Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday, 25 October 2019

Kẻ mộng du

< A >
Đỗ Trường (Danlambao) (Có những người bạn chẳng thân cũng không sơ, lúc thì thâm sâu khó lường, khi thì mộng du, ảo tưởng nông cạn. Họ mất đi, đôi khi cũng để lại một khoảng trống trong tâm hồn. Từ đó, buộc ta phải cầm bút viết về họ, như thể khép lại một chặng đường đã qua vậy).
Hắn mất ở một thành phố rất xa, sau một tuần tôi mới biết, từ báo chí của cộng đồng. Một cái chết không gây cho tôi sự bất ngờ. Bởi, đã bước vào cái ngưỡng gần thất thập, bị thiến mất một lá phổi, và thương tích chiến tranh vẫn còn găm đầy mình, song hắn vẫn giữ lối sống hoang phí ở cái tuổi hai mươi.


Mới tháng trước, hắn về Leipzig mua xe ô tô cũ, và ở lại nhà tôi ít ngày. Dù bị tràn dịch màng phổi sau một thời gian điều trị không lâu, hắn vẫn ực bia, đốt thuốc mù nhà. Cái khoản cá cược bóng đá, hoặc ngồi bấm máy Automat hắn không thể bỏ. Tuy chỉ chơi nhỏ với khoản tiền trong túi, nhưng hắn thường ngồi thông đêm. Chẳng vậy, mấy ngày ở Leipzig, cứ hai, ba giờ sáng, nhè đúng lúc vừa qua cơn trằn trọc, tôi bắt đầu thiu thiu ngủ, hắn bấm chuông gọi mở cửa. Chịu không nổi, tôi lừ hắn: Đã quá tam ba bận rồi, lần sau ngủ ngoài đường nhé. Hắn cười rất hồn nhiên, nhảy lên giường, rồi bật bia tu ừng ực...
Tôi gặp hắn lần đầu vào một chiều cuối năm 1986. Khi tôi và Hải Bia đang ngồi khật khừ ở hàng bia hơi Hoàn Béo đầu Ô Chợ Dừa, Hà Nội. Bia mới nhất tuần, chợt có chiếc Simson đỗ khự trước mặt. Một gã có lẽ, lớn hơn chúng tôi đến chục tuổi, dáng có vẻ còn thư sinh lắm, bước xuống, cười cười bắt tay Hải Bia thật chặt:
- Đến nhà, bà già bảo ông vừa biến. Đoán hôm nay ông sẽ ngồi ở đây, nên tôi mò đến. Trúng y phóc. 
Hải Bia không trả lời, gọi thêm một vại, rồi kéo ghế chỉ cho hắn ngồi xuống. Thấy hắn quay sang tôi định chào hỏi, Hải Bia giới thiệu luôn, rồi chỉ vào hắn:
- Lê Quốc Bình, tức Bình Cảnh. Một tay chơi của Bộ công nghiệp nhẹ.
