Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday, 24 January 2014

TIN THẾ GIỚI


Hoa Kỳ hối thúc Trung Quốc giảm thiểu căng thẳng ở Biển Đông 
Thứ trưởng Ngoại giao William Burns (trái) và Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tại cuộc họp ở  Trung Nam Hai, 22/1/14

Thứ trưởng Ngoại giao William Burns (trái) và Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tại cuộc họp ở Trung Nam Hai, 22/1/14 CỠ CHỮ

Hoa Kỳ lại một lần nữa lên tiếng hối thúc Trung Quốc hợp tác với các nước láng giềng để giảm thiểu căng thẳng ở Biển Đông Trung Hoa (Hoa Đông) và Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).

Theo lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Marie Harf, lời kêu gọi này được Phó Bộ trưởng Ngoại giao William Burns trình bày với các nhà lãnh đạo Trung Quốc khi ông đến thăm Bắc Kinh từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 1.

Tại cuộc họp báo ở Washington hôm thứ Năm, bà Harf cho biết ông Burns đã nhấn mạnh rằng tất cả các bên cần phải tránh thực hiện những hành động đơn phương để khẳng định đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Ngoài ra ông Burns cũng nhắc lại lập trường cố hữu của Washington là các bên tranh chấp thông qua phương tiện ngoại giao để giải quyết những mối bất đồng.

Lời kêu gọi này được đưa ra trong lúc Trung Quốc tiếp tục tiến hành cuộc tập trận hải quân ở Biển Đông sau khi có những hành động gây lo ngại và bất bình cho các nước trong khu vực trong thời gian gần đây.

Báo chí Trung Quốc cho biết một đội tàu của Hạm đội Nam Hải hôm thứ Tư đã hoàn tất điều mà họ gọi là “nhiệm vụ tuần tra” ở quần đảo Tây Sa (Việt Nam gọi là Hoàng Sa) và đang trên đường tiến tới một khu vực khác ở Biển Đông, nơi Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei.

Tờ Hoàn cầu Thời báo trích thuật tin tức báo chí Philippines nói rằng Manila đã lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc và chuẩn bị thiết lập một cơ sở ra đa trên quần đảo Bataan để theo dõi các hoạt động của tàu bè Trung Quốc.

Cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc diễn ra không lâu sau khi chính quyền tỉnh Hải Nam ban hành những qui định mới về đánh cá trong vùng biển chiếm gần 2 phần 3 diện tích Biển Đông, gây lo ngại và bất bình cho nhiều nước, kể cả Việt Nam, Philippines, Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Trước đó, Bắc Kinh cũng làm cho căng thẳng trong vùng Đông Bắc Á gia tăng đáng kể qua việc tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ, bao trùm những hòn đảo mà Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản và Nam Triều Tiên. Washington, Tokyo, và Seoul đã phái máy bay quân sự bay vào vùng đó để bày tỏ sự chống cự đối với điều mà họ cho hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng trong khu vực.

Ngày hôm nay, báo chí nhà nước Trung Quốc lên tiếng hô hào cho việc tăng cường hợp tác với các nước Đông Nam Á và cho rằng tranh chấp Biển Đông không nhất định phải dẫn tới tình trạng đối đầu trong khu vực.

Bài bình luận, do Tân Hoa Xã đăng tải với nhan đề “Tranh chấp Biển Nam Trung Hoa không nên che mờ hợp tác khu vực”, cho biết giới lãnh đạo mới ở Trung Quốc hết sức coi trọng việc phát triển quan hệ với các nước thành viên ASEAN và xem đây là một phần then chốt của các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.

Bài viết cho rằng thông qua việc “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác”, các bên liên hệ sẽ có thời giờ để tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu và lâu dài cho các vụ tranh chấp.

