Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Saturday, 28 March 2020

Dịch corona: Người Việt đang có tâm lý e ngại người nước ngoài?


Anh Ryan hiện sống và làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh
Một người Mỹ đang sống ở Việt Nam nhận định rằng Việt Nam đang kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 và anh sẽ không về lại Mỹ theo khuyến cáo của Bộ Ngoại giao mặc dù anh cho biết gần đây người Việt đang có tâm lý e ngại người phương Tây.
Trong lúc Mỹ đã vượt Trung Quốc và Ý trở thành quốc gia có số ca nhiễm virus corona nhiều nhất thế giới, hơn 100.000 ca nhiễm và trên 1.500 ca tử vong, tính đến ngày 27/3, thì Việt Nam hiện báo cáo 169 ca nhiễm và chưa ghi nhận ca tử vong nào.
‘Nỗi sợ lành mạnh’
Từ thành phố Hồ Chí Minh, anh Ryan H., một người Mỹ đến từ Portland, tiểu bang Oregon nhưng hiện đã sống ở Việt Nam được nửa năm, nói với VOA rằng những ngày này anh vẫn đi làm ở văn phòng nhưng có một số việc anh đã được làm ở nhà và họp qua truyền hình.
Anh Ryan đến Việt Nam vào năm 2019 để làm giám đốc chuỗi cung ứng cho một công ty Mỹ. Tính chất công việc đòi hỏi anh phải bay đi nước ngoài rất nhiều, nhưng hiện nay do tình hình dịch bệnh nên anh gặp rất nhiều khó khăn, anh cho biết.
Hiện tại ngoài công việc, anh cũng đang học Tiếng Việt nhưng các lớp học đã bị hủy.
“Tôi thấy mình may mắn khi vẫn có công việc, nhưng hãy chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra,” anh nói với VOA. “Điều thất vọng là tôi không thể đi học tiếng Việt được nữa, nhưng việc hủy lớp học vào lúc này là cần thiết.”
Theo quan sát của anh thì những ngày này người dân Việt Nam ‘sẵn sàng chiến đấu với virus corona’.
“Người dân ở đây ngay từ đầu đã có nỗi sợ lành mạnh [healthy fear] đối với con virus này,” anh nói và giải thích rằng ‘có lẽ là do vị trí Việt Nam nằm sát bên Trung Quốc’.
“Chính phủ Việt Nam đã sớm có hành động để chặn các chuyến bay xuất phát từ Trung Quốc và sau đó là Hàn Quốc,” anh nói thêm. “Người dân có ý thức rất rõ ràng là họ phải đeo khẩu trang để giữ an toàn không những cho mình mà còn cho người khác.”
“Trường học cũng đã được đóng cửa kịp thời để bảo vệ các em học sinh và gia đình.”
Ngoài các yếu tố trên, anh cho rằng có lẽ ‘khí hậu nóng’ cũng có lợi cho Việt Nam. Bản thân anh đã cố gắng tránh những nơi đông đúc có máy lạnh như thương xá, siêu thị, anh cho biết.
Sẽ không mất kiểm soát?
Anh nói khí hậu ấm là điều khiến anh ‘rất thích’ cuộc sống ở thành phố Hồ Chí Minh, nhất là so với ‘không khí lạnh’ của tiểu bang Oregon.
“Có lẽ điều mà họ cần làm sớm hơn là cần cách ly hành khách đến Việt Nam trên các chuyến bay hồi đầu và giữa tháng Ba. Phần nhiều trong số các ca nhiễm được xác nhận là trên các chuyến bay đó,” anh trả lời khi được hỏi có chỗ nào chính phủ Việt Nam làm không tốt trong việc chống dịch.
Dù số ca nhiễm ở Việt Nam tăng đều đặn, từ ca số 17 hôm 8/3 lên đến ca 163 vào ngày 27/3, nhưng anh Ryan tin rằng Việt Nam sẽ không mất kiểm soát.
“Nhiều ca nhiễm là do tiếp xúc gần trong quá bar, nhà hàng hay ở văn phòng. Nếu mọi người tránh những chỗ không gian kín và giữ khoảng cách thì tôi tin rằng họ sẽ chặn được dịch rất tốt.”