Lời ra, tiếng vào trong lúc khật khừ bia rượu, biết được Bình Cảnh đang nhờ Hải Bia lấy giấy xác nhận lý lịch đủ tiêu chuẩn sang Đức lao động của An ninh (A17). Bởi, thời gian này, hắn luôn bị Cục điều tra hình sự, Bộ công an gọi hỏi về vụ làm giả giấy tờ cho một gã bạn vào làm việc ở Sông Bé. Do vậy, việc xét lý lịch sang Đức rất khó khăn, buộc hắn phải tìm đến Hải Bia. Hải Bia là kỹ sư, xuất thân từ Đại học Bách khoa Hà Nội (K22) chuyển sang Bộ công an. Tôi và Hải Bia quen biết, thân nhau qua Phạm Văn, một thương binh Quảng Nam tập kết cũng là sinh viên Đại học Bách Khoa. Thời gian ấy, Phạm Văn đang cửu vạn máy khâu từ Hải Phòng về Hà Nội cho tôi. Chuyển vào an ninh, chẳng biết Hải Bia có học nghiệp vụ ngành hay không, mà lúc quái nào cũng thấy hắn lật khật, mặt mũi tưng bừng. Dường như, muốn gặp hắn, kể cả giờ hành chính thì phải tìm đến các quán bia. Nên cái Spitzname Hải Bia vận vào hắn từ khi nào cũng chẳng hay. Tuy theo dõi Bộ công nghiệp thực phẩm, nhưng Hải Bia vẫn có thể với tay sang Bộ công nghiệp nhẹ được. Do vậy, lời hứa với Bình Cảnh của Hải Bia cứ chắc nình nịch…
Cuối thu 1988, từ Limbach- Oberfohna Bình Cảnh đến Leipzig tìm tôi. Hắn bảo, đang là thợ sửa chữa máy khâu ở xí nghiệp may mặc. Qua trường độ nặng nhẹ hơi thở của giọng nói, cảm nhận ra ngay, sự chán chường của hắn đang ở mức kịch trần. Bởi, ở Việt Nam làm giả, ăn thật, suốt ngày hắn khệnh khạng bia bọt, phét lác, rong chơi. Ở Đức buộc hắn phải vào guồng máy, khuôn khổ. Và đã đến nơi đây, chức tước, già trẻ, lớn bé đều là thằng cày thuê cuốc mướn, xé vé đồng hạng (như nhau). Sự hụt hẫng ấy, làm cho hắn sụp đổ hoàn toàn về mặt tâm lý. Và con đường quay về Việt Nam chính là sự giải thoát. Hắn lẩm bẩm với tôi như vậy. Vỗ vai hắn, tôi an ủi, động viên:
-Mới sang chưa quen thôi. Ít ngày nữa có đuổi ông cũng chẳng chịu về đâu.
Bình Cảnh ậm ừ, im lặng. Tôi liền nhắc lại cái án làm giấy tờ giả, vẫn còn treo lơ lửng trên đầu hắn, nếu quay về, và hỏi:
- Cái vụ làm giấy tờ đểu cho bạn, nếu ông không là thái tử con quan, có lẽ, nó cho ông ra bã từ lâu rồi ấy nhỉ?
Hắn cười:
- Vụ đó là cái con mẹ gì. Còn những vụ ác đòn hơn thế nhiều. Lúc nào đó, tôi sẽ kể cho ông nghe.
Thấy hắn hứng khởi, tôi hỏi tiếp:
- Vụ bạn ông, làm thế quái nào bị “nghĩa lộ“ vậy?
- Thằng đấy ham hố chết là phải thôi. Rất may sự việc chỉ đến tôi thì dừng, bằng không liên lụy đến nhiều người.
-  Sự việc thế nào, ông có thế nói rõ hơn chăng?
- Nó là bạn học. Năm 1969, chúng tôi cùng tốt nghiệp cấp 3. Để bù lại sự thiếu hụt quân số từ Tết Mậu Thân 1968, hầu như con trai khóa chúng tôi đều phải vào bộ đội. Chỉ còn lại thằng thấp bé nhẹ cân, không đủ sức khỏe như nó mới học tiếp. Đến năm 1972 lệnh tổng động viên, các sinh viên đại học cũng phải nhập ngũ, vào chiến trường. Lúc đó, nó phổng phao, đủ cân đủ lạng nhưng sợ nghẻo, chuồn về quê, rồi theo đám thợ xẻ lên rừng. Nó sống như vậy, cho đến hết chiến tranh. Năm 1978, tôi gặp lại, thấy nó vất vưởng, không