệu nhạc ở kinh đô. Bèn hỏi gốc gác. Người đàn bà trả lời rằng “Tôi vốn là con hát, quê ở Trường An, học đàn tỳ bà với hai danh sư Mục và Tào. Nay tuổi đã cao, nhan sắc tàn tạ, lấy chồng làm con buôn (thường theo thuyền buôn đi đây đi đó)”. Nghe vậy, cho dọn rượu ra đãi, xin nàng đàn lại cho nghe. Đàn xong cảm xúc vô vàn, nàng bèn kể lại cuộc đời mình từ lúc còn trẻ, vui sướng, cho tới lúc lưu lạc giang hồ khổ nhọc. Ta về đây làm quan đã được hai năm thanh thản yên ổn. Hôm nay nghe nàng nầy nói chuyện, cảm thương cho số phận lưu đầy! Bèn làm một bài thơ dài tặng nàng ta, gồm 616 chữ, gọi là Tỳ bà hành.)
Bài thơ này được sử dụng làm bài đọc thêm trong chương trình SGK Văn học 10 giai đoạn 1990-2006.


:

Bản dịch của Phan Huy Thực

Bến Tầm Dương, canh khuya đưa khách.
Quạnh hơi thu, lau lách đìu hiu.
Người xuống ngựa, khách dừng chèo,
Chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ty.
Say những luống ngại khi hầu rẽ,
Nước mênh mông đượm vẻ gương trong.
Tiếng tỳ chợt vẳng trên sông,
Chủ khuây khoả lại, khách dùng dằng xuôi.
Lần tiếng sẽ hỏi ai đàn tá?
Lửng tiếng đàn, nấn ná làm thinh.
Dời thuyền theo hỏi thăm tình,
Chong đèn, thêm rượu, còn dành tiệc vui.
Mời mọc mãi thấy người bỡ ngỡ,
Tay ôm đàn che nửa mặt hoa.
Vặn đàn vài tiếng dạo qua,
Tuy chưa trọn khúc, tình đà thoảng hay.
Nghe não nuột mấy dây bứt rứt,
Dường than niềm tấm tức bấy lâu.
Chau mày, tay gảy khúc sầu,
Giãi bày mọi nỗi trước sau muôn vàn.
Ngón buông, bắt, khoan khoan dìu dặt,
Trước “Nghê thường”, sau thoắt “Lục yêu”.
Dây to nhường đổ mưa rào,
Nỉ non dây nhỏ như trò chuyện riêng.
Tiếng cao thấp lần chen liền gảy,
Mâm ngọc đâu bỗng nảy hạt châu.
Trong hoa, oanh ríu rít nhau,
Suối tuông róc rách chảy mau xuống ghềnh.
Tiếng suối lạnh, dây mành ngừng tắt,
Ngừng tắt nên phút bặt tiếng tơ.
Ôm sầu, đau giận ngẩn ngơ,
Tiếng tơ lặng lẽ bấy giờ càng hay.
Bình bạc vỡ tuôn đầy mạch nước,
Ngựa sắt giong, thét ngược tiếng đao.
Cung đàn trọn khúc thanh tao,
Tiếng buông xé lụa, lựa vào bốn dây.
Thuyền mấy lá đông tây lặng ngắt,
Một vầng trăng trong vắt lòng sông.
Ngậm ngùi đàn bát xếp xong,
Áo xiêm khép nép hầu mong giải lời.
Rằng xưa vốn là người kẻ chợ,
Cồn Hà Mô trú ở lân la.
Học đàn từ thuở mười ba,
Giáo phường đệ nhất sổ đà chép tên.
Gã thiện tài sợ phen dừng khúc,
Ả Thu Nương ghen lúc điểm tô.
Ngũ Lăng, chàng trẻ ganh đua,
Biết bao the tấm chuốc mua tiếng đàn.
Vành lược bạc gãy tay nhịp gõ,
Bức quần hồng hoen ố rượu rơi.
Năm năm lần lữa vui cười,
Mải gió trăng chẳng đoái hoài xuân thu.
Buồn em trẩy, lại sầu dì thác,
Lần hôm mai đổi khác hình dung.
Cửa ngoài xe ngựa vắng không,
Thân già mới kết đôi cùng khách thương.
Khách trọng lợi khinh thường ly cách,
Mải buôn chè, sớm tếch miền khơi.
Thuyền không đậu bến mặc ai,
Quanh thuyền trăng dãi, nước trôi lạnh lùng.
Ðêm khuya, sực nhớ vòng tuổi trẻ,
Lệ trong mơ hoen vẻ phấn son.
Nghe đàn ta đã chạnh buồn,
Lại rầu nghe nỗi nỉ non mấy lời.
Cùng một lứa bên trời lận đận,
Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau.
Từ xa kinh khuyết bấy lâu,
Tầm Dương đất trích, gối sầu hôm mai.
Chốn cùng tịch lấy ai vui thích,
Tai chẳng nghe đàn địch cả năm.
Sông Bồn gần chốn cát lầm,
Lau vàng, trúc võ nảy mầm quanh hiên.
Tiếng chi đó nghe liền sớm tối,
Cuốc kêu sầu, vượn hót nỉ non.
Hoa xuân nở, nguyệt thu tròn,
Lần lần tay chuốc chén son riêng ngừng.
Há chẳng có ca rừng địch nội,
Giọng líu lo, nhiều nỗi khó nghe.
Tiếng tỳ nghe dạo canh khuya,
Dường như tiên nhạc gần kề bên tai.
Hãy ngồi lại gảy chơi khúc nữa,
Sẽ vì nàng soạn sửa bài ca.
Tần ngần dường cảm lời ta,
Dén ngồi bắt ngón đàn đà kíp dây.
Nghe não nuột khác tay đàn trước,
Khắp tiệc hoa tuôn nước lệ rơi.
Lệ ai chan chứa hơn người?
Giang châu Tư Mã đượm mùi áo xanh.


