Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Tuesday, 14 January 2014

Pv. VRNs ** HOÀNG SA & DƯƠNG DANH DY



Suy nghĩ về Hoàng Sa và đại cục sau trả lời phỏng vấn của ông Dương Danh Dy



VRNs (09.01.2013) – Sài Gòn – Trong một cuộc phỏng vấn của Tuần Việt Nam nhân kỷ niệm 40 năm ngày Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng Hòa, 19.01.1974, nhà nghiên cứu lão thành về Trung Quốc, ông Dương Danh Dy đã cho biết: chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) không lên tiếng phản đối khi Trung Quốc đánh Hoàng Sa vào năm 1974 là vì đại cục.

Im tiếng vì đại cục !
Dẫn lại một số ý kiến chỉ trích, vị phóng viên đặt câu hỏi: tại sao chính phủ VNDCCH lại không lên tiếng phản đối khi Trung Quốc đánh Hoàng Sa đầu năm 1974 ? Phải chăng Việt Nam lúc đó đã nể, sợ Trung Quốc hay Ban Lãnh đạo Việt Nam lúc đó còn đặt tình đồng chí cao hơn lãnh thổ quốc gia ?
Để trả lời, ông Dương Danh Dy đã thuật lại một cuộc đàm thoại giữa ông và ông Nguyễn Cơ Thạch, lúc đó là Thứ trưởng Ngoại giao. Ông Dy nói:
“Ông Thạch, vốn rất quý tôi nên đã nói luôn:
‘Dy ơi, sao cậu dại thế! Đất nước đã thống nhất chưa? Thống nhất đất nước so với việc Trung Quốc chiếm nửa Hoàng Sa thì cái nào lớn hơn?
Cậu có biết rằng viện trợ của Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu dành cho chúng ta chủ yếu đi qua đường nào? Rồi cậu chắc biết hơn những người khác rằng Trung Quốc viện trợ cho chúng ta như thế nào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ…
Thế mà bây giờ, vì cái chuyện Hoàng Sa, mà đằng nào họ cũng chiếm của Việt Nam rồi, chúng ta lên tiếng, đã không làm được gì còn ảnh hưởng tới sự nghiệp lớn hơn’.
Lúc đó, ông Thạch chỉ nói cho tôi đến thế thôi, và tôi cũng thông”.
Như vậy, trước tiên VNDCCH im lặng là vì để thực hiện được mưu đồ cưỡng chiếm Miền Nam, trái với những cam kết họ đã ký vớimcác bên trong các Hiệp định Geneve và Paris.
Bạn đọc kenny nhận xét: “Cuộc phỏng vấn rất hay và hữu ích, giúp chúng ta hiểu tường tận hơn về sự kiện Hoàng sa. Cảm ơn Vietnamnet và ông Dương Danh Dy”.
Ông Dương Danh Dy cho biết tiếp: “khi chúng ta ‘giải phóng miền Nam’ (tháng 04.1975), ‘thống nhất đất nước’, tôi mới ngã ngửa người ra rằng Ban lãnh đạo Đảng ta quả thật là tài tình, và quá hiểu Trung Quốc”.
Ông cũng cho rằng: “việc không nói [của chính phủ VNDCCH là] để không ảnh hưởng tới sự nghiệp thống nhất đất nước”.
Bạn đọc Âm Thầm tiếp lời: “Đã thông suốt hết vấn đề lâu nay. Lợi ích to lớn nhất là độc lập, toàn vẹn lãnh thổ. Để mất Hoàng Sa tuy đau nhói, nhưng đó là nước cờ hay [để] thống nhất đất nước và thu hồi Trường Sa”.
Bạn đọc NTT cũng đồng tình: “Qua thông tin trên thì cũng thấy được các cụ nhà ta trong hoàn cảnh đó cũng đã có lựa chọn tối ưu. Nếu thế hệ sau chúng ta cho rằng cần phải thế này thế kia… thì hãy thử đặt mình vào địa vị các cụ thời đó không internet, email, tiếp cận thông tin rất khó khăn… xem kết quả mà các cụ đạt được như vậy đã hợp lý chưa”.
Bạn đọc Trung PM thì nhận xét: “Một bài phỏng vấn cởi mở và minh bạch, nhờ vậy người dân được hiểu thêm rất nhiều điều. Hiện nay, trên mạng có nhiều bài viết chỉ trích Việt nam đã nhân nhượng nhiều cho Trung Quốc”.
Tuy nhiên “sự nghiệp thống nhất đất nước” mà ông Dương danh Dy nói chỉ là cách lấp liếm che dấu một âm mưu đánh chiếm một quốc gia độc lập (Việt Nam Cộng Hòa), là thành viên chính thức của Liên Hiệp Quốc.