giấy tờ, hộ khẩu đâm chạnh lòng. Tôi bàn bạc, và mua cho nó hồ sơ bộ đội phục viên chuyển ngành khống. Tôi dặn đi dặn lại nó, phải vào các tỉnh phía Nam xin việc, và suốt đời chỉ là một công nhân bình thường. Nó ừ ừ, cạc cạc…phấn khởi, rồi phương Nam thẳng tiến. Với vỏ bọc đó, nó được nhận vào làm công nhân lâm nghiệp tỉnh Sông Bé. Tưởng đã yên thân, và yên tâm như vậy, nhưng không ngờ, thời gian sau, nó bắt đầu quẫy đạp. Chẳng hiểu bằng cách nào, nó lọt qua cửa kiểm tra lý lịch vào đảng, và được cử đi học đại học tại chức, rồi vọt lên phó, trưởng phòng… Và đường công danh, tài lộc đang phát, thì bị phe cánh đồng chí phó giám đốc tìm ra thóp, bắt vở chọc ngoáy, khi nó vừa ngồi vào ghế giám đốc. Sự việc tóe loe, khi an ninh đến hỏi thăm, tôi mới biết. Đạn dược của nó lúc đó đủ bắn các cửa, nên không bị tù tội, nhưng buộc phải về nhà ôm đít vợ. Thật ra, vì hoàn cảnh có rất nhiều người buộc phải làm giấy tờ giả để có một cuộc sống, mưu sinh bình thường. Điều này, ai cũng có thể hiểu và cảm thông. Nhưng thằng này, không thoát ra được sự cám dỗ, đấu đá tranh giành quyền lực. Do vậy, không trước thì sau, nó phải đi điếu thôi. Tôi suýt nữa cũng toi theo nó, nếu không có ông già chống đỡ.
Bình Cảnh kể một thôi một hồi, rồi đột nhiên dừng lại, tu liền tù tì mấy chai bia, như thể vừa bỏ được gánh nặng, trút được ấm ức ở trong lòng vậy. Chờ tâm trạng hắn dịu lại, tôi bảo:
- Ông già của ông đã đến tuổi về vườn, chắc chắn không thể chống lưng cho ông mãi được. Ông yên tâm ở lại cày kiếm tiền, đỡ ngứa mắt chúng nó. Năm, sáu năm sau trở về sự việc có thể đã hóa bùn.
Hắn không trả lời, với bao thuốc châm lửa… hai mắt nhắm nghiền lại.
Có lẽ, nhắc lại án cũ làm cho Bình Cảnh chờn chờn, tởn tởn trước sự chăm sóc của An ninh chăng? Nên những lần gặp sau (tịnh) không thấy hắn than thở và muốn trở về Việt Nam nữa.
Năm 1989, mùa Thu dường như đến sớm. Mới tháng mười mà gió và rét như quất vào mặt người. Cùng đó, cơn bão tự do nổi lên, quật đổ bức tường Berlin, dẫn đến thống nhất nước Đức. Với kỹ thuật cổ lỗ, phần lớn nhà máy phía Đông phải đóng cửa. Không việc làm, dẫn đến không chỉ riêng tôi, mà dường như tất người Việt ở Đức, kể cả sinh viên và nghiên cứu sinh chạy loạn xì ngầu. Có lẽ, Bình Cảnh chợt tỉnh ngộ chẳng? Hắn không chịu nhận tiền đền bù để về nước, như phần đông các đồng nghiệp, mà chuồn thẳng sang Niedersachsen. Ở đó, hắn tự hành nghề bán hàng rong.
Sau một thời gian chạy lòng vòng, tôi lại quay về Leipzig. Thành phố thân yêu, với những kỷ niệm không thể nào quên, ngay từ buổi đầu tôi đặt chân đến Đức.
Cuối tuần, về Leipzig lấy hàng, hỏi thăm ai đó, Bình Cảnh biết tôi đang bán bia hơi và đồ ăn ở trung tâm thành phố, hắn mò đến ngay. Mấy năm không gặp, trông hắn có vẻ khí thế, đẫy đà hẳn ra. Dù vợ con ở nơi quê nhà dọa sẽ sang, hắn vẫn ẵm thêm một em mắt xanh, mỏ đỏ vừa từ Việt Nam qua tị nạn. Ngất ngưởng dìu em bước xuống từ chiếc xe BMW bóng nhẫy, hắn rất tự tin: Đây là em Hồng.