Một số tài liệu (trong đó có Việt Nam thi văn hợp tuyển của Dương Quảng Hàm) chép người dịch là Phan Huy Vịnh (tức con của Phan Huy Thực) là không chính xác. Chi tiết xin xem thêm các bài viết ở dưới.
Thi nhân ký gởi vào bài thơ nỗi lòng của kẻ luân lạc, không nói đến chữ oán, mà nặng về chữ nghiệp, khóc thương cho hoàn cảnh, mà không trách móc đến gì, đến ai. Người đọc thấy mình cũng như kẻ trên tiệc, nước mắt đầm đìa, thương cho thân phận con người, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh như một chiếc thuyền lao đao ngoài biển cho cuộc đời, khi vinh hoa thì vậy, khi luân lạc thì vậy, nếu dứt hết mọi trần duyên, thì không biết kiếp con người sinh ra để làm gì? Để tu chăng? Đối với một kiếp người nghệ sĩ, có lẽ để tận hưởng cái ngọt ngào đắng cay,... thì phải hơn. Nhất là một người nghệ sĩ, dạt dào tình cảm, tinh tế, nhạy cảm như Bạch Cư Dị, thương xót cho đời mà cũng thiết tha vì đời... Bài thơ có nhiều chỗ diễn tả âm nhạc rất hay, có chỗ nói đến lúc tiếng đàn ngừng mà nghe “biệt hữu sầu ám hận sinh”, Bạch Cư Dị là người thưởng thức âm nhạc thật cao diệu.


Tiếng đàn trên sông (Tỳ bà hành)

