Các tranh luận trong nội bộ đảng CSVN về cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân
Việt Long, phóng viên đài RFA
Trung Tâm Việt Nam của đại học Texas Tech tổ chức cuộc hội thảo
lớn về nhiều khiá cạnh liên quan đến cuộc tổng công kích tết
Mậu thân1968, biến cố đem lại đau thương tang tóc cho hằng vạn
gia đình ở cả hai miền Nam - Bắc.
Vì sao Hà Nội phải tung ra trận tổng công kích Mậu Thân? Ai
trong bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam ủng hộ và phản bác
kế hoạch đó? Ông Hồ Chí Minh can dự ra sao? Các nhân vật khác
có lập trường thế nào? Các tư lệnh và chỉ huy chiến trường
Huế của Cộng sản đã điều động và thực hiện kế hoạch ra sao?
Đó là những đề tài đáng chú ý trong những cuộc thảo luận trong
ngày thứ nhì của cuộc hội thảo. Việt-Long tường trình tiếp
cùng quý vị trong bài sau đây, ý kiến của nhà nghiên cứu độc
lập Merle Pribbenow, nguyên là chuyên viên ngôn ngữ của cơ quan
tình báo Trung ương Mỹ CIA, làm việc tại Sài Gòn trước đây.
Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp phản đối
Nhiều người trong giới nghiên cứu của Hoa Kỳ cho rằng quan niệm
về kế hoạch tổng công kích Mậu thân là của tướng Võ nguyên
Giáp, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang miền Bắc Việt Nam.
Có người lại cho đó là của tướng Nguyễn Chí Thanh, tư lệnh quân
sự các lực lượng Cộng sản chiến đấu ở miền Nam.
Tưởng chừng còn phải chờ nhiều năm nữa mới xác minh được sự
thật, nhưng gần đây những nguồn thông tin từ Hà Nội cho thấy cả
hai vị tướng kia đều không phải là tác giả kế hoạch tổng công
kích tổng nổi dậy Mậu thân 1968.
Đó là lời của nhà nghiên cứu Merle Pribbenow trong bài thuyết
trình về biến cố tết Mậu thân. Cựu chuyên viên ngôn ngữ của cục
tình báo trung ương CIA cho biết tiếp, thực ra hai ông Hồ Chí
Minh và Võ Nguyên Giáp là hai người bày tỏ quan điểm chống lại
kế hoạch đó qua những cuộc bàn cãi sôi nổi trong bộ chính
trị đảng Cộng sản Việt Nam.
Phần trình bày của sử gia Villard tiếp tục như sau:
Quan niệm về một cuộc tổng công kích tổng nổi dậy thực ra đã
bắt nguồn từ những năm giữa thập niên 1960. Và kế hoạch đó sau
cùng đã là sản phẩm chung của tướng Văn Tiến Dũng, thuộc cấp
cao cấp nhất của tướng Giáp, và tổng bí thư Lê Duẩn, đối thủ
lâu năm của vị tướng được cả quân dân miền Bắc ngưỡng mộ và
thường gọi là anh Văn.
Tháng 12 năm 1963, Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam chấp thuận
môt nghị quyết, nguyên văn có đoạn là “một cuộc tổng công kích,
tổng nổi dậy là tối cần thiết để đạt đến chiến thắng hoàn
toàn tại miền Nam”
Tuy nhiên nghị quyết này khẳng định rằng tổng công kích tổng
nổi dậy chỉ có thể được thực hiện sau khi quân đội miền Nam
đã tan rã, để lực lượng địch không còn sức đàn áp cuộc nổi
dậy của nhân dân, là trung tâm của cuộc tổng công kích, tổng
nổi dậy.
Tháng 9 năm 1964, bộ chính trị quyết tâm đạt chiến thắng toàn
diện, điều động vào miền Nam một đại đơn vị thiện chiến đầu
tiên, với nhiệm vụ chuẩn bị tổng công kích sau khi quân đội
miền Nam bị đánh bại.