Bài bình luận cũng nói rằng “các tác nhân bên ngoài”, rõ ràng là ám chỉ Hoa Kỳ và Nhật Bản, hãy ngưng can dự vào những vụ tranh chấp biển đảo khu vực và tránh đưa ra những tín hiệu sai lạc, có thể làm cho một số nước trong khu vực có những hành động liều lĩnh.
 Nguồn: State.gov / Xinhua

Trung Quốc lại tuần tra ở vùng phòng không trên Biển Hoa Đông 

 

Ảnh minh họa. Hình chụp vùng biển đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, nằm trong vùng 'nhận dạng phòng không' của Trung Quốc.
Reuters

Thanh Phương
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 24/01/2014 thông báo là quân đội nước này vừa đưa một phi đội đến tuần tiễu tại « vùng nhận dạng phòng không », mà Bắc Kinh đơn phương thiết lập trên vùng biển Hoa Đông vào tháng 11 năm ngoái.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết phi đội tuần tra đã bay đến đây để kiểm tra lai lịch của những tàu đang hiện diện ở vùng phòng không này.
Phát ngôn viên nói trên cũng tuyên bố là việc thiết lập vùng phòng không trên Biển Hoa Đông không ảnh hưởng gì đến các chuyến bay dân sự, khẳng định rằng nhiệm vụ của các phi đội tuần tra chỉ mang tính phòng thủ và đúng theo thông lệ quốc tế.


Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đã lên án việc thiết lập vùng phòng không của Trung Quốc, cho rằng điều này sẽ làm xấu thêm quan hệ Nhật-Trung vốn đã căng thẳng do tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Trong khi đó, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel Locklear, trong một cuộc họp báo hôm qua tại Lầu Năm góc, đã bày tỏ mối quan ngại về tình hình Biển Hoa Đông.
Đô đốc Locklear lấy làm tiếc là chưa có một đường dây điện thoại đỏ giữa các tướng lãnh của Mỹ với các tướng lãnh Trung Quốc để tránh cho một khủng hoảng biến thành xung đột tại châu Á, một trong những mối quan ngại lớn của Hoa Kỳ.

Không còn nghi ngờ về nguy cơ Trung Quốc vỡ nợ

Thanh Hà
Nợ Trung Quốc tăng nhanh trong một thời gian ngắn kỷ lục : tăng 400 % trong vỏn vẹn 4 năm. Sự ngông cuồng của các chính quyền địa phương là nguyên nhân đẩy nợ công của Trung Quốc lên cao. Kịch bản Trung Quốc vỡ nợ chỉ còn là vấn đề thời gian. Hậu quả sẽ tai hại hơn so với khủng hoảng ở Mỹ năm 2008-2009.

Công nhân trên một công trường xây dựng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, 20/01/2014
Công nhân trên một công trường xây dựng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, 20/01/2014
REUTERS/Kim Kyung-Hoon
Hãng xe Pháp, Peugeot, chịu áp lực của chính phủ để mở cửa mời đối tác Trung Quốc, Đông Phương, tham gia vốn. Đối lập Syria đồng ý tham dự hội nghị Genève 2. Iran chính thức thi hành thỏa thuận tạm thời về hạt nhân. Hàng chục ngàn người biểu tuần hành trên đường phố Paris, chống dự luật nới lỏng các biện pháp cho phụ nữ phá thai. Đó là những chủ đề chiếm nhiều trang báo trong ngày. Dù vậy các tờ báo dành khá nhiều chỗ cho Châu Á.
Phần trang kinh tế của tờ Libération mở ra với bức ảnh tháp Eiffel đồ sộ ngự tọa ngay giữa tại Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang – Trung Quốc. Đây là nơi được mệnh danh là một Paris thu nhỏ : Nhà ở được kiến trúc theo mô hình của khu phố Haussmann sang trọng tại Paris, tháp Eiffel, đồi Montmartre, Khải Hoàn Môn. Thông tín viên của tờ báo mở đầu bài viết bằng một câu hỏi : Phải chăng Trung Quốc đang theo chân Hy Lạp, trở thành một quốc gia nợ nần chồng chất ? Tháng trước Viện kiểm toán quốc gia công bố một bản báo cáo, theo đó tổng nợ công của Trung Quốc đã tăng 400 % trong bốn năm qua : Tỷ lệ nợ công so với GDP của nền kinh tế số 2 trên thế giới đang từ 17 % nhảy vọt lên thành 58 %.
Tích chung cả nợ của Nhà nước lẫn tư nhân, thì tỷ lệ này tăng từ 131 % năm 2008 lên thành 215 % vào năm 2013. Đành rằng nợ công của Trung Quốc không thấm vào đâu so với Nhật Bản (250 % GDP) hay của Hy Lạp (160 % GDP), nhưng các con số nói trên cho thấy khu vực kinh tế Nhà nước Trung Quốc mắc nợ quá nhanh trong thời gian từ 4 đến 5 năm trở lại đây. Các con số nói trên càng đáng quan ngại hơn, khi biết rằng tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc có khuynh hướng giảm sụt.