Bạch Cư Dị, tự Lạc Thiên, hiệu Hương Sơn Cư Sĩ, người Thiểm Tây, có bản chất thông minh từ nhỏ, năm 6 tuổi đã bắt đầu học làm thơ. Ông đã lớn lên trong một bối cảnh lịch sử triền miên khói lửa binh đao, nên ông gần gũi và thông cảm với nỗi khốn khổ, nghèo khó và cảnh cơ hàn cay đắng của tầng lớp lao động do vương triều phong kiến gây ra, cũng như ông đã đồng tình với niềm ước vọng và phẫn uất của người dân lao động. Những sự cảm thụ đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự nghiệp thi ca của ông. Bạch Cư Dị đỗ tiến sĩ năm 20 tuổi, được bổ làm quan trong triều đình giữ chức Tả thập di. Ông đã sống trong một thời kỳ đen tối, lúc mà xã hội Trung Quốc đang trên con đường suy thoái, những mâu thuẫn của các phe cánh thống trị trong triều đình khó hàn gắn được. Với bản tính trung thực dám nói thẳng (dù với tinh thần tôn quân), ông đã dám phê phán gay gắt và can đảm đấu tranh cho chính nghĩa, nên ông đã làm mất lòng vua và các quan đại thần. Nhiều kẻ nịnh thần căm ghét, dèm pha, và hạch tội ông. Ông bị giáng chức làm tư mã Giang Châu (815-818), là một chức vị nhàn rỗi, không có công việc gì làm, mang một tâm sự buồn bã chán ngán thế thái nhân tình. Trong thời gian nầy ông sống trong một mái nhà tranh bên ngôi chùa, và dành nhiều thì giờ để tu tiên học đạo. Bài thơ nổi tiếng Tỳ bà hành của ông đã được sáng tác trong giai đoạn nầy, được phổ biến rộng rãi trong quần chúng bình dân và được xã hội đón tiếp thưởng thức quí trọng. Đó là bài thơ mang khía cạnh nhân sinh, xã hội, hiện thực đã được truyền tụng trong nhân gian, gắn liền với tên tuổi của nhà thơ. Trên bước đường phiêu bạt, ông đã thấy nhiều khách thập phương yêu thơ ông đã ghi chép lại những bài thơ trên bờ tường của trường làng, chùa chiền, quán trọ, quán rượu, cũng như dán trên mui thuyền và những hội quán thi phú, tập văn của các nho sinh. Ông rất vui sướng, lạc quan tin rằng thơ ông gần gũi với dân chúng và được nhiều người quí trọng và ưa thích. Bạch Cư Dị đại diện cho dòng thơ hiện thực phê phán vì khi ông đã phải sống qua một giai đoạn lịch sử đen tối của chế độ quan liêu phong kiến đồi truỵ, Bạch Cư Dị đã dùng thi ca với những lời lẽ giản dị thành thực để mạnh dạn đấu tranh và tố cáo những hành vi áp bức, những bất công trong xã hội, cũng như sự bóc lột của bọn quan lại quý tộc. Thơ của ông phản ảnh được nỗi lòng uất nghẹn và nỗi trầm luân thống khổ của dân chúng trước thế sự thời cuộc ba chìm bảy nổi..

Bạch Cư Dị chủ trương đổi mới thi ca, ông muốn thi ca phải gắn bó với đời sống, phản ảnh hiện thực xã hội, tràn đầy tư tưởng nhân đạo, nhân văn. Bạch Cư Dị đã nói “Làm văn phải vì thời thế mà làm, làm thơ phải vì thực tại mà viết” (Văn chương hợp vi thời nhi trước, thi ca hợp vi sự nhi tác). Thơ Bạch Cư Dị phù hợp chủ nghĩa hiện thực theo con đường “phục cổ để cách tân”, muốn nói lên những thảm cảnh đen tối, xấu xa ngăn cản bước tiến của xã hội và đất nước. Bài Trường hận ca của ông diễn tả mối tình đẹp của Đường Minh Hoàng và Dương Quí Phi, nhưng cũng có những ý tưởng sâu sắc thầm kín mỉa mai.

