Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday, 20 March 2020

New York: thành phố không bao giờ ngủ thành thị trấn ma

  • 19 tháng 3 2020
  • Bản quyền hình ảnh Getty Images
    Image caption Tàu điện ngầm vắng không một bóng người ở New York
    Khi giới chức phát đi tín hiệu báo động về sự lây lan của virus corona, đám đông ở trung tâm thành phố Manhattan đã vơi đi dần vào tuần trước. Đến sáng thứ Hai, thành phố không bao giờ ngủ này dần trở thành một thị trấn ma không bóng người.
    Bảo tàng, nhà hát và thư viện đóng cửa. Trường học đóng cửa. Các quảng trường thường ngập tràn khách du lịch và nhân viên văn phòng nay đã bị bỏ hoang. Nhà hàng và quán bar trống rỗng khi nhân viên tuân thủ lệnh giới hạn việc buôn bán và chỉ giao hàng hay cho khách mang về.
    Hàng ngàn người bị ảnh hưởng khi công việc trong các nghề như thợ cắt tóc, phòng tập thể dục và các doanh nghiệp khác phải tạm ngưng hoạt động trong một thời gian. Ở vài nơi vẫn còn đang hoạt động, viễn cảnh trên cũng sắp đến gần.
    Tại Ruchi's, một nhà hàng Ấn Độ gần Trung tâm Thương mại Thế giới, nhân viên bị giảm giờ làm việc vào tuần trước khi doanh số sụt giảm 80%. Nhưng bây giờ nơi này hoàn toàn vắng khách.
    "Bắt đầu từ hai tuần trở lại đây và tuần vừa rồi, bạn thấy đấy, thật tệ và kinh khủng", quản lý Protima Sumi nói, chỉ vào các bàn trống xung quanh.
    Sumi cho biết bà lo lắng về việc trợ cấp cho nhân viên. "Nếu chúng tôi không có tiền, chúng tôi không thể trả tiền công cho nhân viên", cô nói. "Tôi chỉ hy vọng chúng tôi sẽ sống sót."

    ‘Thật siêu thực’

    Tuần trước New York trở thành tiểu bang ở Mỹ có số người được xác nhận dương tính với virus corona cao nhất. Tính đến thứ Ba đã có hơn 1.300 ca nhiễm, phần đông sống ở trong thành phố.
    Khi các quan chức thực hiện các bước hạn chế sự lây lan của dịch bệnh - bao gồm các lệnh cấm tập trung hơn 50 người - họ đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế mà thành phố lớn nhất nước Mỹ này chưa từng trải qua.
    Theo dự báo của New York City Comptroller, ông Scott Stringer, doanh thu của các nhà hàng dự kiến ​​sẽ giảm 80%; doanh thu mua bán bất động sản và bán lẻ giảm 20%, trong khi tỷ lệ kín phòng ở khách sạn giảm xuống 20%. Và đây là dự đoán trước khi thị trưởng nói rằng ông đang xét việc ban hành lệnh giới nghiêm và lệnh cư dân phải ở trong nhà.
    "Thật bất ngờ", Patrick Conway, nhân viên xây dựng cho biết, khi ông khảo sát các sảnh vắng người của trung tâm mua sắm Brookfield Place, gần Trung tâm Thương mại Thế giới.
    Image caption Patrick Conway, người chăm sóc người bố 86 tuổi
    Ông Conway, người đang chăm sóc cho người cha 86 tuổi nói rằng ông hiểu việc mọi người tránh nơi đông đúc. Ông cũng hạn chế tương tác với người khác: tránh các nhà hàng và rạp chiếu phim, đóng gói bữa trưa và lái xe đi làm thay vì đi lại bằng xe buýt và tàu điện ngầm.
    "Tôi nghĩ đây là điều đáng sợ nhất tôi từng trải qua", ông nói. "Bởi vì nó không rõ ràng. Chúng ta không thể nhìn thấy nó và mọi người đều mang mối nghi ngờ."
    Nhưng người đàn ông 56 tuổi này cũng lo lắng rằng nơi làm việc của mình cũng sẽ bị đóng cửa như nhiều doanh nghiệp khác trong khu vực.
    "Đó là áp lực đối với người lao động tay chân, chúng tôi không có sự xa xỉ để làm việc từ xa", anh nói. "Đối với tôi về mặt tài chính, đó là một đòn giáng nặng nề. Nếu tôi không làm việc, tôi sẽ không được trả tiền."