Rồi hắn nói liên chi hồ điệp, với hơi thở bắn ra toàn mùi tiền, đập vào mặt tôi cứ rát ràn rạt. Tương lai, mấy cái mẹt quần áo ngoài chợ giời của hắn trở thành công ty, thương hiệu cả thế giới phải biết tên, điểm mặt đến nơi rồi cũng không chừng. Viễn cảnh hắn vẽ ra, làm tôi cứ rung lên bần bật: Gớm, cái tính lạc quan kỳ này chẳng bù tí tẹo nào cho cái khuôn mặt gà rù của ông hồi mới sang nhỉ. Bắt tay, ôm vờ em mắt xanh mỏ đỏ, nhìn chõ sang hắn, tôi bảo vậy. Hắn cười phơ phớ: Sông có khúc, con người có lúc chớ.
Kể từ đó, tuần nào về mua hàng ở Leipzig, Bình Cảnh cũng ngủ qua đêm ở nhà tôi. Biết tôi, khoái đi chợ đồ cổ, đồ cũ. Do vậy, hôm Buss und Bettag, hay ngày lễ gì đó riêng của bang Sachsen, tôi được nghỉ làm việc, trùng với phiên chợ giời (flohmarkt) bán đồ cũ ở Braunschweig, hắn nhắn có hứng thú thì sang đi cùng…
Khi tôi tới chợ, ô đã dựng xong, Bình Cảnh và Hồng đang bày biện quần áo lên bàn. Chỗ đứng của hắn ở ngay cửa ra vào, rộng và dài nhất chợ. Một vị trí đẹp, hàng hóa đập thẳng vào mắt người qua lại. Nhìn chéo sang, thấy có một gã cũng tóc đen mũi tẹt, tuổi trạc Bình Cảnh đang chăm sóc, lau chùi mớ đồ giả cổ trên một chiếc bàn gấp bé tẹo. Ngẩng đầu lên, thấy tôi đang nhìn, gã dừng tay gật đầu chào.
Trời cuối thu, đứng lâu cái rét đã ngấm vào người. Tôi vòng quanh chợ một lần nữa, rồi sà vào hàng Glühwein. Mới tợp được vài ngụm, quay lại thấy gã bán đồ giả cổ, tay cầm ly Glühwein còn bốc khói, đứng ngay sau lưng. Tôi bắt tay gã, chào một câu tiếng Đức. Bóp chặt tay tôi, gã đáp lại bằng câu hỏi tiếng Việt, với chất giọng pha trộn, rất khó đoán người vùng nào:
- Em cũng là người Việt?
- Ồ! Vậy mà từ nãy đến giờ thằng em cứ ngỡ bác là người Thái, Phi hay Indo…chứ. Bởi, người Việt ta ở Đức hình như ít có ai buôn bán cái món này. Tôi phụt ra một tràng tiếng Việt làm gã bật cười:
- Thi thoảng mình đi chợ, bán cho vui thôi.
Câu chuyện đang đi vào chiều sâu về cuộc sống, sinh hoạt của người Việt ở hai miền Đông, Tây, đột nhiên gã hỏi:
- Cái ông bán hàng vải ở cửa chợ, nhìn rất giống một người bạn thời trai trẻ của mình. Ông ấy tên gì, và người nhà của em à?
- Không. Là người bạn lớn tuổi thôi. Anh ấy tên Lê Quốc Bình.
- Hình như, ông ấy còn cái tên khác nữa?
- Còn Spitzname Bình Cảnh. Trước đây là lính tráng có thay tên đổi họ hay không, qủa thực em không rõ. Anh đến chuyện trò thử xem, biết đâu là cố nhân.
Ực xong ly Glühwein có lẽ nóng người, tinh thần gã phấn chấn hẳn ra, theo tôi đến hàng Bình Cảnh ngay.
Trời đã về chiều, dường như chợ sắp tan. Bình Cảnh đang lùi chiếc xe ba khoang to vật vã đến gần để dọn hàng. Thấy tôi đi tay không với gã bán hàng giả cổ, Bình Cảnh nhảy xuống xe, hỏi:
- Không tăm được cái gì hợp khẩu vị hả?