Bài Tỳ bà hành của ông có tình tiết mạch lạc, khúc chiết và sinh động, theo lối “thuật hoài” (miêu tả), cảm ngộ, để gửi gắm tâm sự, nỗi buồn riêng tư thầm kín của tác giả như một người mang số phận hẩm hiu, để mà thông cảm xót thương như người ca nữ trong câu truyện, gặp nhiều cảnh éo le, không may mắn trên đường đời. Bài thơ ngân vang một cảm xúc ngậm ngùi, một nỗi buồn thắm thía… Ông đã nói “sự việc dẫn dắt ở ngoài, tình lý rung động bên trong, theo cảm xúc mà diễn đạt ra lời ngâm vịnh”. Đó là những lời bộc bạch chân tình, nói lên cái tâm huyết của một người trí thức muốn bày tỏ tấm lòng ưu thời mẫn thế, cũng như nỗi bi phẫn của tác giả bị chèn ép, bạc đãi trong một xã hội phong kiến đầy dẫy bất công. Bài thơ giàu chất trí tuệ, sâu sắc cảm động đã gióng lên tiếng chuông cảnh cáo một chế độ phong kiến đã chà đạp lên nhân phẩm, tình cảm, hạnh phúc, và quyền sống của người phụ nữ. Nhà thơ đã tìm thấy một tâm hồn đồng điệu, một tương thức tri âm qua người kỹ nữ gặp trên sông Tầm Dương. Bài thơ có những giao động của nhịp điệu, cái trữ tình của ngữ điệu, và cái xao xuyến của nhạc điệu, tạo nên một phong cách đặc biệt, thể hiện cái phong cốt và thần thái của người nghệ sĩ tài hoa, cũng như quan niệm và thái độ của tác giả về đời sống. Bạch Cư Dị trong một lá thư gửi người bạn đã nói lên những suy nghĩ sâu sắc về thi ca: “Cái cảm hoá được lòng người chẳng gì trọng yếu bằng tình cảm, chẳng gì đi trước được ngôn ngữ, chẳng gì gần gũi bằng âm thanh, chẳng gì sâu sắc bằng ý nghĩa. Với thơ gốc là tình cảm, mầm lá là ngôn ngữ, hoa là âm thanh, quả là ý nghĩa” (Nguyễn Khắc Phi dịch). Bài thơ Tỳ bà hành đã tạo nên một phong cách mỹ thuật, tư duy thâm thuý bằng cách kết hợp đầy đủ các yếu tố: tình cảm, ngôn ngữ, âm thanh và ý nghĩa.

Năm Nguyên Hoà thứ 10 (815) Bạch Cư Dị bị giáng chức và đổi đi làm Tư mã Giang Châu, và ông cũng đã trút niềm tâm sự u uẩn nầy qua bài thơ:
Chu trung dạ vũ
Giang vân ám du du
Giang phong lãnh tu tu
Dạ vũ trích thuyền bối
Dạ lãng đả thuyền đầu
Thuyền trung hữu bệnh khách
Tả giáng hướng Giang Châu

Trong thuyền đêm mưa (Hải Đà dịch)
Mây đen nghịt, nước sông trôi
Gió sông lạnh ngắt bồi hồi khách thơ
Mui thuyền thánh thót hạt mưa
Bập bềnh sóng vỗ đong đưa mái thuyền
Trong khoang khách bệnh nằm yên
Chẳng may giáng chức về miền Giang Châu
Bài Tỳ bà hành được viết vào thời gian nầy (lúc Bạch Cư Dị bị giáng chức làm Tư mã Giang Châu), bài thơ gồm 616 chữ được sáng tác ngay trên thuyền. Giang Châu có núi Khuông Lư, bến Tầm Dương đều là nơi danh lam thắng cảnh. Một bữa xuống thuyền thong dong dạo chơi, trong một đêm trăng thu vằng vặc, sóng nước bập bềnh, ông nghe một tiếng đàn thánh thót văng vẳng, lúc biến hoá lâm ly, lúc dạt dào xúc động xao xuyến, lúc ngưng bặt luyến tiếc từ một chiếc thuyền lơ lửng trôi gần đó. Ông ghé thuyền, và gặp người kỹ nữ đang gảy đàn tỳ bà. Bạch Cư Dị đã cảm thấy mình đồng cảnh ngộ với người kỹ nữ lưu lạc trên bến sông đêm thanh vắng. Cô đào đã gảy cho Bạch Cư Dị nghe những khúc đàn tuyệt hảo, trầm bổng xao động người nghe.Sau đó người kỹ nữ sụt sùi thương tiếc số phận hồng nhan đa truân và đã bộc bạch thổ lộ tâm tình riêng tư của mình cho ông nghe. Cảnh và tình hoà hợp. Âm đàn và tâm trạng chan hoà cảm xúc, cảnh ngộ. Mỗi tiếng đàn ngân lên như nỗi niềm nuối tiếc xốn xang của người ca nữ hoà mình với nhịp đập bồi hồi thổn thức của con tim người thơ. Chợt có mối đồng cảm, đồng tình giữa người thơ long đong trên bước đường sự nghiệp công danh với cuộc đời trôi dạt, bị bỏ rơi quên lãng của người ca nữ đáng thương. Giữa nguồn cảm xúc lai láng tuôn tràn, Bạch Cư Dị đã tài hoa sáng tác một mạch bài Tỳ bà hành đầy những hình ảnh tâm trạng thực và sinh động, và ông ngâm bài thơ luôn cho cô nghe. Xúc động trước chân tình tha thiết của nhà thơ, người nghệ sĩ lại đưa những ngón tay mềm mại lên phím đàn để tạ ơn người viễn khách trên sông. Trăng vẫn sáng trên sao, sóng nước vẫn bập bềnh, sương khói lãng đãng che phủ khoan thuyền. Trời không lất phất những hạt mưa.. nhưng sao mưa vẫn rơi thánh thót gieo vang những âm điệu buồn vời vợi trong lòng ai?
Lệ ai chan chứa hơn người?
Giang Châu tư mã đượm mùi áo xanh
Bản dịch Tỳ bà hành của Phan Huy Vịnh được nhiều người công nhận là bản dịch xuất sắc nhất. Bài thơ nguyên tác chữ Hán gồm 88 câu 7 chữ hay 616 chữ. Phan Huy Vịnh dịch Nôm theo thể song thất lục bát (7-7-6-8), thành 22 đoạn, giữ nguyên số lượng (616) chữ. Theo tác giả Trần Thị Băng Thanh (Từ điển văn học, NXB Khoa học xã hội): “cho đến nay, những người yêu thích văn chương biết đến Phan Huy Vịnh là nhờ bản dịch của bài Tỳ bà hành - nguyên tác là của Bạch Cư Dị. Tỳ bà hành miêu tả tâm trạng quan Tư mã Giang Châu họ Bạch trong đêm nghe người ca nữ đã luống tuổi ở bến Tầm Dương, đánh đàn tỳ bà và kể chuyện cuộc đời chìm nổi của mình. Bản dịch gồm 22 khổ thơ song thất lục bát. Đóng góp lớn nhất của Phan Huy Vịnh là sử dụng tiếng Việt. Cũng là những từ ngữ thông thường, những thủ pháp tu từ quen thuộc, nhưng sự chọn lọc tinh tế và sắp đặt sáng tạo, đã làm cho tác phẩm có sức truyền cảm đặc biệt và đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật dịch. Từ lâu bản dịch Tỳ bà hành đã được phổ cập rộng rãi và coi là một tác phẩm văn học xuất sắc, có đời sống độc lập với nguyên tác. Nó đã chứng minh khả năng diễn đạt và nhạc tính phong phú của ngôn ngữ Việt Nam” (TTB)