Tại sao nợ công của Trung Quốc lại tăng vọt trong thời gian gần đây ? Tác giả bài báo trả lời : Đó là do thái độ ngông cuồng, tiêu xài quá trớn của các chính quyền địa phương. Trong hai năm rưỡi vừa qua, tổng nợ công ở cấp địa phương tăng thêm 67 %, đạt ngưỡng 2.200 tỷ euro.
Chỉ cách thủ đô Bắc Kinh có một giờ lái xe, khoảng 3 000 ngôi biệt thự sang trọng vẫn chưa tìm được chủ. Tại một thành phố khác ở miền đông bắc Trung Quốc thì có tới hàng chục ngàn căn hộ do chính quyền bỏ tiền ra xây để rồi « ngồi trên một núi nợ cao không thua gì dãy Hy Mã Lạp Sơn » ! Thế rồi vùng Nội Mông, thành phố Hàng Châu, hay tỉnh Hồ Nam, chính quyền cũng đang « dở khóc dở cười ». Nơi thì ủy ban nhân dân thành phố không có sáng kiến nào hay hơn là dựng lên một chiếc tháp Eiffel cao 100 mét để phô trương sự phồn thịnh, chỗ thì đầu tư đến 10 triệu đô la để xây một bức tượng hình con cá khổng lồ ngay cổng vào của thành phố.

Libération nhận xét : Sự điên rồ đó không chỉ dừng lại ở các tỉnh lẻ, mà đã ngấm vào cả các thành phố lớn từ Bắc Kinh đến Vũ Hán, từ Trùng Khánh tới Quảng Đông … Hiện nay, cứ trên 100 tòa cao ốc đang được xây dựng trên thế giới thì có tới 60 công trình đang mọc lên tại Trung Quốc. Như lời một chuyên gia kinh tế người Mỹ đang làm việc tại Bắc Kinh, Michael Pettis, « một phần lớn các khoản đầu tư ở Trung Quốc được dùng để xây các tòa cao ốc không người ở, để kiến thiết những phi trường không bóng người qua lại hay những nhà máy vô dụng, để rồi nợ nần cứ tăng lên mãi ». Còn theo lời một người trong cuộc thì tình trạng nợ nần ở cấp địa phương Trung Quốc đã « hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát ». Không còn ai nghi ngờ về viễn cảnh Trung Quốc bị vỡ nợ. Tất cả chỉ là vấn đề thời gian. Chuyên gia này nói thêm khi đó thì tác động sẽ còn nguy hại hơn so với những gì đã xảy ra tại Mỹ hồi năm 2008/2009.