Còn đại cục nào lớn hơn chăng ?
Có lẽ, cứ theo cách thức suy nghĩ vì đại cục trên và cũng vì hoàn cảnh tại thời điểm đó, nên VNDCCH đã đưa ra một quyết định gây nhiều tranh cãi chăng ? Tuy nhiên, nếu nhìn lại những gì đã xảy ra trong những năm gần đây, chắc hẳn nhiều người sẽ tiếp tục đặt câu hỏi cho nhà cầm quyền Việt Nam hiện thời.
Điển hình là các vụ biểu tình chống Trung Quốc được bắt đầu từ năm 2007, đỉnh điểm vào năm 2011 và kéo dài liên tục đến nay. Những người tham gia đã tố cáo nhà cầm quyền ra sức trấn áp và dùng bạo lực để đè bẹp các cuộc biểu tình.
Vụ gần đây nhất xảy ra hồi ngày 02.06.2013 tại Hà Nội.

140108 
Blogger Cường Hoàng Công tường thuật: Hôm qua là ngày cực kỳ căng thẳng. Họ đấm đá. Những phóng viên nước ngòai cũng bị họ khống chế. Chính quyền quyết tâm đè bẹp ngay [cuộc biểu tình]. Họ bắt tổng cộng 4 đợt… Buổi chiều ở Lộc Hà có thể gọi là bạo lực vì rất nhiều người bị đánh công khai.
Bình luận trước những cuộc biểu tình trên, tờ An ninh thủ đô cho biết: đây là sự lợi dụng tình cảm yêu nước của nhân dân, đây là hành động của các thế lực chống đối Nhà nước Việt Nam trong và ngoài nước nhằm chống Đảng, Nhà nước.
“Âm mưu, ý đồ của họ là chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, kích động thù hằn dân tộc chia rẽ quan hệ Việt- Trung; kích động, tập hợp lực lượng gây mất an ninh trật tự và ổn định chính trị đất nước”. bài báo khẳng định. Nhiều tờ báo khác cũng cảnh giác người dân với dòng tít “Đừng để kẻ xấu lợi dụng lòng yêu nước”.
Phía Việt Nam nhìn nhận sự việc là thế, trong khi đó tại một quốc gia Đông Nam Á khác là Philippines, người dân được biểu tình mà không phải chịu bất kỳ một sự đàn áp nào. Thậm chí, người dân nước này còn tổ chức một cuộc biểu tình mang tính toàn cầu. Một bạn đọc bày tỏ: “Ủng hộ nhân dân Philipines, hoan hô nhà nước Philipines đã đồng hành cùng người dân!”


1401080
Lối suy nghĩ khác dẫn đến hành động khác thì cũng dể hiểu thôi ! Nhưng vấn đề không chỉ dừng lại ở các cuộc “biểu tình” được cho là nhạy cảm.