Cũng theo tác giả Ngô Văn Phú: “Riêng bản dịch Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị, sau này là một bài rất thịnh hành để hát ca trù, được các nhà nho, các quan viên hát ả đào (kể cả thời Tây học) rất yêu thích. Năm 1986, trong một cuộc tuyển chọn những điệu hát đặc sắc của các quốc gia của UNESCO thuộc Liên hợp quốc, bài Tỳ bà hành (bản dịch), được nghệ sĩ Quách thị Hồ thể hiện bằng thể hát nói, đã được tặng giải thưởng cao. Đó cũng là sự phát triễn, kết hợp tài tình giữa bản dịch thơ (lời) và âm nhạc”.

Tỳ bà hành là một bài thơ cổ kính, súc tích, lồng vào một câu chuyện thi vị, tạo ra một âm hưởng nhạc thơ nhẹ nhàng, tha thiết làm xao động lòng người. Cái thân phận bèo bọt của người thiếu phụ đã dùng tiếng đàn để bộc lộ nỗi than oán và uất hận của mình. Bạch Cư Dị là nhà thơ đã mạnh dạn đề cập đến giá trị của người phụ nữ, cái bất công của xã hội phong kiến đối với vai trò của người phụ nữ. Những âm thanh của tiếng đàn được diễn tả rất tài hoa, những uẩn khúc thầm kín riêng tư của nỗi lòng, những ưu tư dằn vặt thăm thẳm đáy lòng như đã tuôn trào ra để hoà nhịp cùng với những âm thanh của tiếng mưa rào rạt, tiếng oanh ríu rít, tiếng nước tuôn róc rách, tiếng dao xô xát, tiếng lụa xé kêu vang.. lúc trầm lúc bổng, những giây phút ngừng lại im bật, thì lại bỗng rung lên những tiếng tơ lạnh ngắt run rẫy, lối diễn tả thật tuyệt vời. Những đợt sóng cảm xúc cứ dạt dào tuôn trào ra, tạo nên những chấn động dư ba, làm nao lòng, ủ rũ người nghe. Những tiếng rung luyến láy chuyển nhịp theo từng ngón tay mềm mại nõn nà của người thiếu nữ, như muốn níu kéo lại âm vang của một thời niên thiếu ngây thơ, như muốn thở ra những tiếng não nuột của một tâm trạng chán chường, như buồn thương nuối tiếc một dĩ vãng vàng son đã mất hút tự hôm nào. Bỗng tiếng đàn tắt lịm, hụt hẫng như tiếng khóc khô không lệ, buồn tủi tiếc thương cho một thiên đàn ước vọng đã xụp đổ tan tành. Người thơ đã dùng những ước lệ, ẩn dụ, những cái đẹp trữ tình lãng mạn của thi ảnh qua những ngôn từ chắt lọc tinh tế tạo thành những hình tượng tinh tuý khơi động cảm xúc lòng người, làm trái tim rung động bần thần, làm tâm hồn xao xuyến, man mác bâng khuâng. Đó là thanh âm rung vang của tiếng đàn tỳ bà.