- Tuy không mua được gì, nhưng tôi tìm được bác này, có thể là cố nhân của ông. Nhìn xem thấy có quen không?
Lúc này, Bình Cảnh mới quay sang gã hàng giả cổ. Phút giây im lặng,.. đến khi gã hàng giả cổ tự lột chiếc mũ, để lộ ra vết sẹo to vật trên đầu của mình, Bình Cảnh chợt vuột ra:
- Nhẫn. Nhẫn Sẹo phải không?
Gã hàng giả cổ gật đầu, rồi cũng réo tên:
- Trần Phước Long. Tao ngờ ngợ ngay từ khi nhìn thấy mày. Thật không ngờ chúng ta còn có thể gặp nhau. Và ở trên mảnh đất xa tít mù tắp này. 
Rồi cả hai cười ha hả, lao vào bá cổ và đấm bùm bụp vào bụng nhau. Tôi ngơ ngác, ngẩng tò te đứng nhìn. Lúc sau, hai gã mới rời nhau. Bình Cảnh quay sang tôi bảo, quả thật là cố nhân… 
Tuy ở Braunschweig, nhưng sống độc thân, nhà cửa chật chội, thiếu bàn tay bếp núc cho việc nhấc lên đặt xuống khật khừ, do vậy Nhẫn Sẹo đồng ý về nhà Bình Cảnh ở Helmstedt. Hàng hóa chỉ có ở trong tay nải và chiếc bàn gấp nhỏ, do vậy gã cho cả vào xe của tôi. Trên xe, chuyện trò, tôi mới biết, Nhẫn Sẹo người gốc Quảng Bình. Năm 1954, mới 5 tuổi cha mẹ đã cho lên thuyền dong duổi vào cửa biển Hội An. Ở đây gã theo cha mẹ làm nghề chài lưới. Năm mười sáu tuổi, chẳng biết đạn pháo kích của ông Nga, ông Tàu, hay của ông Mỹ, ông Hàn đang đêm bắn nát gia đình gã. Một mình sống sót, với vết thương ở trên đầu khó có thể thành sẹo. Vật vờ sống như kẻ mộng du, mấy năm sau, gã xin vào lính thám báo Mỹ. Năm 1973, Mỹ rút quân, gã chuyển sang lính Việt Nam Cộng Hòa. Sau 1975, rất may hồ sơ quân bạ thời gian đi lính thám báo, người Mỹ đã mang về nước, gã chỉ phải đi tù cải tạo một thời gian rất ngắn. Đang vật vờ khói khát, một chủ thuyền vượt biên tìm đến bảo, cần người có kinh nghiệm tàu bè biển khơi, sông nước như gã. Nếu có hứng thú đi cùng, không phải chi trả gì cả.
Vậy là, như chết đuối vớ được cọc…và gã đã đưa con thuyền lá tre ấy tới đích, rồi định cư ở Đức từ đó.
Bữa nhậu hội ngộ của hai gã rất khí thế. Nhẫn Sẹo hò hét, rượu Wodka cứ nhát một, đang khua tay múa chân, đột nhiên gục tại chỗ. Tôi và Bình Cảnh còn ngồi lai rai cho đến hết câu chuyện của hắn. Qủa thực, quãng thời gian lính tráng đầu đời của Bình Cảnh như một kịch bản vậy, mà tác giả phải là người có trí tưởng tượng thật phong phú. Nếu không trực tiếp nghe hắn kể, và gặp được Nhẫn Sẹo, thì tôi khó có thể tin, đó là sự thật…
Vừa hành quân, vừa luyện tập trên đất Camfuchia, đến cuối năm 1969, Bình Cảnh đến được Phước Long, bổ sung cho Sư đoàn 7 vừa bị thiệt hại nặng nề trong Tết Mậu Thân. Không được học hành, và tập luyện cơ bản về đại đội trinh sát là vô cùng khó khăn đối với Bình Cảnh. Tuy nhiên, bước đầu hắn được các đàn anh cùng tiểu đội kèm cặp. Trước Tết Canh Tuất (1970) tổ trinh sát của hắn mò vào một đơn vị thuộc Sư đoàn 18 bộ binh, Quân đội Việt Nam Cộng Hòa, chuẩn bị cho trận đánh vào những ngày Tết. Bị phát hiện, và súng đã nổ trong đêm. Cũng tưởng rằng, tử trận cùng với bốn đồng đội, nhưng không ngờ, chỉ một mình hắn, một lính mới tò te lại sống sót, dù dính mấy viên đạn. Bình Cảnh bị bắt, và được các y sỹ sơ cứu. Sau đó, hắn được chuyển về Tổng Y Viện Cộng Hòa tại Gò Vấp.