Kế hoạch của Lê Duẩn và Văn Tiến Dũng
Một kế hoạch quân sự gọi là kế hoạch X được soạn thảo, nhằm
tấn công Sài Gòn từ năm hướng, sử dụng các đơn vị đặc công
làm mũi tiến công tiền đạo, sách động dân chúng nổi dậy lật
đổ chính quyền Sài Gòn. Kế hoạch này y hệt kế hoạch được sử
dụng trong chiến cuộc Mậu thân 1968.
Bí thư thứ nhất Lê Duẩn là đồng tác giả và người chủ động
nhất trong kế hoạch này, sau đó phải ngưng kế hoạch lại vì
lực lượng Mỹ và Việt Nam Cộng Hoà vào mùa hè 1965 đã đánh
tiêu tan mọi hy vọng về tổng công kích tổng nổi dậy vào năm
đó.
Tướng Võ Nguyên Giáp không giữ vai trò chủ chốt trong cuộc
chiến ở miền Nam như ông từng giữ trong chiến tranh chống Pháp.
Tuy mang chức vụ tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang và Bộ
trưởng quốc phòng, nhưng ông chỉ là một trong 5 uỷ viên của quân
uỷ Trung ương, là cơ chế chỉ đạo chiến trường miền Nam.
Chính trị bộ thường tranh luận gay gắt về chiến lược chiến
thuật cho chiến trường này, và tướng Giáp thường ở về phía
thua cuộc. Không rõ chi tiết những cuộc tranh cãi, nhưng tin cho
hay một bên là bí thư Lê Duẩn cùng những uỷ viên người miền
Nam, bên kia là tướng Giáp và những người còn lại trong bộ
chính trị.
Hai nhân vật này đã xung khắc từ lâu. Những sự kiện được biết
chắc là năm 1956 tướng Giáp được toàn Đảng coi là ứng viên
sáng giá nhất cho chức vụ bí thư thứ nhất, thay thế Trường
Chinh. Nhưng cuối năm 1957 Lê Duẩn qua mặt ông Giáp, được bầu
chọn làm quyền Tổng bí thư. Hai người cũng mâu thuẫn về vấn
đề tái khởi phát chiến tranh ở miền Nam.
Cuộc tranh cãi kéo dài tới hai năm, cả giữa khi ra đời nghị
quyết 15. Ông Giáp có nhiệm vụ soạn thảo nghị quyết, nhưng có
tin cho là ông không đệ nạp dự thảo cho tổng bí thư Lê Duẩn
trong nhiều tháng trời. Sau này khi nhận được, ông Duẩn đã sửa
chữa nhiều điểm trước khi đưa ra Trung ương Đảng để chuẩn phê.
Mùa hè 1966, lực lượng Bắc Việt rơi vào chiến lược phòng vệ
khi quân Mỹ đổ vào ngày càng đông. Giới lãnh đạo quân sự miền
Bắc luôn luôn quan niệm rằng phải tiến công liên tục để giành
thế chủ động chiến trường.
Tháng 6 năm 1966, bộ tổng tham mưu ở Hà Nội soạn thảo một kế
hoạch cho chiến dịch Đông xuân 66-67, dự kiến đạt chiến thắng
quyết định trong năm 1967. Chiến dịch nhắm tấn công một số tỉnh
thành, đánh tan quân đội Việt Nam và gây tổn thất nặng nề cho
lực lượng Mỹ.
Tướng Võ nguyên Giáp và tướng Nguyễn Chí Thanh ủng hộ kế
hoạch này, nhưng cảnh giác rằng phải giành thắng lợi trong
những trận chiến sắp tới khi lực lượng Mỹ của tướng
Westmoreland tung ra hành quân lùng và diệt.
Những cuộc tấn công vào thành thị phải thực hiện ở quy mô
nhỏ, và chỉ tiến tới giai đoạn tổng nổi dậy ở những địa
phương chọn lựa vào khi lực lượng Cộng sản chiếm hoàn toàn ưu
thế quân sự.
Thương lượng với Mỹ
Nhưng cũng cùng tháng đó bộ chính trị quyết định mở cuộc thương lượng với Hoa Kỳ.