Câu chuyện trong bài thơ Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị đã thầm nói lên một triết lý nhân sinh, cái chua xót ngậm ngùi của cảnh đời dâu bể, ba chìm bảy nổi, cảnh đoạn trường hưng phế của tạo hoá, mà con người chỉ là một sinh vật nhỏ nhoi, bất lực trước cuộc đời hư ảo như bóng câu bên cửa sổ, như thoáng mây bay cuối trời. Chung cái tâm sự hận sầu ray rức được diễn đạt qua cung điệu đàn, lời ca, tiếng hát đó là bài Long Thành cầm giả ca của Nguyễn Du. Nguyễn Du trong một bài ca về người gãy đàn đất Long Thành (Long Thành cầm giả ca), có kể rằng vào tuổi thiếu niên, ông đến kinh đô để thăm người anh, và có dịp được dự một hội nữ nhạc, trong đó có một thiếu nữ đất Long Thành, gảy đàn Nguyễn (tức là đàn Nguyệt, do Nguyễn Hàm, một trong thất hiền vườn Trúc đời Tấn sáng chế), rất điêu luyện, đã gảy những khúc đàn hay nhất trời đất (tự thị thiên thượng nhân gian đệ nhất thanh) tài danh lừng lẫy, lại hát hay và ăn nói duyên dáng quyến rũ vô cùng. Sau đó Nguyễn Du trở vào Nam, mãi một thời gian sau ông phụng mệnh đi sứ Trung Quốc, tạt ngang Long Thành, bạn bè mở tiệc, khoản đãi ông và có gọi đoàn nữ nhạc đến giúp vui, mà ông không quen mặt biết tên, và bất chợt gặp lại người kỹ nữ đó. Sau đây trích một đoạn trong lời tiểu dẫn của Nguyễn Du (Quách Tấn dịch): “Tiệc khởi múa hát. Kế tiếng đàn trổi lên, nghe trong trẻo khác thường không chút giống thời khúc. Lòng tôi kinh dị. Nhìn người gảy đàn, thì thấy thân gầy, thần khô, mặt đen, sắc trong như quỷ, áo quần toàn vải thô, bạc màu lại vá nhiều mảnh trắng, ngồi lầm lì ở cuối chiếu, không nói cũng không cười, hình trạng thật khó coi. Tôi không biết là ai, nhưng nghe tiếng đàn thì dường như có quen, nên động lòng trắc ẩn. Tiệc tan, hỏi thăm thì ra là người trước kia đã gặp. Than ôi! Người ấy sao đến nỗi thế nầy! Cuối ngửa bồi hồi, nghĩ đến cảnh cổ kim, lòng tôi cảm kích vô hạn. Đời người trăm năm, những cảnh vinh nhục buồn vui thật không sao lường được! Sau khi từ biệt, trên đường đi, cảm thương khôn nén, nên soạn bài ca để gởi hứng: Người đẹp đất Long Thành – Long Thành giai nhân” (Nguyễn Du)