Được điều trị, ăn uống đối xử như những người lính Việt Nam Cộng Hòa làm cho vết thương của Bình Cảnh dường như cũng mau lành. Tuy trở thành tù binh của chiến tranh, song sự mặc cảm, khoảng cách của hắn với những người lính VNCH, và xã hội dần dần được xóa bỏ. Sự sầm uất của Saigon, nhất là những ngày tết, và con người nơi đây làm cho suy nghĩ dẫn đến nhận thức của Bình Cảnh hoàn toàn thay đổi. Do vậy, chiêu hồi là cánh cửa mở cũng như giải pháp tốt nhất mà hắn đã lựa chọn. Tuy nhiên, sự mâu thuẫn và nỗi lo sợ cho gia đình nơi quê nhà luôn ray rứt, và đè nặng lên con người hắn. Bởi, ông bố đang quan to đầu ngành của tỉnh. Nếu tin hắn chiêu hồi vọng về đó, thì bố hắn và gia đình sẽ đi tong. Do vậy, chờ được tin, xác bốn đồng đội do Quân đội Việt Nam Cộng Hòa chôn cất, hắn mới thở phào nhẹ nhõm, quyết định chiêu hồi. Bởi, cuộc nổ súng không cân sức ấy, không thấy ai trở về, chắc chắn đơn vị sẽ cho rằng, cả tổ trinh sát của hắn đã tử trận. Tin này chắc chắn sẽ được chuyển về quê hương cùng gia đình. Và tấm hình của hắn sẽ ngồi trên nóc tủ ngắm gà khỏa thân, với tấm bằng Tổ quốc ghi công là cái chắc. Vậy là, về mặt lý thuyết Lê Quốc Bình đã nghẻo. Và sau sự tẩy rửa, hắn sống lại với cái tên cúng cơm mới: Trần Phước Long.
Học tập ở trại chiêu hồi mấy tháng, rồi hắn được về Hố Nai, Biên Hòa định cư, và học nghề mộc. Nơi đây, phần đông là đồng bào Công giáo di cư từ miền Bắc, nên hắn hòa đồng rất nhanh. Được mấy tháng, chợt có thằng bạn học, cũng dân Bắc di cư, rủ hắn đi khám tuyển vào lính thám báo không số quân, do Mỹ trả lương. Nghe bùi tai, và đang chán cảnh cưa xẻ, bào đục, hắn đồng ý ngay…
Đến đây, thấy giọng kể của Bình Cảnh có vẻ hơi bị yếu và đứt quãng, tôi liền rót đầy hai ly, đẩy về phía hắn: Cạn phát cho khí thế. Hắn cầm cốc đưa lên miệng, nghĩ thế nào lại hạ xuống, chỉ vào Nhẫn Sẹo đang nghẹo đầu nghẹo cổ, gáy như sấm ở trên Sofa:
- Mấy năm làm lính thám báo, chuyến nào tôi và nó cũng đi cùng. Đầu năm 1972, cứ tưởng hai thằng đi điếu trong rừng Dak Tô rồi chứ…Số là..
Cắt ngang lời hắn, tôi hỏi:
- Này! Sau 1975 làm thế quái nào ông trở thành thương binh, được học đại học ngon lành cành đào như vậy?
