Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday, 24 October 2019

Thiếu nước sạch: Khủng hoảng sắp tới ở Việt Nam

< A >
Thuỷ Nguyễn - Vụ việc nước sinh hoạt bị nhiễm dầu thải ở Hà Nội lần này có thể sẽ kết thúc với một số thủ phạm bị buộc tội xả thải trái phép và gây ô nhiễm nguồn nước. Trong kịch bản này, công ty nước được xem là nạn nhân. Bức tranh lớn về an toàn nước công cộng như là vấn đề của sự phối hợp liên tỉnh, đầu tư cho phúc lợi xã hội và chất lượng quản trị có thể sẽ lại bị bỏ qua.

Và điều ấy lại tái diễn 
Có tới một triệu người ở Hà Nội, thủ đô Việt Nam, không có nước sạch để uống, nấu ăn và vệ sinh trong 5 ngày qua. Để đáp ứng nhu cầu cơ bản nhất về nước sạch, cư dân xếp hàng nhiều giờ để hứng từng xô nước từ từ bồn nước di động. Cảnh tượng này gợi mọi người nhớ về một Hà Nội 40 năm trước trong những ngày xã hội chủ nghĩa trước đây, khi các hộ gia đình trong những tòa nhà chung cư dùng chung toilets và bể nước. Sự cố lần này là do xả thải bất hợp pháp chất dầu thải ở đâu đó gần hồ chứa Đầm Bài, theo giải thích của công ty cấp nước Viwasupco. 
Sự gián đoạn cung cấp nước sạch hoặc thiếu nước không phải là tin mới đối với người Việt Nam bất chấp thực tế là đất nước này tương đối nhiều nước ngọt, với một mạng lưới dày đặc các con suối, sông và hồ chứa nước ngọt. Hàng ngàn hộ gia đình ở khu vực tây nam, trải dài từ Long An đến Sóc Trăng, Bến Tre và Kiên Giang, phải đối mặt với tình trạng thiếu nước hàng năm, trong vài năm qua, do xâm nhập mặn. Tình huống tương tự cũng thường xảy ra ở Đà Nẵng, một thành phố phát triển nhanh ở miền trung Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố lớn nhất với dân số 10 triệu người, cũng đối mặt với nguy cơ thiếu nước cao trong mùa khô. 
Hiện tại, không có công ty nước nào ở Việt Nam tích trữ đủ nước sạch dự trữ để cung cấp cho khách hàng của họ trong hơn vài ngày. Nếu một sự cố tương tự xảy ra với bất kỳ công ty nào khác, khách hàng của họ sẽ chịu đựng tình huống tương tự. 
Quy hoạch an toàn nước sạch đòi hỏi nhiều tư duy, tầm nhìn, trách nhiệm và đầu tư. Một công ty cấp nước sạch cần chứng minh chất lượng vận hành của mình thông qua việc cho thấy nó xử lý nhanh đến mức nào các sự cố như đổ chất thải, thời gian có thể tiếp tục cung cấp nước an toàn cho khách hàng trong bao lâu mà không khiến họ phải uống nước bẩn, hoặc trong trường hợp xấu nhất, nó có thể cung cấp nước sạch cho bao nhiêu hộ gia đình bằng bể chứa nước di động. Tất cả các thực hành này làm tăng sự an toàn cho người dân dù rõ ràng không tạo ra lợi nhuận trực tiếp. 
Nhưng cái gì sẽ làm cho giám đốc điều hành của các công ty cấp nước công cộng quan tâm nhiều hơn đến an toàn công cộng, trong khi họ không phải chịu trách nhiệm với khách hàng của họ? Mặc dù các nhà cung cấp có thể từ chối cung cấp dịch vụ nếu người dùng chậm thanh toán trong hai tháng, nhưng không có cách nào để người dùng nước yêu cầu phản hồi và đáp ứng một cách công bằng từ các nhà cung cấp. Ngoài ra, do các công ty cấp nước công cộng mặc nhiên thuộc thẩm quyền của ủy ban nhân dân tỉnh, họ thừa hưởng các đặc tính của bộ máy quan liêu Việt Nam: quản lý tập thể mà hầu như không có trách nhiệm cá nhân. Trong thực tế, mặc dù có nhiều sự cố liên quan đến an toàn nước công cộng trong quá khứ, cho đến nay có rất ít người bị xử lý. 
Phi tập hoá quyền lực và bi kịch của cộng đồng 
Hầu hết các con sông ở Việt Nam, nơi nước được khai thác cho người dân sử dụng, chạy qua nhiều tỉnh khác nhau. Do đó, đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân không bao giờ là nhiệm vụ của một tỉnh duy nhất. Thông thường, các tỉnh ở hạ lưu đông dân hơn, được hưởng điều kiện kinh tế tốt hơn và đòi hỏi nhiều nước hơn, trái ngược với các đối tác thượng nguồn thường nghèo hơn với dân số nhỏ hơn. Nước mặt, như một lợi ích và tài sản chung của cả cộng đồng, không phải để bán (hoặc nên như vậy, như một số cuộc thảo luận mới dấy lên gần đây trong Bộ Tài nguyên và Môi trường?), mà là để phối hợp quản lý. 