Phật giáo và bạo lực ở Sri Lanka
Vẫn về Châu Á, trong lĩnh vực xã hội độc giả của Le Figaro không khỏi bất ngờ vì bài phóng sự mang tựa đề « Bạo hành của Phật giáo tại Sri Lanka ». Thông tín viên của tờ báo nhắc lại một sự kiện đã xảy ra từ tháng 8/2013 khi một nhóm các tu sĩ Phật giáo ném đá vào một ngôi đền Hồi giáo, bắt giữ và hành hung một số tín đồ theo đạo Hồi. Tác giả ghi nhận : Trong năm qua (2013) đã có khoảng 20 ngôi đền của người Hồi giáo bị tín đồ theo đạo Phật tấn công. Khó có thể nghĩ rằng con cháu nhà Phật lại có những hành vi thô bạo như vậy. Nhưng tại Miến Điện, cộng đồng Hồi giáo, người Rohingya, bị cộng đồng người theo đạo Phật sách nhiễu. Ở miền nam Thái Lan, người dân đã từng trông thấy các vị tu sĩ tay cầm gậy gộc để tự vệ trước các làng sóng nổi dậy của người theo đạo Hồi.
Riêng tại Sri Lanka, liên hệ giữa bạo lực và đạo Phật là một nét đặc trưng lịch sử. Trong quá khứ người Tích Lan theo đạo Phật từng kiểm soát đời sống chính trị, kinh tế và xã hội tại quốc gia nhỏ bé này. Trong mắt họ, các cộng đồng Hồi giáo đến Sri Lanka lập nghiệp từ hơn một ngàn năm trước và chủ yếu là các thương gia, luôn là những « kẻ xâm lược ». Hiện tại, 8 % trên tổng số 21 triệu dân Sri Lanka theo đạo Hồi.

Vào tháng 7/2012, giới tăng ni Sri Lanka đã lập ra một tổ chức quá khích mang tên mang tên BBS (Bodu Bala Sena) với mục đích « bảo vệ các giá trị nền tảng văn hóa của người Tích Lan Phật giáo ». Tổ chức này thu hút rộng rãi quần chúng, đặc biệt là giới trẻ. Trong các cuộc hội họp, người ta thường trông thấy các nhà sư mặc áo cà sa màu vàng nghệ hô hào những khẩu hiệu như là « người Hồi giáo cướp việc làm của chúng ta, họ thâu tóm các hoạt động kinh tế của nước nhà để rồi cai trị luôn cả chúng ta ». Tệ hơn nữa là khi các vị tu sĩ trẻ không ngớt lời thóa mạ cộng đồng Công giáo và Hồi giáo.

Một nhân chứng được Le Figaro trích dẫn tiếc là có những kẻ « khoác áo nhà tu để làm điều ác, để reo rắc nỗi sợ hãi cho những người chung quanh ». Đáng quan ngại hơn cả là có những phần tử cực đoan mượn áo nhà Phật để tuyên truyền, kích động quần chúng, bởi họ biết rằng không một ai dám lên tiếng chống đối một nhà tu hành. Tiến trình hòa giải dân tộc do Tổng thống Sri Lanka Rajapaksa khới xướng còn nhiều chông gai.

Mỹ tha thứ cho Snowden ?
Nhìn sang phần thời sự nước Mỹ, Le Monde trở lại với một loạt những thông báo của Tổng thống Obama, cải tố hoạt động của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ khi đưa ra nhận định « Vụ Snowden buộc Obama cải tổ NSA ». Báo Les Echos nói tới một chính sách cải tổ khá « hạn chế » đã được Tổng thống Hoa Kỳ đã phác thảo ra vào cuối tuần qua.

Nhìn từ Berlin, sau tiết lộ của Snowden là Hoa Kỳ đã nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức, Angela Merkel, những tuyên bố của ông Obama không đảo ngược được tình thế : Sự tin cậy lẫn nhau giữa hai đồng minh này đã phần nào bị sứt mẻ.
Còn đối với nước Brazil sát cạnh, thì Brasilia vẫn chưa « nuốt trôi » viên thuốc đắng, sau khi biết là Tổng thống Dilma Rousseff và tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras trong tầm ngắm của NSA. Tờ báo kinh tế này nhận định : Không phải tình cờ mà Brazil tổ chức một hội nghị quốc tế về internet vào cuối tháng 4/2014 để bàn thảo về vấn đề quản lý thông tin trên mạng.