Hắn cười phơ phớ, rồi giảng giải:
- Năm 1973, ông Mỹ rút, không như Nhẫn Sẹo chuyển sang lính Việt Nam Cộng Hòa, tôi trở lại Saigon, với cuộc sống đời thường. Vì tôi cảm thấy mạo hiểm thế là đủ. Vẫn cái tên Trần Phước Long, tôi làm đủ các nghề, dạt vòm khắp nơi. Đùng một phát, biến cố 30- 4-1975 xảy ra. Cũng định tìm đường ra đi, dù thế nào, tôi đã có mấy năm làm việc cho ông Mỹ. Nhưng ngay sau đó, tôi nghĩ đến gia đình, nhớ đến quê hương ngoài Bắc. Và trong lúc lộn xộn đó, dò hỏi, và biết chắc hồ sơ thám báo, người Mỹ đã đưa tất cả về nước rồi, tôi mới quyết định ở lại. Tôi cũng hy vọng ở bố tôi, có lẽ lúc này ông đã là phó hoặc chủ tịch tỉnh rồi. Bởi, ngày tôi đi lính, ông mới 40, một Trưởng ty trẻ được học hành, và có năng lực. Thế là, cái tên Lê Quốc Bình hồi sinh, quần áo nhầu nát độc bộ, lộn ngược dòng người, tôi trở về với dòng sông Đạ Huoai, với núi rừng Tây Nguyên.
- Ngày đó ông còn trẻ, nghĩ ra cái trò này, kể cũng quái thai ngâm dấm ra phết nhỉ. Và một mình sống như vậy, ông không sợ à? Chờ hắn cạn nốt chai bia, tôi hỏi vậy. Giọng hắn trầm hẳn xuống:
- Sợ gì, tôi đã được học, và rèn luyện kỹ năng sống, chiến đấu trong mọi hoàn cảnh, rồi trải qua thực tế, với những tháng ngày của người lính biệt kích. Do vậy, không riêng tôi, với thằng lính biệt kích nào cũng vậy, sống một mình giữa bản làng hoang phế là rất bình thường.
- Thế rồi sao nữa, ông tiếp tục đi.
Hắn không trả lời, nhưng hỏi lại tôi:
- Năm đầu thập niên tám mươi, ông đã từng đi qua Đạ Huoai, Bảo Lộc phải không?
- Đúng vậy.
- Thời đó, huyện lị vẫn còn hoang vu thế, thì hồi 1975 ở những buôn làng xa ông không thể tưởng tượng ra được đâu. Tuy nhiên, tôi ở đó không lâu, người dân rải rác trở về. Thấy tôi lang thang, khờ khạo, khi gặp tiếp xúc, họ nghĩ ngay, tôi là bộ đội bị thương mất trí. Do vậy, vài tuần sau, người của huyện đội tìm đến. Họ hỏi, tôi cứ ú ớ, nhe răng cười. Nhìn thấy áo quần tôi rách lòi ra những vết sẹo to vật vã, họ có vẻ hơi ái ngại. Rồi có hai người nói tiếng Bắc từ tỉnh đội đến chuyện trò. Mãi họ cũng luận ra được tên tuổi, quên quán và đơn vị cũ của tôi. Nghe họ nói, sẽ xác minh và quay lại. Và tôi không phải chờ lâu, vài tuần sau có người đàn ông lặn lội vào tìm và bảo, làm ở Ủy ban quân quản thành phố, mới ngoài Bắc vào. Rồi ông ấy đưa cho tôi bức ảnh. Liếc mắt, tôi nhận ra bố tôi đứng cùng các đồng nghiệp ở ủy ban tỉnh. Thấy tôi đuột mặt ra, người đó hỏi, có nhận ra ai không? Ngập ngừng, tôi chỉ tay vào bố tôi, giả vờ nói đứt tiếng: Bố…bố. Người đàn ông có vẻ mừng lắm bảo, vậy thì đúng rồi. Bố cháu hiện đang là Phó chủ tịch thường trực tỉnh nhà. Chú sẽ điện báo cho ông ấy ngay. Một vài tuần tới, ông ấy sẽ vào đón cháu về thôi. Bố cháu có nhờ chú chăm sóc cho cháu trong thời gian này. Bây giờ, cháu về chỗ chú nhé…
Không ngờ, tuần sau bố tôi bay vào ngay. Bố con gặp nhau, tôi vẫn phải diễn cho đến khi ông đưa tôi ngược ra Bắc về đến nhà. Khi tôi nói thật, bố tôi hơi hoảng, mắng tôi một trận. Rồi trấn tĩnh trở lại, bằng mọi quan hệ, quyền uy của mình, ông lấy lại cho tôi hồ sơ, giấy tờ từ đơn vị cũ, và khám chữa bệnh, cũng như đánh giá thương tật. Và tôi nghiễm nhiên trở thành thương binh. Năm sau, tôi vào Trường văn hóa thương binh luyện thi đại học. Và sau khi tốt nghiệp Đại học kinh tế kế hoạch, năm 1981 tôi về làm việc ở Bộ công nghiệp nhẹ, như ông đã biết.