Thậm chí, các cơ quan báo chí chỉ dám đưa tin với những tựa đề mơ hồ khi nói về người hàng xóm phương Bắc như sau, tàu lạ làm hại ngư dân trên biển Đông, thương lái nước ngoài thâu tóm nông sản và kể cả sách giáo khoa cũng xác định tên ‘giặc lạ’ rất mơ hồ.
Gần đây, báo chí còn gỡ thông tin về việc ‘Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ủng hộ đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào SGK’. Theo thông tin từ trang mạng Diễn đàn xã hội dân sự, việc gỡ bỏ là do có chỉ thị miệng từ cấp cao vì ‘phía Trung Quốc đang tỏ ra hòa hoãn với ta, thì ta cũng cần tránh có động thái có thể gây căng thẳng’.
Sự quản lý lỏng lẻo nguồn thực phẩm độc, hàng hóa độc hay việc không dám kỵ húy, phải chăng là vì đại cục ?
Vậy sau khi đất nước đã ‘độc lập’, ban lãnh đạo của đảng cầm quyền còn có một đại cục, một sự nghiệp nào lớn hơn trong tương lai chăng ? Xin cho phép nói quá rằng, có lẽ là một sự ‘thống nhất đất nước’ nào lớn hơn chăng ?

Công hàm Phạm Văn Đồng 1958
Cũng sau khi đọc xong bài phỏng vấn trên, không như nhiều bạn đọc khác bày tỏ sự ủng hộ với quyết định của chính phủ VNDCCH, bạn đọc Đan Nguyên nhận xét: “có 1 vấn đề năm 1958 [mà] nhà nghiên cứu Trung Quốc lão thành Dương Danh Dy chưa đề cập !”
Vấn đề năm 1958 mà bạn đọc trên nhắc tới, ắt hẳn ám chỉ tới công hàm Phạm Văn Đồng 1958. Theo đó, vào ngày 4 tháng 9 năm 1958, Chu Ân Lai, Thủ tướng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa công khai tuyên bố với quốc tế về quyết định của Chính phủ Trung Quốc về hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của Hoa Lục, có đính kèm bản đồ về đường ranh giới lãnh hải, trong đó bao gồm quần đảo Hoàng Sa.
Ngay sau đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ra một Công hàm đề ngày 14 tháng 9 và cho đăng trên báo Nhân Dân ngày 22 tháng 9 năm 1958 với nội dung chính như sau:
Một là, Chính phủ VNDCCH ghi nhận và tán thành việc Trung Quốc mở rộng lãnh hải ra 12 hải lý; Hai là, Chính phủ VNDCCH chỉ thị cho các cơ quan nhà nước tôn trọng giới hạn lãnh hải 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố.
14010801
Giờ đây Trung Quốc viện dẫn vào Công hàm ấy để nói rằng VN đã đồng ý Hòang Sa là của họ.
Tuy nhiên, theo Tuần Việt Nam đánh giá, công hàm của thủ tướng Phạm Văn Đồng không hề tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tờ báo còn cho biết thêm, chính phủ VNDCCH lúc đó không trực tiếp quản lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trước năm 1975, các quốc gia và lãnh thổ tranh chấp gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam Cộng hòa và Philippines. Như vậy, những lời tuyên bố của VNDCCH xem như lời tuyên bố của một quốc gia thứ ba không có ảnh hưởng đến vụ tranh chấp.
Dẫn lời một giảng viên về Luật Quốc tế ở Sài Gòn, RFA đã cho biết trong một bài viết: “Không có ông nào ở miền Bắc lúc đó có quyền nói về công nhận Hoàng Sa Trường Sa được cả”.
Vị chuyên qia nhận định tiếp: “Bởi vì lúc đó theo Hiệp định Geneve 1954 chia đôi hai miền Nam Bắc, rõ ràng là một bên từ vĩ tuyến 17 trở ra là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa; một bên từ vĩ tuyến 17 trở vào là Việt Nam Cộng Hòa. Rõ ràng hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa thuộc về Việt Nam Cộng Hòa còn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thì có tư cách gì mà nói đến”.
Tác giả bài viết còn kết luận: “các học giả, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông có chung lập luận là công hàm Phạm Văn Đồng không có giá trị pháp lý ràng buộc. Nếu có tranh tụng ra Tòa án Quốc tế thì Trung Quốc sẽ không dành phần thắng. Người sở hữu Hoàng Sa-Trường Sa lúc đó được quốc tế công nhận là VNCH. Quan trọng hơn cả là người ta không thể bán hay cho một cái gì mà mình không có”.
Tuy nhiên theo chúng tôi, công hàm 1958 vẫn có giá trị như một nhân chứng, mặc dù thiện vị hay cố tình làm chứng gian. Đây được Trung Quốc xem là VNDCCH đã làm chứng rằng Trung Quốc đã tuyên bố đúng, do vậy việc tiếp theo của VNDCCH im tiếng khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa lại được xem là bằng chứng không thể chối cải.
Chiến tranh Việt Nam (Vietnam war), nội chiến hay kháng chiến chống Mỹ ?
Định nghĩa mà nhà nghiên cứu Dương Danh Dy nhắc đến trong bài phỏng vấn, để ám chỉ thời kỳ chiến tranh Việt Nam (1954-1975) là ‘giải phóng miền Nam’ và ‘thống nhất đất nước’.
Định nghĩa thời kỳ chiến tranh Việt Nam quả là không dễ, RFA cho biết, cộng đồng người Việt khắp năm châu vẫn chưa đồng ý nhau về cách gọi cuộc chiến ấy, người thì gọi là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kẻ gọi cuộc phân tranh Quốc Cộng, người bùi ngùi kỷ niệm tháng tư đen, kẻ ăn mừng ngày giải phóng.
14010802