Quyết định được chính thức hoá vào tháng giêng 1967 khi Trung
ương Đảng chuẩn thụân nghị quyết 13, kêu gọi bàn thảo chiến
lược thương lượng với Mỹ. Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Duy Trinh
thuyết trình với Trung ương Đảng về nghị quyết 13, nói rằng
cuộc chiến đi vào bế tắc.
Người Mỹ phải chọn giữa hai giải pháp, một là phải leo thang
chiến sự trong một cuộc chiến lâu dài, hai là phải đạt một
chiến thắng nhanh chóng tạm thời làm lợi khí thương thuyết dàn
xếp và đòi hỏi những điều kịên có lợi hơn cho phía Mỹ,
trước khi diễn ra cuộc tuyển cử Tổng thống Mỹ vào năm 1968.
Ngọai trưởng Việt Nam cho rằng phía Mỹ đang gặp sự chống đối
chiến tranh từ trong nước, Tổng thống Johnson phải chọn phương
cách khác để giữ ghế Tổng thống. Điều này là cơ hội tốt cho
phía Cộng sản Việt Nam. Cộng sản sẽ đề nghị thương thuyết
nhưng vẫn tiếp tục tấn công trên chiến trường để giành ưu thế
trong lúc Tổng thống Johnson ở thế yếu vì phải đạt giải pháp
trước bầu cử.
Tuy nhiên ông Trinh nhấn mạnh rằng trước khi khởi sự thương
thuyết, lực lượng Cộng sản phải giành cho được một chiến
thắng đáng kể về quân sự để làm lợi khí cho các nhà thương
thuyết.
Nghị quýêt 13 cổ võ toàn quân tung hết nỗ lực giành một chiến
thắng quyết định, là gây tổn thất nặng cho lực lượng Mỹ và
đập tan quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Mục đích là tạo dựng
những điều kiện cần thiết cho một cuộc tổng công kích tổng
nổi dậy, lật đổ chính quyền Việt Nam Cộng hoà. Sau đó một
chính phủ liên hiệp sẽ cho người Mỹ rút quân khỏi Việt Nam mà
không mất thể diện.
Nghị quyết nhấn mạnh rằng cuộc tổng công kích tổng nổi dậy
lật đổ chính quyền là giai đoạn cuối cùng của kế hoạch, sau
khi lực lượng vũ trang của Việt Nam Cộng Hoà đã bị đánh tan.
Rõ ràng là quân miền Bắc bị cấm tổng công kích vào thành phố
trước khi đánh tan quân đội miền Nam.
Chiến dịch Đông xuân 66-67 phải được tung ra ngay trước khi quân
đội Mỹ thay đổi kế hoạch hành quân. Mục tiêu đặt ra là phải
tiêu diệt từ 3 tới 5 lữ đoàn Hoa Kỳ, giết và làm bị thương 150
ngàn quân Mỹ, đánh tan từ 5 tới 7 sư đoàn Việt Nam Cộng Hoà,
giải phóng, tức là chiếm giữ lãnh thổ với từ 5 triệu tới 8
triệu dân, chiếm Đông Hà, Quảng Trị, tấn công Huế, Đà Nẵng và
Sài Gòn.
Kế hoạch còn được duyệt đi duyệt lại vào tháng tư, tháng sáu
năm 1967. Tướng Văn Tiến Dũng, tổng tham mưu trưởng, không hài
lòng với kế hoạch này. Ông phát biểu rằng càng xem xét càng
thấy không ổn. Kế hoạch này cũng không khác gì kế hoạch trước
đó, chỉ đặt mục tiêu cao hơn thôi. Thực tế chiến trường cho
thấy không thể đạt được những mục tiêu này.
Bộ chính trị cũng không bằng lòng với kế hoạch trong nghị
quyết. Tài liệu của Việt Nam cho biết bộ chính trị thấy không
có cách nào đạt được chiến thắng quyết định trong năm 1968.
