Covid-19 : Một đại dịch Made-in-China
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Kênh truyền hình Mỹ Fox News ngày 13/03/2020
vừa qua đã trích dẫn một bài viết của Tân Hoa Xã ca ngợi
thành tích của Trung Quốc trong việc chống dịch Covid-19, mà
tác nhân gây bệnh là một loại virus corona nguy hiểm “có nguồn gốc ở
thành phố Vũ Hán, vốn đã lan truyền ra khắp thế giới” khiến cả trăm
ngàn người bị nhiễm và cả ngàn người thiệt mạng.
Quảng cáo
Trong một bài phân tích mang tựa đề “Một đại dịch chế tạo tai Trung Quốc - A Made in China Pandemic” - đăng ngày 13/03 trên trang mạng Project Syndicate - giáo sư Brahma Chellaney, chuyên gia về địa lý chính trị thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chính Sách tại New Delhi (Ấn Độ), đã cho rằng “đại dịch Covid-19 phải là một hồi chuông cảnh tỉnh cho một thế giới vốn đã chấp nhận từ lâu nay việc Trung Quốc khống chế các chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Trách nhiệm của Trung Quốc trong việc để dịch Covid-19 lan rộng
Đối với giáo sư Chellaney, sở dĩ dịch Covid-19 lan rộng được ra trên toàn thế giới hiện nay, đó chủ yếu là vì chính quyền ở Trung Quốc, nơi con virus corona chủng mới xuất hiện, vào lúc đầu đã bịt kín thông tin về nó. Thế nhưng hiện nay, Bắc Kinh lại đang hành động như thể quyết định không giới hạn xuất khẩu các hoạt chất dược phẩm (API) và vật tư y tế - mà Trung Quốc là nhà cung ứng thống trị toàn cầu - là một hành động theo đúng nguyên tắc và hào phóng đáng được cả thế giới biết ơn.
Về quá trình Trung Quốc che giấu thông tin về con virus corona, giáo sư Chellaney đã điểm lại một số mốc chính.
Khi bằng chứng lâm sàng đầu tiên về một loại virus mới chết người xuất hiện ở Vũ Hán, chính quyền Trung Quốc đã không cảnh báo công chúng trong nhiều tuần lễ, thậm chí còn sách nhiễu, khiển trách và giam giữ những người đã phát hiện ra virus.
Đối với giáo sư Chellaney, cách tiếp cận đó của Bắc Kinh không có gì đáng ngạc nhiên: Trung Quốc có một lịch sử lâu dài về việc giết chết người đưa tin. Giới lãnh đạo Bắc Kinh đã che đậy dịch SARS, do một loại virus corona khác gây nên, trong hơn một tháng trời sau khi nó xuất hiện vào năm 2002, và giam giữ bác sĩ đã lên tiếng báo động trong 45 ngày. Dịch SARS rốt cuộc đã làm hơn 8.000 người thiệt mạng tại 26 quốc gia.
Lần này, chủ trương ém nhẹm dịch bệnh không duy trì được lâu sau khi các trường hợp nhiễm bệnh Covid-19 đến từ Vũ Hán được phát hiện ở Thái Lan và Hàn Quốc. Thông tin về những ca nhiễm ngoài Trung Quốc đó đã khiến cho giới lãnh đạo Bắc Kinh không thể làm gì khác ngoài việc thừa nhận có dịch bệnh.
Khoảng hai tuần sau khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình bác bỏ khuyến nghị của giới khoa học, đòi phải ban bố tình trạng khẩn cấp, chính phủ đã phải công bố các biện pháp ngăn chặn triệt để, bao gồm cả việc cách ly chặt chẽ hàng triệu người. Thế nhưng tình hình đã qua muộn: Hàng ngàn người Trung Quốc đã bị nhiễm Covid-19, trong lúc con virus corona đã nhanh chóng lan rộng ra quốc tế.
Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Robert O’Brien đã nói rằng việc che giấu ban đầu của Trung Quốc “có lẽ đã khiến cộng đồng thế giới phải mất hai tháng trước khi phản ứng”, làm cho dịch bệnh trên toàn cầu trầm trọng thêm.
