Quy định bắt buộc đeo khẩu trang: Lực bất tòng tâm!
Quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng có tập trung
đông người như tại siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương
tiện giao thông công cộng... được nêu rõ trong Thông báo số 98 ký ngày
14 tháng 3 năm 2020.
Khan hiếm
Mặc dù quy định có hiệu lực từ ngày 16 tháng 3 năm
2020, tuy nhiên cho đến ngày 17 tháng 3 năm 2020, thực tế ghi nhận khẩu
trang y tế cung ứng cho việc phòng chống dịch Covid-19 đang thiếu hụt
nghiêm trọng ở một số tỉnh thành. Điển hình là Sở Y tế Nghệ An đã phải
'cầu cứu' Bộ Y tế giúp đỡ mua mặt hàng này.
Cụ thể khi trả lời truyền thông trong nước, cơ
quan chức năng tỉnh Nghệ An cho biết, các nhà thầu cung ứng mặt hàng
khẩu trang y tế đã báo cáo không có hàng cung ứng, do các nhà sản xuất
trên toàn quốc không có hàng để cung ứng cho nhà thầu.
Khẩu trang sao không thiếu, đâu có mua được khẩu trang y tế, bây giờ đang xài số khẩu trang tồn mua lúc trước. Nếu dịch mà kéo dài, là không có để xài. Thấy bệnh viện bắt đầu phát khẩu trang vải.
-Một y tá
Một y tá tại một bệnh viện ở Sài Gòn không muốn
nêu tên nói với RFA hôm 17 tháng 3 năm 2020, về tình hình thiếu khẩu
trang trong bệnh viện anh đang làm việc:
“Khẩu trang sao không thiếu, đâu có mua được
khẩu trang y tế, bây giờ đang xài số khẩu trang tồn mua lúc trước. Nếu
dịch mà kéo dài, là không có để xài. Thấy bệnh viện bắt đầu phát khẩu
trang vải, khẩu trang vải thì họ nói phải ngâm qua dung dịch nước muối,
phơi cho khô, để con virus đi qua phân tử clorua natri, cái cạnh nó bén
sẽ giết con virus.”
Chất lượng khẩu trang khó kiểm soát
Sau hai ngày áp dụng việc đeo khẩu trang nơi công
cộng, theo truyền thông trong nước, vẫn có tình trạng người đeo người
không tại các thành phố.
Trong khi chính nhà thầu khẩu trang y tế còn không
có hàng để cung cấp, nhân viên y tế cũng cho biết khan hiếm mặt hàng
này, phải dùng khẩu trang vải để thay thế, thì ở một số nơi, khẩu trang y
tế được bày bán ngay tại lề đường, với nhiều giá khác nhau.
Một người dân ở quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh nói với RFA, hôm 17 tháng 3 năm 2020:
“Em thấy khẩu trang bây giờ có thể mua được
bình thường, người ta bán ngoài đường. Em đi ngang Khu công nghiệp Tân
Bình thấy người ta bán em vẫn mua được. Giá mắc hơn, nhưng thời buổi
dịch bệnh giá mắc hơn cũng không có gì. Em thường mua 60, 70 chục ngàn
một hộp 50 cái, hồi xưa thì giá khoảng 25 ngàn.”
Theo quy định của Bộ y tế, khẩu trang y tế là một
loại mặt nạ bảo vệ được sử dụng để bịt vùng mặt, thường là mũi, miệng để
ngăn ngừa bảo vệ người đeo khỏi bị lây nhiễm các loại vi khuẩn, dịch
bệnh, bụi bặm thông qua đường hô hấp. Khẩu trang y tế muốn ngăn vi sinh
vật phải được sản xuất bằng những nguyên liệu và công nghệ đặc biệt.
Để tìm hiểu thêm RFA hôm 17 tháng 3 năm 2020 liên
lạc Đại diện doanh nghiệp sản xuất khẩu trang VietStar ở Huyện Gia Bình,
tỉnh Bắc Ninh, và được ông cho biết như sau:
“Về vấn đề khẩu trang, theo mình thấy khẩu
trang có chất lượng không theo đăng ký là nhiều, trước đến giờ thị
trường toàn thế, chứ khẩu trang y tế nó khác.”
Buôn lậu khẩu trang
Tình trạng khan hiếm khẩu trang y tế đúng tiêu
chủng được nhiều chuyên gia cho rằng do nhu cầu tăng cao đột biến và một
yếu tố nữa là xuất khẩu lậu khẩu trang ra nước ngoài. Trong thời gia
qua, rất nhiều vụ xuất khẩu lậu khẩu trang bị phát hiện như bắt giữ gần
5.000 chiếc khẩu trang y tế xuất lậu bị phát hiện ở cửa khẩu Hà Tiên,
Kiên Giang hôm 13/3; hay vụ xuất lậu hơn 160.000 khẩu trang y tế ở cửa
khẩu Tịnh Biên An Giang hôm 8/3... Hay vụ nổ cộm nhất là vào ngày 9/3,
Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Tây Ninh đã bắt giữ một chiếc xe tải vận
chuyển trái phép 527.000 chiếc khẩu trang y tế tại khu vực cửa khẩu Tân
Nam, huyện Tân Biên.