- Giỏi, tôi phục ông. Bao năm vậy mà không bị thằng nào chọc ngoáy.
Dốc ngược ly rượu cuối cùng, tôi khen. Hắn cười:
- Giỏi chó gì! Cái chính là tôi không đảng đoàn, không ham hố tranh giành quyền lực. Chỉ khoái kiếm tiền bia rượu, vui chơi bạn bè. Vậy tôi mới có tên là Bình Cảnh…
* Đoạn kết cho một kiếp người:
Năm 2012, tuổi đã ngoài lục tuần, Bình Cảnh và Nhẫn Sẹo cũng tiết kiệm được một khoản tiền. Nghe bạn bè rủ rê mang về Việt Nam chung nhau lập công ty công teo gì đó, bấp chấp sự can ngăn của mọi người. Bởi, viễn cảnh vẽ ra cứ tươi roi rói, chắc nình nịch. Phen này, thành đại gia, chủ lớn ở cái tuổi cuối chầu là cái chắc. Vỗ đùi đen đét, Bình Cảnh nói với bạn bè vậy. Thôi thì cũng mừng cho hắn.
Một năm sau. Mùa hè, tôi đang nhặt hào, câu cua ở biển Holland, nhận được điện thoại của Bình Cảnh. Hỏi, ngày mai có thể đón hắn ở sân bay Tegel không? Tôi trả lời, không về kịp.
Mấy ngày sau, từ Holland về, thấy Bình Cảnh ngồi chờ tôi ở cửa. Nhìn hắn thấy, xuống sắc lắm. Hỏi, Nhẫn Sẹo đâu? Hắn trả lời nhát gừng, bị tăng xông chết rồi. Sao vậy, vẫn còn khỏe mà? Chúng tôi bị lừa, và bị lột sạch cả rồi. Nhẫn Sẹo không chịu nổi áp lực. Còn tôi chuồn gấp sang đây.
Khi chuyện trò, mới biết, hắn tìm và nhờ tôi đưa ra Sở lao động xin tiền, xin nhà ở và ra Sở ngoại kiều trình báo. Bởi, hắn không đủ tiếng Đức để giải thích, và khai báo, dù đã sống mấy chục năm ở Đức. Hơn nữa, hắn vẫn mang quốc tịch Việt Nam, không được phép rời khỏi nước Đức quá 6 tháng, nên hơi bị run.
Làm xong giấy tờ, từ đấy hắn cũng ít đến chỗ tôi. Thỉnh thoảng hắn có điện thoại, được biết, hắn đã xuống vùng cực Nam của nước Đức làm thuê cho một nhà hàng, quán ăn gì đó… Và rồi, hắn ra đi khi đang lái xe đưa đồ ăn cho khách hàng. Một cái chết không vợ con gia đình, không người thân bên cạnh. Âu cũng là một kiếp người, nhưng quả thật đáng buồn…
Leipzig 24-10-2019
 danlambaovn.blogspot.com

No comments:

Post a Comment