Ngoài tình trạng khẩn cấp về y tế, làm cho hàng ngàn người chết, đại dịch đã phá vỡ hoạt động thương mại và du lịch bình thường, buộc nhiều trường học phải đóng cửa, làm rung chuyển hệ thống tài chính quốc tế và đánh đắm thị trường chứng khoán toàn cầu. Với giá dầu tuột dốc, suy thoái kinh tế toàn cầu dường như sắp xảy ra.
Đài Loan và Việt Nam: Hai ví dụ về phản ứng đúng đắn
Đối với giáo sư Chellaney, tình trạng tệ hại như kể trên đã có thể tránh được nếu Trung Quốc đã phản ứng nhanh chóng bằng cách cảnh báo công chúng và thực hiện các biện pháp ngăn chặn. Và nhà phân tích Ấn Độ đã nêu bật ví dụ tốt của Đài Loan và Việt Nam.
Đài Loan đã rút kinh nghiệm từ việc đối phó với dịch SARS trước đây, đã đưa ra các biện pháp phòng ngừa, trong đó có việc kiểm tra các chuyến bay, ngay cả trước khi dịch bệnh được tuyên bố bùng phát ở Trung Quốc. Tương tự như vậy, Việt Nam nhanh chóng tạm dừng các chuyến bay từ Trung Quốc và đóng cửa tất cả các trường học.
Giáo sư Chellaney cho rằng “cả hai ví dụ (Đài Loan và Việt Nam) đều cho thấy nhu cầu minh bạch, bao gồm việc cập nhật về số lượng và nơi xuất hiện ca nhiễm, cũng như phổ biến rộng rãi thông tin về cách bảo vệ sức khỏe, chống lại Covid-19".
Theo giáo sư Chellaney: “Nhờ có chính sách (phù hợp), cả Đài Loan lẫn Việt Nam - nơi đón lượng lớn du khách từ Trung Quốc mỗi ngày - đã kiểm soát dịch bệnh được một cách chặt chẽ. Trong khi đó thì các láng giềng chậm chạp trong việc thực hiện các biện pháp tương tự, như Nhật Bản và Hàn Quốc, đã bị ảnh hưởng nặng nề hơn rất nhiều”.
Thế giới không nên để cho Trung Quốc tiếp tục bắt bí
Trở lại với tình hình Trung Quốc, giáo sư Chellaney đã nêu bật một thực tế: Nếu bất kỳ một nước nào khác mà đã gây nên một cuộc khủng hoảng sâu rộng, chết người và nhất là có thể phòng ngừa được (như dịch Covid-19), thì giờ đây nước đó sẽ trở thành tội đồ của thế giới. Tuy nhiên Trung Quốc, với uy lực kinh tế to lớn, hầu như đã thoát khỏi sự chỉ trích.
Thế nhưng, theo giáo sư Chellaney, chế độ của ông Tập Cận Bình sẽ phải mất nhiều công sức để khôi phục lại vị thế của mình ở trong và ngoài nước.
Có lẽ đó là lý do vì sao các lãnh đạo Trung Quốc đang tự khen mình về việc đã không giới hạn việc xuất khẩu vật tư y tế và hoạt chất dược phẩm dùng trong sản xuất thuốc, vitamin và vắc-xin.
Có điều tác giả bài phân tích cũng đã tự hỏi là thái độ tự cho là “hào phóng” của Trung Quốc lần này với dịch Covid-19 liệu sẽ làm cho Trung Quốc không “nhỏ mọn” trong tương lai hay không? Đối với giáo sư Chellaney, giới lãnh đạo Trung Quốc đã có cả một quá trình tạm dừng xuất khẩu các mặt hàng chiến lược khác (như đất hiếm) để trừng phạt các quốc gia đã thách thức họ.
Vì vậy, nhà phân tích Ấn Độ cho rằng thế giới nên rút kinh nghiệm và cảnh giác với Bắc Kinh: “Chỉ bằng cách nới lỏng sự kìm kẹp của Trung Quốc trên mạng lưới cung ứng toàn cầu - bắt đầu với lĩnh vực dược phẩm - thế giới mới có thể giữ mình an toàn trước các bệnh lý chính trị của Bắc Kinh”.
No comments:
Post a Comment