    'Mối đe dọa nghiêm trọng nhất'

    Hàng triệu người ở Mỹ, không có ngày phép để nghỉ ốm cũng đang lâm vào tình trạng tương tự. Quốc hội hiện đang tranh luận về một dự luật sẽ dành hai tuần nghỉ bù cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng nhiều nhà kinh tế cho rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn khủng hoảng kinh tế.
    Các quốc gia châu Á đối mặt với làn sóng xâm nhập thứ hai của virus
    Virus corona có thể sống trên các bề mặt bao lâu?
    WHO cảnh báo các nước Đông Nam Á về dịch Covid-19
    Jason Furman, giáo sư tại Đại học Harvard và là cựu cố vấn kinh tế cho Tổng thống Barack Obama thời đương nhiệm, là một trong số những người đề nghị chính phủ liên bang gửi séc 1.000 đôla cho những người trên 18 tuổi và 500 đôla cho trẻ em, để viện trợ khẩn cấp.
    "Đây như thể là mối đe dọa nghiêm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính," ông nói. "Không có lý do chính đáng để nhận định nó sẽ tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng ai biết được”.

    'Chúng ta cần hành động táo bạo'

    Trên toàn quốc, các nhà dự báo đang dự đoán một sự co cụm rất lớn trong những tháng tiếp tới, khi các doanh nghiệp vật lộn với sự sụt giảm bằng cách cắt bớt nhân lực. Những công nhân bị sa thải này có khả năng sẽ bị giảm chi tiêu, vốn là động lực chính của nền kinh tế Mỹ.
    Trong một lưu ý hôm thứ Hai, các nhà phân tích tại IHS Markit cho biết nền kinh tế Mỹ sẽ thu hẹp 0,2% vào năm 2020. Nhưng phán đoán như vậy nên được cập nhật thường xuyên. Đã có người khác dự đoán con số tồi tệ hơn.
    "Hy vọng đây là một tình huống tạm thời nhưng chúng ta cần hành động táo bạo", ông Stringer nói. "Nền kinh tế của New York không chỉ ảnh hưởng đến chúng tôi mà cả nền kinh tế quốc gia và quốc tế... Mọi người đều quan tâm việc gì đang xảy ra ở đây."
    Image caption Yasser Kamel cho biết ông sẽ ở nhà vào ngày mai thay vì chuẩn bị thức ăn mà không ai mua
    Yasser Kamel, thuộc gia đình có xe bán đồ ăn di động nổi tiếng ở Zuccotti Park từ năm 1990, cho biết ông chưa bao giờ thấy việc kinh doanh tồi tệ đến vậy. Thông thường, ba người cùng phục vụ ở xe đẩy và hiếm khi không có khách hàng đứng đợi. Vào thứ hai, chỉ có mình ông với lẻ tẻ vài người khách.
    Kamel nói rằng ông có thể sẽ ở nhà vào ngày mai, thay vì lãng phí tiền để chuẩn bị thức ăn mà không ai mua.
    "Tôi không sợ dịch bệnh ... nhưng đối với người kinh doanh, đây thực sự là điều to tát”, ông nói. "Tình hình rất nghiêm trọng và ... sẽ có nhiều gia đình sẽ gặp rắc rối."

    Chủ đề liên quan

    Tin liên quan

    No comments:

    Post a Comment