Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday, 24 October 2019

NỒI CƠM CỦA THÀY NGỌC

Ảnh của nguyenlanthang
Vũ Khắc Ngọc là tên một thầy giáo phổ thông dạy môn hoá học đột nhiên rực sáng trên Facebook Việt Nam mấy hôm nay. Đang từ một điển hình anh hùng chống tiêu cực, được báo đài khắp nơi phỏng vấn về việc phanh phui gian lận điểm thi ở Hà Giang, thầy Vũ Khắc Ngọc lại trở thành tâm điểm công kích của nhiều bạn đọc facebook, vốn là những người đang ủng hộ thầy trong việc chống tiêu cực trong giáo dục.
Nguyên do chuyện này chính là việc thầy Ngọc đã viết một status như sau:
<<<...Các thanh niên Hong Kong đang tự phá huỷ nồi cơm của chính mình, dưới sự kích động từ bên ngoài
Rất nhiều bên ở Việt Nam cũng đang theo dõi sát sao những diễn biến này vì nó mang theo rất nhiều bài học...>>>

Trong các bình luận tiếp theo, thầy Ngọc tiếp tục trình bày về bài học mà thầy rút ra, trong đó có đoạn: <<<...Trong bất kể cuộc Cách mạng màu nào, lực lượng kích động bao giờ cũng là Luật sư/Nhà báo, còn lực lượng xuống đường hăng hái nhất bao giờ cũng là thanh niên/sinh viên và người nghèo...>>> Hết trích.
Trước hết, tôi xin cảm ơn thầy Ngọc, vì thầy đã dũng cảm nói ra suy nghĩ của mình, không vòng vo, không né tránh. Thầy đã làm tốt việc này còn hơn rất nhiều vị quan chức quyền cao chức trọng khác, rất lo cho nồi cơm của mình, nhưng không dám thẳng thắn phát biểu mạnh mẽ như vậy.
Là con người, thầy Ngọc hay bất cứ ai trong chúng ta đều có nhu cầu sinh tồn. Vì thế việc nghĩ đến nồi cơm, nghĩ đến lợi ích của mình là điều hoàn toàn chính đáng. Không chỉ có thầy Ngọc, trước đây đã có thầy giáo đại tá Trần Đăng Thanh là người từng được nổi tiếng vì lên bục giảng, răn dạy 300 hiệu trưởng các trường đại học khu vực Hà Nội phải biết nghĩ đến cái sổ hưu.
Thế nhưng, thưa thầy Ngọc, thưa quý vị, con người chúng ta khác con vật ở chỗ ngoài những nhu cầu để sinh tồn, theo tháp nhu cầu Maslow đã được nghiên cứu, thì chúng ta còn có những nhu cầu cao hơn. Ấy là việc được xã hội ghi nhận, được đề cao, được yêu thương. Muốn đạt được những điều cao quý đó, không cách nào khác, con người chúng ta đôi khi phải từ bỏ, phải hi sinh những nhu cầu tầm thường mang tính động vật của bản thân, để hành động vì cộng đồng, vì người khác.
Nhìn lại lịch sử Hong Kong, nếu như không có 100 năm là thuộc địa Anh, không có 100 năm được hưởng một nền pháp trị tân tiến chuẩn mực, không có 100 năm được tự do sáng tạo, làm ăn, buôn bán... liệu người Hong Kong có được mức thu nhập và đời sống cao nhất nhì thế giới như hiện nay không? Nồi cơm của người Hong Kong đang đầy hơn của tôi, của thầy Ngọc, hay của đa số người dân Việt Nam rất nhiều đấy ạ. Chính vì thế, khi đảng cộng sản Trung Quốc thò bàn tay lông lá của mình vào mảnh đất Hong Kong, can thiệp từ chính trị, luật pháp, kinh tế, văn hoá Hong Kong, những người yêu tự do Hong Kong đã xuống đường để bảo vệ một nền văn minh vào loại bậc nhất khu vực Châu Á này. Họ từ bỏ công việc mưu sinh, từ bỏ sự an toàn bản thân, từ bỏ nồi cơm của mình... để đấu tranh giữ lấy nồi cơm của thế hệ người Hong Kong tương lai. Đó chẳng phải là điều cao quý nhất của một đời người hay sao?
Tôi chắc thầy Ngọc đã từng có cảm giác rất tự hào sung sướng khi thầy được xã hội ghi nhận và tôn vinh vì chống tiêu cực thi cử tại Hà Giang. Nhưng qua sự việc này tôi mong thầy Ngọc hãy bình tâm lại một chút, tìm hiểu thêm những kiến thức ngoài nhà trường về chính trị, lịch sử và văn hoá của thế giới. Thầy Ngọc có thể là người rất có kiến thức trong chuyên môn hoá học, nhưng những điều thầy vừa phát biểu trên facebook tôi e là hơi hồ đồ, nóng nảy.
Chúng ta chỉ sinh một lần trên đời này, với tư cách là con người. Con người ta chỉ trở nên vĩ đại khi những điều họ cho đi còn lớn hơn những điều họ có. Hãy sống sao cho xứng đáng. Đừng nhăm nhăm chỉ nghĩ đến mỗi nồi cơm, thầy Vũ Khắc Ngọc ạ.
Yêu, thương thầy!
 https://www.rfavietnam.com/node/5589

No comments:

Post a Comment