Xin trích dịch một đoạn cuối của bài ca lúc Nguyễn Du gặp lại người ca kỹ này trong bữa tiệc do bạn bè đãi ông ở dinh Tuyên Phủ):
Trong yến tiệc các nàng đều son trẻ
Duy một người ca kỹ tóc hoa râm
Sắc thần khô gầy guộc đứng âm thầm
Chẳng điểm phấn tô son nhìn hốc hác
Ai biết nàng một thời danh tiếng nhất
Khúc đàn ngân, ta mắt lệ tuôn tràn
Lắng tai nghe mà đau đớn vô vàn
Hai mươi năm vẫn hoài thương nhớ tiếc
Hồ Gươm xưa tưng bừng đêm yến tiệc
Đời phế hưng thành quách đã thay dời
Bãi nương dâu hoá biển sóng trùng khơi
Cả cơ nghiệp Tây Sơn đều suy thoái
Làng ca múa một người còn sót lại
Đời trăm năm một nháy mắt trôi qua
Nhớ chuyện xưa mà áo thấm lệ nhoà
Từ Nam về đầu ta đầy tóc bạc
Trách chi nàng đã tàn phai nhan sắc
Kể chuyện xưa hai mắt xót thương sầu
Giáp mặt nhau mà chẳng nhận ra nhau.
(Trích Long Thành cầm giải ca của Nguyễn Du - Hải Đà phỏng dịch)
Đời Đường âm nhạc đã được phát triển rõ rệt, nhờ hấp thu nhiều giai điệu của ngoại quốc nhập vào. Ngoài những dụng cụ nhạc cũ tạo âm thanh bằng cách thổi như tiêu, sáo, kèn, còi v.v... hoặc gãy như huyền cầm, thập lục, thất huyền.. hoặc bằng cách gõ như chiêng, trống, phách, ngọc thạch, mã não. Để làm phong phú cho dàn nhạc cũ này thì có những nhạc cụ khác Tì bà, Hồ già, Giốc lật, Khương địch. Bát âm của âm nhạc thời Đường là dựa trên chất liệu của nhạc khí làm tiêu biểu như: Ti (đàn), Thạch (khánh), Kim (chuông), Trúc (sáo), Mộc (mõ gỗ), Thô (trống đất), Bào (vỏ bầu), Cách (trống da).. Ngũ âm của họ là Cung (như vua), Thương, Giốc, Chuỷ (như việc), Vũ (như vật)… Trong những loại đàn cổ xưa của Trung Quốc phải kể đến đàn sắt và đàn cầm gồm 50 dây (ngũ thập huyền).

Theo truyền thuyết, theo lệnh vua Phục Hy, Tố Nữ gẩy đàn sắt (gồm 50 dây) tế trời. Nhưng Phục Hy không bằng lòng và ngăn cấm xử dụng vì nghe tiếng đàn quá tê tái, não nuột bi ai thảm thiết. Vì thấy dân chúng vẫn lén lút xử dụng nên Phục Hy đành phải ra lệnh sửa đổi đàn sắt chỉ còn lại 25 dây. Đàn tranh của âm nhạc truyền thống Việt Nam, nhiều người cho rằng xuất xứ từ cây đàn sắt của Trung Quốc nhưng chỉ gồm có 16 dây thôi (còn gọi là đàn Thập Lục), giống như 16 tiếng chim nhạn, âm nhạc Việt Nam là ngũ cung (mỗi âm giai có tên Cung, Thương, Giốc, Chuỷ, Vũ, so sánh với Hò, Xự, Xàng, Xê, Cống. 15 nốt chính tạo từ 3 âm giai (mỗi 5 giai là 5 tiếng đàn Hò Xự xàng Xê Cống), cọng thêm một nốt chúa đàn, nên có tất cả là 16 dây.

Đàn tỳ bà (pipa) là loại đàn “luýt” (lute), nhạc cụ dây, thân có hình trái lê, chơi bằng cách gảy ngón tay, và gồm có 4 dây (four-stringed lute), được gảy bằng 2 ngón tay. Đời nhà Hán (206-220), đàn tỳ bà có 4 dây và 12 phím đàn. Tuyên Phủ (đời Tấn) đã viết “Đàn tỳ bà xuất hiện, được dùng nhiều vào cuối đời Tần (222-207), khi dân chúng bị triều đại phong kiến bắt đi lao động khổ sai để xây dựng Vạn Lý Trường Thành và họ đã gảy đàn tỳ bà để dùng tiếng đàn thê lương ảo não nói lên sự than oán uất nghẹn trong lòng mà họ không được quyền nói ra bằng lời”.

