Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Tuesday, 24 March 2020

Nỗi lo về hoạt động của tình báo Trung Quốc ở Việt Nam

Hình minh hoạ. Cờ của Bộ Tư pháp Mỹ ở Washington DC.
Hình minh hoạ. Cờ của Bộ Tư pháp Mỹ ở Washington DC.
AFP
Tham vọng trở thành số một
Trung Quốc với tham vọng trở thành siêu cường đã nỗ lực tối đa để đuổi kịp và vượt Mỹ trong tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, để vượt Mỹ trong các lĩnh vực khoa học công nghệ cũng như quốc phòng thì không phải là điều đơn giản. Và cách ngắn nhất để Trung Quốc đuổi kịp Mỹ là phải “đi tắt”, đó là sử dụng lực lượng tình báo.
Tình báo Trung Quốc hoạt động ráo riết
Gần đây, nhà chức trách Hoa Kỳ đã liên tục cảnh báo tình trạng tình báo Mỹ xâm nhập và đánh cắp các thông tin về khoa học công nghệ và trong lĩnh vực quốc phòng.
Đầu năm nay, một Giáo sư danh tiếng tại Trường đại học số 1 thế giới là Harvard đã bị khởi tố vì vi phạm luật của Hoa Kỳ, liên quan đến nhận khoản tiền hàng triệu USD bất minh từ Trường đại học Công nghệ Vũ Hán, Trung Quốc.
Trước đó, cuối năm 2019, một hướng dẫn viên du lịch Hoa Kỳ cũng bị toà án kết tội làm gián điệp cho Trung Quốc.
Hồi năm 2014, một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không và không gian người gốc Hoa đã từng làm việc tại NASA, đã bị FBI khởi tố vì cung cấp hàng loạt bí mật công nghệ quốc gia cho tình báo Trung Quốc.
Đây chỉ là vài ví dụ trong hơn 1000 vụ tình báo Trung Quốc hoạt động mà Cơ quan Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) đang điều tra.
Năm 2018, FBI đã thành công trong việc “giăng lưới” bắt được Cục phó của Cơn quan tình báo tỉnh Giang Tô, vốn là một cơ quan trực thuộc cơ quan tình báo lớn nhất và quyền lực nhất Trung Quốc với tên gọi Bộ An ninh Nội địa (MSS).
Mỹ không phải là mục tiêu duy nhất, cho dù là mục tiêu quan trọng nhất của tình báo Trung Quốc. Nhiều quốc gia khác cũng phải đau đầu với việc tìm các biện pháp chống lại các hoạt động tình báo này của Trung Quốc.
Thêm nữa, đánh cắp bí mật công nghệ không phải là mục tiêu duy nhất của tình báo Trung Quốc. Tình báo Trung Quốc còn quan tâm đến việc “chi phối” các vấn đề vào các cơ quan chính trị của nhiều quốc gia để phục vụ cho ý đồ của Bắc Kinh.
Điển hình kể tới như trường hợp của Australia, báo cáo chính thức của giới chức nước này cho thấy, tình báo Trung Quốc đã can thiệp bằng cách chi 1 triệu USD để giúp vận động tranh cử trong Quốc hội Australia.
Hay như trường hợp Đài Loan, đảo quốc này luôn nằm trong tầm ngắm của cơ quan tình báo Trung Quốc. Năm 2014, một loạt tướng tá của Quân đội Đài Loan, trong đó có Cựu Phó Đô đốc Hải quân Đài Loan, đã vướng vòng lao lý vì liên quan đến cung cấp thông tin quân sự và quốc phòng cho tình báo Trung Quốc.
Các hoạt động của tình báo Trung Quốc diễn ra rất đa dạng và phức tạp. Hoạt động tình báo có thể với mục đích đánh cắp các bí mật công nghệ như: bí mật an ninh, quốc phòng; ám sát hoặc can thiệp vào nội bộ chính trị của một quốc gia nào đó. Phương thức hoạt động tình báo có thể là dùng con người để thâm nhập hoặc dùng tin tặc để tấn công, chiếm đoạt các dữ liệu hay tấn công mạng để gây thiệt hại cho đối phương.