Đại diện doanh nghiệp sản xuất khẩu trang VietStar cho biết thêm:
“Cái đó thì mình nghĩ cũng thực tế thôi, ví dụ
do nhu cầu thị trường cần thì giá nó cao, những kênh nhỏ lẻ họ tận dụng
để nâng lợi nhuận, cái đó cũng có. Trước kia có mấy chục ngàn một hộp,
cái này cũng tùy thời điểm, giai đoạn mắc thấy giá lên đến 300 ngàn mỗi
hộp.”
Tôi tán thành là đảm bảo sao cho, mọi người đều được an toàn, cái đó là trên hết, còn chi phí tốn kém thì nhà nước phải chấp nhận tốn kém một số chi phí.
-Lê Văn Triết
Trở lại quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại các
nơi công cộng có tập trung đông người như tại siêu thị, sân bay, nhà ga,
bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng... Ông Lê Văn Triết,
nguyên Bộ trưởng Thương Mại, khi trao đổi với RFA hôm 17/3 cho rằng, quy
định này là cần thiết, dù cũng còn nhiều thiếu sót:
“Dịch bùng phát trở lại cũng làm cho Việt Nam
cảnh tỉnh, bớt chủ quan, về việc phòng chống virus, thì tôi thấy trong
thời gian từ đó đến nay cũng có những tiến bộ. Về mặt nhà nước,có những
quy định, chỉ thị, như bắt buộc phải đeo khẩu trang nơi công cộng, như
ra sân bay, bến xe... những quy định này tương đối rõ hơn. Tất nhiên còn
nhiều vấn đề không tránh khỏi sai sót này, sơ hở kia. Tôi thấy ý thức
của người dân và cơ quan nhà nước đến giờ tương đối khá hơn.”
Ông Lê Văn Triết tán thành việc đưa ra quy định
bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng. Theo ông, để tự nguyện người dân
đeo khẩu trang là không nên, vì sẽ có những người không tuân theo. Bất
cẩn của họ làm lây lan cho cộng đồng, cái đó còn tác hại hơn là bắt
buộc.
Nhân viên y tá ở Sài Gòn tuy đồng tình với việc
đeo khẩu trang nơi công cộng để chống lây lan là cần thiết, tuy nhiên
ông nói tiếp:
“Nhà nước mình muốn làm là làm, không biết gì
hết, anh không cung cấp khẩu trang mà bắt người ta đeo. Miễn bàn luôn.
Giống như hôm 16/3 quy định ra chỗ công cộng phải đeo mask, trong khi
hôm đó tôi coi trên mạng, ở Hà Nội nguyên dàn lãnh đạo ra thăm lăng Bác
thì đâu có ai đeo khẩu trang đâu.”
Tại cuộc họp chiều ngày 17 tháng 3 năm 2020, của
Bộ Công thương với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối khẩu trang kháng
khuẩn nhằm đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch COVID-19, có nhiều kiến
nghị cho rằng, sao không dùng ngân sách mua khẩu trang kháng khuẩn cung
ứng cho dân?
Đến cuối cuộc họp Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn
Anh đã giao tổ công tác của Bộ Công Thương phối hợp Bộ Y tế, đề xuất
Chính phủ dùng ngân sách mua khẩu trang cấp miễn phí cho người già, trẻ
em và nhiều đề xuất đảm bảo cung ứng và tiêu thụ khẩu trang cũng được
đưa ra.
Liên quan vấn đề này, nguyên Bộ trưởng Thương Mại Lê Văn Triết, nhận định:
“Tôi thấy nhà nước mà mỗi cái đều phải lo thì
rất là khó cho nhà nước, bởi vì ngân sách của nhà nước cũng eo hẹp.
Nhưng một số ý tôi tán thành là đảm bảo sao cho, mọi người đều được an
toàn, cái đó là trên hết, còn chi phí tốn kém thì nhà nước phải chấp
nhận tốn kém một số chi phí, như cách làm của Việt Nam rải ra thì tối
thấy cũng tốn kém nhiều lắm, nhưng làm thì cũng phải làm thôi.”
Tính đến cuối ngày 17 tháng 3 năm 2020, Việt Nam
có thêm 5 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số lên 66 trường hợp kể từ đầu
mùa dịch đến nay. Năm ca mắc COVID-19 mới được báo cáo đều là người trở
về từ nước ngoài. Nhằm hạn chế đầu vào, giúp chống dịch COVID-19 được
hiệu quả, Việt Nam sẽ tạm dừng cấp visa nhập cảnh đối với tất cả các
nước trên thế giới trong vòng 15 đến 30 ngày.
Tin, bài liên quan
- Thêm du khách Anh than phiền về nơi cách ly dịch COVID-19 tại Việt Nam
- Mỹ ngưng phỏng vấn cấp visa vì đại dịch COVID-19
- Lạng Sơn đề nghị đưa lao động Việt sang Trung Quốc hỗ trợ bốc xếp hàng hoá
- Xuất nhập khẩu Việt Nam trong thời dịch COVID-19
- Bệnh nhân 61 đã đi đâu trong 11 ngày trước khi phát bệnh?
- Bộ Y tế thông báo khẩn tới hành khách của 8 chuyến bay có ca nhiễm COVID-19
- Bốn tàu du lịch đường sông của Campuchia bị từ chối nhập cảng tại Việt Nam
- Công an làm việc với 654 trường hợp đưa tin COVID-19
- Cách ly 2 tổ bay có bệnh nhân Covid-19 số 54
No comments:
Post a Comment