Bộ chính trị cho rằng sau hai năm chiến đấu, thực tế cho thấy
việc tiêu diệt trọn một đơn vị Mỹ cấp đại đội hay tiểu đoàn
cũng đã là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.
Cái chết của Tướng Nguyễn Chí Thanh
Sáng sớm ngày mùng 6 tháng 7 năm 1967, trước giờ xuất phát để
trở vào chiến trường miền Nam, tướng Nguyễn Chí Thanh bị triệu
chứng tim tại nhà riêng, được đưa ngay vào quân y vịên 108, nhưng
đến 9 giờ sáng hôm sau thì chết.
Cái chết của vị tướng tư lệnh chiến trường miền Nam khiến kế
hoạch phải thay đổi, và người hăng hái nhận lãnh quyền chỉ huy
đã sẵn sàng, đó là tướng Văn Tiến Dũng.
Tướng Dũng là cấp dưới trực tiếp của tướng Giáp trong cả
chục năm, làm Tổng tham mưu trưởng duới quyền tổng tư lệnh của
ông Giáp.
Hai người có nhiều khác biệt. Ông Giáp là người trí thức,
xuất thân từ gia đình quan lại, trong khi ông Dũng thuộc gia đình
nông dân, trình độ văn hoá chưa quá bậc tiểu học. Tướng Dũng
có tham vọng thay thế tướng Giáp, và âm thầm thực hiện điều
đó đã từ nhiều năm.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho một tờ báo Việt Nam năm 2004, ông
Dũng cho biết lúc tướng Thanh chết ông đã tìm gặp riêng Tổng
Bí thư Lê Duẩn, đề nghị thay đổi kế hoạch quân sự cho mìên Nam.
Như vậy là ông Dũng đã qua mặt và hành động qua đầu ông Giáp,
với người thích hợp nhất cho việc đó là ông Lê Duẩn.
Sau khi nghe ông Dũng trình bày, ông Duẩn bất ngờ phát biểu,
vậy thì tại sao mình không đẩy thẳng kế hoạch lên giai đoạn
tổng công kích tổng nổi dậy?
Ý kiến này đi nguợc với chỉ thị theo tình thần nghị quyết 13,
đốt giai đoạn, nhảy qua hẳn mục tiêu đánh thiệt hại nặng quân
Mỹ và đánh tan quân miền Nam, tiến ngay tới tổng công kích tổng
nổi dậy. Nhưng tướng Dũng lập tức đồng ý, và ông Lê Duẩn
soạn ngay chỉ thị quân uỷ Trung ương đệ trình ý kiến này cho
bộ chính trị.
Ý kiến này cũng đề nghị tướng Dũng thay tướng Giáp trong chức vụ bí thư quân uỷ Trung ương.
Vì sao tướng Văn Tiến Dũng lại ủng hộ ý kiến đầy mạo hiểm
ấy của ông Lê Duẩn? Tướng Giáp có mất quyền chỉ huy không? Ông
Hồ Chí Minh quyết định ra sao? Trong một bài phát thanh sau này
chúng tôi sẽ tường trình tiếp cùng quý vị bài thuyết trình
của nhà nghiên cứu Merle Pribbenow, cựu chuyên viên của Cục tình
báo Trung ương Hoa Kỳ. Mong quý vị đón nghe.
©
2008 Radio Free Asia
Các tin, bài liên quan
- Houston tưởng niệm 40 năm biến cố Tết Mậu Thân
- “Giải Khăn Sô Cho Huế”, RFA phỏng vấn Nhã Ca
- Những nhạc phẩm ra đời trong bối cảnh Mậu Thân 1968
- “Ai Đã Giết Người Dân Huế?” Câu Hỏi 40 Năm Chưa Trả Lời
- Vai trò của tiến sĩ Lê Văn Hảo trong biến cố Tết Mậu Thân 1968 tại Huế
- Huế 1968: Khăn Tang và Nước Mắt đường lên Ba Đồn
- Huế, 25 ngày kinh hoàng của 40 năm trước
- Huế, 40 năm sau Tết Mậu Thân, vết thương vẫn chưa lành
No comments:
Post a Comment