Về phần xét nghiệm-điều tri, anh nói “Tôi nghĩ rằng tôi sẽ được xét nghiệm và chữa trị tốt ở Việt Nam vì vào lúc này ở đây không có nhiều ca lắm. Nhưng nếu Việt Nam có nhiều ca nhiễm bệnh thì tôi không chắc mình sẽ được chữa trị thế nào. Nó còn tùy thuộc vào nguồn lực của mỗi nước. Lúc này nước Mỹ đang thiếu hụt (vì phải chữa trị cho cả trăm ngàn ca), nhưng họ đang tăng tốc sản xuất nên tôi hy vọng vấn đề sẽ sớm được giải quyết.”
Mỹ mất cảnh giác?
Mặc dù đang sống ở xa nước Mỹ nhưng anh Ryan cho biết anh ‘vẫn theo dõi chặt chẽ tình hình nước Mỹ qua gia đình, vốn có nhiều người làm bác sỹ’.
“Tôi đang lo ngại cho sức khỏe và sự an nguy tài chính của mọi người ở Mỹ,” anh Ryan, người có cha đang làm việc cho hãng sản xuất áo bảo hộ chống virus ở California cho nhân viên y tế làm việc trên tuyến đầu, nói.
“Sự thiếu cảnh giác đối với con virus này đang là vấn đề chính ở Mỹ,” anh phân tích. “So với các nước Á Đông, các nước phương Tây lâu nay ít cảnh giác hơn.”
Theo lời anh thì ở Mỹ ‘chúng tôi sẽ nhìn ai đó là quái dị nếu như đeo khẩu trang nơi công cộng’.
Về hậu quả tài chính, anh lưu ý việc Tập đoàn bảo hiểm tiền gửi liên bang Hoa Kỳ (FDIC) mới đây kêu gọi người dân Mỹ đừng rút tiền từ nhà băng ra đem về giấu dưới nệm (Forget the Mattress), mà hãy nên tín thác cho các ngân hàng được FDIC bảo hiểm.
“Hậu quả của đợt dịch này sẽ là sự phá sản, ly dị và thay đổi lớn lao trong đời sống xã hội chúng tôi,” anh lo ngại.
Tuy nhiên anh cho rằng ‘không nên trách chính phủ Hoa Kỳ’ bởi vì ‘nhiều nước cũng hoàn toàn bị bất ngờ, chẳng hạn Ý, Iran và Hàn Quốc’.
“Người ta vẫn bay đến Mỹ từ Ý, Iran và các nước khác và đi qua cửa xuất nhập cảnh ở Mỹ hồi tháng Hai và đầu tháng Ba,” anh giải thích. “Tôi nghĩ người Mỹ cho rằng dịch bệnh ở đâu đâu ở Trung Quốc hay các nước khác còn ở Mỹ thì an toàn.”
‘Cảnh giác với người nước ngoài’
Trước việc hầu hết các ca nhiễm bệnh ở Việt Nam hiện nay đều là các ca nhập khẩu từ các nước phương Tây như Anh, Pháp, Mỹ, anh Ryan nói ‘người dân Việt Nam hiện nay đang cảnh giác với người nước ngoài’ và ‘điều này là có lý do’.
Theo tìm hiểu của VOA, thì hiện nay ở trong nước, nếu ở khu phố nào có người nước ngoài hoặc Việt kiều xuất hiện thì người dân sẽ đi báo công an để họ đến điều tra về tình hình sức khỏe, lịch sử đi lại và nếu cần thì chuyển đi cách ly.
“Hôm bữa tôi thấy một nhóm người nước ngoài đang đi ngoài đường và người dân vội vàng che mặt,” anh kể. “Lúc đầu họ sợ người Trung Quốc, sau họ sợ người Hàn Quốc và bây giờ là sợ người phương Tây.”
Khi được hỏi liệu anh có tuân thủ khuyến cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ là nên về nước vào lúc này hay không, anh Ryan nói: “Công việc của tôi là ở đây. Bây giờ nếu tôi về Mỹ thì nhiều khả năng tôi sẽ thất nghiệp.”
“Ở đây có rất nhiều căn hộ mới rất đẹp với giá cả rất phải chăng,” anh nói thêm và cho biết anh bất ngờ trước việc ‘có rất đông đảo người Hàn Quốc hiện đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh’.

No comments:

Post a Comment