Không cần phải nói, chính quyền tỉnh ở khu vực thượng nguồn không thấy lợi ích nào khuyến khích mình phân bổ các nguồn tài nguyên khan hiếm để bảo vệ nguồn nước cho những người ở hạ lưu được hưởng. Ngược lại, các khu vực thượng nguồn có thể xả nước thải vào sông và vẫn có thể tận hưởng nước sạch khi họ đặt cửa lấy nước cho các nhà máy xử lý nước phía trên các điểm xả thải ấy. 
Bi kịch của dân chúng phổ biến đến mức người ta mong đợi các bên liên quan ở một quốc gia tập trung quyền lực mạnh mẽ như Việt Nam sẽ giải quyết mà không có nhiều trở ngại. Tuy nhiên, nhà nước tập trung đã hiệu quả hơn trong vấn đề ổn định chính trị. Còn ở các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế và quản lý tài nguyên, quyền ra quyết định lại khá phi tập trung. Do đó, các tỉnh cạnh tranh với nhau để thu hút nhiều dự án đầu tư, đôi khi bằng cách hạ thấp tiêu chuẩn môi trường. Cuối cùng, không có tỉnh nào bận tâm để bảo vệ cộng đồng chung. 
Không có kế hoạch phối hợp nào đủ hiệu quả để khiến các tỉnh quan tâm bảo vệ tài nguyên nước. Các tỉnh hạ nguồn không tìm thấy lý do để trả nhiều tiền hơn, trong khi những người ở thượng nguồn không hiểu tại sao họ nên đầu tư cho các phương tiện và biện pháp bảo vệ nguồn nước ấy. 
Ai bán cái gì cho ai và tại sao? 
Việt Nam đã chịu áp lực tư nhân hóa nhiều doanh nghiệp nhà nước (SOEs) hơn để đáp ứng các điều kiện của “nền kinh tế thị trường” để có thể tiếp cận tốt hơn với thị trường Mỹ và EU. Ngành cấp nước, cùng với những ngành khác, đã được đẩy theo cùng một hướng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, tư nhân hóa trong lĩnh vực này đã gây ra sự hỗn loạn lớn trên cả nước từ Bắc vào Nam. 
Có ba công đoạn chính trong cấp nước công cộng: (1) lấy nước từ nguồn đến nhà máy xử lý, (2) xử lý nước tại nhà máy và (3) phân phối nước đã xử lý vào mạng lưới đường ống. 
Trong số ba công đoạn đó, khu vực tư nhân đã quan tâm nhất đến việc xây dựng các nhà máy để xử lý nước, kế đến là phân phối nước được xử lý. Công đoạn đưa nước vào các nhà máy xử lý tại các thành phố như Hà Nội, Hồ Chí Minh và các tỉnh ven biển phía Nam không hấp dẫn về kinh doanh. Mô hình kinh doanh chủ yếu ở hầu hết các nơi là: các công ty tư nhân mua nước thô từ các công ty quốc doanh, xử lý nước tại các nhà máy nước của họ, nơi thường được quản lý hiệu quả sao cho giảm thiểu chi phí, sau đó bán nước lại đã xử lý cho công ty nhà nước. Nước được xử lý sau đó được phân phối qua các mạng lưới đường ống hiện có, có thể thuộc về một công ty nhà nước hoặc tư nhân. 
Việc cung cấp nước công cộng từ nguồn đến người tiêu dùng cuối cùng, đã trở nên ngày càng phức tạp vì quyền sở hữu không minh bạch. Câu hỏi “ai bán cái gì cho ai và tại sao” lại liên quan đến câu hỏi về việc có bao nhiêu lợi nhuận chảy vào các công ty tư nhân mà các cổ đông có thể ngồi trong Hội đồng quản trị của các công ty nhà nước thua lỗ. 
Việc tính toán bị rối hơn nữa đối với các biện pháp đảm bảo an toàn cho nước công cộng, trong quá trình xây dựng hành lang bảo vệ các kênh truyền nước thô, chuỗi các hồ chứa nước để giữ nước trước khi vào các nhà máy xử lý, hồ chứa nước được xử lý, và nhiều vấn đề khác nữa. Tất cả các hoạt động này, theo nghĩa đen, cần đến đất, tiền và ý chí chính trị. Diện tích đất lớn, đặc biệt là ở các thành phố, là rất đắt đỏ. Vốn đầu tư thì khó khăn, đặc biệt là khi nó mang lại lợi nhuận thấp hoặc không có lợi nhuận rõ ràng. Còn ý chí chính trị chỉ đơn giản là vắng mặt. 
Vụ việc ở Hà Nội lần này có thể sẽ kết thúc với một số thủ phạm bị buộc tội xả thải trái phép và gây ô nhiễm nguồn nước. Trong kịch bản này, công ty nước được tính là nạn nhân. Bức tranh lớn về an toàn nước công cộng như là vấn đề của sự phối hợp liên tỉnh, đầu tư vào phúc lợi xã hội và chất lượng quản trị có thể sẽ bị bỏ qua. 
Do đó, chúng ta có thể thấy trước là, vấn đề gián đoạn cung cấp nước công cộng, có thể xảy ra tương tự như vậy trong tương lai, ở Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh hoặc phía Tây Nam, sẽ vẫn không được giải quyết bằng những giải pháp bền vững. 
Department of Political Science, University of Oregon 

No comments:

Post a Comment