Một số loại hình nhân viên tình báo Trung Quốc thường sử dụng
Riêng về hoạt động tình báo sử dụng con người thâm nhập, tờ The National Interest đã tổng kết có 5 loại hình mà các nhân viên tình báo Trung Quốc hay thực hiện để thu thập tin tức, đó là:
  1. Đội ngũ tình báo viên Trung Quốc thường hay đội lốt dưới cái mác “nhân viên ngoại giao, tuỳ viên quân sự hay là các phóng viên”. Trong các cơ quan đại diện ngoại giao Trung Quốc luôn có các nhân viên tình báo trong vai các tuỳ viên quân sự hay chính trị. Ngoài ra, các phóng viên từ các cơ quan thông tấn quốc gia Trung Quốc cũng luôn có các nhân viên tình báo đội lốt mà Tân Hoa Xã (Xinhua Agency) hay Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) là những cơ quan tiêu biểu.
  2. Các hoạt động gieo mầm. Có nghĩa là giới chức tình báo Trung Quốc đã đào tạo những nhân viên tình báo của họ từ rất sớm. Từ những nhân viên tình báo này, họ sẽ tiếp tục “tuyển dụng” (thuật ngữ trong ngành tình báo để chỉ việc kết nạp và lôi kéo thêm người cộng tác cho mình) các cộng tác viên mới, mà các cộng tác viên này hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
  3. Sử dụng các Viện nghiên cứu với đội ngũ “học giả”. Hầu hết để dễ tiếp cận các “con mồi”, đặc biệt trong việc đánh cắp các bí mật công nghệ, các nhân viên tình báo Trung Quốc thường “đội lốt” các học giả tại các Viện nghiên cứu của Trung Quốc, tiếp cận mục tiêu bằng cách mời đến Trung Quốc dự các hội thảo khoa học, chi trả một cách hào phóng cho các khoản tiền đi lại, ăn ở khi tới tham dự hội thảo tại Trung Quốc.
  4. Sử dụng dưới danh nghĩa nhân viên chính quyền địa phương. Để dễ tiếp cận mục tiêu khi các mục tiêu tới thăm Trung Quốc, nhân viên tình báo Trung Quốc cũng thường “đội lốt” là các nhân viên của một cơ quan nghiên cứu nào đó của thành phố hay tỉnh đó ở Trung Quốc để tạo sự tin tưởng nơi họ.
  5. Thông qua các đội ngũ doanh nhân trong nước và hải ngoại. Những trường hợp tiếp cận khó khăn như trong vụ “vận động” bầu cử Quốc hội Australia hay “mua” bí mật quân sự và quốc phòng từ Đài Loan, các nhân viên tình báo Trung Quốc đã thông qua nhân vật trung gian là các thương gia Hoa Kiều Trung Quốc hoặc các thương gia Hoa Kiều ở hải ngoại.
Những năm gần đây, mặc dù bị nhận xét là sử dụng các biện pháp “thô thiển”, nhưng tình báo Trung Quốc vẫn thu được rất nhiều thành công đáng kể. Thậm chí kể cả cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) vẫn “dính bẫy” của họ như thường. Và vũ khí tuy cổ điển nhưng hữu hiệu của họ chính là “Tiền và gái”.