Cái kỹ thuật của đàn tỳ bà được diễn tả đòi hỏi khéo léo bằng những ngón tay và trình độ điêu luyện của người nghệ sĩ. Những âm thanh rung lên kéo dài tạo tiếng vang rền, hoà lẫn với các đoạn nhạc bật (pizzicato), tiếng vỗ nhịp bằng tay, thêm vào phần hoà âm rung động, với những tiếng động hoặc âm thanh chát chúa của vũ khí thêm vào âm điệu của bài thơ diễn tả những cảnh chiến trường như những trận đánh nổi tiếng trong thế kỷ thứ hai BC giữa Sở (Hạng Võ) và Hán (Lưu Bang) như bài Thập diện mai phục.

Tiếng đàn tỳ bà đó cũng thấy trong những bài thơ tả cảnh biên tái, chiến trường thê lương, diễn tả những cảm xúc hùng tráng hiên ngang của người chiến binh lên đường, cũng như những tư duy ngậm ngùi thầm kín chấp nhận cho số phận an bài trước cảnh chia ly não nùng:

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi
(Lương Châu từ - Vương Hàn)

Rượu ngon thơm ngát chén ngà
Ly chưa cạn, tiếng tỳ bà giục đi
Sa trường say, mỉa làm chi
Xưa nay chinh chiến mấy khi trở về
(Hải Đà phỏng dịch)
Tỳ bà cũng là một nhạc cụ được dùng trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam, thuộc loại “họ dây” (chordophone). Những loại đàn cùng họ này như: đàn nguyệt, đàn tranh, đàn nhị, đàn bầu, đàn đáy, đàn hồ v.v..

http://www.vnstyle.vdc.co...nhaccu/day_Dan_TyBa.html:

Tỳ bà tên gọi một nhạc cụ dây gẩy của người Việt. Nhiều tài liệu đã cho biết, tỳ bà xuất hiện rất sớm ở Trung Quốc với tên gọi PiPa, rồi ở Nhật Bản với tên gọi BiWa. Người ta chế tác tỳ bà bằng gỗ ngô đồng. Cần đàn và thùng đàn liền nhau có dáng như hình quả lê bổ đôi. Mặt đàn bằng gỗ nhẹ, xốp, để mộc. Phía mặt cuối thân đàn có một bộ phận để mắc dây gọi là ngựa đàn. Đầu đàn (hoặc thủ đàn) cong có chạm khắc rất cầu kỳ, khi là hình chữ thọ, khi là hình con dơi. Nơi đầu đàn gắn bốn trục gỗ để lên dây.
Toàn bộ chiều dài của thân đàn có số đo từ 94 - 100 cm. Phần cần đàn có gắn 4 miếng ngà voi cong vòm lên gọi là Tứ Thiên Vương. Tám phím chính làm bằng tre hoặc gỗ gắn ở phần mặt đàn cho các cao độ khác nhau. Thuở xưa dây đàn se bằng tơ tằm rồi đem vuốt sáp ong cho mịn, ngày nay người ta thay dây tơ bằng dây nilon. Đàn có 4 dây lên theo 2 quãng 4, mỗi quãng 4 cách nhau một quãng 2: Đồ - Fa - Sol - Đô1 hoặc Sol - Đô1 - Rê1 - Sol1. Khi chơi đàn nghệ nhân gẩy đàn bằng miếng đồi mồi hoặc miếng nhựa. Ở Việt Nam đàn tỳ bà có mặt trong các dàn nhạc: Nhã nhạc, Thi nhạc của cung đình, Thiền nhạc của phật giáo, ban Nhạc tài tử, Phường bát âm, Dàn nhạc dân tộc tổng hợp. Mặc dù đàn tỳ bà có xuất xứ từ các nước khác, nhưng qua thời gian dài sử dụng nó đã được bản địa hoá và trở thành cây đàn của Việt Nam, thể hiện sâu sắc, đậm đà những bản nhạc mang phong cách của dân tộc Việt Nam trong lĩnh vực khí nhạc.

SƠN TRUNG SƯU TẦM
Ngày 25-3 -2020
 

No comments:

Post a Comment