Trong khi đó tại Hoa Kỳ hình ảnh của Edward Snowden trong công luận bắt đầu thay đổi : Cựu nhân viên tình báo người Mỹ này không còn là « kẻ phản bội » như khi anh trú ẩn ở Hồng Kông hay trốn ở phi trường quốc tế Matxcơva. Vào giữa tháng 12 năm ngoái, một trong những ông trùm của NSA, Rick Ledgett, từng nửa úp nửa mở khi cho rằng ông sẵn sàng « ân xá » cho Snowden nếu như « đứa con hư » của ngành tình báo Hoa Kỳ này ngưng tiết lộ những thông tin mật ra bên ngoài.
Đương nhiên Nhà Trắng đã lập tức bác bỏ luận điểm của Ledgett. Nhưng gần đây, nhật báo New York Times số ra ngày mồng 1 Tết dương lịch đã tỏ ra khoan hồng hơn với Snowden khi đánh giá : Những đóng góp « hết sức to lớn » của Snowden về phương diện thông tin. Do vậy, nhân vật này cần bảo đảm được có một cuộc sống xứng đáng hơn thay vì phải sống lưu vong.


Lập trường này của tờ báo đã được nhiều nhân sĩ trí thức Hoa Kỳ tán đồng. Theo một cuộc thăm dò dư luận do đài ABC và báo Washington Post thực hiện chỉ có 35 % giới trẻ ở Mỹ cho là Snowden phải bị truy tố. Nhưng tỷ lệ đó tăng lên tới 57 % đối với những người được hỏi trong độ tuổi ngoài 30. Tóm lại, dư luận Mỹ còn rất chia rẽ về số phận của Snowden !


Học trượt tuyết ở Thụy Sĩ bằng tiếng Hoa
Trước khi khép lại các tờ báo trong ngày, xin được hỏi quý thính giả rằng, theo quý vị hiện nay, trào lưu thời thượng ở trạm trượt tuyết nổi tiếng Davos của Thụy Sĩ là gì ? Davos trong hai ngày nữa là nơi đón cả ngàn phái đoàn đến dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Từ lâu nay, các đại gia Nga có thói quen đến Courchevel vùng Savoie, Rhône Alpes của Pháp trượt tuyết. Tránh « đụng hàng » với du khách Nga, các nhà tư bản Trung Quốc chọn Davos, một thị trấn nhỏ ở mãi tận miền đông Thụy Sĩ để đọ sức với thiên nhiên. Theo tờ Le Figaro, sở du lịch của Davos đang tuyển chọn thầy dậy trượt tuyết biết nói tiếng Hoa để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của những vị du khách đến từ rất xa.


Tờ báo châm biếm nhận xét : Đương nhiên, nhu cầu tuyển dụng thầy dậy trượt tuyết đó không phải là để phục vụ 5 vị khách mời người Trung Quốc đến thuyết trình tại Diễn đàn Davos, mà là để phục vụ số lượng du khách ngày càng đông đến từ quê hương Mao Trạch Đông.
Theo thống kê, có khoảng từ 5 đến 10 triệu người Trung Quốc ngày nay say mê với môn thể thao này và những thành phần có điều kiện nhất chê « bụt nhà không thiêng ». Họ chê tuyết của Trung Quốc mà chỉ thích đi nghỉ ở vùng núi Alpes hùng vĩ mà thôi.
Trong năm 2013, khối lượng du khách Trung Quốc giữ phòng khách sạn tại Davos đã nhân lên gấp ba so với mùa đông 2012. Trung bình, một du khách Trung Quốc tiêu xài nhiều gấp đôi so với một du khách người Đức.
tags: Châu Á - Kinh tế - Nợ công - Phát triển - Tài chính - Tăng trưởng - Trung Quốc - Điểm báo

No comments:

Post a Comment