Dẫn lời Giáo sư Tương Lai, nguyên viện trưởng viện khoa học xã hội Việt Nam phát biểu, RFA cho biết: “Cuộc chiến tranh nổ ra nếu đi ngược lại lịch sử diễn biến thì rõ ràng là cuộc chiến tranh thống nhất đất nước chống lại lực lượng ngọai bang”.
Ông Dương Trung Quốc, nhà sử học, đại biểu quốc hội Việt Nam thì có một cái nhìn ít khẳng định hơn, ông nói: “Quan điểm chính thống của nhà nước Việt nam thì vẫn coi đó là cuộc chiến chống ngọai xâm. Cái yếu tố người Mỹ trong cuộc chiến vừa qua nó quá lớn nên khó lòng gọi đó là cuộc nội chiến”.
Còn ông Nguyễn gia Kiểng, một viên chức thời Việt Nam cộng hòa, thì cho biết như sau:
“Tôi có quan hệ với nhiều anh em trong nước kể cả các anh em từng giữ chức vụ cao cấp trong bộ máy đảng và chính quyền cộng sản thì tôi thấy suy nghĩ bây giờ rất đổi mới, nói chung anh em đều nhìn nhận đó là một cuộc nội chiến mà còn là một cuộc nội chiến đáng tiếc nữa”.
Tác giả Tạ chí Đại Trường, người có nhiều nghiên cứu lịch sử Việt Nam trước và sau 1975, đã đặt tựa cho hai chương về lịch sử Việt Nam hiện đại của mình, viết trong thời gian gần đây như sau: “Cuộc chiến giành độc lập: Cơn Mộng du ba mươi năm”.
Cơn mộng du mà tác giả nói đây là gì ? Phải chăng lý tưởng về XHCN, ‘giải phóng miền Nam’ và ‘thống nhất đất nước’ là một cơn mộng du chăng ? Nhưng chắc chắn có thể khẳng định được một điều là sau 38 ‘giành được độc lập’, với những sự kiện kể trên thì Việt Nam vẫn chưa thể tự chủ được trước Trung Quốc. Phải chăng giành được độc lập vẫn là một cơn mộng du.
Pv. VRNs

No comments:

Post a Comment