Nỗi lo ở Việt Nam
Như đã trình bày ở trên, hoạt động tình báo của Trung Quốc rất đa dạng và phức tạp. Địa bàn hoạt động của họ trải dài khắp các châu lục và các quốc gia. Một số ví dụ cụ thể nêu trên đã cho thấy tầm vóc và sự nguy hiểm của tình báo Trung Quốc đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở những quốc gia “đối nghịch” với Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, phải nói rằng, Việt Nam là một trong những địa bàn mà tình báo Trung Quốc quan tâm bậc nhất tại khu vực Đông Nam Á hiện nay. Một mặt, Việt Nam là quốc gia có những tranh chấp lãnh thổ trực tiếp với Trung Quốc. Mặt khác, Việt Nam cũng là quốc gia có lịch sử đấu tranh và xung đột với Trung Quốc hàng ngàn năm. Người dân Việt Nam ít có cảm tình với Trung Quốc, nếu không muốn nói là tâm lý “chống Trung Quốc”, “bài Trung Quốc” diễn ra rất lớn với đại bộ phận dân chúng hiện nay. Chính vì vậy, việc nắm được các bí mật kinh tế, quốc phòng, quan hệ quốc tế của Việt Nam luôn là mục tiêu thèm muốn của tình báo Trung Quốc. Chưa kể tới việc, Việt Nam dưới sự “uy hiếp” của Trung Quốc trên biển Đông, đã khiến Việt Nam đang thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ. Chính vì vậy, việc sử dụng lực lượng tình báo để “can thiệp” vào chính trường cũng như chính sách đối ngoại của Việt Nam sẽ là mục tiêu quan trọng của lực lượng tình báo của Trung Quốc.
Ngoài những vụ sử dụng tin tặc đánh sập mạng lưới điều khiển của sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất năm 2016, mà cho đến nay vẫn chưa thấy giới chức Việt Nam đưa ra kết luận nào, còn có nhiều vụ bị nghi là có “bàn tay đằng sau” của tình báo Trung Quốc. Ví dụ như vụ đập phá các công ty, xí nghiệp năm 2014 nhân sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhưng cho đến nay, vẫn không thấy các cơ quan an ninh hay tình báo nào của Việt Nam đưa ra cảnh báo gì.
Nhà nước Việt Nam vẫn hay tự hào rằng, trong quá khứ, họ đã có những nhân vật tình báo huyền thoại. Trước đây, Việt Nam có các cơ quan phụ trách an ninh là Tổng cục an ninh. Cựu Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã từng là Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh trước đây. Về tình báo, hai cơ quan tình báo lớn nhất của Việt Nam là Tổng cục 5, Bộ Công an và Tổng cục II, Bộ Quốc phòng. Tổng cục II, Bộ Quốc phòng vẫn giữ nguyên tên gọi và tổ chức, nhưng Tổng cục An ninh và Tổng cục 5 đã bị thay đổi, chỉ còn các Cục phụ trách từng địa bàn và lĩnh vực chuyên môn.
Các cơ quan an ninh và tình báo ở Việt Nam có đặc quyền rất lớn, thậm chí bất chấp cả luật pháp. Ngoài ra, kinh phí để cho các cơ quan này hoạt động chắc chắn sẽ không nhỏ. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra hiện nay của người dân là mức độ hiệu quả trong các hoạt động của các cơ quan này tới đâu? Khi mà các hoạt động tình báo của Trung Quốc rầm rộ như vậy, nhưng không thấy sự lên tiếng nào của các cơ quan này. Có thể là do “uý kỵ” với sức mạnh của “thiên triều”, không muốn “chọc giận” Trung Quốc, nhưng cũng cần có các cảnh báo để mọi người có thể biết và đề phòng. Đây phải là cuộc “chiến tranh nhân dân” mà. Người dân có thể nghĩ, dường như, các cơ quan an ninh, tình báo Việt Nam chỉ có mục tiêu “ăn đất” như hàng hoạt tướng tá tình báo của công an và quân đội bị “dính líu” với việc tham nhũng đất công của Thượng tá tình báo Vũ “nhôm”. Hoặc nếu khác thì chỉ giỏi để “đập phá” lẫn nhau. Chứ mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ đất nước khỏi sự xâm lược của ngoại bang thì lại bị coi nhẹ.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Ý kiến (0)
Bấm vào đây để nêu ý kiến

No comments:

Post a Comment